Xã hội học số 4(120), 2012 40<br />
<br />
<br />
DI DÂN CON LẮC VÀ DI DÂN MÙA VỤ<br />
TRONG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN MỚI CỦA ĐẤT NƯỚC<br />
<br />
ĐẶNG NGUYÊN ANH<br />
<br />
<br />
Quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung với vai trò điều hành<br />
trực tiếp của nhà nước sang một nền kinh tế có sự chi phối ngày càng tăng của các quy<br />
luật thị trường đã kéo theo sự chuyển dịch và phân bố lại lực lượng lao động và dân cư<br />
trong 25 năm qua. Việc xóa bỏ bao cấp và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần đã<br />
tạo nên sức tăng trưởng kinh tế của khu vực ngoài quốc doanh, tạo cơ hội tăng thu nhập<br />
và việc làm. Chuyển dịch của lao động và dân cư trở nên dễ dàng hơn, với chi phí thấp<br />
hơn, và có sự tham gia của nhiều thành phần, nhóm xã hội khác nhau (Tổng cục Thống<br />
kê, 2008).<br />
Trước những khó khăn thách thức về kinh tế-xã hội hiện nay, sản xuất kinh doanh<br />
đình đốn, thu nhập bấp bênh và giảm sút, di dân con lắc và di dân mùa vụ trở thành<br />
phương thức được người dân nông thôn lựa chọn. Mô hình di dân “ly hương – bất ly<br />
nông” trong đó lao động nông nghiệp dư thừa ra khỏi làng quê tìm việc nhưng không từ<br />
bỏ đất lúa. Hộ gia đình ở quê vẫn giữ ruộng, thực hiện các nghĩa vụ và đăng ký nhân<br />
khẩu tạm vắng khi cần thiết cho người ra đi. Lao động “bất ly hương” quay về tham gia<br />
vào các hoạt động nông nghiệp mùa vụ, lễ hội hoặc giỗ tết truyền thống. Khi về thăm nhà<br />
hỗ trợ tiền mặt cho gia đình, người thân ở quê. Không ít lao động tiếp tục làm nông<br />
nghiệp và các dịch vụ liên quan đến sản xuất trồng trọt, chăn nuôi tại địa bàn nơi đến nên<br />
đối với nhóm này, mô hình “bất ly nông” rất rõ nét.<br />
Phân tích này đi sâu xem xét loại hình di dân tạm thời dưới hai hình thức con lắc và<br />
mùa vụ. Loại hình di dân này tuy đã có từ lâu trong nền sản xuất nông nghiệp truyền<br />
thống ở nước ta, song vẫn tiếp tục tồn tại và trở nên phổ biến trong giai đoạn phát triển<br />
hiện nay. Đây là loại hình di dân phù hợp với nhu cầu của phần lớn lao động nông thôn,<br />
đồng thời góp phần vào sự phát triển đồng đều giữa nông thôn và đô thị, tạo nên sự liên<br />
kết giữa các khu vực, vùng miền (VAPECHN, 2009).<br />
1. Di dân con lắc và di dân mùa vụ<br />
Về hình thức, di dân con lắc về cơ bản cũng giống như di dân mùa vụ, tuy nhiên có<br />
khác nhau về hướng di chuyển và diễn ra ở hầu hết các tháng trong năm. Di dân mùa vụ<br />
còn được xem như là một hình thái đặc thù của di dân con lắc, diễn ra theo chu kỳ rõ rệt<br />
hơn về thời gian. Mặc dù nhiều công trình nghiên cứu khi nói đến di dân con lắc đã hàm<br />
chứa di dân mùa vụ, song cần có sự phân biệt nhất định giữa hai loại hình này:<br />
Di dân con lắc: loại hình di dân có thời hạn liên quan đến việc làm hoặc những lý<br />
do khác đòi hỏi người di chuyển phải ngủ qua đêm xa nhà và lặp đi lặp lại tương đối<br />
thường xuyên dù họ không nhất thiết phải thay đổi nơi cư trú chính thức (thường trú). Di<br />
<br />
<br />
<br />
PGS.TS, Viện Xã hội học.<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 4(120), 2012 41<br />
<br />
<br />
dân con lắc khác với việc đi đi về về hàng ngày của người lao động đến nơi làm việc.<br />
Di dân mùa vụ: hình thái đặc thù của di dân tạm thời. Thuật ngữ "mùa vụ" không<br />
nhất thiết gắn với mùa thu hoạch, mặc dù đối với nhiều người nó có thể là như vậy. Thuật<br />
ngữ này còn hàm ý những hoạt động mùa vụ khác như mùa xây dựng hoặc mùa du lịch,<br />
mùa lễ hội, mùa cafe và bao gồm cả loại hình đi làm ăn xa khác nhau ở nông thôn. Một<br />
số nghiên cứu dựa trên khoảng thời gian vắng mặt khỏi nơi cư trú 1-3 tháng như một<br />
trong những tiêu chí của di dân mùa vụ (Goldstein và Goldstein, 1991).<br />
Cả hai hình thái di dân đều bao hàm sự di chuyển khỏi địa bàn cư trú. Đi kèm với<br />
nó là sự thay đổi về nơi ở (dù là tạm thời), và sự thay đổi về công việc. Sự khác nhau chủ<br />
yếu là trong lý do di chuyển (mùa vụ thường gắn với yếu tố kinh tế như tìm việc, thu<br />
nhập, trong khi di dân con lắc có thể là do cả lý do gia đình). Người di chuyển con lắc<br />
thường thay đổi chỗ ở thường xuyên hơn, diễn ra cơ động hơn. So với di dân mùa vụ, di<br />
dân con lắc diễn ra tại bất cứ thời điểm nào trong năm. Di chuyển con lắc thường bao<br />
gồm những trường hợp một chốn đôi nơi, sinh sống và làm việc, không có ý định cư trú<br />
lâu dài. Công việc của nhóm này có thể không thật sự ổn định, khả năng thay đổi việc, và<br />
chủ sử dụng lao động thường xuyên, không theo chu kỳ ổn định.<br />
Di dân mùa vụ diễn ra trong kỳ nông nhàn, hướng di chuyển chủ yếu là nông thôn-<br />
thành thị. Thời gian chiếm đến 2/3 số tháng trong năm. Lao động ra đi vào các tháng 1,<br />
tháng 6, tháng 9, và trở về vào khoảng tháng 5, tháng 12 hàng năm (âm lịch). Do lượng<br />
thời gian rỗi ngày càng gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, việc đi lại diễn ra với<br />
khoảng cách xa hơn, phổ biến hơn với nhiều thời điểm trong năm hơn. Đây là một đặc<br />
điểm mới của loại hình di dân mùa vụ. Nguồn nhân công rẻ, tay nghề thấp, dễ dàng huy<br />
động này được thu hút vào khu vực kinh tế phi chính thức, lễ hội du lịch hoặc các trang<br />
trại ở trung du, miền núi.<br />
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 (Tháng Âm lịch)<br />
<br />
<br />
<br />
Đi Về Đi Đi Về<br />
Các kết quả nghiên cứu hiện cho thấy lao động di dân mùa vụ bao gồm cả nam và<br />
nữ, nhưng phần đông là nữ đến từ nông thôn, đã kết hôn, tuổi từ 25-40. Chị em phụ nữ ra<br />
thành thị phần lớn làm trong các ngành dịch vụ như bán hàng, giúp việc gia đình, quán<br />
xá, bán hàng rong, phục vụ quán cà phê, tiếp viên nhà hàng, thu mua phế liệu,...Việc<br />
đồng thời làm những nghề này không nhất thiết loại trừ nhau, vì có rất nhiều phụ nữ<br />
không đủ sống nếu như họ chỉ làm một nghề.<br />
Qua các khảo sát trên địa bàn Hà Nội, phần lớn đó là lao động từ các tỉnh lân cận<br />
của Đồng bằng sông Hồng (và tương tự như ở thành phố Hồ Chí Minh phần lớn ở các<br />
tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long), có thể chia thành 5 nhóm di dân mùa vụ như sau. Trong<br />
số này thì ba nhóm b, c, d chiếm đa số (55-60%) số lao động nông thôn ra thành phố tìm<br />
việc. Hầu hết đến từ vùng nông thôn, ít được đào tạo chuyên môn và thiếu tiền vốn:<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 4(120), 2012 42<br />
<br />
<br />
a. Nhóm lao động có trình độ học vấn, có chuyên môn kỹ thuật qua đào tạo, làm<br />
việc tại các doanh nghiệp tư nhân, trong khu vực kinh tế phi chính thức.<br />
b. Nhóm lao động có một số tay nghề hoặc kỹ năng tự học đáp ứng nhu cầu của<br />
một số ngành nghề và dịch vụ xã hội (xây dựng, làm mộc, bán quán xá, giúp việc gia<br />
đình, sửa chữa xe máy, rửa ô-tô xe máy,...).<br />
c. Nhóm lao động có phương tiện hoặc thuê phương tiện hành nghề (chạy xe ôm,<br />
xích lô, chuyên chở vật liệu, đẩy xe bán dạo,…).<br />
d. Nhóm lao động phổ thông không có nghề chuyên môn kỹ thuật, không có<br />
phương tiện hành nghề ngoài sức lao động, chủ yếu làm việc cơ bắp hoặc giản đơn với<br />
tiền công thấp, không ổn định.<br />
e. Nhóm tự kiếm sống bằng mọi cách để có thu nhập, kể cả một số ngành nghề bị<br />
pháp luật nghiêm cấm.<br />
Tại một số tỉnh ven biển còn có loại hình di chuyển ra khơi đánh bắt cá, hầu hết bao<br />
gồm nam giới đi ghe cá, làm thuyền viên hay tự khai thác hải sản. Mức thu nhập của<br />
nhóm này tuy cao hơn song không đều. Việc tuyển dụng lao động được các chủ ghe, vốn<br />
là người cùng quê, tiến hành thông qua quan hệ anh em trong họ hàng. Thông thường đó<br />
là mô hình người chồng đi làm, vợ con gia đình ở lại đất liền. Tuy nhiên những rủi ro do<br />
thời tiết, bão tố, nguy cơ đắm tàu thuyền và bị tàu nước ngoài uy hiếp luôn luôn rình rập<br />
đe doạ tính mạng của những lao động đi biển. Nghiên cứu về các nhóm lao động đi biển<br />
còn chưa nhiều, và thiếu hơn nữa là sự hỗ trợ hiệu quả cho các hộ gia đình chài lưới đã<br />
gắn bó cả cuộc đời với biển, nhiều thế hệ bám biển, góp phần gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc.<br />
2. Di dân khoảng cách gần<br />
Đây là loại hình di dân diễn ra với quy mô nhỏ và tùy thuộc vào khoảng cách giữa<br />
nơi đi và nơi làm việc (5-10 km). Với con số khá khiêm tốn trên địa bàn mỗi xã nông thôn<br />
hiện nay, nhóm lao động này chủ yếu đi xây, đi làm mộc, làm phụ hồ, làm cỏ thuê, hoặc<br />
đến lao động sản xuất tại các làng nghề ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Họ chấp nhận<br />
tiền công thấp hơn tiền công của lao động sở tại để làm những công việc mà người dân địa<br />
phương không muốn làm do công việc vất vả, nặng nhọc. Mức trả tính theo ngày công<br />
hoặc khoán theo sản phẩm, công trình,... phù hợp với nhu cầu tiền mặt của người lao động.<br />
Loại hình di chuyển theo khoảng cách gần này không diễn ra theo mùa vụ mà thiên<br />
về hình thái di dân con lắc, trong đó việc đi về của người di chuyển được lặp đi lặp lại<br />
giữa hai địa điểm nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn. Hình ảnh “một chốn, đôi nơi”<br />
này khá phổ biến trong nhóm di chuyển lao động làm thuê trên địa bàn một huyện, hoặc<br />
giữa các xã lân cận tỉnh lỵ.<br />
Qua kết quả thu được của một nghiên cứu tại Đồng bằng Sông Hồng (VAPECHN,<br />
2009) di dân khoảng cách gần đã trở thành phong trào, đặc biệt trong nhóm nam giới<br />
trung niên. Phương thức đi theo nhóm xây dựng, làm mộc ở Phủ Lý, Hà Nam hoặc các xã<br />
ven trung tâm huyện rất phổ biến. Ai may mắn thì có được công việc thường xuyên và<br />
tương đối lâu dài, những người khác thì chủ đi vài tháng trong năm, khi hết việc lại quay<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 4(120), 2012 43<br />
<br />
<br />
về chờ cơ hội. Thu nhập sau mỗi công trình là tiền mặt của hộ gia đình, trong nhà lại đỡ<br />
được một miệng ăn. Vào độ tuổi con cái đã lớn, có thể đảm đương công việc đồng áng<br />
cùng với người phụ nữ, người đàn ông trong gia đình mong muốn cải thiện thu nhập cho<br />
gia đình, được ra ngoài thôn xóm bằng anh bằng em như các hộ gia đình xung quanh,<br />
trong khi vẫn hiện diện ở gia đình.<br />
Loại hình di dân theo khoảng cách gần nếu ổn định sẽ có thể phát huy tốt vai trò<br />
sinh kế ở nông thôn, góp phần tạo thu nhập tiền mặt. Tuy nhiên, loại hình di dân khoảng<br />
cách gần này gặp nhiều khó khăn do công việc không nhiều và không đều tại địa phương.<br />
Hình thái di dân này ít được thanh niên ưa chuộng do tính thời vụ và khoảng cách “gần<br />
nhà” không cho phép họ thoát ly khỏi địa phương như những hình thái di dân khác<br />
(Đặng, Tacoli và Hoàng, 2004).<br />
3. Những vấn đề đặt ra<br />
Trước hết, các thông tin dữ liệu về hình thái di dân này chưa được nắm bắt đầy đủ.<br />
Các cơ quan chức năng và chính quyền ở nhiều địa phương chủ yếu dựa trên con số di<br />
chuyển chính thức, và dân số đăng ký. Số liệu vênh nhau lớn về quy mô giữa các nhóm<br />
cư trú và thời điểm. Đây là những thách thức hiện nay. Số liệu di dân con lắc và di dân<br />
mùa vụ không được phản ánh và không thể thu thập qua các cuộc Tổng Điều tra dân số<br />
do tính ngắn hạn và thường xuyên của loại hình di dân này.1 Trên thực tế, di dân mùa vụ<br />
thường được ước tính bằng một vài con số không chính xác, thiếu thống kê chi tiết. Tại<br />
một số địa phương, quy mô di dân mùa vụ và di dân con lắc có thể lên đến hàng chục<br />
nghìn người nhưng khó có thể nắm được thông tin đầy đủ về các nhóm di dân này.<br />
Trong khi đó, chính quyền địa phương nơi đi đều không hạn chế, thậm chí tạo điều<br />
kiện cho người dân đi làm ăn, cải thiện thu nhập. Nhiều địa phương sẵn sàng cấp giấy<br />
tạm vắng cho các trường hợp cần thiết. Theo quy định, trong trường hợp người ra đi<br />
không có giấy tạm vắng của địa phương nơi cư trú và không có chứng minh thư nhân<br />
dân, về nguyên tắc họ sẽ không được đăng ký tạm trú tại nơi đến và có thể bị xử phạt<br />
hành chính. Việc thực hiện các thủ tục khai báo tạm trú, tạm vắng nói trên là quy định<br />
cho mọi công dân. Tuy nhiên trên thực tế, công tác khai báo và đăng ký khá linh hoạt và<br />
lỏng lẻo. Người sử dụng, quản lý lao động hoặc chủ nhà trọ có thể chỉ cần báo cho công<br />
an hộ khẩu trên địa bàn số lượng lao động. Nhiều trường hợp chỉ đến khi địa phương nơi<br />
tạm trú yêu cầu thì người lao động, thông qua gia đình ở quê, mới đứng ra làm thủ tục<br />
tạm vắng để có giấy trình báo chính quyền nơi đến.<br />
Ở nhiều địa phương, di dân mùa vụ là loại hình di chuyển có sự tham gia đông đảo<br />
của lao động nông nghiệp đến những nơi có nhu cầu ngành nghề, dịch vụ. Sẽ còn nhiều<br />
người muốn tìm việc ngoài nơi cư trú và nơi đến không hẳn các khu công nghiệp, khu<br />
chế xuất. Khu vực kinh tế phi chính thức với sự bùng nổ của dịch vụ, buôn bán, kinh<br />
doanh và nhu cầu thuê mướn lao động của đô thị sẽ là lực hút mạnh đối các dòng lao<br />
<br />
1<br />
Số liệu Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở liên quan đến nhóm di chuyển lâu dài hoặc thay đổi<br />
nơi thường trú vĩnh viễn. Sự vắng mặt khỏi nơi thường trú dưới 5 năm không được tính là di<br />
cư trong Tổng Điều tra.<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 4(120), 2012 44<br />
<br />
<br />
động phổ thông đến từ nông thôn trong những năm tới. Phương thức "ly hương, bất ly<br />
nông" trên thực tế vẫn chưa thể thay thế bởi mô hình "ly nông, bất ly hương" như mong<br />
muốn chính sách. Các kết quả nghiên cứu về di dân đều cho thấy tỷ lệ lao động di cư<br />
tham gia hoạt động kinh tế cao hơn dân sở tại, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn, và thu nhập cao<br />
hơn nơi xuất cư và người di dân nhìn chung hài lòng với quyết định di chuyển. Hầu hết<br />
lao động di cư có thu nhập tích lũy, góp phần phát triển cuộc sống gia đình. Các khoản<br />
tiền do người di dân mang về hoặc gửi về được đầu tư cho xây dựng nhà cửa hoặc phát<br />
triển sản xuất còn tạo cơ hội cho lao động không di cư có thêm việc làm và tăng thêm thu<br />
nhập ngay tại quê nhà. Ở cấp độ vĩ mô, di dân mùa vụ và di dân con lắc là góp phần thúc<br />
đẩy liên kết vùng, nhất là giữa nông thôn và thành thị theo hướng phát triển bền vững.<br />
Những đóng góp tích cực của di dân đến tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước<br />
là không thể phủ nhận. Tuy nhiên do thiếu tầm nhìn trong quy hoạch, hạn chế về nhận<br />
thức đối với di dân, và yếu kém trong quản lý nên vô hình chung các luồng di dân ra<br />
thành phố đã làm trầm trọng thêm sức chịu tải của kết cấu hạ tầng và thách thức năng lực<br />
quản lý của chính quyền các cấp.<br />
Giai đoạn phát triển hiện nay đòi hỏi việc xem xét kịp thời đối với di dân mùa vụ và<br />
di dân con lắc. Mặc dù không mới mẻ trong bối cảnh Việt Nam, song mức độ phổ biến và<br />
tác động kinh tế-xã hội của các loại hình di dân này cần được nghiên cứu. Vai trò điều<br />
chỉnh và tự điều chỉnh về lao động giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền có<br />
thể thực hiện thông qua di dân mùa vụ. Trước hết cần quan tâm đúng mức đến loại hình<br />
di dân này. Hiện nay, các cuộc Tổng Điều tra dân số và Khảo sát mức sống hộ gia đình<br />
không cho phép thu thập số liệu về loại hình di dân ngắn hạn. Trong điều kiện hệ thống<br />
đăng ký dân số còn yếu kém như hiện nay, cần thực hiện những điều tra chuyên biệt<br />
nhằm thu thập số liệu chi tiết về loại hình di dân còn ít được biết đến này.<br />
Di dân trở thành một thành tố không thể thiếu được trong đời sống nông thôn Việt<br />
Nam (Đặng, 2008). Trong giai đoạn hiện nay, loại hình di dân mùa vụ sẽ gia tăng do yêu<br />
cầu phát triển và đất đai canh tác ở khu vực nông thôn bị thu hẹp. Thêm vào đó, tình<br />
trạng chênh lệch về thu nhập và tiền công lao động giữa đô thị và nông thôn gia tăng<br />
cũng kéo theo lực lượng lao động mùa vụ gia tăng. Cùng với việc quy hoạch các khu<br />
công nghiệp, đô thị hoá, phát triển các trang trại, khu du lịch, quá trình tích tụ ruộng đất ở<br />
nông thôn, người nông dân ngày càng có ít đất hơn để sản xuất. Đất đai ở nông thôn là<br />
nguồn sống, là “thùng vàng” lớn khi chuyển đổi mục đích sử dụng, song người nông dân<br />
sẽ khó có thể là đối tượng thụ hưởng trực tiếp của các chương trình, dự án tái định cư, đổi<br />
đất lấy tiền (không ngang giá và sòng phẳng) như hiện nay. Với trình độ học vấn, tay<br />
nghề thấp, người dân bị mất đất khó có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các<br />
doanh nghiệp đầu tư tại chính nơi ruộng vườn trước đây của mình, cho nên việc họ phải<br />
rời quê hương tìm việc là tất yếu. Theo quy luật chung, những trường hợp có tay nghề<br />
cao thường tìm việc làm ở xa hơn và trả công cao hơn, trong khi đó những lao động thiếu<br />
tay nghề và học vấn thấp, không có điều kiện kinh tế thì tìm kiếm công việc gần nhà hơn,<br />
đi lại gần hơn và khoảng cách ngắn hơn.<br />
Trong bối cảnh và giai đoạn phát triển mới của đất nước, việc sử dụng luật pháp<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học số 4(120), 2012 45<br />
<br />
<br />
hoặc các biện pháp hành chính nhằm hạn chế di dân là đi ngược lại quy luật phát triển.2<br />
Hệ lụy của những quyết sách mang nặng tính chủ quan là khó lường, khi mà đời sống<br />
nông thôn đang lệ thuộc rất nhiều vào việc làm, thu nhập và nguồn lực ở đô thị, và các<br />
thành phố lớn đang phụ thuộc rất nhiều vào vật phẩm, dịch vụ do lao động nông thôn<br />
cung ứng. Nông thôn sẽ mất năng lực phát triển, và đất nước sẽ có thể mất sức chống<br />
chịu nếu như không có di dân. Điều đó cũng có nghĩa là chênh lệch giàu nghèo tiếp tục<br />
gia tăng trong xã hội, thách thức mục tiêu phát triển bền vững đất nước./.<br />
<br />
Tài liệu trích dẫn<br />
<br />
Đặng Nguyên Anh, Cecilia Tacoli and Hoàng Xuân Thành. Ly nông, bất ly hương và làm<br />
thủ công tại làng. Nxb Thế giới, 2004.<br />
Đặng Nguyên Anh. “Vai trò của di dân trong quá trình phát triển nông thôn”, Tạp chí Xã<br />
hội học, Số 2 - 2008.<br />
Sidney Goldstein and Alice Goldstein. “Permanent and temporary migration differentials<br />
in China.” Working Paper, East-West Center, Honolulu: 1991.<br />
Trung tâm Châu Á-Thái Bình Dương Hà Nội (VAPECHN). “Di dân mùa vụ ở các tỉnh<br />
Đồng bằng sông Hồng”, Báo cáo nghiên cứu. Hà Nội, 2009.<br />
Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc. Điều tra Di cư Việt Nam 2004. Nxb<br />
Thống kê, 2005.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
2<br />
Trong năm 2012, Đà Nẵng đã ban hành nghị quyết dừng đăng ký nhập khẩu và hạn chế lao động cư trú<br />
tại địa bàn thành phố. Hà Nội, nếu thông qua Luật Thủ đô, sẽ là thành phố đầu tiên ở châu Á sử dụng<br />
luật pháp để kiểm soát nhập cư và hạn chế người di cư.<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />