intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

ĐỀ TÀI : THỦY QUÂN DƯỚI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN (1558 - 1777)

Chia sẻ: Phạm Đức Linh002 | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

106
lượt xem
11
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Do điều kiện địa hình vùng sông nước cùng với nhu cầu chống giặc ngoại xâm, thủy quân Việt Nam được hình thành từ rất sớm. Trải qua một quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài, dưới các triều đại phong kiến, thủy quân Việt Nam dần hoàn thiện và phát triển về nhiều mặt. Thủy quân dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1777) là một giai đoạn phát triển mới của thủy quân Việt Nam thời phong kiến. Dưới thời các chúa Nguyễn, thủy quân đã hoàn toàn làm chủ vùng biển đảo Đàng Trong, đặt...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: ĐỀ TÀI : THỦY QUÂN DƯỚI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN (1558 - 1777)

  1. Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 7 Đại học Đà Nẵng năm 2010 THỦY QUÂN DƯỚI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN (1558 - 1777) HYDRAULIC FORCES OF NGUYEN LORDS (1558 - 1777) SVTH: Ngô Thị Bích Lan Lớp 07SLS, Khoa Lịch sử, Trường Đại học sư phạm GVHD: ThS. Nguyễn Xuyên Khoa Lịch sử, Trường Đại học sư phạm TÓM TẮT Do điều kiện địa hình vùng sông nước cùng với nhu cầu chống giặc ngoại xâm, thủy quân Việt Nam được hình thành từ rất sớm. Trải qua một quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài, dưới các triều đại phong kiến, thủy quân Việt Nam dần hoàn thiện và phát triển về nhiều mặt. Thủ y quân dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1777) là một giai đoạn phát triển mới của thủy quân Việt Nam thời phong kiến. Dưới thời các chúa Nguyễn, thủy quân đã hoàn toàn làm chủ vùng biển đảo Đàng Trong, đặt nền móng xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. ABSTRACT Because of the terrain along the river and needs against invaders, Vietnam marines were formed very early. Undergo a process of nation building and long-term retention, Vietnam marines gradually improved and developed in the feudal dynasties. Hydraulic forces of Nguyen Lords (1558 - 1777) is a new development stage of Vietnam marines in the feudal era. In the Nguyen Lords, navy has completely owned Sea Island Cochin, laid the foundation for establi shing sovereignty over the sea Islands of Vietnam , especially the sovereignty over Paracel Islands and Spratly Islands. 1. Đặt vấn đề Trong giai đoạn hiện nay, biển đảo có vai trò đặc biệt quan trọng đối sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của các quốc gia có biển. Những năm gần đây chủ quyền biển đảo nước ta gặp nhiều vấn đề phức tạp với các nước xung quanh, đặc biệt là với Trung Quốc. Các sự kiện về việc lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa đã gây cho dư luận nhiều bất bình. Vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo đã và đang đặt ra không ít những khó khăn thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của đất nước. Thực tế chủ quyền biển đảo Việt Nam đã từng bước được xác lập qua từng thời kì của lịch sử dân tộc mà nền móng đầu tiên là thời các chúa Nguyễn. Việc tìm hiểu về thủy quân thời các chúa Nguyễn hiện nay có nhiều ý nghĩa hết sức quan trọng, có thể góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề về các chúa Nguyễn, đặc biệt là vấn đề xây dựng lực lượng thủy quân. Qua đó có thể thấy được sự kế thừa và phát triển truyền thống thủy quân Việt Nam, góp phần khẳng định việc đặt nền móng xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đầu tiên vào thời kì các chúa Nguyễn. Từ đó góp phần nhận thức đúng đắn về chủ quyền biển đảo Việt Nam, giáo dục thế hệ trẻ, nhất là sinh viên ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ đất n ước giai đoạn hiện nay. 265
  2. Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 7 Đại học Đà Nẵng năm 2010 2. Khái quát về thủy quân nước ta trước thế kỉ XVI và bối cảnh kinh tế - xã hội dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1777) 2.1. Khái quát về thủy quân nước ta trước thế kỉ XVI Trong thời kì dựng nước, thủy quân Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Từ “hình thức là quân thủy mà nội dung là quân bộ” [10;56] thời Văn Lang; đến thời Âu Lạc, thành Cổ Loa được xem là công trình quân sự đầu tiên của Việt Nam mang tính chất một căn cứ thủy quân. Năm 938, chiến thắng Bạch Đằng ghi dấu ấn đầu tiên của nghệ thuật thủy quân Việt Nam, thể hiện truyền thống thủy chiến của dân tộc. Đến giai đoạn Tiền Lê, lực lượng chính của quân đội là thủy quân. Sang thời Lý, thủy quân nước ta đã là một lực lượng khá mạnh và giữ vai trò then chốt trong hầu hết các trận quyết chiến bảo vệ độc lập dân tộc. Thời nhà Trần, quân thủy mặc dù vẫn chưa thật sự tách ra là một lực lượng độc lập nhưng đã có xu hướng tách dần ra khỏi quân bộ. Nhà Trần cũng đã chú ý đến việc tăng cường quản lý và bảo vệ vùng biển. Năm 1349, tại trấn Vân Đồn, nhà Trần cho “đặt quan trấn, quan lộ và sát hải sứ”, “lại đặt quân Bình Hải để đóng giữ” [7, tr.631]. Việc làm này thể hiện ý thức về bảo vệ chủ quyền vùng biển và lãnh thổ quốc gia. Về mặt lý luận quân sự, trong “Binh thư yếu lược”, Trần Quốc Tuấn dành riêng một phần cho quân thủy, phát triển thêm một bước nghệ thuật thủy quân nước ta. Dưới thời Lê sơ, thủy quân nước ta đã bước đầu trở thành một lực lượng độc lập. Cùng với quân bộ, quân thủy dưới thời vua Lê Thánh Tông dần được hoàn thiện về tổ chức. Thời Lê sơ đã xuất hiện thuyền hỏa chiến và ống phun lửa, còn gọi là “hỏa đồng”. 2.2. Bối cảnh kinh tế - xã hội dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1777) 2.1.1. Tình hình chính trị cuối thời Lê sơ và quá trình phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài Cuối thời Lê sơ, kinh tế - chính trị suy thoái, xã hội khủng hoảng, khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra ở khắp nơi. Từ 1533 đến 1592 diễn ra cục diện Nam - Bắc triều. Trong khi cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều còn chưa chấm dứt thì mầm mống của sự chia cắt mới đã dần manh nha trong nội bộ Nam triều. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, mở đầu thời phán tranh của hai thế lực Trịnh - Nguyễn và sau đó là cục diện Đàng Trong - Đàng Ngoài. 2.1.2. Bối cảnh kinh tế - xã hội dưới thời các chúa Nguyễn Nhìn chung, dưới thời các chúa Nguyễn, chính trị - xã hội ổn định, các chúa chăm lo phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Đàng Trong thành một vùng đất giàu mạnh về nhiều mặt. Cùng với quá trình Nam tiến, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã có những chính sách tích cực và tiến bộ thu hút nhiều lực lượng tìm đến với chúa, tạo cơ sở kinh tế, xã hội khá vững chắc cho quá trình tồn tại của chính quyền các chúa Nguyễn. 3. Thủy quân dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1777) 3.1. Điều kiện và nhu cầu tất yếu phải xây dựng thủy quân So với các thời kì trước, thủy quân dưới thời các chúa Nguyễn được xây dựng và phát triển trong những điều kiện mới. Vùng đất của các chúa Nguyễn, theo Li Tana là “một dải đất dài và hẹp, nằm giữa núi và biển” [6, tr.21], địa hình bị chia cắt: “Dãy núi bị nhiều con sông nước chảy mạnh và mũi núi cắt ngang làm thành một số lưu vực nhỏ và hẹp” [6, 266
  3. Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 7 Đại học Đà Nẵng năm 2010 tr.21], về mặt địa lý ít có sự gắn kết với nhau. Theo ghi nhận của Hòa thượng Thích Đại Sán: “Các phủ không có đường lộ thông nhau, mỗi phủ đều do một cửa biển đi vào, muốn đi từ phủ này sang phủ khác tất do đường biển” [9, tr.132]. Giao thông chủ yếu bằng thuyền, cả trên sông và trên biển. Với điều kiện tự nhiên đó, để đảm bảo cho những cuộc hành quân và chiến đấu, các chúa Nguyễn phải xây dựng một lực lượng thủy binh hùng mạnh. Bên cạnh đó, trước những nguy cơ đe dọa từ bên ngoài, đặc biệt là khi chúa Nguyễn mở cửa buôn bán với các nước phương Tây, các chúa phải chú trọng xây dựng lực lượng thủy quân bảo vệ những khu vực trọng yếu ven biển. Từ những điều kiện và nhu cầu tất yếu đó, qua các đời chúa Nguyễn đều đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng lực lượng thủy quân. 3.2. Tổ chức và trang bị 3.2.1. Tuyển binh và quân chế Quy chế tuyển binh dưới thời các chúa Nguyễn được dựa theo quy chế tuyển binh thời Lê sơ. Năm 1632, chúa Nguyễn bắt đầu đề ra phép “duyệt tuyển”, chia dân ra từng hạng để đánh thuế và tuyển lính. Việc tuyển binh dưới thời các chúa Nguyễn được tiến hành thường xuyên và ổn định, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội lúc bấy giờ. Quân chế dưới thời các chúa Nguyễn được quy định khá chặt chẽ, tính kỉ luật cao. Trong quân chế còn có những chính sách được xem là tiến bộ và tích cực, vừa động viên được binh lính vừa an dân. 3.2.2. Tổ chức Quân đội dưới thời các chúa Nguyễn được tổ chức theo thuyền, đội, cơ và dinh. Về cơ bản, thủy quân cũng được cơ cấu như vậy. Không có nhiều nguồn tài liệu có thể phân định rõ ràng giữa cơ cấu tổ chức quân thủy và quân bộ dưới thời các chúa Nguyễn, sự phân biệt chỉ mang tính chất tương đối. Ngoài lực lượng thủy quân chính quy, dưới thời các chúa Nguyễn còn tồn tại một số các đội thuyền được tổ chức khá đặc biệt: * Đội Hoàng Sa và Bắc Hải Tại các phủ ven biển, chúa Nguyễn đều đặt riêng các đội thuyền chuyên đi thu nguồn lợi từ các đảo về. Trong đó đội Hoàng Sa ở phủ Quảng Ngãi được xem là lớn nhất, làm nhiệm vụ khai thác và kiểm soát quần đảo Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa được biên chế và tổ chức như một thủy đội biệt lập, kiêm quản luôn đội Bắc Hải hoạt động ở vùng đảo Trường Sa: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh xung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi” [3, tr.155]; “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chánh ở Bình Thuận hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi…sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản” [3, tr.155]. Theo các nguồn tài liệu, quần đảo Hoàng Sa ngày nay trước đây chính là bãi cát vàng thuộc phủ Quảng Ngãi, nơi đội Hoàng Sa hằng năm ra khai thác sản vật. Mỗi năm một lần, với khoảng thời gian 6 tháng ở lại trên đảo, đội Hoàng Sa hoạt động công khai và thường xuyên chứng tỏ quần đảo hoàn toàn thuộc quyền quản lý của các chúa Nguyễn. Từ thực tế đó khẳng định từ thời các chúa Nguyễn quần đảo Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền biển đảo nước ta. Tổ chức đội Hoàng Sa và Bắc Hải về hình thức mang tính dân sự nhưng được tổ 267
  4. Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 7 Đại học Đà Nẵng năm 2010 chức và biên chế như một lực lưọng quân thủy đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ và hoạt động thường xuyên tại các khu vực biển đảo, rõ ràng nắm giữ luôn cả quyền kiểm soát các đảo của xứ Đàng Trong. Tổ chức đội Hoàng Sa dưới thời các chúa Nguyễn chính là cột mốc đầu tiên đặt nền tảng khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa củaViệt Nam. * Lực lượng tuần tra, giám sát vùng biển Ngoài đội Hoàng Sa và Bắc Hải, dưới thời các chúa Nguyễn còn tồn tại một lực lượng các đội thuyền thường xuyên tuần tra trên biển, theo Li Tana gọi là đội “ tuần hải” [6, tr.73]. Các đội thuyền này có nhiệm vụ “đánh bắt cướp biển…phát hiện, đánh đuổi các tàu nước ngoài do thám, can thiệp” [10, tr.280], đồng thời còn làm nhiệm vụ truyền tin. Chính nhờ lực lượng truyền tin mà năm 1643 chúa Nguyễn Phúc Tần mới có thể kịp thời đem thủy quân đánh đuổi tàu chiến của Hà Lan. Các chúa Nguyễn còn thiết lập Ty tàu, là cơ quan phụ trách việc quan hệ với tàu thuyền nước ngoài. Có thể nói dưới thời quản lý của các chúa Nguyễn, ý thức và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền vùng biển và biển đảo luôn được đề cao. 3.3. Trang bị vũ khí và thuyền chiến Vũ khí được xem là quan trọng nhất của thuyền chiến thời kì này là sún g pháo: “mọi thuyền chiến đấu đều có ít nhất một khẩu pháo ở đằng mũi. Tùy dạng thuyền mà số lượng pháo nhiều ít có khác nhau…” [10, tr.298]. Từ sự tiếp nhận súng và kĩ thuật đúc súng của người phương Tây, các chúa Nguyễn đã áp dụng để chế tạo súng sử dụng tại chỗ. Về thuyền chiến Đàng Trong có rất nhiều loại, tùy từng mục đích mà sử dụng các loại thuyền khác nhau. Thuyền chiến Đàng Trong thời kì này chủ yếu là thuyền pháo, được trang bị trực tiếp súng pháo trên các thuyền. Theo nhiều nguồn tài liệu, dưới thời các chúa Nguyễn đã có các xưởng chuyên đúc súng và xưởng đóng thuyền chiến. 3.4. Các trận chiến tiêu biểu của thủy quân chúa Nguyễn Thủy quân các chúa Nguyễn nhiều lần đụng độ với thủy quân Trịnh nhưng chủ yếu là trên sông, chưa có trận chiến nào là cuộc giao tranh thực sự giữa thủy quân Trịnh – Nguyễn trên biển. Sức mạnh của thủy quân chúa Nguyễn được khẳng định và đánh giá cao qua những trận thủy chiến với tàu Tây phương. Trong những năm 1643 – 1644, thủy quân chúa Nguyễn nhiều lần giao tranh với hạm đội thủy quân Hà Lan, đều giành được thắng lợi. Năm 1702, công ty Đông Ấn của Anh trắng trợn xâm chiếm Côn Đảo, xây pháo đài và đặt quân canh giữ. Vào năm sau, thủy quân của chúa Nguyễn đã kết hợp với dân địa phương chiếm lại vùng đảo. Những sự kiện đó không chỉ chứng tỏ sức mạnh của thủy quân chúa Nguyễn mà còn thể hiện ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Đàng Trong. 3.5. Vai trò của thủy quân các chúa Nguyễn đối với lịch sử dân tộc + Kế thừa và phát triển lực lượng thủy quân + Phát huy truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm + Đặt nền móng xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam Trong đó, đặc biệt đề cao vai trò đặt nền móng xác lập chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các nguồn tài liệu sớm nhất xác định chủ quyền Hoàng Sa thuộc 268
  5. Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 7 Đại học Đà Nẵng năm 2010 nước ta đều có từ thời các chúa Nguyễn. 3.6. Một vài nhận xét về thủy quân dưới thời các chúa Nguyễn Dưới thời các chúa Nguyễn, thủy quân thực sự là một lực lượng quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ vùng đất các các chúa cai quản, kiểm soát và làm chủ vùng biển Đàng Trong. Từ những đội thuyền được tổ chức đặc biệt đóng vai trò như những lực lượng thủy quân tuần tra, giám sát vùng biển chính là cơ sở, tiền đề để sau này triều Nguyễn chính thức tổ chức những lực lượng thủy quân chuyên nghiệp canh giữ và kiểm soát biển đảo. Thủy quân các chúa Nguyễn còn là cơ sở, nền tảng để Nguyễn Ánh xây dựng thủy binh hùng mạnh về sau. 4. Kết luận Dưới quyền quản lý của các chúa Nguyễn, các vùng biển và biển đảo thuộc khu vực Đàng Trong lúc bấy giờ bước đầu được xác lập chủ quyền. Ý thức về bảo vệ b iển đảo nước ta đã có từ thời Trần, đến thời các chúa Nguyễn được nâng cao thêm một bước, mở rộng phạm vi quản lý và kiểm soát vùng biển, biển đảo. Trên nền tảng đó, sau khi thống nhất đất nước, nhà Nguyễn có cơ sở để tiến hành đo đạc, kiểm soát và chính t hức xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam, đó là những bằng chứng xác thực về sự tồn tại và khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta trên biển Đông. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] C. Bori (1998), Xứ Đàng Trong 1621, (Bản dịch của Nguyễn Hồng Huệ, Nguyễn Khắc Xuân và Nguyễn Nghị), NXB Thành phố Hồ Chí Minh. [2] Phan Du (1974), Quảng Nam qua các thời đại, Quyển thượng, Cổ học Tùng thư xuất bản, Đà Nẵng. [3] Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, NXB Giáo dục, Hà Nội. [4] Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh. [5] Trần Trọng Kim (2000), Việt Nam sử lược, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. [6] Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế -xã hội Việt Nam thế kỉ 17 và 18 (Bản dịch của Nguyễn Nghị), NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. [7] Ngô Sĩ Liên (2004), Đại Việt sử kí toàn thư, Tập 1, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội. [8] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục tiền biên, NXB Giáo dục, Hà Nội. [9] Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế. [10] Nguyễn Việt (chủ biên, 1983), Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội. 269
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2