intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giá trị khoa học của học thuyết Hình thái kinh tế - xã hội của Các Mác

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

170
lượt xem
12
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong sự so sánh cách tiếp cận nghiên cứu xã hội của C.Mác với các cách tiếp cận khác trong lịch sử tư tưởng và trong triết học phương Tây hiện đại, học thuyết Hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã khẳng định tính ưu trội của mình. Có thể khẳng định rằng: Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã tạo ra một bước ngoặt cách mạng trong lịch sử phát triển của các khoa học nghiên cứu về xã hội loài người. Học thuyết đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giá trị khoa học của học thuyết Hình thái kinh tế - xã hội của Các Mác

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci. Science., 2010, Vol. 55, No. 7, pp. 47-59 GIÁ TRỊ KHOA HỌC CỦA HỌC THUYẾT HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA CÁC MÁC Vũ Thị Kim Dung Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Đặt vấn đề Học thuyết Hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác được xem là một cuộc cách mạng trong nghiên cứu về xã hội, lịch sử. Học thuyết này đã vạch rõ cách tiếp cận, điểm xuất phát để nghiên cứu về đời sống xã hội, làm sáng tỏ bản chất, cấu trúc của một hình thái kinh tế - xã hội và lôgíc nội tại, căn nguyên bên trong, nguồn gốc, động lực, hệ thống quy luật khách quan của sự biến đổi, phát triển xã hội, khái quát quan điểm coi sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên. Đó là quá trình vừa diễn ra theo quy luật chung, phản ánh con đường phát triển chung của lịch sử nhân loại, vừa thể hiện nét riêng, tính đặc thù trong sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Trong sự so sánh cách tiếp cận nghiên cứu xã hội của C.Mác với các cách tiếp cận khác trong lịch sử tư tưởng và trong triết học phương Tây hiện đại, học thuyết Hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã khẳng định tính ưu trội của mình. Có thể khẳng định rằng: Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã tạo ra một bước ngoặt cách mạng trong lịch sử phát triển của các khoa học nghiên cứu về xã hội loài người. Học thuyết đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. 2. Nội dung 2.1. Những tư tưởng cơ bản trong học thuyết của Mác về hình thái kinh tế - xã hội 2.1.1. Tư tưởng về cách tiếp cận, điểm xuất phát để nghiên cứu hình thái kinh tế - xã hội Khi xây dựng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, C.Mác đã lấy điểm xuất phát từ quan niệm duy vật lịch sử cho rằng lịch sử phát triển của xã hội loài người suy đến cùng là lịch sử của sản xuất, lịch sử của sự thay thế lẫn nhau của các phương thức sản xuất. Khái niệm “hoạt động sản xuất” được C.Mác đề cập đến bao gồm sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần và tái sản xuất ra chính bản thân con người. 47
  2. Vũ Thị Kim Dung Đây là đặc trưng riêng, vốn có của con người và xã hội loài người, trong đó hoạt động sản xuất vật chất đóng vai trò chủ đạo, là then chốt, nền tảng, giữ vai trò quyết định đối với các dạng hoạt động sản xuất khác. Theo C.Mác, hoạt động sản xuất vật chất là quá trình con người tác động vào tự nhiên, cải biến các dạng vật chất của giới tự nhiên nhằm tạo ra của cải vật chất thoả mãn nhu cầu tồn tại và phát triển của con người, xã hội. Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, mọi hoạt động của con người trong tiến trình phát triển lịch sử của xã hội loài người đã dựa trên những cơ sở, tiền đề vật chất nhất định, và “tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử nhân loại” là “sự tồn tại của cá nhân những con người sống”. Hành vi đầu tiên mà con người tham dự vào lịch sử là hoạt động lao động “sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình”, và khi sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt đó của mình, “con người đã gián tiếp sản xuất ra chính đời sống vật chất của mình” [2;29]. Trong quá trình sản xuất, con người không chỉ sáng tạo ra những điều kiện vật chất cho sự tồn tại và phát triển của mình mà đồng thời sáng tạo ra những quan hệ xã hội của mình, từ đó sáng tạo ra toàn bộ các mặt của đời sống xã hội. Trong tác phẩm Lao động làm thuê và tư bản, C.Mác viết: “Trong sản xuất, người ta không chỉ quan hệ với giới tự nhiên. Người ta không thể sản xuất được nếu không kết hợp với nhau theo một cách nào đó để hoạt động chung và để trao đổi hoạt động với nhau. Muốn sản xuất được, người ta phải có những mối liên hệ và quan hệ nhất định với nhau và quan hệ của họ với giới tự nhiên, tức là việc sản xuất chỉ diễn ra trong khuôn khổ những mối liên hệ và quan hệ xã hội đó” [3;552] Không chỉ sáng tạo ra những mối liên hệ và quan hệ xã hội, trong quá trình sản suất, cùng với việc biến đổi giới tự nhiên, biến đổi đời sống xã hội, con người đồng thời biến đổi chính bản thân mình. Ph.Ăngghen đã khẳng định trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên: “Lao động là điều kiện cơ bản và đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người, và như thế đến một mức mà trên một ý nghĩa nào đó, chúng ta phải nói: lao động đã sáng tạo ra bản thân con người” [6;641]. Như vậy, theo quan niệm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, bằng hoạt động lao động trong suốt tiến trình lịch sử sản xuất vật chất của nhân loại, con người đã hình thành nên những mối quan hệ khách quan, phổ biến: Quan hệ của con người với giới tự nhiên, biểu hiện ở lực lượng sản xuất và quan hệ của con người với nhau để tiến hành sản xuất biểu hiện ở quan hệ sản xuất. Đây là hai mặt quan hệ thống nhất biện chứng với nhau trong một phương thức sản xuất. Mỗi phương thức sản xuất đặc trưng cho một hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Lịch sử xã hội loài người về bản chất là lịch sử phát triển kế tiếp nhau của các phương thức sản xuất, tức là cách thức con người thực hiện quá trình sản xuất vật chất ở những giai đoạn lịch sử nhất định của xã hội loài người. Trong quá trình phát triển của nền sản xuất xã hôị, phương thức sản xuất lỗi thời được thay thé bằng phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn. 48
  3. Giá trị khoa học của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Các Mác Sự biến đổi của phương thức sản xuất xã hội sẽ kéo theo sự biến đổi toàn bộ các mặt của đời sống xã hội, với tất cả các quan hệ xã hội về nhà nước, pháp quyền, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo. . . Khái quát lịch sử phát triển của nhân loại, C.Mác đã kết luận: “Việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp và chính mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta” [5;500]. Như vậy, C.Mác đã chọn điểm xuất phát từ hoạt động sản xuất vật chất - hành vi lịch sử đầu tiên của con người để nghiên cứu hình thái kinh tế - xã hội. Trong quá trình sản xuất vật chất, con người không ngừng làm biến đổi tự nhiên, biến đổi xã hội, đồng thời làm biến đổi chính bản thân mình. Sự phát triển không ngừng của sản xuất vật chất quy định sự biến đổi, phát triển các mặt của đời sống xã hội, làm cho xã hội phát triển từ hình thái thấp lên hình thái cao hơn. Cơ sở sâu xa của mọi hiện tượng xã hội và của mọi sự biến đổi xã hội chính là từ trong nền sản xuất vật chất. Với xuất phát điểm nghiên cứu như vậy, C.Mác đã xây dựng nên học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, một học thuyết nói lên thực chất quan niệm duy vật về lịch sử. 2.1.2. Tư tưởng về bản chất, cấu trúc của hình thái kinh tế - xã hội và tính quy luật trong biện chứng của sự phát triển xã hội Xã hội loài người đã phát triển trải qua nhiều hình thái kinh tế - xã hội nối tiếp nhau từ thấp đến cao. Hình thái kinh tế - xã hội (HTKT-XH) là một phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử dùng để chỉ xã hội ở từng giai đoạn lịch sử nhất định, với một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho xã hội đó, phù hợp với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất và với một kiến trúc thượng tầng tương ứng được xây dựng trên những quan hệ sản xuất ấy. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, HTKT-XH là một hệ thống hoàn chỉnh có cấu trúc phức tạp, trong đó các mặt cơ bản là lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng xã hội. Mỗi mặt của HTKT-XH là một phương diện tồn tại của các quan hệ xã hội cơ bản, có vị trí riêng và thống nhất biện chứng với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Lực lượng sản xuất là nền tảng vật chất - kỹ thuật của mỗi HTKT-XH. Hình thái kinh tế- xã hội khác nhau tương ứng với lực lượng sản xuất ở những trình độ khác nhau. Trình độ của lực lượng sản xuất biểu hiện trình độ mà nền sản xuất xã hội đã đạt được trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Ví dụ: Trình độ nông nghiệp lạc hậu, trình độ công nghiệp (cơ khí hoá, điện khí hoá, tự động hoá), hậu công nghiệp (tin học hoá, kinh tế tri thức...). Sự phát triển của lực lượng sản xuất là căn nguyên “suy đến cùng” của mọi sự biến đổi, phát triển xã hội, là nhân tố quyết định sự hình thành, phát triển và thay thế lẫn nhau của các HTKT-XH. 49
  4. Vũ Thị Kim Dung Cơ sở hạ tầng của xã hội được tạo thành từ các quan hệ sản xuất. Quan hệ sản xuất là quan hệ cơ bản, nền tảng chi phối và quyết định tất cả các quan hệ xã hội khác. Từ sự phân tích, xem xét mối quan hẹ tác động lẫn nhau giữa các yếu tố cấu thành đời sống xã hội, học thuyết hình thái kinh tế xã hội của C.Mác đã nêu rõ: “Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tùy thuộc vào ý muốn của họ - tức là những quan hệ sản xuất, những quan hệ sản xuất này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ. Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó xây dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị với những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó. Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung” [4;15]. Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, sự tồn tại của mỗi HTKT-XH được đặc trưng bởi một kiểu quan hệ sản xuất xã hội nhất định. Quan hệ sản xuất là tiêu chuẩn khách quan để phân biệt các chế độ xã hội. Kiến trúc thượng tầng xã hội là tổng thể các quan hệ về chính trị, pháp quyền và các quan hệ văn hoá, tinh thần khác. Kiến trúc thượng tầng được hình thành và phát triển trên nền tảng của một cơ sở hạ tầng nhất định, phù hợp với cơ sở hạ tầng đó. Kiến trúc thượng tầng có chức năng duy trì, củng cố, bảo vệ và phát triển cơ sở hạ tầng đã sinh ra nó. Lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, kiến trúc thượng tầng là những mặt cơ bản trong cấu trúc của hình thái kinh tế - xã hội. Các mặt đó quan hệ thống nhất với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Ngoài những mặt cơ bản đó, trong cấu trúc của hình thái kinh tế xã hội còn có các phương diện được hợp thành từ các mối quan hệ xã hội khác như quan hệ gia đình, giai cấp, dân tộc. . . Các quan hệ đó gắn kết với nhau một cách mật thiết, cùng được hình thành trên một cơ sở hạ tầng nhất định, và tồn tại, biến đổi, phát triển cùng với các quan hệ sản xuất hợp thành cơ sở hạ tầng xã hội đó. Phép biện chứng duy vật đã vạch rõ nguồn gốc, động lực của sự vận động và phát triển là sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Chính sự tác động biện chứng giữa các mặt, các yếu tố bên trong, hợp thành cấu trúc của một HTKT-XH đã biểu hiện ra thành quy luật khách quan, phổ biến của xã hội loài người, chi phối sự vận động, biến đổi, phát triển từ thấp đến cao của các hình thái xã hội khác nhau trong lịch sử. Quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật cơ bản nhất chi phối sự vận động và phát triển của xã hội. Trong mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất là phương diện quan hệ kinh tế - kỹ thuật, còn quan hệ sản xuất 50
  5. Giá trị khoa học của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Các Mác là phương diện quan hệ kinh tế - xã hội của nền sản xuất xã hội. Trình độ của lực lượng sản xuất trong mỗi gian đoạn lịch sử biểu hiện trình độ chinh phục tự nhiên của con người trong giai đoạn lịch sử đó. Trình độ lực lượng sản xuất được thể hiện ra ở trình độ của công cụ lao động, trình độ, năng lực lao động của người lao động, trình độ tổ chức, phân công lao động xã hội, đặc biệt là trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tương ứng với trình độ của lực lượng sản xuất là tính chất của nó. Trong tiến trình lịch sử, cùng với sự phát triển của nền sản xuất xã hội, lực lượng sản xuất đã phát triển từ tính chất cá nhân lên tính chất xã hội hoá. Khi trình độ của lực lượng sản xuất còn thấp, sản xuất nhỏ là chủ yếu, lao động chủ yếu dựa trên công cụ thủ công, phân công lao động kém phát triển thì lực lượng sản xuất mang tính chất cá nhân. Khi sản xuất đạt tới trình độ cơ khí, hiện đại, phân công lao động xã hội phát triển thì lực lượng sản xuất mang tính chất xã hội hoá. Sự phát triển của khoa học và sự ứng dụng những thành tựu khoa học vào sản xuất đóng vai trò to lớn, ngày càng trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của lực lượng sản xuất và của nền sản xuất xã hội. Ngày nay, khoa học đã phát triển đạt tới trình độ trở thành nguyên nhân trực tiếp của nhiều biến đổi to lớn trong sản xuất và đời sống. Khoa học đã trở thành “lực lượng sản xuất trực tiếp”. Tri thức khoa học thấm sâu và hiện diện trong mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh của tiến trình sản xuất. Khoa học và công nghệ hiện đại là đặc trưng của lực lượng sản xuất hiện đại trong thời đại ngày nay. Trong quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất có vai trò quyết định, nhưng quan hệ sản xuất có tính độc lập tương đối và tác động trở lại sự phát triển của lực lượng sản xuất. Khi quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, nó sẽ thúc đẩy mạnh mẽ lực lượng sản xuất phát triển. Còn khi quan hệ sản xuất đã trở nên lạc hậu, lỗi thời, nó trở thành nhân tố kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong một phương thức sản xuất xã hội là quan hệ giữa nội dung và hình thức. Lực lượng sản xuất là nội dung, còn quan hệ sản xuất là hình thức xã hội của nó. Khi hình thức phù hợp với nội dung, nó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của nội dung. Khi không còn phù hợp, nó sẽ trở thành yếu tố kìm hãm, cản trở. Sự mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức phát triển tới mức chín muồi, tất yếu sẽ được giải quyết. Theo quy luật chung, quan hệ sản xuất cũ sớm hay muộn, tất yếu sẽ được thay thế bằng quan hệ sản xuất mới phù hợp để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Việc giải quyết mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là vấn đề cơ bản trong hệ thống các quy luật xã hội. Nó diễn ra không đơn giản, một sớm một chiều mà là cả một quá trình biến đổi xã hội sâu sắc, là kết quả của hoạt động nhận thức và thực tiễn đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội của quần chúng nhân dân lao động, của các lực lượng xã hội tiến bộ, cách mạng. Tiến trình đó diễn ra lâu dài và khó khăn, đặc biệt là trong các giai đoạn mang tính bước ngoặt của tiến trình lịch sử. 51
  6. Vũ Thị Kim Dung Biện chứng của cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng cũng tạo thành quy luật khách quan, phổ biến của xã hội loài người, trong đó cơ sở hạ tầng có vai trò quyết định đối với kiến trúc thượng tầng, kiến trúc thượng tầng có tính độc lập tương đối và tác động trở lại cơ sở hạ tầng. Vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng đối với kiến trúc thượng tầng thể hiện ở chỗ: Cơ sở hạ tầng là nền tảng để hình thành trên nó một kiến trúc thượng tầng tương ứng. Cơ sở hạ tầng của xã hội như thế nào thì kiến trúc thượng tầng xã hội như thế ấy. Tính chất của kiến trúc thượng tầng được quyết định bởi tính chất của cơ sở hạ tầng. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp nào nắm quyền thống trị về kinh tế thì cũng nắm quyền thống trị về mặt chính trị, tinh thần, tư tưởng của xã hội. Nếu cơ sở hạ tầng xã hội có mâu thuẫn, tức là mâu thuẫn trong cơ cấu kinh tế, thì tất yếu dẫn tới những mâu thuẫn trong các yếu tố của kiến trúc thượng tầng, đặc biệt là những mâu thuẫn trong các lĩnh vực chính trị, tinh thần tư tưởng của xã hội. . . Khi cơ sở hạ tầng của xã hội thay đổi thì sớm hay muộn tất yếu sẽ diễn ra sự thay đổi trong kiến trúc thượng tầng. C.Mác viết: “Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng” [4;14]. Biểu hiện của sự tác động biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng diễn ra rất phức tạp. Khi cơ sở hạ tầng xã hội thay đổi, có những yếu tố của kiến trúc thượng tầng có quan hệ trực tiếp với cơ sở hạ tầng như nhà nước, pháp luật, hệ tư tưởng chính trị. . . , sự thay đổi diễn ra nhanh chóng. Nhưng có những yếu tố thay đổi chậm, hoặc rất chậm như tôn giáo, nghệ thuật, tâm lý xã hội. . . Có những yếu tố vẫn tiếp tục được kế thừa, phát triển trong điều kiện xã hội mới. Sự thay đổi của kiến trúc thượng tầng không diễn ra một cách tự phát mà là kết quả của hoạt động thực tiễn tự giác thông qua các cuộc đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội tạo ra sự biến đổi trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Kiến trúc thượng tầng xã hội được hình thành, phát triển trên nền tảng của cơ sở hạ tầng, tức cơ cấu kinh tế của một xã hội, chịu sự chi phối của cơ sở hạ tầng, đồng thời tác động trở lại cơ sở hạ tầng. Vai trò của kiến trúc thượng tầng thể hiện ở vai trò của nhà nước, hệ tư tưởng chính trị, pháp luật, hệ thống giáo dục đào tạo quốc dân, tri thức khoa học, đạo đức, văn hoá, nghệ thuật, các tổ chức, thiết chế xã hội, v.v. . . . Sự tác động trở lại của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng được thể hiện trên hai hướng: Một là, khi kiến trúc thượng tầng phù hợp với cơ sở hạ tầng, phù hợp với các quy luật kinh tế - xã hội khách quan, nó sẽ có tác động mạnh mẽ đối với việc duy trì, củng cố, bảo vệ và phát triển cơ sở hạ tầng đã sinh ra nó. Hai là, khi những yếu tố của kiến trúc thượng tầng không còn phù hợp, đã trở nên lạc hậu hơn so với sự biến đổi của cơ sở hạ tầng, nó sẽ cản trở, kìm hãm, tác động tiêu cực đến sự ổn định, bền vững và phát triển của cơ sở hạ tầng. Đồng 52
  7. Giá trị khoa học của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Các Mác thời do tính độc lập tương đối và tính sáng tạo của ý thức xã hội, sẽ có khả năng về sự xuất hiện một bộ phận tiên tiến trong kiến trúc thượng tầng (đó là những hệ tư tưởng chính trị, khoa học, văn hoá, nghệ thuật tiến bộ, cách mạng có tính vượt trước) có sứ mệnh mở đường cho nhận thức và thực tiễn, giác ngộ và tập hợp các lực lượng xã hội tiến bộ nhằm tiến hành một cuộc cách mạng xã hội xoá bỏ cơ sở hạ tầng đã lỗi thời đó để thiết lập cơ sở hạ tầng xã hội mới tiến bộ hơn. Kiến trúc thượng tầng có tác động mạnh mẽ trở lại cơ sở hạ tầng. Nhưng nguyên nhân xét đến cùng quyết định tiến trình khách quan của lịch sử vẫn là yếu tố kinh tế. Phải tìm nguồn gốc động lực thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội từ cơ sở kinh tế. Quên mất điều đó, tuyệt đối hoá vai trò của các yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng sẽ không tránh khỏi rơi vào sai lầm của chủ nghĩa duy tâm. Trong hệ thống quan điểm về tính quy luật trong sự phát triển của xã hội, học thuyết Hình thái kinh tế - xã hội cũng phân tích sâu sắc về vai trò của giai cấp, nhà nước và cách mạng xã hội trong biện chứng của sự phát triển xã hội, coi đó như là những mắt khâu quan trọng trong tiến trình lịch sử tự nhiên của xã hội loài người. 2.1.3. Tư tưởng coi sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên Với quan niệm duy vật biện chứng về lịch sử, C.Mác đã đi đến kết luận rằng, xã hội loài người phát triển trải qua nhiều giai đoạn kế tiếp nhau. Ứng với mỗi giai đoạn của sự phát triển đó là một hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Tiến bộ xã hội là sự vận động theo hướng tiến lên của các hình thái kinh tế - xã hội, là sự thay thế hình thái kinh tế - xã hội này bằng hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn, tiến bộ hơn mà nguồn gốc sâu xa của nó là sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất. Trong Lời tựa viết cho lần xuất bản thứ nhất bộ Tư bản, C.Mác viết: “Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên”. Luận điểm đó đã được V.I.Lênin giải thích thêm: “Chỉ có đem quy những quan hệ xã hội vào những quan hệ sản xuất, và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của những lực lượng sản xuẫt thì người ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của những hình thái kinh tế xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên. Và dĩ nhiên là không có một quan điểm như thế thì không thể có một khoa học xã hội được” [1;163]. Nguyên lý về sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên trong học thuyết của C.Mác cần được hiểu trên các phương diện ý nghĩa như sau: - Thứ nhất, vì đó là tiến trình diễn ra một cách khách quan, do sự tác động của hệ thống các quy luật xã hội khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. - Thứ hai, vì đó là kết quả của sự phủ định biện chứng, là quá trình biến đổi 53
  8. Vũ Thị Kim Dung xã hội đi từ sự tích luỹ dần dần về lượng dẫn đến những sự thay đổi về chất, là quá trình phát sinh, phát triển và giải quyết mâu thuẫn bên trong của chính bản thân xã hội, là sự phát triển mang tính kế thừa. Quá trình vận động xã hội đó diễn ra vừa có tính chất tịnh tiến vừa có bước nhảy vọt. Cách mạng xã hội là bước nhảy vọt về chất đưa xã hội từ hình thái kinh tế - xã hội cũ lên một hình thái kinh tế - xã hội mới cao hơn. Quá trình lịch sử ấy diễn ra một cách tự nhiên, phổ biến, tạo thành các thời đại kế tiếp nhau. Trong Chống Đuyrinh, Ph.Ăngghen cũng đã nêu ra các hình thái kinh tế - xã hội: nô lệ, phong kiến, tư sản. Còn V.I.Lênin, trong Bàn về nhà nước đã phân chia các hình thái kinh tế - xã hội thành: xã hội nguyên thuỷ, xã hội chiếm hữu nô lệ, chế độ nông nô, chế độ tư bản. Đồng thời các ông cũng dự đoán rằng, xã hội tư bản chủ nghĩa nhất định phải nhường chỗ cho xã hội cộng sản chủ nghĩa. Sự thay thế HTKT-XH tư bản chủ nghĩa bằng HTKT-XH cộng sản chủ nghĩa trong tương lai, nhìn một cách khái quát cũng là sự biểu hiện của tiến trình lịch sử tự nhiên một khi phương thức tư bản chủ nghĩa đã trở nên lạc hậu, lỗi thời, nó tất yếu sẽ bị thay thế bằng một phương thức sản xuất cao hơn. - Thứ ba, sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên vì quá trình đó diễn ra vừa mang tính tất yếu, phổ biến, vừa thể hiện tính đa dạng, phong phú, muôn hình muôn vẻ của đời sống xã hội hiện thực. Quá trình lịch sử tự nhiên đó vừa chịu sự tác động, chi phối bởi các quy luật chung, phản ánh khái quát con đường phát triển chung của lịch sử nhân loại, vừa thể hiện nét riêng, độc đáo, tính đặc thù trong sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Trong tiến trình chung của sự phát triển của xã hội loài người, nhiều dân tộc lần lượt trải qua các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao theo con đường phát triển tuần tự, nhưng cũng có những dân tộc thực hiện sự phát triển rút ngắn, bỏ qua một hay một số hình thái kinh tế - xã hội nào đó. Con đường phát triển rút ngắn cũng là biểu hiện của tiến trình lịch sử tự nhiên theo quy luật khách quan chứ không phải theo ý muốn chủ quan của con người. Như vậy, quá trình lịch sử tự nhiên của sự phát triển xã hội chẳng những diễn ra bằng con đường phát triển tuần tự, mà còn bao hàm cả sự bỏ qua, trong những điều kiện nhất định, một hoặc một vài hình thái kinh tế - xã hội nào đó để tiến thẳng lên hình thái kinh tế - xã hội cao hơn. Chẳng hạn, các thổ dân châu Úc, châu Mỹ, nước Mỹ đã tiến thẳng lên chủ nghĩa tư bản từ chế độ nô lệ; Các nước Italia, Pháp, Tây Ban Nha. . . tuần tự đi từ chế độ nô lệ lên phong kiến và tư bản chủ nghĩa; Các nước Nga, Đức, Ba Lan lại bước vào chế độ phong kiến mà không qua chế độ nô lệ,... Từ những năm 60 của thế kỷ XIX, nước Nga thực hiện con đường phát triển tư bản chủ nghĩa trong tình trạng vẫn tồn tại kết cấu công xã nông thôn với chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất, không có chế độ nô lệ, rồi từ một nước tư bản chủ nghĩa mới ở mức trung bình đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển, từ sau Cách mạng Tháng Mười đã lựa chọn con đường phát triển rút ngắn, thực hiện quá 54
  9. Giá trị khoa học của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Các Mác độ trực tiếp lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Việc bỏ qua một hay một số hình thái kinh tế - xã hội là khả năng thực tế được tạo nên do chính những quy luật chung nhất của sự vận động của lịch sử mà lý luận hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã vạch ra. Đây chính là biện chứng giữa cái chung và cái riêng, cái khách quan và cái chủ quan trong sự vận động phát triển của xã hội. Điều kiện khách quan để thực hiện phát triển rút ngắn, đó chính là tiền đề kinh tế và yếu tố thời đại. Khả năng đó chỉ trở thành hiện thực khi xu thế khách quan của thời đại cho phép và khi các nước thực hiện sự phát triển rút ngắn tạo ra được sự phát triển vượt bậc về lực lượng sản xuất, tạo cơ sở nền tảng vật chất - kỹ thuật cho hình thái kinh tế - xã hội tương lai. Về nhân tố chủ quan, các nước thực hiện con đường phát triển rút ngắn phải có sự xác định đúng đắn về mục tiêu và đường lối phát triển, phải có sự nhận thức và vận dụng đúng các quy luật khách quan của sự vận động, phát triển xã hội, phải biết khai thác, phát huy các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người và phải biết tận dụng triệt để các nhân tố thời đại. Cần thiết phải có những quyết sách đúng để giải quyết một cách hài hòa mối quan hệ biện chứng giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan trong tiến trình phát triển. Nhận thức lý luận về sự phát triển “rút ngắn” trong thời đại ngày nay cần được hiểu không phải chỉ với ý nghĩa là sự bỏ qua một hình thái kinh tế - xã hội nào đó, tiến thẳng lên hình thái cao hơn, mà còn với ý nghĩa là sự rút ngắn về tiến độ thời gian trong quá trình hình thành và phát triển của bản thân một hình thái kinh tế - xã hội. Nhật Bản từ nửa sau của thế kỷ XIX và sự “cất cánh” của những “con Rồng châu Á” trong hơn nửa thế kỷ trở lại đây là những ví dụ tiêu biểu cho quan điểm này. Từ sau cải cách Minh Trị Thiên hoàng, bắt đầu từ năm 1868, coi triết lý phát triển mới mang tính đột phá, bằng cách cải tổ và hiện đại hoá các hệ thống xã hội, giáo dục, kinh tế, quân sự, chính trị và công nghiệp, “cuộc cách mạng có kiểm soát” của Minh Trị đã biến Nhật Bản từ một nước phong kiến lạc hậu và bị cô lập thành một cường quốc trên thế giới. Đặc biệt, với quan điểm phát triển dựa trên sự kết hợp tính hợp lý khoa học với nền tảng tinh thần cộng đồng và đầu óc thực tiễn, từ đống hoang tàn đổ nát sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, với sự gánh chịu nặng nề của thảm hoạ bom nguyên tử, Nhật Bản chỉ trong vòng 10 năm đã vươn dậy và tạo ra sự phát triển thần kỳ. Bước phát triển ngoạn mục đã đem đến cho Nhật Bản vai trò quốc tế như một quốc gia công nghiệp và thương mại và dần dần trở thành nước có tiềm lực kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Singapore là một đảo quốc nằm ở vùng Đông Nam Á, có diện tích nhỏ bé 692,7 km2 , từng là một làng chài của Malaysia khi nó bị chiếm làm thuộc địa của Anh vào thế kỷ XIX, sau đó lại bị quân đội Nhật chiếm đóng trong chiến tranh thế giới thứ 2, tới tháng 9/1945, lại bị Anh thiết lập trở lại nền thống trị, năm 1965 mới 55
  10. Vũ Thị Kim Dung giành được độc lập. Phải đối mặt với nhiều khó khăn: nạn thất nghiệp, thiếu nhà ở, đất đai và tài nguyên thiên nhiên, bằng triết lý phát triển tích cực, Singapore đã nhanh chóng tìm được bước đi thích hợp cho mình và đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với những điều “thần kỳ” trong phát triển kinh tế. Chỉ sau 3 thập kỷ xây dựng và phát triển, Singapore đã bước vào hàng ngũ các “nước công nghiệp mới” (NIC) trên thế giới và trở thành quốc gia phát triển nhất ở Đông Nam Á, một quốc gia mẫu mực về nhiều mặt, trong đó nổi bật là giáo dục, y tế, trật tự kỷ cương xã hội, luật pháp nghiêm minh. . . Bài học thành công của Singapore là từ triết lý phát triển mang tính thực tiễn cao, trong đó đặc biệt coi trọng các nhân tố văn hoá như tri thức khoa học, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, chính sách đãi ngộ, thu hút và trọng dụng nhân tài, tinh thần dân chủ. . . Hàn Quốc cũng từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội vô cùng khó khăn, sau 30 năm đã trở thành một nước công nghiệp mới (NIC), là một con “Rồng’ trong bốn con “Rồng kinh tế” ở Châu Á, có nền công nghiệp phát triển, nông nghiệp tiên tiến, cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống thông tin ở trình độ cao, nền văn hoá giáo dục tiên tiến. Sự “cất cánh’ của nền kinh tế Hàn Quốc có nguyên nhân từ quan điểm phát triển thiết thực, phù hợp, tận dụng, phát huy được các nhân tố thời đại. . . Đó là những minh chứng lịch sử sinh động cho triết lý về sự phát triển rút ngắn trong Học thuyết HTKT-XH của C.Mác trong thời đại ngày nay. Phát triển rút ngắn thực chất là tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, thậm chí nhảy vọt của lực lượng sản xuất. Sự phát triển lực lượng sản xuất là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình văn minh nhân loại. Trình độ của lực lượng sản xuất càng cao, lực lượng sản xuất càng phát triển tạo ra những bước nhảy vọt thì càng tạo khả năng và điều kiện cho phát triển rút ngắn. Việc quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa đang là một xu thế hiện thực đối với các nước đang phát triển trong thời đại ngày nay, trong đó có Việt Nam. 2.2. Giá trị, ý nghĩa và sức sống bền vững của Học thuyết HTKT-XH của C.Mác Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của triết học Mác đã vạch rõ bản chất, cấu trúc của một hình thái kinh tế - xã hội và lôgíc nội tại, nguyên nhân bên trong, nguồn gốc, động lực thúc đẩy sự biến đổi, phát triển xã hội. Triết học Mác đã đưa ra cách tiếp cận nghiên cứu xã hội từ việc nghiên cứu hình thái kinh tế - xã hội. Cách tiếp cận “hình thái kinh tế - xã hội” này đã đưa lại một hệ thống quan điểm và một phương pháp nghiên cứu xã hội thực sự khoa học. Theo cách tiếp cận “hình thái kinh tế - xã hội” của C.Mác, sản xuất vật chất là cơ sở của đời sống xã hội, phương thức sản xuất quyết định các mặt của đời sống xã hội. Cho nên không thể xuất phát từ ý thức, tư tưởng, ý chí chủ quan của con người để giải thích các hiện tượng trong đời sống xã hội, lịch sử mà phải xuất phát 56
  11. Giá trị khoa học của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Các Mác từ phương thức sản xuất. Xã hội không phải là sự kết hợp một cách ngẫu nhiên, máy móc giữa các cá nhân, mà là một chỉnh thể sống động, được hình thành và phát triển tuân theo những quy luật tất yếu khách quan, trong đó các mặt, các yếu tố hợp thành có mối quan hệ thống nhất chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Quan hệ sản xuất là quan hệ cơ bản, quyết định các quan hệ xã hội khác, là tiêu chuẩn khách quan để phân biệt các chế độ xã hội. Việc phân kỳ lịch sử do đó cần thiết phải dựa trên tiêu chuẩn khách quan là các quan hệ sản xuất đặc trưng trong mỗi thời kỳ lịch sử đó. Cách tiếp cận “hình thái kinh tế - xã hội” còn đặt ra yêu cầu muốn nhận thức đúng về đời sống xã hội không thể chỉ nghiên cứu bề mặt, không thể dừng lại ở xem xét hiện tượng, mà phải đi sâu nghiên cứu các quy luật khách quan của sự vận động, phát triển của xã hội. V.I.Lênin viết: “Xã hội là một cơ thể sống đang phát triển không ngừng (chứ không phải là một cái gì được kết thành một cách máy móc và do đó cho phép có thể tuỳ ý phối hợp các yếu tố xã hội như thế nào cũng được), một cơ thể mà muốn nghiên cứu nó thì cần phải phân tích một cách khách quan những quan hệ sản xuất cấu thành một hình thái xã hội nhất định và cần phải nghiên cứu nhưng quy luật vận hành và phát triển của hình thái xã hội đó” [1;198]. Với cách tiếp cận này, xã hội được xem xét trong tính chỉnh thể, toàn vẹn trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và trong tổng thể các mối quan hệ phức tạp, đa dạng, nhiều chiều của nó. Trên cơ sở đó làm sáng tỏ những mối liên hệ bên trong, bản chất, tất yếu lặp lại của các hiện tượng xã hội, loại bỏ những chi tiết cá biệt, những bề ngoài, ngẫu nhiên để dựng lại cấu trúc ổn định và lôgíc phát triển nội tại của quá trình lịch sử. Từ khi có sự ra đời của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác cho đến nay, loài người đã có những bước phát triển hết sức to lớn về mọi mặt. Cũng có sự xuất hiện nhiều học thuyết triết học khác nhau với những cách tiếp cận nghiên cứu và giải thích về xã hội, lịch sử khác nhau, nhưng chưa có học thuyết nào vượt qua nổi tầm vóc tư tưởng so với học thuyết của C.Mác. Trước C.Mác, các nhà xã hội học, triết học về thực chất đều đứng trên lập trường duy tâm trong việc xem xét xã hội, nên không thể phát hiện ra các quy luật khách quan trong sự phát triển của xã hội loài người, từ đó không thể giải thích một cách khoa học sự vận động, phát triển của lịch sử hay vấn đề phân kỳ lịch sử xã hội. Chẳng hạn, nhà triết học cổ điển Đức - G.W.F.Hegel (1770-1831) căn cứ vào quan niệm duy tâm về trình độ vươn tới tự do của con người đã chia lịch sử loài người thành ba thời kỳ chủ yếu: Phương Đông, Cổ đại và Giécmani. Nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp - Charles Fourier (1771-1837) với cách tiếp cận văn hóa thì chia tiến trình lịch sử thành bốn thời kỳ: mông muội, dã man, gia trưởng và văn minh. Henry Morgan (1818-1881), từ góc độ nhân chủng học lại phân chia lịch sử thành ba thời kỳ chính: mông muội, dã man và văn minh. . . Những cách phân kỳ đó chưa đem lại cách nhìn khoa học về một xã hội cụ thể trong tính chỉnh thể toàn vẹn và lôgic nội tại của nó. 57
  12. Vũ Thị Kim Dung Trong những năm gần đây, những người muốn phủ định học thuyết của C.Mác đã đưa ra nhận định rằng cách tiếp cận hình thái kinh tế xã hội đã trở nên lạc hậu so với thời đại và cần phải thay thế bằng cách tiếp cận khác, đó là cách tiếp cận bằng các nền văn minh của Alvin Toffler. Cách tiếp cận này phân chia lịch sử phát triển nhân loại thành các giai đoạn: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh hậu công nghiệp (hay văn minh tin học, văn minh trí tuệ). Họ lập luận rằng cách tiếp cận hình thái đã quá nhấn mạnh yếu tố kinh tế và đấu tranh giai cấp mà không đề cập ở tầng sâu hơn, phổ biến và khái quát hơn là các làn sóng văn minh. Đánh giá một cách khách quan, cách tiếp cận từ các nền văn minh để nghiên cứu xã hội có những giá trị nhất định. Nhưng về thực chất đây là cách phân kỳ lịch sử chỉ dựa vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, vào sự ứng dụng và phát triển của khoa học công nghệ, coi đó là tiêu chí duy nhất mà bỏ qua vai trò của quan hệ sản xuất, của các mối quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp, không thấy được một cách đầy đủ, toàn diện mọi phương diện của đời sống xã hội từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng, từ lĩnh vực kinh tế đến các lĩnh vực chính trị, văn hoá, tinh thần xã hội như học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác. Đặc biệt cách tiếp cận này không chỉ rõ được những vấn đề thuộc cấp độ bản chất, mang tính quy luật, những căn nguyên sâu xa chi phối toàn bộ đời sống xã hội, lịch sử. Vì thế, xét về giá trị khoa học, không thể đem phương pháp tiếp cận bằng các nền văn minh để thay thế cách tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác. Sự ra đời của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác là một bước ngoặt trong lịch sử phát triển của các khoa học nghiên cứu về xã hội và của triết học. Đúng như V.I.Lênin đã nhận xét: “quan niệm duy vật lịch sử không còn là một giả thuyết nữa, mà là một nguyên lý đã được chứng minh một cách khoa học; và chừng nào chúng ta chưa tìm ra được một cách nào khác để giải thích một cách khoa học sự vận hành và phát triển một hình thái xã hội nào đó. . . thì chừng đó quan niệm duy vật lịch sử vẫn cứ đồng nghĩa với khoa học xã hội. Chủ nghĩa duy vật không phải “chủ yếu là một quan niệm khoa học về lịch sử”,. . . mà là một quan niệm khoa học duy nhất về lịch sử" [1;166]. 3. Kết luận Trong xu thế quốc tế hoá và toàn cầu hoá của thời đại ngày nay, việc nhận thức được một cách đúng đắn bản chất, quy luật khách quan của xã hội, lịch sử để từ đó xác định được một triết lý phát triển bền vững, tích cực là vấn đề vô cùng hệ trọng đối với mọi quốc gia, dân tộc. Để có được sự nhận thức đúng đắn đó, cơ sở lý luận khoa học nền tảng không thể thay thế chính là Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác. Trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội hiện thực đang tạm thời lâm vào thoái trào, khủng hoảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch tìm mọi thủ đoạn vu cáo, xuyên tạc hòng bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội là một trọng điểm lý 58
  13. Giá trị khoa học của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Các Mác luận bị công kích từ nhiều phía. Sứ mệnh của các nhà khoa học, những người cách mạng chân chính là phải kiên quyết đấu tranh bảo vệ sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội nói riêng. Điểm tựa vững chãi cho lập trường đấu tranh đó trước hết là ở sự nhận thức đầy đủ, toàn diện và sâu sắc bản chất khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác. Học thuyết Hình thái kinh tế - xã hội của Triết học Mác - Lênin vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] V.I.Lênin, 1974. Toàn tập, t.1. Nxb Tiến bộ, Matxcơva. [2] C.Mác và Ph.Ăngghen, 1995. Toàn tập, t.3. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [3] C.Mác và Ph.Ăngghen, 1993. Toàn tập, t.6. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [4] C.Mác và Ph.Ăngghen, 1993. Toàn tập, t.13. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [5] C.Mác và Ph.Ăngghen, 1995. Toàn tập, t.19. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [6] C.Mác và Ph.Ăngghen, 1994. Toàn tập, t.20. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. ABSTRACT Scientific values of Karl Marx’s theory on forms of social economy In this article, the author sums up basic thoughts in Marx’s theory on forms of social economy. Those are thoughts on the approach, of the starting points to study sociology; history; regarding the characteristics, the structure of forms of social economy and the internal logicistics, internal causes, roots, forces, and the objective system of laws that motivate social change and development. The author especially raises Marx’s point of view that considers the evolution of forms of social economy as a natural process of history. This natural process takes place according to the common laws that generally define the development of humankind history, and also according to specific, unique characteristics of each country and all people within its own historical contexts. The author also compares Marx’s approach in studying society with other approaches in modern Western thought and philosophy, analyzes and identifies su- periorities of Marx’s logics versus A. Toffler’s “waves of civilization” approach. To conclude, the author confirms that Marx’s theory on forms of social economy is a landmark in the history of the development of human sciences on society. The values of that theory remain intact to the present time. 59
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2