intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giang về

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

50
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Cha Giang nói tuần sau Giang về. San xé lịch, đánh dấu ngày Giang sẽ về với núi, với cha và với San nữa. San chấm bút vào đêm trước ngày Giang về, rồi ghi vào đó dòng chữ: “đêm nay Giang lên xe”. Và ngày hôm sau là một dòng mực đỏ lấp lóa và như nhảy múa: “ngày đón Giang về”. - Để nhắc cha nhớ. San nói thế khi cha Giang nhìn San cười “gì mà cẩn thận thế. Cha đếm ngón tay cũng nhớ. Hôm nay ngón cái, đếm một vòng ngón cái nữa là Giang...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giang về

  1. Giang về TRUYỆN NGẮN CỦA TIỂU QUYÊN Cha Giang nói tuần sau Giang về. San xé lịch, đánh dấu ngày Giang sẽ về với núi, với cha và với San nữa. San chấm bút vào đêm trước ngày Giang về, rồi ghi vào đó dòng chữ: “đêm nay Giang lên xe”. Và ngày hôm sau là một dòng mực đỏ lấp lóa và như nhảy múa: “ngày đón Giang về”. - Để nhắc cha nhớ. San nói thế khi cha Giang nhìn San cười “gì mà cẩn thận thế. Cha đếm ngón tay cũng nhớ. Hôm nay ngón cái, đếm một vòng ngón cái nữa là Giang về, sẽ nhanh thôi mà”. Cha nói thế chứ San thấy thì giờ trôi qua lâu quá. Từ lúc cha nói Giang về đến giờ lâu vậy mà chỉ mới có một ngày. Suốt hôm qua San không làm gì nên chuyện, chỉ quanh quẩn nghĩ chuyện Giang về mình sẽ làm gì. Dù cha không bảo San làm gì. Giang cũng không hề nhắn cha bảo San phải làm gì. Vậy mà San cứ đi ra đi vào, đụng cái này, đổ cái kia y như một đứa hậu đậu. San muốn làm điều gì đó cho ngày đón Giang về. *** Chiều muộn, cha Giang dừng xe trước nhà San, gọi với vào: - San, rảnh con? Qua ăn cơm chiều với cha. San tròng cái áo vào rồi lất cất chạy ra, đôi dép mòn quai gót lẹt xẹt trên nền đất. Cha Giang cười; - Sao mày lúc nào cũng tất bật thế con. Cứ từ từ, đi đâu mà vội. Cha chờ.
  2. San gãi gãi đầu. San quen rồi, San chờ người khác được chứ ai chờ San thì cái bụng San không chịu được. Cũng như San chờ Giang vậy. San đã chờ lâu lắm, rất lâu, từ cái ngày Giang quảy ba lô xuôi lưng đèo, bỏ cái thị trấn heo hút nằm chênh vênh đỉnh dốc này mà đi. Cha nói Giang đi để học cái chữ, rồi Giang sẽ về dạy cái chữ lại cho làng mình. Giang cũng nói Giang về. Ngày chia tay, Giang còn hôn lên những mái tóc rám nắng của những đứa trẻ tụ tập quanh nhà tiễn chị Giang về phố, hứa với chúng rằng ráng chờ, sau này chị Giang sẽ về dạy cho cái chữ. Làng chờ Giang. Cha chờ Giang. Và San chờ Giang mãi. Giang không về. Giang đi, cha thường gọi San sang nhà ăn cơm, có khi ngủ lại đêm với cha. Cha nói nhà vắng quá, đêm đêm cha nhìn ra vòm tối nơi thung lũng, thấy chạnh lòng. Nhớ Giang. San nằm bên cạnh cha, không nói cho cha biết San cũng nhớ Giang nhiều. San biểu cha kể San nghe chuyện lúc Giang còn ở nhà. Cha đã kể về tuổi thơ Giang, đi dài qua hành trình Giang lớn, rồi cả những kỷ niệm vui, những ký ức ngộ nghĩnh về Giang. Hình như chuyện của cha và San xoay đi đâu rồi thì cuối cùng cũng trôi về Giang – thói quen của nỗi nhớ đã hằn sâu vào nếp nghĩ, như thể đó là nhu cầu ăn và thở mỗi ngày của cha và San vậy. Thi thoảng trong những giấc mơ, San thấy Giang xinh tươi trong tà áo dài nền nã trên bục giảng trường làng, bên dưới là những đôi mắt trẻ thơ say sưa chăm chú nhìn những con chữ cô giáo Giang nắn nót ghi trên bảng. San đứng bên ngoài cửa lớp nhìn Giang, và nhận lại một cái nhìn trìu mến … Có khi San thấy San chở Giang trên chia xe cót két của ba xuôi đèo ra chợ, Giang chọn mua mớ rau con cá. Nụ cười Giang lạc trong nắng ban mai, ươm vàng màu cúc quỳ phố núi. Khi là hình ảnh cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều, Giang gắp thức ăn cho cha, San gắp thức ăn cho Giang. Những vòng tròn tình thương cứ xoay, cha Giang mỉm cười ngân ngân niềm hạnh phúc trong đáy mắt…
  3. Chỉ là những giấc mơ. Giang không về. Phố núi nhìn mải miết về hướng vời vợi xa. Hút dấu chân Giang. Núi buồn như mắt cha những chiều sơn cước. *** Lâu lắm Giang không biên thư về. Giang mua cho cha cái điện thoại. Cứ tít tít một tiếng là cha nhận được tin Giang. Nhanh cấp kỳ. Nhưng tin Giang nhắn lúc nào cũng ngắn. San thích đọc thư hơn. Bao giờ thư về Giang cũng có vài câu hỏi thăm San. Còn tin nhắn, chẳng bao giờ có tên San trong đó. Giang hỏi vội, trả lời vội. Có lần San lấy máy cha lần số gọi cho Giang, tiếng tút tút kéo dài. Giang không nghe máy. Lần khác San ngồi nhắn tin hỏi thăm Giang, Giang không trả lời. Hôm sau cha gọi hỏi, Giang báo bận. Chỉ thế thôi. Cái điện thoại liên lạc thì nhanh, nhưng lắm khi vô tình. Nhiều hôm thấy cha ngồi trầm ngâm lặng lẽ trước vuông sân trước, San thương cha lắm. San bắc ghế ngồi kế bên, hầu chuyện. Cha kêu hay là San dọn về ở hẳn với cha, cho nhà đỡ quạnh quẽ. Cha vui mà San cũng thôi buồn. San cầm chiếc lồng gà giở lên giở xuống, vậy được không cha. Nhỡ Giang về. Thì khi nào Giang về hẳn hay. Mà nhà cha cũng rộng, Giang về cũng có chỗ cho San mà. San gật. Vậy là hôm sau cha sang dọn nhà phụ San bằng cái xe cũ kỹ của cha. Nói là nhà cho sang chứ thật ra cũng chỉ là một chái lá San ngả lưng tạm sau ngày đi rẫy. Tài sản của San cũng không có gì quý giá ngoài mấy bộ quần áo và cái phảng – dụng cụ làm rẫy cha mua cho, thêm cái sống chén với dăm ba cái nồi đã móp méo, mấy cái bát và đôi đũa. Cha trêu: - Nghèo quá vậy con. San cười bẽn lẽn. Hồi nào giờ San sống giản đơn như thế. Ngày nào cũng như ngày nào, San lên rẫy. Buổi trưa cũng ở lại rẫy. Tối về thì lăn ra ngủ, hoặc sang chơi với cha Giang.
  4. Hạt mưa mồ côi lăn trong kiếp đời vô định, không biết mong mỏi hạnh phúc nào hơn nữa. *** Hôm nay Giang về. San thức dậy thật sớm, đi dọc con dốc xuống chân núi. San hít căng lồng ngực không khí tươi hồng trong buổi sớm mùa xuân. San nhìn bóng núi chờn vờn trong sương, khẽ mỉm cười. “Em đi dáng núi nhìn theo…” Câu hát này San đã hát không biết bao nhiêu lần, mỗi khi ngóng núi nhớ Giang. Bây giờ San lại hát, nhưng không phải vì nỗi nhớ mà vì niềm vui. Mặt trời chưa chạy hết nửa vòng trời Giang sẽ về rồi. San chạy ù trở lại nhà, ghé cổng nói vọng vào: - Cha ơi, con đi đây một chút! Rồi San hấp tấp đi về phía rừng. Đi tìm quà cho Giang. Thỉnh thoảng San vẫn vào rừng bẫy gà mang ra chợ bán hoặc đổi gạo. Gà rừng thịt day, ngon nên luôn có người hỏi mua. San bắt bao nhiêu cũng bán được hết. Có khi San bắt về nấu cháo hai cha con cùng ăn. Cha Giang nói gà rừng hồi này hiếm rồi, người ta đổ xô nhau đi bắt rồi bán cho mấy nhà hàng đặc sản gì đó ở tận thành phố. Gà công nghiệp lại đổ về làng, người ta ăn thấy thịt bở, chê. Lại đi tìm bẫy gà rừng, bây giờ rừng vắng, có khi tìm đỏ con mắt vẫn không thấy một con gà nào. - Phải tìm cho ra ít nhất 1 con gà để đãi Giang. San nhủ thầm. Cha Giang nói hôm nay ra chợ thị trấn mua ít thức ăn về làm tiệc đón Giang, cũng là tiệc cuối năm mừng sum họp. Có thêm món cháo gà đặc sản thì còn gì bằng. Nghĩ thế, San cứ đi sâu vào trong rừng, lòng vẫn phơi phới niềm vui khi nghĩ rằng chỉ cần mặt trời đỏ ối bên kia chân núi, San sẽ được gặp lại Giang,
  5. San về nhà lúc chiều muộn, bàn chân tươm máu vì bị xước cành nhọn. San hồi hộp đẩy cổng rào, nghe rõ tiếng Giang đang trò chuyện cùng cha ở nhà trong. San rón rén, rồi bất thần xuất hiện ở cửa: - Giang! San gọi lớn. - A, San. San về rồi đấy à. Đi đâu mà trông xơ xác thế? - San đi bẫy gà rừng đãi khách thành phố nè. San giơ con gà chiến lợi phẩm lên trước mặt Giang. San thấy Giang hơi ngả người về sau để tránh. - Chi cho khổ vậy, Giang có mua nhiều thức ăn Sài Gòn về lắm. San hơi sựng lại, trong giọng nói của Giang chỉ có sự ngạc nhiên chừng mực, không mừng rỡ, không có vẻ gì là quá mong đợi – hoàn toàn trái ngược với sự chờ đợi đếm từng ngày từng giờ của San. Và điều mà San hụt hẫng hơn hết là: Giang không về một mình. Giang không về một mình. Bên cạnh Giang là một anh chàng lạ hoắc, mặc áo trắng lịch sự chứ không phải là chiếc áo cũ nhàu như San. Bạn Giang mang đôi giày đen sang trọng chứ không phải là đôi dép lê mòn quai gót như San. Bạn Giang gật đầu chào San và nhận lại một nụ cười méo mó. San lủi thủi đi thẳng xuống nhà sau. Con gà trên tay bỗng dưng trở nên vô duyên quá cỡ. Nó quẫy quẫy đôi chân nhưng San lại thấy như nó đang chọc quê mình. Đó, thấy chưa, rình mò lăn lê bò lết cả ngày trong rừng, mà người ta có thèm đoái hoài gì đâu. Cha Giang biểu thằng San rửa tay rửa chân rồi lên nhà trước ngồi chơi, cha có làm mẻ bánh khoai mì lá dứa, ngồi ăn cho vui. Giang kể chuyện thành phố, cha nghe, cười. Cha hỏi chuyện bạn Giang, bạn Giang trả lời, cười. Hình như tất cả đã quên San, San ngồi sau bếp, mơn trớn bộ lông con gà. Con gà trơ mắt nhìn, thi thoảng giãy giụa hòng thoát khỏi đôi chân đang bị trói chặt. San nhìn về phía núi, núi vẫn sừng sững và lặng yên. San nhìn về phía Giang, Giang vẫn ngồi bên cạnh bạn Giang trò chuyện cùng cha vui vẻ.
  6. Chỉ có San là người ngoài cuộc. San là người thừa rồi. San không phải con của cha, San cũng không còn được Giang quan tâm hỏi han như những lần về thăm nhà trước. San di di những ngón chân xuống nền đất lạnh, vẽ những vòng tròn xoắn ốc, lại vạch những đường chồng chéo lên nhau. Giang về được đúng 1 tuần. Trong 1 tuần đó, Giang chỉ ở nhà được đêm giao thừa và ngày mùng 1 và mùng 2 cùng cha đi thăm họ hàng. Còn lại Giang xin phép cha đưa bạn đi khám phá phố núi. Họ đi đến tối mịt mới về. Về ăn cơm với cha. San ngồi bên ngõ, tay cầm nhánh cây khô gõ tong tong lên bậc thềm. Gỗ không vang nổi thanh âm. Giang đã không còn ngồi bên cha, cùng San hàn huyên những ký ức xa xưa, ngày thơ ấu đầy tiếng cười, và cả ngày hứa hẹn trở về … Những ngày Giang đi chơi, San ra ngồi bên suối một mình. San vung tay đập nước – cảm giác như thể mình giống những người phụ nữ chờ chồng đi miên miết xa nơi phố thị phồn hoa, mà người đi thì không bao giờ trở lại. Mà chàng trai của núi rừng thì không thể khóc. Và không bao giờ được khóc. Chỉ có sự lặng im nhói đau như sự chịu đựng vĩnh cữu của đại ngàn. San – trong mắt Giang – chỉ là một người bạn tuổi thơ – không hơn. Và Giang hoàn toàn có quyền quên lãng. San tin, và đợi. Lỗi của San. San nghèo, và mồ côi. Cũng là lỗi của San. San giận và buồn tủi một mình, cũng là lỗi của San. Chỉ có sự hiện diện của San trên cõi đời này là không phải lỗi của San. Về thôi San, cha đợi. San kéo mình về bên cha khi tiềm thức mông lung những suy nghĩ về Giang, sự tủi hổ nghẹn ngào đang gậm nhấm trái tim San. Về thôi, về cùng cha ngóng núi. ***
  7. … Cuối cùng cũng đến ngày Giang về phố. Con bò nằm phơi bụng bên đống rơm. Phố núi vào xuân và đã bắt lại nhịp tuần hoàn của nó. Những râm ran ngày Tết đã dần tắt hẳn rồi. Cha lôi chiếc xe đẩy để bán bánh ướt ra lau chùi, mấy ngày đã váng bụi. Giang sắp xếp đồ đạc, cẩn thận kiểm tra bàn chảy, đôi tất của bạn Giang phơi ngoài sào đã bỏ vào túi xách chưa. San ngồi bên bậc cửa. Nhìn cha. Nhìn Giang. Tay quơ vào không khí, chạm vào hư không, hình như có một tiếng nấc tan tác rơi. Những mảnh vỡ tan vào thềm đất. San không đưa Giang xuôi đèo. Cha không đưa Giang xuôi đèo. Như những năm trước. Bạn Giang gọi taxi, taxi chạy từ thị trấn vào. Mất 45 phút. 45 phút đợi, cha ngồi nhìn Giang. Chừng nào về nữa? Không biết cha ơi, việc trong ấy bận lắm. Cha ở nhà giữ gìn sức khỏe, con sẽ thường xuyên gọi về. Cha ừ. Giang quay sang San, ở nhà vui nghe San. San ừ. Ở nhà vui chứ, có cha mà. 45 phút đợi, cha Giang lòng vòng ra vô, coi có cái gì chưa gửi cho Giang, bánh này, mang vào Sài Gòn có cái mà ăn. Coi kỹ đồ đạc thiếu gì không. Tiền bạc cất cho cẩn thận. Giang cười, cha kỹ tính quá. Bạn Giang cũng cười. Cha Giang thiệt tỉ mỉ. Cha cũng cười, tau quen thế, chứ sợ bây bất cẩn rồi quên. Taxi tới. Hai người lên xe. Giang quay lại vẫy cha và San, nụ cười tươi thật tươi. Những vòng xe dệt bụi bay tung mắt San. Giang đi rồi. Cha còn đứng tần ngần bên ngõ. San nhìn lên cuốn lịch mới tinh, giở xem tờ lịch cuối cùng. Bất giác, San lấy bút viết nghệch ngoạc lên đó dòng chữ: ngày đón Giang về. Còn 360 ngày nữa…. Sẽ có thêm một chiều cuối năm.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2