intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đấu tranh chính trị chống “tố Cộng” tại nhà lao Thông Đăng - Hội An (Quảng Nam) năm 1957

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

16
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong khuôn khổ của bài viết này, tác giả xin được đi vào phân tích và trình bày thêm về đấu tranh chính trị chống chính sách “tố Cộng” tại nhà lao Thông Đăng - Hội An năm 1957. Qua đó, góp phần bổ sung nguồn tư liệu nhằm làm sáng tỏ hơn vai trò, vị trí của vùng đất này trong tiến trình kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đấu tranh chính trị chống “tố Cộng” tại nhà lao Thông Đăng - Hội An (Quảng Nam) năm 1957

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ CHỐNG “TỐ CỘNG” TẠI NHÀ LAO THÔNG ĐĂNG - HỘI AN (QUẢNG NAM) NĂM 1957 ĐINH THỊ KIM NGÂN NCS, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế Email: kimngandtu@gmail.com Tóm tắt: Ngay sau khi vừa lên nắm quyền tại miền Nam (7-1954), chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho thực thi chính sách “tố Cộng” nhằm củng cố vững chắc chính quyền vừa được tạo dựng. Chính sách “tố Cộng” của Chính quyền Sài Gòn không những đã gây nên nhiều tổn thất cho lực lượng cách mạng mà nó còn ngăn trở công cuộc thống nhất đất nước mà toàn Đảng, toàn dân ta đang tiến hành. Do đó, việc đấu tranh làm thất bại chính sách “tố Cộng” bảo vệ vững chắc các cơ sở cách mạng là một trong những nội dung trọng yếu của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ và chính quyền tay sai lúc này. Trong khuôn khổ của bài viết này, tác giả xin được đi vào phân tích và trình bày thêm về đấu tranh chính trị chống chính sách “tố Cộng” tại nhà lao Thông Đăng - Hội An năm 1957. Qua đó, góp phần bổ sung nguồn tư liệu nhằm làm sáng tỏ hơn vai trò, vị trí của vùng đất này trong tiến trình kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Từ khóa: Hội An, “tố Cộng”, đấu tranh chính trị, Chính quyền Sài Gòn, nhà lao Thông Đăng. 1. MỞ ĐẦU Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), đã có hàng trăm, nghìn cán bộ, đảng viên, tù nhân yêu nước bị bắt, giam cầm, nhưng tổ chức Đảng vẫn được xây dựng trong nhà lao để lãnh đạo cuộc đấu tranh nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đối với Hội An, đấu tranh chính trị chống “tố Cộng” tại nhà lao Thông Đăng (1957), là một điển hình về đấu tranh chính trị trong những năm tháng cách mạng gặp nhiều khó khăn, thể hiện sức sống mãnh liệt của tinh thần yêu nước và niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của Đảng, của dân tộc. 2. NỘI DUNG 2.1. Âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn trong chính sách “tố Cộng” tại nhà lao Thông Đăng - Hội An (Quảng Nam) Đến tháng 7-1956, khi đã cơ bản thiết lập xong bộ máy chính quyền từ Trung ương xuống địa phương tại Quảng Nam, Ngô Đình Diệm tiến hành các chiến dịch “tố Cộng” một cách quy mô, triệt để, tàn bạo hơn bao giờ hết và xem đó là “quốc sách”. Các “Ban tố Cộng” được thành lập đến tận xã, những đoàn công dân vụ, bình trị được tung về khắp xóm thôn thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) vừa tiến hành chiến tranh tâm lý, vừa theo dõi từng người, từng gia đình để phát hiện cơ sở và cán bộ của chính quyền cách mạng. Tại Cẩm Nam, Chính quyền Sài Gòn tổ chức “Trại cải huấn” chung cho toàn Tỉnh Quảng Nam. Khẩu hiệu của Chính quyền Sài Gòn là: “tiêu diệt nội tuyến, diệt trừ nội tâm, đạp lên oán thù để thực thi chủ nghĩa nhân vị quốc gia” nhằm đánh bật tổ chức, uy tín và ảnh hưởng của Đảng ra khỏi nhân dân, thủ tiêu phong trào cách mạng [2, tr.224]. Nhà lao Hội An là một trong những nhà lao lớn nhất trong hệ thống nhà lao ở địa bàn miền Trung-Tây Nguyên do thực dân Pháp lập ra từ đầu thế kỷ XX. Đến đầu năm 1947, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, quân và dân Hội An đã phá hủy nhà lao này. Sau khi 18
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 trở lại xâm lược, tại Quảng Nam, Pháp cho thiết lập lại nhà lao tại Hội An từ nhà thờ thiên chúa của một người làm thông phán tên Đăng nên gọi là nhà lao Thông Đăng. Sau Hiệp định Genève (1954), Mỹ - Diệm lấy nhà lao Thông Đăng để tổ chức các lớp “Huấn chính tố Cộng điển hình” nhằm rút kinh nghiệm mở các lớp “tố Cộng” ở các địa phương khác, đồng thời để truy tìm các đảng viên cơ sở và buộc ly khai Đảng. Đối với chính quyền Sài Gòn, nhà lao Thông Đăng có vai trò vô cùng quan trọng, được dùng làm nơi bắt giam, tra tấn hòng làm nhụt ý chí đấu tranh, cũng như sẽ chết dần chết mòn về tinh thần và thể xác của những người cách mạng và quần chúng tham gia kháng chiến được cho là “đầu sỏ”, “cốt cán” nhất là ở các huyện thị như: Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang. “Ở nhà lao Thông Đăng, một buồng giam rộng 54m2, Ngô Đình Diệm nhốt tới 150 người. Chỉ riêng năm 1957 đã có 225 cán bộ của Quảng Nam bị đày ra Côn Đảo” [4, tr.25]. Tháng 5-1957, trong báo cáo gửi Ngô Đình Diệm, Tỉnh trưởng Quảng Nam tuyên bố: “Trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh chiến dịch tố Cộng là một trong những nguyên tắc trọng tâm… phong trào tố Cộng đã và đang được phát động một cách rầm rộ, sâu rộng và sẽ được đặc biệt nuôi dưỡng liên tục” [6, tr.10]. Ban “Huấn chính tố Cộng” ở nhà lao Thông Đăng được thành lập do Lê Vui - Chủ sự hành chính tỉnh Quảng Nam làm trưởng ban. Mai Thuận - Trưởng an ninh nhà lao làm phó ban. Nguyễn Đạt Đích, Phạm Quyên - Cán bộ cải huấn làm giáo vụ. Ngoài ra, chính quyền Sài Gòn còn dùng những người của tổ chức Quốc Dân Đảng như: Phan Đình Ba (Đại Lộc), Nguyễn Mậu Kỉnh (Quế Sơn), Nguyễn Danh (Thăng Bình), đây là những người từng phạm tội tham ô, hiếp dâm để làm cộng tác viên theo dõi, đấu tố và tra tấn, đánh đập tù nhân yêu nước [8, tr.57]. “Nhà lao Thông Đăng có 492 tù chính trị, Trại giáo hóa Cẩm Phô có 490 tù chính trị, trại giam quá chật hẹp, người đau và người chết rất đông, tình trạng bi đát. Về cách giải quyết tình trạng can cứu rất chậm trễ, trong khi chưa lập xong hồ sơ cho số can cứu cũ. Trại giam ở Hội An của tỉnh Quảng Nam chật hẹp nên Tỉnh có làm thêm một trại giáo hóa bằng tranh ở Cẩm Phô, bên kia sông Hội An. Nhưng số can cứu đến 1.000 người, ăn ở thiếu thốn, và ở trại Hội An các can cứu phải nằm hai ba tầng. Đến mùa viêm nhiệt, người đau rất đông” [1, tr.2]. Chính quyền Sài Gòn lập một danh sách bao gồm 120 học viên gọi là “Học viên Huấn chính” phần lớn là đảng viên được cho là ngoan cố để bắt tham gia lớp “Huấn chính tố Cộng” thí điểm này. Trong đó Mai Đăng Chơn - Bí thư huyện ủy Hòa Vang là đối tượng chính. Ngày 1-3-1957, Chính quyền Sài Gòn bắt đầu khai mạc lớp “Huấn chính tố Cộng” tại phòng giam số 8, diện tích khoảng 40m2, mái lợp tôn kẽm. Do số lượng học viên quá đông, thời gian tổ chức lúc trời đang nắng nóng, phòng giam lại chật chội nên ở trong phòng như một cái lò nung sắt. Không khí trong phòng càng nghẹ thở bởi mùi xúi uế từ mồ hôi và nước tiểu. Đây là một cực hình đầu tiên của chính quyền Sài Gòn trong việc truy bức tinh thần tù nhân yêu nước [8, tr.58]. Trong Hội trường lớp chính huấn, đồ trang trí gồm “Bàn thờ Tổ quốc” có hình Ngô Đình Diệm và một cây súng Tiểu Liên. Đây là hình thức kiểu chủ nghĩa duy linh nhân vị của Ngô Đình Diệm. Về nội quy lớp học, quân đội Sài Gòn bắt mỗi học viên phải mang phù hiệu “Huấn chính” ở trước ngực để phân biệt với tù nhân khác và cấm học viên không được giao tiếp với tù nhân ở các phòng. Cùng với âm mưu cách ly, địch cho lực lượng “cộng tác viên” theo dõi mọi hoạt động của tù nhân. Cùng với việc bóp nghẹt điều kiện ăn ở của tù nhân, quân đội Sài Gòn không bỏ sót bất cứ một thủ đoạn tra tấn nham hiểm nào, trong đó thâm hiểm nhất là cột chân người tù treo lên xà nhà, đổ nước xà phòng, vôi vào miệng, dung điện châm vào người, nung sắt đỏ 19
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 dí vào người, dùng dao cắt đầu vú, chọc cây vào âm hộ, rút từng mảng tóc của nữ tù nhân, dùng thép gai xâu tay, đóng đinh vào các đầu ngón tay, dùng dây điện quấn vào đầu ngón tay và cho điện giật làm cho tù nhân chết đi sống lại, có một số tù nhân bị điện giật chết ngay tại chỗ. Khai thác từng người không đạt được mục đích, quân đội Sài Gòn bắt tất cả các tù nhân đứng nhìn đèn “sám hối”, tù nhân sắp thành từng hàng nhìn đèn đứng nghiêm, quỳ, hai tay nâng hai viên gạch lên ngang vai mắt nhìn thẳng vào ngọn đèn cầy và ảnh Ngô Đình Diệm. Mỗi đêm, quân đội Sài Gòn bắt tù nhân thức hiện nghi thức “sám hối” từ 19h đến 24h, có khi đến 5-6h sáng hôm sau. Ngoài ra, tù nhân phải uống các thứ nước dơ bẩn, ăn cơm thiu trộn lẫn cát, sạn hoặc nấu cơm bằng nước muối, nước uống một ngày bằng một lon sữa bò cho một người, tù nhân bị đào hố chôn sống. Những thủ đoạn thâm độc của Ngô Đình Diệm tại nhà lao Đăng Thông trong chiến dịch “tố Cộng” không khác gì những cực hình tra tấn được áp dụng trong đêm trường Trung cổ [8, tr.60]. Một hình thức tra tấn man rợ khác là “tống tà Cộng sản” (tống tà tức vứt bỏ tà ma). Quân đội Sài Gòn bắt cán bộ, đảng viên bỏ vào bao buộc lại rồi bắt tất cả những người đang học “tố Cộng” phải dùng tay chân, gậy roi đánh, đá vào bao để tống “con ma Cộng sản” khỏi thể xác con người. Chính quyền Sài Gòn còn chọn những người nghi vấn ra tố điển hình, bắt làm bản tự thuật khai báo tổ chức, nói xấu Đảng, xé cờ Đảng trước quần chúng. Những người có chồng con tập kết bị bắt viết đơn ly khai nếu không làm theo lập tức bị liệt vào danh sách Việt cộng, bị tống tù, tra tấn cho đến chết hoặc bị thủ tiêu. Đảng viên nòng cốt bị bắt đi lao dịch làm gạch ở Điện Bàn, khai thác củi ở Cù Lao Chàm, Sơn Trà, làm nhà cho Trưởng, phó Đoàn bình định tại Cẩm Châu và bị bắt học tập “tố Cộng” hết đợt này đến đợt khác [8, tr.61]. Chính sách “tố Cộng” của chính quyền Sài Gòn đã gây nên nhiều tổn thất lớn cho cách mạng Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung và Hội An nói riêng. Mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân, cũng như những tù nhân tại nhà lao Thông Đăng với Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng sâu sắc dẫn tới một cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt của tù nhân tại nhà lao Thông Đăng là không thể tránh khỏi. 2.2. Chủ trương của Đảng, Khu ủy Khu V, Thị ủy Hội An chống “tố Cộng” của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn Trước âm mưu và thủ đoạn mới của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, Đảng phát động quần chúng đấu tranh “các tầng lớp nhân dân, đảng phái, tôn giáo. Kết hợp lại đấu tranh cho hòa bình, thống nhất. Chống Mỹ can thiệp vào nội chính Việt Nam, thi hành đúng hiệp định Genève, kiên quyết chống địch tố cộng, phản nước, hại dân của Ngô Đình Diệm”. Đảng đưa ra phương châm đấu tranh “khéo công tác, khéo che dấu, giữ vững cơ sở, tích lũy lực lượng trường kỳ tồn tại và liên hệ chặt chẽ với quần chúng” [3, tr.41]. Tháng 2-1956, Khu ủy V triệu tập hội nghị để đánh giá tình hình, chỉ ra những tồn tại, đề ra biện pháp giữ gìn lực lượng và xác định mục tiêu, nhiệm vụ tiếp tục lãnh đạo đấu tranh chống chính sách khủng bố của địch. Hội nghị đề ra nhiệm vụ sắp tới là tổ chức cho nhân dân và cán bộ quán triệt hơn nữa phương châm, phương thức hoạt động, uốn nắn những mặt tồn tại, giữ vững cơ sở chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh lâu dài. Hội nghị chủ trương: “Phải ra sức xây dựng Đảng, giữ vững và củng cố lại các loại cơ sở, hết sức chú trọng công tác phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ cơ sở. Cán bộ phải bám cơ sở, lãnh đạo nhân dân chống “tố Cộng”, chống các chính sách bình định của địch”. Trong chống “tố Cộng” Khu ủy nhấn mạnh “Phải phát động quần chúng đấu tranh một cách toàn diện, không để địch bắt nhân dân bỏ công ăn việc làm đi học “tố Cộng” làm ảnh hưởng đến đời sống. Khẩu hiệu đấu tranh là chống khủng bố trắng, chống bắn giết người vô cớ, cô lập bọn ác ôn phản động và lôi kéo tầng lớp trung gian” [9, tr.385]. 20
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 Trước tình hình cán bộ bất hợp pháp hoạt động ngày càng khó khăn, cuối năm 1956, Liên Khu ủy V đã đưa ra chủ trương đưa cán bộ hoạt động bất hợp pháp ra hoạt động hợp pháp, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống “tố Cộng”. Đến đầu năm 1958, trước tình hình chính quyền Ngô Đình Diệm chống phá cách mạng, để duy trì sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ sở, Hội nghị Liên Khu ủy V chủ trương: “Xây dựng tổ chức Đảng phải thật tinh gọn, bí mật, trọng chất hơn lượng, bằng phương thức bắt rễ, xâu chuỗi để tập hợp đảng viên và cơ sở, vừa củng cố số đảng viên cũ, vừa phát triến số mới theo hình thức nứt nhánh. Đối với cơ sở quần chúng, chú trọng phát triển vào thành phần cố nông, mỗi cơ sở chỉ được phát triển ra một vài đầu mối và hoàn toàn bí mật” [3, tr.132]. Đối với Hội An, Thị ủy yêu cầu phải giữ vững và củng cố lại các tổ chức quần chúng, cán bộ và đảng viên phải bí mật bám cơ sở để lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Cuộc đấu tranh chống “tố Cộng”, của tù nhân tại nhà lao Thông Đăng Hội An diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Để tập hợp và lãnh đạo tù nhân yêu nước đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “tố Cộng” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Thị ủy Hội An chủ trương thành lập chi bộ Đảng tại nhà lao Thông Đăng. Đầu tháng 10-1954, chi bộ Đảng tại nhà lao Thông Đăng được thành lập bao gồm: Đỗ Lân (huyện Quế Sơn) - Bí thư, Nguyễn Lịnh - Nguyễn Tấn Trưng (huyện Thăng Bình) - Ủy viên. Lê Viết Chi (Thu) - Thị ủy viên; Văn Công Lý, cán bộ hoạt động hợp pháp tại Hội An được phân công làm bí thư chi bộ thuộc phường Cẩm Phô, chịu trách nhiệm liên lạc giữa nhà lao Thông Đăng và Thị ủy Hội An. Nguyễn Thị Kim Loan được Thị ủy Hội An phân công đảm nhiệm công tác tiếp xúc với các cán bộ, đảng viên, những người yêu nước trong nhà lao [8, tr.70]. Dưới sự chỉ đạo của Thị ủy Hội An, chi bộ Đảng tại nhà lao Thông Đăng xây dựng kế hoạch liên lạc giữa bên trong nhà lao và bên ngoài. Đối với bên trong nhà lao, Thị ủy chủ trương lập đường dây liên lạc giữa các phòng giam thông qua Khúc Thừa Tống - đảng viên phụ trách văn phòng Ban Quản đốc nhà lao. Đối với bên ngoài nhà lao, Thị ủy Hội An móc nối giữa Nguyễn Thị Kim Loan (đảng viên chi bộ nhà lao Thông Đăng) và Trần Thị Liễu, Văn Công Lý (đảng viên Thị ủy Hội An) tại chợ Hội An để nắm bắt thông tin từ bên trong nhà lao cũng như thông tin từ bên ngoài [8, tr.71]. Nhờ sự móc nối của các đảng viên chi bộ nhà lao Thông Đăng và bên ngoài, những chủ trương của Thị ủy Hội An đã được tiếp nhận. Trong đó, Nghị quyết về vận dụng đấu tranh chính trị tại nhà lao Thông Đăng chỉ rõ: “Kết hợp giữa hợp pháp và bất hợp pháp, trong đó chủ yếu là bất hợp pháp, dựa vào tình hình cụ thể ở nhà lao để đề ra những chủ trương, hình thức đấu tranh phù hợp như chống học tập chính trị, chống tố cộng, đòi cải thiện dân sinh, dân chủ trong nhà lao” [8, tr.72]. Thị ủy Hội An chủ trương phải tuân thủ nguyên tắc bí mật, bảo vệ và giữ gìn lực lượng tại nhà lao Thông Đăng. Đảng viên, cán bộ của chi bộ nhà lao cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục làm cho mọi người nhận rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù, đoàn kết đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Mỗi đảng viên, cán bộ phải nêu cao ý thức bảo vệ Đảng, bảo vệ tổ chức đến cùng, nếu bị địch bắt thì nêu cao khí thiết cộng sản, thực hiện phương châm “không nhìn, không nhận, không khai” [2, tr.226]. 2.3. Đấu tranh chính trị chống “tố Cộng” tại nhà lao Thông Đăng năm 1957 Chính sách “tố Cộng” được Chính quyền Sài Gòn đặt ra từ rất sớm. Trong Thông báo gửi Tổng Trưởng tất các Bộ, Quý vị đại biểu các tòa đại diện Nam Việt, Trung Việt, Cao Nguyên, Tổng trưởng Bộ Thông tin và chiến tranh tâm lý đã nêu ra sự cần kíp của một Kiến nghị “tố Cộng” trước ngày 17-7-1955 để trình kiến nghị này khi Hội nghị Genève diễn ra: “Lập kiến nghị Tố Cộng để đánh qua Giơ-neo, nhân buổi Hội Tứ cường bên ấy. Tổng trưởng Trần Chánh 21
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 Thành đã nêu rõ: “thưa Quý vị, theo chương trình phát động chiến dịch “tố Cộng” do “Ban thường vụ chiến dịch tố Cộng” của các đoàn thể nhân dân và đại biểu các Bộ cùng hoạch định, thì sáng 18-7-1955 ở các công tư sở, các tổ chức xí nghiệp, các đoàn thể sẽ có học tập tài liệu tố Cộng và lập thành kiến nghị tố cộng. Các kiến nghị tố cộng sẽ chú trọng nhất đến ba yếu tố: - Thái độ Quốc gia đối với Hiệp ước Giơ-neo và các sự đòi hỏi của Việt Cộng. - Tố cáo tội ác của Việt Cộng. - Hưởng ứng lập trường của chính phủ Quốc gia đối với Hiệp ước Giơ-neo nói chung và đối với tổng tuyển cử nói riêng. Lập trường này sẽ do Thủ tướng tuyên bố chiều nay trong một bài hiệu triệu Quốc dân đồng bào truyền thanh trên các luồng điện đài quốc gia lúc 18 giờ. Bộ tôi có nhận xét, nếu để sáng 18-7 mới làm kiến nghị, thì sự chuyển vận và thông đạt các kiến nghị ấy sẽ trể nải, không đến kịp Giơ-neo ngày 18-7-1955 là ngày khai mạc Hội nghị Giơ-neo. Vậy, Bộ tôi yêu cầu quý bộ và quý tòa họp các công chức sớm 24 giờ tức là vào buổi sáng chủ nhật 17-7-1955 để gửi đến hoặc điện về Bộ Thông tin tất cả các kiến nghị trong nội buổi sáng 17 tháng 7 cho kịp chuyển đạt đi” [5, tr.2]. Chính sách “tố Cộng” làm cho lực lượng cách mạng Hội An gặp nhiều khó khăn và tổn thất rất lớn. Hàng loạt cán bộ, đảng viên bị bắt giết, giam cầm, các cơ sở cách mạng lần lượt bị phá vỡ: “Chiều ngày 23-7-1957, khi đến xem xét trại giam thấy 160 người bị bệnh, chưa kể 101 người hiện đang điều trị tại bệnh viện Hội An, số người bị chết từ ngày 2 đến ngày 22 tháng 7 năm 1957 lên đến 42 người” [1, tr.2]. Tháng 3-1957, tại các lớp “tố Cộng”, tại nhà lao Thông Đăng, Chính quyền Sài Gòn bắt học thuộc khẩu hiệu “thành khẩn là tự cứu”, “ngoan cố là tự sát”, nhưng đảng viên, cán bộ, tù nhân yêu nước không khai báo, họ biến nhà tù thành trường học, đấu tranh chính trị bằng các hình thức hợp pháp, chống lại chính sách “tố Cộng”. Qua thân nhân sau những lần thăm nuôi đã từng bước hình thành quan hệ liên lạc từ nhà tù với bên ngoài. Một hình thức đấu tranh chính trị mới xuất hiện, đó là sự kết hợp đấu tranh của nhân dân bên ngoài với cuộc đấu tranh trong nhà tù, nhằm vạch tội ác của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, chống lại thủ đoạn “tự tu sám hối”, “tống tà cộng sản”. Tương kế tựu kế, đảng viên, tù nhân yêu nước tố ngay những người trong “Ban tố Cộng”, khiến những người hung hăng nhất cũng phải chùn bước. Đấu tranh chính trị chống Chính quyền Sài Gòn tổ chức lớp học “Huấn chính tố Cộng” được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: đấu tranh chống chào cờ của Chính quyền Sài Gòn bằng cách gây ồn ào, làm mất trật tự trong lúc chào cờ, vận động Giám thị nhà lao trực buổi sáng mở cửa trễ, kéo dài thời gian làm vệ sinh cá nhân để làm trễ lễ chào cờ. Sau nhiều lần đấu tranh khôn khéo, âm mưu của Chính quyền Sài Gòn trong việc bắt tù nhân chào cờ vào buổi sáng bị thất bại. Phát huy thắng lợi ban đầu, tù nhân yêu nước tại nhà lao Hội An đấu tranh đòi Quản lao cho tù nhân ra ngoài dọn vệ sinh, tổ chức sản xuất hoa màu, làm các nghề thủ công như đan rổ, đan len, thêu gối,… đem ra bán ở bên ngoài để cải thiện đời sống cho tù nhân. Đây là cuộc đấu tranh chính trị hợp pháp. Giám thị nhà lao đã nới lỏng chế độ giam giữ, đáp ứng một số yêu cầu của tù nhân. Thông qua việc này đã góp phần cải thiện cuộc sống của tù nhân tại nhà lao Thông Đăng, nguồn quỹ thu được từ việc bán các sản phẩm do tù nhân làm ra được dùng để mua thuốc men, một số vật dụng thiết yếu trong nhà tù cho tù nhân. Đồng thời, tạo điều kiện để cho các cán bộ trong nhà lao gặp gỡ nhau trao đổi thông tin trong nhà tù cũng như thông tin với bên ngoài. Để đối phó trước những đòn tra tấn dã man của Chính quyền Sài Gòn, tù nhân yêu nước đã vận dụng linh hoạt nhiều hình thức đấu tranh như giả điếc, giả què, giả điên [8, tr.83]. 22
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 Việc củng cố chặt chẽ bộ máy tổ chức Đảng trong nhà lao Thông Đăng và duy trì liên lạc với bên ngoài là điều kiện để Chi ủy quán triệt tinh thần các chủ trương của Thị ủy Hội An và cấp trên, đồng thời tổ chức tốt các cuộc đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của Chính quyền Sài Gòn trong chính sách “tố Cộng”. Đối tượng của chính sách “tố Cộng” trong thời gian này là Mai Đăng Chơn - Bí thư Huyện Ủy Hòa Vang. Chính quyền Sài Gòn bắt tù nhân nhà lao Thông Đăng ra ngoài làm xe hoa, rước kiệu Hai Bà Trưng trong đêm kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3). Nhân cơ hội đó, Chi bộ Đảng tại nhà lao Thông Đăng lãnh đạo tù nhân đấu tranh buộc Chính quyền Sài Gòn cho phép Trần Cảnh Trinh ra ngoài làm xe hoa. Trong quá trình làm xe hoa, rước kiệu Trần Cảnh Trinh đã nắm rõ tình hình của Quân đội Sài Gòn, cùng với những người yêu nước trong nhà lao Thông Đăng chẩn bị cho kế hoạch vượt ngục. Đêm 7-3-1957, Chi bộ nhà lao Thông Đăng đã tổ chức cho Mai Đăng Chơn và Ngọc Ẩn - Ủy viên Huyện ủy Hòa Vang vượt ngục thành công, góp phần làm thất bại kế hoạch của chính quyền Sài Gòn trong việc tổ chức lớp “Huấn chính tố Cộng” [8, tr.75]. Chính quyền Sài Gòn sau khi để mất Mai Đăng Chơn liền bỏ chương trình “Huấn chính” chuyển sang “đấu tố” bằng nhiều hình thức. Đầu tiên, quân đội Sài Gòn bắt Trần Cảnh Trinh (đảng viên, nguyên là cán bộ Hoa kiều của Thị ủy Hội An) lên tố điển hình có đầy đủ quan chức tỉnh Quảng Nam đến dự “Để biểu dương ý chí cương quyết của nhân dân trong chiến dịch phản đối cuộc tuyển cử do Việt Cộng đề ra và ủng hộ lập trường của Ngô Thủ tướng về việc thống nhất lãnh thổ thực hiện dân chủ thực sự, tỉnh tôi có tổ chức thêm trong dịp này lễ tố Cộng quan trọng ngày 24-7-1955 tại Hội An. Hàng trăm Cán bộ cao cấp Việt Minh Cộng sản đại diện cho 30.000 đảng viên Cộng sản tỉnh Quảng Nam ở các quận được triệu tập về Hội An trong dịp này để tổ cáo trước nhân dân những việc ám sát, khủng bố bóc lột bất chính,... của chúng trong thời kỳ Việt Minh Cộng sản phải tuyên bố ly khai Đảng Cộng Sản Đông Dương và xé đảng kỳ” [7, tr.1]. Trong cuộc “đấu tố” Trần Cảnh Trinh không chịu khai ra các đảng viên hoạt động trong chi bộ Đảng tại nhà lao Thông Đăng nên bị đưa xuống Ty Công an tiếp tục tra tấn. Liên tục hơn một tháng tra tấn, hành hạ, mua chuộc đủ kiểu nhưng không có kết quả. Quân đội Sài Gòn còng tay chân Trần Cảnh Trinh, dùng cây sắt đánh hộc máu rồi đem nhốt vào xà lim. Đêm 12-4-1957, trước khi qua đời, Trần Cảnh Trinh đã nhắn lời vĩnh biệt và động viên tù nhân trong nhà lao đoàn kết, giữ trọn khí tiết người Cộng sản. Lực lượng cách mạng của Hội An mặc dù bị tổn thất qua các đợt khủng bố của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, song tinh thần cách mạng của tù nhân không hề lay chuyển. Nhiều cán bộ, đảng viên, tù nhân yêu nước trong nhà lao bị tra tấn nhưng kiên quyết không khai, giữ vững lòng kiên trung với Đảng, vạch mặt tội ác của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm. Đấu tranh chính trị chống “tố Cộng” tại nhà lao Thông Đăng thể hiện rõ nét lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tù nhân yêu nước, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, thể hiện ý chí kiên cường đấu tranh với kẻ thù trong hoàn cảnh bị giam cầm, tra tấn, khủng bố hết sức khốc liệt. Đây cũng là “trường học” giúp cán bộ, đảng viên, tù nhân yêu nước rèn luyện ý chí, trưởng thành về nhận thức, trình độ giác ngộ chính trị và khả năng hợp tác, lãnh đạo quần chúng. 3. KẾT LUẬN Từ sau tháng 7-1954, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm với âm mưu tiêu diệt phong trào cách mạng ở Hội An đã tìm đủ mọi cách để đè bẹp các cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, đòi các quyền dân sinh, dân chủ và đặc biệt là thực hiện chính sách “tố Cộng. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường của những người Cộng sản, những tù nhân trong nhà lao Thông Đăng dưới sự chỉ đạo của Thị ủy Hội An từ bên ngoài và chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ nhà lao, đấu tranh chính trị chống “tố Cộng” đã góp phần ngăn chặn và làm thất bại âm mưu và hành 23
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 động giam cầm, khủng bố, đàn áp, tra tấn dã man của Chính quyền Sài Gòn nhằm đày ải, hủy diệt tinh thần và thể xác của tù nhân; bảo vệ sinh mạng và cuộc sống của tù nhân. Đồng thời, cuộc đấu tranh này góp phần phơi bày tính chất phi nghĩa của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn dùng vũ lực để cưỡng bức, khuất phục tù nhân chấp nhận các điều kiện do chúng đặt ra. Cũng trong cuộc đấu tranh này đã tạo điều kiện, cơ sở thúc đẩy sự ra đời và hoạt động của tổ chức chi bộ nhà lao Thông Đăng. Do chính sách giam cầm và tra tấn tàn bạo của Mỹ và chính quyền Sài Gòn có hệ thống nên nhiều tù nhân bị đày ải, tra tấn, thủ tiêu. Trong cuộc đấu tranh chính trị chống “tố Cộng”, đã nổi lên nhiều tấm gương về tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ trọn khí tiết của người Cộng sản như: Trần Cảnh Trinh, Nguyễn Thị Thu (Thuận), Nguyễn Thị Chỉ (Hội An), Trần Thị Lý (Điện Bàn)… Sự hy sinh anh dũng, đấu tranh kiên cường, bất khuất của cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước ở nhà lao Thông Đăng đã động viên tù nhân yêu nước giữ vững lập trường, tiếp tục đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm. Đấu tranh chống “tố Cộng” tại nhà lao Thông Đăng của cán bộ, đảng viên, tù nhân yêu nước đã củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, giữ trọn niềm tin vào Đảng để bước vào những cuộc đấu tranh mới. Hội An là một thị xã nhỏ nhưng là trụ sở chính của chính quyền Diệm. Đấu tranh chính trị được thể hiện qua nhiều hình thức: chây lười chào cờ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, không tham gia các buổi “Huấn chính tố cộng”, không hợp tác trong chính sách “đấu tố”, không khai ra những người hoạt động cách mạng, không tuyên bố ly khai Đảng dù bị tra tấn dã man, đấu tranh đòi được làm các sản phẩm thủ công nhằm để gặp gỡ, trao đổi giữa các tù nhân, nắm bắt thông tin, hướng chỉ đạo của cấp trên cũng như Thị ủy Hội An. Ngay trong nhà lao các cuộc đấu tranh chính trị đã có sự lãnh đạo của Chi bộ nhà lao. Điểm nổi bật của đấu tranh chính trị chống “tố Cộng” tại nhà lao Thông Đăng là có sự đồng lòng của những tù nhân yêu nước đến từ những vùng quê khác nhau bị giam cầm tại nhà lao nhưng họ đấu tranh với cùng một ý chí nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra, trong đấu tranh đã có sự móc nối giữa những người trong và ngoài nhà lao đã làm cho những cuộc đấu tranh này có ảnh hưởng sâu sắc đến chính quyền Sài Gòn, khiến Diệm và chính phủ Hoa Kỳ gặp khó khăn trong việc áp đặt chủ nghĩa thực dân mới với những chiến lược chiến tranh sau này trên toàn miền Nam nói chung và ở Hội An nói riêng. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bản phúc trình vấn đề trại giam ở Trung phần, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Ký hiệu TNTP, HS 300. [2] Đảng Cộng Sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thị xã Hội An (1996). Lịch sử Đảng bộ Thị xã Hội An (1930-1975), NXB Đà Nẵng. [3] Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam (2014). Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Nam (1945-2010), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội. [4] Hoàng Thị Bích Vân (2006). Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị ở nông thôn từ 1961-1968, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. [5] Tổng trưởng Bộ Thông tin và Chiến tranh tâm lý, Kính gửi Quý vị Tổng Trưởng tất các Bộ, Quý vị đại biểu các tòa đại diện Nam Việt, Trung Việt, Cao Nguyên. Trích yếu: Lập kiến nghị Tố Cộng để đánh qua Giơ-neo, nhân buổi Hội Tứ cường bên ấy, ký hiệu HS PTT 247, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh. [6] Tỉnh trưởng Quảng Nam (1957). Tờ trình Nguyệt để tháng 5-1957, ký hiệu hồ sơ: ĐI 101, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II. 24
  8. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 [7] Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam, Kính gửi ông Tổng Trưởng Thông tin và chiến tranh tâm lý - Sài Gòn, HS 129, ký hiệu HS PTT, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh. [8] Tỉnh ủy Quảng Nam - Ban Tuyên giáo (2004), Lịch sử đấu tranh cách mạng ở nhà lao Hội An (1947-1975). Quảng Nam. [9] Tỉnh ủy Quảng Nam - Thành ủy Đà Nẵng (2006), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1930-19755), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Title: POLITICAL STRUGGLE AGAINST THE “DENOUNCING THE COMMUNIST – TO CONG” IN THONG DANG PRISON - HOI AN (QUANG NAM) IN 1957 Abstract: As soon as coming to power in the South of Viet Nam, the Ngo Dinh Diem government implemented the “denouncing the communists - to Cong” policy to firmly strengthen the newly created government. The policy “denouncing the communists - to Cong” of the Saigon government not only caused many losses to the revolutionary forces but also prevented the reunification of the Communist Party and people. Therefore, the struggle to defeat the “denouncing the communists - to Cong” to firmly defend revolutionary bases was one of the key contents of the resistance war against the US and the henchmen at the moment. In the context of this article, the author would like to go into the analysis and further presentation on The Struggles of the Political Movement against the policy of “denouncing the communists - to Cong” in Thong Dang Prison -Hoi An in 1957. Thereby, contributing to additional resources to clarify the role and position of this land in the course of the war against the United States, reunification. Keywords: Hoi An, “to Cong”, politic struggle, Sai Gon Government, Thong Dang Prison. 25
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2