CƠ SỞ KHOA HỌC CHO VIỆC XÁC ĐỊNH CAO TRÌNH ĐÊ<br />
TRONG KIỂM SOÁT LŨ CỦA HỆ THỐNG SÔNG HỒNG<br />
NCS. ThS. LÂM HÙNG SƠN<br />
Viện Quy hoạch Thuỷ lợi<br />
TÓM TẮT: Thực trạng hệ thống đê điều vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập. Mặc dù luôn<br />
được tu bổ nâng cấp nhưng an toàn của hệ thống đê luôn đòi hỏi sự đầu tư toàn diện<br />
không những đủ về mặt kinh phí, tránh lãng phí mà còn phải mang tính khoa học cao. Vì<br />
hệ thống đê sẽ ngày càng phải đảm bảo yêu cầu bảo vệ an toàn cho hạ du. Bài viết nhằm<br />
giới thiệu một số cơ sở khoa học mang tính định hướng chiến lược trong phòng chống lũ<br />
để từ đó xác định cao trình hệ thống đê cho hợp lý.<br />
I. Tổng quan về hiện trạng và những vấn đề có liên quan đến an toàn của hệ<br />
thống đê<br />
Hệ thống đê sông Hồng - Thái Bình được hình thành từ lâu đời, là một hệ thống đập đất<br />
được bồi trúc dần theo thời gian bằng công sức đóng góp của nhân dân. Hiện nay có tổng<br />
chiều dài vào khoảng 2.700 km. Hàng năm được đầu tư kinh phí bồi trúc nâng cấp, nhưng<br />
sự khắc nghiệt của thời tiết tạo ra sự dữ dội về lũ lụt đã quét đi bao công sức của con<br />
người. Mỗi mùa lũ qua đi để lại hệ thống đê điều phơi bày ra rất nhiều sự cố, phải huy<br />
động sửa chữa khẩn cấp tốn kém và vấn đề an toàn vẫn là mối lo ngại lớn. Do diễn biến về<br />
lòng dẫn và dòng chảy rất phức tạp cộng với việc tu bổ nâng cấp mới chỉ có đủ khả năng<br />
tập trung vào một số các điểm xung yếu thường hay xảy ra sự cố vào mùa lũ cho nên vẫn<br />
luôn tiềm ẩn những mối nguy cơ xảy ra sự cố ở những vị trí xung yếu của hệ thống đê. Sự<br />
thay đổi chế độ dòng chảy một cách phức tạp do tự nhiên cũng như do tác động của con<br />
người cộng với sự xuống cấp của quá nhiều các công trình dưới đê cho nên hệ thống đê<br />
vẫn chưa đảm bảo an toàn.<br />
Chế độ dòng chảy về mùa lũ có những diễn biến phức tạp hơn, lũ tập trung về hạ lưu<br />
nhanh hơn. Theo thực tế quan trắc (với cùng cấp lưu lượng) thì mực nước của cả 2 hệ<br />
thống sông Hồng và sông Thái Bình đều tăng lên, trong khi các hành lang thoát lũ ngày<br />
càng bị bồi lấp nhiều. Mực nước các sông ở Đồng bằng sông Hồng và vùng hạ lưu sông<br />
Thái Bình những năm gần đây có chiều hướng duy trì ở cấp báo động số 2, 3 nhiều lần hơn<br />
so với trước. Số mạch đùn, mạch sủi tăng lên, nhiều nơi xuất hiện vết nứt, sụt lở. Đặc biệt<br />
xuất hiện nhiều vết nứt chạy dọc trên thân đê.<br />
Hệ thống đê có chiều cao phổ biến từ 6 – 8 m; cũng có những đoạn cao tới 11 m, tương đối<br />
cao so với hệ thống đê trên thế giới. Trong khi chiều cao là khá lớn sẽ đòi hỏi mặt cắt<br />
ngang và nền móng phải ổn định thì ngược lại, có nhiều nơi mặt cắt ngang chưa đảm bảo<br />
mặt cắt thiết kế, thân đê tồn tại nhiều ẩn hoạ, nền móng đê thì yếu, hai bên chân đê còn<br />
nhiều thùng đấu chưa được lấp cũng gây mất an toàn cho đê.<br />
Với thực trạng như vậy, trong trường hợp xảy ra lũ có tổ hợp lũ lớn hơn lũ thiết kế, hệ<br />
thống đê sẽ phải chịu đựng áp lực lớn hơn: (i) thời gian đê ngâm nước dài hơn; (ii) cao độ<br />
đê tại một số đoạn, đặc biệt có nhiều vị trí cục bộ sẽ không đảm bảo khả năng chống tràn<br />
dễ dẫn đến sạt lở làm mất an toàn dẫn đến nguy cơ vỡ đê nhiều hơn; (iii) còn nhiều đoạn đê<br />
chưa đảm bảo mặt cắt hình học, trường hợp gặp lũ quá cao dễ xảy ra mất ổn định; (iv)<br />
nhiều đoạn thân đê yếu, chất lượng đất đắp đê kém, những đoạn thường hay có nhiều tổ<br />
mối và nhiều đoạn đê có nền đê yếu khi gặp lũ quá cao càng xuất hiện nhiều vị trí thẩm lậu<br />
mạch đùn sủi nguy hiểm; (v) hiện có khoảng 300 cống dưới đê được xây dựng từ lâu có chỉ<br />
tiêu thiết kế thấp, trong đó có gần 200 cống đang được đề nghị tu bổ nâng cấp, nối dài hoặc<br />
hoành triệt.<br />
Qua đánh giá và nhận định về thực trạng hệ thống đê, đa số các ý kiến đều cho rằng không<br />
thể tiếp tục nâng chiều cao đê lên nữa. Trong khi cần phải có thời gian dài để cho các hồ<br />
chứa thượng nguồn sông Hồng ra đời và đi vào hoạt động chống lũ cho hạ du thì rõ rõ ràng<br />
việc tu bổ nâng cấp và gia cố cho đê vẫn là giải pháp hàng đầu. Cho dù sau này khi đã có<br />
thêm các hồ chứa cắt lũ cho hạ du, hạ được mực nước cao nhưng lại duy trì mực nước thấp<br />
trong khoảng thời gian lâu hơn cũng sẽ gây mất an toàn cho đê. Do vậy, vấn đề đặt ra là<br />
cần phải xây dựng cơ sở khoa học cho việc xác định cao trình đê của hệ thống sông Hồng<br />
để từ đó làm căn cứ cho việc định hướng chiến lược lâu dài, đầu tư thích đáng và phù hợp<br />
cho công tác nâng cao mức đảm bảo an toàn chống lũ vùng đồng bằng sông Hồng – Thái<br />
Bình trong từng giai đoạn khác nhau.<br />
II. Những tác động đến sự phối hợp của hệ thống đê với các công trình<br />
phòng chống lũ khác<br />
Hệ thống công trình phòng chống lũ cho đồng bằng sông Hồng bao gồm các thành phần<br />
cấu thành như sau:<br />
1. Các hồ chứa phía thượng du sông Hồng: Hiện tại có 2 hồ chứa là Hoà Bình trên sông<br />
Đà và Thác Bà trên sông Chảy. Trong tương lai còn có thêm hồ Sơn La trên sông Đà,<br />
hồ Đại Thị trên sông Gâm và Bắc Mục trên sông Lô. Gần đây nhất Chính phủ đã có<br />
công văn số 1252 CP-CN ngày 10/10/2002 về việc thông qua qui hoạch bậc thang sông<br />
Đà gồm có 3 bậc: Hoà Bình có mực nước dâng bình thường (MNDBT) 115 m (đã hoàn<br />
thành năm 1994); Sơn La thấp quy mô công trình có MNDBT 215 m, tổ hợp Bản Chát<br />
- Huổi Quảng trên sông nhánh Nậm Mu quy mô công trình có MNDBT 370 m; Lai<br />
Châu (thuộc đoạn tuyến Nậm Nhùn) quy mô công trình có MNDBT 295 m.<br />
2. Hệ thống công trình phân lũ sông Đáy: Bao gồm các hạng mục chính như sau:<br />
- Cửa nhận nước: Tràn Hát Môn và cống Vân Cốc.<br />
- Lòng hồ Vân Cốc (Đoạn giữa đê sông Hồng và Đập Đáy).<br />
- Công trình phân lũ Đập Đáy.<br />
- Các vùng phân chậm lũ của hai huyện Chương Mỹ-Mỹ Đức (Bao gồm 57 xã).<br />
- Hệ thống đê điều và lòng bãi sông Đáy để thoát lũ.<br />
3. Các vùng phân chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng - Thái Bình: Khu Tam Nông, Vùng<br />
Thanh Thuỷ, Vùng Bất Bạt, Vùng Lâm Thao, Khu Quảng Oai, Vùng bối Vĩnh Tường,<br />
Vùng Ba Tổng, Vùng Chí Linh.<br />
4. Hệ thống đê điều: Bao gồm 45 tuyến đê sông do Trung ương và Địa phương quản lý.<br />
Các công trình nói trên có sự liên quan và hoạt động tuần tự phụ thuộc theo tình huống lũ<br />
xảy ra. Chúng đều có chung nhiệm vụ chống lũ cho đồng bằng sông Hồng, tuy nhiên tầm<br />
quan trọng số một được đặt lên cho các hồ chứa lớn ở thượng lưu. Khả năng chống lũ có<br />
hiệu quả của hệ thống công trình này còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố sau: (i) sự<br />
điều hành hoạt động của chúng, (ii) các yếu tố tác động từ phía thượng lưu như rừng và<br />
thảm phủ có thường xuyên được duy trì hay không, (iii) khả năng thoát lũ của lòng dẫn có<br />
bị cản trở và suy giảm không...<br />
II-1. Tác động của tự nhiên<br />
Qua theo dõi cho thấy những năm gần đây thiên tai trong khu vực đang có xu thế tăng lên<br />
về tính bất thường, qui mô và mức độ ảnh hưởng. Thời tiết khắc nghiệt hơn và có diễn biến<br />
rất phức tạp. Theo các nhà khí tượng thuỷ văn của Việt Nam trong thời gian tới, những vấn<br />
đề về biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng La Nina đang phát triển có thể gây ra những<br />
biến đổi khác thường về thời tiết và thuỷ văn trên thế giới. Những biến động này có thể gây<br />
ra những hiện tượng thời tiết và thuỷ văn nguy hiểm ở Việt Nam. Những năm qua, xu thế<br />
này đã rõ ở miền Trung và miền Nam nước ta. Cần cảnh giác đề phòng và nâng cao khả<br />
năng chống lũ đối với các cơn lũ lớn có thể xảy ra ở miền Bắc. Lũ lịch sử năm 1971 có lưu<br />
lượng tại Sơn Tây là 37.800 m3/s nhưng theo dự báo lũ cực hạn có thể lên tới 57.000 m3/s<br />
cũng tại Sơn Tây. Trong khi khả năng điều tiết lũ của những hồ chứa hiện có là có hạn, các<br />
hồ chứa dự kiến còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và bắt đầu xây dựng, thời gian từ khi<br />
xây dựng cho đến khi đi vào vận hành phải kéo dài từ 5-10 năm, như vậy những tác động<br />
bất thường gây ra lũ lớn sẽ tác động trực tiếp lên hệ thống đê và phụ thuộc vào khả năng<br />
dự báo và điều hành các hồ chứa Hoà Bình và Thác Bà cắt lũ sao cho hợp lý.<br />
II-2. Tác động của con người<br />
Bề mặt lưu vực, lòng sông đã biến đổi khá lớn do tác động mạnh mẽ của con người như:<br />
Phá rừng, can thiệp vào lòng dẫn bằng việc xây dựng các công trình, làm cản trở dòng chảy<br />
ở nhiều nơi và khai thác cát bừa bãi ở nhiều chỗ... làm cho chế độ thủy văn trên các con<br />
sông không còn trạng thái tự nhiên gây xói lở nơi này, bồi lắng nơi khác, đổi dòng. Theo<br />
đánh giá của dự án trong chương trình phòng chống lũ đồng bằng sông Hồng – Thái Bình<br />
về hiện trạng, xu thế diễn biến và khả năng thoát lũ cho thấy lòng bãi sông của đoạn sông<br />
Hồng từ Việt Trì đến Hà Nội đều bị nâng cao làm cho quan hệ H ~ Q tại Sơn Tây thay đổi<br />
theo hướng giảm lưu lượng khi cùng cấp mực nước. Đường quan hệ mực nước giữa các<br />
trạm thay đổi theo hướng trạm trên tăng lên nhiều hơn trạm dưới. Mạng lưới sông Hồng –<br />
Thái Bình vốn đã có chế độ dòng chảy rất phức tạp nay lại có những diễn biến phức tạp<br />
hơn bởi những tác động trên dẫn đến khả năng xuất hiện đỉnh lũ đồng thời tại các nhập lưu<br />
cao hơn và tỷ lệ phân lưu lượng vào các nhánh biến đổi khó lường. Do đó rất khó định<br />
hướng cho việc xác định mực nước lũ thiết kế cho từng tuyến đê. Sự phân bố lại lưu lượng<br />
đối với các nhánh trong hệ thông sông có những thay đổi đáng kể, có thể thấy qua các<br />
nghiên cứu đánh giá gần đây của Viện Qui hoạch Thuỷ lợi và Viện Khoa học Thuỷ lợi.<br />
Lượng nước của sông Hồng chuyển sang sông Thái Bình qua sông Đuống ngày một tăng.<br />
Thời kỳ 1956-1989 bình quân mùa lũ là 24,5% và mùa kiệt là 19,9% lượng nước qua Sơn<br />
Tây, đến thời kỳ 1990-1994 đã tăng lên 27% vào mùa lũ và 24,6% vào mùa kiệt (nếu tính<br />
trung bình nhiều năm thì trước khi hồ Hoà Bình tích nước là 24% và sau khi tích nước tăng<br />
lên 27%).<br />
Các cửa sông bị bồi lắng ngày càng nhiều do tác động của cả tự nhiên và con người mà<br />
không có khả năng nạo vét làm cho lũ đã cao lại càng dềnh cao thêm. Đặc biệt ở vùng hạ<br />
lưu sông Thái Bình, lòng dẫn thay đổi đáng kể làm cho mực nước ở Phả Lại tăng lên so với<br />
trước, vì vậy hầu như năm nào cũng có lũ trên báo động 3 và kéo dài nhiều ngày. Việc suy<br />
giảm khả năng thoát lũ của một số cửa sông ngoài nguyên nhân lòng sông bị bồi lấp còn do<br />
tình trạng quai đê bối làm co hẹp mặt cắt ngang, đê bối được quai đắp nhiều cấp, nhiều<br />
tuyến. Ví dụ: Đoạn ngã ba sông Hoá – Thái Bình; đoạn Phà Quí Cao đến ngã ba Thái Bình<br />
– sông Mới; đoạn sông Văn Úc từ Xuân Dương đến cửa biển… Theo đánh giá của đề tài<br />
nghiên cứu thoát lũ và biện pháp ổn định tăng thoát lũ bảo vệ đề điều do Viện Khoa học<br />
Thuỷ lợi tiến hành, sự suy giảm lòng dẫn chủ yếu xảy ra trên bãi sông.<br />
Việc ngăn sông mở luồng theo hướng tự phát hoặc tiến hành khi nghiên cứu chưa được kỹ<br />
lưỡng do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua cũng đã gây ảnh hưởng<br />
không nhỏ đến khả năng thoát lũ làm cho mực nước dâng cao và biến động.<br />
II-3. Những vấn đề tồn tại của vùng phân lũ sông Đáy<br />
a. Phía cửa vào sông Đáy<br />
Theo thiết kế thì khả năng phân tối đa của cống Vân Cốc là 2.300 m3/s, tràn Hát Môn<br />
là 2.700 m/s. Hiện nay hai cửa nhận nước khó có thể truyền tải được đủ lưu lượng thiết<br />
kế vì :<br />
- Phía thượng lưu và hạ lưu cống Vân Cốc bị bồi cao hơn cả cao trình tràn Đáy. Biện<br />
pháp xử lý chỉ là tạm thời vì hàng năm khi có lũ lớn tràn bãi thì lượng phù sa sông<br />
Hồng lại tiếp tục bồi đắp như cũ.<br />
- Đoạn tràn Hát Môn với chiều dài 8.670 m đã có nhiều biến đổi, cửa tràn mặt không<br />
còn thuận và bị cản trở bởi nhà cửa kiên cố và bán kiên cố xây dựng hai bên bờ đê<br />
sông Hồng.<br />
b. Lòng hồ Vân Cốc<br />
Dung tích chứa thiết kế đến cao trình 14,0 m là 196 triệu m3. Từ năm 1975 đến nay việc<br />
cải tạo lòng hồ không được bao nhiêu. Ngược lại sự phát triển dân sinh kinh tế vùng<br />
lòng hồ có ảnh hưởng xấu đến khả năng chứa và tải lũ.<br />
Theo kết quả khảo sát bình đồ tỷ lệ 1/5.000 vùng lòng hồ Vân Cốc tháng 9/1999. Dung<br />
tích đến cao trình 14,0 m chỉ còn là 159 triệu m3, như vậy đã suy giảm khoảng 40 triệu<br />
m3.<br />
c. Đập Đáy<br />
Hiện tại đủ khả năng tháo 6 cửa cùng một lúc (cửa số 1 phía bờ tả Đáy do bị xói sâu nên<br />
đã hoành triệt, hiện nay chỉ còn 6 cửa từ cửa số 2- 7). Khả năng thoát lũ qua Đập Đáy<br />
còn phụ thuộc mực nước giữa thượng lưu và hạ lưu đập. Theo đánh giá thì khả năng<br />
thoát tối đa chỉ vào khoảng từ 2.500 – 3.500 m3/s.<br />
d. Lòng dẫn và bãi tràn sông Đáy<br />
Thực tại đã có một số công trình giao thông xây dựng làm co hẹp lòng, bãi tràn như Cầu<br />
Mai Lĩnh, đường cao tốc Hoà Lạc. Đây sẽ là một vấn đề lớn, cản trở cho việc thoát lũ<br />
sông Đáy, làm dâng mực nước sông đe dọa toàn tuyến đê tả và hữu Đáy.<br />
e. Khu chứa lũ Chương Mỹ - Mỹ Đức<br />
Các đường tràn giữa các ô chứa lũ thuộc hai huyện Chương Mỹ - Mỹ Đức hiện nay đã<br />
thay đổi nhiều. Qua khảo sát thực địa, nhiều tuyến tràn không còn hình dáng như thiết<br />
kế ban đầu. Nhà cửa và cây cối xâm phạm sát đường tràn, dẫn đến khả năng truyền tải<br />
lũ ngày một suy giảm, dung tích chứa lũ của 13 tiểu vùng chưa chắc đủ đảm bảo theo<br />
yêu cầu thiết kế ban đầu.<br />
III. Mực nước thiết kế đê sông<br />
Do địa hình lòng dẫn đã có nhiều biến đổi, mực nước lũ có thiên hướng tăng cao... cho nên<br />
qui định mực nước trên các triền sông theo Thông tri số 1185 TTR/ĐĐ ban hành ngày<br />
07/7/1977 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi (cũ) cần phải được xem xét lại cho phù hợp với điều<br />
kiện lòng dẫn hiện nay, và từ đó làm căn cứ cho việc xác định cao trình đê. Hiện nay Bộ<br />
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang trình Chính phủ phê duyệt Qui hoạch phòng<br />
chống lũ đồng bằng sông Hồng, trong đó có đề nghị tiêu chuẩn chống lũ cho vùng hạ du<br />
cho giai đoạn ngắn hạn khi chưa có hồ chứa Sơn La và Đại Thị là chống lũ như lũ tháng<br />
8/1971, có lưu lượng lớn nhất tại Sơn Tây là 37.800 m3/s. Đối với hệ thống đê sông Hồng<br />
phải chống lũ với lũ có mức nước lũ thiết kế 13,6 m tại Hà Nội (tương đương cao độ 13,40 m<br />
theo cao độ Quốc gia). Đối với đê cấp I, II, III lấy mực nước lũ thiết kế tương ứng với 13,30 m<br />
ở Hà Nội. Đối với hệ thống đê sông Thái Bình lấy mức nước lũ thiết kế 7,4 m tại vị trí Phả Lại<br />
(tương ứng với mức 13,30 m ở Hà Nội). Nếu được phê duyệt thì đây sẽ là cơ sở định hướng<br />
chiến lược cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình chống lũ, làm cơ sở cho việc<br />
lập qui hoạch chi tiết cho từng tuyến đê. Do mực nước trên các triền sông đã có nhiều thay đổi,<br />
việc lấy mực nước thiết kế đê theo thông tri số 1185 TTR/ĐĐ đến nay không còn phù hợp, do<br />
vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành quyết định số 59/2002/QĐ-BNN<br />
ngày 3 tháng 7 năm 2002 về việc quy định mực nước thiết kế cho các tuyến đê thuộc hệ<br />
thống sông Hồng, Thái Bình. Đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã<br />
ban hành tiêu chuẩn nghành: 14 TCN 122-2002 Tiêu chuẩn phòng, chống lũ đồng bằng<br />
sông Hồng (ban hành kèm theo quyết định số 60 / 2002 / QĐ-BNN ngày 5 tháng 7 năm 2002).<br />
Tiêu chuẩn này quy định về tần suất phòng, chống lũ cho vùng đồng bằng sông Hồng và mực<br />
nước đảm bảo chống lũ cho đê từ cấp III trở lên của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.<br />
Để sơ bộ đánh giá được mức độ nguy hiểm của lũ lớn có thể xảy ra mà đê phải chịu, dự án<br />
trong chương trình phòng chống lũ đã tính toán hai khả năng xuất hiện lũ như sau:<br />
- Tổ hợp lũ tháng 8/1971 gặp triều cường và bão cấp 9-11.<br />
- Tổ hợp lũ tần suất 250 năm gặp triều cường và bão cấp 9-11.<br />
Quá trình đối chiếu cao độ mặt đê với cao độ mực nước mới thấy rằng, các tuyến đê trên<br />
hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình còn thiếu cao độ so với yêu cầu thiết kế mới, có thể<br />
tóm tắt thành 3 loại sau:<br />
- Cao trình mặt đê cao hơn mực nước mới nhưng còn thiếu độ cao gia thăng.<br />
- Cao trình mặt đê xấp xỉ mực nước thiết kế mới.<br />
- Cao độ mặt đê thấp hơn mực nước thiết kế mới.<br />
Kết quả tính toán cho ta thấy, khi mực nước tăng lên không những hàng loạt các đoạn đê bị<br />
thiếu cao trình cần phải tôn cao, áp trúc chống tràn mà còn có khả năng xuất hiện nhiều vị<br />
trí đê, kè, cống không đảm bảo độ ổn định về thấm, trượt ngay cả khi đã được xử lý ổn<br />
định khi đê làm việc với đường mực nước cũ.<br />
Đó mới chỉ là những kết luận thông qua những số liệu có thể theo dõi được, trong thực tế<br />
còn có thể có những vấn đề chưa thể lường hết được do chưa có đủ điều kiện nghiên cứu,<br />
theo dõi kỹ lưỡng. Do vậy tình hình đặt ra là phải có những qui hoạch chi tiết cho từng<br />
tuyến đê để lấy đó làm căn cứ cho những hoạch định chi tiết tiếp theo.<br />
IV. Đề xuất cơ sở khoa học<br />
Rõ ràng khi xem xét cơ sở khoa học cho việc xác định cao trình hợp lý của hệ thống đê,<br />
hay việc sử dụng các công trình phân chậm lũ cũng đều phải xét đến mối quan hệ ràng<br />
buộc của chúng trong kịch bản phát triển của lưu vực trên mọi khía cạnh (xem sơ đồ 1 dưới<br />
đây):<br />
Điều kiện tự nhiên.<br />
Điều kiện kỹ thuật, công nghệ, trình độ quản lý.<br />
Điều kiện phát triển dân sinh – kinh tế – xã hội.<br />
Qua việc xem xét, phân tích mối quan hệ ràng buộc nói trên, có thể nhìn nhận một cách<br />
tổng quát nhất cở sở khoa học cho chiến lược phòng chống lũ của đồng bằng sông Hồng –<br />
Thái Bình nói chung (xem sơ đồ 2) đó là sự nhìn nhận, đánh giá và những tác động kịp thời<br />
đúng đắn vào từng giai đoạn của chu trình phát triển dân sinh - kinh tế - xã hội của vùng<br />
đồng bằng đặt trong kịch bản phát triển lưu vực sông. Khả năng bảo vệ của hệ thống đê sẽ<br />
phải đáp ứng được yêu cầu của chu trình phát triển này trên cơ sở có xét đến mối quan hệ<br />
ràng buộc tự nhiên – xã hội; thực trạng và khả năng nâng cấp (qua đánh giá và tính toán sơ<br />
bộ như đã nêu ở trên). Qua đây cho thấy rằng cần phải có quy hoạch chi tiết và những tính<br />
toán kỹ thuật chi tiết hơn. Các phân tích, đánh giá nêu trên cũng cho thấy rằng giới hạn về<br />
chiều cao chung của hệ thống đê đã ở giới hạn cuối cùng không thể nâng cao hơn được<br />
nữa. Nói như vậy không phải là không cần đầu tư lớn hơn cho việc tu bổ nâng cấp cho hệ<br />
thống đê mà đòi hỏi sẽ phải nâng tầm đầu tư hơn nữa thông qua các việc như: Tiếp tục tu<br />
bổ nâng cấp thường xuyên cho đủ cao trình và mặt cắt thiết kế (độ cao gia thăng và mái<br />
dốc tập trung ở các vị trị xung yếu cục bộ và một số đoạn của các tuyến đê vùng cửa sông);<br />
tăng cường việc cứng hoá mặt đê kết hợp với giao thông và làm đẹp cảnh quan; xử lý<br />
những vị trí xung yếu trong thân và nền đê. Có như vậy hệ thống đê mới có thể hoạt động<br />
an toàn với mực nước cao khi chưa xây dựng xong các hồ chứa lớn ở thượng nguồn như<br />
hiện nay và sau này phải chịu đựng mực nước tuy không cao nhưng thờ gian ngâm nước<br />
lâu hơn khi các hồ chứa đó đi vào vận hành.<br />
<br />
<br />
Hình thế Gìn giữ, tái tạo, phát triển rừng phòng hộ<br />
thời tiết<br />
<br />
Các vấn đề thực trạng của hệ thống đê<br />
<br />
Công<br />
tác Các vấn đề về lòng dẫn và khả năng thoát lũ vùng<br />
quản lý, cửa sông<br />
điều<br />
hành<br />
Hệ Hoạt động của các công trình PCL hiện có<br />
thống<br />
<br />
<br />
Kế hoạch XD các công trình PCL mới<br />
Kiến tạo tự nhiên bề<br />
mặt lưu vực<br />
Xem xét việc loại bỏ 1 số vùng phân chậm lũ khi có<br />
thêm CT PCL. Điều kiện làm việc mới của HT đê.<br />
XEM XÉT ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN DS – KT – XH<br />
TRÊN TOÀN LƯU VỰC<br />
<br />
<br />
<br />
Sơ đồ 1. Mối quan hệ ràng buộc khi xem xét cơ sở khoa học cho việc xác định hợp lý<br />
cao trình hệ thống đê và việc sử dụng các công trình phân chậm lũ<br />
1. Tầm nhìn, Chiến lược 2. Xác định TC chống lũ<br />
phát triển Kinh tế - Xã cho vùng ĐB căn cứ vào:<br />
hội vùng đồng bằng châu Thực trạng của các CT<br />
thổ và lưu vực sông. hiện có; định hướng CL<br />
PT KT-XH; khả năng<br />
4. Kiểm định, điều chỉnh XD thêm các CT mới.<br />
cho phù hợp với thực tế.<br />
5. Nâng cao mức đảm<br />
bảo; bỏ một số vùng<br />
chậm lũ…<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
3. Xác định qui mô các<br />
công trình dự kiến cho<br />
phù hợp. Sớm xây dựng<br />
và đưa vào hoạt động.<br />
6. Tập trung vào công<br />
tác điều hành, vận hành,<br />
duy tu...<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Sơ đồ 2. Tổng quan về cơ sở khoa học cho chiến lược phòng chống lũ<br />
đồng bằng sông Hồng – Thái Bình<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
1. Trịnh Quang Hoà, Trường Đại học Thuỷ lợi. “Nghiên cứu xây dựng công nghệ<br />
nhận dạng lũ thượng lưu sông Hồng phục vụ điều hành hồ Hoà Bình chống lũ<br />
hạ du”. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, tháng 7 năm 1997.<br />
2. Viện Quy hoạch Thuỷ lợi; Cục Phòng chống Lụt bão và Quản lý Đê điều.<br />
“Đánh giá chất lượng và yêu cầu tu bổ nâng cấp hệ thống đê chính hạ lưu sông<br />
Hồng và sông Thái Bình", 12/1998.<br />
3. Vũ Hồng Châu, Lâm Hùng Sơn. “Đánh giá khả năng tải lũ của hệ thống phân lũ<br />
sông Đáy, sử dụng hợp lý hệ thống phân lũ để hạ thấp mực nước sông Hồng với<br />
lũ có tần suất đặc biệt lớn”. Chuyên đề nhánh thuộc đề tài nghiên cứu khoa học<br />
cấp Nhà Nước “Nghiên cứu thoát lũ và biện pháp ổn định tăng khả năng thoát<br />
lũ bảo vệ đê điều đồng bằng Bắc Bộ”, tháng 2 năm 2001.<br />
4. Viện Quy hoạch Thuỷ lợi. “Phân tích các tác nhân gây ra lũ lụt ở đồng bằng<br />
sông Hồng; xác định quy luật hình thành lũ lớn; đánh giá sự gia tăng lũ do yếu<br />
tố con người”. Chuyên đề nhánh thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà<br />
Nước KC.08-13 “Nghiên cứu thoát lũ và biện pháp ổn định tăng khả năng thoát<br />
lũ bảo vệ đê điều đồng bằng Bắc Bộ”, tháng 2 năm 2001.<br />
5. Vũ Hồng Châu, Lâm Hùng Sơn. “Cơ sở khoa học cho việc điều hành các giải<br />
pháp kiểm soát lũ lụt”. Chuyên đề nhánh thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp<br />
Nhà Nước KC.08-13, năm 2002.<br />
6. Viện Quy hoạch Thuỷ lợi; Cục Phòng chống Lụt bão và Quản lý Đê điều.<br />
“Đánh giá thực trạng đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Xác định<br />
trọng điểm xung yếu và các giải pháp xử lý đối phó với các cơn lũ lớn xảy ra”.<br />
Thuộc “Chương trình phòng chống lũ đồng bằng sông Hồng - Thái Bình”, năm<br />
2002.<br />