CHƯƠNG 6:<br />
NHỮNG CUỘC CHIẾN DẦU MỎ: SỰ<br />
TRỖI DẬY CỦA ROYAL DUTCH VÀ<br />
SỰ SUY VONG CỦA ĐẾ CHẾ NGA<br />
Mùa thu năm 1896, một người đàn ông còn khá trẻ, được tôi luyện bởi<br />
cuộc sống ở vùng Viễn Đông và có chút danh tiếng trong giới kinh doanh<br />
dầu lửa, đã đi qua Singapore trong chuyến hành trình từ Anh tới một khu<br />
rừng xa xôi và gần như vô danh được gọi là Kutei trên bờ biển phía Đông<br />
của Borneo. Hành tung của anh được một nhân viên của Standard Oil ở<br />
Singapore nhanh chóng ghi lại và báo cáo về New York: “Một người đàn<br />
ông có tên Abrahams, nghe nói là một người cháu của M. Samuel, của…<br />
Xanh-đi-ca của nhà Samuel, từ London tới và ngay lập tức đi đến Kutei, nơi<br />
có tin đồn rằng nhà Samuel thuê được những khu vực rộng lớn có dầu. Vì<br />
Abrahams chính là người đã khởi đầu lĩnh vực kinh doanh dầu lửa trong các<br />
bể chứa ở Singapore và Penang, xây dựng nhà máy ở cả hai nơi này nên<br />
chuyến đi của anh ta tới Kutei có thể mang một ý nghĩa nào đó”. Quả thật là<br />
như vậy. Vì Mark Abrahams được các bác cử tới để khai thác mỏ dầu mà<br />
công ty dầu mỏ của nhà Samuel rất cần để duy trì địa vị, thậm chí là để bảo<br />
đảm sự sống còn.<br />
Trong vụ làm ăn này, Marcus Samuel bị đặt dưới áp lực của sự cưỡng<br />
bách vốn có trong lĩnh vực kinh doanh dầu lửa. Bất kỳ ai hoạt động trong<br />
ngành này cũng luôn đi tìm sự cân bằng. Khi đầu tư vào bộ phận này của dầu<br />
lửa, họ đồng thời phải đầu tư cả vào bộ phận khác để duy trì tính khả thi của<br />
khoản đầu tư trước đó. Muốn đầu tư của mình có giá trị, các nhà sản xuất cần<br />
thị trường. Marcus Samuel từng nói: “Sản xuất ra dầu lửa đơn thuần hầu như<br />
chỉ đem lại giá trị thấp nhất và địa vị kém hấp dẫn nhất cho thứ nhiên liệu<br />
này. Phải tìm được thị trường. Trong khi đó, các hãng lọc dầu lại cần cả<br />
nguồn cung và thị trường, vì một nhà máy lọc dầu không được sử dụng thì<br />
cũng không hơn gì đống sắt thép phế liệu. Các công ty cần có dầu để mua và<br />
bán, nếu không, chắc chắn họ sẽ thua lỗ. Mức độ cấp thiết của những nhu<br />
cầu đó thay đổi tùy theo từng thời điểm, tuy nhiên tính cưỡng bách cơ bản<br />
thì lại là một hằng số của ngành công nghiệp.<br />
Cuối thập niên 1890, với khoản tiền đầu tư khổng lồ vào tàu chở dầu và hệ<br />
thống kho chứa, Marcus Samuel rất cần một nguồn cung cấp dầu lâu dài. Là<br />
một thương gia, ông quá hiểu rõ điều này. Hợp đồng dầu lửa với nhà<br />
<br />
Rothschild sẽ hết hạn vào tháng 10 năm 1900. Liệu ông có thể hy vọng được<br />
gia hạn hợp đồng? Dù sao, mối quan hệ giữa ông và nhà Rothschild là một<br />
mối quan hệ không bền vững và luôn có khả năng những ông chủ nhà băng<br />
này quay sang thỏa thuận với Standard Oil. Ngoài ra, việc phụ thuộc hoàn<br />
toàn vào nguồn dầu lửa của Nga là rất nguy hiểm. Samuel phàn nàn, cước<br />
phí vận tải ở Nga thay đổi tùy tiện khiến các nguyên lý kinh tế rối tung, biến<br />
ngành kinh doanh dầu lửa ở Nga thành một lĩnh vực “giật gấu vá vai” và<br />
“đẩy những ai buôn bán dầu lửa với nước này vào một vị thế bất lợi lớn so<br />
với các đối thủ Mỹ hùng mạnh”. Ngoài ra, những mối nguy hiểm khác như:<br />
Sản lượng dầu lửa từ vùng Đông Ấn Hà Lan đang tăng lên, cùng với những<br />
quãng đường vận tải ngắn hơn và cước phí vận tải rẻ hơn, khiến Samuel gặp<br />
khó khăn trong việc duy trì khả năng cạnh tranh ở vùng Viễn Đông. Mặt<br />
khác, bất cứ lúc nào, Standard Oil cũng có thể huy động mọi nguồn lực để<br />
mở một cuộc chiến tổng lực nhằm hủy diệt Shell. Samuel hiểu một điều rất<br />
đơn giản rằng ông cần phải khai thác dầu, phải có dầu thô của chính ông để<br />
bảo vệ thị trường và những khoản đầu tư của mình – thực tế là, để bảo đảm<br />
sự sống còn của Shell. Tiểu sử của Samuel viết: “Trong cuộc săn tìm dầu<br />
lửa, ông chỉ còn thiếu nước hóa điên”.<br />
Rừng nhiệt đới<br />
Năm 1895, nhờ những nỗ lực của một kỹ sư khai mỏ người Hà Lan đã có<br />
tuổi và bị ám ảnh bởi dầu lửa, người đã dành cả quãng đời trưởng thành của<br />
mình trong những khu rừng nhiệt đới ở Đông Ấn, Samuel đã thuê được một<br />
mỏ dầu ở khu vực Kutei thuộc Đông Borneo. Mỏ dầu này trải dài hơn 50<br />
dặm dọc theo bờ biển và vươn sâu vào tận trong rừng. Khu rừng rậm rạp và<br />
xa xôi này chính là nơi Mark Abrahams được phái tới giám sát công việc<br />
khai thác dầu. Anh không hề có kinh nghiệm khoan tìm hay lọc dầu. Tuy anh<br />
đã tổ chức việc xây dựng các kho chứa dầu ở Viễn Đông, nhưng điều đó hầu<br />
như chẳng giúp được gì trong nhiệm vụ mới và khó khăn hơn nhiều.<br />
Sự thiếu kinh nghiệm của Mark Abrahams còn được phản chiếu trên một<br />
quy mô lớn hơn trong trường hợp của chính Marcus Samuel. Đó là cái cách<br />
ông làm kinh doanh – nỗi ác cảm với công việc tổ chức cũng như phương<br />
pháp phân tích và lên kế hoạch có hệ thống, cùng với sự thiếu hụt đội ngũ<br />
quản lý và nhân viên có năng lực – đã khiến công việc trong khu rừng nhiệt<br />
đới ở Borneo càng thêm khó khăn. Những con tàu luôn đến sai giờ và chở<br />
thiết bị không đúng yêu cầu, thậm chí còn không có cả bảng kê khai hàng<br />
hóa. Hàng hóa được dỡ ngay xuống bãi biển, buộc các công nhân phải dừng<br />
mọi việc khác để tập hợp và xếp loại các thiết bị. Nhiều thiết bị được chở tới<br />
cuối cùng cũng bị vứt lay lắt cho đến khi hoen gỉ trên những bãi cỏ mọc cao.<br />
<br />
Thậm chí, không có sự điều hành lộn xộn và rời rạc từ London, công việc<br />
ở đây cũng đã vô cùng khó khăn. Borneo là một nơi xa xôi với thế giới bên<br />
ngoài, còn hơn cả Sumatra. Cảng gần nhất để lấy hàng tiếp tế và thiết bị cách<br />
đó một nghìn dặm, ở tận Singapore. Con đường liên lạc duy nhất với<br />
Singapore là thông qua những con tàu lẻ loi đi ngang qua Borneo một hai<br />
tuần một lần. Các nhóm công nhân, bị chia ra trên những khu vực khác nhau<br />
của mỏ dầu, phải liên tục vật lộn với rừng rậm. Họ cố gắng lắm mới mở<br />
được một con đường dài bốn dặm để đi ngang qua khu rừng tới một nơi có<br />
dầu rỉ ra được gọi là Điểm Đen, nhưng chỉ trong vòng một vài tuần cây cối<br />
mọc rậm trở lại. Về mặt nhân công, dự án phải phụ thuộc vào những người<br />
khuân vác đưa từ Trung Quốc sang vì các nhà tuyển người địa phương<br />
không mấy tha thiết với công việc này. Bệnh tật và những trận sốt liên tục<br />
tấn công những người làm việc trên các khu khai thác dầu. Thông thường,<br />
mỗi khi Abrahams ngồi dậy lúc nửa đêm để viết báo cáo gửi về nhà, chính<br />
anh cũng ở trong trạng thái nửa mê sảng vì sốt. Tỷ lệ tử vong của những<br />
người làm việc tại nơi này, gồm các công nhân Trung Quốc, các nhà quản lý<br />
châu Âu và thợ khoan Canada, rất cao. Một số người chết trên tàu, thậm chí<br />
trước khi họ tới nơi. Những mảnh gỗ mà họ cố gắng dùng để xây bất cứ thứ<br />
gì, dù là một ngôi nhà, một cây cầu hay một bức tường, đều nhanh chóng<br />
mục ruỗng. “Những cơn mưa nhiệt đới nóng, ẩm, làm mục rữa và phá hủy<br />
mọi thứ” dai dẳng bám lấy họ.<br />
Một lần nữa, những người nhà Samuel ở London và Mark Abrahams ở<br />
Borneo bắt đầu trao đổi thư từ với những lời lẽ xỉ vả mạnh mẽ, đầy bão tố,<br />
như họ đã làm trong những ngày xây dựng các kho chứa dầu ở vùng Viễn<br />
Đông. Bất kể Abrahams làm việc gì và công việc đó khó nhọc và đáng nản<br />
đến mức nào, các ông bác của anh cũng không cảm thấy hài lòng. Họ không<br />
thể hiểu được thực trong khu rừng nhiệt đới này. Khi Marcus Samuel cằn<br />
nhằn rằng những ngôi nhà xây cho người châu Âu làm việc tại mỏ dầu là<br />
“những tòa biệt thự” sang trọng, trông giống như “hai khu nghỉ mát”,<br />
Abrahams giận dữ đáp lại: “Những tòa biệt thự” của họ tạm bợ đến nỗi “một<br />
cơn gió mạnh hoặc trận mưa to có thể mang đi cả mái nhà. Những ngôi nhà<br />
ở đây chỉ thích hợp để nhốt lợn”.<br />
Tuy vậy, bất chấp tất cả, tháng 1 năm 1897, giếng dầu đầu tiên đã được<br />
phát hiện, và tới tháng 4 năm 1898, giếng dầu phun đầu tiên được tìm thấy.<br />
Tuy nhiên, từ chỗ phát hiện ra dầu đến sản xuất thương mại còn cần thêm<br />
nhiều nỗ lực. Ngoài ra, dầu thô Borneo lại có hàm lượng dầu hỏa thấp. Mặc<br />
dù vậy, khi chưa được lọc, loại dầu này có thể được dùng làm dầu nhiên liệu.<br />
Tính chất này của dầu thô nặng Borneo đã đặt nền móng cho một tầm nhìn<br />
mà sau này, Samuel luôn hăng hái theo đuổi. Ông gọi tầm nhìn này là “vai<br />
<br />
trò to lớn mà dầu lửa, ở dạng hợp lý nhất của nó, có thể nắm giữ, vai trò của<br />
năng lượng”. Khi thế kỷ XX đang đến gần, Samuel nhìn về phía trước để<br />
tiên toán, và đúng như vậy, trong tương lai vĩ đại của dầu lửa, đây sẽ không<br />
chỉ là một nguồn chiếu sáng mà còn là một nguồn năng lượng. Còn Marcus<br />
Samuel sẽ trở thành người đề xướng mạnh mẽ nhất việc chuyển tàu bè từ<br />
chạy than sang chạy dầu.<br />
Sự phát triển có tính chất lịch sử đó đã thật sự nhen nhóm vào những năm<br />
1870, khi ostaki, tên gọi Nga của phần bã thừa trong quá trình lọc hóa lấy<br />
dầu hỏa, lần đầu tiên được sử dụng để chạy tàu trên biển Caspi thành công.<br />
Chính sự thúc bách về nguồn năng lượng đã làm nảy sinh phát minh này:<br />
Nga phải nhập khẩu than từ Anh với chi phí rất cao, còn củi lại rất hiếm hoi<br />
tại nhiều vùng của đế quốc này. Sau đó, những con tàu đi trên tuyến đường<br />
sắt mới xuyên Siberia bắt đầu sử dụng dầu nhiên liệu do công ty của Samuel<br />
cung cấp qua Vladivostok, thay vì dùng than hay củi. Hơn nữa, vào thập niên<br />
1890, Chính phủ Nga cũng khuyến khích sử dụng dầu lửa làm nhiên liệu để<br />
đẩy mạnh sự phát triển kinh tế nói chung. Tại Anh, trong một số trường hợp,<br />
ngành đường sắt cũng chuyển từ dùng than sang dùng dầu nhằm giảm lượng<br />
khói thải ra ở các khu vực đô thị hoặc vì những lý do an toàn đặc biệt, như<br />
khi chở các thành viên của gia đình hoàng tộc. Tuy nhiên, nhìn chung, than<br />
vẫn tiếp tục chiếm thị phần lớn vì trên thực tế, than là cơ sở cho ngành công<br />
nghiệp nặng ở Bắc Mỹ và châu Âu phát triển trên quy mô rộng. Than cũng là<br />
nhiên liệu cho các đội tàu thương mại và hải quân trên thế giới. Và tầm nhìn<br />
của Samuel vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ngay trên phân đoạn thị trường<br />
mà ông quan tâm nhất – Hải quân Hoàng gia Anh. Ông đã bỏ ra hơn một<br />
thập kỷ tìm cách mở cánh cửa vào thị trường này, mà không thu được kết<br />
quả nào.<br />
Sự nổi lên của Shell<br />
Tuy nhiên, Marcus Samuel vẫn tìm thấy những nguồn an ủi khác. Trong<br />
khi mọi người ở Borneo đang phải rất khó nhọc để thúc đẩy công việc tiến<br />
triển, ông cũng đạt được những bước tiến trên con đường công danh và địa<br />
vị. Ông trở thành thẩm phán hạt Kent và là người đứng đầu Công ty<br />
Spectacle Makers ở London, một trong các phường hội lâu năm đáng kính<br />
nhất. Ông cũng được phong tước hiệp sĩ sau khi một trong những con tàu<br />
kéo của ông, vốn được coi là con tàu dắt mạnh nhất trên thế giới, cứu được<br />
một tàu chiến Anh ra khỏi vị trí mắc cạn tại lối vào của kênh đào Suez. Năm<br />
1897, Samuel đạt được bước tiến lớn trong việc tổ chức doanh nghiệp. Để có<br />
được sự trung thành của nhiều công ty thương mại khác nhau hợp thành<br />
Tank Syndicate ở Viễn Đông, ông đã biến tất cả họ thành cổ đông của một<br />
công ty mới hợp nhất toàn bộ những lợi ích về dầu lửa và các đội tàu chở<br />
<br />
dầu của ông, cũng như các kho chứa thuộc về các công ty thương mại này.<br />
Trong khi đó, Samuel tiếp tục quảng cáo rùm beng về dự án khai thác dầu<br />
ở Borneo, vượt xa những gì nằm trong triển vọng thương mại trước mắt cũng<br />
như thực tế của công việc khó khăn đến nhức nhối đang diễn ra với tốc độ<br />
chậm chạp, đáng nản trong khu rừng nhiệt đới. Tuy nhiên, để thúc đẩy các<br />
cuộc đàm phán lại hợp đồng với nhà Rothschild, ông phải làm ra vẻ như thể<br />
sắp có những nguồn cung cấp dầu thay thế từ những mỏ dầu của chính ông ở<br />
Kutei, Borneo. Mưu kế này đã đem lại hiệu quả. Những người nhà<br />
Rothschild bị thuyết phục và gia hạn hợp đồng cung cấp dầu lửa Nga cho<br />
Shell với những điều khoản bổ sung hấp dẫn hơn trước đó. Tuy nhiên, mặc<br />
dù vị thế của Shell lúc này có vẻ vững mạnh hơn, nhưng trên thực tế những<br />
vận may của công ty này chỉ ở thế cân bằng mong manh. Vì Marcus Samuel<br />
đang táo bạo lướt trên con sóng của một thị trường đang nổi lên, và cũng<br />
giống như bất kỳ một con sóng nào khác, con sóng này rốt cục rồi cũng vỡ<br />
tan.<br />
Sự kết thúc thế kỷ XIX được đánh dấu bằng một cuộc bùng nổ dầu lửa<br />
toàn cầu. Nhu cầu dầu tăng lên nhanh chóng trong khi nguồn cung bị thắt<br />
chặt và giá cả tăng cao. Cuộc chiến tranh Boer ở Nam Phi nổ ra năm 1899<br />
còn đẩy giá dầu lên mức cao hơn. Tuy vậy, vào mùa thu năm 1900, giá dầu<br />
bắt đầu giảm xuống. Một vụ mùa thất bát đã dẫn tới nạn đói và khủng hoảng<br />
kinh tế ở đế quốc Nga. Nhu cầu dầu trong nước giảm mạnh. Các hãng lọc<br />
dầu trong nước vẫn sản xuất rất nhiều dầu hỏa để xuất khẩu, dẫn tới tình<br />
trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường thế giới. Giá dầu tuột dốc. Tại<br />
Trung Quốc, một trong những thị trường hứa hẹn nhất của Shell, cuộc nổi<br />
dậy Nghĩa Hòa Đoàn chống lại người nước ngoài đang đe dọa đất nước và<br />
toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Shell không chỉ mất đi một thị trường năng<br />
động mà các cơ sở của công ty này tại Trung Quốc cũng bị tàn phá.<br />
Những diễn biến bất lợi này và những trở ngại khác cùng dồn vào một<br />
Samuel dễ bị tổn thương. Khi giá cả sụt giảm, các bể chứa của Shell đầy dầu<br />
mỏ giá đắt. Công ty này đã liên tục mở rộng đội tàu vận tải của mình, nhưng<br />
lúc này, cước vận tải cũng rơi tự do. Tình hình càng xấu đi khi những gì diễn<br />
ra ở Borneo không giống như kỳ vọng. Việc khai thác dầu diễn ra chậm<br />
chạp. Nhà máy lọc dầu với thiết kế tồi đã trở thành một thảm họa. Những vụ<br />
cháy, nổ, trục trặc kỹ thuật liên tục làm gián đoạn hoạt động của nhà máy và<br />
làm nhiều công nhân thiệt mạng. Bất chấp những tin tức xấu, Samuel vẫn<br />
giữ vững vẻ đàng hoàng, sự điềm tĩnh và lòng can đảm, những tố chất cần có<br />
ở một doanh nhân trong thời điểm khó khăn. Hầu như sáng nào, người ta<br />
cũng nhìn thấy ông cưỡi con ngựa Duke yêu thích ở Hyde Park. Một người<br />
Anh khác làm trong ngành công nghiệp dầu lửa thường gặp Samuel cưỡi<br />
<br />