Cơ sở pháp lý trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Bình Dương
lượt xem 3
download
Bài viết "Cơ sở pháp lý trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Bình Dương" giới thiệu khái niệm của UNESCO về di sản văn hóa phi vật, cách định danh di sản văn hóa phi vật của pháp luật hiện hành ở Việt Nam; tổng quan một số di sản văn hóa phi vật tiêu biểu của Bình Dương, giới thiệu những cơ sở pháp lý cơ bản trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật ở tỉnh Bình Dương;... Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Cơ sở pháp lý trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Bình Dương
- CƠ SỞ PHÁP LÝ TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ Ở BÌNH DƯƠNG Trần Thị Mỹ Xuân1 1. Trường Đại học Thủ Dầu Một. Email: xuanttm@tdmu.edu.vn TÓM TẮT Ở mỗi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) là phần “hồn” của một nền văn hóa. Đó là chất liệu gắn kết cộng đồng, là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới, và là phương tiện để giao lưu văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong môi trường xã hội đương đại, từ sự tác động của nhiều yếu tố, không ít DSVHPVT của dân tộc đang mai một, thay đổi và đứng trước nguy cơ biến mất. Vì lẽ đó, bảo tồn và phát huy DSVHPVT của dân tộc là việc làm cần thiết, thậm chí là cấp thiết. Tuy nhiên, hoạt động này cần được triển khai trên những nền tảng pháp lý quốc gia phù hợp, trên những công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tiếp cận từ quan điểm đó, tác giả cấu trúc bài viết gồm các nội dung cơ bản sau: Giới thiệu khái niệm của UNESCO về DSVHPVT, cách định danh DSVHPVT của pháp luật hiện hành ở Việt Nam; Tổng quan một số DSVHPVT tiêu biểu của Bình Dương, giới thiệu những cơ sở pháp lý cơ bản trong công tác bảo tồn, phát huy DSVHPVT ở tỉnh Bình Dương; Đặt ra một số vấn đề trong việc bảo tồn, phát huy DSVHPVT ở Bình Dương từ khía cạnh pháp lý. Từ khóa: Bảo tồn, Bình Dương, di sản văn hóa, pháp lý. 1. MỞ ĐẦU Khái niệm di sản văn hóa phi vật thể: Theo UNESCO, “Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng, các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người (UNESCO, 2003). Như vậy, UNSECO đã cụ thể hóa tính trừu tượng của DSVHPVT thông qua các dạng tồn tại cụ thể như tập quán, biểu đạt tri thức, kỹ năng, các công cụ đồ vật, đồ tạo tác, các không gian văn hóa có liên quan…Đó là phần cốt lõi bên trong, phần “hồn” của DSVHPVT mà UNESCO ghi nhận dưới khía cạnh ý nghĩa của di sản đối với đời sống cộng đồng. Ở Việt Nam, DSVHPVT là bộ phận cấu thành những giá trị di sản văn hóa dân tộc, nó được hiểu “là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền 126
- nghề, trình diễn và các hình thức khác (Văn phòng Quốc Hội, 2013). Nghị định 98/2010/NĐ- CP của Chính phủ xác định rõ những thành tố của DSVHPVT gồm: Tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Về cơ bản, Việt Nam đã tiếp thu quan điểm của UNESCO về nội hàm của khái niệm DSVHPVT. Từ các khái niệm trên có thể thấy tính chất của DSVHPVT là những giá trị văn hóa thiên về tinh thần, gắn với một cộng đồng nhất định, được cộng đồng đó tiếp nối, kế thừa và bồi đắp, phát huy, phát triển qua nhiều thế hệ. Do đó, khả năng thay đổi, biến đổi các giá trị của DSVHPVT thường cao hơn, linh hoạt hơn so với di sản văn hóa vật thể. Đây cũng chính là một vấn đề rất đáng quan tâm trong việc xây dựng những cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của DSVHPVT ở Việt Nam. Ngoài ra, DSVHPVT đại diện cho bản sắc văn hóa của cộng đồng, phản ánh lối sống, cách sống thông qua những phong tục, tập quán. Hay nói cách khác, chính cộng đồng là chủ thể trực tiếp sinh ra, nuôi dưỡng, bảo vệ và thụ hưởng các giá trị DSVHPVT. Do đó, trong công tác bảo tồn, phát huy DSVHPVT ở Việt Nam, cũng như tại tỉnh Bình Dương, các bên liên quan, đặc biệt là những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trong việc truyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân cần xem cộng đồng sinh ra và nuôi dưỡng các DSVHPVT là chủ thể mục tiêu chính để tuyên truyền. Việc làm này sẽ giúp cộng đồng nâng cao nhận thức pháp lý về DSVHPVT, từ đó ý thức rõ hơn, tốt hơn về vai trò, trách nhiệm của họ trong việc bảo tồn, phát huy DSVHPVT. Về phương pháp nghiên cứu: Tác giả sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp từ các nguồn tài liệu thứ cấp là chính. Với phương pháp nghiên cứu này, tác giả mong muốn chuyển tải thông điệp rằng: Ở phạm vi quốc tế cũng như tại Việt Nam, công tác bảo tồn, phát huy DSVHPVT đã có cơ sở pháp lý tương đối vững chắc, đầy đủ. Tuy nhiên, để công tác này phát huy được hiệu quả, cơ quan thực thi cần quan tâm nhiều hơn đến vai trò của cộng đồng sản sinh ra di sản; Cần nhận diện những thách thức, rủi ro từ môi trường xung quanh để có những giải pháp bảo tồn, phát huy di sản kịp thời, phù hợp. 2. MỘT SỐ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TIÊU BIỂU Ở BÌNH DƯƠNG Căn cứ theo Điều 2 của Nghị định số 98/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Di sản văn hóa, chúng ta có thể nhận diện một số DSVHPVT tiêu biểu của tỉnh Bình Dương như sau: Lễ hội Chùa Bà (còn gọi là lễ hội Rằm tháng Giêng) Đối với hầu hết người Hoa ở Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung, Thiên Hậu Thánh Mẫu là một trong những nữ thần có vị trí quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng của mình. Theo ông Huỳnh Ngọc Đáng và cộng sự, tính đến năm 2010, toàn tỉnh Bình Dương có 07 cơ sở thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Tùy tập tục của mỗi cộng đồng mà các cơ sở thờ tự này có những ngày cúng lễ, hội lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, lễ hội được tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng, tại Thiên Hậu cung ở phường Phú Cường, thành phố.Thủ Dầu Một là tiêu biểu nhất. Lễ hội này có nhiều nội dung khác nhau, nhưng phần cung thỉnh Bà Thiên Hậu du xuân qua các phố quanh nơi thờ tự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thu hút đông đảo người dân tham dự. Phần này thường bắt đầu từ 14 giờ ngày Rằm tháng Giêng. Khi ấy, các con đường mà đám 127
- rước đi qua người đứng chen chân chật như nêm, hàng chục đoàn múa lân thay nhau múa lạy hầu Bà và hộ tống Bà du xuân (Huỳnh Ngọc Đáng và cộng sự, 2010). Dù Lễ hội Chùa Bà diễn ra tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nhưng không chỉ thu hút cộng đồng người Hoa ở Bình Dương, mà còn có sự tham gia rất đông đảo người Hoa và các tộc người khác trong và ngoài tỉnh Bình Dương. Qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, Lễ hội Chùa Bà tại Thủ Dầu Một không chỉ là một sự kiện nhằm thỏa mãn nhu cầu niềm tin, tín ngưỡng thờ mẫu của một bộ phận cư dân, mà còn là biểu tượng cho tính cố kết cộng đồng của tộc người Hoa, giữa tộc người Hoa và các tộc người khác ở vùng Đông Nam Bộ. Điều này vừa có giá trị tích cực trong công tác bảo tồn DSVHPVT, vừa có ý nghĩa trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Lễ hội Đình Trước đây, trong một năm tại các ngôi đình Nam Bộ nói chung và Bình Dương nói riêng có rất nhiều ngày lễ như lễ Đưa thần (25-12), lễ Rước thần (30-12), lễ Khai sơn (7-1), lễ Thượng Nguyên (15-1), lễ Trung Nguyên (15-7), lễ Hạ Nguyên (15-10), lễ Kỳ Yên (cầu an), lễ Tống phong, lễ Niêm ấn, lễ Khai ấn,…Tuy nhiên, ở Bình Dương ngày nay chỉ còn lại lễ Kỳ Yên, hay nhiều nơi còn gọi là lễ vía Thành Hoàng, ngày giỗ Ông. Thời gian tổ chức lễ Kỳ yên tùy theo tục lệ của từng làng, từng xã, nhưng thường được tổ chức vào đầu mùa mưa hoặc cuối mùa mưa. Thông thường, lễ Kỳ Yên diễn ra trong 3 ngày, thường là các ngày từ 13 – 17 Âm lịch – những ngày trăng sáng để thuận tiện việc đi lại sinh hoạt vào ban đêm. Chương trình lễ Kỳ Yên ở Bình Dương có sự khác nhau tại các đình, nhưng tựu trung có các lễ: Thượng kỳ, Thỉnh sắc thần, Túc yết, Đoàn cả, Tế Tiền hiền – Hậu hiền, Xây chầu Đại bội, Tôn vương, Hồi chầu,…Lễ Thỉnh Sắc Thần trong lễ Kỳ Yên được tổ chức một cách trang trọng, rầm rộ, vì sắc thần được coi là biểu tượng của mối liên hệ không thế tách rời giữa làng với nước. Đây chính là nghi thức mang đậm màu sắc phong kiến trong tín ngưỡng về thần Thành Hoàng và về lễ hội đình nói chung, nhưng vẫn thể hiện tính chất hội hè với tiếng chiêng, trống, nhạc, pháo,…có khi có cả múa lân, múa rồng tạo không khí vui vẻ và náo nhiệt. Sau lễ Rước Sắc thần là lễ Túc yết nhằm nghênh chào và ra mắt các thần: Kễ Đoàn Cả nhằm tạ ơn thần, lễ tế tạ Tiền Hiền, Hậu Hiền những vị thần có công với làng xã. Trước đây, lễ Kỳ Yên ở Bình Dương thường được tổ chức 3 năm một lần theo nguyên tắc “tam niên đáo lệ kỳ”. Thế nhưng sau chiến tranh, chỉ một số có đủ điều kiện tổ chức lễ này theo lệ. Hiện nay, truyền thống ấy đang dần được khôi phục khi mà nền kinh tế tỉnh nhà đang ngày cáng phát triển. Trong lễ Kỳ Yên ở Bình Dương, không thể thiếu nghệ thuật sân khấu hát bội ở các mục Khai Chầu (Xây Chầu), Đại Bội và Tôn Vương, Hồi Chầu,…Như vậy, hát bội trong lễ Kỳ Yên vừa là nghi lễ, vừa là trò diễn văn nghệ góp vui (hội) cho quần chúng nhân dân. Lễ vật tế thần Thành Hoàng chủ yếu có xôi, thịt heo (lợn). Thịt heo phải là thịt sống, nguyên con và chỉ cạo lông sơ qua. Còn các vị thần khác thì tùy theo ý nghĩa, quan niệm thờ phụng mà có lễ vật cúng tế phù hợp. Xôi tế là xôi nấu bằng gạo nếp, không được vò. Ngoài đồ cúng tế còn có thêm trái cây, nhang, đèn,…Lễ vật cúng tế phải được “rước” tới đình một cách trang trọng bằng cách đội trên đầu hoặc gánh trên vai, không được bưng bê để tránh “ô uế”. Người ta cũng căn cứ vào vị trí xã hội của người hiến cúng lễ vật để chọn vị trí đặt lễ vật khi tế thần cho tướng xướng. Khi cúng tế xong, một phần lễ vật được giữ lại để đãi dân làng, một phần gọi là lộc của thần dành cho người hiến cúng mang về. 128
- Lễ hội Kỳ Yên chính là dịp cho nhân dân địa phương đến lễ bái, cầu xin cho làng xóm bình yên, phát triển, gia đình yên vui, hạnh phúc, đủ đầy,…Đây còn là dịp để nhân dân thể hiện tài nghệ của mình như chị em phụ nữa và các nghệ nhân thi tài làm bánh, thổi xôi hoặc chưng kết cây cảnh, hoa trái,…Có nơi, ngày Kỳ Yên còn là dịp để giới thiệu cây trái đầu mùa, tổ chức các trò chơi dân gian: Đua ghe, đua thuyền, thi gia súc, gia cầm,…Khi kết thúc lễ hội, ban tổ chức thường trao quà, phát thưởng cho những người đạt giải, tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng giá trị tinh thần thì vô cùng to lớn (Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, 2010, tr. 101 – 105). Nghề gốm Làm gốm là một trong những nghề truyền thống nổi tiếng của đất Bình Dương do cộng đồng người Hoa tạo dựng. Đến đầu thế kỷ XX, “Trong tỉnh có được khoản 40 lò gốm, trong đó An Thạnh 05 lò, Hưng Định 08 lò, Tân Thới có 01 lò, Phú Cường có 14 lò, Bình Chuẩn có 03 lò và 09 lò ở Tân Khánh. Xưởng chính ở Lái Thiêu là trung tâm phát triển nhất về gốm. Từ xưởng này cho ra sản phẩm “Cây Mai” với chất liệu đứng đầu” (Huỳnh Ngọc Đáng và cộng sự, 2010). Sự phát triển của nghề gốm đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của nhiều ngành kinh tế khác, từ đó hình thành một số địa phương được xem là trung tâm thương mại của cả vùng đất Bình Dương. Đặc biệt “Chợ Lái Thiêu đứng đồng hạng với các chợ sung túc phía đồng bằng như Ô Môn, Bình Thủy (Cần Thơ) ngang với tỉnh lỳ Trà Vinh, Thủ Dầu Một, Long Xuyên, Châu Đốc, Biên Hòa” (Huỳnh Ngọc Đáng và cộng sự, 2010). Sự ra đời và phát triển của nghề gốm thủ công truyền thống ở Bình Dương là minh chứng lịch sử sống động cho sự hiện diện của cộng đồng người Hoa ở Bình Dương. Đồng thời, nó cũng phản ánh một dạng thức sinh kế lâu đời trong đời sống kinh tế xã hội của người Bình Dương trước kia. Những bí quyết, kỹ thuật của nghề gốm đã góp phần làm phong phú hơn kho tàng DSVHPVT của dân tộc Việt Nam nói chung, cũng như mảnh đất Bình Dương nói riêng. Trong những năm gần đây, trước sự thay đổi của nhu cầu thị trường, cũng như những quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề, nhiều cơ sở sản xuất gốm ở Bình Dương đã đổi mới, đa dạng mẫu mã sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất theo hướng áp dụng khoa học công nghệ. Nhờ đó, ngành gốm Bình Dương đã cho ra đời những dòng gốm cao cấp, có giá trị mỹ thuật cao cho thị trường. Chúng ta có thể kể đến những thương hiệu gốm nổi tiếng hiện nay của Bình Dương được phát triển trên nền tảng những cơ sở gốm thủ công truyền thống như Minh Tâm, Trung Thành, Cường Phát và đặc biệt là Minh Long…Nhờ đó, nghề gốm truyền thống ở Bình Dương không mất đi, không bị mai một mà đã chuyển đổi sang một giai đoạn mới để tiếp tục tồn tại và phát triển. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - sinh kế cho người dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy một bản sắc văn hóa độc đáo của người dân Bình Dương. Nghề sơn mài Phường Tương Bình Hiệp thuộc thành phố Thủ Dầu Một được xem là cái nôi của nghề sơn mài truyền thống ở Bình Dương. Một số tài liệu cho rằng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được hình thành và phát triển từ sự kết hợp của những người thợ trong dòng người Việt di cư từ Bắc vào Nam vào giữa thế kỷ XVIII với nhóm thợ người bản xứ tại đây. Trong đó, bước ngoặc phát triển nghề này là khi một số nghệ nhân sơn mài có tiếng của Tương Bình Hiệp tham gia giảng dạy tại trường Bá Nghệ, do Pháp xây dựng tại Thủ Dầu Một năm 1901 (nay là trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương). 129
- Giá trị nghệ thuật giàu bản sắc của nghề này được thể hiện xuyên suốt trong quy trình sản xuất – sáng tạo của người nghệ nhân. Đặc biệt ở kỹ thuật vẽ truyền chân, tả thực rất giàu biểu cảm; Bí quyết pha chế sơn, chọn ván vóc độc đáo. Điều đó đã giúp những tác phẩm sơn mài ở Tương Bình Hiệp từ trong quá khứ, cũng như hiện tại có một thương hiệu riêng trên thị trường. Vào thời hoàng kim, sản phẩm sơn mài của Tương Bình Hiệp không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, đặc biệt là khu vực Châu Âu (Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, 2021). Năm 2017, nghề sơn mài ở phường Tương Bình Hiệp đã được đưa vào danh mục là DSVHPVT quốc gia. Đây chính là sự ghi nhận xác đáng của Nhà nước về những giá trị văn hóa quý giá của nghề sơn mài ở phường Tương Bình Hiệp. Xét ở khía cạnh quản lý nhà nước, sự ghi nhận này là một cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền tỉnh Bình Dương triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy, phát triển nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp hiệu quả hơn. Võ lâm Tân Khánh Bà Trà Ngày 3/02/2012, Võ lâm Tân Khánh Bà Trà được công nhận DSVHPVT quốc gia. Đây là môn võ cổ truyền thứ 2 ở Việt Nam được công nhận là DSVHPVT quốc gia sau võ cổ truyền Bình Định. Võ thuật truyền thống ở Bình Dương bắt nguồn từ các hoạt động của con người cũng như mô phỏng của loài cầm thú. Đặc biệt, tính mỹ thuật trong Võ lâm Tân Khánh Bà Trà luôn được chú ý. Đôi khi, người giỏi võ chỉ cần biểu diễn một bài quyền, bài thảo nhưng thể hiện được toàn bộ tính mỹ thuật làm cho người xem vừa thán phục vừa mê mẩn bởi nét thẩm mỹ đầy quyến rũ của nó mà không phải thi đấu bằng chân tay, quyền cước. Nét độc đáo hơn là vừa biểu diễn võ thuật vừa đọc luôn cả một bài thơ ghi lại tên các thế võ (thiệu) giữa tiếng trống chầu cầm chịch của người thưởng lãm. Người thưởng lãm thường là thầy dạy, hay các bậc tiền bối khác trong nghề võ. Và thấy người diễn võ thể hiện đúng cách, ông cầm dùi trống đánh một tiếng “thùng” để khen tặng. Sau đó, người diễn chuyển qua tư thế khác và đọc to câu thiệu. Người thưởng lãm thấy có điểm non kém hay sai sẽ cầm dùi gõ vào tang trống một tiếng “cắc” để nhắc nhở. Người diễn võ tiếp tục thực hiện đầy đủ một bài quyền, bài binh khí giữa tiếng trống khen, chê vang lên từng chặp. Khi bài võ kết thúc thì phần diễn xướng cũng kết thúc. Đây được xem là một trong những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của vùng Tân Khánh – Bình Dương (Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, 2010, tr. 175). Nghệ thuật đờn ca tài tử Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật độc đáo không chỉ có ở Bình Dương, mà là tài sản chung của cộng đồng vùng đất Nam Bộ. Năm 2013, UNESCO đã đưa Đờn ca tài tử Nam Bộ vào danh mục DSVHPVT đại diện của nhân loại. Điều này đã cho thấy giá trị văn hóa – nghệ thuật của Đờn ca tài tử đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Với tư cách là một trong những vùng đất sớm phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội ở Đông Nam Bộ, từ lâu, Đờn ca tài tử đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa thường xuyên, phổ biến trong cộng đồng dân cư ở Bình Dương. Đây cũng là địa phương sản sinh ra nhiều tài tử đờn, tài tử ca nổi danh một thời, góp phần làm phong phú hơn lực lượng sáng tạo nghệ thuật Đờn ca tài tử cho cả khu vực Nam Bộ. Tiếp nối truyền thống đó, trong những năm gần đây, nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Bình Dương được tiếp sức hơi thở của thời đại để phát triển. Minh chứng là tính 130
- đến năm 2020, toàn tỉnh Bình Dương có 84 CLB đờn ca tài tử. Trong đó, thành phố Thủ Dầu Một và Tân Uyên là hai địa phương có số lượng CLB nhiều nhất (13 CLB mỗi địa phương). Sự ra đời và phát triển của hệ thống các CLB Đờn ca tài tử ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã góp phần khơi dậy tình yêu của đông đảo công chúng đối với loại hình nghệ thuật di sản này. Văn học dân gian Bình Dương chính là vùng đất vừa có những nét chung của văn hóa dân gian truyền thống, vừa mang những nét riêng, được biểu hiện từ tính thống nhất và đa dạng trong chỉnh thể văn học dân gian dân tộc. Văn học dân gian ở Bình Dương tồn tại và phát triển trong mối liên quan chặt chẽ với các hoạt động lao động và sinh hoạt xã hội, sinh hoạt gia đình của nhân dân trong những điều kiện nhất định của lịch sử. Nội dung của văn học dân gian thường phản ánh phong tục tập quán xã hội, kinh nghiệm lao động sản xuất, những lễ hội, quan niệm và nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng của một cộng đồng dân cư trên một vùng đất, hay một dân tộc quốc gia. Đồng thời, trong những chừng mực nhất định, văn học dân gian của Bình Dương là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội trong một giai đoạn nhất định. Văn học dân gian Bình Dương thuộc vùng văn học dân gian Nam Bộ và khá đa dạng, phong phú với ba nhóm sau: (i) Nhóm thể loại tự sự dân gian, gồm thần thoại, sử thi dân gian, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, vè; (ii) Nhóm các thể loại trữ tình dân gian, gồm ca dao và các thể loại dân ca như hò, hát, hát ru, lý, thơ rơi,…; (iii) Nhóm các thể loại sân khấu dân gian, gồm trò diễn, múa rối, hát chèo,.. Các thể loại văn học dân gian xuất hiện, phát triển nhiều ở Thủ Dầu Một, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát. Trong đó, Lý dân gian phổ biến ở huyện Thuận An và Bến Cát. Các điệu lý mang âm hưởng của làn điệu lý giọng bóng của đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng vẫn mang âm hưởng riêng biệt như Lý con rồng ở Bến Cát, Lý trèo đèo ở Thuận An. Các điệu lý ở Bình Dương có nguồn gốc từ các vùng đất khác nhau trên đất nước và gắn bó với mật thiết với đời sống nông thôn bình dị, gần gũi. Những làn điệu lý ở Bình Dương có sự phổ biến không đồng đều nhau trong không gian địa lý. Hát ru ở Bình Dương có nhịp điệu khá thoải mái, mộc mạc, có sự chặt chẽ về âm luật bằng trắc của thể thơ lục bát đậm tính dân gian. Ngoài ra, Bình Dương còn xuất hiện chuyện cười, chuyện tiếu lâm gần gũi với đời sống người dân (Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, 2010). Văn hóa ẩm thực Ở Bình Dương, ẩm thực của người Việt và người Hoa là nổi bật sắc thái văn hóa tộc người nhất. Ẩm thực của họ vừa có những nét riêng truyền thống, vừa có nét chung thể hiện quá trình giao lưu văn hóa. Theo đó, trong đám chúc thọ của cộng đồng người Hoa Quảng Đông, không thể thiếu món mì xào dài (miên thọ - thể hiện sự chúc phúc trường thọ); Với người Hoa Phúc Kiến, trong đám thôi nôi không thể thiếu món bánh nếp có bột và trứng đều được nhuộm màu đỏ tượng trưng cho sự phát tài, may mắn. Hoặc đối với người Hoa Triều Châu, trong đám cưới thường phải có các món mè xửng đậu phụng, kẹo đậu phụng. Đặc biệt hiện nay, ở khu vực chợ Thủ Dầu Một có khá nhiều món ăn bình dân của người Hoa Triều Châu như cháo trắng, phá lấu, thịt heo quay, vịt tiềm chanh muối,…(Huỳnh Ngọc Đáng và cộng sự, 2010). Với người Việt thì bánh bèo (hiện nay nổi tiếng nhất ở Bình Dương là bánh bèo bì Mỹ Liên với tuổi đời khoảng 100 năm). Nem Lái Thiêu với vị dẻo thơm của thịt quết nhuyễn, vị chua nhẹ, khô mềm và dai đặc trưng (Nguyễn Lê Xuân Thảo, 2012). 131
- Theo các nhà nghiên cứu trong cuốn Địa chí Bình Dương, tập 4: Văn hóa – Xã hội thì đa phần các món ăn của người dân Bình Dương gắn liền với cuộc sống dân dã. Các món ăn được chế biến từ chính những nguyên liệu quen thuộc hàng ngày do họ trồng trọt, chăn nuôi hoặc khai thác được từ tự nhiên như các loài rau nhà, rau rừng, loài cá nước ngọt. Bên cạnh việc kế thừa truyền thống ẩm thực của người Việt từ miền Bắc, Trung di cư vào, người Bình Dương còn sáng tạo ra các món ăn được chế biến từ trái cây do chính mình trồng trong vườn nhà như món gỏi măng cụt có hương vị lạ miệng và sức hút đến kỳ lạ, được chế biến từ những múi măng trắng ngần ngòn ngọt, chua thanh nhẹ, giòn trộn với thịt ba chỉ, tép luộc, thêm ít rau thơm, nước mắm chanh ớt pha chế chua ngọt. Mít non kho với thịt, cá; Mít già nấu các món canh; Hoặc món mít hầm với nước cốt dừa, đậu phụng, bí đỏ;…Ngoài ra, Bình Dương còn có nhiều loại mắm ngon được làm từ cá đồng, nhất là cá sặt, mắm đậu. Nói về món mắm, ca dao Bình Dương có câu “Tân Ba, Gia Hội ông bà nội hông cho; Gà em về Suối Xe, ăn mắm nêm kho rặt ròng” (Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, 2010). Một điều đặc biệt khác của ẩm thực ở người dân Bình Dương là thể hiện tâm lý tộc người và nhận thức về tôn giáo tín ngưỡng khá rõ nét. Trong ẩm thực truyền thống, người Bình Dương ít chuộng các món ăn là thú rừng, vật nuôi, côn trùng. Theo các tác giả trong cuốn Địa chí Bình Dương, tập 4 thì có lẽ “hầu hết họ là tín đồ của những tôn giáo cấm sát sinh, họ ăn chay còn vì thương xót loài vật. Trước kia, người dân Bình Dương không khi nào ăn thịt trâu, thịt chó. Trâu, chó, mèo chết, người dân Bình Dương thường chôn, bởi họ quan niệm các loài gia súc này hiền lành có ích, có nghĩa đối với nhà nông, với chủ nên không ăn thịt. Ngay cả với gia cầm, khi trong nhà có đám tiệc cần giết thịt gia cầm, người ta cũng luôn cầu cho những con vật bị giết thịt được tái sinh một kiếp khác tốt đẹp hơn” (Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, 2010, tr.24). Bên cạnh những biểu đạt DSVHPVT tiêu biểu trên, vùng đất Bình Dương còn vô số những DSVHPVT đã gắn với đời sống tinh thần của người dân nơi đây hàng trăm năm qua. Điều đó cho thấy Bình Dương là mảnh đất rất phong phú, đa dạng những biểu đạt văn hóa phi vật thể mà cộng đồng nơi đây đã bao đời sáng tạo, nuôi dưỡng. Những DSVHPVT đó đã góp phần tạo nên những bản sắc văn hóa riêng của người Bình Dương. Xét trong mối tương quan với kinh tế, cũng như từ quan điểm của Đảng và Nhà nước trong vấn đề phát triển kinh tế và văn hóa, những DSVHPVT là một thành tố không thể thiếu để tạo nên những nguồn lực, động lực giúp tỉnh Bình Dương phát triển bền vững và toàn diện hơn trong tương lai. Do đó, những DSVHPVT này cần được bảo tồn, phát huy trên những cơ sở pháp lý vững chắc là rất cần thiết. 3. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA QUỐC TẾ VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM TRONG VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ Trong công tác bảo tồn và phát huy DSVHPVT, có nhiều công cụ để thực thi. Nhưng các cơ sở pháp lý là công cụ quan trọng nhất. Trong phạm vi bài viết này, tác giả giới thiệu các cơ sở pháp lý quan trọng dưới đây: Quy định của UNESCO Ở phạm vi quốc tế, hiện nay, Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, công bố năm 2003 là văn bản rất cần được quan tâm. Ngay Điều đầu tiên của Công ước, UNESCO đã xác định mục đích trong việc ban hành Công ước là: “Bảo vệ di sản văn hóa phi 132
- vật thể; Đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng, các nhóm người và các cá nhân có liên quan; Nâng cao nhận thức ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, để từ đó đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau trong lĩnh vực này; Tạo ra sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế” (UNESCO, 2003). Việc tham gia Công ước này chỉ sau 02 năm được ban hành (tức năm 2005) đã phần nào cho thấy mối quan tâm lớn của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị của DSVHPVT của dân tộc. Với tư cách là thành viên của Công ước, Việt Nam phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ các giá trị của DSVHPVT của dân tộc như: nhận diện và xác định rõ các loại hình khác nhau của di sản văn hóa phi vật thể hiện có trên lãnh thổ, có sự tham gia của các cộng đồng, nhóm người và các tổ chức phi chính phủ có liên quan. Dựa trên những điều kiện thực tế riêng, phải lập ra một hoặc nhiều danh mục thống kê về DSVHPVT hiện có trên lãnh thổ. Những danh mục thống kê này sẽ được thường xuyên cập nhật, thông qua một chính sách chung nhằm mục đích phát huy vai trò của DSVHPVT trong xã hội, và sáp nhập việc bảo vệ loại hình di sản này vào các chương trình quy hoạch; Chỉ định hoặc thành lập một hoặc nhiều cơ quan đủ năng lực bảo vệ DSVHPVT hiện có trên lãnh thổ mình; Tăng cường nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật cũng như phương pháp luận về nghiên cứu nhằm bảo vệ có hiệu quả DSVHPVT, đặc biệt là những di sản đang có nguy cơ thất truyền; Thông qua các biện pháp phù hợp về pháp lý, kỹ thuật, hành chính và tài chính nhằm: Tăng cường việc thành lập hoặc củng cố các cơ quan đào tạo về quản lý DSVHPVT và theo đó là công tác truyền dạy những di sản này thông qua các diễn đàn và không gian dành cho việc trình diễn hay thể hiện chúng; Đảm bảo sự tiếp cận với DSVHPVT trên cơ sở tôn trọng các tập tục, quản lý việc tiếp cận với các phương diện cụ thể của loại hình di sản này; Thành lập các cơ quan lưu trữ tư liệu về DSVHPVT và tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận chúng; Đảm bảo sự công nhận, tôn trọng và đề cao DSVHPVT trong xã hội, đặc biệt thông qua: Các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức và thông tin hướng đến quảng đại công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ; Các chương trình giáo dục và đào tạo cụ thể cho cộng đồng và các nhóm người có liên quan; Các hoạt động xây dựng năng lực nhằm bảo vệ DSVHPVT, đặc biệt là công tác quản lý và nghiên cứu khoa học; Các biện pháp truyền thụ kiến thức phi chính thức; Làm cho công chúng được biết về những nguy cơ đe dọa loại hình di sản này cũng như các hoạt động được triển khai để thực hiện Công ước này; Thúc đẩy giáo dục việc bảo vệ các không gian tự nhiên và những địa điểm gắn với ký ức cần thiết cho việc thể hiện DSVHPVT; Đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân đã sáng tạo, duy trì và chuyển giao loại hình di sản này và cần phải tích cực lôi kéo họ tham gia vào công tác quản lý (UNESCO, 2003). Trên thực tế, sau gần 20 năm tham gia Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, Chính phủ Việt Nam đã làm được nhiều việc quan trọng để bảo tồn, phát huy những giá trị DSVHPVT của dân tộc trong đời sống xã hội mới. Cụ thể như việc ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, thành lập các cơ quan chuyên trách, các thiết chế văn hóa bảo vệ DSVHPVT từ trung ương đến cơ sở; Đầu tư tài chính để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ, người dân và các bên liên quan tại địa phương có DSVHPVT,… Quy định của Nhà nước Việt Nam Từ khi phê chuẩn Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đến nay, Việt 133
- Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý trong việc bảo vệ các DSVHPVT của dân tộc, tiêu biểu như: Luật Di sản văn hóa năm 2013 (Là văn bản hợp nhất Luật Di sản văn hóa 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009). Trong văn bản Luật này, Việt Nam đã dành hẳn Chương 3 với 11 Điều (từ Điều số 17 đến Điều 27) để xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong việc bảo tồn và phát huy DSVHPVT như Luật xác định nhiệm vụ của Nhà nước, nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh/thành phố thuộc Trung ương. Đặc biệt các Điều, khoản trong Chương 3 của Luật Di sản văn hóa bản hợp nhất xác định rất rõ những biện pháp mà Nhà nước phải làm để bảo tồn, phát huy DSVHPVT, ví dụ: Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể; Tổ chức truyền dạy, phổ biến, xuất bản, trình diễn và phục dựng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; Khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; Hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể; Đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT, ngăn ngừa nguy cơ làm mai một, thất truyền DSVHPVT; Bảo vệ, phát huy những thuần phong mỹ tục trong lối sống, nếp sống của dân tộc; Bài trừ những hủ tục có hại đến đời sống văn hóa của nhân dân; Tạo điều kiện duy trì và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống; Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ DSVHPVT, ngăn chặn nguy cơ làm sai lệch, bị mai một hoặc thất truyền; Bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; Có chính sách khuyến khích việc duy trì, phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; nghiên cứu và ứng dụng những tri thức về y, dược học cổ truyền. Duy trì và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực, giá trị về trang phục truyền thống dân tộc và các tri thức dân gian khác; Có chính sách khuyến khích việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian của các dân tộc Việt Nam để lưu truyền trong nước và giao lưu văn hóa với nước ngoài; Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT. Để Luật Di Sản văn hóa thực thi thuận lợi hơn trong thực tiễn, năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của luật Di sản văn hóa. Trong Nghị định này, Chính phủ đã cụ thể hóa một số nội dung được quy định trong hai văn bản Luật trên như: xác định các lĩnh vực được xem là DSVHPVT; Làm rõ những chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, xác định những hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa, tiêu chí lựa chọn DSVHPVT để đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia, tiêu chí lựa chọn và trình tự, thủ tục lập hồ sơ DSVHPVT tiêu biểu đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc đưa vào Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại và Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp. Thẩm quyền và thủ tục cấp phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu, sưu tầm DSVHPVT ở Việt Nam, quy định về việc xét và chính sách đãi ngộ danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Riêng vấn đề này đã được Chính phủ quy định chi tiết hơn tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực DSVHPVT. 134
- Đồng thời, đối với công tác kiểm kê DSVHPVT và lập hồ sơ khoa học DSVHPVT để đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia được thực hiện đúng luật định, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 04/2010/TT- BVHTTDL hướng dẫn thực hiện chi tiết. Theo đó, Nhà nước xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với việc kiểm kê DSVHPVT và lập hồ sơ khoa học DSVHPVT để đưa vào danh mục DSVHPVT; Xác định những công việc trọng tâm của công tác kiểm kê DSVHPVT; Lập và thẩm định hồ sơ khoa học DSVHPVT để đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia. Từ những khái quát về nội dung của một số văn bản pháp quy hiện hành tiêu biểu trên cho thấy Nhà nước Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống cơ sở pháp lý để bảo vệ, phát huy DSVHPVT khá đầy đủ. Nó cũng phản ánh mức độ quan tâm của Việt Nam trong việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, nội dung của các văn bản pháp quy của Việt Nam về bảo tồn, phát huy DSVHPVT có mức độ tương thích cao với Công ước bảo vệ DSVHPVT của UNESCO mà Việt Nam là thành viên. Điều này cho thấy tinh thần quốc tế hóa, chủ động tiệm cận với thế giới trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. 4. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ Ở BÌNH DƯƠNG TRÊN CƠ SỞ PHÁP LÝ. Thực tế chính quyền tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy DSVHPVT của người dân. Tuy nhiên, khi đặt công tác này trong mối tương quan với những cơ sở pháp lý trong nước và quốc tế, tác giả bài viết đặt ra một số vấn đề sau: Thứ nhất, sự thay đổi của các nội dung pháp lý sẽ không theo kịp những biến đổi nội tại của các DSVHPVT. Đây là thử thách đáng quan tâm trong công tác bảo tồn, phát huy của các DSVHPVT trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bởi thực tế, để những quy định của pháp luật về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả, nó cần có sự ổn định tương đối trong một khoảng thời gian nhất định. Trong khi đó, các DSVHPVT luôn gắn bó hữu cơ với đời sống văn hóa – tinh thần của con người. Mà đời sống này luôn thay đổi và chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Từ đó kéo theo những biến đổi nhất định của các DSVHPVT. Đơn cử như các lễ hội truyền thống hiện nay ở Bình Dương, quy mô tổ chức các lễ hội ngày càng lớn, lượng người tham dự ngày càng đông, trong khi niềm tin tín ngưỡng của cộng đồng có sự biến đổi đa chiều, dẫn đến công tác quản lý lễ hội phải đối diện những thách thức mới như vấn đề lợi dụng quyền tự do trong hoạt động tín ngưỡng, lễ hội để phạm pháp; Vấn đề an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong lễ hội, hiện tượng “thương mại hóa” lễ hội,…Trong khi đó, đối với các nghề thủ công truyền thống như gốm, vẽ tranh kiếng và nghề sơn mài,…gặp rất nhiều thử thách trong việc thu hút và đào tạo lực lượng nghệ nhân kế thừa, mở rộng thị trường tiêu thụ, kỹ thuật và kỹ năng bán hàng; Khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm,…Những thực tế đó đã làm cho các ngành nghề truyền thống tỏ ra yếu thế trước những nghề nghiệp hiện đại và đứng trước nguy cơ mai một rất lớn. Một ví dụ khác là hoạt động biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mà không gian diễn xướng đang mở rộng sang các nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê, khu du lịch,…Nhìn ở mặt tích cực, có thể xem đó là minh chứng cho sức sống mới của loại 135
- hình nghệ thuật này. Song, vì môi trường sinh kế mới phát triển này mà không ít tài tử đờn, tài tử ca ra biểu diễn khi chưa được đào tạo chuẩn mực. Họ biểu diễn nhiều bài bản được sáng tác một cách vội vã và thiếu sự thẩm định của giới chuyên môn. Đồng thời việc chưa nhìn nhận đúng mực về vai trò của không gian diễn xướng trong hệ thống các giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử, dẫn đến việc tổ chức biểu diễn loại hình nghệ thuật này ở bất kỳ nơi nào là những nguy cơ có thể làm suy giảm giá trị nghệ thuật của Đờn ca tài tử. Thế nhưng, các cơ sở pháp lý hiện nay chưa thay đổi kịp và đủ mạnh để giải quyết những thực trạng điển hình này. Thứ hai, việc áp dụng các cơ sở pháp lý để bảo tồn, phát huy các DSVHPVT sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh sự thay đổi mạnh mẽ môi trường kinh tế - xã hội của Bình Dương. Bình Dương là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa lớn nhất Việt Nam hiện nay. Điều đó đã tạo nên những động lực to lớn thúc đẩy sự vận động, thay đổi và phát triển một cách mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Những tác động tích cực từ sự thay đổi này có lẽ không cần phải bàn cãi khi mà người dân Bình Dương có nhiều cơ hội hơn để thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần của mình. Cuộc sống của họ văn minh hơn với sự tham gia ngày càng sâu, rộng các thành tựu của khoa học kỹ thuật, truyền thông đại chúng. Thế nhưng, những thay đổi đó cũng đồng thời tạo ra nhiều mâu thuẫn hơn, mâu thuẫn trở nên phức tạp hơn trong quá trình cân bằng giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với công tác bảo tồn các DSVHPVT. Mặt khác, những thay đổi đó cũng tạo tiền đề, cơ sở cho sự thay đổi tâm lý cộng đồng, thói quen thực hành các biểu đạt văn hóa của người Bình Dương. Lối sống cá nhân đang dần thay thế lối sống hướng đến cộng đồng, vì cộng đồng, gắn bó hữu cơ với cộng đồng; Thói quen thưởng thức nghệ thuật, vui chơi giải trí thông qua các phương tiện kỹ thuật như điện thoại, máy tính, ti vi, ipad thay vì đến tương tác trực tiếp tại sân khấu, điểm diễn. Hay như sự thay đổi sinh kế từ những ngành nghề truyền thống sang các ngành nghề, kỹ thuật hiện đại. Đặc biệt là hiện tượng ngày càng “lạc” các phong tục, tập quán tốt đẹp trong gia đình, dòng tộc, trong mối quan hệ bạn hữu, xóm làng của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Có lẽ đó chính là lý do vì sao, xã hội dù nhìn bề ngoài có vẻ văn minh, hiện đại hơn, nhưng giá trị văn hóa, nhân văn nội tại của từng cá nhân, gia đình, xã hội có dấu hiệu ngày càng suy giảm. Thực tế đó đã đặt những thách thức không nhỏ cho việc áp dụng các cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn, phát huy các DSVHPVT của tỉnh Bình Dương hiện tại và tương lai. Thứ ba, những thách thức về nguồn lực để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVHPVT xét từ góc độ pháp lý. Tại khoản 1, Điều 18 của Luật Di sản văn hóa (văn bản hợp nhất 2013) đã xác định nhiệm vụ của “Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương và lựa chọn, lập hồ sơ khoa học để đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Bên cạnh đó, Chương 3 của văn bản Luật này cũng quy định chi tiết nhiều công việc mà cơ quan Nhà nước cần làm nhằm bảo tồn, phát huy DSVHPVT như: Tổ chức nghiên cứu, kiểm kê, phân loại di sản; Tổ chức truyền dạy, phổ biến, xuất bản, trình diễn và phục dựng các loại hình DSVHPVT; Khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn, phát huy DSVHPVT; Hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy DSVHPVT; Đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT, ngăn ngừa nguy cơ làm mai một, sai lệch, thất truyền di DSVHPVT; Tôn 136
- vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT;… Với khối lượng công việc, nhiệm vụ mà pháp luật quy định như trên giúp ta hình dung được rằng, để chính quyền tỉnh Bình Dương thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị DSVHPVT vốn rất đa dạng, phong phú nhưng đã - đang - và sẽ đối diện những nguy cơ mai một như hiện nay thì tỉnh cần có nguồn lực tài chính và nhân sự đủ lớn và đáng kể. Tuy nhiên, cần nhìn nhận vào thực tế rằng, cả hai nguồn lực này không chỉ riêng với tỉnh Bình Dương, mà cả nước hiện nay đều gặp khó khăn. Đối với nguồn nhân lực, nếu xét về số lượng, có lẽ tỉnh Bình Dương không thiếu. Bởi tỉnh đang có một đội ngũ nhân sự lĩnh vực văn hóa đang làm việc từ các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, cơ sở đào tạo. Song, việc đội ngũ nhân sự này có thể tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị DSVHPVT một cách hiệu quả nhất thì có lẽ cần có những minh chứng rõ ràng và thuyết phục hơn bởi “Chính sách đầu tư cho lĩnh vực văn hóa có nơi còn hạn chế, nhất là chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa còn chưa được quan tâm đúng mức, đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, du lịch còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người trong tình hình mới”. Trong khi đó, tỉnh Bình Dương đang trong quá trình triển khai đề án “Xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương”, tập trung nguồn vốn để quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị; Xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở,…thì việc sắp xếp nguồn tài chính đủ lớn để thực hiện tốt những quy định hiện hành của pháp luật trong công tác bảo tồn, phát huy DSVHPVT là việc không hề dễ dàng. Chính những thực tế trên đã đặt ra những thách thức, rủi ro cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của DSVHPVT trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo luật định. 5. TẠM KẾT DSVHPVT là linh hồn của nền văn hóa ở mỗi quốc gia, và tất nhiên điều đó đúng với tỉnh Bình Dương. Trong bối cảnh hiện nay, dưới sự tác động nhiều chiều, nhiều mức độ khác nhau và có tính chất lâu dài mà giá trị của DSVHPVT ở Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung đã - đang và sẽ đứng trước những thử thách lớn trong việc tiếp tục tồn tại, phát triển với xã hội đương đại. Vì lẽ đó, việc sử dụng các công cụ pháp lý để bảo tồn, phát huy các giá trị DSVHPVT là điều cần thiết. Phải thừa nhận rằng Việt Nam hiện có hệ thống hành lang pháp lý để bảo vệ DSVHPVT khá hoàn thiện. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ cơ quan công quyền tỉnh Bình Dương làm thế nào để những nội dung vốn khô khan của pháp luật ấy “bén rễ” và “phát triển” một cách tự nhiên trong đời sống xã hội của người dân - chủ thể sản sinh ra di sản văn hóa - cũng là chủ thể giữ vai trò quyết định sự tồn vong của di sản. Để làm được như vậy, không chỉ đòi hỏi sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động ngành văn hóa của tỉnh Bình Dương, mà quan trọng hơn là tính “nghệ thuật” trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ, phát huy di sản văn hóa đến với người dân. Mặt khác, các DSVHPVT luôn có những biến đổi nội tại; Môi trường kinh tế - xã hội ở Bình Dương luôn vận động, phát triển không ngừng; Cũng như sự giới hạn các nguồn lực để thực thi những nội dung pháp lý theo luật định, tác giả cho rằng điều then chốt để đảm bảo các DSVHPVT của Bình Dương được bảo tồn, phát huy, phát triển tốt trong môi trường xã hội đương đại là sự quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo từ cơ quan Đảng đến chính quyền các cấp ở Bình Dương. 137
- TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Thị Kim Ánh (2005), Lịch sử - văn hóa vùng đất Bình Dương từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX (Luận văn Thạc sĩ). Trường Đại học Văn hóa TPHCM. TPHCM. 2. Chính phủ nước Cộng hòa - Xã hội - Chủ nghĩa - Việt Nam (2010), Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Nghị định số 98/2010/NĐ-CP. 3. Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương (2021), Kỷ yếu - 120 năm thành lập và phát triển. 4. Huỳnh Ngọc Đáng và cộng sự (2010), Người Hoa ở Bình Dương - Lịch sử và hiện trạng, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương. 5. Nguyễn Lê Xuân Thảo (2012), Thực trạng và định hướng phát triển du lịch tỉnh Bình Dương (Luận văn Thạc sĩ). Trường Đại học Văn hóa TPHCM. TPHCM. 6. Thủ tướng Chính phủ (2021), Phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025. Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021. 7. UNESCO (2003), Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. 8. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương (2010), Địa chí Bình Dương (Tập 4: văn hóa – xã hội), Nxb. Chính trị quốc gia. 9. Văn phòng Quốc Hội (2013), Luật Di sản văn hóa (văn bản hợp nhất). 138
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Giáo trình Cơ sở pháp lý trong giáo dục và quản lý giáo dục - Nguyễn Văn Hộ
168 p | 350 | 114
-
Giáo trình Nhập môn Công tác xã hội: Phần 2 - Võ Thuấn
39 p | 351 | 89
-
TIỂU LUẬN ĐỀ TÀI: “NGHIÊN CỨU HOÀN THIỆN CƠ CHẾ PHÁP LÝ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở VIỆT NAM”
27 p | 155 | 39
-
Một số vấn đề cần quan tâm khi VN giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông tại Tòa trọng tài thường trực La Haye - Bành Quốc Tuấn
8 p | 154 | 15
-
Ebook Tài liệu bồi dưỡng công tác Đảng cho Bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở: Phần 2
153 p | 12 | 7
-
Cơ sở pháp lý của việc liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học
8 p | 18 | 5
-
Xây dựng Bộ công cụ đo lường mức độ đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam: Vấn đề và giải pháp
14 p | 63 | 5
-
Quản lý cơ sở vật chất để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông
6 p | 57 | 5
-
Nghiên cứu và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phân tán trong quản lý đào tạo
8 p | 17 | 4
-
Quản lý, lưu trữ tài liệu điện tử, tài liệu số dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghệ thông tin
5 p | 38 | 4
-
Đào tạo thực hành nghề công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay
9 p | 57 | 4
-
Giải pháp phối hợp giữa cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng nhân lực trình độ đại học nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ
18 p | 27 | 3
-
Cơ sở pháp lý về chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay
8 p | 14 | 3
-
Phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong quản lý hoạt động giáo dục giá trị sống cho học sinh trung học cơ sở: Nghiên cứu tại trường THCS – THPT Trương Vĩnh Ký, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông
12 p | 16 | 3
-
Một số cơ sở khoa học và pháp lý của việc xây dựng văn hóa học đường ở trường mầm non ảnh hưởng đến sự hình thành kỹ năng sống của trẻ
12 p | 13 | 3
-
Khoảng trống pháp luật trong quản lý tài sản tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay
9 p | 26 | 3
-
Trợ giúp pháp lý cho người nghèo ở Việt Nam
7 p | 5 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn