intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Con người cô đơn trong tiểu thuyết "Quấn Quít" của Emile Ajar (Romain Gary)

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

25
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đề tài nghiên cứu về con người cô đơn nhìn từ các dạng thức biểu hiện và hành trình tìm lối thoát, nghệ thuật xây dựng hình tượng con người cô đơn trong tiểu thuyết Quấn Quít của Emile Ajar (Romain Gary).

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Con người cô đơn trong tiểu thuyết "Quấn Quít" của Emile Ajar (Romain Gary)

  1. CON NGƯỜI CÔ ĐƠN TRONG TIỂU THUYẾT "QUẤN QUÝT" CỦA EMILE AJAR (ROMAIN GARY) NGUYỄN HỒNG QUẾ Khoa Ngữ văn Tóm tắt: Đề tài nghiên cứu về con người cô đơn nhìn từ các dạng thức biểu hiện và hành trình tìm lối thoát, nghệ thuật xây dựng hình tượng con người cô đơn trong tiểu thuyết Quấn Quít của Emile Ajar (Romain Gary). Qua đó, đề tài cũng góp phần làm phong phú thêm việc nghiên cứu về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm này, cũng như góp phần khẳng định vị trí xứng đáng của hình tượng con người cô đơn trong Quấn Quít đối với dòng chảy cảm thức chung về nỗi cô đơn trong văn học phương Tây nói riêng và văn học thế giới nói chung. Từ khóa: Con người cô đơn, Quấn Quít, Émile Ajar (Romain Gary) 1. MỞ ĐẦU 1.1. Romain Gary là một nhà văn Pháp có nhiều tác phẩm xuất sắc. Các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như: tiểu thuyết Giáo dục châu Âu; tiểu thuyết Cội rễ bầu trời; tập truyện ngắn Vinh quang cho những người tiên phong vĩ đại (1962) .Ông từng ẩn mình dưới cái tên Émile Ajar để viết các tiểu thuyết như: Quấn Quít (1974), Cuộc sống trước mặt (1975), Nỗi sợ của vua Salomon (1979). Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Romain Gary đã đạt nhiều giải thưởng danh giá. Với tiểu thuyết đầu tay Giáo dục châu Âu, ông đạt Giải thưởng phê bình năm 1945. Trong lịch sử hơn 100 năm của giải Goncourt - giải thưởng văn học uy tín bậc nhất nước Pháp, ông là người duy nhất được nhận giải này hai lần: lần đầu tiên vào năm 1956 với tiểu thuyết Rễ trời dưới bút danh Romain Gary; lần thứ hai vào năm 1975 với tiểu thuyết Cuộc sống ở trước mặt dưới bút danh Émile Ajar. Tiểu thuyết Quấn Quít được viết năm 1974, là một tiểu thuyết đặc biệt trong gia tài các sáng tác của Romain Gary. Nó là tác phẩm đầu tiên Romain Gary viết dưới bút danh Émile Ajar. Đồng thời Quấn Quít cũng đánh dấu thời kỳ đổi mới trong bút pháp của Romain Gary. 1.2. Con người cô đơn trong văn học là kiểu nhân vật buồn bã, cô độc ngay trong bản thân mình, xa lánh xã hội, bị bỏ rơi bởi thực tại bên ngoài. “Qua kiểu nhân vật cô đơn, nhà văn đi khai thác vào bên trong trạng thái tâm lý của con người. Đó là nỗi buồn, sự xa lánh, cô độc của con người trước thực tại xã hội và con người trong thời điểm sống mà họ đang sống” [5]. Con người cô đơn xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn học trên thế giới. Trong văn học phương Tây, “cái cô đơn” là đề tài có tính chất phổ biến. Các nhân vật là con người cô đơn có thể kể đến qua dòng chảy thời gian như chàng Ham Let (Hamlet - Shakespeare), Jean Valjean (Những người khốn khổ - Victor Hugo), dòng họ nhà Buendía (Trăm năm cô đơn - Gabriel Garcia Marquez)… Tiếp nối mạch 37
  2. NGUYỄN HỒNG QUẾ cảm hứng về cái cô đơn và con người cô đơn, trong tác phẩm "Quấn Quít", Émile Ajar (Romain Gary) đã xây dựng nênn câu chuyện phi lý về tình bạn giữa người đàn ông trưởng thành với con trăn, làm nổi bật hình tượng con người cô đơn Cousin. Trong bài báo này, người viết sẽ tìm hiểu con người cô đơn của tiểu thuyết này qua các phương diện: con người cô đơn nhìn từ các dạng thức biểu hiện; con người cô đơn nhìn từ hành trình tìm lối thoát; nghệ thuật xây dựng hình tượng con người cô đơn. 2. NỘI DUNG 2.1. Con người cô đơn trong Quấn Quít nhìn từ các dạng thức biểu hiện Từ điển tiếng Việt định nghĩa cô đơn là “chỉ có một mình, không có người thân, không nơi nương tựa (cảnh cô đơn, con người cô đơn)”. [Từ điển tiếng Việt ,196]. Cô đơn là một trạng thái tâm lý của con người, “trong cuốn Từ điển tâm lý học, cô đơn được định nghĩa là một trong những yếu tố căn nguyên tâm lý ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của con người khi ở vào tình huống không quen thuộc (bị thay đổi) hoặc hoàn cảnh bị cách ly với người khác. Khi rơi vào trạng thái cô đơn do sự cách ly thực nghiệm, địa lý, xã hội hay do bị tù, các mối quan hệ trực tiếp với những người khác bị cắt đứt gây ra những phản ứng cảm xúc cấp tính trong một loạt các trường hợp xuất hiện sự sốc tâm lý với các biểu hiện chính: lo âu, trầm cảm và rối loạn thần kinh thực vật…” [7] 2.1.1. Cái cô đơn tồn tại ở chính bản thể nhân vật “Nhà văn Octavio Paz trong chuyên luận Thơ văn và tiểu luận của mình cho rằng: Cái cô đơn là đặc trưng cuối cùng của thân phận con người. Nỗi cô đơn, vốn là chính bản thể của cuộc sống chúng ta, xuất hiện trước chúng ta như một thử thách, như một sự gột rửa với mục đích cuối cùng là mất đi mọi đau đớn và thất thường. Sự hoàn thiện, sự tụ hội vốn là sự nghỉ ngơi và hạnh phúc, sự hòa hợp với thế giới chờ đón chúng ta ở điểm nút ở mê lộ cô đơn.” [7] Trong tiểu thuyết Quấn Quít, nhân vật thể hiện rõ nhất cái cô đơn tồn tại trong bản thể chính là nhân vật trung tâm của tác phẩm – Cousin. Sự cô đơn của nhân vật này được thể hiện qua suy nghĩ, hành động và trạng thái một mình. Sự cô đơn ấy bắt nguồn từ chỗ anh ta cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp với đồng loại: “Ở bến Vanves tôi lên một toa tàu thế nào lại trống không, trừ mỗi một anh chàng thui thủi trong góc. Tôi thấy ngay anh ta trơ trọi trong toa và dĩ nhiên tôi đến ngồi bên cạnh. Chúng tôi cứ ngồi như thế một lúc và giữa chúng tôi gợn lên một kiều ngài ngại.” [1; 14]. Giao tiếp vốn là một trong những nhu cầu quan trọng của con người, giúp con người truyền và tiếp nhận thông tin; qua đó họ hiểu được yêu cầu, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của nhau. Có thể coi giao tiếp là cầu nối thiết lập quan hệ giữa người với người. Cho nên – như một lẽ dĩ nhiên - việc Cousin ngại giao tiếp với đồng loại khiến anh ta mất đi cầu nối để gặp gỡ những người khác. Và hệ quả của chuyện đó là Cousin luôn cảm thấy mình lạc lõng, bơ vơ, cảm thấy mình “khuyết ai đó, thiếu ai đó” [1; 98]. 38
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 Cousin thường xuyên ở trong trạng thái một mình, anh ta sống trong thế giới riêng, tự đối thoại với bản thân, tự ôm ấp mình. Cousin công nhận với chính mình rằng chẳng có gì tuyệt vời bằng “một nhu cầu tự nhiên được toại nguyện” [1; 27]. Và, trong khi rất nhiều người ôm nhau để bày tỏ tình cảm, trao cho nhau sự ấm áp thì Cousin lại chẳng có ai để ôm ấp, yêu thương. Và hãy nhìn xem người đàn ông này đã làm gì: “Hôm nọ, tôi làm thử rồi. Tôi đã tự ôm lấy mình siết lại. Tôi khép hai cánh tay quanh mình siết thật chặt, xem tác dụng âu yếm mang lại thế nào [1; 27]. Cousin dùng hết khả năng có được để ôm chặt mình, tự vỗ về, âu yếm lấy bản thân với mong muốn lấp đi nỗi trống vắng. Anh ta vừa ôm lấy mình vừa nhắm mắt lại, để làm gì? Lẽ dĩ nhiên, anh ta muốn cảm nhận hiệu quả của việc ôm lấy bản thân, nhưng cái anh ta cảm nhận được chẳng có gì ngoài sự cô đơn lên đến đỉnh điểm. Sự cô đơn tồn tại ở chính bản thể nhân vật Cousin còn được hiện lên qua cái nhìn của nhân vật khác. Cô Dreyfus – người mà Cousin có ý định cùng kết hôn - đã nhận xét về anh ta rằng: “Anh sống thật cô độc quá” [1; 166], “Phải thực sự cảm thấy không có người thì mới sống với trăn” [1; 166]. 2.1.2. Con người cô đơn do chối bỏ thế giới và bị thế giới chối bỏ Nhân vật Cousin trong Quấn Quít không thể sống hoà hợp được với thế giới xung quanh, cụ thể là những người sống trong khối đại đô thị rộng lớn quanh anh ta:“Tôi có tham khảo một chuyên gia, bác sĩ Porade ông bảo tôi cảm thấy cô đơn trong một khối đại đô thị là thường tình, khi có mười triệu người sống quanh bạn.” [1; 45]. Paris hiện đại, Paris hoa lệ - đó là Paris qua lăng kính của người khác. Còn đối với Cousin, Paris chỉ là một đô thị rộng lớn đến mức khiến người ta cảm thấy mình thật nhỏ bé, đơn côi. Bởi trong mười triệu con người với nghề nghiệp, giới tính, lứa tuổi, tính cách khác nhau đang sống ở đại đô thị ấy, làm gì có ai sinh ra dành cho dành cho anh ta. Cousin không thể nào hoà mình vào thế giới của những người xung quanh. Vì không tìm thấy được sự ấm áp từ người khác nên anh ta nuôi một con trăn. Nếu người bình thường đi dạo phố với người thân, người yêu hoặc bạn bè, thì Cousin, đi dạo cùng với chú trăn của mình: “Một sáng nọ, khi trời đẹp khác thường, bên ngoài, tôi cho Quấn- Quít lên vai rồi ra phố. Tôi đi dạo khắp nơi cùng chú trăn của mình, đầu ngẩng cao, như thể tự nhiên là vậy” [1; 46]. Rõ ràng, anh ta không ngại về việc đi dạo cùng Quấn- Quít, nếu không Cousin sẽ chằng ngẩng cao đầu như anh ta đã nói. Dù chính Cousin cũng biết việc mình nuôi trăn sẽ khiến người khác không khỏi cảm thấy ngạc nhiên và ái ngại: “Sống một mình với trăn. Tôi hình dung nội dung này trong hồ sơ của mình”[1;12]; nhưng anh ta vẫn nuôi Quấn-Quít và cho rằng loài trăn thật tình cảm: “Trăn tình lắm đấy. Tính chúng quấn người mà. Quấn riết ấy” [1; 22]. Suy nghĩ của Cousin không giống những người xung quanh, và hành động của anh ta đi ngược lại lẽ thường trong mắt những người khác (người bình thường sẽ nuôi chó con, mèo con làm thú cưng chứ chẳng ai nuôi trăn cả!). Chính vì vậy, những người đó không chấp nhận anh ta, họ nhìn anh ta bằng ánh mắt đầy “định kiến, hằn thù, khinh bỉ” [1; 47] và coi anh ta như một kẻ lập dị: “Khiếp quá! Lạy Chúa, cái đầu ghê chưa! Không được 39
  4. NGUYỄN HỒNG QUẾ phép mới phải! Quái gở thế cơ chứ! Nó cắn đấy, nguy hiểm quá, nhiễm bệnh giờ!” [1; 72]; “Cái nhà gã này, gã nghĩ mình là ai thế?” [1; 72];”Tội nghiệp. Anh ta chắc đúng là không có ai” [1; 72]. Ông trưởng phòng nơi Cousin làm việc luôn dè chừng chuyện anh ta nuôi trăn: “Anh Cousin này, chúng tôi có thể hỏi anh, là sao anh lại nhận nuôi trăn chứ không phải một con vật tình cảm nào khác không?” [1; 12]; “Nhưng anh sẽ khó mà làm cô nhà chấp nhận trăn đấy” [1; 12]. Cha Joseph thì cho rằng việc Cousin nuôi trăn thật là vô nghĩa: “Sự thật, anh Cousin ạ, là anh nên quan tâm đến đồng loại anh nhiều hơn. Sao lại quấn lấy một con bò sát cơ chứ…” [1; 16]. Con trăn của Cousin còn khiến người phụ nữ giúp việc theo giờ ở nhà anh ta cảm thấy vô cùng sợ hãi: “Chị ta lên cơn giật đùng đùng rồi đổ kềnh ra sàn và khi tôi thảy một ít nước khoáng lên trên thì bắt đầu quằn quại và rú rít, mắt trơn ngược, tôi ngỡ chị ta đi đời luôn khỏi dọn với dẹp gì” [1; 30]. 2.1.3. Con người cô đơn trong sự thiếu vắng các mối quan hệ “Bản chất con người là sự tổng hoà các mối quan hệ xã hội” (quan niệm của chủ nghĩa Mác – Lênin). Tuy nhiên, trong tiểu thuyết Quấn Quít, điều người đọc nhìn thấy không phải là sự hoà hợp của các mối quan hệ mà là sự lỏng lẻo trong những mối quan hệ của các nhân vật. Chính điều đó đã khiến cho các nhân vật chìm sâu hơn vào trạng thái con người cô đơn. Một trong những mối quan hệ đầu tiên trong cuộc đời mỗi con người là quan hệ của họ với cha mẹ và anh chị em. Nhưng trong tác phẩm, mối quan hệ giữa Cousin và người nhà anh ta không được đề cập đến, cha mẹ của Cousin đã chết đi trong một vụ tai nạn. Hoàn cảnh gia đình của Cousin như thế nào, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình anh ta ra sao, những điều đó độc giả không hề hay biết. Sự cô đơn còn thể hiện ở niềm hoài nghi những người xung quanh: “Tôi cẩn thận giữ mình không tâm sự với cậu ta. Không biết sao chứ tôi dè chừng cái nhà cậu này” [1]. Cousin thiếu vắng các mối quan hệ, thiếu vắng niềm tin vào con người đến mức anh ta đặt niềm tin của mình vào những vật vô tri: “Từng thứ, từng vật một, đồ đạc, gạt tàn, tẩu thuốc, đều là bạn chí cốt” [1]. Chính vì sự hoài nghi những người và những mối quan hệ quanh mình dẫn đến thái độ xa lánh của chủ thể đối với thế giới. Xa lánh biểu hiện trong những mối quan hệ sống của chủ thể với thế giới xung quanh; trong đó cá nhân tự tách mình ra khỏi những cá nhân khác, họ có cảm giác bị tách biệt, bị ruồng rẫy:“Sự ngại ngùng đấy, vì tiếp xúc con người” [1; 25]. 2.2. Con người cô đơn trong Quấn Quít nhìn từ hành trình tìm lối thoát 2.2.1. Con người kiếm tìm sự yêu thương, đồng cảm Lẽ tất yếu của tâm lí con người là càng cảm thấy cô đơn, người ta càng khao khát tìm kiếm sự đồng cảm, khát khao yêu thương. Trong tiểu thuyết Quấn Quít, Cousin luôn ở trong tâm thế của một người “không có gì” và luôn ước ao có một cái gì đó, hay một ai đó cho riêng mình, “chứ không phải cho hết 40
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 cả bàn dân thiên hạ” [1; 17]. Một nhân vật khác (được nhắc đến qua lời nói của Cousin) cũng thể hiện rất rõ mong muốn có một ai đó, một mối quan hệ nào đó trong cuộc sống, đó là “bác ở nhà số 37” [1]. Một người vốn chẳng thích nói chuyện với ai như bác lại “bắt đầu gặp ai cũng phân trần là bác tuyệt vọng vì con chó cưng chết mất rồi”, trong khi bác chưa từng nuôi con chó nào cả. Việc bịa chuyện này chỉ vì mong muốn của chính bác: “…bác về già và muốn cho mình cảm giác là mình cũng đã có và mất đi ai đó, trong đời” [1]. Những con người cô đơn ấy luôn mong muốn có ai đó trong đời để làm gì? Câu trả lời là họ mong muốn che chở và được chở che: “Tôi rất dễ sinh lòng quyến luyến. Đó là nhu cầu, nơi tôi, được che chở, được trao mình cho người khác” [1; 39], “Tôi muốn được yêu thương vì chính bản thân mình” [1; 144]. Việc nhân vật Cousin nuôi con trăn không đơn thuần là minh chứng cho sự cô đơn lên đến đỉnh điểm, mà hơn thế nữa, đó là biểu hiện cúa sự khao khát thương yêu: “…khi thấy chú trăn trước khách sạn, ở Abidjan, tôi hiểu ngay chúng tôi sinh ra để dành cho nhau” [1; 38], “Thường thì tôi thiếp đi như thế, trong cánh tay hai mét hai dài ôm ấp tôi và che chở tôi đầy tin tưởng, cùng nụ cười” [1; 51]. Cousin và chú trăn ôm ấp nhau như những người bạn, những người thân yêu nhất, ôm để xua tan đi sự cô độc, ôm để sưởi ấm và trao gửi yêu thương. Cousin còn mong muốn có những trải nhiệm trong yêu đương, anh ta vun vén tình yêu với cô gái da đen có tên là Dreyfus, anh ta khao khát có một người bạn đời yêu thương và thấu hiểu mình: “Tôi muốn cô Dreyfus học quen với tôi vì bản thân tôi, quen với bản chất tôi, cách sống của tôi. Vậy nên tôi không đáp lại những khêu gợi của cô, trước tiên tôi phải chắc chắn được rằng cô hiểu tôi thật, rằng cô biết mình có việc với ai cái đã” [1; 18]. 2.2.2. Con người tìm cách xác lập nhân vị Trong tiểu thuyết Quấn Quýt, Cousin luôn e sợ rằng sự tồn tại của mình sẽ trở nên mờ nhạt, nỗi âu lo trở thành kẻ vô hình trong cuộc đời luôn thường trực trong tâm thức của anh ta. Chính vì thế, Cousin nhiều lần tìm cách để khẳng định “sự có mặt” của mình trong xã hội rộng lớn: “… tôi lấy ảnh Quấn-Quít luôn mang sẵn trong ví kèm các bằng chứng tồn tại của mình, giấy tờ tuỳ thân cùng bảo hiểm mọi-rủi-ro, và cho ông trưởng phòng thấy là có “ai bên trong”, khác hẳn lời ông ta nói” [1; 11]; “Tôi sốt sắn điền tờ phiếu, bởi điều đó có thể hữu ích trong trường hợp có nghi vấn, phải chứng minh sự tồn tại của tôi” [1; 144]; “Tôi mặc com lê sáng màu, kèm cà vạt xanh lục.Cần ăn vận cho tử tế, bởi lúc sang đường bạn sẽ bớt có nguy cơ bị xe chẹt, người ta bớt để ý khi tưởng bạn là ai đó” [1; 146]. Như vậy, cũng như nhiều tác giả văn học thế kỉ XX, Émile Ajar trăn trở về sự hiện hữu của con người, “không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi về bản thể: Con người, anh là ai?, Tôi là ai?” [3], “Thật phi lý khi chúng ta sinh ra, thật phi lý khi chúng ta chết đi” (J.P.Sartre). 41
  6. NGUYỄN HỒNG QUẾ 2.2.3. Con người kiếm tìm lạc thú tính dục “Con người chỉ hiện hữu nhờ thân xác và trong thân xác. Tôi hiện tồn bằng chính thân xác của mình” [3]. Bên cạnh việc xác lập nhân vị, trăn trở Tôi là ai, con người trong tiểu thuyết “còn trăn trở thêm: Tôi đứng ở đâu giữa sự phân chia muôn đời đực/cái.” [3]. Trong tác phẩm Quấn Quít, Cousin“cho rằng thế giới sẽ được tính nữ cứu rỗi, trong trường hợp cụ thể của tôi” [1; 132]. Có khá nhiều đoạn miêu tả về đời sống tính dục của nhân vật Cousin: “…thỉnh thoảng tôi có lui tới chỗ các cô đĩ thơm, và tôi dùng từ này trong nghĩa cao quý nhất , với trọn vẹn lòng trân trọng và biết ơn, khi được săn sóc” [1; 24], “Ra chậu đi cưng, em rửa khu cho” [1; 174], “Cô ta nằm xuống cạnh tôi và bắt đầu mút ti tôi” [1; 175], “Cô ôm lấy tôi. Tôi gặp hên, tay cô ta dài. Tôi sung sướng” [1; 175]. Tác giả sử dụng một hệ thống các từ ngữ có liên quan đến thân xác và tính dục: “chúm chím hồng hoa”, “con chim”, “khu”, con trôn”,… Yếu tố tính dục được đưa vào tác phẩm không đơn thuần là để khắc hoạ nhu cầu bản năng của nhân vật, mà hơn thế, đây là một trong số những khía cạnh thể hiện khát khao giao hoà, sự tìm kiếm con đường thoát khỏi nỗi cô đơn của nhân vật: “Trái tim gái đĩ luôn thủ thỉ với bạn, chỉ cần áp tai vào, nó không bao giờ bảo bạn xéo đi. Tôi ấp tai và cả hai chúng tôi, với nụ cười tôi, cùng lắng nghe” [1; 51]. 2.3. Nghệ thuật xây dựng hình tượng con người cô đơn trong tiểu thuyết Quấn Quít 2.3.1. Biểu tượng con trăn - “Quấn Quít” “Con rắn là một trong những biểu tượng thần thoại lâu đời nhất và phổ biến nhất của thế giới loài người. Loài rắn này đã được kết hợp với một số các nghi lễ cổ xưa nhất được biết đến của nhân loại và rắn đại diện đồng thời biểu hiện cho hai mặt thiện và ác. Trong văn hóa sự hiện diện của loài rắn được diễn ra từ cổ chí kim, từ văn hóa phương Đông đến văn hóa phương Tây, từ văn minh cổ xưa cho đến quan niệm về rắn thời hiện đại” [8]. Trong Quấn Quít, con trăn tên “Quấn Quít” là biểu tượng xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. “Kinh Thánh trình bày về rắn cả hai ý nghĩa tốt xấu. Rắn được đồng hóa với chính Satan, thủ lãnh của ma quỉ cám dỗ nguyên tổ phạm tội .Đôi khi rắn được dùng như là biểu tượng của sự khôn ngoan: "Hãy khôn ngoan như con rắn!", hay rắn đồng cứu người” [2]. Trong Quấn Quít, con trăn luôn ở cạnh nhân vật chính Cousin như minh chứng cho sự hiện diện đồng thời những điều tốt đẹp và những cái xấu, những cám dỗ luôn bủa vây xung quanh cuộc sống của con người. “Con rắn thường xuyên lột da, nói lên sự làm mới thường xuyên hoặc trẻ hoá” [4]. Quấn Quít lột xác bao nhiêu lần đi chăng nữa thì cũng đều “lại thành chính mình” [1; 15], “chúng lột xác đấy, nhưng toàn bắt đầu lại thôi,… Chúng thay da, mà trăn vẫn hoàn trăn” [1; 34]; nhưng chú “đã gắng gỏi đầy quả cảm, và thay da đổi thịt. Lột xác là điều tốt đẹp nhất từng đến với tôi” [1; 15]. Cũng như thế, con người dần phai nhạt đi những phẩm chất “nguyên bản” khi tiếp xúc với đời sống xã hội, với người khác, họ quay cuồng trong vòng xoáy tiền bạc, quyền lợi, danh vọng và vô vàn những nỗi lo. Càng thay đổi, càng xa rời với bản thể thì con người càng có khao khát quay trở về. Sự 42
  7. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 lột xác của Quấn Quít là hình ảnh ẩn dụ cho quá trình đó – quá trình con người tìm kiếm bản thể, sự trở về với bản thể. “Trái với những con vật khác, con rắn không có chân, nó xuất hiện bất ngờ. Nó là con vật bí ẩn và có nhiều liên hệ với sự khôn ngoan và tính dục trong các tôn giáo cổ xưa” [4]. Quấn Quít không chỉ là một con trăn, mà nó là khao khát của Cousin - khao khát được gần gũi, được yêu thương, ôm ấp: “Tôi tin chắc trăn mơ có người để yê thương” [1; 52], nó “còn là hiện thân của sự quấn quýt, vũ khí chống trả sự thiếu thốn tình cảm vốn dĩ là cái bẫy giăng sẵn đối với con người hiện đại, ở các thành phố lớn” [6]. 2.3.2. Nghệ thuật xây dựng con người cô đơn qua không gian và thời gian nghệ thuật 2.3.2.1. Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Quấn Quít “Không gian là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mô hình hóa các mối liên hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự… Không gian nghệ thuật chẳng những cho biết cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học.” [5] Không gian xã hội trong tác phẩm chính là Paris rộng lớn. Theo thống kê của người viết, trong tác phẩm, có đến 22 lần tác giả sử dụng những cụm từ như “khối thị mười triệu dân” , “đại Paris”,… Không gian xã hội còn hiện lên với đặc điểm dân tộc, văn hoá: “ Tôi đã lỡ cơ hội người Do Thái bị hà hiếp và còn có thể được đối xử bằng vai phải lứa trong cao thượng, cơ hội người da đen còn thấp kém, cơ hội người Ả Rập còn là mọi rệp,..” [1; 72]; “…đúng là ở Pháp ta ăn ngon hơn những nơi khác và nghệ thuật nấu ăn vĩ đại được tôn vinh” [1; 112]. Không gian Paris rộng lớn cùng với không gian của đặc trưng dân tộc, văn hoá khiến cho nhân vật – những con người sống ở đó luôn có cảm giác mình cô đơn, nhỏ bé, lạc lõng. Không gian tâm lí (những không gian gắn với trạng thái tâm lí của nhân vật) trong Quấn Quít chủ yếu gắn với những giấc mơ của nhân vật Cousin. Có thể kể đến giấc mơ của Cousin về cảnh diễn ra trong không gian thang máy bị hỏng, Cousin tiếc nuối vì cô Dreyfus không đứng trong thang máy cùng anh ta, Cousin “chỉ có một mình, hoàn toàn một mình và mắc kẹt giữa các tầng lầu” [1; 88]; hay giấc mơ về “chuyến bay hôn phối với cô Dreyfus” [1; 101]; không gian gắn với giấc mơ về đứa bé “thay mặt loài trăn” để trao cho Cousin “Bắc Đẩu bội tinh nhân danh bằng hữu” [1; 112]. Có thể thấy, các không gian trong giấc mơ của Cousin đều chật hẹp, và anh ta luôn mong muốn cô Dreyfus cùng đứng với mình ở các không gian đó. Điều này bộc lộ những ám ảnh vô thức của Cousin về sự tù túng, nỗi cô độc và niềm khao khát yêu thương. 2.3.2.2. Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Quấn Quít “Thời gian trong tác phẩm nghệ thuật được đo bằng nhiều thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại đều đặn của các hiện tượng đời sống được ý thức như sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này, mùa khác,… tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm. Thời gian nghệ thuật 43
  8. NGUYỄN HỒNG QUẾ thể hiện sự tự cảm thấy của con người trong thế giới. Thời gian nghệ thuật phản ánh sự cảm thụ thời gian của con người trong từng thời kỳ lịch sử, từng giai đoạn phát triển, nó cũng thể hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại của con người trong thế giới.” [5]. Thời gian hồi tưởng trong tiểu thuyết Quấn Quít gắn với sự hồi cố (flashback), thời gian gắn với những sự kiện diễn ra trong quá khứ được nhân vật hồi tưởng lại, kể lại: “Cần phải nói rằng đó là một thời điểm tồi tệ trong đời tôi” [1; 105]; “Hồi còn bé ở trường nội trú ban đêm tôi dắt về trung tâm An sinh một con chó to hiền lành… Tôi tự hỏi nó sao rồi, bởi con chó ấy thì thực sự không thể thiếu tôi được” [1; 189-190]. Thời gian quá khứ cùng những sự kiện đã từng diễn ra có mối quan hệ mật thiết với thời gian hiện tại của nhân vật, sự đồng hiện kết nối các quãng thời gian lại với nhau, giúp độc giả nhìn nhận rõ hơn về nhân vật (đặc biệt là nhân vật chính Cousin). Thời gian tâm lí trong tiểu thuyết Quấn Quít gắn với các giấc mơ của Cousin. Những giấc mơ ấy thường đến vào thời điểm “đêm khuya”: “đêm hôm nọ”[1;88], “cả đêm” [1; 101], “đêm” [112]. Đêm là thời điểm con người có thể đối diện với chính mình, được sống với thế giới riêng tư bị chìm khuất đi bởi bộn bề sự sống ban ngày. Đó là quãng thời gian mà con người bộc lộ chân thực nhất thế giới nội tâm của mình, không giấu giếm, không che đậy. 3. KẾT LUẬN 3.1. Émile Ajar (Romain Gary) đã khắc hoạ thành công con người cô đơn trong tác phẩm Quấn Quít. Con người cô đơn trong tiểu thuyết này được biểu hiện ở nhiều dạng thức: cái cô đơn tồn tại ở chính bản thể nhân vật, con người cô đơn do chối bỏ thế giới và bị thế giới chối bỏ, con người cô đơn trong sự thiếu vắng các mối quan hệ. Con người cô đơn tìm lối thoát từ sự yêu thương, đồng cảm, xác lập nhân vị và kiếm tìm lạc thú tính dục. Biểu tượng con trăn tên Quấn Quít và nghệ thuật tổ chức không gian, thời gian trong tác phẩm góp phần khắc hoạ rõ hơn hình tượng con người cô đơn 3.2. Người viết nhận thấy, con người cô đơn trong tiểu thuyết Quấn Quít của Émile Ajar là một vấn đề cần được nghiên cứu thêm rất nhiều. Sinh viên khoa ngữ văn học tập ở các trường đại học, cao đẳng cần tìm hiểu thêm về vấn đề này, có thể tổ chức các buổi thuyết trình, thảo luận để trao đổi ý kiến, từ đó có cách nhìn nhận đúng đắn, toàn diện hơn về vấn đề nêu trên, nâng cao nhận thức của bản thân. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Émile Ajar (2016), Quấn Quít - Hồ Thanh Vân dịch, NXB Văn học. [2] Lm Giuse Nguyễn Hữu An(2013), Hai con rắn trong Thánh Kinh, trang Conggiao.info, 02/04/2013, (http://conggiao.info/hai-con-ran-trong-thanh-kinh-d-13602) [3] Thái Phan Vàng Anh (2015), Khuynh hướng hiện sinh trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986, Báo Văn nghệ Quân đội, 12/06/2015. (http://vannghequandoi.com.vn/Binh- 44
  9. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 luan-van-nghe/khuynh-huong-hien-sinh-trong-tieu-thuyet-viet-nam-sau-1986- 7357.html) [4] Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính (chuyển ngữ, 2013), Biểu tượng con rắn trong sách Sáng Thế, trang web Tổng giáo phận TP.HCM, 06/02/2013, (http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20130206/20278) [5] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên;2009), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục. [6] Lê Thu Linh (2016), Trò chuyện về nhà văn Romain Gary nhân ra mắt cuốn “Quấn – Quít”, báo Văn nghệ Quân đội, 23/03/2016, (http://vannghequandoi.com.vn/Su- kien/tro-chuyen-ve-nha-van-romain-gary-nhan-ra-mat-cuon-quan-quit-8731.html) [7] Bùi Thị Mai (2012), khoá luận Nhân vật cô đơn trong “Hồng lâu mộng” qua so sánh với “Rừng Nauy”, khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội. [8] Wikipedia tiếng Việt, mục: Biểu tượng con rắn trong văn hoá. (https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%ACnh_t%C6%B0%E1%BB%A3ng_con_r%E 1%BA%AFn_trong_v%C4%83n_h%C3%B3a) NGUYỄN HỒNG QUẾ SV lớp Văn 4C, khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế ĐT: 0943 815 003, Email: Hongque05091996@gmail.com 45
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2