intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cù lao

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

81
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tác phẩm Cù lao của nhà văn trẻ Phan Danh Hiếu ở Biên Hoà, Đồng Nai đã đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ số xuân 2007 và được bình chọn là 1 trong 10 truyện ngắn trẻ hay nhất năm 2006. Nghĩa thầy trò, tình cảm sâu nặng đối với mảnh đất mình đang sống đã giúp Phan Danh Hiếu dựng nên một tác phẩm xúc động và day dứt lòng người đọc.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cù lao

  1. Cù lao TRUYỆN NGẮN CỦA PHAN DANH HIẾU Tác phẩm Cù lao của nhà văn trẻ Phan Danh Hiếu ở Biên Hoà, Đồng Nai đã đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ số xuân 2007 và được bình chọn là 1 trong 10 truyện ngắn trẻ hay nhất năm 2006. Nghĩa thầy trò, tình cảm sâu nặng đối với mảnh đất mình đang sống đã giúp Phan Danh Hiếu dựng nên một tác phẩm xúc động và day dứt lòng người đọc. Làng nằm trên một cù lao nhỏ, như một đám bèo nổi trên sông. Bốn bề nước bao vây, mùa nắng hay mùa mưa cũng bềnh bồng sóng lớn. Người sống chung với nước lóp ngóp như chuột lội, tội tình như vậy đã mấy chục năm trời. Làng không có tên trong bản đồ địa phương, không trạm xá, không trường học... người bám vào sông mà sống, sông thương người nên cũng lắm cá tôm. Lần đầu tiên tôi thấy thầy. Người gầy nhỏ, áo màu xanh lá cây. Một bên chân bị cụt có cái ống quần xắn lên lủng lẳng dưới đôi nạng gỗ đã láng bóng mồ hôi. Khuôn mặt thầy khắc khổ, duy chỉ có đôi mắt là long lanh như những niềm vui trìu mến. Thầy đến từ bên kia sông, vào một trưa nắng rát mặt. Khó khăn lắm thầy mới bước ra khỏi chiếc thuyền nan. Đất cù lao nhão nhoẹt bùn. Đôi nạng gỗ lún sâu không nhấc lên nổi. Thầy ngã nhào xuống, tội nghiệp như một con chim trúng tên. Trên bờ, hai ba chục đứa trẻ dắt dìu bồng bế nhau ra xem kẻ lạ mặt. Tôi bước xuống triền bờ, cát dưới chân lún sâu hoăm hoắm. Một tay cầm lấy chiếc nạng gỗ, tay kia tôi quàng tay thầy vào cổ mình. Thầy nhìn tôi - cái nhìn làm tôi thấy lòng mình ấm lên như có lửa. Tôi dìu thầy lên bờ. Cảm giác được giúp đỡ một người làm tôi cũng thấy vui vui.
  2. Thầy nhoẻn cười chào mọi người, thân thiện. Không một nụ cười đáp lại, không một ánh mắt cảm thông, không một cái nhìn thiện cảm. Người lớn lại trở về với công việc. Bọn trẻ giương những cặp ngây thơ mà dõi theo bóng người đàn ông đang cố lê thân mình trên đôi nạng gỗ. Thầy đi vào làng, cô độc với nụ cười thừa thãi. Suốt liền hơn một tháng, thầy cứ hằng ngày lại qua cái cù lao nhỏ bé này. Bọn trẻ bắt đầu cảm thấy quen quen người đàn ông này. Chúng bị hút lấy bởi nụ cười hiền lành mà ấm áp của thầy. Một công việc quá xa lạ với những người dân chài vốn quen với sông nước. Cái từ “đi học” sao mà khó hình dung đến thế. Nó vừa trừu tượng vừa xa lạ nhưng cũng lại vừa quyến rũ. Đi đến đâu thầy cũng gặp những câu hỏi (đại loại như là học để làm gì? Có mất tiền bạc không? Mà nếu học thì thời gian đâu bọn trẻ giúp đỡ gia đình?). Những câu hỏi làm đau lòng những đứa trẻ đang dần dần biết háo hức ở người đàn ông này. Chắc chúng (trong đó có tôi) lờ mờ hình dung được một cái gì đó hình như là những niềm vui đang chào đón chúng ở cái thế giới bên kia (bên bờ sông đối diện với cù lao - chúng tôi vẫn thường nghe người lớn nói với nhau như thế). Chúng chờ đợi ở người cha những cái gật đầu. Và khi nhìn thấy những cái lắc đầu, chúng tiu nghỉu, hết hy vọng. Nhưng rồi chúng tôi cũng được đi học, tổng cộng được bảy đứa, lớn tồng ngồng như những cây sào. Đó là kết quả của hơn một tháng trời thầy lặn lội từ bên kia sông sang cù lao này để vận động từng gia đình cho lũ trẻ được đi học. Tôi còn nhớ như in buổi sáng hôm đó. Lần đầu tiên chúng tôi đặt chân lên mảnh đất bên này sông (bây giờ tôi gọi nó như thế), xa lạ và lạc lõng. Những con đường làng đất đỏ phẳng lì và mát rượi. Những lũy tre xanh đến nao lòng. Những mái nhà có ngói đỏ tươi và giàu có. Tất cả đều xa lạ, cái xa lạ làm những kẻ vốn dạn với sông nước bỗng đâm ra lo sợ vẩn vơ. Bầy chó trong làng nhác thấy người lạ xô ra sủa ran làm inh ỏi cả một vùng. Trường hiện ra trước mắt chúng tôi cao ráo và sạch sẽ. Lớp cũng khá đông, cũng lớn tồng ngồng như chúng tôi. Thì ra chúng cũng như chúng tôi, đều được thầy nhặt về đây và dạy dỗ. Năm ấy tôi mười hai tuổi, con nhà sông nước, lại khá giả hơn bọn trẻ cùng trang lứa nên tôi trông phổng phao hơn. Tôi bơi cả ngày không thấy mỏi, lặn sâu dưới nước cả mấy
  3. phút không hề biết hết hơi. Đó là kết quả của những lần theo cha đánh cá, của những lần chết giả vì ngộp nước. Nhưng học chữ sao mà khó thế. Đã nhiều lần tôi cáu bẳn, những ngón tay cầm bút cứng queo, ngọ ngoạy đáng ghét. Chữ lệch lên, xiên xuống còng quèo như nhánh cây cảnh bị người ta uốn cong làm dáng. Tôi nản, các bạn tôi cũng vậy. Thầy đến, nhẹ nhàng cầm lấy tay tôi, đưa tay tôi tới lui, rồi chữ hiện ra thẳng đều và đẹp. Thầy nói: “Cuộc sống không có gì là khó khăn, có chăng là con người không biết tận dụng cơ hội để hoàn thiện mình. Vậy thì em hãy bắt đầu chính mình từ những con chữ này”. Tôi nghe mơ hồ nhưng thấy yêu cuộc sống và những con chữ, những bài học của thầy quá. Mỗi lần giải sai một bài toán hay viết sai lỗi chính tả hoặc có những bài thuộc lòng tôi chưa kịp học vì thức quá khuya để vá lưới cho cha, thầy đều ân cần giúp tôi sửa lại cho đúng. Tôi lớn lên từ đó, biết yêu cánh cò trong ca dao, biết yêu dân tộc mình từ bờ tre, gốc lúa, con sông... Cha không muốn tôi học mãi (vì tôi đi học thì không có ai phụ cha đi sông, cũng có nghĩa là sẽ mất đi một lao động). Tôi biết điều đó. Từ ngày má mất, cha buồn buồn, không nói năng. Hai cha con cứ lênh đênh hết khúc sông này đến khúc sông nọ. Có khi xuôi ra biển cả tuần. Nhìn cha già trước tuổi, gò má nhăn nheo, đôi mắt lúc nào cũng quanh quánh buồn như sông mùa hạn. Đêm ấy cha ngồi bên tôi, lặng thinh đến não nuột. Chừng như định nói điều gì lại thôi. Ông cầm lấy cái điếu tre rít xéo xèo, khói thuốc bay ngập cả khuôn mặt buồn buồn. Và cha thở dài, tiếng thở dài trượt ra khỏi bờ môi khô ráp, nứt nẻ phả vào tim tôi đau nhói. Sông vào mùa hạn. Nước róc ròng ngầu đục. Hai bên bờ bùn sánh đặc quẹo. Người lội ra chỗ có nước, bùn ngập đến nửa ống quyển. Nắng thì nung nước nóng ran. Mùa này tôm cá thưa dần. Cha và vài người nữa đi biển, nghe chừng lần này đi cả tháng. Tôi sướng rơn. Chiều ấy tôi theo thầy leo lên ngọn đồi Câm. Chỗ này hoang vắng dễ sợ. Lác đác có những nấm mồ nhỏ xíu nằm sát bên những bụi cây lúp xúp. Cỏ may bám đầy chúng tôi, đâm vào thịt da đau nhói. Chúng tôi nằm ngửa mặt lên trời. Mây trắng bay lãng đãng. Tôi đem cái ý định nghỉ học để phụ ba đi biển nói với thầy. Tôi nói mà thấy lòng mình thổn thức. Thầy quay qua tôi,
  4. vẫn nụ cười nhân hậu, vẫn giọng nói hiền lành: “Em không phải lo, đằng nào cha cũng hiểu. Hãy thông cảm cho người lớn. Hãy tập cho mình lòng vị tha. Mai này thầy hy vọng những đứa trẻ cù lao như em sẽ không còn phải lênh đênh sông nước. Thầy tin em sẽ có tương lai, em sẽ tiếp bước của thầy để cho những trẻ em nghèo ở những nơi em đến sẽ không còn phải thất học... Và hãy nhớ điều này, dù trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu em cũng phải luôn cố gắng làm chủ bản thân và đừng bao giờ làm nô lệ của sự yếu đuối”. Tôi thấy mắt mình cay cay. Không biết có phải tại cơn gió từ mé sông tấp vô mặt? Tôi rúc vào lòng thầy khóc ngon ơ, khóc đến sưng cả hai mắt mới thôi. Khi chúng tôi từ đồi Câm trở về, trời đã sâm sẩm tối. Không biết sao mà trường ồn ào quá. Tiếng ông Ba Sơn chủ tịch xã gắt gỏng om sòm. Tiếng cô Thin, nhân viên văn phòng trường, khóc nghẹn ngào. Người làng hiếu kỳ tạt vô đông cứng, kẻ ngồi người đứng nhô nhố tò mò. Thầy chống nạng bước vào. Tôi lẽo đẽo theo sau. Chuyện cô Thin chửa hoang ngay ngày hôm sau nhanh chóng lan đi. Từ bà Ba bán rượu gạo đằng gốc cây ổi xóm Bè theo mấy cái miệng hớt lẻo của mấy mụ hàng cá, truyền đến mấy bà tạp hóa, luồn lách khắp ngõ xóm, chui cả qua con sông ròng nước để về đến cù lao. Cô Thin không nói cha đứa bé là ai. Mặc mấy ông ủy ban xã ngày nào cũng hỏi tra. Rồi lại đến cái tin thầy chính là cha của đứa bé trong bụng của cô Thin nhanh hơn điện cứ xoay xoáy vào tai của mỗi người. Tôi đau đớn, tôi giận không muốn nhìn thầy. Ai chứ chuyện này tôi biết. Cái thai trong bụng cô Thin là của lão bảo vệ trường, mũi tẹt mắt xếch, lão Hán. Nghe đâu ngoài Bắc lão có đến bốn bà vợ, tính sống lang bạt kỳ hồ. Lão hay sang cù lao này mua rượu. Có lần lão xỉn, tôi còn nghe lão oang oang nói chuyện về cô Thin. Thế mà mắc mớ chi thầy nhận bừa để người ta oán chớ. Con sông ròng nước, lố nhố những đụn cát nhoi lên. Gió buổi sáng ràn rạt thổi tấp vô thuyền. Nắng chan hòa khắp sông. Thuyền đến chỗ khúc sâu. Cha dừng chèo lại bảo tôi giăng lưới. Tôi cũng giăng cho ông vui lòng vì tôi biết (ông cũng biết) chỗ khúc sông này
  5. không có cá. Cha ngồi đầu mui, quẹt cái máy lửa cũ mèm, rồi bập bập điếu thuốc. Khói quanh quẩn ở trên môi một chút rồi theo gió bay tạt đi. Chừng giăng xong mấy đoạn lưới, tôi bước về chỗ cha ngồi. Con thuyền tròng trành khiến tôi ngã chúi. “Chắc mầy hài lòng về thầy mày rồi chứ?”. Cha hỏi tôi mà miệng cứ cười khẩy. Tôi cự cãi: “Lỗi không phải thầy con, cha đừng nghĩ thế”. Cha hằn học: “Mày còn bênh cho hắn sao! Thầy bà như vậy làm sao mà dạy nổi học trò. Mày còn đi học nữa tao từ mày”. Tôi thấy con sông trước mặt mình chao chát sóng, thuyền lắc nghiêng như có ai giật lia lịa. Nỗi uất ức tràn lên cuống họng. “Cha không cho tôi đi học, tôi chết cho cha coi”. Tôi nói và nhìn cha chua chát. Cha cười ha hả, tiếng cười thuận chiều gió tạt vào tôi đau điếng. “Mày chết tao coi”. Tôi không tin vào tai mình nữa, trời ơi cha muốn tôi chết kìa. Con sông dềnh lên những sóng. Tôi buông mình xuống. Vừa kịp nhìn thấy cha đứng dậy cầm mái chèo bơi đi. Đã vậy thì tôi sẽ chết. Tôi chết để cha phải hối hận, cha phải dằn vặt vì đã coi thường tôi, coi thường thầy tôi, vì đã không cho tôi được sống với ước mơ của mình. Cha đã đạp lên niềm khát khao được trở lại trường của tôi, đã xô tôi về phía cát bùn tù đọng. Tai tôi ù đi đau nhức, tê buốt. Con sông trôi miết trên đầu, vô tâm như thể việc đón nhận cái chết của một sinh linh là công việc bình thường. Không biết tôi chìm được bao lâu nhưng thấy người cứng đờ ra, lạnh buốt. Tay tôi chạm xuống bùn. Ôi thứ bùn ngai ngái nồng nồng cái vị đói nghèo lam lũ mà làng bao năm rồi ngày lại ngày vục mặt xuống đây mà kiếm sống. Ôi con sông ngày nào nâng tôi lên từng con sóng, cho tôi yêu cù lao nhỏ nhắn hiền hòa, cho tôi biết buồn những ngày nước lớn nghe tiếng bìm bịp kêu rầu rĩ... Tôi mê đi. Nhưng ai vầy nè. Đúng thầy rồi, vẫn nụ cười ấy. Kìa em! Đừng bao giờ là nô lệ của sự mềm yếu, của sự tức giận, hãy đứng lên bằng đôi chân của niềm tin. Tôi hét lên, thầy
  6. ơi!... Tôi ngoi lên bằng tàn hơi cuối cùng của sự bồng bột. Mắt tôi mờ dại, xoay cuống cuồng. Nhắm phía bờ mà bơi như điên dại. Khi tới gần bờ, chân tôi chạm phải một người chết đuối. Mặc kệ, tôi cố trườn lết lên bờ, dốc hơi mà thở. Trời vẫn một màu xanh bất tận. Và gió, trời ơi từng cơn gió quay cuồng thốc vô mặt ran rát. Bên kia sông có bóng người đàn ông đang kéo lê chiếc thuyền nan trên cát ướt, cô độc và tàn nhẫn. Tôi không chết. Giá mà tôi chết được lúc ấy thì đỡ phải hối hận. Tôi cũng không muốn tin vào sự thật khi hai ngày sau, chỗ tôi đạp phải xác người chết, người ta vớt được cô Thin. Tôi khóc trong cay đắng. Danh dự của thầy cũng không cứu được cô Thin. Chỉ có những trái tim đồng cảm nhưng không dám nói ra vì sợ người ta khinh (ai lại đi đồng cảm với một người đàn bà chửa hoang bao giờ). Mộ cô nằm trên đồi Câm bên cạnh những bụi mua già cỗi xác xơ trong nắng. Tôi không gặp thầy nữa, kể cả những năm sau này khi tôi trở thành một ông giáo. Nghe đâu thầy bị đuổi ra khỏi ngành. Có vài người vẫn gặp thầy đâu đó trên những miệt đồng bằng nghèo khổ với dăm ba đứa trẻ. Tôi đã nhiều lần vấp ngã, nhưng đã đứng lên được cũng nhờ những lời thầy răn dạy. Cù lao bây giờ khác xưa, làng tôi bây giờ khác xưa. Đất bồi thêm bãi trước, nhà cửa dựng lên au au ngói đỏ. Duy chỉ có dòng sông là vẫn thế, cần mẫn chảy một đời không biết mỏi. Vẫn hiền hòa như nụ cười của thầy tôi.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2