ĐẠI VIỆT LÀ NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN TRUNG ƯƠNG TẬP QUYỀN THỜI HẬU LÝ SƠ<br />
HéI TH¶O KHOA HäC QUèC TÕ Kû NIÖM 1000 N¡M TH¡NG LONG – Hμ NéI<br />
PH¸T TRIÓN BÒN V÷NG THñ §¤ Hμ NéI V¡N HIÕN, ANH HïNG, V× HOμ B×NH<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
§¹I VIÖT<br />
Lμ NHμ N¦íC PHONG KIÕN TRUNG ¦¥NG TËP QUYÒN<br />
THêI HËU Lý S¥<br />
TS Polyakov Alexey*<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Trong bài báo cáo này tôi muốn nêu lên vấn đề Đại Việt1 là một nhà nước phong<br />
kiến trung ương tập quyền thời Hậu Lý Sơ (1009 - 1127)2. Đa số các nhà sử học Việt Nam<br />
cho rằng Đại Việt đã là một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền thời triều Lý.<br />
Nhưng trong giới sử học nước ngoài lại có những ý kiến khác. Những học giả nước ngoài<br />
tin rằng dưới triều Lý không có nhà nước trung ương tập quyền. Họ cho rằng nhà Lý chỉ<br />
quản lý trực tiếp khu vực Thăng Long và những diện tích bên cạnh đó. Cũng có ý kiến<br />
cho rằng nhà Lý đã duy trì quyền lực của mình trong một liên minh hoặc thoả hiệp với<br />
các thế lực địa phương.<br />
Trong bài báo cáo này tôi sẽ cố gắng chứng minh rằng nước Đại Việt là một nước<br />
phong kiến trung ương tập quyền bắt đầu từ thời Hậu Lý Sơ. Ở đây tôi có sử dụng tài liệu<br />
trong sách chuyên khảo của tôi nhan đề Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X - XIV 3.<br />
Với cái chết của Lê Long Đĩnh (thường gọi mỉa mai là Lê Ngoạ Triều) vào năm 1009<br />
đã kết thúc một thế kỷ tồn tại của quốc gia Việt Nam độc lập với biết bao những sự kiện<br />
lịch sử vô cùng quan trọng: giải phóng khỏi ách đô hộ Trung Hoa, các triều đại dân tộc<br />
đầu tiên dù tồn tại ngắn ngủi, những cuộc nội chiến phong kiến, hoạt động của các nhà<br />
cai trị nhằm xây dựng nhà nước non trẻ, sơ khai nhưng đầy sức sống. Ở thế kỷ X, cuộc<br />
đấu tranh giữa hai thế lực lớn đối lập nhau - giữa những người theo xu hướng tập quyền<br />
thống nhất và các thủ lĩnh địa phương nắm quyền tại các khu vực nhỏ bé muốn duy trì sự<br />
độc lập hoàn toàn của mình cuối cùng đã dẫn đến sự thắng lợi của khuynh hướng thống<br />
nhất. Có những điều kiện chủ quan và khách quan đóng vai trò quyết định đối với tình<br />
hình này. Những truyền thống được hình thành trong thời kỳ dựng nước đầu tiên và sau<br />
đó là sự thống nhất về mặt hành chính dưới quyền kiểm soát của các viên cai trị Trung<br />
Quốc. Sự hạn hẹp về mặt lãnh thổ, tương đương với miền Bắc Việt Nam ngày nay, ý thức<br />
dân tộc của người Việt hình thành trong quá trình đấu tranh với bọn xâm lược nước<br />
ngoài, công xã nông thôn bền vững với những truyền thống của mình, các mối liên hệ<br />
<br />
*<br />
Liên bang Nga.<br />
<br />
<br />
271<br />
Polyakov Alexey<br />
<br />
<br />
kinh tế chặt chẽ giữa các địa phương khác nhau, bao gồm cả việc trao đổi hàng hoá và sự<br />
cần thiết phải xây dựng các công trình thuỷ lợi lớn, đó chính là những nguyên nhân bên<br />
trong đưa đến sự thống nhất đất nước. Các nhân tố bên ngoài - sự cần thiết phải đối phó với<br />
nguy cơ xâm lấn của Chămpa ở phía nam, của nhà Tống tới đầu thế kỷ XI đã rất hùng mạnh<br />
ở phía bắc - cũng là những tiền đề cho việc thiết lập một nhà nước trung ương tập quyền.<br />
Nhà Tống thực sự là mối nguy hiểm lớn, cuộc đấu tranh với họ có ý nghĩa quyết định đến<br />
sự tồn vong của chính quyền quốc gia - dân tộc Việt. Còn Chămpa chỉ hay quấy nhiễu và<br />
đột nhập trong những khoảng thời gian ngắn, ở vùng giáp giới với lãnh thổ của họ.<br />
Tất cả những yếu tố trên quy định tính bình ổn của xã hội và đưa đến sự thiết lập<br />
chính quyền của các nhà Hậu Lý Sơ - triều đại đầu tiên trong lịch sử Việt Nam tồn tại lâu<br />
dài (1009 - 1127) và từ đây bắt đầu việc thiết lập một nhà nước phong kiến trung ương tập<br />
quyền đầu tiên ở Việt Nam.<br />
Đến cuối thế kỷ X, trong xã hội Việt đã phân chia thành các tầng lớp xã hội, tạo điều<br />
kiện thuận lợi cho việc thiết lập vững chắc chính quyền trung ương tập quyền trong nước.<br />
Tới lúc này, đại thể đã hình thành một bộ máy hành chính gồm hai ban: văn, võ trong đó<br />
các võ quan có vai trò cực kỳ lớn. Sự hiện diện của họ bảo đảm sự tồn tại của nhà nước<br />
trung ương tập quyền đang kiểm soát toàn bộ lãnh thổ trong nước. Một quốc gia thống<br />
nhất không còn những cuộc chiến phong kiến huynh đệ tương tàn và sự thay đổi thường<br />
xuyên người đứng đầu đất nước và cùng với nó là những cuộc tranh giành quyết liệt ngai<br />
vàng với các hoạt động quân sự náo nhiệt, đã có ảnh hưởng đến những người nông dân<br />
và tầng lớp trên trong các làng xã - những người đang cần các điều kiện lao động bình<br />
thường và giảm nhẹ gánh nặng, cống nạp cho các đại diện của giai cấp thống trị. Chính ở<br />
phương diện này có thể giải thích bằng câu nói của Đào Cam Mộc, người đã khuyên nhà<br />
sáng lập tương lai của triều Lý lên ngôi: “…Ngày nay trăm họ mệt mỏi kiệt quệ, dân<br />
không chịu nổi”4. Trăm họ - đó là những nông dân công xã. Dân - đó là các quan mà chính<br />
Đào Cam Mộc là người đại diện của họ. Lực lượng thứ ba có mối quan tâm đến việc thống<br />
nhất đất nước - là các tăng lữ Phật giáo, mà đến lúc này, họ đang có một vị trí thực sự<br />
quan trọng trong triều đình và có ảnh hưởng tinh thần to lớn trong quần chúng nhân<br />
dân. Như vậy, quý tộc phong kiến địa phương là tầng lớp xã hội duy nhất đại diện cho<br />
khuynh hướng cát cứ. Việc đại diện của một dòng họ lên nắm chính quyền không chỉ làm<br />
suy giảm đáng kể vị trí của họ mà còn đe doạ loại bỏ hoàn toàn họ tham gia vào đời sống<br />
chính trị. Họ Khúc, Dương, Ngô, trong những khoảng thời gian ngắn ngủi đã trở thành<br />
thủ lĩnh tối cao ở trong nước. Các thủ lĩnh, phần lớn trong số họ đã xưng tước vị quý tộc -<br />
tước công, có toàn quyền đối với những vùng họ kiểm soát, có lực lượng thân binh của<br />
mình. Những người tuỳ ý có thể phục vụ cho một quý tộc nào đó hay rời bỏ họ phục vụ<br />
cho một quý tộc khác hùng mạnh hơn trở thành những tay chân của họ. Họ cống nạp cho<br />
chính quyền tối cao không thường xuyên và không cố định. Tuy nhiên, các quan hệ sản<br />
xuất xã hội tồn tại nhiều thế kỷ trong thời kỳ thống trị của Trung Quốc - kẻ không đủ sức<br />
kiểm soát hoàn toàn được các địa phương, không còn phù hợp trong thời kỳ độc lập. Thời<br />
kỳ nhiều thế kỷ phân tán phong kiến, thực tế cần phải nhường chỗ cho một nhà nước tập<br />
quyền, với người đứng đầu có thực quyền. Thời kỳ quá độ, về phương diện chính trị diễn<br />
ra trong thời gian nắm quyền của các triều đại Đinh - Lê, tức các triều đại liên tục tiến<br />
hành cuộc đấu tranh chống khuynh hướng ly tâm.<br />
Việc tiếm quyền triều Lê của nhà Lý chứng tỏ khuynh hướng tập quyền được củng<br />
cố. Điều này diễn ra không giống như việc thay đổi các triều đại trước đây trong thời kỳ<br />
<br />
272<br />
ĐẠI VIỆT LÀ NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN TRUNG ƯƠNG TẬP QUYỀN THỜI HẬU LÝ SƠ<br />
<br />
<br />
đấu tranh giữa các thế lực giành chính quyền. Trái lại, nó diễn ra trước tình hình ông vua<br />
cuối cùng của nhà Lê (Lê Long Đĩnh), bằng các hành động của mình đã làm nhục các<br />
quan lại cũng như tăng lữ Phật giáo, làm mất uy tín của triều đại.<br />
Tăng lữ Phật giáo vốn rất được sùng bái trong các triều Đinh, Lê, là lực lượng kiên<br />
quyết nhất chống lại Lê Long Đĩnh. Các nhà sư được ban tước vị quan lại cao cấp, làm<br />
quân sư cho vua, hoàn thành tốt các công việc ngoại giao, là bộ phận có học thức nhất<br />
trong giai cấp thống trị. Thực tế, đến cuối thế kỷ X, Phật giáo đã trở thành quốc giáo.<br />
Sự tàn bạo của Lê Long Đĩnh, chém giết, nhục hình, đàn áp nhân dân5 mâu thuẫn<br />
gay gắt với quan điểm của đạo Phật truyền bá lòng từ bi, bác ái. Trầm trọng hơn, Lê Long<br />
Đĩnh còn nhạo báng cả nhà sư. Các tăng lữ Phật giáo bắt đầu việc chuẩn bị phế truất. Để<br />
tránh tình trạng tương tự xảy ra, về sau họ quyết định giao chính quyền cho một người<br />
thân tín được giáo dục về lòng kính trọng đối với các giáo lý nhà Phật và các tăng ni.<br />
Những người sáng lập các triều đại ngắn ngủi trước đó là đại diện của tầng lớp phong<br />
kiến - quân sự không có học thức, không nắm được cơ sở của giáo lý Phật giáo, mà chỉ lợi<br />
dụng uy tín của các nhà sư, sử dụng trong các công việc nhà nước. Kỳ vọng của các tăng<br />
lữ Phật giáo muốn giao chính quyền đất nước vào tay một người thân tín sùng Phật, có<br />
thể thấy qua mưu đồ nhằm thiết lập một chính thể cai trị theo lối thần quyền, tuy nhiên,<br />
điều đó đã không diễn ra.<br />
Sự ra đời của Lý Công Uẩn, người sáng lập triều Hậu Lý Sơ, được phản ánh trong<br />
các biên niên sử như một sự kiện kỳ dị với rất nhiều điều thần bí. Như mẹ của ông là<br />
người họ Phạm đi chơi ở chùa Tiên Sơn6 cùng với thần linh giao hợp, sau đó đã sinh ra<br />
ông. Cần chú ý là trong các biên niên sử không chỉ chép năm mà còn chép cả ngày sinh<br />
của vua tương lai - ngày 12 tháng 2 năm 974. Điều này khác với việc ngày sinh của các vua<br />
chúa trước đây không thấy được ghi chép lại. Việc ghi nhận những sự kiện như vậy thời<br />
bấy giờ chỉ có trong các ghi chép của những chùa chiền và chứng tỏ sự quan tâm của các<br />
nhà sư tới ông ngay từ lúc ông ra đời. Lý Công Uẩn được một nhà sư ở chùa Cổ Pháp là<br />
Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi. Tiếp đó, ông trở thành học trò của nhà sư Vạn Hạnh ở<br />
chùa Lục Tổ. Vạn Hạnh không chỉ dạy ông về giáo lý nhà Phật mà còn chuẩn bị hành<br />
trang để ông bước tới chính trường. Dưới sự hướng dẫn của sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn<br />
đã đọc nhiều sách cổ và sách lịch sử. Trong thời Lê Đại Hành, ông là một người thân tín<br />
theo hầu Thái tử Long Việt và được sự che chở của các nhà sư lúc này đang giữ những<br />
chức vụ cao ở triều đình. Vạn Hạnh từng bước chuẩn bị cơ sở cho Lý Công Uẩn lên ngôi.<br />
Ông nói về Lý Công Uẩn lúc còn là học trò của mình: “Đứa bé này không phải là người<br />
thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”7.<br />
Sau khi Lê Ngoạ Triều giết anh mình là Long Việt - người ở ngôi được có ba ngày<br />
(Lê Trung Tông), Lý Công Uẩn trở thành người thân cận của vua, lúc đầu, được ban chức<br />
thay thế người chỉ huy việc bảo vệ hoàng thành, sau đó, cầm đầu một trong các đơn vị chủ<br />
chốt quân cấm vệ. Việc ông được cất nhắc nhanh chóng như vậy, trong các biên niên sử giải<br />
thích như sau: “… Khi Trung Tông bị Ngoạ Triều giết, các quan đều chạy hết. Chỉ có vua<br />
ôm xác (Trung Tông) mà khóc. Ngoạ Triều khen (vua) là người trung, ban tiền cho làm Tả<br />
thân vệ điện tiền chỉ huy sứ”. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là có phải Lê Ngoạ Triều nổi tiếng tàn<br />
bạo đã cảm được lòng trung của Lý Công Uẩn, hay Uẩn có tiếp tay trong kế hoạch sát hại Lê<br />
Trung Tông.<br />
Để lý giải việc lên ngôi của Lý Công Uẩn, các nhà sư viện đến những chuyện thần<br />
bí. Những chuyện thần bí đó xuất hiện, như các sử liệu cho biết, từ trước lúc Lý Công Uẩn<br />
<br />
<br />
273<br />
Polyakov Alexey<br />
<br />
<br />
lên ngôi, song chỉ không rõ cụ thể là vào lúc nào. Tuy nhiên, không thể loại trừ, đó chỉ là<br />
chuyện bịa đặt sau này được đưa vào biên niên sử. Trong số đó, một câu chuyện kể rằng,<br />
tại quê của Lý Công Uẩn có một cây cổ thụ bị sét đánh. Ở chỗ dấu sét đánh thấy nổi lên<br />
những dòng chữ viết ra chứa đựng nhiều dụng ý sâu xa. Vạn Hạnh giải thích cho Lý<br />
Công Uẩn ý nghĩa của những chữ đó, rằng nhà Lê sắp mất, một triều đại mới - nhà Lý - sẽ<br />
thay thế. Một tiên liệu khác do các nhà sư tuyên truyền, rằng: Tại chùa Ứng Thiên châu<br />
Cổ Pháp, có một con chó đẻ con sắc trắng có đốm lông đen hình hai chữ “Thiên tử”. Đó là<br />
điềm năm Tuất, sinh người là thiên tử. Vua (Lý Công Uẩn) sinh vào năm Giáp Tuất. Dù<br />
thế nào đi nữa thì các nhà sư cũng đã chuẩn bị từ trước việc thay đổi triều đại. Điều đó, ở<br />
nhiều phương diện, đảm bảo vào thời điểm quyết định có được sự ủng hộ của các quan lại<br />
trong triều đối với vị quân vương tương lai. Đứng đầu những viên quan đó là Chi hậu<br />
Đào Cam Mộc. Lúc Lý Công Uẩn vào cung để nhận lệnh chỉ huy 500 quân cấm vệ, Đào<br />
Cam Mộc biết Lý Công Uẩn muốn cướp ngôi và trong việc này ông được sự ủng hộ của<br />
các tăng lữ Phật giáo. Tìm lúc thuận lợi, ông “khuyên” nhà vua tương lai thực hiện ý đồ<br />
của mình. Lợi dụng tước vị cao trong triều, Cam Mộc tiến hành việc thuyết phục các quan<br />
lại còn dao động. Ông nói với họ: “Hiện nay dân chúng ức triệu khác lòng, trên dưới lìa<br />
bỏ, mọi người chán ghét tiên đế (Lê Ngoạ Triều - A.P) hà khắc bạo ngược, không muốn<br />
lập người kế vị mà đều có lòng suy tôn quan Thân vệ (Lý Công Uẩn - A.P). Bọn ta không<br />
nhân lúc này cùng nhau sách lập Thân vệ làm thiên tử, lỡ bối rối có xảy ra tai biến gì, liệu<br />
chúng ta có thể giữ được cái đầu hay không? Các sử liệu cũng chép tiếp rằng: “Thế rồi<br />
cùng nhau dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm Thiên tử, lên ngôi Hoàng đế. Trăm quan<br />
đều hô “vạn tuế”8. Như vậy nhờ có sự chuẩn bị chu đáo từ trước và có một liên minh hùng<br />
mạnh, việc thay đổi triều đại đã diễn ra mà không có sự đổ máu. Vào tháng 11 năm 1009,<br />
Lý Công Uẩn lên ngôi, hiệu là Lý Thái Tổ.<br />
Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ ban nhiều tước vị và chức vụ cao cho những người ủng<br />
hộ và ruột thịt của mình. Đào Cam Mộc lấy trưởng công chúa An Quốc của vua, được ban<br />
tước Nghĩa tín hầu.<br />
Nhà nước trung ương tập quyền cần đến một tôn giáo thống nhất. Một tôn giáo như<br />
vậy sẽ tạo điều kiện cho việc thống nhất quốc gia, làm giảm ý nghĩa của các tín ngưỡng<br />
địa phương là cái mà các thế lực cát cứ thường hay lợi dụng. Một tôn giáo như vậy ở Đại<br />
Việt lúc này, chỉ có thể là Phật giáo. Dưới thời triều Hậu Lý Sơ, học thuyết Nho giáo<br />
không được sử dụng rộng rãi trong tầng lớp phong kiến quân sự ít học thức, trong khi đó,<br />
số các quan lại dân sự (văn quan) lúc này không nhiều. Thêm vào đó, một bộ phận lớn<br />
những người biết chữ, có học thức lại được đào tạo trong các chùa, như trường hợp<br />
Lý Công Uẩn. Ở đây tôi muốn trích dẫn ý kiến GS Phan Huy Lê về chế độ nhà Lý mà tôi<br />
hoàn toàn đồng ý: “Chế độ nhà Lý là chế độ quân chủ tập quyền, quyền hành tập trung<br />
về triều đình trung ương đứng đầu là nhà vua. Nhưng đây chưa phải là chế độ quân chủ<br />
quan liêu chuyên chế theo mô hình Nho giáo, mà là chế độ quân chủ tập quyền mang<br />
tính dân tộc cao kết hợp với tinh thần Phật giáo, dựa trên sự cố kết xã hội lấy thôn xã làm<br />
cơ sở và chính sách thân dân của nhà vua.”9.<br />
Lý Thái Tổ tiến hành một loạt các biện pháp nhằm truyền bá đạo Phật ở trong nước,<br />
tu bổ chùa chiền, tăng cường ảnh hưởng của học thuyết nhà Phật trong nhân dân. Việc xây<br />
dựng chùa chiền được tiến hành, số lượng sư sãi tăng lên - vào năm 1016, hơn 1.000 dân ở<br />
kinh thành trở thành các tăng ni và đạo sĩ. Họ được cấp phát quần áo. Vào năm 1020, vua<br />
ra lệnh cho các sư đi thuyết giáo trên toàn quốc. Hoàng Thái tử mang tên là Phật Mã, chữ<br />
<br />
274<br />
ĐẠI VIỆT LÀ NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN TRUNG ƯƠNG TẬP QUYỀN THỜI HẬU LÝ SƠ<br />
<br />
<br />
Phật tức là Budha hay Bụt. Năm 1018, Lý Thái Tổ sai một sứ bộ sang nhà Tống xin kinh<br />
Tam Tạng. Một số lượng lớn kim loại, trong đó có rất nhiều thứ quý báu được dùng vào<br />
việc đúc chuông cho các chùa, vua thể hiện lòng từ bi của mình đối với thần dân cũng<br />
như với tù binh và tội nhân. Chính ông là người đầu tiên thực hiện rộng rãi việc tha thuế<br />
tạm thời cho dân chúng, phóng thích tù binh, ra lệnh ân xá trong nước. Vậy là, với việc<br />
thành lập triều Hậu Lý Sơ, đã bắt đầu một thời kỳ thống trị của Phật giáo trong đời sống<br />
tôn giáo của xã hội Việt Nam.<br />
Một trong các biện pháp trước tiên nhằm thiết lập chính thể trung ương tập quyền<br />
do Lý Công Uẩn tiến hành là dời đô từ Hoa Lư về trung tâm đất nước. Đinh Bộ Lĩnh xây<br />
dựng kinh thành Hoa Lư, nơi ông chiếm giữ có địa thế hiểm trở nhằm chống lại sự tấn<br />
công của các sứ quân. Lê Đại Hành, quê cách đó không xa, cũng chọn vị trí này bởi vì lúc<br />
đó chính quyền trung ương vẫn chưa được củng cố vững chắc. Trong các điều kiện mới,<br />
những yêu cầu kinh tế - xã hội đòi hỏi phải thiết lập kinh đô ở trung tâm, nơi giao nhau<br />
của các tuyến giao thông thuỷ, bộ. Từ đó, có thể chi phối có hiệu quả toàn bộ đất nước,<br />
chống lại sự xâm lược của các nước láng giềng từ phía bắc cũng như phía nam đã chín<br />
muồi. Chính điều này được thể hiện rõ trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ: “…Huống chi<br />
thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi,<br />
chính giữa nam - bắc - đông - tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà<br />
bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết<br />
sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan<br />
yếu bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”10.<br />
Lý Thái Tổ đã chọn thành Đại La vốn do Cao Biền - một viên quan cai trị người<br />
Trung Quốc - muốn xưng vương xây dựng làm Kinh đô của mình. Không thể loại trừ việc<br />
Lý Thái Tổ - cũng như các tiền nhiệm của mình dự định đặt đô ở châu Cổ Pháp (thị xã Từ<br />
Sơn - tỉnh Bắc Ninh) nơi quê ông. Tuy nhiên, trên đường về quê ông thấy thành Đại La<br />
vẫn còn và quyết định xây dựng Kinh đô ở đó. Hiển nhiên, lý do khác nữa của việc chọn<br />
Kinh đô là vì đây là nơi kề sát với quê hương ông11. Thành Đại La là một công trình phòng<br />
thủ vững chắc. Tường thành được đắp bằng đất có chu vi sáu kilômét, cao tám mét, với 55<br />
chòi quan sát, năm tháp, ba con kênh, 34 đoạn đường được xây dựng. Trong thành bố trí<br />
hơn 5.000 ngôi nhà.<br />
Cao Biền xây thành Đại La trong những năm 865 - 868. Kinh đô được dời tới đây sau<br />
150 năm kể từ khi thành Đại La được xây dựng. Rất có thể những tường thành bằng đất<br />
này còn được duy trì khá tốt. Sông Hồng Hà, sông Tô Lịch cũng như các hồ bao quanh là<br />
những yếu tố tự nhiên rất thuận lợi.<br />
Việc xây dựng Kinh đô mới diễn ra vào tháng 7 năm 1010. Các sử liệu chép rằng, khi<br />
thuyền của Lý Thái Tổ tới đây, tạm đỗ dưới thành có rồng vàng hiện lên thuyền ngự. Vì<br />
vậy, Kinh thành được đổi tên là Thăng Long, có nghĩa là “rồng bay lên”. Tên gọi này<br />
tượng trưng cho sức mạnh của một quốc gia mới non trẻ, báo hiệu một sự phát triển rực<br />
rỡ trong tương lai. Lý Thái Tổ cho xây dựng trong thành nhiều cung điện và đền đài.<br />
Cung của Hoàng Thái tử Phật Mã được bố trí ở ngoài thành để - như các sử liệu cho biết -<br />
“Thái tử hiểu biết mọi việc của dân”12. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, vào năm 1014, tường<br />
đất bốn mặt Kinh thành được đắp.<br />
Tiếp theo việc xây dựng kinh đô mới, cuối năm, Lý Thái Tổ tiến hành một cuộc cải<br />
cách phân chia lại các đơn vị hành chính trong nước. Theo các sử liệu, 10 đạo được chia<br />
<br />
<br />
275<br />
Polyakov Alexey<br />
<br />
<br />
thành 24 lộ. Từ “đạo” trong biên niên sử trước đó chỉ liên quan đến 10 cánh quân do Đinh<br />
Bộ Lĩnh lập ra chứ không mang ý nghĩa hành chính lãnh thổ. Trong trường hợp này,<br />
dường như đã diễn ra một sự thay đổi về việc phân chia đất nước thành những đơn vị<br />
hành chính thuần tuý, chứng tỏ rằng quốc gia thống nhất tập quyền được củng cố một<br />
bước, có lẽ mô hình Trung Quốc cũng có vai trò trong việc này. Ở Trung Quốc, dưới thời<br />
Đường, được chia ra thành 10 đạo, còn nhà Tống lại chia thành các lộ. Con số 24 là rất<br />
đáng nghi, vì trong các sử liệu chỉ thấy nhắc đến 12 lộ là Thiên Trường, Quốc Oai, Hải<br />
Đông, Kiến Xương, Khoái, Hoàng Giang, Long Xương, Bắc Giang, Trường Yên, Hồng,<br />
Thanh Hóa, Diễn Châu. Vùng phía nam đất nước, Ái Châu và Hoan Châu (tương đương<br />
với Thanh Hóa, Nghệ An) đổi tên thành các trại mà nghĩa đều là các trại lính. Theo ý kiến<br />
của các tác giả nghiên cứu Đại Việt sử ký toàn thư, trại không phải là một đơn vị hành chính<br />
đặc biệt khác với lộ và châu. Nó được đặt ra nhằm xác định một khu vực chưa hoàn toàn<br />
thâu nắm được các lộ còn lại ở vùng trung tâm Bắc Việt Nam.<br />
Một trong các biện pháp quan trọng nhất của Lý Thái Tổ là chấn chỉnh lại chế độ tô<br />
thuế trong nước. Điều này cũng tạo điều kiện để phát triển nhà nước trung ương tập<br />
quyền với quyền lực tối cao của vua, đồng thời, củng cố thêm một bước quốc gia thống<br />
nhất. Thuế được thu trên các diện tích trồng lúa và ao đầm, bãi dâu (bằng tiền và thóc).<br />
Đối với các tù trưởng miền núi, việc thu thuế dưới hình thức cống vật gồm các sản vật địa<br />
phương như gỗ quý, hương liệu, ngà voi; Nhà nước kiểm soát các hàng hoá như muối,<br />
mắm bằng cách lập các trạm chuyên ở giáp ranh giữa các vùng trong nước. Lý Thái Tổ<br />
chú ý bảo đảm sự bình ổn và củng cố các làng xã - các đơn vị cơ sở của nền nông nghiệp<br />
trong nước. Ngay sau khi lên ngôi vào năm 1010, ông đã chiếu chỉ chiêu tập dân lưu tán<br />
trở về quê cũ làm ăn. Ông bắt đầu thực hiện việc miễn thuế ruộng. Ghi chép trong các sử<br />
liệu cũng phản ánh ý nghĩa của các hoạt động kinh tế trong thời kỳ này. Như lần đầu tiên<br />
xuất hiện những tư liệu về giá gạo - “mùa màng bội thu, 30 hộc lúa giá 70 đồng”.<br />
Việc xếp đặt cơ cấu bộ máy hành chính cũng được thực hiện một cách rành mạch<br />
hơn, bao gồm các quý tộc cao cấp (con cháu vua) và các quan văn, võ. Phân tích việc bổ<br />
nhiệm các quan lại cao cấp được tiến hành vào năm 102813 cho thấy, từ đây các quan lại<br />
dân sự (quan văn) nổi lên vị trí hàng đầu, còn các quan võ bị tụt xuống vị trí thứ hai, trong<br />
nhiều thế kỷ sau này tình hình vẫn như vậy. Đồng thời, cũng cần lưu ý ở giai đoạn này,<br />
sự phân biệt giữa chức năng quân sự và dân sự còn chưa được rành rọt lắm. Các nguyên<br />
tắc phân phối sản phẩm thu của nông dân - nguồn thu nhập cơ bản của Nhà nước - cũng<br />
được thiết lập. Ở đây, tầng lớp quý tộc cao cấp chiếm vị trí được ưu đãi nhất. Các sử liệu<br />
cho biết, vào năm 1013, “cho các vương hầu, công chúa được quản các thuế theo thứ bậc<br />
khác nhau”14. Từ “quản” (管) không được giải thích trong đoạn văn ngắn này. Từ “quản”<br />
không chỉ có nghĩa là “cai quản, điều khiển, dẫn dắt, lãnh đạo, quản lý” mà còn có nghĩa<br />
là “bảo đảm, cung cấp, ban cho”15. Không rõ ở đây được dùng với nhóm nghĩa thứ nhất<br />
hay thứ hai. Với nhóm nghĩa thứ hai, nó thể hiện rõ tính “đẳng, hạng” hơn. Chắc rằng<br />
những người trong dòng họ vua được quyền thu thuế cho mình, mức độ nhiều ít phụ<br />
thuộc vào thứ hạng của họ. Như thế, hình như họ không tự đứng ra thu thuế, công việc<br />
này do bộ máy quan lại thực hiện, là những người lúc này vẫn chưa được trả lương mà để<br />
tồn tại, họ phải dựa vào chức vụ của mình. Những thông tin đầu tiên về việc cấp lương<br />
bổng cho một số quan án ngục mới chỉ xuất hiện vào năm 1067. Lý do là “nuôi đức liêm<br />
khiết của họ”16.<br />
Quân đội là mối quan tâm thường xuyên của những người sáng lập triều Hậu Lý Sơ<br />
cũng như các tiền nhiệm của họ trước đây. Lý Thái Tổ ban bố một loạt các chiếu chỉ nhằm<br />
<br />
<br />
276<br />
ĐẠI VIỆT LÀ NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN TRUNG ƯƠNG TẬP QUYỀN THỜI HẬU LÝ SƠ<br />
<br />
<br />
hoàn thiện cơ cấu và tổ chức quân đội. Dưới thời Lý, tổ chức quân đội rất quy củ và về cơ<br />
bản nó được áp dụng trong nhiều thế kỷ sau đó. Lực lượng quân cấm vệ là nòng cốt của<br />
bộ phận quân đội thường trực và rất được ưu đãi. Lý Thái Tổ tăng cường lực lượng này và<br />
chia thành 10 đội. Trước đây, lực lượng này cũng đã từng có những đơn vị hộ tống nhà<br />
vua lúc xa giá gồm hai đội, mỗi đội 500 người.<br />
Không giống như các bộ phận khác của quân đội, quân cấm vệ phải phục vụ thường<br />
xuyên, không phải về sản xuất tại quê mình. Vì thế, lực lượng này chỉ bao gồm những<br />
người thuộc các danh gia vọng tộc hoặc không còn thân thích gì. Họ phục vụ tại kinh<br />
thành, bảo vệ vua và khu vực cấm thành, được hưởng lương bằng tiền và thóc. Đây thực<br />
sự là hình thức chuyên nghiệp duy nhất của lực lượng vũ trang Đại Việt. Trong thời gian<br />
xảy ra chiến tranh, với tư cách là lực lượng hỗ trợ, các đội dân binh làng xã được lập ra và<br />
cũng chỉ đối với từng vùng nhất định17. Quân lính ở các lộ (hay lính địa phương) là những<br />
bộ phận chủ yếu của quân đội về mặt số lượng. Những người nông dân công xã (dân<br />
đinh) tuổi từ 18 trở lên phục vụ trong bộ phận này. Việc xét tuyển dựa vào sổ hộ tịch ở các<br />
làng xã. Họ chỉ phục vụ trong một khoảng thời gian nhất định (thường là ngắn), sau đó,<br />
lại trở về làng mình. Một bộ phận dân đinh khác sẽ thay thế họ. Trong trường hợp có<br />
chiến tranh, tất cả lại được động viên. Đây thực sự là một thứ nghĩa vụ quân sự phổ cập<br />
(vì nông dân là bộ phận chủ yếu trong cư dân), nhờ đó mà quân đội thường trực sẽ được<br />
lập ra. Quân đội này được gọi là quân các lộ hay quân địa phương, có lẽ vì trong thời bình,<br />
nó cho phép luân phiên gọi dân đinh nhập ngũ hết lượt này đến lượt khác và tiện lợi cho<br />
việc trở về làng. Ngoài ra, điều đó còn cho phép kiểm soát chặt chẽ dân đinh ở các làng xã.<br />
Trong lịch sử, chế độ gọi lính luân phiên nhau được gọi là chính sách “ngụ binh ư<br />
nông”. Như đã chỉ rõ thời hạn định kỳ và không lâu, binh lính trở về làng thu hoạch mùa<br />
màng, tự đảm bảo phần lớn cuộc sống của mình, lực lượng quân đội thường trực chỉ có<br />
một số ít. Tất cả những điều đó tạo nên ý nghĩa kinh tế rất đáng kể, đáp ứng những nhu<br />
cầu hậu cần cho quân đội trong thời bình. Khi có chiến tranh, việc cung cấp của Nhà nước<br />
đòi hỏi rất cao do việc động viên một bộ phận lớn nông dân phục vụ lâu dài và sự di<br />
chuyển lực lượng ở những khoảng cách lớn. Trong trường hợp này, việc đảm bảo lương<br />
thực cho quân đội do Nhà nước đảm nhiệm.<br />
Như vậy, có thể kết luận quân đội Đại Việt bao gồm những binh lính chuyên nghiệp<br />
và thường trực cũng như lực lượng thân binh. Một hệ thống bổ sung quân đội như thế<br />
cho phép đào tạo được về mặt quân sự đối với tất cả các cư dân trưởng thành của đất<br />
nước và trong trường hợp chiến tranh, có thể thực hiện việc tổng động viên. Điều đó, trên<br />
thực tế, tạo ra khả năng để quân đội Đại Việt - một quốc gia không lớn cả về lãnh thổ và<br />
dân số - đánh bại các quân đội hùng hậu của các đế quốc lớn như Tống - Nguyên.<br />
Chiếu chỉ của Lý Thái Tông từ năm 1043 áp dụng các hình phạt khác nhau đối với<br />
quân sỹ bỏ trốn trong thời gian tại ngũ cũng như khi động viên trong trường hợp có chiến<br />
tranh. Dân binh đến tuổi nhập ngũ bị cấm biến thành nô.<br />
Các hoàng tử như: Khai Quốc Vương, Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và<br />
Vũ Đức Vương cũng điều hành các lực lượng quân đội lớn. Họ có nhiệm vụ đàn áp các<br />
cuộc nổi dậy ở trong nước và chống lại sự tấn công từ bên ngoài. Thái tử Phật Mã (Khai<br />
Thiên Vương) cũng có lực lượng quân đội do mình chỉ huy và đã được sử dụng trong<br />
cuộc hành quân đến Chămpa.<br />
Các triều đại Đinh - Lê trước đây, để củng cố thế lực của mình, đã đẩy mạnh việc<br />
chinh phục các phong kiến địa phương tại vùng đồng bằng trung tâm miền Bắc Việt Nam,<br />
<br />
277<br />
Polyakov Alexey<br />
<br />
<br />
cũng như tại Thanh Hoá và Nghệ An. Lý Thái Tổ bắt đầu bằng việc chinh phục các tù<br />
trưởng miền núi. Mở đầu vào năm 1011, ông tiến đánh Ái Châu. Năm sau, khi kéo quân đến<br />
Diễn Châu18 ông ra lệnh bắt nhiều người Man sang buôn bán ở châu Vị Long19. Trong cuộc<br />
tiến quân này, ông cướp được rất nhiều ngựa.<br />
Năm 1013, khi định các lệ thuế trong nước, Lý Thái Tổ quy định việc thu thuế của<br />
người miền núi (Man, Lão), từ nay họ phải nộp các loại gỗ quý, hương liệu, ngà voi. Kết<br />
quả là họ vẫn không chịu thần phục. Nửa năm sau, triều đình lại cử binh tới châu Vị<br />
Long. Vua đích thân cầm đầu cuộc chinh phạt và đã đạt kết quả. Tuy thế, vào năm 1014,<br />
người Man lại tập hợp được một lực lượng lớn kiểm soát một vùng rộng lớn. Quân đội<br />
dưới sự chỉ huy của Dực Thánh Vương đã đánh bại lực lượng này, thu nhiều chiến lợi<br />
phẩm. Tuy nhiên, không phải mau chóng mà vùng Tuyên Quang, Cao Bằng đã chinh<br />
phục được hoàn toàn. Năm 1015, triều đình tiến hành một cuộc chinh phạt do hai Hoàng<br />
tử Vũ Đức Vương và Dực Thánh Vương chỉ huy. Thủ lĩnh địa phương là Hà Trắc Tuấn bị<br />
bắt đem về kinh thư chém đầu. Các vùng kể trên được bình định nhưng triều đình vẫn<br />
phải đưa quân đến đàn áp (vào các năm 1022 và 1024). Sau đó, địa bàn các cuộc chinh<br />
phục được mở rộng. Năm 1027, Thái tử Khai Thiên Vương tiến hành chinh phạt các tộc<br />
người ở tỉnh Lạng Sơn ngày nay.<br />
Nhờ kết quả của các hoạt động quân sự này, lực lượng vũ trang của các Hoàng tử<br />
được tăng cường. Khai Quốc Vương được phong ban vùng Trường Yên cùng với dinh thự<br />
ở Kinh đô Hoa Lư trước đây. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, ông “cậy có núi sông hiểm<br />
trở, tụ tập những kẻ trốn tránh, cướp bóc dân mọn”20. Các sử liệu gián tiếp cho phép kết<br />
luận, các Hoàng tử khác như Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương<br />
cũng được quyền cai quản các khu vực xác định. Như vậy, các Hoàng tử có một sự độc lập<br />
nào đó trong quan hệ với triều đình.<br />
Năm 1028, Lý Thái Tổ mất. Ngay sau cái chết của ông đã diễn ra cuộc giành giật ngôi<br />
vua giữa các hoàng tử. Đông Chính Vương, Dực Thanh Vương và Vũ Đức Vương kéo quân<br />
vào khu vực Cấm thành Thăng Long (cung vua), nơi Thái tử Phật Mã đang ở đó. Cũng lúc<br />
này, tại đây các quan lại cao cấp đã họp lại nhằm chuẩn bị cho việc lên ngôi của Thái tử. Phật<br />
Mã cùng các quan lại cao cấp trung thành với ông, cấm quân vệ, các vệ sỹ cố thủ trong cung<br />
điện. Họ gồm có Dương Bình, Quách Thịnh, Lê Huyền Sư, Lê Phụng Hiểu do Lý Nhân Nghĩa<br />
đứng đầu, đã thuyết phục Thái tử phải có hành động kiên quyết chống lại việc nổi loạn của<br />
những người anh em mình lúc này đang siết chặt vòng vây chuẩn bị tiến vào cung.<br />
Quân cấm vệ trung thành với Thái tử đã mở cửa điện đánh ra. Trận đánh lúc đầu<br />
không phân thắng bại. Cuối cùng Lê Phụng Hiểu - một người khoẻ mạnh đầy nghị lực - là<br />
người quyết định thắng lợi của lực lượng trung thành với Thái tử. Vũ Đức Vương bị giết,<br />
Đông Chinh Vương và Dực Thanh Vương bỏ chạy. Sau chiến thắng này, Thái tử Phật Mã<br />
lên ngôi (tức là Lý Thái Tông), tuyên bố đại xá trong thiên hạ. Hai Vương: Đông Chinh<br />
Vương và Dực Thanh Vương đến cửa khuyết xin chịu tội. Lý Thái Tông xuống chiếu tha<br />
cho, lại cho tước như cũ. Thế nhưng, Khai Quốc Vương giữ Hoa Lư không thừa nhận ngôi<br />
vua của Lý Thái Tông. Tháng 4 năm 1028, vua thân đi đánh Khai Quốc Vương, cho<br />
Lý Nhân Nghĩa ở lại giữ Kinh đô thay mình. Khai Quốc Vương đầu hàng. Trước lúc tiến<br />
quân vào Hoa Lư, vua hạ lệnh: Ai cướp bóc của cải của dân thì chém. Khai Quốc Vương<br />
và các liên thuộc của ông được đưa về Thăng Long và tha tội.<br />
Để đề phòng những biến loạn về sau, Lý Thái Tông đã sắc phong Hoàng tử Nhật<br />
Tôn làm Đông cung Thái tử, lập bảy hoàng hậu.<br />
<br />
278<br />
ĐẠI VIỆT LÀ NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN TRUNG ƯƠNG TẬP QUYỀN THỜI HẬU LÝ SƠ<br />
<br />
<br />
Một trong các biện pháp trước tiên của vua sau khi lên ngôi là ban thưởng tước vị<br />
cho các quan văn, võ các cấp. Biên niên sử cho biết, đợt đầu có 18 người được bổ nhiệm<br />
vào các chức vụ khác nhau. Không bao lâu sau đã hình thành một trật tự thứ bậc theo chức<br />
vụ, thể hiện một bước phát triển của bộ máy hành chính trung ương tập quyền chuyên<br />
môn hoá các chức năng của nó. Không phải ngẫu nhiên mà trong danh sách các chức vụ,<br />
quan lại dân sự được đưa lên vị trí hàng đầu. Như vậy, trong những năm này bộ máy hành<br />
chính bước đầu thể hiện về hình thức và cơ cấu những đặc trưng mà cho đến hàng trăm<br />
năm sau vẫn còn được áp dụng.<br />
Dưới thời Lý Thái Tông, lần đầu tiên quy định thu nhập của quan lại bằng một phần<br />
mười số thuế họ thu được. Có một lần vào năm 1043, vua ban cho các quan tiền đồng.<br />
Đến lúc này việc cần thiết phải có một hệ thống luật lệ đã chín muồi. Thiếu điều đó,<br />
nhà nước phong kiến tập quyền không thể hoạt động và phát triển một cách bình thường<br />
được. Trước đây, các quan trong khi xử án thường dựa vào các sắc chỉ của vua, một thứ<br />
luật lệ theo tập quán. Vào những năm 40 thế kỷ XI, các quan trong triều được giao nhiệm<br />
vụ bắt tay vào việc soạn thảo ra một hệ thống luật lệ. Xuất hiện nhiều sắc chỉ của vua quy<br />
định các hình phạt khác nhau đối với tội nhân.<br />
Năm 1042, bộ Hình thư được soạn thảo xong và trình lên vua. Văn bản của bộ luật<br />
này đến nay không còn, chỉ biết rằng nó gồm ba quyển, là những điều luật được tập hợp<br />
lại trong các chương mục. Vua ra sắc chỉ ban bố việc thực hiện bộ luật này trong cả nước.<br />
Về nội dung của các điều luật, chỉ có thể xác định thông qua các chỉ dụ riêng của vua được<br />
đưa ra trong thời gian này. Các đạo luật trong Hình thư có nội dung đề cập tới các quan hệ<br />
ruộng đất - nông nghiệp, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước cũng như tội hình<br />
khác nhau. Việc lập bộ Hình thư đánh dấu một bước tiến mới rất quan trọng trên con<br />
đường xác lập và củng cố quốc gia phong kiến trung ương tập quyền ở Đại Việt.<br />
Lý Thái Tông, trong các chính sách của mình, đẩy mạnh đáng kể sự phát triển kinh<br />
tế nông nghiệp. Dưới thời ông, nhà nước thực hiện chính sách “khuyến nông” - khuyến<br />
khích phát triển nông nghiệp - nền tảng kinh tế của đất nước. Dân các hạng được xác<br />
định với bộ phận chủ yếu là các dân đinh từ 18 đến 60 tuổi, gọi là “hoàng nam”. Tên của<br />
họ được ghi trong các sổ bìa vàng, do đó có tên gọi như vậy. Nhà nước áp dụng các biện<br />
pháp có tính pháp luật bảo vệ bộ phận cư dân này, không cho phép làm giảm số lượng<br />
các “hoàng nam”. Năm 1043, vua ra các chỉ dụ cấm các quan không được che giấu và ức<br />
hiếp các “hoàng nam”. Một chiếu chỉ khác cũng được ban bố trong năm 1043 cấm bán<br />
“hoàng nam” làm gia nô. Lý Thái Tông đã tiến hành thường xuyên nghi lễ cày ruộng tịch<br />
điền, việc trộm cắp trâu bò trong các làng xã bị trừng trị.<br />
Vua tiếp tục việc khai khẩn vùng đất phía nam đất nước. Đây là cơ sở cung cấp binh<br />
lính bảo vệ biên giới và tham gia vào các hoạt động quân sự chống lại nước Chăm.<br />
Các quan hệ hàng hoá - tiền tệ cũng được phát triển. Nhiều điểm buôn bán xuất<br />
hiện, nhiều chợ búa được xây dựng ở Kinh thành. Năm 1043, Nhà nước cho đúc tiền Minh<br />
Đạo ban cho các quan văn, võ. Đây rất có thể là chế độ ban thưởng một lần, bởi vì việc trả<br />
lương thường xuyên cho quan lại bằng tiền vẫn chưa được áp dụng. Việc xây dựng đường<br />
sá, cầu cống, khơi sông, đào kênh (đường thuỷ là phương tiện giao thông chủ yếu) tạo<br />
điều kiện để củng cố và thiết lập các quan hệ kinh tế - hàng hoá giữa các vùng khác nhau<br />
trong nước. Trong thời kỳ này, rất nhiều chùa chiền được xây dựng. Rõ ràng là để tiến<br />
hành các công việc xây dựng này, không phải do những người nông dân thực hiện chế độ<br />
<br />
279<br />
Polyakov Alexey<br />
<br />
<br />
lao dịch đảm nhiệm mà phải là những người thợ thủ công chuyên nghiệp được thuê đến<br />
và trả tiền công cho họ. Điều này được ghi nhận trong biên niên sử vào năm 1031: “Xuống<br />
chiếu phát tiền thuê thợ làm chùa quán ở các hương ấp, tất cả 150 chỗ”21.<br />
Các cuộc tiến quân lên vùng núi được tiếp tục. Việc bắt các tù trưởng miền núi phải<br />
khuất phục là cần thiết đối với triều đình Đại Việt, bởi vì họ đang chiếm các vị trí chiến<br />
lược quan trọng ở vùng phía Bắc đất nước. Trong cuộc chiến tranh với nhà Tống, sự ủng<br />
hộ của cư dân vùng giáp biên này có một ý nghĩa khá quan trọng. Chính dưới thời Hậu<br />
Lý Sơ, đặc biệt dưới thời hai vua đầu tiên của triều đình này, người ta đã chấm dứt tính<br />
độc lập của các tù trưởng miền núi. Các biên niên sử chứng minh về việc đó. Dưới thời<br />
Hậu Lý Sơ và Hậu Lý Mạt, tất cả có khoảng ba mươi cuộc xung đột vũ trang giữa các quân<br />
đội triều đình với các tù trưởng miền núi. Trong đó thời Lý Thái Tổ có tám cuộc, thời Lý<br />
Thái Tông có mười hai cuộc, thời kỳ sáu vua còn lại mà về thời gian lâu hơn rất nhiều so với<br />
hai vua đầu, nhưng chỉ diễn ra tất cả có sáu cuộc đàn áp các tù trưởng miền núi. Năm 1053,<br />
cuộc nổi dậy của họ Nùng (tỉnh Cao Bằng và một phần lãnh thổ nhà Tống) kéo dài nhiều<br />
năm đã bị diệt.<br />
Hình thức cơ bản của việc thu thuế người miền núi là các cống vật truyền thống,<br />
trước đây thường không được thực hiện thường xuyên vì các cuộc chiến tranh liên miên<br />
giữa các thế lực phong kiến người Việt với nhau, không có một chính quyền trung ương<br />
lớn mạnh. Sự khôi phục và củng cố nhà nước trung ương tập quyền là điều kiện không<br />
thể thiếu được để kiểm soát các khu vực miền núi, nơi có ý nghĩa to lớn cả về chiến lược<br />
cũng như kinh tế. Gỗ quý, hương liệu, dược liệu, ngà voi và các sản phẩm khác là các mặt<br />
hàng trao đổi quan trọng trong việc buôn bán với nước ngoài. Năm 1043, vua xuống chiếu<br />
quy định cống vật đối với các tộc người miền núi. Do các tù trưởng của họ không chịu<br />
nộp cống, vua Lý Thái Tổ đem quân đi đánh. Một đặc điểm là, trên thực tế toàn bộ các<br />
hoạt động quân sự chống lại người miền núi được bắt đầu trong thời gian trị vì của Lý<br />
Thái Tổ trong các biên niên sử chép như là việc xuất quân bình định một vùng nhất định.<br />
Trong khi đó, dưới thời con trai ông - Lý Thái Tông - tình hình có thay đổi, như các sử liệu<br />
ghi nhận mỗi khi ở một nơi nào đó “nổi loạn” thì vua mới xuống chiếu đem quân đi đánh.<br />
Trên cơ sở những trình bày trên có thể kết luận rằng, Lý Thái Tổ trong thời trị vì của mình<br />
đã dựa vào hoạt động quân sự, buộc các tù trưởng miền núi phải nộp cống vật cho triều<br />
đình trung ương. Việc nộp cống vật không phải là việc làm tự nguyện về phía các tù<br />
trưởng. Dưới thời Lý Thái Tông, những phản ứng của người miền núi cũng coi như là sự<br />
“nổi loạn”. Sau thời trị vì của Lý Thái Tông (1028 - 1054), các cuộc xung đột vũ trang với cư<br />
dân miền núi giảm đi rất nhiều. Điều này có thể thấy qua việc một số vùng rừng núi trở<br />
thành vùng biên cương của quốc gia Đại Việt. Sau này, chỉ có một trường hợp tù trưởng<br />
miền núi không chịu cống nộp là vào năm 1119, tức là hơn 60 năm sau, trong khi đó ở nửa<br />
đầu thế kỷ XI việc “bình định” các tộc người miền núi diễn ra trung bình là hai năm một<br />
lần. Ở thời Trần, các cuộc nổi dậy của tù trưởng miền núi thực tế là không còn nữa22. Cần<br />
phải ghi nhận rằng, chính sách của nhà Lý nhằm mở rộng chính quyền của mình tới các<br />
tộc người miền núi không chỉ đơn thuần bằng hoạt động vũ trang. Lý Thái Tông bắt đầu<br />
áp dụng chiến thuật lôi kéo các tộc người miền núi về phía mình một cách hoà bình. Vào<br />
thời Lý Thái Tông, nhiều công chúa được gả làm vợ cho các tù trưởng miền núi. Do đó mà<br />
họ thành những người gần gũi với vua, triều đình. Điều này, ở một mức độ đáng kể đã<br />
hạn chế các cuộc nổi dậy của họ chống lại chính quyền trung ương Đại Việt.<br />
<br />
280<br />
ĐẠI VIỆT LÀ NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN TRUNG ƯƠNG TẬP QUYỀN THỜI HẬU LÝ SƠ<br />
<br />
<br />
Các thế lực cát cứ phong kiến trong nước hết sức suy yếu và nhìn chung ở thế kỷ XI,<br />
các cuộc nổi dậy lẻ tẻ của họ không còn là mối đe doạ nghiêm trọng đối với chính quyền<br />
trung ương lúc này đã được củng cố khá vững. Hai cuộc nổi dậy ở Diễn Châu vào năm<br />
1012 và 1062 nhanh chóng bị đàn áp. Biên niên sử chỉ ghi chép ngắn gọn về hai cuộc nổi<br />
dậy này. Năm 1036, triều đình cử binh đàn áp cuộc nổi dậy của Nguyễn Khánh và nhà sư<br />
họ Hồ được các hoàng thân ủng hộ ở Châu Ái23. Cũng ở thế kỷ XI, trong nước vẫn còn<br />
bùng lên một vài cuộc nổi loạn, nhưng bị dập tắt ngay mà không cần phải sử dụng đến<br />
binh lực lớn.<br />
Vào nửa sau thế kỷ XI, nhà nước tập quyền thống nhất ở Đại Việt tiếp tục được<br />
củng cố và phát triển. Năm 1054, Lý Thánh Tông lên ngôi, hoàn thiện hơn nữa cơ cấu bộ<br />
máy hành chính. Lần đầu tiên các sử liệu cho biết về việc cho quan lại lương hàng tháng<br />
với số lượng quy định bằng tiền và gạo. Thực ra, lúc đầu điều này chỉ được áp dụng với<br />
các pháp quan (quan xử án) - những người không được thu thuế. Việc củng cố quân đội<br />
rất được chú ý, trước hết là đối với đội quân cấm vệ. Thắng lợi của cuộc tiến công vào<br />
Chămpa năm 1069 thể hiện rõ rệt ưu thế quân sự của Đại Việt. Nhờ thắng lợi này, lãnh<br />
thổ quốc gia được mở rộng với ba châu mới của người Chăm ở phía nam.<br />
Việc khai thác các kim loại quý được phát triển. Vào năm 1062, vua xuống chiếu khai<br />
mỏ vàng ở động Vũ Kiện và mỏ bạc ở huyện Hạ Liên24. Việc buôn bán với nước ngoài<br />
được mở rộng, hàng hoá từ Giava đã có mặt ở Đại Việt.<br />
Năm 1072, Lý Thánh Tông mất. Thái tử Càn Đức mới sáu tuổi lên nối ngôi, tức là Lý<br />
Nhân Tông. Thời gian cai trị của Lý Nhân Tông dài nhất trong các vua triều Lý, ông ở<br />
ngôi 56 năm và mất vào năm 1127.<br />
Trong những thập kỷ này, việc hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục<br />
được thực hiện, thường xuyên bổ sung những người có học thức - trong số đó có cả các<br />
nhà sư - vào hàng ngũ quan lại. Biên niên sử cho biết đã có các bộ: Binh, Lễ, Hộ trong tổ<br />
chức nhà nước. Việc thu thuế được chấn chỉnh. Năm 1092, theo lệnh vua đã định sổ<br />
ruộng, xác định mức tô trên một đơn vị diện tích. Giống như trước đây, chính sách<br />
khuyến nông vẫn được áp dụng. Nhiều chiếu chỉ được ban bố, cấm các nhà vọng tộc che<br />
giấu tội phạm chạy trốn; do vậy, hạn chế sự phát triển của chế độ nông nô và sở hữu lớn<br />
về trang trại, ruộng đất, cũng trừng trị tội giết trâu bò - sức kéo chủ yếu của nền kinh tế<br />
nông nghiệp.<br />
Việc củng cố quân đội được đặc biệt chú ý dưới quyền tổng chỉ huy của Lý Thường<br />
Kiệt. Các biện pháp này là cần thiết khi quan hệ giữa Đại Việt với các nước láng giềng nhà<br />
Tống ở phía bắc, Chămpa, Chân Lạp ở phía nam, trở nên căng thẳng. Lần đầu tiên (và lần<br />
duy nhất) trong lịch sử Việt Nam, quân đội Đại Việt tấn công và hoạt động quân sự có kết<br />
quả trên đất Tống (1075 - 1076).<br />
Như vậy, dựa trên những điều vừa trình bày ở trên có thể rút ra một số kết luận như sau:<br />
1) Ở thế kỷ thứ X, trong xã hội Việt đã phân chia thành các tầng lớp xã hội, quan<br />
tâm đến điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập vững chắc chính quyền trung ương tập<br />
quyền trong nước. Lực lượng thứ nhất là giai cấp nông dân và tầng lớp trên trong làng xã<br />
- những người cần các điều kiện lao động bình thường và giảm nhẹ gánh nặng cống nạp<br />
cho các đại diện của giai cấp thống trị. Lực lượng thứ hai có mối quan tâm đến việc thống<br />
nhất đất nước - là các tăng lữ Phật giáo, mà đến lúc này, họ đang có một vị trí thực sự<br />
<br />
281<br />
Polyakov Alexey<br />
<br />
<br />
quan trọng trong triều đình và có ảnh hưởng tinh thần to lớn trong quần chúng nhân<br />
dân. Lực lượng thứ ba là hàng ngũ quan lại tuy không đông người lúc đó nhưng rất cần<br />
thiết cho hoạt động ổn định của bộ máy nhà nước trung ương tập quyền.<br />
2) Thời kỳ quá độ giữa phân tán phong kiến và nhà nước tập quyền, với người đứng<br />
đầu có thực quyền, về phương diện chính trị diễn ra trong thời gian nắm quyền của các<br />
triều đại Đinh - Lê, tức các triều đại liên tục tiến hành cuộc đấu tranh chống khuynh<br />
hướng ly tâm và cuối cùng, kết thúc với việc lên nắm chính quyền của nhà Hậu Lý Sơ -<br />
một triều đại tồn tại lâu dài - vào năm 1009.<br />
3) Các thế lực cát cứ phong kiến trong nước bị suy yếu và nhìn chung ở thế kỷ XI,<br />
các cuộc nổi dậy lẻ tẻ của họ không còn là mối đe doạ nghiêm trọng đối với chính quyền<br />
trung ương lúc này đã được củng cố khá vững.<br />
4) Các vua triều Hậu Lý Sơ đã đàn áp các cuộc nổi dậy chống chính quyền trung<br />
ương của thủ lĩnh miền núi và bắt đầu quản lý thực sự toàn bộ lãnh thổ của nước Đại Việt.<br />
5) Việc thành lập và củng cố nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đã được<br />
xảy ra nhờ những biện pháp mà các vua nhà Hậu Lý Sơ đã thực hiện - cuộc dời đô, cải<br />
cách phân chia hành chính nhà nước, chấn chỉnh lại chế độ tô thuế, việc xếp đặt cơ cấu bộ<br />
máy hành chính, hoàn thiện cơ cấu và tổ chức quân đội, việc chinh phục các tù trưởng<br />
miền núi, việc soạn thảo ra một hệ thống luật lệ, việc phát triển quan hệ hàng hoá - tiền tệ.<br />
6) Bằng chứng sáng ngời của việc thành lập và củng cố nhà nước phong kiến trung<br />
ương tập quyền hùng mạnh là cuộc tấn công và các hoạt động quân sự có hiệu quả của<br />
quân đội Đại Việt vào lãnh thổ miền Nam Trung Quốc năm 1075 - 1076.<br />
7) Văn minh nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Đại Việt thời Hậu Lý Sơ là<br />
văn minh Phật giáo.<br />
8) Các kết luận trình bày ở đây cho phép khẳng định rằng Đại Việt là nhà nước<br />
phong kiến trung ương tập quyền dưới thời Hậu Lý Sơ (1009 - 1126).<br />
<br />
<br />
<br />
CHÚ THÍCH<br />
<br />
1<br />
Ở đây tôi nói về nước Đại Việt chứ không phải nước Đại Cồ Việt bởi vì theo những phát hiện khảo cổ học<br />
trong tường thành Hoa Lư thời Đinh Bộ Lĩnh thời gian gần đây người ta đã tìm được nhiều gạch mang<br />
những chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên 大 越 國 軍 城 磚, còn gạch có chữ Đại Cồ Việt 大 瞿 越 người<br />
ta không phát hiện được.<br />
2<br />
Trong bản báo cáo ở Hội nghị Một nghìn năm triều Lý và Thủ đô Thăng Long, tôi đã đưa ra giả thuyết rằng<br />
năm 1127 đã xảy ra sự chuyển giao bí mật của các triều đình dưới thời triều Lý chung.<br />
3<br />
A.B. Pôliacốp, Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X - XIV, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.<br />
4<br />
Краткая история Вьета (Вьет шы лыок). Перевод с вэньяня, вступительная статья и комментарий Полякова<br />
А.Б. Изд-во “Наука”, М, 1980 г., стр. 141.<br />
5<br />
Краткая история Вьета (Вьет шы лыок). Перевод с вэньяня, вступительная статья и комментарий Полякова<br />
А.Б. Изд-во “Наука”, М, 1980 г., стр. 137.<br />
6<br />
Chùa Tiên Sơn ở Hà Bắc.<br />
7<br />
Краткая история Вьета (Вьет шы лыок). Перевод с вэньяня, вступительная статья и комментарий Полякова<br />
А.Б. Изд-во “Наука”, М, 1980 г., стр. 139.<br />
<br />
<br />
282<br />
ĐẠI VIỆT LÀ NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN TRUNG ƯƠNG TẬP QUYỀN THỜI HẬU LÝ SƠ<br />
<br />
<br />
<br />
8<br />
Краткая история Вьета (Вьет шы лыок). Перевод с вэньяня, вступительная статья и комментарий Полякова<br />
А.Б. Изд-во “Наука”, М, 1980 г., стр. 141.<br />
9<br />
Phan Huy Lê, “Vua Lý Thái Tổ triều Lý trong lịch sử dân tộc”, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6, 2000, tr.6.<br />
10<br />
Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.241.<br />
11<br />
Thị xã Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh giáp giới với Hà Nội, ở đây có chùa Lục Tổ.<br />
12<br />
Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, sđd, tr.243.<br />
13<br />
Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, sđd, tr.251-252.<br />
14<br />
Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, sđd, tr.244.<br />
15<br />
Большой Китайско-русский словарь, Изд-во “Наука”, M., т. 2, стр. 597.<br />
16<br />
Краткая история Вьета (Вьет шы лыок). Перевод с вэньяня, вступительная статья и комментарий Полякова<br />
А.Б. Изд-во “Наука”, М, 1980 г., стр. 160.<br />
17<br />
Nguyễn Anh Dũng, Chính sách ngụ binh ư nông các thời Lý - Trần - Lê sơ (thế kỷ XI - XIV), NXB Khoa học Xã<br />
hội, Hà Nội, 1981, tr.19.<br />
18<br />
Tại lãnh thổ thuộc tỉnh Nghệ An ngày nay.<br />
19<br />
Tỉnh Tuyên Quang ngày nay.<br />
20<br />
Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, sđd, tr.250.<br />
21<br />
Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, sđd, tr.255.<br />
22<br />
Nguyễn Danh Phiệt trong công trình Sự nghiệp thống nhất đất nước dưới các triều Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần và kỷ<br />
nguyên Đại Việt đã lưu ý rằng, trong thời kỳ cai trị của nhà Trần (1225 - 1400) chỉ có hai cuộc nổi dậy của các<br />
bộ tộc người miền núi chống lại triều đình trung ương.<br />
23<br />
Thanh Hóa.<br />
24<br />
Краткая история Вьета (Вьет шы лыок). Перевод с вэньяня, вступительная статья и комментарий Полякова<br />
А.Б. Изд-во “Наука”, М, 1980 г., стр. 158.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
283<br />