intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giải pháp nâng cao hiệu quả rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải qua giảng dạy các môn Lý luận chính trị

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

42
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết trình bày xu thế của việc giảng dạy các môn lý luận chính trị với việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho sinh viên; Giải pháp nâng cao hiệu quả rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho sinh viên Đại học Giao thông vận tải qua giảng dạy các môn lý luận chính trị hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giải pháp nâng cao hiệu quả rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải qua giảng dạy các môn Lý luận chính trị

  1. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ RÈN LUYỆN KỸ NĂNG GIAO TIẾP CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI QUA GIẢNG DẠY CÁC MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Phan Thế Lượng1* 1 Trường Đại học Giao thông Vận tải, Số 3 Cầu Giấy, Hà Nội * Tác giả liên hệ: Email: luong _pt@utc.edu.vn; Tel: 0912699159 Tóm tắt. Kỹ năng giao tiếp hết sức quan trọng với sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải. Các môn Lý luận chính trị có ưu thế to lớn về nội dung và phương pháp giảng dạy trong việc giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Để phát huy được ưu thế này đòi hỏi giảng viên giảng dạy các môn Lý luận chính trị, các cấp lãnh đạo, quản lý nhà trường và bản thân sinh viên phải có có thái độ, cách tiếp cận đúng đắn, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập, tổ chức thi cử, đánh giá. Từ khóa: Kỹ năng giao tiếp, lý luận chính trị, nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy, giảng viên, sinh viên. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khi tiến bộ của công nghệ đang bùng nổ khắp thế giới đòi hỏi nền giáo dục Việt Nam nói chung và hoạt động giáo dục, đào tạo tại Trường Đại học Giao thông vận tải nói riêng phải thay đổi. Nó phải thay đổi từ cách tiếp cận “truyền thụ tri thức” truyền thống sang cách tiếp cận “giải quyết vấn đề”. Để giải quyết các vấn đề, sinh viên không những phải có kiến thức mà còn phải có các kỹ năng. Ngân hàng Thế giới gọi thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng – Skills Based Economy. Các nhà khoa học thế giới cho rằng: để thành đạt trong cuộc sống thì kỹ năng mềm (trí tuệ cảm xúc) chiếm 85%, kỹ năng cứng (trí tuệ logic) chỉ chiếm 15 % . Hiện nay, rất nhiều nhà tuyển dụng xem trọng những kỹ năng của các ứng viên và xem đây là một trong những yêu cầu tuyển dụng quan trọng. Chuẩn đầu ra của sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải hiện nay có đề cập đến các kỹ năng. Trách nhiệm rèn luyện kỹ năng nói chung và kỹ năng giao tiếp nói riêng cho sinh viên nhà trường là của tất các khoa, bộ môn, Đoàn Thanh Niên, Hội Sinh Viên, Phòng Công tác Chính trị và Sinh viên, … trong đó, trực tiếp nhất là các thầy cô dạy các môn học. Các môn lý luận chính trị do đặc thù là người dạy và người học đều chủ yếu phải sử dụng tư duy ngôn ngữ nên càng phải có trách nhiệm trong việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho sinh viên. -489-
  2. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải 2. NỘI DUNG 2.1. Ưu thế của việc giảng dạy các môn lý luận chính trị với việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho sinh viên. 2.1.1. Ưu thế về nội dung giảng dạy. Tất cả các môn học bên cạnh nhiệm vụ cung cấp kiến thức chuyên môn cho sinh viên đều phải có chức năng rèn luyện các kỹ năng mềm nói chung và kỹ năng giao tiếp nói riêng cho các em. Trong đó, các môn lý luận chính trị với thời lượng 11 tín chỉ, ngoài nhiệm vụ chính là giúp sinh viên nắm được những nội dung cơ bản của Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, phải đi đầu trong việc giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Bởi vì các môn lý luận chính trị có những ưu thế vượt trội về nội dung chuyên môn liên quan đến hoạt động rèn luyện kỹ năng giao tiếp của sinh viên so với các môn học khác, nhất là ở một trường học thiên về đào tạo sinh viên khối ngành kỹ thuật như Trường Đại học Giao thông vận tải. Cái gốc của kỹ năng giao tiếp là thái độ, tình cảm đúng đắn, tinh thần trách nhiệm với đất nước, nhân dân và mỗi con người. Các môn lý luận chính trị giúp cho sinh viên hình thành thế giới quan khoa học, tình cảm cách mạng, tinh thần nhân đạo và nhân văn cao cả. Cái nền, cái gốc ấy được xây dựng tốt sẽ giúp cho sinh viên tự tin, chủ động trong giao tiếp, xử lý thông tin hiệu quả, làm cho giao tiếp trở thành kỹ năng. Engels nói: ngôn ngữ là vỏ bọc của tư duy. Các phương tiện phi ngôn ngữ dùng để giao tiếp cũng là như vậy. Nói ngược lại, tư duy chính là nội dung bên trong của ngôn ngữ, phương tiện phi ngôn ngữ. Người ta không thể làm cho giao tiếp trở thành kỹ năng nếu như không có tư duy tốt. Các môn lý luận chính trị với chức năng thế giới quan, phương pháp luận của mình sẽ giúp cho sinh viên rèn tư duy khoa học, nhạy bén, từ đó sẽ dễ dàng hơn trong việc biết hoàn cảnh, biết mình, biết người, biết nhu cầu, động cơ của đối tượng giao tiếp và chủ động điều khiển quá trình giao tiếp đạt được mục đích đã định. Giao tiếp hiệu quả không thể thiếu cái phông văn hóa, cái nền kiến thức chính trị, xã hội. Trong môi trường đại học với chủ đạo là các khối ngành kỹ thuật và kinh tế thì các môn lý luận chính trị là cứu cánh bổ trợ cho sinh viên phông nền văn hóa, kiến thức chính trị, xã hội. Những hiểu biết này sẽ giúp cho sinh viên thêm tự tin, nhẫn nại, thấu hiểu, sẻ chia trong các cuộc giao tiếp, biết khi nào, điều gì nên nói, không nên nói, biết tiến, biết lùi, biết dừng khi giao tiếp. 2.1.2. Ưu thế về phương pháp giảng dạy Nếu nội dung giảng dạy, các môn lý luận chính trị bổ trợ cho sinh viên cái phông, cái nền thái độ, tư duy, kiến thức để giao tiếp hiệu quả thì về mặt phương pháp giảng dạy, các môn lý luận chính trị có thể giúp cho sinh viên được trực tiếp rèn luyện các kỹ năng giao tiếp cụ thể. Các thầy cô dạy các môn lý luận chính trị được đào tạo ở các trường sư phạm, các trường thuộc khối ngành xã hội và nhân văn nên đều sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp thuyết trình, vấn đáp, nêu vấn đề, tổ chức thảo luận, … -490-
  3. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải Phương pháp thuyết trình trong giảng dạy các môn lý luận chính trị sẽ giúp cho các em rèn luyện được kỹ năng lắng nghe. Bởi vì với biên độ kiến thức rộng, nếu không tập trung lắng nghe, bỏ rơi một đoạn nào đó, các em sẽ không nắm được nội dung bài giảng, khó mà hiểu được bản chất vấn đề được nêu trong bài giảng. Nếu nghe với sự tập trung được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ góp phần giúp các em hình thành kỹ năng lắng nghe, một kỹ năng quan trọng cấu thành kỹ năng giao tiếp. Phương pháp vấn đáp, thầy hỏi trò đáp, trò hỏi thầy đáp liên tục, sẽ giúp cho sinh viên học cách kiểm soát cảm xúc, cách nhận biết nhanh ý của đối phương, cách công não, rèn tư duy sắc sảo để nhanh chóng hỏi cũng như trả lời câu hỏi của đối tượng giao tiếp. Qua những câu hỏi đáp liên tục ấy giúp các em dần học được cách hỏi đáp đạt được mục đích là truyền đạt đầy đủ thông tin đến đối tượng giao tiếp và nắm bắt chính xác thông tin phát đi từ đối tượng giao tiếp. Phương pháp nêu vấn đề là thầy nêu lên một vấn đề liên quan đến môn học, cung cấp các nguồn học liệu cần thiết, yêu cầu sinh viên giải quyết vấn đề. Phương pháp này sẽ rèn cho sinh viên cách lắng nghe để nắm bắt đầy đủ, chính xác vấn đề đặt ra, cách khai thác tư liệu, tra xét, thu thập dữ liệu liên quan đến vấn đề, cách liên kết các dữ liệu thành một bài nói, bài viết ngắn gọn, hoàn chỉnh, sử dụng ngôn ngữ, văn phong hiệu quả để giải quyết vấn đề. Phương pháp tổ chức thảo luận là thầy lập hoặc yêu cầu sinh viên lập các nhóm, cử nhóm trưởng, giao chủ đề cho các nhóm, yêu cầu các nhóm thảo luận, phân công nhiệm vụ cho các thành viên chuẩn bị nội dung liên quan đến chủ đề, thảo luận nội bộ trong nhóm đi đến thống nhất, sau đó trình bày, trao đổi các nội dung chủ đề với thầy cô và các thành viên trong lớp. Với phương pháp này sinh viên được rèn cách giao tiếp nhóm, bàn bạc và phân công nhau thực hiện các nhiệm vụ, thuyết phục nhau đi đến nhất trí về các nội dung trình bày, rèn cách kiểm soát cảm xúc, sử dụng hiệu quả ngôn ngữ, ngôn ngữ cơ thể và các phương tiện hộ trợ như trình chiếu power point, máy vi tính,... 2.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho sinh viên Đại học Giao thông vận tải qua giảng dạy các môn lý luận chính trị hiện nay. 2.2.1. Giải pháp từ phía giảng viên. Để hỗ trợ sinh viên rèn luyện kỹ năng giao tiếp qua giảng dạy các môn lý luận chính trị đòi hỏi giảng viên phải quan tâm từ nội dung đến phương pháp giảng dạy. Về nội dung giảng dạy, có thể thấy thái độ sống đúng đắn, tư duy khoa học, phông kiến thức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội căn bản là hồn cốt của kỹ năng giao tiếp. Vì thế, trong quá trình giảng dạy các môn lý luận chính trị, các thầy cô phải giúp cho các em hình thành một thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, xây dựng một thái độ sống lạc quan, tích cực, yêu thương, vị tha, trách nhiệm, tự do và cộng sinh, phát triển tư duy độc lập - hợp tác, kế thừa - phê phán, chặt chẽ - sáng tạo, tạo dựng một phông nền văn hóa, kiến thức kinh tế, chính trị, xã hội đầy đặn và hữu dụng. Các thầy cô phải giúp các em thấy rằng vũ trụ, thiên hà, đại địa, muôn vật, con người và ý thức con người đều có thủy, có chung, có mối liên hệ với nhau, vạn vật hữu linh, vạn linh hữu vật, khả tri và bất khả tri như ánh sáng và bóng tối đồng hành, đan -491-
  4. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải quện vào nhau. Sự xuất hiện của ta, chúng ta giữa cuộc đời là ưu vật của tạo hóa nhưng vẫn chịu sự chế ước của hoàn cảnh, hoàn cảnh sáng tạo ra con người nhưng diện mạo của hoàn cảnh và đời sống con người tương lai ít nhiều phụ thuộc vào các hoạt động của con người cải biến bản thân và hoàn cảnh. Hành trình mưu cầu thành công và hạnh phúc của con người, do đó, không thể tách rời quá trình chăm lo đến sự phát triển hài hòa của hoàn cảnh, tức là gia đình, quê hương, đất nước, nhân loại. Từ đó, giúp cho các em thêm biết ơn và yêu thương cuộc đời, cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thân, bằng hữu, đối tác, người đời, biết trân quý gia đình, họ tộc, quê hương, đất nước, nhân loại, môi trường sống, biết sống tình nghĩa, lạc quan, khoan dung, hòa ái với bản thân, người thân, người khác, biết tạo dựng một đời sống tự do, ung dung, tự tại, biết phân biệt thiện - ác, đẹp - xấu, đúng - sai, thật - giả, biết mình, biết người, biết điều nên nói, việc nên làm, góp sức phát triển cái thiện, cái đẹp, cái đúng, cái thật, đấu tranh loại bỏ dần cái ác, cái xấu, cái sai, cái giả. Những điều này chính là gốc của kỹ năng giao tiếp. Phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị hiệu quả nhất đối với việc phát triển kỹ năng giao tiếp cho sinh viên là tổng hòa của các phương pháp thuyết trình, vấn đáp, nêu vấn đề và tổ chức thảo luận. Mỗi một phương pháp cụ thể đều có những ưu, nhược điểm riêng nhưng khi được người thầy giáo phối hợp với nhau bằng kỹ thuật, nghệ thuật sư phạm sẽ phát huy tối đa hiệu quả trong việc giúp đỡ các em rèn luyện, củng cố các kỹ năng cấu thành kỹ năng giao tiếp. Trong phần nhập môn và phần đầu mỗi chương của các môn lý luận chính trị, giảng viên nên dùng các phương pháp thuyết trình kết hợp với vấn đáp và nêu vấn đề để giúp các em định hướng, định vị và có một cái nhìn toàn diện về nội dung học tập. Khi triển khai phương pháp thuyết trình, giảng viên phải dạy cho các em cách theo dõi bài giảng, nắm được sợi dây logic các nội dung bài học. Đây cũng là dịp để giảng viên cung cấp cho các em cách sắp xếp, bố cục nội dung chủ đề, chủ điểm một cách logic, cách lựa chọn và trau truốt ngôn từ một cách giản dị, tinh tế, cách nhấn nhá, ngữ âm, ngữ điệu phối hợp với cử chỉ, điệu bộ một cách đầy lôi cuốn, hấp dẫn. Thuyết trình càng hay càng dễ đưa người học đến trạng thái hưng phấn, dẫn nhập người ta vào nội dung bài học. Nhưng trạng thái này duy trì quá lâu sẽ khiến người học quá tải và mệt mỏi. Để tạo sự hấp dẫn cho bài giảng, giúp người dạy và người học lấy lại sự cân bằng, tăng hiệu quả nhận thức cho sinh viên, nhất là giúp cho sinh viên có nhiều cơ hội để rèn luyện các kỹ năng cấu thành kỹ năng giao tiếp, giảng viên nên chuyển sang sử dụng phương pháp vấn đáp hoặc nêu vấn đề. Câu hỏi vấn đáp phải kết nối được kiến thức cũ với kiến thức mới, bao quát được nội dung bài học và phải vừa sức với sinh viên, không quá dễ cũng không quá khó. Thông qua quá trình hỏi đáp liên tục, xen giữa là các nhận xét, góp ý của thầy cô, sinh viên sẽ được rèn luyện cách kiểm soát cảm xúc, cách lắng nghe và phân tích nhanh câu hỏi, cách sử dụng ngôn ngữ và ngôn ngữ cơ thể để trả lời đúng, đủ câu hỏi một cách nhanh gọn, thuyết phục. Phương pháp nêu vấn đề đòi hỏi giảng viên phải thấy được vấn đề và hình dung cách giải quyết ở các nội dung bài giảng mà sinh viên cần chiếm lĩnh. Giảng viên phải đưa vấn đề phù hợp với khả năng nhận thức, kích thích tư duy của sinh viên, cung cấp nguồn học liệu và thời hạn giải quyết vấn đề cho các em. Quá -492-
  5. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải trình giải quyết chuỗi vấn đề đó sẽ giúp các em nắm bắt được kiến thức cần học tập, rèn luyện phản xạ, khả năng phân tích nhanh, giải quyết và trình bày vấn đề nhanh chóng, chính xác, tự tin trong giao tiếp. Phương pháp tổ chức thảo luận nên áp dụng cho phần sau các chương của các môn lý luận chính trị. Đây là phương pháp không chỉ giúp sinh viên làm chủ kiến thức cần nắm, mà còn có thể giúp các em nhiều nhất trong việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Để hướng tới việc tạo nhiều cơ hội cho các em được rèn luyện các kỹ năng cụ thể cấu thành kỹ năng giao tiếp, giảng viên nên thống nhất trong bộ môn các phần sẽ thảo luận, nên là phần sau của các chương, khi sinh viên đã có một cái nhìn tổng quát về nội dung chương, tương ứng với mỗi phần đặt thành một chủ đề thảo luận, chia lớp thành số nhóm tương ứng, bốc thăm chủ đề thảo luận. Giảng viên sẽ căn cứ vào kết quả trình bày của các nhóm, các thành viên trong nhóm để đánh giá, góp ý, cho điểm với nhóm và từng thành viên trong nhóm. Với phương pháp này giảng viên phải góp ý tỉ mỉ cho từng nhóm, từng thành viên trong nhóm,… Qua đó, giúp cho sinh viên rèn luyện kỹ năng giao tiếp nhóm, biết cách hiệp thương, thảo luận trong nhóm, rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kiểm soát cảm xúc, làm chủ kiến thức, giọng nói, cử chỉ, sân khấu của mình, truyền cảm hứng, chinh phục khán, thính giả. 2.2.2. Giải pháp từ phía Nhà trường. Để phát triển kỹ năng giao tiếp cho sinh viên, các cấp lãnh đạo Nhà trường phải nhận thức đúng tầm quan trọng của kỹ năng này cũng như các kỹ năng mềm khác trong chuẩn đầu ra của sinh viên. Các cấp lãnh đạo nhà trường từ Hội đồng trường, Ban Giám hiệu đến các lãnh đạo khoa, bộ môn nên đọc nhiều sách tinh hoa về giáo dục và quản trị của thế giới để thấy các nhà giáo dục, khoa học, chính khách, doanh nhân lớn trên thế giới cho rằng trong thời đại hiện nay kỹ năng quyết định đến 85% thành công, sự thăng tiến của một con người. Thời đại 4.0, nhiều việc hành chính, máy móc, phần mềm có thể làm thay con người, nhà trường nên mạnh dạn thu gọn bộ máy, nhân sự gián tiếp, rà soát lại chất lượng đội ngũ giảng viên, không chỉ là bằng cấp, mà quan trọng hơn là sự phản hồi của sinh viên, chấn chỉnh đội ngũ, tăng lương hai, tăng thu nhập cho giảng viên. Đồng thời giao nhiệm vụ giảng dạy cho giảng viên, không chỉ là giúp sinh viên nắm vững kiến thức môn học, mà còn phải hình thành các kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng giao tiếp. Trên cơ sở chính sách chung nêu trên, nhà trường nên giao nhiệm vụ cho khoa Lý luận chính trị, các bộ môn Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam phải rèn luyện cho sinh viên nhà trường một số kỹ năng mềm cụ thể, trong đó có kỹ năng giao tiếp. Vì các môn này được bố trí lần lượt trong các nấc, các học kỳ từ năm thứ nhất đến năm thứ hai, nhà trường có thể đòi hỏi kết thúc một môn học sinh viên phải đạt được sự phát triển kỹ năng giao tiếp và một số kỹ năng khác ở một mức độ nhất định. Để làm được điều này, nhà trường nên đảm bảo quy mô mỗi lớp học dưới 50 sinh viên. Với quy mô này giảng viên mới có thể quan tâm đến từng sinh viên, tạo cơ hội -493-
  6. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải cho từng em được rèn luyện kỹ năng giao tiếp và uốn nắn cho từng em trong quá trình giảng dạy của mình. Nhà trường nên tiếp tục đưa ra các quy định về đổi mới phương pháp giảng dạy. Việc số tiết thực hành, thảo luận được đưa lên xấp xỉ 50% tổng thời lượng mỗi môn học là một nỗ lực tích cực đáng ghi nhận. Đối với 50% tiết lý thuyết còn lại, nhà trường cũng nên có quy định một nửa trong số đó là thuyết trình, một nửa là phương pháp nêu vấn đề hoặc vấn đáp. Bởi vì với các phương pháp này nếu biết cách tổ chức, sinh viên không những có thể làm chủ kiến thức mà còn có cơ hội được rèn luyện các kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng giao tiếp nhiều hơn. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy phải đi liền với đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá. Nên đưa điểm quá trình lên 50% tổng điểm đánh giá học phần của sinh viên. Để phát triển kỹ năng giao tiếp cho sinh viên nhà trường, Phòng Công tác Chính trị và Sinh viên, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường lâu nay đóng một vai trò quan trọng. Các cơ quan, tổ chức này nên phối hợp với các thầy cô khoa lý luận chính trị tổ chức nhiều cuộc thi có ý nghĩa cho các em tham gia, cũng có thể mời các thầy cô cố vấn cho các câu lạc bộ của sinh viên, để cho các câu lạc bộ đó lôi cuốn, thu hút nhiều sinh viên tham gia hơn, hoạt động hiệu quả hơn. 3. KẾT LUẬN Các môn Lý luận chính trị phải đi đầu trong việc hỗ trợ sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Các thầy cô giảng dạy các môn Lý luận chính trị nên tự hào và ý thức đúng đắn trách nhiệm của mình trong việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho các em. Từ đó, không ngừng nâng cấp phẩm chất nhà giáo, tri thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm của chính mình, chuyển hóa thành các bài giảng, các hoạt động hướng đạo giúp sinh viên chiếm lĩnh tri thức, phát triển các kỹ năng, trong đó có kỹ năng giao tiếp. Các cấp quản lý Nhà trường cần hỗ trợ tối đa các thầy cô khoa Lý luận chính trị trong việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo hướng giúp sinh viên phát triển đồng đều thái độ, kiến thức và kỹ năng. LỜI CẢM ƠN Cảm ơn Ban Giám hiệu trường Đại học GTVT, Phòng Khoa học Công nghệ, Phòng Tài Chính kế toán đã tổ chức Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII để các thầy cô giáo, trong đó có tác giả được chia sẻ bài báo của mình. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Daniel Goleman, Trí tuệ xúc cảm, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2011. [2]. Lê Thẩm Dương, Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2019. [3]. Frank. Hrhoder, Tạo dựng tương lai * Vai trò của các viện đại học Hoa Kỳ, NXB. Văn Hoá Sài Gòn, 2009. [4]. S Renee Smith, Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, NXB Lao Động, Hà Nội, 2018. [5]. John Vu, Kiến tạo thế hệ Việt Nam ưu việt, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2017. -494-
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0