Đức thánh Tam giang - Nơi ra đời bài thơ “Thần” - Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Đại Việt
lượt xem 29
download
Nơi ấy là đền Xà trên khu vực ngã ba Xà (nay thuộc xã Tam Giang - Yên Phong - Bắc Ninh) nơi hội lưu sông Cà Lồ đổ vào sông Cầu. Đền Xà thờ Thánh Tam Giang - thượng tướng Trương Hống, phó tướng Trương Hát (là em). Hai anh em ngài đều là bậc tướng, chí dũng song toàn, phò Triệu Việt Vương, cầm quân đánh thắng quân Lương vào năm Canh Ngọ (550), giải phóng đất nước Vạn Xuân khỏi ách áp bức của vua quan nhà Lương phương Bắc. Hai anh em ngài là bậc đại nhân “sinh vi dũng tướng,...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Đức thánh Tam giang - Nơi ra đời bài thơ “Thần” - Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Đại Việt
- Đức Thánh Tam Giang Nơi ra đời bài thơ “Thần” - Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Đại Việt Nơi ấy là đền Xà trên khu vực ngã ba Xà (nay thuộc xã Tam Giang - Yên Phong - Bắc Ninh) nơi hội lưu sông Cà Lồ đổ vào sông Cầu. Đền Xà thờ Thánh Tam Giang - thượng tướng Trương Hống, phó tướng Trương Hát (là em). Hai anh em ngài đều là bậc tướng, chí dũng song toàn, phò Triệu Việt Vương, cầm quân đánh thắng quân Lương vào năm Canh Ngọ (550), giải phóng đất nước Vạn Xuân khỏi ách áp bức của vua quan nhà Lương phương Bắc. Hai anh em ngài là bậc đại nhân “sinh vi dũng tướng, tử vi minh thần”. Công đức của anh em ngài rất lớn, nên được nhiều triều đại tặng phong mỹ tự: “Đại vương thượng đẳng thần”. Hơn 300 làng ven các triền sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Thương có đình đền thờ Đức Thánh Tam Giang. Riêng các làng bên ven triền sông Cầu kể từ thượng nguồn Đu Đuổm xuống hạ lưu Lục Đầu, hầu như đều tôn thờ Thánh Tam Giang làm Thành hoàng. Vào đầu triều đại Lý Nhân Tông thế kỷ thứ XI, nhà Tống lăm le xâm lược nước ta lần thứ 2. Tổng binh Lý Thường Kiệt thấu hiểu tâm đen của nhà Tống, ông xây dựng phòng tuyến Như Nguyệt, dài theo bờ nam sông Cầu (từ ngã ba Xà trở xuống) để chặn bước tiến của quân xâm lược, khi chúng liều lĩnh sang đánh nước ta. Quả nhiên năm 1076 (năm thứ 5 triều đại Lý Nhân Tông) nhà Tống sai tướng Quách Quỳ, Triệu Tiết hợp binh với quân Chiêm Thành, Chân Lạp hùng hổ sang đánh chiếm nước ta. Đến bờ sông Cầu, chúng bị chặn đứng, phải lập trại đóng quân bên bờ Bắc, củng cố lực lượng, chờ thời cơ vượt sông Cầu chọc thủng phòng tuyến của quân ta, tiến về kinh đô Thăng Long. Một lần, Lý Thường Kiệt dẫn quân đi kiểm tra chiến tuyến, khi đến Phương La, thấy có ngôi đền lớn bên ngã ba Xà, hỏi ra mới biết đây là đền Xà, thờ nhị vị Đại Vương Tôn Thần họ Trương - Đức Thánh Tam Giang Trương Hống, Trương Hát. Lý Thường Kiệt bèn truyền quân sửa lễ vào đền thắp hương bái yết, cầu xin âm phù hộ quốc. Truyền thuyết về sự kiện lịch sử này, dân trong vùng kể rằng: Đêm ấy, nằm nghỉ ở đình Xà - Ngọt, đang lúc chập chờn nửa tỉnh, nửa mơ, Lý Thường Kiệt thấy hai vị thần nhân, mũ áo chói loà hiện ra. Lý Thường Kiệt vội đứng dậy bái chào. Hai vị thần nhân cao lớn lẫm liệt khác thường. Một vị mặt đen, mắt xanh, mặc áo bào trắng. Một vị mặt trắng, râu dài, mình khoác bào đỏ, bảo rằng: Mới tới thăm nhau buổi sáng mà đã vội quên! Lũ giặc Tống kia, chỉ cần làm bạt hồn vía chúng, thì chúng sẽ tan. Anh em chúng tôi xin mang thần binh đến giúp ngài quét sạch lũ giặc... Dứt lời liền ngâm bài thơ: Nam quốc sơn hà nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Bấy giờ Lý Thường Kiệt mới biết, đấy là hai vị thần thờ ở đền Xà. Tiếng ngâm vừa dứt, bỗng hai vị thần nhân hoá thành đôi rắn có mào, trườn về phía sông Cầu. Lý Thường Kiệt liền truyền quân đốt đèn, lấy bút nghiên và ông ngồi trầm ngâm tự chép lại bài thơ Thần trong trí nhớ. Chép đi chép lại nhiều lần mới nhớ đúng được lời của bài thơ. Lý Thường Kiệt đắc ý khẽ cất tiếng ngâm. Mấy tỳ tướng chầu hầu nghe được, phấn chấn hẳn lên cũng lẩm nhẩm học theo. Lý Thường Kiệt sai quân chép bài thơ Thần làm
- nhiều bản, gửi tới tướng sĩ khắp chiến tuyến. Hôm sau ông bí mật đưa đại quân vượt sông sang bờ Bắc, mở trận tập kích vào đồn lũy giặc Tống. Lý Thường Kiệt đứng trước cửa đền Xà, bỗng nghe từ trên không trung có tiếng hò reo, ngựa người rầm rập, khí giới loảng xoảng cùng âm vang tiếng chiêng, tiếng trống theo nhịp bước quân đi. Ông ngửa mặt nhìn lên, thì thấy hai vị thần họ Trương, áo mũ xanh đỏ tề chỉnh, ngự trên đám mây trắng, quân sĩ đứng hai bên giáo mác tua tủa. Biết có thần binh trợ giúp, quân sĩ đều háo hức muốn xông n_ vào đồn giặc. Liền đó, từ trên cao xanh trước cửa đền vọng xuống tiếng ngâm bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư...” ngâm đi ngâm lại nhiều lần. Càng về sau tiếng ngâm càng sang sảng. Nghe tiếng thơ rền vang, tinh thần quân ta phấn chấn ào ạt xông lên giết giặc. Bên kia bờ Bắc, quân Tống nghe tiếng thơ ngâm mà hoảng sợ, bạt vía kinh hồn. Trước sức tiến công như vũ bão của quân ta, quân giặc tan vỡ thành từng mảng, bỏ chạy toán loạn, dẫm đạp lên nhau. Xác giặc ngổn ngang trên cánh đồng Mai Thượng (nay vẫn còn dấu ấn lịch sử là cánh đồng Xác và ngôi chùa Xác, sau đổi lại là An Lạc Tự). Quân Tống đại bại, sau trận ấy vội vàng rút quân về nước. Đền Xà, nơi thờ vị Đại Vương Tôn Thần họ Trương – Thánh Tam Giang Trương Hống, Trương Hát, nơi bài thơ Thần - bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam ta được công bố đã được tu bổ lại. Trước cửa đền Xà, năm 2000 Nhà nước đã xây dựng một nhà bia hình tứ giác hai tầng mái. Bên trong dựng một tấm bia lớn đặt trên mình con rùa. Đầu rùa đặt một bình hương. Mặt trước bia nhìn vào đền khắc bài thơ Thần bằng chữ Hán. Mặt sau, phần trên dịch âm, phần dưới dịch nghĩa bài thơ Thần. Bài thơ Thần - bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước ta, ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt như vậy. Bài thơ có sức công phá vào tinh thần và ý chí xâm lược của quân Tống; khích lệ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân ta, góp phần làm nên chiến thắng hào hùng của quân dân thời nhà Lý đánh tan 10 vạn quân Tống bên bờ sông Như Nguyệt. Dương Quang Luân CHUYỆN TRƯƠNG HỐNG VÀ TRƯƠNG HÁT Khước Địch Thiện Hựu Trợ Thuận Đại Vương Uy Địch Dũng Cảm Hiển Thắng Đại Vương Xét Sử ký của Đỗ Thiện chép thì hai Vương là hai anh em. Thời Nam Tấn Vương nhà Ngô đi đánh giặc Lý Huy ở Long Châu, đóng quân ở cửa Phù Lan (1), đêm ngủ mộng thấy hai người y quan kỳ vĩ, diện mạo khôi ngô, đến ra mắt vua và thưa rằng: - Bọn nghịch tặc hoành hành đã lâu lắm, chúng tôi xin tòng quân trợ chiến. Vua lấy làm lạ, hỏi rằng: - Bọn khanh là người nào. Cô này chưa hề biết mặt; đã có lòng thông cảm thì nên cho biết tính danh. Hai người đều sụp xuống lạy, thưa rằng: - Bọn thần là anh em, vốn người Phù Lan, nguyên họ Trương, anh tên là Hống, em tên là
- Hát, đều làm tướng của Việt Vương (2). Việt Vương bị Lý Nam Đế đánh bại, Nam Đế đem lễ vật đến rước bọn thần có ý muốn cho làm quan. Bọn thần thưa lại rằng: Tôi trung chẳng thờ hai vua, gái trinh chẳng đổi hai chồng, huống hồ ngươi là người bội nghĩa mà còn muốn khuất cái tiết bất di dịch này ư? Mới trốn vào ở núi Phù Long; Nam Đế nhiều lần cho người đến truy nã không được, mới treo ngàn vàng cầu người bắt. Bọn thần không còn đường tiến thối nên đều uống thuốc độc mà qua đời. Thượng đế thương bọn thần vô tội chết chẳng phải mệnh, sắc bỏ chức Than Hà Long Quân Phó Sứ, tuần hai sông Vũ Bình và Lạng Giang đến tận trên nguồn, hiệu là Thần Giang Đô Phó Sứ. Trước kia Tiên Chúa (3) trong chiến dịch Bạch Đằng, bọn thần đã hiệu lực trợ thuận. Vua tỉnh dậy, bảo đem cỗ rượu đến điện tế, khấn rằng: - Quả có anh linh, hãy phù trợ chiến dịch này, nếu được thắng lợi, tức thì dựng miếu và phong tước, hương hỏa đời đời. Vua mới tiến quân vây núi Côn Lôn, giặc ỷ thế hiểm trở, không ai có thể vịn trèo mà lên được. Đóng đồn lâu quá, quân sĩ đều có ý trở tâm. Đêm ấy vua mộng thấy hai Vương đốc binh, bộ ngũ liên thuộc đều có mặt mày như quỷ thần cả, hàng ngũ rất nghiêm, bộ lạc rất chỉnh tề hội tại cửa Phù Lan. Binh ông anh đóng từ sông Vũ Bình đến sông Như Nguyệt tiến đến đầu nguồn sông Phú Lương; Binh ông em đi từ men sông Lạng Giang vào sông Nam Bình (4). Vua tỉnh dậy bảo với tả hữu, quả nhiên trận ấy được toàn thắng. Bình xong giặc Tây Long, vua sai Sứ chia chỗ lập đền thờ, đều phong làm Phúc Thần một phương, chiếu phong anh là Đại Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Như Nguyệt. Còn em là Tiểu Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Nam Bình. Thời vua Nhân Tông nhà Lý, binh Tống nam xâm kéo đến biên cảnh; vua sai Thái uý Lý Thường Kiệt dựa bờ sông đóng cừ để cố thủ. Một đêm kia quân sĩ nghe trong đền có tiếng ngâm to rằng: Sông núi nhà Nam Nam đế ở Phân minh trời định tại thiên thư. Cớ sao nghịch lỗ sang xâm phạm? Bọn chúng rồi đây sẽ bại hư. (5) Quả nhiên quân Tống chưa đánh đã tan rã. Thần mộng rõ ràng, mảy lông sợi tóc chẳng sai. (6) Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Như Nguyệt Khước Địch Đại Vương, năm thứ tư gia phong Thiện Hựu Dũng Cảm. Tiếm bình Hơn thua được mất là một lý mà cũng là một thế vậy. Điềm lành, điềm xấu là khí vậy. lý thế ở đâu thì khí cũng theo đó mà gây nên, nên khi họ Trỉ Bá sắp mất thì thần Hoác Sơn lấy thẻ tre trao cho Trương Tử, mọi Khiết Đan sắp bị diệt thì thần Ap Giang lấy đầu lâu trao cho Hoàng Nhan, đó chẳng quá là cái lý về sự phúc của kẻ thiện, cái họa của kẻ dâm.
- Hai họ Trương đây là tôi Việt Vương, không chịu khuất phục vua Nam Đế, cái khí trung nghĩa hạo nhiên thường phảng phất ở khoảng trời đất, không nên lấy tý lông mảy vết mà bàn luận vậy. Sống làm danh tướng, chết là danh thần, cho vua Tấn Vương nằm thấy mà giặc Côn Lôn phá tan, ngâm bài thơ Nam Quốc mà quân nhà Tống không bị đánh tự tan vỡ, lấy sự báo ứng như thế, phong làm Phúc Thần, hưởng được cúng vái nghìn xưa, đội ân vinh phong tặng ở cửu trùng, hai đền thờ ngày nay vẫn còn, người ở hai bên sông đều tránh tên huý, gọi hát bằng xướng. Tinh anh đầy dẫy, nghìn trăm năm vẫn thường như một ngày, khiến cho đương thời, những kẻ cam lòng đầu giặc, mưu cầu phú quý một thời, đâu được trổi thơm muôn đời, khiến cho người ta thán mộ mà hăng hái lên như hai Vương này vậy. --------------------- Ghi chú: 1) Phù Lan là sông Lục Đầu 2) Theo Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, Trương Hống và Trương Hát đã can Triệu Việt Vương đừng gã Cảo Nương cho Nhã Lang: Có người: Hống, Hát họ Trương Vũ biền nhưng cũng biết đường cơ mưu, Rằng: “Xưa Trọng Thuỷ, Mỵ Châu, Hôn nhân là giả, khấu thù là chân. Mảnh gương vãng sự còn gần, Lại toan dắt mối Châu Trần sao nên? 3) Thiên chúa tức Ngô Quyền 4) Sông Nam Bình tức sông Thương. Đền thờ của Hống ở cửa sông Nam Bình, ở làng Phượng Nhãn, bắc ngạn sông Thương. 5) Bản dịch của Hoàng Xuân Hãn Sông núi nước Nam, vua Nam coi Rành rành phận định ở sách Trời. Có sao lũ giặc sang xâm phạm! Bay sẽ tan tành chết sạch toi. (Sđd, tr.287) 6) Chuyện này bất quá vì là lòng sùng bái của người ta mà bịa đặt ra, và nhà nho phụ họa cho thêm linh. Sự thật có lẽ như tôi đã theo ý Trần Trọng Kim, nhận rằng thơ là của Lý Thường Kiệt. Nhưng nói chắc là Lý Thường Kiệt làm thơ được thì không có gì làm bằng cớ. Ngày nay cả vùng lân cận hai sông Cầu và Thương, có đến hơn 290 ngôi đền thờ hai vị thần họ Trương. Đền chính thờ Trương Hống ở làng Vọng Nguyệt, cạnh làng Như Nguyệt; và đền thờ chính Trương Hát ở làng Phượng Nhỡn ở cửa sông Thương. Vị trí đền phù hợp với việc quân Tống qua sông ở bến đò Như Nguyệt, cho nên câu chuyện thần ám trợ kể trong Việt Điện U Linh có căn cứ vào sự thật ít nhiều (Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, tr.303).
- Tướng quân Trương Hống, Trương Hát (15/06/2007) Trương Hống, Trương Hát người làng Vân Mẫu, huyện Quế Dương (sau là Võ Giàng) quận Vũ Ninh, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Vân Mẫu, xã Vân Dương, huyện Quế Võ), là học trò của Tiên sinh Lã Thị người hương Chu Minh, lộ Bắc Giang (tức xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn ngày nay). Căn cứ sử sách ghi chép sơ sài thì các ông sinh vào đầu thế kỷ 6 (504?) trong vòng 1.000 năm Bắc thuộc tăm tối. Anh em học đến đâu lầu thông kinh sử đến đấy, ngày ngày chăm đọc binh thư, siêng rèn võ nghệ.Gặp khi nước nhà lâm nạn, nhà Lương bên Tàu, đời vua Đại Đồng năm thứ bảy, sai bọn Trần Bá Tiên và Dương Phiêu đem đại binh sang đánh nước ta, tàn nhiễu muôn dân, đau lòng trăm họ, hại người cướp của, phá hủy cửa nhà.Vua nước ta đem quân ra đánh nhưng quân Lương thế mạnh, Triệu Việt Vương liền rời bỏ kinh thành rút quân về đóng ở đầm Dạ Trạch, phủ Khoái Châu đất Hưng Yên, dựa vào bốn phía đầm lầy, thủy thế hiểm trở để tính kế lâu dài. Triều đình truyền hịch kể tội nhà Lương, bố cáo muôn dân, ai có tài hãy ra giúp nước. Khi ấy hai ông Trương Hống, Trương Hát đã trưởng thành, đang thời sung sức, nghe có hịch chiêu tài, anh em bàn nhau xin lệnh thầy, dụng kế lập thân, về quê mộ quân để đi giúp nước.Lã Tiên sinh khen ngợi tinh thần trung quân ái quốc của học trò và tình nguyện đi theo giúp việc quân cơ. Trong buổi hội bàn, thầy trò lo lắng, quê hương mấy làng quanh đây là đất hiền lành, nghèo túng, vả lại gia tư bấn bách, không gạo, không tiền, người đi theo không có. May sao có Trương Đạm Nương là em gái trổ tài nội trợ đi vận động làng Ngà hộ muối (nay làng này còn mang tên làng Muối), làng Ngườm hộ gạo (Ngườm tức là làng Nghiêm Xá, vùng đó có câu “gạo Nghiêm Xá-cá Thất Gian”), làng Dạm Gấu giúp người (Dạm Gấu tức là làng Đa Cấu, trước đây nổi tiếng đất nghịch), làng Vát giúp rèn khí giới (Vát là làng Việt Vân, có nghề rèn nổi tiếng, tục ngữ: “Liềm thợ Rào, dao thợ Vát”). Lã mưu sỹ chọn ngày lành làm lễ bái yết thần linh, tôn Trương Hống làm chánh tướng, Trương Hát làm phó tướng, tế cờ ra quân, ngày đêm luyện tập (nay còn hai xứ đồng gọi là Bãi Kiếm và bãi Phất Cờ). Sau này các ông đến địa phận làng Tiên Tảo, huyện Kim Hoa, phủ Đa Phúc, lộ Bắc Giang thấy đất có thế ỷ giốc, tiến thoái lưỡng tiện có thể dụng binh liền cho quân hạ trại, làm tờ chiêu dụ nhân dân. Tờ rằng: “Đất nước Vạn Xuân ta đang thanh bình, càn nguyên hanh thái, bỗng đâu giặc Lương xâm lấn, xã tắc đảo điên, muôn dân khốn khổ. Bọn Hống-Hát chúng tôi xuất thân con nhà lam lũ, được học võ nghệ, có chút mưu cơ, dám đem sức lực người bản xứ, dấy binh cuốc cầy, địch cùng lang sói ngoại bang, giúp Triệu Việt Vương giữ an bờ cõi, dám mong chư vị bàn dân hưởng ứng nghĩa quân thì lấy làm may lắm”.Phụ lão làng ấy tiếp tờ, thấy các ông dung dị khác thường, uy nghi đường bệ, thi đua nhau cho con cháu đi theo làm quân sỹ. Rồi tiếng đồn khắp hạt ấy rằng có tướng tài mộ quân, đinh tráng các nơi tấp nập kéo đến và được hơn ba trăm người, phiên chế thành cơ đội, cắt cai ký chỉ huy, lập đại bản doanh ở làng Tiên Tảo, ngày đêm ra sức luyện rèn và sai sứ báo về Dạ Trạch. Triệu Quang Phục được tin cũng sai sứ lên phong Trương Hống làm thượng tướng quân, Trương Hát làm phó tướng quân, Lã tiên sinh làm quân sư, Trương Lừng, Trương Lẫy làm tỳ tướng, Đạm Nương làm hậu binh lương và lo kế sách phản công. Đúng kỳ thúc giáp, hai phía cùng truyền lệnh quân cơ, tỏa binh tiếp trận, quân Triệu Quang Phục ở Dạ Trạch tiến lên, quân Hống-Hát ở Tiên Tảo kéo xuống, thủy bộ bốn mặt giáp công, xung đột tung hoành đánh rất dữ dội.Quân Lương không sao chống cự nổi, đại bại rã rời, số chạy dẵm đạp lên nhau, chết hại nhiều vô kể, số bị bắt mặt mày tái mét, run rẩy van xin, chánh tướng Trần Bá Tiên tử trận, phó tướng Dương Phiêu phải thu nhặt tàn quân rút về Bắc quốc.Dẹp xong giặc rồi, khải hoàn tấu tiệp, Triệu Việt Vương kéo quân về Long Biên sang sửa đô thành, khao thưởng tướng sỹ, úy lạo muôn dân, trong nước đã yên, thiên hạ thái bình, càn khôn phẳng lặng, trăm họ làm ăn vui vẻ.Vua Triệu phong thực ấp cho hai anh
- em họ Trương ở Kinh Bắc, Trương Hống ở làng Tiên Tảo, huyện Kim Anh, Trương Hát ở làng Tam Lư, huyện Đông Ngàn là nơi dấy binh cũ. Pháp Thuận và bài thơ thần nước Nam sông núi Lê Mạnh Thát (Một giả thuyết khác về nguồn gốc bài thơ “Nam quốc sơn hà…”) Vì thế, những năm tháng ấy là một giai đoạn đấu tranh khó khăn khốc liệt giữa một bên là một quốc gia rộng lớn, đông người, đã có gần hai thập kỷ hòa bình để phát triển và một bên là một đất nước nhỏ bé, ít người hơn nhiều lần và thời gian hòa bình cũng chưa được bao lâu. Triều đình nhà Tống có lẽ tính toán trên cơ sở một nhận định như thế, nên đã cho tiến hành cuộc chiến tranh năm 981. Lê Đại Hành hiểu rõ ý đồ và tính toán của địch cũng như tiềm lực của ta. Do đó, ông đã chủ động tiếp xúc và vận động toàn dân, trong đó có cả những nhân tài của đất nước tham gia vào cuộc chiến tranh này. Nếu không làm được thì tình hình đất nước có thể đã đi theo một ngõ quanh khác của lịch sử. [473] [1] [474] Cuộc tiếp xúc và vận động do Lê Đại Hành thực hiện có thể diễn ra dưới nhiều dạng khác nhau. ông đã trực tiếp gặp thiền sư Vạn Hạnh, tính toán về tương quan lực lượng giữa giặc và ta để xem diễn tiến cuộc chiến sẽ diễn ra trong bao lâu. Ông cũng đã nhờ đại sư Khuông Việt đến núi Vệ Linh cầu nguyện cho cuộc chiến chóng thành công. Và đặc biệt chính bản thân vua Lê Đại Hành đã làm lễ tế đền hai vị anh hùng Trương Hống và Trương Hát của cuộc chiến tranh giải phóng do Triệu Việt Vương lãnh đạo vào những năm 548-570 và sự ra đời của bài thơ Thần nổi tiếng Nước Nam sông núi, mà Lĩnh nam chích quái 2 tờ 74-75 đã ghi: “Triều hoàng đế Đại Hành nhà Lê năm Tân Tỵ Thiên Phúc thứ nhất (981), Tống Thái Tổ sai bọn tướng quân Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đem quân xâm lược nước Nam, trên sông Đại Than. Vua Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng đóng quân ở sông Đồ Lỗ để chống lại. Hai bên đối lũy giữ nhau. Vua Đại Hành ban đêm mơ thấy hai người thần vái ở trên sông nói: Anh em thần, một người tên Trương Hống, một người tên Trương Hát, trước thờ Triệu Việt Vương thường theo chinh phạt bọn giặc dữ, mà có được thiên hạ. Đến sau, Lý Nam Đế chiếm nước, nghe tiếng anh em thần, cho vời đến. Thần về nghĩa không thể đến, uống thuốc độc mà chết. Thượng đế thương kẻ có công, mà khen lòng trung nghĩa một tiết, ban cho Tướng quan [475] thần bộ, thống lĩnh kỷ binh. Nay thấy quân Tống vào cõi làm khổ sinh linh nước ta, nên bọn thần đến gặp xin cùng vua đánh bọn giặc này để cứu sinh dân’. Vua Đại Hành kinh ngạc thức dậy gọi bề tôi hầu cận, nói: ‘Đây là thần giúp ta vậy’. Bèn liền lập tức rước thuyền vua đốt hương làm lễ xin rằng: ‘Thần nhân có thể giúp ta thành được công nghiệp này thì việc phong thưởng và cúng đơm muôn đời sẽ không hết’. Vua cho giết sinh lao để tế, đem các món áo mũ tiền giấy và voi ngựa đốt đi để ban cho. Đêm ấy lại mơ thấy hai thần nhân cùng mặc áo mũ đã ban, đến trước vua bái tạ. Đến đêm hôm sau, vua mơ thấy một thần nhân đem quỉ bộ áo trắng từ phía nam Bình Giang tới, và một vị thần nhân đem quỉ bộ áo đỏ từ sông Như Nguyệt xuống. Cả hai đều nhắm trại giặc mà đánh.
- Ngày 2 tháng 10, vào lúc canh ba của đêm, khí trời tối mịt, gió lớn mưa dồn nổ ra, quân Tống tan vỡ. Thần mập mờ đứng trên không trung, cao tiếng ngâm: Nước Nam sông núi vua Nam ở Rành rẽ phân chia tại sách trời Giặc nghịch sao nay dám đến phạm Chúng bay chuốc bại chắc ngay thôi (Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên dĩ định tại thiên thư [476] Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư) Quân Tống nghe thế chen nhau tứ tán, mỗi tự chạy trốn, bị bắt sông không thể kể xiết. Quân Tông đại bại rút lui. Vua Đại Hành đem quân về mừng thắng trận, phong thưởng cho hai thần nhân, người em là Uy Địch Đại Vương, lập đền tại Tam Kỳ Giang ở Long Nhãn, sai dân Long Nhãn và Bình Giang phụng thờ. Người anh là Khước Địch Đại Vương, lập đền ở sông Như Nguyệt, sai dân ven sông phụng thờ, đến nay vẫn còn.” Đây có thể là nguồn thông tin đầu tiên về bài thơ thần Nước Nam sông núi và nguồn thông tin này cho ta thấy bài thơ Thần đã được đọc lên trong cuộc chiến tranh 981 và có liên hệ với vua Lê Đại Hành. Sau này tác giả Thiên Nam vân lục cũng thống nhất coi bài thơ ấy do thần đọc lên trong cuộc chiến tranh đó, dù đã cho hai vị thần này là những bộ tướng của Ngô Quyền, chứ không phải của Triệu Việt Vương. Tuy nhiên, khi Ngô Sĩ Liên đã đưa bài thơ ấy vào trong Đại Việt sử ký toàn thư 3 tờ 9b2-8, thì ông đã gắn cho cuộc chiến năm 1076 của Lý Thường Kiệt. Từ đó mới xuất hiện một ngoa truyền đây là bài thơ của Lý Thường Kiệt: “Thế truyền rằng, Thường Kiệt dựng rào dọc sông để cố giữ. Một đêm quân sĩ bỗng nghe trong đền Trương tướng quân có tiếng to ngâm rằng: [477] Nước Nam sông núi vua Nam ở Rành rẽ định phân tại sách trời Giặc nghịch sao nay dám đến phạm Chúng bay chuốc bại chắc ngay thôi (Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư) Rồi sau quả như thế. Trương tướng quân anh em hai người. Anh tên Hống, em tên Hát, đều là danh tướng của Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương bị Lý Nam Đế đánh bại mà mất nước. Nam đế cho vời ra làm quan. Hai người đều nói: ‘Trung thần không thờ vị vua đã hại chúa mình’, rồi bèn bỏ trốn ở núi Phù Long. Nam Đế nhiều lần mời không đáp, ra lệnh: ‘Ai lấy được thủ cấp thì trọng thưởng cho ngàn vàng. Hai người đều uống thuốc độc mà chết. Nam Tấn Vương nhà Ngô khi đánh giặc Lý Huy châu Tây Long, đóng quân ở cửa Phù Lan, chiêm bao thấy hai người theo giúp quân vua, nói rằng: ‘Thiên đế thương là kẻ trung thần không thờ hai vua, bổ cho làm Than hà long quân phó tuần Vũ Lạng nhị giang và Chi man nguyên tuần giang đô phó sứ. Bình định giặc rồi, Nam Tấn Vương phong anh làm Đại
- đương giang đô hộ quốc thần vương, dựng đền ở cửa sông Như Nguyệt. Còn [478] em thì làm Tiểu đương giang đô hộ quốc thần vương, dựng đền ở cửa sông Nam Quân, tức đền thờ này”. Đây là hai nguồn tư liệu chính liên hệ với bài thơ Thần của chúng ta. Ngô Sĩ Liên cho thấy, ông đã lấy thông tin từ “thế truyền”, tức những lời lưu truyền ở đời, để đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư. Mà những lời lưu truyền này chắc chắn đã tồn tại trước thời Ngô Sĩ Liên. Tập hợp đầu tiên các truyện ấy ta có Lĩnh nam chích quái nếu không phải của Trần Thế Pháp, thì cũng của một tác gia thời Trần mạt, tức nửa cuối thế kỷ thứ 14. Điều này có thể chứng minh một cách dễ dàng, khi phân tích các truyện có trong các truyền bản của Lĩnh nam chích quái hiện được bảo lưu. Chẳng hạn, trong số 22 truyện của nó, có hai cặp truyện chắc chắn là rút ra từ Thiền uyển tập anh. Đó là cặp truyện Từ Đạo Hạnh Nguyễn Minh Không và cặp truyện Dương Không Lộ Nguyễn Giác Hải. Văn cú của hai cặp truyện này trong các truyền bản hiện có hầu như hoàn toàn thống nhất với các văn cú của truyện bốn vị thiền sư có trong Thiền uyển tập anh. Thiền uyển tập anh ta đã biết là phải ra đời vào năm 1337. Do thế, tác giả Lĩnh nam chích quái đã sao lại truyện của bốn vị thiền sư vào trong sách của mình. Đúng là ông đã làm công tác “chích quái”, tức là nhặt lấy những truyện lạ từ các sách khác để tạo nên tác phẩm của mình. [479] Từ đó chuyện hai vị thần Long Nhãn và Như Nguyệt dù ngày nay ta không có được may mắn như trường hợp truyện bốn thiền sư, chắc chắn cũng phải được tác giả Lĩnh nam chích quái đã trích dẫn từ một văn bản nào đó, mà ngày nay ta chưa thể tìm ra được. (Có người do không nghiên cứu kỹ càng nên đã viện dẫn bừa bãi về nghĩa chữ chích, rồi khen đại là tác giả Lĩnh nam chích quái đã có sự gia công đóng góp của mình. Phân tích truyện bốn thiền sư trên cho ta kết quả hoàn toàn ngược lại. Tác giả Lĩnh nam chính quái đã trích dẫn sao y nguyên văn bốn truyện vừa nêu, dù từ Thiền uyển tập anh hay bất cứ một nguồn nào khác). Dẫu vậy, nếu so với Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh nam chích quái có một tính cổ sơ và văn bản đáng tin cậy hơn là Đại Việt sử ký toàn thư. Vì thế, bài thơ Thần phải được coi là xuất hiện dưới thời vua Lê Đại Hành trong cuộc chiến tranh năm 981, chứ không phải là trong cuộc chiến tranh năm 1076 với Lý Thường Kiệt. Xác định thời điểm ra đời của bài thơ như thế, không những phù hợp với nội dung và ý nghĩa của bài thơ như một tuyên ngôn độc lập, mà còn phù hợp với cung cách chỉ đạo chiến tranh của vua Lê Đại Hành. Về nội dung và ý nghĩa, bài thơ Thần đúng là một bản tuyên ngôn cho nhà nước Trung Quốc biết về sự độc lập của đất nước Việt Nam và của nhà nước đang làm chủ đất nước ấy, mà từ thời Ngô Quyền đánh bại quân Nam [480] Hán năm 939 cho đến khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi hoàng đế vào năm 968, những người lãnh đạo nước ta chưa có cơ hội để công bố. Cho nên, nếu coi bài thơ Thần ấy xuất hiện vào năm 1076 thì thật cũng lạ lùng là nước ta độc lập đã gần hai thế kỷ mới có tuyên ngôn độc lập sao? Còn về cung cách chỉ đạo chiến tranh, ta đã thấy vua Lê Đại Hành nhờ đại sư Khuông Việt đến núi Vệ Linh cầu nguyện, để cho cuộc chiến tranh đi đến thắng lợi hoàn toàn. Khoan nói chi tới việc lời cầu nguyện ấy có được thần linh đáp ứng hay không. Chỉ cần nói rằng mỗi một việc nhờ đi cầu nguyện như thế, vua Lê Đại Hành đã muốn thông qua nó để tác động lên tinh thần quân sĩ. Đây là một công tác tư tưởng chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu gay go sắp tới. Và gay go thật khi quân đội ta đang đối diện với quân đội của một nước to lớn hơn nhiều và đã có những lần thành công đè bẹp được sức chiến đấu của quân đội ta trong những thế kỷ trước. Do thế, yêu cầu công tác tư tưởng là một yêu cầu cấp bách để chuẩn bị cho quân đội chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Từ đó, sự có mặt của hai vị anh
- hùng Trương Hống, Trương Hát của Triệu Việt Vương và sự xuất hiện bài thơ Thần là một tất yếu. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng bài thơ Thần đã xuất hiện trong cuộc chiến tranh 981, như Lĩnh nam chích quái đã ghi. Những bản [481] Lĩnh nam chích quái về sau như bản Tục loại của Đoàn Vĩnh Phúc chép vào năm Quang Bảo thứ nhất (l500) đã theo Đại Việt sử ký toàn thư và chép bài thơ ấy liên hệ với Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến tranh 1076. Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập do Gia Cát Thị thực hiện vào năm Cảnh Hưng Giáp Ngọ (1774) cũng làm thế, nhưng đã cho ta một bài thơ gần như khác hẳn: Nam bắc phong cương các biệt cư Tinh phân Chẩn Dực tại thiên thư Kình thôn lang phệ chân vô yếm Hội kiến trần thanh tảo thái hư (Cõi bờ Nam Bắc mỗi riêng nơi Chẩn Dực sao chia tại sách trời Sói cắn kình nhai đâu thấy chán Bụi dơ quét sạch thấy trời tươi) Bài thơ này có khả năng Gia Cát Thị đã lấy từ một bản nhuận sắc của truyền bản A.2914 của Lĩnh nam chích quái hiện đang được bảo lưu tại thư viện Viễn Đông Bác Cổ nay là thư viện Hán Nôm: Nam quốc sơn hà Nam đế cư Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư Như kim bắc lỗ lai xâm phạm Hội kiến hải trần tận tảo trừ [482] Do thế, theo chúng tôi, ta nên trả bài thơ Thần trên về cho cuộc chiến tranh năm 981 và chúng ta đã có đủ cơ sở để làm như thế. Đây không phải là một kết luận mới. Hai bộ sử viết bằng tiếng Việt vào thế kỷ 16 và 17, là Việt sử diễn âm và Thiên nam ngứ lục đều thống nhất có cùng một kết luận. Việt sử diễn âm đã dành một đoạn dài nói về lai lịch của bài thơ này, viết: Tháng bảy có Tống binh sang Toàn những tướng mạnh binh cường ba muôn Đến thành Phù Lỗ đóng vây Quân ta quân nó đôi bên ngất trời Chưa phân thắng phụ về ai Ngày rằm tháng chạp vua nằm chiêm bao Thấy đôi thần nhân bãi nào Trương Hống Trương Hát bước vào quỳ thưa Chúng tôi thần đế lòng xưa Phụng thờ nhà chúa bấy chừ chẳng sai Tiên Hoàng có sắc chỉ bày Đòi về phong chức cho tôi tước quyền Trung thần bất sự nhị quân Chúng tôi tự vẫn làm thần đạo ngay Thượng đế thấy bộ thương thay Phong chúng tôi rày Quỉ bộ thần quân Đại Hành thức dậy mừng thay Giết trâu liền có minh tài tế khao Đêm sau vua lại chiêm bao
- [483] Thấy mặc áo mới liền vào tạ ơn Có một người đứng án tiền Lĩnh được trăm áo vàn vàn quỷ binh Lấy ra chưng đất Nam Bình Đại Hành sực thức gẫm tình mới hay Nửa đêm thấy một cơn mây Bạo phong hắc ám gió bay vội vàng Tống binh mất vía trở dường Chúng quỷ đánh gãy đao thương liền cờ Bỗng nghe mảng tiếng không hư Thần nhân hiện xuống có thơ ngâm rằng Thi vân: Nam quốc sơn hà Nam đế cư Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư Như hà Bắc lỗ cảm xâm phạm Hội kiến phong trần tận tảo trừ [2] Thiên nam ngữ lục có vẻ tiếp thu quan điểm của tác giả Việt sử diễn âm, vì bài thơ Thần hai bản chép tương đối giống nhau: Bấy giờ binh mã sửa sang Địch cùng Nhân Bảo là thằng giặc Ngô Mười buôn binh mạnh thẳng đua Qua miền Giang Bắc, đây là Phù Lan [484] Đêm thấy hai ngài đến màn Xưng danh là Hát, xưng danh là Hồng Giúp đời Triệu Việt có công Thuở chẳng như lòng, ẩn nội Phù Lan… Ơn trên Thượng đế xét thương Quyền cho chúa tể giữ phương yên này. Bây chừ bệ hạ đến đây Nguyện ra giúp nước phá này giặc Ngô Phán rằng: Tướng quan y như Công nên thời lập miêú thờ trả ơn Ngày sau Nhân Bảo ra quân Trên không nghe tiếng người ngâm thơ rằng: Nam quốc sơn hà Nam đế cư Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm Hội kiến phong trần tận khử trừ [3] Vấn đề tiếp theo là dù thơ Thần đi nữa thì cũng phải do con người làm ra, phải thông qua một con người để đọc lên. Vậy, ai có khả năng có thể làm ra bài thơ này? Để trả lời câu hỏi này, ta thấy trong số những người tham mưu vào bộ chỉ huy của vua Lê Đại Hành trong cuộc chiến tranh năm 981 không ai có nhiều điều kiện gần gũi hơn Pháp Thuận, đặc biệt khi truyện Pháp [485] Thuận đã xác nhận ông là người tham gia "vận trù kế sách" ngay từ lúc vua Lê Đại Hành sáng nghiệp. Hơn nữa, nếu những văn thư ngoại giao dưới triều Lê Đại Hành là do Pháp Thuận soạn thảo, như trên đã chứng tỏ, thì việc Pháp Thuận sáng tác bài thơ Thần ấy là một kết luận
- hợp lý. Ngoài ra, Pháp Thuận đã có một hệ tư tưởng chính trị hoàn chỉnh phát biểu trong bài thơ Vận nước dưới đây. Đây là hai yếu tố khác cho phép xác nhận khả năng Pháp Thuận đã sáng tác bài thơ ấy. Thêm vào đó, bài thơ này hòa nhập một cách nhuần nhuyễn và thể hiện được khuynh hướng nổi bật của dòng văn học thời sự chủ lưu các thế kỷ ấy. Khuynh hướng văn học nổi bật đây đã chi phối gần 300 năm phát triển của nền văn học Việt Nam với sự tập trung cao độ của vấn đề nóng bỏng nhất của dân tộc thời bấy giờ là vấn đề làm chủ đất nước. Từ khi Định Không khai sáng ra dòng văn học này, nó đã liên tục làm chủ sự phát triển của văn học Việt Nam giai đoạn ấy. Đó là nền văn học phục vụ cho cuộc đấu tranh chính trị vì chủ quyền của đất nước, vì quyền sống của người dân, vì sự hưng thịnh của Phật giáo. Chưa bao giờ trong lịch sử văn học nước ta lại có một sự nhất quán cao độ như thế về cảm thức thời sự của những cây bút anh tài. Dòng văn học này đã qui tụ xung quanh nó một loạt các nhà thơ lớn của dân tộc từ [486] Định Không cho đến Vạn Hạnh, qua La Quí, Khuông Việt, Pháp Thuận, Đa Bảo. Cho nên bài thơ Thần ra đời vào giai đoạn ấy nằm trong xu thế chung của lịch sử văn học Việt Nam ở giai đoạn đó. MỘT DÒNG VĂN HÓA VẬT THỂ VEN SÔNG CẦU (SỐ 3(16)/2006) Bắt nguồn từ tỉnh Thái Nguyên, sông Cầu (Nguyệt Đức Giang) chảy vào địa giới huyện Hiệp Hoà (tỉnh Bắc Giang), Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) và hợp lưu với sông Cà Lồ tại ngã ba Hương La (Ngã Ba Xà), thuộc địa phận xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Sông Cầu tiếp tục chảy qua các huyện Hiệp Hoà, Việt Yên, Yên Dũng (của tỉnh Bắc Giang) và Yên Phong, thành phố Bắc Ninh, Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) rồi đổ vào sông Lục Đầu. Đã một thời, sông Cầu là trục giao thương quan trọng, đã tạo cho Bắc Ninh, đặc biệt là lưu vực sông Cầu, sớm trở thành nơi hội tụ của người Việt cổ. Qua diễn trình lịch sử hàng nghìn năm đến nay, bên dòng sông Cầu đã tồn tại một dòng văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú và đặc sắc. Các làng xã bên sông Cầu hiện nay hầu hết đều có lịch sử hình thành từ rất sớm. Tại lưu vực sông Cầu thuộc địa phận huyện Yên Phong đã phát hiện nhiều di tích chứa đựng những dấu tích của người Việt cổ. Tại di chỉ Nội Gầm thuộc thôn Phù Cầm (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong) đã phát hiện nhiều hiện vật của một xưởng chế tác đá tại chỗ. Căn cứ vào kỹ thuật chế tác, loại hình hiện vật thì di chỉ Nội Gầm thuộc giai đoạn văn hóa Đồng Đậu - nền văn hóa tiền Đông Sơn, đặc biệt là sự phát hiện quả cân - một minh chứng cho sự trao đổi về kinh tế và giao lưu hàng hoá ở vùng ven sông Cầu trong thời đại đồng thau. Lớp trên của di chỉ Nội Gầm là những mảnh gốm ở các thời kỳ tiếp theo, nhiều gốm men ngọc thời Lý, Trần, Lê... Từ Nội Gầm, xuôi dòng sông Cầu khoảng 5 km, đến sườn núi Quả Cảm, thuộc xã Hoà Long đã phát hiện một di chỉ khảo cổ học khác. Các hiện vật phát hiện ở đây rất phong phú, kỹ thuật chế tác tinh xảo hơn. Kết quả thu được ở 2 di chỉ trên cho thấy, đời sống kinh tế, văn hóa của người Việt cổ ven sông Cầu liên tục và ngày càng phát triển. Dọc theo các làng cổ ven sông Cầu, từ ngã ba Hương La đến Quả Cảm, thuộc huyện Yên Phong, còn phát hiện nhiều ngôi mộ cổ và nhiều hiện vật gốm thời Đông Hán ở các làng
- Như Nguyệt, Vọng Nguyệt (xã Tam Giang), làng Đông Xuyên (xã Đông Tiến), làng Chân Lạc (xã Dũng Liệt), làng Phấn Động, Đại Lâm, Thọ Đức (xã Tam Đa)... Dưới thời Bắc thuộc, sự phát triển liên tục của cư dân ven sông Cầu được chứng minh bởi những dấu tích lò gốm men nhẹ lửa. Đặc biệt, khu vực thuộc làng Đương Xá (xã Vạn An) đã phát hiện cả một khu lò gốm cổ có niên đại thế kỷ IX - X. Hiện vật thu được là các bức tường lò xây gạch còn khá nguyên vẹn, các loại bình gốm, ang, chậu, nồi thân tròn, miệng loe, trang trí văn thừng, trong đó một số có vết tích của men. Lò gốm cổ Đương Xá là một dấu ấn của lịch sử Việt Nam chuyển tiếp từ thời Bắc thuộc sang thời tự chủ. Dưới thời tự chủ, vùng này vẫn là nơi sầm uất giao lưu buôn bán. Tôn giáo, tín ngưỡng với hệ thống đình, đền, chùa, tháp, lăng mộ phát triển, như chùa làng Như Nguyệt (còn gọi là chùa Bồ Vàng), thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, cách bến sông Như Nguyệt khoảng 100 m. Nơi đây cũng là một địa điểm quan trọng trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống ở thời Lý. Người dân làng Như Nguyệt còn lưu truyền câu ca: Thời vua Thái Tổ, Thái Tông Cây gỗ trôi sông làm chùa Như Nguyệt. Theo tài liệu văn bia còn lại thì chùa Như Nguyệt được trùng tu lớn vào năm Chính Hoà thứ 7 (1686), và gần đây, được dựng lại hoàn toàn. Hiện chùa còn 2 chân tảng đá mài lớn, đường kính 74 cm, chạm khắc một đài sen 16 cánh, ở mỗi cánh chạm nổi đôi rồng ở thể đăng đối. Đây là nghệ thuật đặc trưng của thời Lý - đồng dạng với các chân tảng đá ở chùa Phật Tích (niên đại 1056), chùa Dạm (1068). Căn cứ vào hiện vật này và câu ca truyền miệng trên, thì chùa Như Nguyệt có thể được dựng vào thời Lý Thái Tôn (1038 - 1054). Cách chùa Như Nguyệt khoảng 500 m là chùa làng Vọng Nguyệt (tên chữ là Khai Nghiêm tự). Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Chùa Khai Nghiêm ở xã Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong do Nguyệt Sinh công chúa nhà Lý dựng. Năm Khai Hựu thứ 5 đời Trần Hiến Tông (1333) người xã ấy sửa sang lại. Đời Dụ Tông (1341 - 1369) Hàn lâm học sỹ Trương Hán Siêu soạn văn bia, đến nay vẫn còn”. Chùa Khai Nghiêm nằm đầu làng Vọng Nguyệt. Tấm bia đá Khai Nghiêm bi ký được đặt trên bệ đá, kích thước 1,14 m x 0,79 m x 0,27 m. Mặt trước khắc bài minh bằng chữ Hán, mặt sau khắc dòng chữ “Cảnh Thịnh ngũ niên tuế thứ Đinh Tỵ trùng khắc” (năm 1797), có lẽ do chữ bị mờ nên ở thời điểm này chỉ khắc lại phần chữ - diềm bia vì không được khắc lại lên phần lớn bị mờ, chỉ còn một dải hoa dây và một băng hình sóng. Phần cuối tấm bia ghi: “Khai Hựu thập nhất niên Kỷ Mão tuế, nhị nguyệt thập ngũ nhật (ngày 15 tháng 2 năm 1339). Chính nghị đại phu, Hàn lâm học sỹ, Chi chế cao kiêm Thiên trị nội mật, Viên sự, Chưởng báo tứ kim ngự đại nha thuỷ Trương Hán Siêu thăng phủ ký”. Nội dung của tấm bia này do Nho sỹ Trương Hán Siêu soạn muốn nói đến việc đả phá đạo Phật. Bởi lẽ, ở xã hội thời Trần, mặc dù Nho giáo đã phát triển nhưng không thể du nhập một cách tự nhiên, ồ ạt vào quần chúng như Phật giáo. Với cách nhìn của một nhà Nho lớn ông cho rằng: “Đạo Phật là một chuyện hoang đường mà nhiều người có quyền thế, ngoại đạo a dua theo... các bậc thánh hiền ngày càng xa cách, chính đạo ngày càng lu mờ...”. Mặc dù vậy sự ra đời và hưng thịnh của Phật giáo đã để lại cho hậu thế những di sản văn hóa đầy giá trị. Đến thời Lê và Nguyễn chùa Khai Nghiêm lại được tu sửa lớn, dựng thạch trụ thiên đài vào năm Vĩnh Thịnh nguyên niên (1705), đúc chuông đồng lớn vào năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) và tạc nhiều pho tượng Phật. Đến nay các hiện vật này còn khá nguyên vẹn - có thể nói đây là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo - những văn bản Hán Nôm quý hiếm có giá trị lịch sử cao.
- Đền làng Vọng Nguyệt nằm cuối làng Vọng Nguyệt, hiện còn hai tấm bia đá Bản thần bi ký (bia ghi sự tích của thần) dựng năm Dương Hoà thứ 8 (1642) và 36 đạo sắc phong ở đền, từ năm Dương Đức thứ 2 (1673) đến năm Khải Định thứ 9 (1924), cho biết, đền thờ hai vị tướng thời Lý có công lãnh đạo đội dân binh làng Vọng Nguyệt chống giặc Tống là công chúa Lý Nguyệt Sinh - con gái vua Lý Thái Tôn và chồng là Phò mã Đô úy Chu Đình D ự. Có thể nói, Vọng Nguyệt là một làng Việt cổ, đã chứa đựng một kho sử liệu lớn bằng vật chất. Đây là những bằng chứng thực, đánh dấu những mốc son thăng trầm của một cộng đồng làng xã trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Dọc tuyến sông Cầu từ “Thượng Đú Đuổm, hạ Lục Đầu Giang” có tục thờ Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) - 2 vị tướng đã đi vào lịch sử dân tộc từ thế kỷ thứ VI. Nhìn chung, do lợi thế “cận giang” (vận chuyển nguyên vật liệu thuận lợi) nên các di tích ven sông Cầu đều có quy mô khá lớn, các hiện vật bằng đá nhiều hơn so với các khu vực khác trong tỉnh Bắc Ninh. Một số di tích khác khác nổi tiếng là đền Chân Lạc (xã Dũng Liệt), nằm cách di chỉ Nội Gầm khoảng 200m. Đền thờ 3 vị thần là: Thuỷ tộc long quân, Hoàng Hà long khiết phu nhân và Tam Giang công chúa thời Hùng Vương. Nội dung câu đối ở đền còn ghi rõ việc vua Đinh Tiên Hoàng trên đường đi đánh giặc, tháng 6 năm Mậu Dần, vào đền cầu đảo được linh ứng, nên đã làm thơ ở đền. Ngôi đền hiện nay là một công trình kiến trúc lớn, gồm: Thượng, trung, hạ điện (mỗi toà 3 gian 2 chái), kết cấu kiểu chữ tam, 2 bên có tả, hữu vu (mỗi toà 5 gian), nối liền đầu hồi với toà trung điện, đền quay hướng Tây. Bố cục này cùng với các đầu đao cong tạo cho toàn bộ di tích có thế phượng bay bổng, đây là đặc điểm nổi bật so với các ngôi đền ở Bắc Ninh hiện nay. Tài liệu văn bia ở đền ghi chép khá rõ việc tiến sỹ Nguyễn Long Bảng, sau khi đỗ đại khoa (1683), làm quan trong triều, rồi về làng, bằng thuật phù thuỷ đã cùng dân làng di chuyển đền về vị trí hiện nay. Nghệ thuật chạm trổ trên các bức cốn, cửa võng là các đề tài “tứ linh”, “tứ quý” quen thuộc. Các di vật cổ cũng phong phú, như: Sập đá chân quỳ chạm nổi rồng mây, hoa lá; hai tấm bia đá dựng năm Chính Hoà thứ 26 (1705) và năm Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714). Nội dung văn bia ghi những điều khoán ước của làng Chân Lạc: “Lập điều ước lâu dài, có điều ước thì mọi người mới kính trọng, chiếu vào những điều khoán ước mà làm, có như vậy mới thành mỹ tục”. Các di vật cổ bằng gỗ gồm có bức tượng gia đình thánh nương hợp quần, mặt người mình rồng với những nét đục chạm tinh tế, rồi phỗng, hạc, kiệu bát cống, quán tẩy... là những tác phẩm nghệ thuật đáng quý. - Chùa Chân Lạc (Thiệu Khánh tự): Theo tấm bia đá dựng năm Đức Long thứ 2 (1630) thì chùa được khởi dựng từ thời Đinh. Đến thời Lý, chùa có tên là Quảng Báo, do nhà sư Nguyễn Nguyên Học trụ trì, học trò có hàng trăm tăng đồ. Hiện nay, chùa còn tám tấm bia đá, chủ yếu ghi chép việc trùng tu Thiệu Khánh tự, làm vào các năm Đức Long thứ 2 (1630), Chính Hoà thứ 11 (1690), Chính Hoà thứ 16 (1695), Vĩnh Thịnh thứ 11 (1716), Long Đức thứ 4 (1735), Cảnh Hưng thứ 11 (1750), Cảnh Hưng thứ 32 (1771), Thái Đức thứ 16 (1793). Chùa còn lưu giữ một án thờ bằng đá xanh, mặt trên ghi “Quảng Báo tự”, có kích thước 1,43 m x 0,85 m. Điều đặc biệt là chiếc án thờ này đã ghi niên đại ở 2 thời khác nhau. Phiến đá mặt thượng và 2 bên hồi có cùng một chất đá, được tạo lỗ mộng dài để liên kết. Một phiến đá khác được ghép ở phía trước với chạm khắc khá kỳ công - với các mảng hoa văn phong phú, gồm 4 tầng: Tầng 1 trang trí canh sen hoa lá cách điệu; tầng 2 chạm mây rồng, cá chép, long ngư, long mã, phượng bay; tầng 3 chạm mây lửa; tầng 4 là hình mặt trời và đao. Toàn bộ phiến đá là cả một thế giới cây cỏ hoa lá - nghệ thuật biểu tượng mang niên đại thời Hậu Lê (thế kỷ XVII).
- Cùng với đền, chùa, là đình Chân Lạc - một công trình kiến trúc nghệ thuật có niên đại thế kỷ XVIII, kết cấu kiểu chữ Đinh, 5 gian 2 chái. Các cấu kiện gỗ to, khoẻ, nghệ thuật chạm lộng rồng mây là chủ đạo. Người được thờ ở đình là một vị tướng họ Ngô, người địa phương, làm quan trong triều ở thời Trần, có công giúp vua đánh giặc Nguyên. Thần phả, sắc phong, hệ thống hoành phi, câu đối cổ ở đình ghi khá rõ nét về vị tướng này. Truyền lại, đình, đền, chùa Chân Lạc được dựng trên khu đất, mà trước đây, là một căn cứ quân sự lớn gọi là Trại Chùa và Dinh Loan của Lý Thường Kiệt (gần khu vực này còn tên cánh đồng Mả Giặc, Bãi Xác...). Minh chứng cho sự phong phú về một dòng văn hóa vật thể ven sông Cầu còn có làng Đại Lâm (xã Tam Đa), nằm dọc 2 km theo bờ sông Cầu. Di tích của làng thờ 3 vị thần: Minh Công, Nghiêm Công và Trị Công có công giúp Thánh Gióng đánh giặc Ân thời Hùng Vương. ở đây, đã phát hiện những chiếc rìu đá, đục đá của thời đại đá mới và nhiều hiện vật gốm Bắc thuộc. Đại Lâm còn có hệ thống di tích đình, đền, nghè, chùa cổ bề thế, trong đó nổi lên với trên 20 tấm bia, mỗi tấm có những nội dung, nghệ thuật chạm khắc riêng... Đình Đại Lâm có 7 tấm bia đá, chủ yếu ghi việc công đức, tu sửa đình ở các thời và khoán ước của làng, trong đó có các tấm bia trụ tứ diện (thời Lê) và bia nhị diện (thời Nguyễn), dựng vào các năm: Chính Hoà thứ 14 (1693), Chính Hoà thứ 16 (1695), Long Đức thứ 2 (1733), Cảnh Hưng thứ 4 (1743), Thành Thái thứ 5 (1893), Thành Thái thứ 10 (1898). Nghè Đại Lâm còn 5 tấm bia đá, trong đó 3 tấm (Tự Đức thứ 35 - 1883) ghi “Thực lại tam vị đại vương” (sự tích 3 vị thần) được thờ ở làng. Tấm bia dựng năm Gia Long thứ 3 (1804) ghi việc tạo lập vạn Đại Bạng - một vạn trên gò đất lớn bên sông Cầu xưa - nay là làng Vạn Phúc thuộc xã Vạn An, huyện Yên Phong. Tấm bia dựng năm Gia Long thứ 16 (1817) ghi việc lập bến đò xã Đại Lâm. Bia đá chùa Đại Lâm thực sự đáng quan tâm. Đó là các bia dựng năm Hưng Trị thứ 3 (1590) trên thân rùa, bia dựng năm Phúc Thái thứ 6 (1648), Khánh Đức thứ 2 (1650), Vĩnh Thọ thứ 2 (1659), Chính Hoà thứ 11 (1690), Tự Đức thứ 6 (1853) và 2 tấm bia Ký kỵ bi ký (bia gửi giỗ) dựng thời Thành Thái (1888 -1907). Tại khu vực sân chùa Đại Lâm có 2 rồng đá (dài 1,3m) chạm khắc kỳ công: Thân uốn yên ngựa, có đủ vây, vẩy, đầu có sừng, bờm như ngọn lửa - đây là loại hình đặc trưng của rồng thế kỷ XVIII, loại hình hiếm thấy ở Bắc Ninh, 4 lân đá ở tư thế nằm bờm xuôi xuống, trên đầu, vai chạm những dải mây lưỡi mác, cùng phong cách nghệ thuật với rồng yên ngựa. Trên tường và nền chùa còn thấy nhiều viên gạch trang trí rồng nổi - sản phẩm của thời Mạc. Trong di tích làng Đại Lâm còn lưu giữ 20 đạo sắc phong của 2 thời Lê, Nguyễn... Các di tích, di vật của các làng xã ven sông Cầu là những dấu ấn văn hoá vật thể minh chứng cho sự tồn tại, phát triển không ngừng của cư dân ở đây. Đó là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện tài nghệ của các thế hệ con người nối tiếp nhau trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc hàng nghìn năm, tạo nên một dòng văn hóa phong phú, đặc sắc của vùng quê ven sông Cầu. Người dân ven sông Cầu tự hào với những thành tựu của cha ông, cùng nhau gìn giữ bảo vệ phát huy giá trị di sản nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./. Lê Thị Hiển © Copyright 2003-2004 vae.org.vn, All rights reserved. ® Ghi rõ nguồn "www.vae.org.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
- (HNM) - Phù Lỗ tên nôm là làng Sọ, một vùng quê rất cổ, có con sông Cà Lồ chảy kề bên, nổi tiếng từ hơn 5 thế kỷ trước. ở đây còn lưu truyền một truyền thuyết kể về Thánh Gióng từng dừng chân ở làng Sọ, gội đầu tại một cái giếng của làng rồi mới đi đánh giặc Ân. Còn nhiều dấu tích ngôi giếng này tại đền Tam Tổng của Phù Lỗ. Trên tấm bia Trùng tu Thiên Tuế tự lập năm Thịnh Đức thứ hai, 1645, đã ghi vào Đông thôn; và ở tấm bia Tại phúc Vinh Thiền tự lập năm Vĩnh Hựu thứ năm, 1739, đã ghi Đoài thôn. Như vậy, từ thời Lê Trung Hưng, Phù Lỗ là một xã thuộc tổng Phù Lỗ, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc. Đến năm Minh Mạng thứ hai, 1821, phủ Bắc Hà được đổi gọi là Thiên Phúc. Đời Thiệu Trị (1841-1847 vì kị húy, nên huyện Kim Hoa đổi tên gọi là Kim Anh. Sang đời Đồng Khánh (1886-1888) huyện Kim Anh lại đổi gọi là Đa Phúc. Đến 1901, Đa Phúc được tách khỏi Bắc Ninh, nhập vào tỉnh mới thành lập mang tên Phù Lỗ, và làng Phù Lỗ trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Phù Lỗ. Một thời gian sau, tỉnh lỵ chuyển sang làng Tháp Miếu tức thị trấn Phúc Yên ngày nay, và tỉnh Phù Lỗ được đổi gọi là tỉnh Phúc Yên. Sau năm 1945, chính quyền Dân chủ cộng hòa lại cho lập xã Phù Lỗ Đông và Phù Lỗ Đoài. Đến năm 1961, ba xóm là Tiên, Nguyễn và Núi của thôn Đoài được tách ra và nhập vào xã Nguyên Khê thuộc huyện Đông Anh. Đến 1977, xã Phù Lỗ thuộc huyện Sóc Sơn, và từ năm 1979, Sóc Sơn là một huyện ngoại thành Hà Nội. Chia tách và chuyển nhập như vậy, nhưng trong tâm thức người dân, Phù Lỗ là một vùng quê cổ kính, tên nôm là kẻ Sọ, gồm cả Phù Lỗ Đông và Phù Lỗ Đoài, chung một truyền thống văn hiến từ ngàn xưa. Từ xưa, Phù Lỗ đã có một hệ thống đình, chùa, đền miếu bề thế, không may trong binh lửa các đời, nhất là trong kháng chiến chống Pháp, các di tích bị tàn phá nhiều. Nhờ sự góp công của khách thập phương và dân các làng, nhiều di tích đã được phục dựng. Ngôi chùa Thiên Tuế ở thôn Đông hiện còn lưu giữ hai di vật quý giá, đó là tấm bia Trùng Tu Thiên Tuế tự lập ngày 28 tháng 1 năm 1645; và, quả chuông Cảnh Thịnh đến nay vẫn khá nguyên vẹn. Bia đá Trùng Tu Thiên Tuế là tấm bia cỡ lớn, cổ kính, đẹp đẽ về kiểu dáng và hoa văn. Văn bia do Tiến sỹ, Thượng thư bộ Lại kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Dương Quận Công Nguyễn Nghi soạn. Văn Bia cho biết, chùa Thiên Tuế là ngôi cổ tự, một danh lam, từ thời Trần có vị Quan Không Thiền sư trụ trì. Trong thời Mạc có một lần trùng tu chùa. Nhưng rồi binh lửa lại khiến chùa bị hư hại nhiều, đến năm Giáp Ngọ 1654, lại có trùng tu lớn từ Rằm tháng Ba đến Rằm tháng Mười thì hoàn thành. Văn chỉ của Phù lỗ đặt ở thôn Đoài, bên mé đông của đình làng, đến nay còn lưu giữ tấm bia lớn, hai mặt đều khắc chữ. Một mặt lập tháng Chạp năm Long Đức thứ Ba, 1734, chữ đã mờ gần hết. Mặt sau lập tháng Ba năm Cảnh Hưng thứ 20, 1761, ghi tên những người ở Hội Tư văn của làng. Ngôi đền Ba Voi thờ bốn anh em Trương Hống, Trương Hát, Trương Lẫy, Trương Lừng. Trong đó, Trương Hống và Trương Hát được phong là Châu Lang Đại Vương. Đền có tên là Ba Voi là do tương truyền ba con voi trận của Châu Lang Đại vương đã chạy từ xa về đến Phù Lỗ thì ở lại đây. Khá đặc biệt, Phù Lỗ Đoài có ngôi Miếu Bà là nơi thờ một người phụ nữ của làng, là bà Ngô Chi Lan, một danh sĩ nổi tiếng văn đàn Việt nam thế kỷ XV. Bà là vợ của danh nhân Phù Thúc Hoành, người làng Phù Xá kề bên. Ngô Chi Lan có tài văn chương, được vua Lê Thánh Tông vời vào triều dạy các cung nữ, phong cho bà chức Phù gia nữ học sĩ, người đời hay gọi là Phù học sĩ. Sau khi bà qua đời, dân làng lập đền Phù học sĩ để thờ, dân làng thành kính gọi là Miếu Bà. Từ xưa, Phù Lỗ được thiên hạ ngưỡng mộ là một vùng quê văn hiến và khoa bảng. ở đây có 5 vị đỗ đại khoa, đều là người Phù Lỗ Đoài. Khai khoa cho Phù Lỗ là hai anh em Nguyễn Dương Hiền và Nguyễn Tịnh, cùng đỗ khoa ất Mùi 1475 đời vua Lê Thánh Tông. Nguyễn Dương Hiền sau làm quan đến chức Thiêm Đô ngự sử, Nguyễn Tịnh thì làm đến
- chức Đô cấp sự trung. Và, người em của họ, là Nguyễn Thận Lễ, lại đỗ Tiến sỹ khoa Đinh Mùi 1487, đời Lê Thánh Tông. Vị Tiến sỹ thứ 4 của làng Phù Lỗ là cháu của Nguyễn Dương Hiền, Hoàng giáp Nguyễn Đôn Mục đỗ khoa Đinh Mùi 1547 đời Mạc Phúc Nguyên. Nguyễn Đôn Mục sau làm quan đến chức Hàn lâm viện. Người Phù Lỗ thứ 5 đỗ Tiến sỹ là Đoàn Chú sinh năm 1715, đỗ Hoàng giáp khoa Bính Dần 1746, đời vua Lê Hiển Tông. Đoàn Chú sau làm quan đến chức Tả Thị lang, được phong Diễn Trạch hầu. Ngoài 5 người đỗ đại khoa kể trên, Phù Lỗ còn khá nhiều vị đỗ trung khoa và tiểu khoa. Trong đó có Đoàn Trinh làm quan Huấn đạo Bắc Ninh và là người có công xây dựng đền Sóc. ở Phù Lỗ có dòng họ Trịnh gốc Thanh Hóa chuyển cư ra, ở cả thôn Đông cả thôn Đoài, là dòng họ phát đạt về ngạch võ. Trịnh Tự Đình, còn có tên là Tự Quyền, đỗ Tạo sỹ (Tiến sỹ võ) khoa Giáp Tuất 1754, sau làm quan Trấn binh Hải Dương, ba vị đỗ Tạô sỹ khác đều là con của Trịnh Tự Đình: Trịnh Tự Hiển đỗ khoa Kỷ Hợi 1779; Trịnh Tự Thuần và Trịnh Tự Thức cùng đỗ khoa ất Tỵ 1785. Dòng họ Trịnh này còn có nhiều người làm quan võ nữa, trong đó có Trịnh Đức làm Quản binh của huyện Đông Ngàn, Đốc vận binh lương, đã cùng Tổng đốc Hoàng Diệu cố thủ thành Hà Nội... Trong nhiều thế kỷ, người Phù Lỗ sau khi đỗ đạt, cả về văn võ, đều đi làm quan ở nhiều nơi và để lại tiếng thơm trong xã hội. Bởi thế, trong dân gian có câu “Quan làng Sọ như lọ Thổ Hà” (Quan làng Sọ nhiều như lọ gốm do làng Thổ Hà làm ra). Từ xưa, Phù Lỗ đã là một đầu mối giao thương lớn phía bắc Thăng Long, nằm nơi giao điểm của hai con đường thiên lý, nay là Quốc lộ 2 và Quốc lộ 3. Ngay từ đời vua Lê Nhân Tông, niên hiệu Thái Hòa thứ bảy, 1449, nhà Lê đã cho đào sông Bình Lỗ, tạo nên con đường thủy từ Lãnh Canh (Thái Nguyên), về qua Phù Lỗ, thông suốt đến Bình Than (giáp thị trấn Nam Sách, Hải Dương ngày nay). Khu vực cầu Phù Lỗ là một bến bãi bằng phẳng từ xưa. Chợ Sọ (chợ Phù Lỗ) từ hơn 5 thế kỷ trước đã được mở ngay bến sông, nổi tiếng thiên hạ, như sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi: Chợ họp mỗi tháng 6 phiên sầm uất, trên bến nước dưới thuyền, với đủ loại hàng hóa nông sản trong vùng và nông sản từ miền thượng du đưa về. Cùng với việc buôn bán phát đạt, từ lâu đời, người Phù Lỗ có nghề làm hương thơm nổi tiếng. Hương Phù Lỗ sản xuất quanh năm, nhưng rộ lên nhất là từ Rằm tháng Tám đến Tết Nguyên đán. Vùng quê này có câu ca nói lên niềm tự hào về quê hương của mình: Hỡi cô thắt bao lưng xanh Có về Phù Lỗ với anh thì về Phù Lỗ có cây bồ đề Có ao tắm mát có nghề làm hương... Tháng 5-2007
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Chương I C.nghĩa duy vật biện chứng
11 p | 506 | 149
-
Bài giảng Tâm lý học giáo dục: Chương 4 - GV. Nguyễn Thị Vân
21 p | 437 | 43
-
Vấn đề chất lượng giảng viên với việc nâng cao chất lượng đào tạo báo chí
11 p | 183 | 43
-
Bàii giảng Tâm lí học đại cương - ThS.Bùi Kim Chi
20 p | 176 | 35
-
Bài giảng Thanh tra Kiểm tra Giáo dục - Chương IV: Xử lý kỷ luật cán bộ viên chức
20 p | 182 | 25
-
Bài giảng chuyên đề Tâm lý giáo dục học đại học
55 p | 79 | 17
-
7 nguyên tắc vàng trong giảng dạy đại học
3 p | 100 | 14
-
Bài giảng Tâm lý học giáo dục: Chương 2 - ThS. Phan Minh Phương Thuỳ
27 p | 70 | 10
-
Bài giảng Tâm lý y học: Bài 4 - BS. Ngô Thị Phương Thảo
46 p | 52 | 7
-
Bài giảng Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ Văn
110 p | 78 | 2
-
Hãy luôn là những thầy, cô điển hình về tấm gương đạo đức tốt trong đào tạo sĩ quan cảnh sát tại trường Đại học Cảnh sát nhân dân
6 p | 39 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn