intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đất và người Bình Dương qua tư liệu văn học dân gian

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

13
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nhằm giới thiệu và phổ biến tư liệu văn học dân gian góp phần trong công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, văn hóa, văn học…tác giả viết bài tham luận về “Đất và người Bình Dương qua tư liệu văn học dân gian” qua các thể loại văn học dân gian ở Bình Dương như: truyện kể, ca dao, hát đưa em, hò, lý, vè…được sưu tầm qua các gia đình người Việt đã sinh sống ở vùng đất Bình Dương nhiều thế hệ và các tư liệu thành văn đã được xuất bản.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đất và người Bình Dương qua tư liệu văn học dân gian

  1. ĐẤT VÀ NGƯỜI BÌNH DƯƠNG QUA TƯ LIỆU VĂN HỌC DÂN GIAN Nguyễn Thị Kim Ánh1 1. Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Bình Dương cũng như vùng đất Nam Bộ có lịch sử chỉ hơn 300 năm. Lưu dân người Việt vào khẩn hoang vùng đất Bình Dương đã đem theo những câu ca dao, điệu hát, câu hò của làng quê mình. Dòng văn học dân gian du nhập vào vùng đất mới đã thích nghi với môi trường và hoàn cảnh mới biến đổi thành văn học dân gian phản ánh đời sống, tâm tư tình cảm…của người dân sinh sống ở vùng đất Bình Dương. Bên cạnh đó, trong quá trình khai hoang lập làng, lao động sản xuất, người dân ở vùng đất Bình Dương cũng sáng tác nhiều câu hát, truyện kể, ca dao…phản ánh thiên nhiên và cuộc sống ban đầu cũng như tâm tư tình cảm của họ. Từ những tư liệu văn học dân gian ở Bình Dương như truyện kể, ca dao, hát ru... chúng ta biết ít nhiều về đất và người Bình Dương. Từ khóa: Ca dao, đất và người, hát ru, truyện kể, văn học dân gian… 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Tư liệu văn học dân gian là một kho tàng vô giá của con người. Tư liệu văn học dân gian được tập thể nhân dân sáng tạo ra và truyền miệng từ đời này sang đời khác. Muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa, đời sống, con người…một vùng đất thì một trong các nguồn tư liệu phong phú chính là tư liệu dân gian. Tư liệu dân gian ở Bình Dương được di dân đem đến từ quê hương của họ nhưng đến vùng đất Bình Dương có sự giao thoa giữa các vùng văn hóa và Văn học dân gian có biến đổi để phản ánh đúng thực tế thiên nhiên, môi trường lao động và cuộc sống của người Bình Dương. Nhằm giới thiệu và phổ biến tư liệu văn học dân gian góp phần trong công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, văn hóa, văn học…tác giả viết bài tham luận về “Đất và người Bình Dương qua tư liệu văn học dân gian” qua các thể loại văn học dân gian ở Bình Dương như: truyện kể, ca dao, hát đưa em, hò, lý, vè…được sưu tầm qua các gia đình người Việt đã sinh sống ở vùng đất Bình Dương nhiều thế hệ và các tư liệu thành văn đã được xuất bản. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Phương pháp sưu tầm tư liệu thành văn và tư liệu truyền miệng về văn học dân gian, phân loại và phân tích tư liệu. Tác giả so sánh, đối chiếu với các vùng miền khác để chứng minh tính dị bản của văn học dân gian. Phương pháp lịch sử được sử dụng trong kiểm chứng tư liệu về xuất xứ, độ tin cậy của tư liệu truyền miệng để đảm bảo tính khoa học. Phương pháp logic được sử dụng trong phân tích tư liệu văn học dân gian logic với bối cảnh lịch sử vùng đất Bình Dương xưa, phù hợp những đặc thù về địa hình, khí hậu, cảnh quan, các giống cây cỏ, sinh vật phù hợp vùng đất Bình Dương cũng như tính cách người Bình Dương nói riêng và cư dân Nam Bộ nói chung. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN Trên cơ sở lý luận nghiên cứu về văn học dân gian, tác giả giới thiệu khái niệm, thuật ngữ, đặc trưng văn học dân gian. Bài viết đã tổng hợp và giới thiệu cho người đọc một số thể loại văn học dân gian ở Bình Dương như ca dao, hát ru em, lý, hò, vè, truyện kể, truyện tiếu lâm…theo chủ đề về cảnh 231
  2. quan, động thực vật, sinh hoạt và tính cách người Bình Dương xưa nhằm cung cấp tư liệu trong nghiên cứu và giảng dạy văn học, lịch sử (khẩn hoang), văn hóa… 3.1. Tổng quan về văn học dân gian Thuật ngữ văn học dân gian Ngoài những cách gọi mang tính tự phát dựa vào phương thức lưu truyền của văn học dân gian như văn chương truyền miệng, văn chương bình dân thì một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi và quen thuộc trong những năm gần đây là thuật ngữ văn học dân gian. Đồng thời thuật ngữ folklore được đề xướng năm 1846 bởi nhà nhân chủng học người Anh tên là Ulyam Jôm Tôm đã trở thành thuật ngữ có tính chất quốc tế. Theo nghĩa của từ “folk” (quần chúng người dân, dân gian) “lore” (toàn bộ sự hiểu biết, tri thức). Vì vậy các nhà nghiên cứu có quan niệm rộng hẹp khác nhau về folklore (folklore tương đương với thuật ngữ văn hóa dân gian; tương đương với thuật ngữ văn nghệ dân gian ; đồng nghĩa với thuật ngữ văn học dân gian ). Văn học dân gian là một bộ phận của văn hóa dân gian, là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho cộng đồng. Đặc trưng cơ bản của văn học dân gian: Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ mang tính tập thể -truyền miệng: tính dị bản và là một loại hình nghệ thuật nguyên hợp (tổng hợp tự nhiên) mang tính thực hành-sinh hoạt. (Phạm Thu Yến. 2014, tr.11). Tìm hiểu về văn học dân gian Bình Dương dựa vào những căn cứ sau đây để xác định được tư liệu văn học dân gian này là của vùng đất Bình Dương: Thứ nhất, những tư liệu sưu tầm từ người Việt sinh sống ở vùng đất Bình Dương từ lâu đời qua nhiều thế hệ; Thứ hai, tư liệu văn học dân gian hiện nay đang lưu truyền ở Bình Dương; Thứ ba, trong nội dung văn học dân gian có cách dùng từ của địa phương hoặc có nhắc đến địa danh ở Bình Dương. Trên cơ sở lý luận đã trình bày, tác giả bài viết giới thiệu tiêu biểu các thể loại văn học dân gian Bình Dương như: Truyện kể và dân ca- thơ ca dân gian (gồm 4 thể loại: Hát đưa em, lý, hò và nói thơ – Nói vè). (Thạch Phương và nnk…, 2014, tr.205). Do dung lượng bài viết có hạn nên tác giả chỉ chọn những tư liệu văn học dân gian trong mỗi thể loại theo chủ đề quá trình khẩn hoang lập làng và đời sống ban đầu của người Việt ở Bình Dương. 3.2. Vùng đất và con người Bình Dương qua thể loại dân ca và thơ ca dân gian 3.2.1. Hát đưa em (Ầu ơ ví dầu) Ở Nam Bộ, hát ru được gọi là hát đưa em hoặc ầu ơ ví dầu. Như luật định, hát đưa em thường hay mở đầu bằng những tiếng láy đưa hơi “Ơ ầu ơ”, giai điệu đặc trưng mà ngoài Nam Bộ ra, ta khó bắt gặp chúng xuất hiện ở nơi nào khác. Phương tiện ru là chiếc võng, cái nôi, cánh tay, lồng ngực. Thời lượng ru không giới hạn, làn điệu hát ru ngân nga làm sao cho đứa bé nghe bùi tai để dần dần đi vào giấc ngủ mùi. Nội dung lời hát đưa em thường mang tâm sự của người hát ru nên đề tài rất phong phú. Hát đưa em được diễn đạt tự do thoải mái, với nhịp buông lơi, nhặt khoan tùy hứng. Thể thơ dân gian đã từng chi phối và tạo thành cấu trúc âm nhạc của hát ru (Lư Nhất Vũ- Lê Giang (2001). Hầu hết những câu hát đưa em được dẫn chứng trong bài viết là tư liệu của các gia đình người Việt đã sống ở vùng đất Bình Dương trên bốn thế hệ được tác giả sưu tầm. Cảnh quan thiên nhiên hoang dã thời khẩn hoang với các con vật trong tự nhiên của vùng đất Bình Dương xưa qua hát ru: Chiều chiều én liệng diều bay Cá lội dưới nước, khỉ ngồi trên cây Hay: “Chiều chiều vịt lội, cò bay Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng Vô rừng bứt một sợi mây Đem về thắt gióng cho nàng đi buôn Đi buôn không lỗ thì lời Đi ra cho thấy mặt trời mặt trăng” (Bà Trần Thị Măng sưu tầm) 232
  3. Qua các câu hát đưa em trên, ta biết được Bình Dương thời khẩn hoang có rừng và nhiều động vật hoang dã (khỉ, voi…), nội dung câu hát trên cũng cho biết một loại cây hoang dã hay mọc ở rừng Đông Nam Bộ: Mây. Mây là loại cây cung cấp nguyên liệu đan lát các vật dụng hàng ngày người Bình Dương xưa hay sử dụng như gióng gánh, ghế, bàn, roi… Đồng ruộng mênh mông, vườn tược sum suê là ngẫu hứng cho những món ăn rất bình dị mang đậm dấu ấn khẩn hoang của người Việt ở Bình Dương xưa: “Má ơi đừng đánh con đau Để con bắt ốc hái rau cho má nhờ Má ơi đừng đánh con hoài Để con bắt cá nấu canh xoài cho má ăn” (Bà Trần Thị Măng sưu tầm) Từ lâu ca dao đã viết: “Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”. Các món ăn chế biến từ ốc, cá, cua… với những loại rau giản dị chính là món ăn đặc trưng cho người Việt thời khẩn hoang ở Bình Dương. Từ thế kỷ XVII về sau, lưu dân người Việt đến Bình Dương đông dần. Do di chuyển bằng thuyền cho nên di dân người Việt thường sinh sống ở ven sông và làm nghề nông, trồng lúa nước. Những câu hát đưa em ở vùng Bình Dương xưa được sưu tầm từ những bô lão người Việt cao niên có nói về nghề trồng lúa nước: Cái ngủ mày ngủ cho lâu Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về (Ông Nguyễn Văn Tròn sưu tầm) Dưới đây là các câu hát đưa em ở đang lưu hành ở Bình Dương nhưng có xuất xứ từ miền Trung (có dị bản ở miền Trung giống như vậy), có lẽ di dân đã mang theo đến vùng đất Bình Dương: Cái cò cái vạc cái nông Sao mày dậm lúa nhà ông hở cò Không không tôi đứng trên bờ Mẹ con nhà nó đổ ngờ cho tôi (Ông Nguyễn Văn Tròn st) Khi đã ổn định làng xóm, lưu dân người Việt trồng nhiều loại rau cho bữa cơm gia đình. Các loại rau cũng được nhắc đến trong các câu hát đưa em, thể hiện tâm sự người ở lại chịu nhiều đau khổ: “Gió đưa cây cải về trời, Rau răm ở lại chịu đời đắng cay” (Ông Nguyễn Văn Tròn st) Thật vậy!, ở thành phố Thủ Dầu Một có địa danh “Bưng Cải” chắc khi xưa trồng cải rất nhiều. Bình Dương gần Hóc Môn-Bà Điểm: Vùng đất trồng nhiều trầu (mười bốn thôn vườn trầu) vì vậy vùng đất Bình Dương xưa cũng trồng trầu. Trầu cau dùng trong nghi lễ cưới hỏi, ma chay, thờ cúng tổ tiên, xã giao (mời trầu): “Đi đâu cho đổ mồ hôi Chiếu trãi không ngồi, trầu dọn không ăn” (Ông Nguyễn Văn Tròn st) Lá trầu thể hiện tâm tư tình cảm người vợ trong xã hội có phong kiến có tục đa thê ở Việt Nam xưa: “Trồng trầu thì phải khai mương Làm trai hai vợ phải thương cho đồng” (Ông Nguyễn Văn Tròn st) Nhắc đến trầu thì phải có cau. Nông thôn Bình Dương xưa trồng nhiều cau lắm. Cau được chở đi bán khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Hình ảnh cây cau, trái cau thân quen hiện diện rất nhiều trong 233
  4. các câu hát đưa em, chẳng hạn như hai câu hát ru sau đây, nghệ thuật ẩn dụ được sử dụng qua buồng cau trổ muộn thể hiện sự lo lắng của một cô gái: Một mình lo bảy lo ba Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên Ẩm thực của người Việt ở Bình Dương xưa còn được biết đến với những câu hát ru rất ngộ nghĩnh: “Con mèo mày trèo cây cau Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà Chuột rằng chuột chợ đường xa Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo” (Ông Nguyễn Văn Tròn st) Bữa ăn chính giản dị của người Việt thời xưa ở Bình Dương rất đơn giản: Chỉ cần mắm muối, dưa cà, rau ngoài vườn. Nông dân Việt ở Bình Dương xưa nhà nào cũng có hũ mắm, ăn với cơm cho chắc bụng, đỡ hao tốn. Ngoài rau dại người Việt còn trồng nhiều loại rau quả khác như: bầu, bí, dưa… được nhắc đến qua giọng ru ngân nga của người ông đang thong thả kéo dây chiếc võng ru đứa cháu giữa trưa hè: Ví dầu ví dẫu ví dâu Ăn trộm bẻ bầu, ăn cắp hái dưa (Ông Nguyễn Văn Tròn st) Những câu hát đưa em còn thể hiện tâm tư tình cảm, sự tần tảo chịu thương chịu khó của người phụ nữ trong gia đình: “Còn duyên bán nhãn bán hồng Hết duyên bán mít cho chồng gặm xơ Gặm xơ rồi lại gặm cùi Còn ba cái ốc để lùi cho con” (Ông Nguyễn Văn Tròn st) Qua đó cũng cho biết cây mít khá phổ biến ở miền Đông Nam Bộ và người phụ nữ Nam Bộ cũng tần tảo đâu khác gì con gái Bắc: “Cái cò lặn lội bờ sông/Ghánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” (Nguồn: thivien.net). 3.2.2.Ca dao Thể loại ca dao: Thể loại ca dao là thể loại thuộc phương thức trữ tình. Nhân dân ta xưa sáng tác ca dao để hát hò trong lao động, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng như lễ hội hay trong các cuộc vui chơi tự do. Địa danh ở Bình Dương và món bánh bèo bì đặc sản của Bình Dương cũng được giới thiệu qua ca dao: Ai về chợ Búng, Bình Nhâm Ghé vườn cây trái, ghé ăn bánh bèo (UBND tỉnh Bình Dương, 2010, tr.26) Một loại hoa hoang dã rất phổ biến ở Bình Dương xưa đã đi vào ca dao thể hiện tình yêu đôi lứa: “Gió đưa gió đẩy bông trang Bông búp về nàng, bông nở về anh” (Trần Bạch Đằng chủ biên. 1991, tr.363) Người Bình Dương trong văn nói hay dùng từ “bông” khi gọi hoa. Bông Trang ngày xưa rất phổ biến ở miền Đông Nam Bộ. Loại bông này mọc tự nhiên, sức sống tốt. Bông trang có màu phổ biến là màu đỏ, trắng, vàng. Theo địa chí tỉnh Sông Bé thì đám hỏi (lễ đính hôn) của người dân Bình 234
  5. Dương xưa sính lễ có thêm chùm bông trang màu đỏ còn búp (hoa giả) để đàng gái treo trong nhà cho biết cô gái đã được ăn hỏi. Đến đám cưới trong sính lễ cũng có thêm chùm bông trang giả màu đỏ đã mãn khai (nở) để treo cho mọi người biết cô đã lấy chồng. (Trần Bạch Đằng chủ biên, 1991, tr.363). Phong tục này ngày nay không còn nữa. Bình Dương ngày nay còn địa danh Nhà Đỏ- Bông Trang ở huyện Phú Giáo. Ta có thể biết xuất xứ của các câu ca dao qua địa danh hoặc nội dung nhắc đến những đặc trưng của con người, vùng đất thuộc Bình Dương xưa. Ví dụ câu ca dao thể hiện tình yêu của chàng trai chèo ghe đến thăm người yêu: “Ghe anh đỏ mủi8 tráng lườn Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em Cùng em ăn trái sầu riêng Ăn rồi mới thấy một niềm vui chung (Tác giả sưu tầm ca dao ở Lái Thiêu) Sở dĩ ta biết được cô gái này ở Lái Thiêu là vì nội dung câu ca dao có nhắc đến trái cây đặc sản của Lái Thiêu xưa: Trái Sầu riêng; Phương tiện di chuyển bằng ghe và điểm xuất phát là Gia Định theo đường sông Sài Gòn đến vườn cây Lái Thiêu. Ca dao ở Bình Dương thể hiện tình yêu đôi lứa: Đèn nào cao bằng đèn ông Chánh Bánh nào trắng bằng bánh bò bông9 Anh thương em từ thuở má bồng Bây giờ em lớn em có chồng bỏ anh (Lư Nhất Vũ-Lê Giang st, 2001) Bánh bò bông là một loại bánh đặc sản ở Bình Dương xưa. Bánh nhỏ và trắng tinh do có nguyên liệu từ bột, lòng trắng trứng và đường cát trắng. Thông qua hình ảnh chiếc bánh bò bông nhỏ xinh như ẩn ý ví von về em gái được thương từ “thuở má bồng”. Những câu thơ như hờn, như trách, dùng nghệ thuật so sánh “cao cho bằng” “trắng cho bằng” để nói lên tình yêu lâu dài mà người con trai dành cho cô gái mình để ý. Câu thơ cuối nghe não lòng như lời trách móc “Bây giờ em lớn em lấy chồng bỏ anh”. Ca dao còn thể hiện nổi lòng của một người khi bị bội bạc: Hỡi người ăn mít bỏ xơ Ăn cá bỏ lờ có nhớ tôi chăng? (Lư Nhất Vũ-Lê Giang st, 2001) Quan niệm trong hôn nhân của phụ nữ phương Nam đậm chất “Nam Bộ”:“Trong quan hệ hôn nhân họ tỏ ra rất phóng khoáng và dân chủ. Nếu ảnh hưởng Nho giáo miền Bắc và miền Trung còn nặng tam tòng “Thuyền theo lái, gái theo chồng” thì vào Nam nó đã dung hòa thật bình đẳng “Nước theo sông, chồng theo vợ.” (Lê Đình Bích,1998, tr.5). Người con gái Nam Bộ trong tình yêu, họ đánh cược cả cuộc đời mình: “Ví dầu tình có dở dang Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về” (Lê Đình Bích st,1998, tr.5) Người phụ nữ Bình Dương xưa dù chịu nhiều thiệt thòi trong hôn nhân vẫn trọn tình với con, trọn nghĩa với mẹ chồng, câu ca dao thật buồn: 8 Ghe ở Nam Bộ sơn mủi ghe màu đỏ hình hai mắt cá 9 Có rất nhiều dị bản. Ví dụ: “Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc Xứ nào dốc bằng xứ Nam Vang” 235
  6. Gió đưa bụi chuối sau hè Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ Con thơ tay ẳm tay bồng Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông10 Đồng dao là một hình thức hát tập thể được xếp trong thể loại ca dao. Những bài đồng dao có mục đích tạo nên âm điệu, tiết tấu vui nhộn gây sự hứng thú cho trẻ. Đồng dao là những câu hát dân gian truyền miệng, thường do trẻ em hát lúc vui chơi và thường kết hợp với trò chơi. Ví dụ, cha mẹ hay bà nội bà ngoại ở Bình Dương thường chơi vỗ tay với trẻ, theo nhịp vỗ tay để dạy: “Vỗ tay bà cho ăn bán, không vỗ bà lấy đòn gánh bà đánh lên đầu”. Một bài đồng dao tiêu biểu ở Bình Dương: “Tùm nụm tùm nịu/ Tay tí tay tiên / Đồng tiền chiếc đũa/ Hột lúa ba bông/ Ăn trộm trứng gà/ Bù xa bù xít/ Con rắn con rít/ Xòe ra tay này”. Bài này kết hợp trò chơi người lớn dấu cái gì trong tay rồi xòe ra bất ngờ, con nít độ tuổi lên hai, lên ba rất thích. 3.2.3. Lý, hò Lý là một trong những thể loại âm nhạc dân gian rất thịnh hành trong sinh hoạt đời sống tinh thần của nhân dân lao động. Ở Bình Dương có rất nhiều điệu lý. Đề tài của lý rất đa dạng và bình dị: Các loại cây trái, bông hoa, chim thú, vật dụng hàng ngày… như lý Cây khế, lý Cái phảng (dụng cụ phát cỏ thời khẩn hoang)…Lý còn miêu tả sinh hoạt hàng ngày như qua cầu, kêu đò, qua rừng, qua truông, cấy lúa, cày ruộng, chẻ tre, đương đệm… đều có thể trở thành tên gọi của các bài lý như lý Kêu đò, lý Qua rừng… Lý cũng phản ánh phong tục tập quán, lễ nghi, hội hè như lý Cảnh chùa, lý Miễu lý đình: “Con gà trống cộ/Nằm dựa bàn minh/Anh thề với em/Bên nay là miễu/Bên kia là đình/Đình kia thời miễu nọ cho linh/Đừng cho bạn cũ tư tình với ai”(Lư Nhất Vũ-Lê Giang st, 2001) Hò: Hò thường được bắt đầu từ chữ “Hò…ơ”. Có lẽ trong các thể loại dân ca và thơ ca dân gian ở Bình Dương, thể loại hò ra đời sớm nhất và mang đậm dấu ấn khẩn hoang nhất. Vậy hò ra đời khi nào?Theo hai nhà nghiên cứu âm nhạc thơ ca dân gian Lê Giang và Lưu Nhất Vũ thì thể loại hò thịnh hành và phát triển trên đất Bình Dương sớm, có thể từ đầu thế kỷ XVII khi tổ tiên ta rời miền Trung vào đất Đồng Nai-Gia Định để khẩn hoang và lập nghiệp, những di dân thuở ấy cũng mang theo vốn văn hóa truyền thống, trong đó có nhiều giọng hò (Lư Nhất Vũ -Lê Giang chủ biên, 2001, tr.52).Người ta thường hò khi cấy trên đồng, hò khi chèo ghe, hò bên cối xay lúa, giã gạo, ép mía…Hò trong dịp cưới hỏi, mừng tân gia, giỗ quẩy…Lời hò chứa đựng nội dung trữ tình, tình yêu đôi lứa, quan hệ hôn nhân và gia đình, đề cao cách đối nhân xử thế, rút ra những kinh nghiệm ở đời.Ở miền Đông Nam Bộ nói chung và Bình Dương nói riêng rất hiếm những đám ruộng cò bay thẳng cánh như miền Tây Nam Bộ. Ruộng ở Bình Dương là ruộng gò, ruộng bưng, ruộng nương, ruộng triền…được nhắc đến trong những câu hò: “Ruộng gò anh cấy lúa nàng Xe Anh thấy em còn nhỏ anh ve để dành Ruộng gò anh cấy lúa nàng Co Em thương anh thì thương đại đừng để anh gò mất công” Hay là: “Chim quyên sa xuống ruộng triền Anh sa lời nói, con bạn phiền trăm năm” ( Lư Nhất Vũ-Lê Giang st, 2001) Nội dung những câu hò thường là hò đối đáp giữa nam và trên đồng lúc đang lao động sản xuất cho nên thường thể hiện tình cảm như bốn câu trên có nội dung sâu xa là chàng trai tỏ tình với cô gái. Hai câu sau là tâm tư của chàng trai đang áy náy vì lỡ lời làm cô gái buồn, ngụ ý xin lỗi cô gái. Địa 10 Có nhiều dị bản 236
  7. hình của Bình Dương có nhiều truông11 cũng được nhắc đến qua câu hò có nội dung hờn trách cô gái phụ lòng mình: “Hồi nào ghánh nặng tui chờ Qua truông tui đợi, bây giờ bỏ tui” Hoặc khi chàng trai tỏ tình và mong chờ cô gái đáp lại: Ve kêu réo rắt đầu truông Liệu bề thương được, thương luôn cho tới già ( Lư Nhất Vũ-Lê Giang st, 2001) Ngoài những địa hình tiêu biểu của vùng Đông Nam Bộ- Bình Dương có những gò, triền, truông… Hò huê tình còn nhắc đến các địa danh ở Bình Dương: Ngã ba An Thạnh nước hồi Anh muốn qua thăm nhân ngãi gặp hồi nước vơi Đồng hồ ngoài Búng gõ đúng mười hai giờ Anh biểu em về thay quần đổi áo, ra ngã ba bờ gặp anh ( Lư Nhất Vũ-Lê Giang st, 2001) Hò huê tình nhắc đến các địa danh ở Bình Dương thì chứng minh những câu hò trên xuất xứ và lưu hành ở vùng đất Bình Dương. Một thể loại khác của văn học dân gian là nói thơ-nói vè. 3.2.4. Nói thơ –Nói vè Nói thơ: Bài thơ thể loại thơ đố: “Một mẹ mà chín mười con Ngày ngày luống những lên non trông chồng Trông chồng mà chẳng thấy chồng Gặp thằng tài cán rất hung Nắm đầu cắt cổ lôi xông về nhà Tưởng đâu mình được vinh hoa Hay đâu nó đánh răng gia đời đời” (Bà Trần Thị Măng st) Đố bài thơ trên nói về nghề gì ? Giải đáp: Nghề cắt cỏ tranh lợp nhà. Bình Dương và Đông Nam Bộ xưa có nhiều đất gò, trảng cỏ tranh mọc hoang là nguyên liệu dùng để lợp nhà. Nói Vè là một thể loại thơ dân gian, thường bắt đầu bằng câu “Nghe vẻ nghe ve”. Bình Dương có “Vè các chợ”, “Vè các rau”, “Vè các loại bánh”…Ví dụ Vè các rau: “Nghe vẻ nghe ve/ nghe vè các rau/thứ ở hỗn hào/là rau ngành ngạnh12/trong lòng sang chảnh/vốn thiệt tâm lang/…ăn hơi tanh tanh/là rau dấp cá…” (Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương (2004), tr. 123) 3.3. Truyện kể Bình Dương 3.3.1. Giai thoại Giai thoại về cọp Bàu Lòng: Trong địa chí tỉnh Sông Bé với giai thoại “cọp Bàu Lòng Võ Tòng Tân Khánh” như sau: Từ Thủ Dầu Một qua Bến Cát lên Lai Khê đến Đồng Sổ, Bàu Lòng sau đó đến Chơn Thành, Hớn Quản cách Sài Gòn khoảng 80km. Dân nghèo đến phá rừng, đốt rẫy, lập làng. Vùng này rừng thiêng nước độc cọp thường về làng bắt bò, heo…Dân làng Bàu Lòng phải mời hai võ sĩ vùng Tân Khánh là ông Ất và ông Giá. Cuộc đánh nhau giữa hai võ sĩ và cọp được tường thuật rất hấp dẫn: “Hai ông dùng roi trường bằng cây mật cật, to như cái chén uống rượu thời xưa gọi là chén mun (bằng gỗ mun). Võ sĩ và cọp đánh nhau hồi lâu, cọp hộc lên một tiếng, nhảy ra xa, ngoài 11 Truông: là đường xuyên ngang một khu rừng, lối đi có sẵn nhưng hai bên và trên đầu người đi đều có thân cây và cành lá bao phủ (Bùi Đức Tịnh, 2002, tr.186) 12 Ngành ngạnh: là một loại rau mọc hoang ở vùng đất gò ở Bình Dương xưa, vị chát ăn với bánh xèo rất ngon 237
  8. khoảng trống, nằm ngữa đưa bốn chân lên trời. Theo tiếng lóng nhà nghề, đó là miếng võ của cọp nguy hiểm vô cùng, gọi thế “trâu dằn”. Nếu nóng nảy, nhảy tới cầm roi mà đánh, cọp sẽ dùng bốn chân mà kềm giữ cây roi lại. Người đánh nếu cầm giữ roi sát bên cọp thì bị móc họng, chết tại chỗ. Còn như buông roi mà chạy thì sao chạy nhanh hơn cọp được. Ông Giá đã có kinh nghiệm, bèn đứng ra chống roi cho khỏe…Ông Giá chống roi, rồi cọp đứng dậy, hai bên đánh nhau màn chót. Bỗng dưng, cọp rống một tiếng lớn, quay đầu chạy. Nhưng liền sau đó lại rống thất thanh, nằm giãy tại chỗ. Có ông Ất đứng bên cạnh. Số là lúc nãy, ông Ất biết cọp sắp chạy, ông vụt chạy ra đánh chặn đường rút lui, cọp đối phó không kịp. Thế là dứt điểm nhanh và gọn” (Trần Bạch Đằng chủ biên, 1991, tr. 356) Giai thoại về ông Huỳnh Công Nhẫn dạy dân tránh cọp: Hồi cuối thế kỷ XIX, ở Lái Thiêu Bình Nhâm còn rừng rậm, cọp thường xuất hiện. Có ông Huỳnh Công Nhẫn (còn gọi là Huỳnh Công Thới) ông dạy dân ban đêm đốt lửa trong nhà, khi ra đường phải cầm đuốc lửa để đuổi cọp. Mỗi nhà sắm dụng cụ thùng, phèng la, mõ đồng loạt nổi lên cùng tiếng hò hét khi cọp quấy nhiễu. Mỗi người có sẵn một cây tầm vông vạt nhọn, khi ra đường chống lên đề phòng cọp vồ. Khi gặp cọp, ta liền ngồi xuống chống đầu nhọn gậy lên vì tuy cọp hung dữ nhưng rất sợ cây nhọn đâm thủng ruột. (Theo Nguyễn Liêm Phong (1909), Nam kỳ phong tục nhân vật diễn ca). Sau khi ông mất mộ của ông ở thị trấn Lái Thiêu được nhân dân xây thành chùa Thiên Phước có bàn thờ Huỳnh Công. Ngày nay ở thị xã Thuận An có miếu Huỳnh Công thờ ông Huỳnh Công Nhẫn. (Trần Thanh Đạm, 2012) Giai thoại bà mụ cọp: Cọp vợ sinh khó, cọp chồng chạy vào làng cõng bà mụ đỡ đẻ cho cọp vợ rồi cõng bà về làng, sau đó đem một con nai bỏ trước sân nhà bà mụ để đền ơn. (Trần Bạch Đằng chủ biên, 1991, tr. 359) Giai thoại về ông Chằng Niên: Cũng như những vùng xa xôi miền Đông hoặc phía Đồng Tháp, U Minh, Cà Mau; Thủ Dầu Một cũng phổ biến nhiều giai thoại về ma rừng, chuyện dị đoan nửa hư nửa thật, kể lại cho nhau nghe. Truyện dân gian gắn liền vi đời sống ban đầu thời khẩn hoang lập ấp: Chuyện “Ông Chằng Niên”: Thủ Dầu Một xưa có nhiều rừng già, muông thú đa dạng. Trong làng có một người làm nghề săn bắn rất giỏi, ông đi vào rừng nhiều ngày và vác về bao nhiêu thú săn được. Người ta đồn rằng ông có ngãi ngậm trong miệng, khi vào rừng tuyệt đối không được nói, thú rừng sẽ tự chạy đến cho ông bắt đem về. Có một ngày ông quên mở miệng nói làm rơi mất cục ngãi, thế là ông hóa điên, cười sằng sặc, ở luôn trong rừng thời gian dài râu tóc mọc ra và không về làng sinh sống được nữa vì bị dân làng cho là người rừng xua đuổi. Thỉnh thoảng vào đêm tối ông nhớ đường về nhà, nhớ vợ nhớ con nên đập cửa nhà và gọi: “Chị trùm mở cửa chị trùm Thương con nhớ vợ hít hà chu ui” Thế nhưng vợ con và dân làng không nhận ra ông nữa nên quá sợ hãi đánh đuổi ông đi. Từ đó ông phải sống hẳn trong rừng (Bà Trần Thị Măng sưu tầm). 3.3.2. Truyện tiếu lâm Có phải chăng những ngày làm việc nặng nhọc, đôi khi phải chinh phục thiên nhiên, chiến đấu với dã thú để sinh tồn…hình thức thư giãn của người dân Bình Dương khi nghỉ ngơi là ngồi tán dóc cho vui. Chuyện tiếu lâm ở Bình Dương cũng mang nét đặc trưng chung của tiếu lâm Nam Bộ là; đơn giản, dễ hiểu, phản ánh đời thường và yếu tố hài hước được cường điệu quá mức (giống chuyện của Bác ba Phi ở miền Tây Nam Bộ). Xin kể chuyện tiếu lâm đậm chất Nam Bộ ở Thủ Dầu Một xưa: “Ông trùm Pho ở Kiến Điền nổi danh nói dóc. Ông kể hôm ấy cùng ba người bạn thân dắt chó vào rừng săn được một con mễn. Sẵn đói bụng, ông và các bạn làm thịt mễn, bộ đồ lòng ném cho chó ăn còn xác thì lột da lấy thịt nướng lụi. Gói muối ớt có sẵn, mở ra để trên cát. Cả bọn uống rượu, ăn hồi lâu gần hết con mễn, ngủ một giấc, chừng thức dậy, xem lại thì gói muối ớt còn nguyên với miếng lá chuối, bên cạnh đó cát bị 238
  9. khoét một lỗ to bằng…cái thúng. Té ra cả bọn say rượu đã chấm thịt mễn xuống cát mà ăn, tưởng là chấm muối”. (Trần Bạch Đằng chủ biên, 1991, tr.360) Một chuyện khác: Mười Công, người đồng thời nổi danh một cây tiếu lâm ở Tân Long, Tân Khánh. Nghề chính của ông là trồng thuốc và làm chút ruộng. Ông kể rằng bà nội ông thời xa xưa, có nuôi một con cưỡng biết nói rành rẽ, chào khách quen, mời khách ngồi, ra lệnh cho người ở nhà bếp rót trà hoặc rầy chó, không cho sủa dai. Xế chiều, cưỡng nhắc người nhà vo gạo nấu cơm kẻo trời tối. Một hôm, cưỡng bay đi mất dạng, cả nhà buồn rầu, tốn công tìm kiếmnhưng vô ích. Gần nửa năm sau, bỗng nhiên cưỡng về kêu: “Má ơi, con về nè, má mạnh giỏi không?” Cưỡng đậu lên vai chủ nhà và nói tiếp: “Con nhớ má quá!”. Bà chủ hỏi đi đâu từ mấy tháng nay, cưỡng trả lời: “Con đi lấy chồng, lớn rồi, phải kiếm chồng”. Hỏi chồng ở đâu? Cưỡng đáp: “Chồng con là cưỡng rừng, nó đậu ngoài kia không dám vô nhà, sợ bị rầy. Có ba đứa con của con đi theo nữa, co tập tụi nó kêu má bằng bà” (Trần Bạch Đằng chủ biên, 1991, tr.360). Câu chuyện có nghệ thuật cường điệu, nhân hóa em cưỡng như một thành viên trong gia đình. Chuyện Chưa chắc ăn: Ngày xưa có một gia đình nông dân nọ có đứa con lúc nào cũng nói “Chưa chắc ăn”. Người cha trồng lúa, sau một thời gian lúa trổ đồng đồng người cha hỏi “Vụ mùa này chắc ăn chưa con?”, người con vẫn nói “Chưa chắc ăn đâu cha”. Đến khi gặt lúa, đập lúa, chở lúa về nhà phơi và đổ vào bồ13 người cha lại hỏi “Chắc ăn chưa con?” người con vẫn nói “Chưa chắc ăn đâu cha”. Người cha tức lắm nhưng cố nín nhịn, khi giã gạo xong, nấu nồi cơm chín thơm ngon xới vào chén chuẩn bị ăn cơm, người cha lại hỏi “Chắc ăn chưa con?” và người con vẫn nói “Chưa chắc”. Đến lúc này người cha không nén giận được nữa ném chén cơm vào người con, cơm đổ xuống nền nhà, người con mới nói: “Thấy chưa? Con nói là chưa chắc ăn đâu mà!” (Ông Nguyễn Văn Tròn sưu tầm). Chuyện “Người cha tham ăn”: Trong một gia đình nọ có một người cha rất tham ăn. Ông ta tham ăn cả với con mình. Một hôm, người cha câu được một con cá rô đem về rửa sạch cạo vẩy chiên giòn để ăn cơm. Cá rô chiên chín thơm lừng dầm nước mắm làm. Người cha tham ăn sợ con ăn hết nên pha nước mắm bỏ ớt thật cay và đưa cho con nếm thử và hỏi “Có cay không con?”, đứa nhỏ nói “Chưa có cay cha, con ăn được”, người cha lại dầm thêm ớt vào nước mắm và hỏi “Cay chưa con?”, đứa nhỏ nói “Chưa cay cha”. Cha lại thêm ớt vào nước mắm đưa cho con nếm và hỏi “Cay chưa con?”, đứa nhỏ hít hà “Cay rồi cha”. Người cha hí hửng bỏ cá vào nước mắm đinh ninh sẽ ăn một mình nhưng khi ăn thì cay quá, người cha cũng không ăn được luôn! (Bà Trần Thị Măng sưu tầm).Câu chuyện hài hước phê phán thói tham ăn và răn đời không nên tham lam, nhất là với người thân của mình. 4. KẾT LUẬN Văn học dân gian Bình Dương là một nguồn tư liệu phong phú phản ánh những đặc trưng riêng của vùng đất Bình Dương thời khẩn hoang lập làng và cuộc sống, tâm tư tình cảm của người Bình Dương. Nhìn rộng hơn văn học dân gian Bình Dương cũng có đặc điểm chung của vùng đất và con người Nam Bộ. Việc bảo tồn và phổ biến rộng rãi văn học dân gian Bình Dương là công việc rất cần thiết và cấp bách vì nguồn tư liệu này sẽ mai một theo thời gian. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bích, Lê Đình (1998). Mấy ý nghĩ về bản sắc văn hóa Nam Bộ. Tạp chí Kiến thức ngày nay, Tp.HCM: Nxb. Hội Văn học nghệ thuật Tp.HCM 2. Đằng,Trần Bạch chủ biên (1991). Địa chí tỉnh Sông Bé. Sông Bé: Nxb.Tổng hợp Sông Bé 3. Đạm,Trần Thanh (2012). Ông Huỳnh Công Nhẫn: Vị thành hoàng của vùng đất Lái Thiêu. Đất, người Bình Dương ngày 25/7/2012, www.sugia.vn. 4. Hội văn học nghệ thuật Bình Dương (2004). Bước đầu tìm hiểu về văn hóa ẩm thực Bình Dương. Nxb. Hội văn học nghệ thuật Bình Dương. 13 Bồ lúa: được đan bằng mây tre quay một vòng tròn trên nền nhà và đổ lúa vào để cất giữ 239
  10. 5. Măng, Trần Thị sưu tầm, sinh năm 1928, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cung cấp lúc sinh thời. 6. Phương,Thạch -Hồ Lê-Huỳnh Lứa-Nguyễn Quang Vinh (2014). Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ. Tp.HCM: Nxb. Tổng hợp TP.HCM. 7. Tuấn,Vũ Anh (chủ biên) (2012). Giáo trình văn học dân gian. Hà Nội: Nxb. Giáo dục Việt Nam 8. Tịnh, Bùi Đức (1999). Lược khảo địa danh ở Nam Bộ. Tp.HCM: Nxb.Văn Nghệ 9. Tròn, Nguyễn Văn sưu tầm, sinh năm 1922, phường Hiệp An, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cung cấp lúc sinh thời. 10. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương (2010). Địa chí Bình Dương, tập 4 Văn hóa- Xã hội. Tp. HCM: Nxb. Chính trị Quốc Gia. 11. Vũ, Lư Nhất - Lê Giang (2001). Dân ca và thơ ca Dân gian Bình Dương. Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương. 12. Yến, Phạm Thu (2014). Phân tích tác phẩm văn học dân gian theo đặc trưng thể loại. Hà Nội: N.xb. Đại học Quốc gia Hà Nội. 13. www.thivien.net/Khuyết-danh-Việt-Nam/Cái-cò-lặn-lội-bờ-sông/poem-8fgr07ulju4xltVFZNAPQg 240
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2