intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong trường đại học ở Trung Quốc – Một góc nhìn tham chiếu

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong trường đại học ở Trung Quốc – Một góc nhìn tham chiếu" tiếp cận tham chiếu hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong trường Đại học ở Trung Quốc nhằm rút ra bài học kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong trường đại học ở Trung Quốc – Một góc nhìn tham chiếu

  1. GIÁO DỤC VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở TRUNG QUỐC – MỘT GÓC NHÌN THAM CHIẾU TS. Lương Thị Hải Vân49, PGS.TS Dương Thu Hằng 50 Tóm tắt Chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số luôn được chính phủ Việt Nam quan tâm trong suốt tiến trình phát triển. Một trong những giải pháp cấp thiết được chú trọng lâu nay là tập trung phát triển giáo dục văn hóa truyền thống nhằm nâng cao nhận thức của người dân các dân tộc thiểu số về văn hóa tộc người mình, từ đó họ có ý thức tự giác trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tộc người. Mặc dù đã ban hành và thực thi nhiều chính sách, giải pháp cụ thể song cho đến nay, không thể phủ nhận một thực tế là nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí tiêu vong trong tương lai. Để góp phần cải thiện tình trạng đó, bài viết tiếp cận tham chiếu hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong trường Đại học ở Trung Quốc nhằm rút ra bài học kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Từ khóa: giáo dục văn hóa truyền thống, dân tộc thiểu số, bảo tồn văn hóa, Trung Quốc 1.Vấn đề giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và Trung Quốc – Những điểm tương đồng Như đã biết, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa, đa ngôn ngữ. Đặc điểm đó tạo nên diện mạo phong phú, hấp dẫn về văn hóa và trở thành một thế mạnh cho Việt Nam phát triển ở mọi lĩnh vực. Cùng chung cảnh huống đó, Trung Quốc, một quốc gia có dân số đứng thế hai thế với với 56 dân tộc, trong đó có 22 dân tộc có quan hệ xuyên biên giới với Việt Nam, là một đất nước có nền văn hóa truyền thống đặc sắc lâu đời và lắng đọng nhiều giá trị vật chất cũng như tinh thần. Ở cả Việt Nam và Trung Quốc, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số được gắn kết, tích lũy trong di sản tinh thần và chiều sâu tâm lý của dân tộc, được thể hiện ra bên ngoài dưới hình thức vật chất và ứng xử xã hội, có yếu tố giáo dục phong phú, có tác động tích cực đến việc kế thừa truyền thống dân tộc và chuẩn hóa lời nói, việc làm của tập thể. Điều đáng nói là, cả 2 quốc gia đều xác định rõ vai trò quan trọng của hoạt động giáo dục giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong nhà trường đại học bởi 3 lí do sau: Một là, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và Trung Quốc chứa đựng nguồn tài nguyên giáo dục phong phú. 49 Trường Đại học Sư phạm, ĐH Thái Nguyên. 50 Trường Đại học Sư phạm, ĐH Thái Nguyên. 220
  2. Hai là, giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số là cây cầu để tăng cường khối đoàn kết các dân tộc. Sinh viên đại học người dân tộc thiểu số là tinh hoa của các dân tộc khác nhau, là lực lượng quan trọng, tăng cường giáo dục văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số sẽ giúp hướng dẫn sinh viên đại học người dân tộc thiểu số hình thành lối tư duy khoa học, hình thành những định hướng giá trị đúng đắn; giúp sinh viên đại học người dân tộc thiểu số nâng cao ý thức dân tộc; từ đó nâng cao lòng tự tin dân tộc, đồng thời phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần phát triển đất nước trong thời kì đổi mới và hội nhập hiện nay. Ba là, giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số là con đường xây dựng đất nước phát triển bền vững. Tăng cường giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong giáo dục dân tộc thiểu số ở các trường cao đẳng, đại học và tiếp thu những yếu tố ưu tú từ đa văn hóa dân tộc thiểu số có thể nâng cao lòng tự tôn dân tộc của sinh viên đại học người dân tộc thiểu số, đồng thời giúp trau dồi quan điểm đa văn hóa của sinh viên đại học người dân tộc thiểu số nhằm xây dựng xã hội đoàn kết, phát triển bền vững. Như vậy, nếu khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số thì đó chính là sự bổ sung quan trọng cho hệ thống giáo dục hiện đại và đóng vai trò đặc biệt, không thể thay thế ở những vùng dân tộc mà nền giáo dục hiện đại còn chưa hoàn thiện. Vấn đề này đã được nhiều nhà nghiên cứu ở hai quốc gia nghiên cứu trong nhiều công trình, bài viết. Ở Việt Nam, có thể kể đến công trình Giáo dục đa văn hóa cho sinh viên các trường đại học phục vụ quá trình hội nhập và toàn cầu hóa (Phan Thanh Long cb, 2016); Kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong việc phát triển lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay (Đặng Thị Phương Duyên & Dương Thị Thanh Xuân 2016),…Bên cạnh đó, một số phương án, giải pháp cụ thể cũng được nhiều tác giả đề xuất như: Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho sinh viên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Đỗ Thị Thanh Hà & Cao Thị Hoa 2019); Dân ca Pu Péo - Một ngữ liệu quý cần đưa vào chương trình môn Ngữ văn mới ở Đồng Văn, Hà Giang (Dương Thu Hằng & Nguyễn Thị Thu Trang 2020); Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống các DTTS cho SV khoa Ngữ văn (Trường ĐHSP -ĐHTN) thông qua hình thức dự án học tập tích hợp trải nghiệm văn hóa (Nguyễn Thu Quỳnh, Dương Thu Hằng, Nguyễn Hoàng Linh, 2022),… Ở Trung Quốc, vấn đề này từ lâu đã được các nhà khoa học quan tâm và có những công trình nghiên cứu có giá trị. Như: Nghiên cứu kế thừa giáo dục văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số dưới góc độ sinh thái văn hóa (Liu hongxiao, 2019)(《文化生态学视野下 少数民族传统文化教育传承之探究》,王斌欧、金英,2019); Nghiên cứu con đường hội nhập văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số và quản trị nông thôn vùng (Shi Yu, 2020) (《少数民族传统文化与地区乡村治理融合路径研究》(施瑜,2020); Nghiên cứu hiệu quả giảng dạy của việc lồng ghép văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số vào các môn học lý luận chính trị, tư tưởng ở các trường cao đẳng, đại học (Ma Yanmin, Liu Fang, 2020)(《少数民族传统文化融入高校思想政治理论课的教学实效性探究》,马燕 221
  3. 敏、刘芳, 2020); Khả năng và tính khả thi của việc lồng ghép văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số vào giáo dục chính trị, tư tưởng ở các trường cao đẳng, đại học dân tộc (Zhu Wei, 2022)(《数民族传统文化融入民族院校思政教育的可为、可能与可行》,朱 薇,2022); Cảm hứng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh dân tộc (Huang Min, 2023)(《少数民族传统文化对民族学生道德教育的启 示》,黄敏,2023)... Như vậy, theo nghiên cứu của chúng tôi từ các nguồn tài liệu thứ cấp và kết quả khảo sát, điều tra trực tiếp, về cơ bản, Việt Nam và Trung Quốc có cảnh huống đa dân tộc, đa ngôn ngữ văn hóa và có chung quan điểm tôn trọng và chú trọng việc giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số như một chủ trương lớn, một giải pháp quan trọng để bảo tồn và phát huy vốn quý của quốc gia. Tuy vậy, tùy điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, việc triển khai quan điểm, chủ trương đó thành hệ thống chính sách và giải pháp bảo tồn mang lại hiệu quả khác nhau. Trong khuôn khổ báo cáo này, chúng tôi chỉ tập trung giới thiệu một số giải pháp và mô hình giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc nhằm cung cấp một góc nhìn tham chiếu với các trường đại học ở Việt Nam. 2. Định hướng chung và một số mô hình giáo dục văn hóa truyền thống Trung Hoa trong giáo dục dân tộc thiểu số ở trường đại học 2.1. Định hướng chung Giáo dục nói chung, giáo dục giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng là một quy trình gồm nhiều giai đoạn, nhiều yếu tố hợp thành. Theo kết quả khảo sát và tổng hợp của chúng tôi, con đường giáo dục giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số trong giáo dục đại học ở Trung Quốc đã và đang chú trọng những điểm sau: Một là Thiết kế khóa học. Trong thiết kế chương trình đào tạo và giảng dạy ở các trường cao đẳng và đại học, Trung Quốc chú trọng thiết kế các khóa học về văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Các khóa học được sắp xếp một cách hợp lý để tạo cơ hội cho sinh viên tìm hiểu và cảm nhận sức hấp dẫn của văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc. Bằng cách nghiên cứu và hiểu biết về nền văn hóa truyền thống lâu đời và vĩ đại của Trung Quốc, sinh viên có thể trau dồi niềm tin về văn hóa và lòng tự hào dân tộc, đồng thời nâng cao năng lực toàn diện của bản thân. Trước hết, để khơi dậy sự quan tâm, yêu thích của sinh viên đối với văn hóa truyền thống, trong thiết kế khóa học, các nhà trường đã thiết lập các môn học tự chọn đặc biệt hoặc thiết lập các khóa học văn hóa phù hợp để sinh viên có thể chủ động lựa chọn học tập. Bằng cách này, sinh viên có thể lựa chọn các khóa học theo sở thích và phù hợp với chuyên môn của mình, giúp họ củng cố niềm yêu thích sâu sắc hơn với văn hóa truyền thống. Đồng thời, thông qua các phương pháp giảng dạy và hình thức hoạt động đa dạng như thuyết trình, triển lãm, dã ngoại, v.v., sinh viên có thể hiểu và cảm nhận đầy đủ hơn sức hấp dẫn của nền văn hóa truyền thống đặc sắc. 222
  4. Tiếp đó, để trau dồi kiến thức văn hóa và tinh thần nhân văn cho sinh viên, các nhà trường đã khai thác hợp lí và linh hoạt các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của Trung Quốc bao trùm nhiều lĩnh vực như văn học, âm nhạc, hội họa, kinh kịch, triết học,… Đây chính là những thành phần quan trọng trong việc trau dồi phẩm chất toàn diện của người học. Bằng cách nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của Trung Quốc, sinh viên có thể tìm hiểu về các loại hình và ý tưởng nghệ thuật khác nhau, trau dồi khả năng thẩm mỹ và tư duy phê phán, đồng thời nâng cao vốn văn hóa của chính mình. Hơn nữa, tinh thần nhân văn được nhấn mạnh bởi nền văn hóa truyền thống ưu tú của Trung Quốc, như lòng nhân từ, lòng hiếu thảo, phép xã giao,… cũng có thể có tác động tích cực đến các khái niệm và giá trị đạo đức của học sinh. Cuối cùng, thiết kế khóa học giáo dục giá trị văn hóa truyền thống hợp lý cũng hướng tới mục tiêu củng cố ý thức về bản sắc dân tộc và bản sắc văn hóa của sinh viên. Nền văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc là ngôi nhà tinh thần - báu vật của người Trung Quốc. Bằng cách học và trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống đó, người học có thể nhận thức sâu sắc hơn rằng họ là thành viên của dân tộc Trung Quốc và nâng cao ý thức về bản sắc cũng như niềm tự hào về văn hóa Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc bồi dưỡng lòng tự tin dân tộc, trách nhiệm dân tộc của sinh viên, giúp các em trở thành công dân có trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hưng thịnh và bền vững. Hai là Biên soạn tài liệu học tập. Việc biên soạn tài liệu giảng dạy và đồ dùng dạy học liên quan đến giáo dục văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc có ý nghĩa rất lớn để người học hiểu sâu sắc về nội hàm cũng như những giá trị của văn hóa Trung Quốc. Đầu tiên, biên soạn tài liệu giảng dạy liên quan đến giá trị văn hóa truyền thống của Trung Quốc giúp học sinh hiểu được lịch sử của văn hóa Trung Quốc. Văn hóa Trung Quốc đã trải qua hàng nghìn năm phát triển và tích lũy, bao gồm thơ ca, thư pháp, hội họa, âm nhạc, khiêu vũ, kịch.... Thông qua những tài liệu giảng dạy này, học sinh có thể hiểu và có những kiến thức nhất định về văn hóa truyền thống, từ đó hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn, giá trị lịch sử của chúng. Thứ nữa là, biên soạn đồ dùng giảng dạy liên quan đến các giá trị văn hóa truyền thống của Trung Quốc để hướng dẫn học sinh khám phá những giá trị cốt lõi của văn hóa Trung Quốc, tiêu biểu như: đề cao sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, kính trọng người lớn tuổi, hiếu thảo với cha mẹ, lòng trung thành và thân thiện,... Những giá trị này đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng phẩm chất đạo đức và quan niệm đạo đức cho người học. Thông qua việc chuẩn bị đồ dùng dạy học, sinh viên có thể được hướng dẫn suy nghĩ về nội hàm và ứng dụng của các giá trị này, đồng thời trau dồi định hướng giá trị và quy tắc ứng xử đúng đắn của mình. Cuối cùng, biên soạn tài liệu giảng dạy và đồ dùng dạy học liên quan đến văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc để thúc đẩy sự tự tin về văn hóa của sinh viên. Hiện nay, văn hóa Trung Hoa ngày càng nhận được sự quan tâm và tôn trọng trên khắp thế giới. Là hậu duệ của dân tộc Trung Hoa, người học phải có niềm tin vào truyền thống văn hóa của mình và có khả năng kế thừa, phát huy văn hóa Trung Hoa bằng lời nói và hành động của chính mình. Xuất phát từ mục tiêu trên, khi biên soạn tài liệu, đồ dùng dạy học liên quan đến văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc, các nhà trường đã tập trung vào những vấn đề sau: Một 223
  5. là, nội dung phải truyền tải chính xác nội hàm thực sự của văn hóa Trung Hoa, tránh những cách hiểu phiến diện, lệch lạc. Hai là, ngôn ngữ phải ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, tránh sử dụng từ vựng và mẫu câu quá tối nghĩa. Ba là, tài liệu giảng dạy và đồ dùng dạy học phải truyền cảm hứng, thú vị, khơi gợi được sự hứng thú, tò mò của học sinh. Bốn là chú trọng thực hành và ứng dụng, hướng dẫn học sinh vận dụng những kiến thức, giá trị đã học vào thực tế cuộc sống, trau dồi năng lực toàn diện và tư duy đổi mới. Ba là Đào tạo giáo viên. Là một trong những thành phần đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng, đào tạo trụ cột tương lai của xã hội, giáo viên không chỉ cần có kiến thức môn học và kỹ năng giáo dục vững chắc mà còn phải có kiến thức và hiểu biết về văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc. Chỉ bằng cách tăng cường đào tạo giáo viên và nâng cao nhận thức cũng như hiểu biết của họ về văn hóa truyền thống Trung Quốc thì mới có thể tích hợp văn hóa Trung Quốc tốt hơn vào việc giảng dạy trên lớp, đảm bảo chắc chắn cho người học kế thừa giá trị văn hóa truyền thống và định hình sự phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần của các em. Thông qua đào tạo có hệ thống, giáo viên có những hiểu biết sâu sắc về nội hàm giá trị văn hóa và các khía cạnh khác của nền văn hóa truyền thống ưu tú của Trung Quốc. Trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên được định hướng và rèn luyện kĩ năng vận dụng nhiều phương pháp giáo dục khác nhau để có thể kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa truyền thống ưu tú với nền giáo dục hiện đại. Thông qua đào tạo, tính chuyên nghiệp và trình độ học vấn của giáo viên sẽ được cải thiện, hỗ trợ đắc lực cho giáo viên tích hợp văn hóa Trung Quốc vào việc giảng dạy trên lớp. Thứ hai, kiến thức và hiểu biết của giáo viên về giá trị văn hóa truyền thống của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giảng dạy của họ trên lớp. Sự hiểu biết sâu sắc của giáo viên về nền văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc giúp họ khám phá tốt hơn giá trị và ý nghĩa của văn hóa Trung Quốc, đồng thời tích hợp nó vào chương trình giảng dạy và thiết kế giảng dạy. Ví dụ, trong giảng dạy văn học Trung Quốc, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh trải nghiệm sâu sắc sức hấp dẫn của văn hóa Trung Quốc bằng cách giải thích bối cảnh ra đời của các bài thơ cổ và diễn giải nội hàm của các văn bản cổ. Trong giờ học lịch sử, giáo viên có thể sử dụng những câu chuyện sinh động, những chuyến thực tế… để giúp học sinh hiểu rõ hơn về quá trình phát triển và ảnh hưởng của nền văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc. Chỉ khi giáo viên có kiến thức sâu rộng và hiểu biết sâu sắc về văn hóa, họ mới có thể lồng ghép nó một cách hữu cơ vào việc giảng dạy trên lớp và kích thích hứng thú học tập cũng như động lực nội tại của học sinh. Cuối cùng, tăng cường đào tạo giáo viên có thể nâng cao sự tự tin và nhận thức về văn hóa của họ. Giáo viên đóng vai trò là tấm gương và là người hướng dẫn người học, kiến thức và sự hiểu biết của họ về giá trị văn hóa truyền thống của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ và hành động của học sinh đối với việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Niềm tin và ý thức của giáo viên về văn hóa Trung Hoa sẽ được truyền tải đến học sinh một cách tinh tế, khiến các em tràn đầy sự tôn trọng và yêu mến văn hóa Trung Hoa. Thông qua đào tạo, giáo viên có thể hiểu sâu hơn về văn hóa Trung Quốc và nâng cao niềm tự hào về văn hóa Trung Quốc, từ đó hướng dẫn học sinh thiết lập các khái niệm và giá trị văn hóa đúng đắn hơn. Bốn là Thực hành, luyện tập. Để nâng cao trải nghiệm và nhận thức của người học về giá trị văn hóa truyền thống của Trung Quốc, nhiều trường đã tổ chức cho người học tham 224
  6. gia nhiều hoạt động thực tế liên quan đến văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc. Những hoạt động này hướng tới mục đích giúp cho sinh viên có được sự hiểu biết và trải nghiệm sâu sắc về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua thực hành thực tế. Trước hết, các cuộc thi thư pháp là một hoạt động rất phổ biến. Người học có thể khám phá sự quyến rũ của nghệ thuật truyền thống Trung Quốc bằng cách tham gia các cuộc thi thư pháp. Họ có thể học các kỹ năng cơ bản của thư pháp, chẳng hạn như cầm bút, sử dụng bút lông, cách viết chữ v.v. và thử các phong cách thư pháp khác nhau, chẳng hạn như chữ viết thường, chữ viết triện, chữ thảo,... Tham gia các cuộc thi thư pháp không chỉ rèn luyện khả năng thẩm mỹ của người học mà còn nâng cao khả năng tập trung và tính kiên nhẫn của các em. Thông qua những hoạt động thực tế như vậy, người học có thể hiểu rõ hơn về việc theo đuổi và hình thành cái đẹp trong văn hóa Trung Hoa. Thứ hai, tổ chức các buổi hòa nhạc. Đây là một cách hiệu quả để nâng cao trải nghiệm của sinh viên về văn hóa âm nhạc của Trung Quốc. Âm nhạc là ngôn ngữ không biên giới, có thể phá bỏ rào cản văn hóa và giúp người học cảm nhận được sức hấp dẫn của văn hóa Trung Hoa. Sinh viên có thể học chơi các nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn nhị, v.v. và cảm nhận âm sắc và nhịp điệu độc đáo của những nhạc cụ này. Nhà trường có thể tổ chức hòa nhạc, mời các nhạc sĩ, nhóm nhạc chuyên nghiệp biểu diễn để sinh viên cảm nhận được vẻ đẹp, sự độc đáo của âm nhạc truyền thống. Bằng cách tham gia buổi hòa nhạc, sinh viên có thể hiểu sâu hơn về ý nghĩa và nguồn gốc lịch sử của âm nhạc truyền thống Trung Quốc. Cuối cùng, biểu diễn kinh kịch là một cách quan trọng để làm sâu sắc thêm cảm xúc của sinh viên về văn hóa Trung Quốc. Là một báu vật văn hóa truyền thống Trung Quốc, Kinh kịch Trung Quốc có lịch sử lâu đời và ý nghĩa nghệ thuật phong phú. Bằng cách tổ chức cho sinh viên tham gia biểu diễn Kinh kịch, các em có thể trực tiếp trải nghiệm kỹ năng biểu diễn và sức hấp dẫn nghệ thuật của Kinh kịch. Người học có thể học các động tác cơ bản và kỹ năng biểu diễn của bộ môn nghệ thuật này như hát, múa, biểu diễn những động tác đơn giản,… 2.2. Một số mô hình tiêu biểu Theo định hướng chung đó, tùy vào điều kiện cụ thể, nhiều trường đại học ở Trung Quốc đã khai thác tốt ưu thế của mình để giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho sinh viên. Có thể lấy một số ví dụ điển hình như sau: 2.2.1. Đại học Khoa học và Công nghệ Quảng Tây. Ngôi trường này tọa lạc tại thành phố Liễu Châu, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Nơi đây nổi tiếng với văn hóa dệt thổ cẩm của người Miêu Dung Thủy. Do đó, căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, nhà trường đã mở chuyên ngành thiết kế quần áo và trang phục, thành lập Trung tâm Triển lãm và Nghiên cứu Văn hóa Thổ cẩm của dân tộc Miêu. Trung tâm tập trung vào thổ cẩm của người Miêu ở Dung Thủy, Liễu Châu và trưng bày các trang phục kéo sợi, dệt, thổ cẩm. Trung tâm không chỉ là cơ sở để sinh viên học các khóa học về văn hóa trang phục của người Miêu mà còn là cơ sở nghiên cứu khoa học của giáo viên. Trung tâm thường xuyên mời những nghệ nhân người dân tộc Miêu để dạy văn hóa và kỹ năng của người Miêu cho tất cả sinh viên trong trường. 2.2.2. Đại học Hà Châu thuộc Khu tự trị Choang Quảng Tây, nằm trong khu vực lõi của “Hành lang Nam Lĩnh” tại ngã ba Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây, có vị trí địa lý độc 225
  7. đáo, thành phần dân tộc phức tạp và có những di sản văn hóa phong phú, là địa điểm điền dã vô cùng giá trị cho nghiên cứu về văn hóa bản địa của các dân tộc. Nhờ lợi thế đặc thù của vùng và sự nỗ lực chung sức của các giáo viên trong trường nghiên cứu văn hóa dân tộc, sau nhiều năm xây dựng, Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Hà Châu đã dần hình thành với 8 phòng triển lãm đặc biệt và 4 kho cơ sở dữ liệu. Tám phòng triển lãm đặc biệt trong đó phải kể đến là phòng triển lãm sản xuất, đời sống và văn hóa dân gian, phòng triển lãm khai thác tiền xu và luyện kim, phòng triển lãm chạm khắc gỗ, phòng triển lãm đèn lồng, phòng triển lãm chạm khắc đá.... Bốn cơ sở dữ liệu gồm Trung tâm Phả hệ miền Nam, Cơ sở dữ liệu Nho giáo mới của Chu Đôn Di, Cơ sở dữ liệu văn học đặc trưng địa phương và Cơ sở dữ liệu sách cổ. Đây chính là kho sưu tập phong phú cung cấp nguồn tư liệu quý giá cho sinh viên tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. 2.2.3. Trường Cao đẳng nghề và kỹ thuật thành phố Liễu Châu. Đội ngũ giảng dạy do Phó chủ tịch Lưu Hồng Ba dẫn đầu xuất phát từ ngành kiến trúc nhận được việc ứng dụng nhất là việc kết hợp văn hóa kiến trúc độc đáo của người Động ở Tam Giang, Liễu Châu và hướng nghiên cứu khoa học của các giáo viên trong trường, cuối cùng đã chọn kiểu kiến trúc xây dựng bằng gỗ của dân tộc Động là đặc điểm cho giảng dạy và nghiên cứu chuyên ngành kiến trúc của trường. Sau nhiều năm tập trung nghiên cứu và bồi dưỡng, đào tạo, ngày nay Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Dạy nghề Thành phố Liễu Châu đã trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực xây dựng kiến trúc bằng gỗ theo lối văn hóa của dân tộc Động trên toàn quốc và nhà trường đã xây dựng một bảo tàng kỹ năng xây dựng bằng gỗ trong khuôn viên trường. Bảo tàng không chỉ có các mô hình nhỏ của Tháp Trống Đồng và Cầu Fengyu mà còn xây dựng Tháp Trống thực sự trong không gian mở bên ngoài bảo tàng, cung cấp cho sinh viên một môi trường cấu trúc bằng gỗ thực sự, cho phép sinh viên tìm hiểu sâu sắc về các kĩ năng chế tác cầu của dân tộc thiểu số. 2.2.4. Học viện Công nghệ Nam Xương là ngôi trường đa sắc tộc với số lượng lớn sinh viên là người dân tộc thiểu số, tuy nhiên còn có khoảng cách trong trao đổi văn hóa, nghệ thuật giữa sinh viên các dân tộc khác nhau, đồng thời còn thiếu sự nhìn nhận và hiểu biết về văn hóa truyền thống Trung Quốc. Từ thực tế đó, nhà trường đã thiết kế môn “Thưởng thức nghệ thuật” với tư cách là môn học bắt buộc đối với tất cả các ngành đào tạo đại học trong trường. Sau hai năm đổi mới giảng dạy môn học này đã trở thành môn học cấp trường. Môn học tích hợp những yếu tố ưu tú trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, bám sát đặc sắc dân tộc, khám phá những điểm sáng của văn hóa dân tộc Trung Quốc, lấy văn hóa dân tộc làm nguồn của chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, môn học còn khai thác triệt để những điểm giao thoa giữa văn hóa truyền thống Trung Hoa và đời sống thực tế. Văn hóa truyền thống không nên chỉ tồn tại trong quá khứ mà còn phải tỏa sáng trong cuộc sống đương đại. Vì vậy, việc kế thừa giá trị văn hóa truyền thống của Trung Quốc phải kết hợp với đời sống thực tế, là sợi dây kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giúp sinh viên hiểu được giá trị của văn hóa truyền thống trong đời thực và trân trọng những giá trị vượt thời gian của văn hóa truyền thống. 226
  8. 3. Thay lời kết Hoạt động giáo dục giá trị văn hóa truyền thống ở các nước có đặc thù đa dân tộc, đa văn hóa như Việt Nam và Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tinh thần nhân văn và ý thức trách nhiệm xã hội của sinh viên đang học tập tại các trường đại học. Tinh thần nhân văn và trách nhiệm với xã hội là thành phần quan trọng tạo nên phẩm chất toàn diện của một con người. Bằng cách học tập và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc, sinh viên có thể hiểu rõ hơn và tôn trọng truyền thống văn hóa của dân tộc mình, đồng thời trở thành những con người có phẩm chất đạo đức, văn hóa trong thời đại mới. Do đó, cần phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy việc giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong chương trình giáo dục ở bậc đại học, cao đẳng. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nguy cơ mai một văn hóa truyền thống ngày càng gia tăng, việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống cần phải được chú trọng đầu tư. Trong hoạt động này, cần chú ý phát huy vai trò của các trường Đại học bởi đây là nơi đào tạo đội ngũ trí thức – chủ nhân của đất nước. Theo đó, các sinh viên người dân tộc thiểu số học tập tại các nhà trường đại học đa văn hóa cũng cần được chú ý phát huy vai trò chủ nhân các nền văn hóa bản địa cũng như vai trò xây dựng và kiến thiết vùng dân tộc thiểu số phát triển bền vững theo định hướng của Đảng và Chính phủ lâu nay. Các định hướng cũng như các mô hình giáo dục văn hóa truyền thống ở một số trường đại học Trung Quốc như đã nêu trên, đặc biệt là mô hình xây dựng khóa học “Thưởng thức nghệ thuật” ở Học viện Công nghệ Nam Xương với nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực có thể xem là kênh tham khảo hữu ích cho Việt Nam trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay. Tài liệu tham khảo và trích dẫn Nguyễn Tiến Dũng .(2019). Một số giải pháp giáo dục giá trị văn hoá truyền thống cho sinh viên dân tộc thiểu số ở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Tạp chí Giáo dục, số 449, tr 42-45. Đặng Thị Phương Duyên - Dương Thị Thanh Xuân. (2016). Kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong việc phát triển lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Trần Văn Giàu .(1993). Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. NXB Thành phố Hồ Chí Minh. Đỗ Thị Thanh Hà - Cao Thị Hoa. (2019). Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho sinh viên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Kỉ yếu Hội thảo quốc tế “Giáo dục giá trị trong nhà trường”, NXB Đại học Huế. Dương Thu Hằng – Nguyễn Thị Thu Trang. (2020). Dân ca Pu Péo - Một ngữ liệu quý cần đưa vào chương trình môn Ngữ văn mới ở Đồng Văn, Hà Giang, Tạp chí Dạy và học ngày nay, số tháng 6, ISSN 1859 – 2694. 227
  9. Dương Thu Hằng, Nguyễn Thu Quỳnh (Đồng chủ biên), Nguyễn Văn Lợi, Tạ Quang Tùng. (2022). Các ngôn ngữ có nguy cơ mai một ở Việt Nam - Những vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Hà Thị Thúy Hằng . (2016). Giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt, tháng 4 năm 2016 Phan Thanh Long (chủ biên). (2016). Giáo dục đa văn hóa cho sinh viên các trường đại học phục vụ quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, NXB Giáo dục Việt Nam. Nguyễn Thu Quỳnh, Dương Thu Hằng, Nguyễn Hoàng Linh .(2022). Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống các DTTS cho SV khoa Ngữ văn (Trường ĐHSP -ĐHTN) thông qua hình thức dự án học tập tích hợp trải nghiệm văn hóa, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Thái Nguyên, T. 227 (12), tháng 9, Tr. 180-187, eISSN 2615-9562, ISSN: 1859- 2171,2734-9098. Ngô Đức Thịnh (chủ biên) .(2010). Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. Phan Minh Tiến. 2019. Giáo dục giá trị trong nhà trường, Kỉ yếu hội thảo quốc tế “Giáo dục giá trị trong nhà trường”, NXB Đại học Huế. 黄敏(2010),《少数民族传统文化对民族学生道德教育的启示》,国家教师科研 基金十一五阶段性成果集(广西卷)北京中教创新软件发展研究院专题资料汇编。 马燕敏、刘芳(2020),《少数民族传统文化融入高校思想政治理论课的教学实效 性探究》,辽宁师专学报(社会科学版)(03)。 施瑜(2020),《少数民族传统文化与地区乡村治理融合路径研究》,阜阳职业技 术学院学报(01)。 王斌欧、金英 (2019),《文化生态学视野下少数民族传统文化教育传承之探 究》,体育风尚(03)。 朱薇(2022),《数民族传统文化融入民族院校思政教育的可为、可能与可行》, 中国教育科学研究院(24)。 228
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2