Giáo trình Gia đình và giáo dục gia đình – CĐ Sư phạm Thái Bình
lượt xem 8
download
(NB) Giáo trình Gia đình và giáo dục gia đình được biên soạn gồm 3 chương với những nội dung cụ thể như sau: Chương I: gia đình trong đời sống xã hội; chương II gia đình Việt Nam và giải pháp xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay; chương III giáo dục trong gia đình và mối quan hệ gia đình – nhà trường – xã hội.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Giáo trình Gia đình và giáo dục gia đình – CĐ Sư phạm Thái Bình
- TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM HÀ NỘI TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM THÁI BÌNH ------------------------------------------------- GIÁO TRÌNH GIA ĐÌNH VÀ GIÁO DỤC GIA ĐÌNH (Lưu hành nội bộ) HÀ NỘI – 2012
- LỜI NÓI ĐẦU Gia đình và giáo dục gia đình là chủ đề thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, quản lý, hoạch định chính sách, các nhà giáo dục… Các chuyên ngành khoa học khác nhau đều nghiên cứu gia đình và giáo dục gia đình với cách tiếp cận riêng phục vụ cho mục đích nghiên cứu và những nhiệm vụ cụ thể. Ở Việt Nam, gia đình luôn có một vị trí hết sức quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước. Bởi lẽ, gia đình là tế bào xã hội, là nơi tiếp nhận, kế thừa, sáng tạo và chuyển giao những giá trị văn hoá, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với mỗi con người, gia đình luôn đựơc coi là tổ ấm, là nơi hình thành và nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, tạo nên lối sống, lẽ sống và nhân cách. Cũng thông qua gia đình, từng thành viên biết lựa chọn, điều chỉnh hoạt động của mình phù hợp với những tiêu chuẩn, khuôn mẫu tác phong mà xã hội mong đợi. Trong giai đoạn hiện nay, gia đình và giáo dục gia đình đang đòi hỏi có cách nhìn đầy đủ hơn, phù hợp hơn với những biến đổi to lớn của quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế. Nhằm góp phần hoàn thiện chương trình và tài liệu bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở được đào tạo hai môn trong đó có môn Giáo dục công dân của các trường Cao đẳng Sư phạm. Chúng tôi biên soạn giáo trình Gia Đình và Giáo dục Gia đình dựa trên cơ sở của giáo trình “Giáo dục gia đình” của tác giả Phạm Khắc Chương. NXB Giáo dục 1998 được bổ sung, điều chỉnh và nâng cao thông qua các tài liệu có liên quan cho phù hợp mục đích, yêu cầu của chương trình đào tạo hiện nay. Quá trình biên soạn giáo trình, chúng tôi đã nhận đựơc sự góp ý đầy nhiệt huyết của PGS.TS. Phạm Khắc Chương và các bạn đồng nghiệp. Tuy nhiên, giáo trình không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp, trao đổi, để cuốn giáo trình này ngày càng hoàn thiện hơn. NHÓM BIÊN SOẠN GIÁO TRÌNH TRƯỜNG CĐSP HÀ NỘI - TRƯỜNG CĐSP THÁI BÌNH Th.S Nguyễn Trọng Thiều – Th.S Bùi Ngọc Sơn 1
- Chương I GIA ĐÌNH TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI I. KHÁI NIỆM GIA ĐÌNH Ngay từ buổi đầu của lịch sử, khi con người tách khỏi giới loài động vật, tự tổ chức cuộc sống với tư cách là một cộng đồng độc lập, thì cũng là lúc con người tự tổ chức cuộc sống theo các quy mô cộng đồng nhỏ. Gia đình hình thành như một tổ chức cộng đồng xã hội sơ khai ban đầu đó. Xuất phát từ nhu cầu bảo tồn, duy trì nòi giống, sự cần thiết phải nương tựa vào nhau để sinh tồn, những hình thức cộng đồng có tổ chức đời sống sơ khai ấy lúc đầu chỉ là các thành viên có quan hệ huyết thống (trực hệ) với nhau, chủ yếu là những người mẹ cùng các con, cháu tụ tập lại được gọi là gia đình mẫu hệ. Về qui mô gia đình, lúc đầu số thành viên quần tụ chỉ vài chục, vài trăm. Nhưng do bị chi phối bởi những biến đổi mạnh mẽ của quá trình sản xuất vật chất, của đời sống kinh tế - xã hội nên số lượng các thành viên trong gia đình giảm dần. Từ đây, mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng trở nên chặt chẽ hơn không còn là sắc thái ban đầu có tính “tự nhiên sinh học” nữa. Trong các gia đình sơ khai bắt đầu xuất hiện những cơ chế ràng buộc lẫn nhau phù hợp với cách thức tổ chức đời sống, sản xuất. Vì vậy, gia đình trở thành một thiết chế xã hội, một hình ảnh “xã hội thu nhỏ”. Như vậy, gia đình được coi là một thiết chế xã hội đặc thù nhỏ nhất, cơ bản nhất. Tuy nhiên, gia đình không chỉ là một tổ chức cộng đồng, một thiết chế xã hội mà quan trọng hơn, gia đình còn là một giá trị văn hoá xã hội. Tính chất, bản sắc của gia đình lại được duy trì, bảo tồn, sáng tạo và phát triển nhằm thoả mãn nhu cầu của các thành viên trong sự tương tác gắn bó với văn hoá cộng đồng dân tộc, giai cấp, tầng lớp xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi quốc gia dân tộc xác định. Hiện nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về gia đình, đi liền đó là các quan điểm về gia đình chưa hoàn toàn thống nhất với nhau. Văn bản của Liên hiệp quốc “Năm Quốc tế về Phụ nữ và Gia đình” cũng khẳng định không có một định nghĩa áp dụng chung cho toàn cầu về gia đình, nhận thức về vai trò của gia đình cũng thay đổi tuỳ theo nền văn minh. Theo từ điển Tiếng Việt, “Gia đình là tập hợp những người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái”. Quan niệm này chỉ mới dừng lại ở tính phổ quát nhất về các loại gia đình trong lịch sử, đồng thời cũng chưa bao gồm các hình thức gia đình mới đang phát sinh trong xã hội hiện đại ngày nay. Nho giáo cho rằng, gia đình chính là một nước thu nhỏ. Vì thế, trong “Luận ngữ” Khổng Tử đã dạy: “Một nhà nhân hậu thì cả nước nhân hậu”. “Một nhà lễ nhượng thì cả nước ăn ở đều có lễ nhượng”. “Một người tham lam thì cả nước rối loạn”.(1) Một xã hội (1) C.Mác và PhAngghen. Tuyển tập. Tập 6. NXB Sự Thật Hà Nội 1984, Tr26 2
- muốn thanh bình thì trước hết phải có những gia đình hoà thuận. Muốn có gia đình hoà thuận thì đòi hỏi mỗi người phải biết giữ gìn và tuân theo Lễ. Bởi vì chỉ có Lễ con người mới trở thành con người xã hội. Nho giáo cũng khẳng định, nếu xây dựng gia đình hoà thuận thì đó cũng là làm chính trị rồi. Bởi nước cũng chỉ là một cái nhà to. Các căn nhà nhỏ-gia đình mà hoà thuận thì căn nhà to cũng sẽ hoà thuận. Vì thế làm chính trị không cứ phải ra làm quan. Ở các nước Phương Tây, những năm gần đây xuất hiện nhiều dạng gia đình biến thái, khiến định nghĩa về gia đình đều trở nên bất cập. Chẳng hạn, theo tác giả Jame W.Vander Zanden “Một cuộc thăm dò mới đây cho biết 45% người Mỹ ngày nay cho rằng một đôi không cần kết hôn mà cùng chung sống với nhau thì được coi là một gia đình đích thực. 33% coi các đôi cùng giới tính có nuôi con cái là gia đình”. Đây có thể là sự mở rộng thái quá trong quan niệm gia đình (1). Khi nói về gia đình, Các Mác nêu: “… Hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở. Đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình”(2). Theo Ph.Angghen: Sự xuất hiện và hình thành, phát triển gia đình là do yêu cầu của con người sáng tạo ra những hạt nhân con người, duy trì nòi giống, làm giàu sức lao động của xã hội, cụ thể là do cái ăn, mặc, ở và nhu cầu tái sản sinh để duy trì giống nòi. Như vậy, yếu tố chính trong gia đình là con người. Con người cùng với sự hợp tác tự nhiên, đơn giản đầu tiên nhằm duy trì cuộc sống của chính họ đã tạo ra gia đình. Ở việt Nam, những năm gần đây có nhiều nhà nghiên cứu về gia đình nhất là gia đình hiện đại có đưa ra khái niệm về gia đình. Theo tác giả Lê Thi: “Khái niệm gia đình được sử dụng để chỉ một nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở hôn nhân và huyết thống nảy sinh từ quan hệ hôn nhân, đó là cùng chung sống (cha mẹ, con cái, ông bà, họ hàng nội ngoại). Gia đình có thể bao gồm một số người gia đình nuôi dưỡng, tuy không có quan hệ huyết thống, các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau về trách nhiệm và quyền lực (kinh tế, văn hoá, tình cảm), giữa họ có những ràng buộc về pháp lý được nhà nước thừa nhận và bảo vệ (được ghi rõ trong Luật hôn nhân và gia đình ở nước ta). Đồng thời trong gia đình có những quy định rõ ràng về quyền được phép và những cấm đoán trong quan hệ tình dục giữa các thành viên”. (Gia đình Việt nam ngày nay NXB khoa học xã hội 1996) Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam cũng khẳng định: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền lợi giữa họ với nhau theo luật định”. Mặc dù có nhiều cách quan niệm khác nhau như vậy, thi hiểu về gia đình đều có những điểm chung nhất: “Gia đình là một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế kinh tế văn hoá- xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục… giữa các thành viên”. (1) Xem Lê Thi “Gia đình Việt Nam hiện nay”. NXB KH XÃ Hội 2002 (2) C.Mac va Ph. Ăngghen. Tuyển tập. Tập 6. NXB Sự thật Hà Nội 1984. Tr26 3
- Như vậy, gia đình khác với tất cả các cộng đồng xã hội khác, nó không chỉ là nhóm Tâm lý - Tình cảm, mà còn là một đơn vị xã hội cơ sở và là một cơ cấu -Thiết chế xã hội, có cơ chế và cách thức vận động riêng. II. ĐẶC TRƯNG VÀ CÁC QUAN HỆ CƠ BẢN CỦA GIA ĐÌNH 1. Hôn nhân và quan hệ hôn nhân Hôn nhân và quan hệ hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng (quan hệ theo chiều ngang). Hôn nhân là tiền đề, là quan hệ nền tảng trên đó thiết kế đời sống gia đình. Hôn nhân còn là một hình thức quan hệ tính giao nhằm thoả mãn các nhu cầu tâm, sinh lý và tình cảm giữa nam và nữ (giữa chồng và vợ). Vai trò của hôn nhân trong xã hội quy đến cùng là để tái sản xuất ra các chủ thể xã hội là con người, bên cạnh tái sản xuất ra của cải vật chất. Quan hệ này được xã hội thừa nhận dưới nhiều hình thức, với những mức độ, trình độ khác nhau. Trong chế độ tư hữu, sự thừa nhận đó được thực hiện về mặt pháp lý (Pháp luật công nhận) bên cạnh sự công nhận của cộng đồng. Hôn nhân là hình thức quan hệ tình cảm tính giao giữa con người với con người, nên ngay từ đầu, hôn nhân mang bản chất người, nhân văn, nhân đạo. Sự phù hợp về tâm lý-sinh lý sức khoẻ và nhất là trạng thái tình cảm là cơ sở trực tiếp của hôn nhân. Tuy nhiên, giống như mọi quan hệ xã hội khác, hôn nhân luôn chịu sự chi phối của các quan hệ kinh tế và bản chất chế độ xã hội mà trên đó nó được hình thành và phát triển. Trong lịch sử, hình thức hôn nhân của các gia đình có 2 hình thức cơ bản từ thấp đến cao. Theo Ph.Angghen “Gia đình là một yếu tố năng động, nó không bao giờ đứng nguyên một chỗ, mà chuyển từ hình thức thấp lên một hình thức cao” (1). Như vậy về đại thể, lịch sử đã trải qua 2 hình thức tương ứng với 2 giai đoạn phát triển chính của nhân loại. Trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ, trình độ sản xuất còn thấp kém, cá nhân không tách rời cộng đồng, cuộc sống quần tụ cộng đồng về nhiều mặt đã tạo nên hình thức gia đình tập thể quần hôn với hình thức đặc trưng như hôn phối tập thể, kinh tế cộng đồng, chế độ mẫu hệ, không có sự phân chia đẳng cấp, mọi thành viên được bình đẳng… Bước sang xã hội chiếm hữu nô lệ, trong xã hội hình thành chế độ tư hữu, lúc này xã hội phát sinh hình thức gia đình cá thể - hôn nhân một vợ một chồng. Gia đình cá thể là “hình thức gia đình đầu tiên không dựa trên những điều kiện tự nhiên mà dựa trên những điều kiện kinh tế, tức là trên thắng lợi của sở hữu tư nhân đối với sở hữu công cộng nguyên thuỷ và tự phát”(2). Như vậy, lần đầu tiên gia đình trở thành một đơn vị kinh tế riêng lẻ, kết cấu và quy mô thu hẹp hơn, quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái… mang tính phục tùng và bất bình đẳng, sau này được bổ sung bằng nạn ngoại tình và tệ mãi dâm phát triển. Xen giữa giai đoạn quần hôn còn tồn tại hình thức hôn nhân cặp đôi, giữa giai đoạn hôn nhân cặp đôi và hôn nhân một vợ một chồng là hình thức hôn nhân dựa vào sự thống trị của người đàn ông với phụ nữ, đó là chế độ đa thê (nhiều vợ). (1) C.Mác Ph Anghen. Tuyển tập. Tập 6. NXB Sự Thật. Tr75 (2) C.Mac va Ph. Ăngghen. Tuyển tập. Tập 6. NXB Sự thật Hà Nội 1984. Tr32 4
- 2. Huyết thống và quan hệ huyết thống Huyết thống và quan hệ huyết thống là quan hệ giữa cha mẹ và con cái (quan hệ theo chiều dọc). Do nhu cầu hết sức tự nhiên, cần duy trì và phát triển nòi giống, con người đã sáng tạo ra gia đình với tư cách là một thiết chế xã hội đặc thù. Cùng với quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống được coi là quan hệ cơ bản nhất của gia đình. Bởi vì, hôn nhân có thể dễ bị thay đổi, hoặc được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng huyết thống thường là quan hệ gắn kết mật thiết giữa các thành viên trong một cộng đồng xã hội đặc thù là gia đình. Tuy nhiên, quan hệ này cũng bị chi phối bởi những điều kiện kinh tế, văn hoá, chính trị của xã hội. Chẳng hạn, trong chế độ cộng sản nguyên thuỷ, huyết thống về đằng mẹ được coi là một chuẩn mực để tính quan hệ thân tộc gần xa. Khi ấy, gia đình được xây dựng trên cơ sở huyết thống mẫu hệ (gia đình mẫu hệ). Trong hình thức quần hôn, người ta không biết chắc chắn ai là cha của đứa trẻ, nhưng lại biết rất rõ ai là mẹ của nó. Vì thế, người mẹ gọi tất cả các con là con vì có bổn phận làm mẹ đối với chúng nhưng vẫn có thể phân biệt trong số bọn trẻ đó, ai là con đẻ của mình. Khi chế độ tư hữu xuất hiện thì đồng thời xuất hiện gia đình huyết thống phụ hệ (Gia đình phụ hệ). Như vậy, sự bất bình đẳng trong quan hệ nam nữ dù là mức độ thấp, hay cao cũng gắn liền với sự tồn tại của chế độ tư hữu. 3. Quan hệ quần tụ trong cùng một không gian sinh tồn Trong lịch sử, xuất phát từ yêu cầu của quan hệ giữa con người với nhau, giữa con người và tự nhiên, cộng đồng gia đình đã luôn cư trú, quần tụ trong một không gian cụ thể: đơn giản là hốc cây, hang đá, đến lều lán… và sau này là một mái nhà, không gian sinh tồn ấy ngày càng mở rộng và chịu sự chi phối của các quan hệ kinh tế - xã hội. Ngày nay, nhờ sự phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật… không gian sinh tồn ấy của gia đình ngày càng được mở rộng bởi tiện nghi, chất liệu… khái niệm không gian sinh tồn của gia đình không còn nguyên nữa, nhưng nhu cầu quần tụ, củng cố các quan hệ trong gia đình vẫn luôn đặt ra như là một tất yếu. Một trong những yếu tố cơ bản tạo nên độ bền vững của hạnh phúc gia đình là sự hoà hợp tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Hoà thuận giữa các thành viên bao gồm vợ, chồng, ông bà, con cháu, thậm chí cả cô dì, chú bác. Sự hoà thuận gia dình chính là sự quan tâm, tôn trọng lẫn nhau, cùng biết chia sẻ những vui, buồn, yêu thương, lo lắng cho nhau khi gặp bất trắc, khi xa gia đình, thậm chí hi sinh vì sự tiến bộ của nhau. Vì vậy, gắn bó, quần tụ trong không gian gia đình trở thành yếu tố không thể thiếu trong cuộc đời của con người. 4. Quan hệ nuôi dưỡng giữa các thành viên và các thế hệ thành viên trong gia đình - Nuôi dưỡng là một nghĩa vụ, trách nhiệm đồng thời còn là một quyền lợi thiêng liêng, là niềm hạnh phúc của các thành viên trong gia đình. Nuôi dưỡng không đơn thuần chỉ là cha mẹ, ông bà nuôi dưỡng con cháu, mà là một hoạt động có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của các con cháu đối với bố mẹ, ông bà, giữa các thành viên khoẻ mạnh đối với các thành viên gặp khó khăn, rủi ro về sức khoẻ, đời sống. Nuôi dưỡng của gia đình có những đặc thù mà cho dù xã hội hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế được. Bởi trong thực tế, sinh thành - nuôi dưỡng - dạy dỗ là những hoạt động không 5
- tách rời trong gia đình. Quan hệ nuôi dưỡng - giáo dục trong gia đình góp phần quan trọng xây dựng con người, phát triển nhân cách, lưu giữ và sáng tạo văn hoá gia đình và cộng đồng. III. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH 1. Vị trí của gia đình - Trong xã hội, mỗi đơn vị, cộng đồng xã hội đều có một vị trí nhất định. Với tư cách là tế bào xã hội, gia đình có vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển xã hội. Ph.Angghen đã chỉ rõ “Theo quan điểm duy vật, thì nhân tố quyết định trong lịch sử, quy cho cùng là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp. Nhưng sản xuất đó, bản thân nó lại có 2 loại: Một mặt là sản xuất ra tư liệu sinh hoạt, ra thức ăn, quần áo và nhà ở và những công cụ cần thiết để sản xuất ra những thứ đó; mặt khác là sự sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền tục nòi giống. Những thiết chế xã hội, trong đó con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống, là do hai loại sản xuất đó quyết định. Một mặt là do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình”(1). Như vậy, có thể thấy, trong các chế độ xã hội khác nhau, vị trí của gia đình có những biểu hiện khác nhau. Thời đại hiện nay, vấn đề gia đình là một vấn đề quan trọng được cả thế giới quan tâm. Gia đình như là một yếu tố để ổn định và phát triển xã hội. Các quốc gia đều có những chính sách xã hội trong đó có chính sách gia đình bởi vì chỉ có thể phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội. Xã hội muốn có ổn định phát triển phải nói tới gia đình. Ở Việt nam, từ xưa đến nay gia đình luôn có một vị trí hết sức quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước. Gia đình là nơi tiếp nhận, kế thừa và chuyển giao những truyền thống tốt đẹp, những giá trị văn hoá của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những biến đổi về cơ cấu và các chức năng của gia đình luôn gắn liền với những biến đổi về kinh tế và xã hội. Đối với mỗi con người Việt Nam, gia đình luôn được coi là tổ ấm, là nơi hình thành và nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, tạo nên nhân cách Việt nam. Theo ngôn ngữ Tiếng Việt, từ “Nước” và từ “Nhà” đựơc kết hợp với nhau để chỉ khái niệm về Tổ quốc, Nhà nước. Từ góc độ phát triển có thể thấy rất rõ gia đình là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của xã hội Việt Nam thông qua việc thực hiện các chức năng tái sản xuất ra con người, tái sản xuất ra sức lao động, ra của cải vật chất, của cải tinh thần. Đồng thời gia đình cũng là đơn vị tiêu dùng với những yêu cầu ngày càng phong phú, đa dạng đã thúc đẩy sản xuất phát triển. Sự ổn định và phát triển của gia đình có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của xã hội và quốc gia. Mối liên hệ biện chứng đó được thể hiện rất tõ qua câu nói “Dân giàu, nước mạnh”, “Trong ấm, ngoài êm” hoặc “Nước mất, nhà tan”. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, hạt nhân của xã hội là gia đình” (Hồ Chí Minh toàn tập. 1958-1959)(2). Nhiều văn kiện của Đảng khẳng định: “Gia đình là tế bào xã hội có vai trò to lớn trong quá trình phát triển kinh tế, ổn định xã hội và xây dựng con người mới” (Hội nghị Trung ương 4;5). Như vậy, gia đình có một vị trí hết sức quan trọng trong xã hội Việt Nam và luôn gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. (1) C.Mác Ph Anghen. Tuyển tập. Tập 6. NXB Sự Thật. Tr54 (2) Sách đã dẫn 6
- - Vị trí của gia đình còn được thể hiện trong mối quan hệ giữa gia đình và xã hội: Khi nói gia đình là tế bào xã hội, là hình thức cộng đồng đầu tiên của xã hội, điều này chỉ ra rằng, gia đình và xã hội có mối quan hệ mật thiết trong sự tác động biện chứng với nhau, giống như sự tương tác hữu cơ của quá trình trao đổi chất của một cơ thể sống hoàn chỉnh(1). Mỗi một xã hội trong quá trình vận động và biến đổi đều xuất phát từ trên cơ sở của một phương thức sản xuất nhất định và có vai trò quy định đối với gia đình. Nhưng xã hội đó chỉ tồn tại thông qua các hình thức gia đình, kết cấu và quy mô gia đình. Mỗi gia đình hạnh phúc thì cả cộng đồng xã hội vận động trở nên dễ dàng hơn. Mục đích chung của sự vận động biến đổi xã hội trước hết là vì lợi ích của mỗi công dân và thành viên của xã hội trong đó gia đình là nơi quần tụ của công dân và các thành viên đó. Lợi ích của mỗi công dân, mỗi thành viên của xã hội lại chịu sự chi phối của các lợi ích mà giai cấp thống trị xã hội quy định. Trong tiến trình lịch sử đã cho thấy, bản chất xã hội của gia đình là do các quan hệ kinh tế - xã hội thống trị quyết định. Các điều kiện kinh tế - xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định của sự phát triển là nhân tố quyết định tính chất và kết cấu gia đình. Trải qua các thời kỳ lịch sử từ chế độ Cộng sản nguyên thuỷ và hình thức gia đình tập thể - quần hôn huyết thống đến giai đoạn chuyển tiếp của chế độ thị tộc, xuất hiện gia đình cặp đôi - Pualuan, bước sang chế độ chiếm hữu nô lệ, hình thành gia đình cá thể: Những nhu cầu mới xuất hiện mà hôn nhân không chỉ vì mục đích kinh tế và kế thừa - một kiểu gia đình mới chỉ có thể hình thành đầy đủ và phổ biến trong điều kiện mới của một xã hội có tự do, bình đẳng thực sự . Như vậy, từ khi xuất hiện với tư cách là tế bào xã hội, gia đình là tổ chức cơ sở, là cơ cấu và thiết chế xã hội đặc thù nhỏ nhất. Trong quá trình vận động, gia đình vừa tuân thủ những quy luật và cơ chế chung của xã hội, vừa theo những quy luật và cơ chế riêng của mình. Do đó, gia đình phản ánh những mặt bản chất của xã hội, nhưng vẫn mang tính độc lập tương đối. Khi nói về mối quan hệ giữa gia đình và xã hội. Ph.Ăngghen đã chỉ rõ “Trình độ phát triển của lao động (bao gồm công cụ sản xuất, kỹ thuật lao động) và trình độ phát triển của gia đình (tính chất và hình thức tổ chức của gia đình) là hai yếu tố quyết định đối với mọi trật tự xã hội. Tuy nhiên trong mối quan hệ ấy, trình độ phát triển về mọi mặt của xã hội quyết định hình thức tính chất, kết cấu, quy mô của gia đình”(2). Các Mác cũng chỉ rõ: “Tôn giáo, gia đình, nhà nước pháp luật, đạo đức, khoa học, nghệ thuật… chỉ là những hình thức đặc thù của sản xuất và phục tùng quy luật chung của sản xuất”(3). Như vậy, tất cả những bước tiến của gia đình trong tiến trình lịch sử đều phụ thuộc chủ yếu và trước hết vào những bước tiến trong sản xuất, trong trình độ phát triển kinh tế của mỗi giai đoạn, mỗi thời đại lịch sử. - Gia đình là một thiết chế cơ sở đặc thù của xã hội, là cầu nối giữa các thành viên gia đình với xã hội. Trong hệ thống cơ cấu tổ chức của xã hội, gia đình được coi là một thiết chế cơ sở đầu tiên nhỏ nhất. Mọi sự vận động biến đổi của thiết chế đều tuân theo (1) Hồ Chí Minh . Toàn tập. Tập 9. NXB Chính trị Quốc gia Hà Nôi 1996 (2) Sách đã dẫn (3) Sách đã dẫn 7
- những quy luật chung của cả hệ thống xã hội. Trong mỗi gia đình, các hoạt động, tổ chức đời sống hoạt động của các thành viên đều chịu sự tác động và “phản ứng” lại đối với từng tác động của xã hội. Qua đó, ý thức cộng đồng của mỗi cá nhân được nâng cao và sự gắn bó của gia đình -xã hội mang tính thiết thực. Xét ở góc độ văn hoá, đạo đức, gia đình còn là nơi thể hiện tập trung nhất các hệ thống giá trị văn hoá, đạo đức của đời sống. Gia đình là một thiết chế xã hội, là nhóm xã hội có đời sống tâm lý, xã hội đặc thù, thể hiện mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình một cách thường xuyên, sâu sắc, rộng lớn, có hệ thống, liên tục đối với nhân cách mỗi người. Sự gắn bó cảm thông, che chở cho nhau vì lợi ích chung, không vụ lợi với tinh thần trách nhiệm đối với nhau. Từ trong đời sống gia đình, mỗi thành viên sẽ hình thành lương tâm, ý thức, nghĩa vụ, trách nhiệm, xây dựng tổ chức cuộc sống, tin vào các giá trị đạo đức cao thượng để có bản lĩnh hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng xã hội. Sự đồng thuận hay không đồng thuận từ những tác động xã hội, nhà nước, dư luận… với hình thức tổ chức gia đình sẽ đem lại kết quả tốt hay xấu của mỗi chế độ xã hội, mỗi thời đại. - Gia đình là tổ ấm, mang lại các giá trị hạnh phúc, sự hài hoà trong đời sống cá nhân của mỗi thành viên, mỗi công dân của xã hội. Từ thuở ấu thơ cho đến lúc chết đi, mỗi thành viên đều được nuôi dưỡng, chăm sóc để trở thành công dân xã hội. Mọi lao động, cống hiến, hưởng thụ, đóng góp cho xã hội trước hết và chủ yếu là thông qua gia đình. Cho dù đời sống có nhiều biến đổi gì chăng nữa, mọi thành viên đều mong muốn đượcnương tựa vào nhau dưới mái ấm gia đình, họ phải lao động, chống đỡ để gia cố gia đình, phát triển gia đình vì hạnh phúc chung. Sự yên ổn, hạnh phúc mỗi gia đình là tiền đề, điều kiện quan trọng cho sự hình thành, phát triển nhân cách. Trong các nước Phương Đông, theo truyền thống, gia đình là trụ cột, các quan hệ giữa mọi thành viên trong gia đình là quan hệ khuôn mẫu chuẩn mực cho tất cả các dạng quan hệ khác. Vì thế, về cơ bản hệ thống giá trị trong mỗi gia đình hướng tới là: Coi trọng con người, xác định gia đình là hạt nhân xã hội, cân bằng lợi ích giữa cá nhân-gia đình, tiết kiệm, chăm chỉ cần cù lao động, môi trường đạo đức lành mạnh, hợp tác với nhà nước vì lợi ích quốc gia… Bên cạnh những giá trị gia đình truyền thống định chế bền vững của gia đình là: Tình yêu- Hôn nhân hạnh phúc. Trong đó, tình yêu là cốt lõi, là yếu tố gắn các hình mẫu tác phong, văn hoá đạo đức đảm bảo gia đình giữ được sự êm ấm góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Ở góc độ này, không ai, dù có vị thế, vai trò quan trọng như thế nào trong xã hội nào, vẫn không thể xem là người hạnh phúc nếu không có đời sống gia đình êm ấm, ổn định. Nếu xem văn hoá là toàn bộ các giá trị vật chất, tinh thần do lao động của con người sáng tạo ra, nhằm thoả mãn các nhu cầu tồn tại và phát triển cho cá nhân và cộng đồng xã hội. Thì gia đình là môi trường văn hoá sớm nhất, gần nhất đối với mỗi thành viên, là nơi hợp pháp để nam nữ thể hiện quyền, bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ của quan hệ vợ chồng, đặc biệt là sinh hoạt tình dục. Cuộc sống tình dục hài hoà của vợ chồng không chỉ duy trì tình cảm mà còn bảo tồn giống nòi, tái sản xuất ra con người. Gia đình cũng lưu giữ, bảo tồn, thậm chí còn sản xuất ra các sản phẩm văn hoá cần thiết cho sự tồn tại và phát triển cho mỗi cá nhân cộng đồng xã hội. Có thể nói, các sản phẩm văn hoá vật chất như : Các loại lương thực, thực phẩm, các phương tiện tránh 8
- nắng, mưa, rét : nhà cửa, quần áo,...; Các sản phẩm văn hoá tinh thần như ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ), vốn sống, kinh nghiệm xã hội trong giao tiếp ứng xử, trong tổ chức cuộc sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình... có thể gọi chung là văn hoá gia đình. - Trẻ em được sinh ra, lớn lên, hoạt động tích cực trong nền văn hoá gia đình. Cha, mẹ và những người thân trong gia đình đáp ứng kịp thời các nhu cầu vật chất, tinh thần cho trẻ em bằng các sản phẩm văn hoá xã hội thiết yếu có trong gia đình để cho trẻ tồn tại và phát triển. Chẳng hạn như: Nhu cầu dinh dưỡng, nhu cầu cảm xúc, biểu cảm, nhu cầu nhận thức, nhu cầu vận động, Nhu cầu gắn bó, giao tiếp Ngoài cái riêng của văn hoá gia đình nêu trên, thì cái chung của văn hoá cộng đồng xã hội cũng đựơc thực hiện như ngôn ngữ xã hội ( thường gọi là tiếng mẹ đẻ), phong tục tập quán, đạo đức, pháp luật, các quan điểm nhận thức về thế giới, con người, tự nhiên, xã hội, tôn giáo...Như vậy, văn hoá gia đình chính là sản phẩm văn hoá xã hội, nó vừa mang tính chất chung của cộng đồng xã hội, vừa mang tính chất riêng khác biệt cho từng gia đình. “ Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” là vậy. Đứa trẻ vừa lọt lòng đã đựơc nuôi dưỡng trong môi trường văn hoá gia đình xác định. Mẹ và những người thân trong gia đình chăm sóc trẻ bằng các phương thức mà xã hội trang bị cho họ, thoả mãn các nhu cầu cơ bản cho trẻ, bằng cách sử dụng các sản phẩm của nền văn hoá xã hội (sữa, tã lót, khăn, nước ấm, thuốc men...). Đứa trẻ tồn tại và phát triển bởi chính các sản phẩm của nền văn hóa xã hội mà gia đình đang sử dụng. Từng phản ứng, hành vi đón nhận, phản ánh các sản phẩm văn hoá xã hội đều được các thành viên trong gia đình hướng dẫn (chăm sóc) theo phương thức xã hội đương thời, phù hợp với phong tục tập quán truyền thống... và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí trẻ. Tóm lại, văn hoá gia đình là môi trường văn hoá xã hội gần nhất, sớm nhất đối với đứa trẻ. Do vậy, có thể nói cơ thể của trẻ tăng trưởng hằng ngày là nhờ các sản phẩm văn hoá vật chất của gia đình, từ gia đình (sữa mẹ, sữa bò, cháo, bột, cơm...và các dưỡng chất). Đứa trẻ phát triển tâm sinh lí một cách thuận lợi là nhờ tác động âm thanh (ngôn ngữ, âm nhạc... nhẹ nhàng), ánh sáng (ánh đèn, ánh sáng tự nhiên êm dịu...), trẻ được nằm trong vòng tay ấm áp, tràn ngập những cảm xúc yêu thương... từ mẹ và những người thân gần gũi trẻ. đây là những sản phẩm văn hoá tinh thần (phi vật thể)... đứa trẻ tăng trưởng và phát triển nhờ có sản phẩm văn hoá xã hội do gia đình cung cấp. “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” đã được Đảng ta khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” . Có thể nói, sự no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc của gia đình là tiền đề, điều kiện quan trọng cho sự hình thành phát triển nhân cách, bảo đảm đạt hiệu quả cho các hoạt động lao động xã hội. 2. Chức năng của gia đình Gia đình có nhiều chức năng, tuỳ vào cách tiếp cận khác nhau về gia đình cho thấy ở mỗi hình thức gia đình xuất hiện các hệ chức năng khác nhau. Mặt khác, cũng phải thấy rằng, các chức năng của gia đình không cố định mà luôn biến đổi cùng với sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội. Mặc dù vậy, khi đề cập tới gia đình thường được chú ý một số chức năng tương đối phổ biến sau: 9
- Một là, chức năng sinh đẻ - Tái sản xuất ra con người Đây là chức năng đặc thù của gia đình. Chức năng này đáp ứng nhu cầu tình cảm riêng rất tự nhiên của cá nhân về sinh con đẻ cái, đồng thời mang ý nghĩa chung lớn lao là cung cấp những công dân mới, đảm bảo sự phát triển liên tục và trường tồn của loài người. Việc sinh đẻ diễn ra ở từng gia đình nhưng lại quyết định mật độ dân cư của mỗi quốc gia và quốc tế- một yếu tố vật chất cấu thành của tồn tại xã hội. Tuỳ theo từng giai đoạn phát triển của dân tộc hay quốc gia, vấn đề sinh đẻ được khuyến khích hay hạn chế về số lượng. Nhưng hiện nay vấn đề giảm tốc độ tăng dân số nhằm nâng cao chất lượng sống là xu thế của các quốc gia trên thế giới. Dưới sự tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, ngày nay chức năng sinh đẻ của gia đình cũng có những thay đổi nhất định. Bên cạnh các mặt tích cực, thì sự tác động và can thiệp ngày càng sâu của khoa học đã và đang gây ra những tranh cãi không chỉ về mặt đạo đức mà ngay cả trong lĩnh vực khoa học. - Bản năng sinh lí của loài người đã thúc đẩy quan hệ tính giao giữa người đàn ông và đàn bà thông qua hình thức hôn nhân để sinh đẻ con cái, truyền sinh sự sống duy trì loài người. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng (thiên chức) của các bậc cha mẹ được “tạo hoá” trao cho quy luật sáng tạo cuộc sống, bảo đảm sự trường tồn của nòi giống. + Xét về góc độ xã hội, quốc gia muốn hùng mạnh, phát triển thì tất yếu phải tái sản xuất ra sức lao động xã hội. Nói đến tái sản xuất ra bản thân con người nghĩa là sinh sản để thay thế những thế hệ đã mất đi do già lão, bệnh tật, tai nạn bất thường v.v... đồng thời thế hệ đựơc sinh sản sau phải là sức lao động có trình độ, năng lực hơn những thế hệ trước để góp phần sáng tạo ra một xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ hơn. + Nếu không có chức năng sinh sản tái sản xuất ra sức lao động ngày một hoàn hảo hơn của gia đình thì xã hội không những không thể tiến liên phía trước mà cũng không thể đứng yên được tại chỗ mà chỉ thụt lùi đi đến chỗ tiêu vong. - Sinh đẻ, tái sản xuất ra sức lao động được coi là nghĩa vụ thiêng liêng của gia đình đối với sự tồn vong của xã hội. Do đó, nam nữ xây dựng gia đình trên cơ sở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ và những con cái của họ sinh ra đều được pháp luật, xã hội công nhận và bảo trợ. - Trước đây, do trình độ nhận thức, trình độ phát triển khoa học kỹ thuật còn thấp kém, con người chưa có ý thức đầy đủ và chưa có khả năng kiểm soát điều tiết việc sinh sản để bảo vệ sức khoẻ cho bà mẹ, chất lượng đời sống cho trẻ em. Việc sinh sản theo quan niệm “Trời sinh voi, sinh cỏ” đã dẫn đến tình trạng nhiều gia đình quá đông con nên nghèo đói, bệnh tật, trẻ nheo nhóc, thiếu dinh dưỡng, không được học hành, tuổi thọ trung bình thấp.v.v... - Hiện nay chức năng sinh sản gia đình liên quan mật thiết với nguy cơ bùng nổ dân số, nguy cơ ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên v.v... Vì vậy chức năng sinh đẻ, tái sản xuất ra sức lao động phải: + Đảm bảo số lượng và chất lượng cuộc sống của đứa trẻ, của các thành viên trong gia đình là vấn đề nhân bản, khẩn cấp, có tính toàn cầu. 10
- + Riêng ở Việt Nam chúng ta đang đặt ra trách nhiệm cho mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh đẻ 1 hoặc 2 con nhằm thực hiện triệt để chương trình DS-KHHGĐ. Trong gia đình hiện đại, việc coi trọng chức năng sinh đẻ của gia đình là phải trực tiếp quan tâm đến điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi, sử dụng hợp lý các thành tựu khoa học công nghệ cho việc mang thai và sinh nở tốt hơn cho các bà mẹ. Chiến lược về dân số hợp lý sẽ trực tiếp tạo ra một cách có kế hoạch nguồn nhân lực mới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, là mục tiêu, động lực quan trọng nhất của phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội. Mục đích của việc sinh đẻ có kế hoạch là nhằm mục tiêu thực hiện tái sản xuất con người phù hợp và hài hoà với những điều kiện đảm bảo cụ thể, để lớp người mới ra đời có khả năng phát triển cả về trí tuệ, thể chất đem lại niềm hạnh phúc cho gia đình và nguồn lực cho xã hội. Hai là, chức năng kinh tế. Đây là một trong những chức năng cơ bản, hơn nữa, còn là cơ sở để thực hiện tốt các chức năng khác của gia đình. Nội dung kinh tế chủ yếu của gia đình là tạo nguồn thu nhập và những điều kiện vật chất để tổ chức đời sống gia đình. Sản xuất vật chất quyết định sự sống, là cơ sở để tái sản xuất ra con người. Ngược lại, tái sản xuất ra con người là tiền đề của sản xuất vật chất. Từ Đại hội VI của Đảng (1986) ta đã xác định hộ gia đình là “một đơn vị kinh tế”. Qua hơn 25 năm đổi mới, gia đình Việt Nam đã chyển từ đơn vị kinh tế tự nhiên sản xuất đơn lẻ, tự chịu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh, tự lo tổ chức thu nhập, tiêu dùng... thành những hộ gia đình đa dạng về ngành nghề và thu nhập. Kinh tế hộ gia đình đã trở thành một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và đóng vai trò chủ đạo trong việc giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo. Thông qua chức năng kinh tế nhằm thoả mãn các nhu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thần cho các thành viên, gia đình đã đóng góp vào việc tái sản xuất ra của cải vật chất, của cải tinh thần cho xã hội. Chức năng kinh tế của gia đình còn tạo ra sự ràng buộc và gắn bó giữa các thành viên trên cơ sở lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất chung. Sự chia sẻ lợi ích và quá trình tạo dựng, tích luỹ, kế thừa tài sản cũng như phương thức của các thành viên tạo ra của cải vật chất qua sự đóng góp của các thành viên là những phương diện phản ánh đặc điểm chức năng kinh tế của gia đình. Tuy nhiên, hiện nay cùng với quá trình lực lượng sản xuất xã hội hoá đã làm biến đổi kinh tế gia đình. Hoạt động kinh tế hộ gia đình có những mức độ hình thức khác nhau nhưng nó đều góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội với tư cách là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân. Nó đáp ứng việc tổ chức sản xuất tăng thu nhập, làm giàu chính đáng tạo điều kiện vật chất thúc đẩy các chức năng khác của gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển gia đình và xã hội. Ba là, chức năng tiêu dùng. Chức năng này được thể hiện thường xuyên trong các hoạt động của gia đình. Việc tiêu dùng hướng vào các mục tiêu mua sắm các sản phẩm phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của gia đình. Thông qua chức năng này, tiêu dùng gia đình là để trước hết tái tạo thể chất và tinh thần cho các thành viên, sau là góp phần định hình và kích thích sản xuất xã hội. Thường chức năng tiêu dùng phụ thuộc vào thu nhập và đóng góp chung từ 11
- kết quả lao động của các thành viên trong hoạt động kinh tế gia đình hoặc xã hội. Xã hội càng phát triển thì càng thúc đẩy việc mở rộng chức năng tiêu dùng của gia đình. Thực tế cho thấy, việc tiêu dùng các giá trị của cải vật chất, tinh thần của con người ngày càng nhiều hơn và đa dạng bằng hệ thống dịch vụ và phúc lợi xã hội. Nhưng tuyệt nhiên không thay thế hoàn toàn chức năng tiêu dùng của gia đình. Tổ chức tiêu dùng cho đời sống vật chất và tinh thần của gia đình sẽ đi vào chiều sâu đáp ứng nhu cầu phong phú, duy trì sắc thái và sở thích hoạt động riêng của từng gia đình và mỗi thành viên. Đây cũng là điều kiện góp phần giải phóng phụ nữ thực hiện bình đẳng giới xây dựng gia đình hạnh phúc. Ngày nay, sự phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với thực hiện bình đẳng xã hội tạo thuận lợi cho các gia đình nghỉ ngơi, hưởng thụ hợp lý và chính đáng các thành quả lao động của mình. Động viên các gia đình nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng trên cơ sở đó tiêu dùng lành mạnh, nâng cao kiến thức khoa học, hiểu biết xã hội, cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình và mọi thành viên. Cơ chế thị trường khuyến khích các gia đình giành quyền chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, khơi dạy khát vọng làm giàu của các thành viên. Tuy nhiên, nó cũng đẩy nhanh phần tầng xã hội, phân hoá giàu, nghèo và tạo ra sự mất cân bằng giữa các chức năng khác của gia đình. Bốn là, chức năng giáo dục. Giáo dục con cái, chăm lo việc học hành và phát triển lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần của các thành viên trong gia đình là chức năng xã hội quan trọng của gia đình. Đây cũng là chức năng thường xuyên của gia đình. Giáo dục hay xã hội hoá là một quá trình trong đó có thể tiếp thu, học hỏi văn hoá của xã hội, nhờ đó trẻ có thể được sinh ra một lần nữa, tức là quá trình lĩnh hội các kinh nghiệm xã hội, học những gì cần phải làm và những gì không nên làm như học tiếng nói, học các chuẩn mực đạo đức, ứng xử, văn hoá… để thích ứng với xã hội. Chức năng giáo dục và quá trình xã hội hoá là hai mặt của sự phát triển tất yếu đối với con người. Xã hội hoá là yếu tố quyết định biến con người sinh học thành con người xã hội. Cũng có nghĩa xã hội hoá là sự tiếp thu những kinh nghiệm những chuẩn mực, giá trị, tri thức xã hội để hình thành nhân cách con người giúp con người trở thành con người xã hội. Nội dung giáo dục của gia đình chính là những yếu tố của vấn đề văn hoá gia đình và gia đình văn hoá, nhằm tạo lập và phát triển nhân cách con người. Giáo dục gia đình mang nội dung toàn bộ cả về giáo dục kinh nghiệm, tri thức và được thực hiện ở mọi chu trình sống từ khi lọt lòng đến trưởng thành và khi về già. Trong chu trình giáo dục ấy, có những nội dung, hình thức và phương thức cụ thể thích hợp với từng đối tượng, lứa tuổi với mục tiêu thực hiện chức năng giáo dục của gia đình. Trong quá trình thực hiện chức năng giáo dục của gia đình, chủ thể chủ yếu vẫn thuộc thế hệ ông bà, cha mẹ đối với con cháu. Trong đó vai trò của người bà, người mẹ có vị trí quan trọng đặc biệt vì họ là những người trực tiếp, thường xuyên truyền thụ văn hoá, nhân cách cho trẻ trong những năm đầu của cuộc sống. Sự hiểu biết của bà, mẹ là nhân tố quyết định tình trạng sức khoẻ và sự phát triển cả về thể lực lẫn trí tuệ của trẻ. Phương pháp giáo dục của gia đình cũng rất đa dạng, song chủ yếu vẫn là phương pháp nêu gương, thuyết phục, giảng giải chịu ảnh hưởng không ít của tư tưởng, lối sống, tâm 12
- lý, gia phong của gia đình truyền thống. Như vậy, việc thực hiện chức năng giáo dục của gia đình phụ thuộc khá lớn vào khả năng, trình độ, sự hiểu biết của người lớn trong gia đình, kể cả quá trình tự giáo dục mặc dù giáo dục xã hội đóng vai trò ngày càng quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Giáo dục gia đình là một bộ phận để bổ sung, hoàn thiện cho giáo dục nhà trường và xã hội. Việc kết hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục: gia đình-nhà trường-xã hội là điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội có phát triển lên trình độ nào chăng nữa thì giáo dục gia đình vẫn được coi là thành tố của nền giáo dục xã hội nói chung, là bộ phận quan trọng hợp thành giáo dục nói chung phục vụ các lợi ích cơ bản của giai cấp thống trị xã hội trong bất cứ thời đại nào khi xã hội vẫn còn phân chia giai cấp. Quá trình thực hiện xã hội hoá giáo dục cũng là để thực hiện tốt chức năng giáo dục của gia đình giúp mọi thành viên, công dân tiếp thu giáo dục, giao lưu… trong hoạt động sống để học hỏi được cách sống trong cộng đồng, trong đời sống xã hội và phát triển khả năng đảm nhận các vai trò xã hội với tư cách là một thành viên của xã hội. Năm là, chức năng cân bằng các nhu cầu tâm - sinh lý cho các thành viên trong gia đình. Đây là chức năng có thể coi là có tính văn hoá-xã hội của gia đình và có vị trí đặc biệt quan trọng để tạo ra khả năng thực tế cho việc xây dựng gia đình tiến bộ - hạnh phúc. Nhiều vấn đề tâm lý-sinh lý thuộc giới, thế hệ… cần được bộc lộ và giải quyết trong phạm vi gia đình, giữa những người thân trong hàng loạt các mối quan hệ của gia đình. Hiểu biết tâm lý cá nhân, sở thích, thiên hướng, nguyện vọng.. để ứng xử phù hợp chân thành và tế nhị, tạo bầu không khí tinh thần ổn định trong gia đình, giúp các thành viên yên tâm sống và làm việc, những cảm giác an toàn, lạc quan và tích cực góp phần củng cố quan hệ gia đình và xã hội. - Từ xưa đến nay con người đã trải nghiệm và khẳng định gia đình là tổ ấm đối với mọi cá nhân, dù theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng. Gia đình cũng là nơi mọi thành viên có điều kiện quan tâm, chăm sóc đến nhau, tạo nên sự thoả mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần thiết yếu cho mỗi cá nhân. Họ có thể hi sinh, nhường nhịn cho nhau vì tình yêu thương ruột thịt: + Như tình mẫu tử: “Chốn ướt mẹ nằm, ráo rê con lại” + Trong đạo vợ chồng: “Vợ chồng là nghĩa già đời. Ai ơi chớ nghĩ những điều thiệt hơn” + Tình anh em: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” - Gia đình –nơi đây là không gian thuộc quyền sở hữu riêng của mọi thành viên trong gia đình thường xuyên đem lại cho họ cảm giác an toàn, thoải mái. + Đối với mọi thành viên sau một ngày học tập, lao động mệt mỏi ở nhà trường, cơ quan, xí nghiệp hay trên đồng ruộng, người ta sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn bồi dưỡng lại sức lực ở gia đình. 13
- + Tất cả những sự bất đồng, căng thẳng trong quan hệ ở nơi làm việc, ngoài xã hội khi về dưới mái ấm gia đình, nhận được lời an ủi, động viên của người thân làm cho họ bình tâm, yên tĩnh, dịu đi cơn bực dọc. + Những sở thích, nhu cầu cơ bản nhất như ăn, ở, mặc, nghỉ ngơi... đựơc thoả mãn một cách triệt để nhất, riêng tư nhất cũng ở trong gia đình. - Đồng thời, gia đình còn là nơi đã ghi lại trong kí ức sâu thẳm những tình cảm thiết tha, nồng nàn, thiêng liêng của đời người: qua cái ấm áp trong mùa đông lạnh giá, cái mát mẻ giữa mùa hè oi bức, cái no đủ lúc mùa màng thất bát, cái tươi tắn, khoẻ mạnh trải qua cơn bệnh tật, ốm đau mà gia đình đã chung lòng, chung sức chăm lo.... - “Tổ ấm gia đình” như một “bến đậu” từ đó ra đi xuôi ngược, rồi thuyền lại cập bến, ru mình trên dòng sông xanh mát, hoặc tránh cả những cơn bão tố phong ba. Về với gia đình những kỉ niệm vui buồn, đồng cam cộng khổ, vui sướng...được gợi lên làm cho tình cảm ruột thịt, quê hương thêm sâu sắc, cuộc đời con người thêm ý nghĩa. Chính vì vậy, trong thực tiễn cuộc sống đã có biết bao nhiêu con người vì điều kiện này hay điều kiện khác phải phưu cư, bạt quán, xa mái ấm gia đình hết gần cả cuộc đời, nhưng khi có điều kiện vẫn bôn ba thực hiện nguyện ước về lại với gia đình – nơi quê cha đất tổ, nơi chôn nhau, cắt rốn của tuổi ấu thơ. Sự hiểu biết đáp ứng hợp lý những nhu cầu sinh lý giữa các thành viên, sự cảm thông, chia sẻ, lòng bao dung độ lượng và đáp ứng nhu cầu chính đáng như quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái; Anh chị - các em.. là những tiền đề cho mọi thái độ, hành vi tích cực trong cuộc sống. Tôn trọng tính đa dạng, phong phú của cá nhân, sự bình đẳng giới, giáo dục quan điểm tích cực lành mạnh phù hợp đạo đức, sức khoẻ, mục tiêu xây dựng gia đình văn hoá và văn hoá gia đình… là nhiệm vụ vừa mang tính xã hội, vừa mang tính nhân văn sâu sắc. Với tư cách là một thiết chế đa chức năng, gia đình tồn tại, phát triển và có tác động tích cực đến xã hội phần lớn thông qua chức năng cân bằng các nhu cầu tâm sinh lý, nó vừa là động lực tinh thần, vừa có sự gắn bó mật thiết tới quá trình phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội. - Dân tộc ta vốn có truyền thống đạo lý tôn trọng người cao tuổi (trọng lão). “Kính lão đắc thọ” hoặc “kính già, già để tuổi cho”. Điều đó không chỉ biểu hiện trong tư duy, tình cảm phản ánh qua thơ ca, tục ngữ... mà còn được ghi nhận một cách rất chi tiết, cụ thể trong lệ làng, luật nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Luật nước, lệ làng đối với việc “trọng lão” không những tuỳ thuộc vào từng thời đại phong kiến, mà còn tuỳ thuộc vào phong tục, tập quán sinh hoạt của cộng đồng được bảo tồn sâu sắc trong các hương ước, khoán ước làng xã. Có thể cắt nghĩa lệ làng, luật nước chăm sóc, tôn trọng người cao tuổi với mấy lí do sau: + Về sức mạnh tự nhiên: Nó biểu hiện ở trí tuệ và kinh nghiệm tích luỹ đựơc của người già từ lao động để sinh tồn, phát triển nòi giống và chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, giang sơn do cha ông để lại. + Về sức mạnh xã hội: Tiếng nói của người cao tuổi có sức mạnh lớn lao lên thì đối với vua hiền, tôi thẳng phải kính nể, dưới thì đối với cộng đồng làng xóm có ý nghĩa đoàn kết, cổ vũ, hoà giải, động viên. 14
- - Đối với gia đình, nuôi dưỡng chăm sóc ông bà, cha mẹ già là thể hiện đạo hiếu của con cháu trong gia đình, là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những thế hệ đã vượt qua, đã chịu đựng biết bao vất vả, gian khổ, thiếu thốn để chắt chiu ra những dòng sữa ngọt ngào, những miếng cơm, manh áo nuôi dạy con cháu trưởng thành và tạo lập nên cơ nghiệp gia đình, góp phần xây dựng đất nước hôm nay. - Bảo vệ, chăm sóc ông bà, cha mẹ lúc tuổi già không những là đạo hiếu “đền ơn đáp nghĩa” để cho các cụ nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, mà phần khác để cho các cụ có thời gian, điều kiện thuận lợi hơn chuyển giao lại cho con cháu những kinh nghiệm quý báu đã đựơc trải nghiệm suốt cả cuộc đời, trong đó có việc đối nhân, xử thế, việc xây dựng, củng cố nề nếp, gia phong, gia giáo, trong gia đình, việc thiết lập trật tự, kỉ cương trong thôn xóm, cộng đồng... Ông bà, cha mẹ già ở trong gia đình vẫn có vị trí, vai trò rất quan trọng: + Can thiệp, giải quyết các mối bất hoà có thể xảy ra giữa các con, các cháu để bảo vệ các mối quan hệ chính đáng, tốt đẹp ở trong gia đình. + Ngăn chặn, phê phán mạnh mẽ những suy nghĩ, hành vi trái với đạo lý ở trong gia đình và ngoài xã hội làm tổn hại đến danh dự, truyền thống gia phong, gia đình dòng họ dân tộc, quốc gia. + Nhắc nhở con cháu nhớ đến những ngày lễ tết, giỗ chạp đối với tổ tiên, ông bà, nhằm thể hiện lòng thành kính nhớ đến cội nguồn “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. + Giúp con cái trông nom gia đình lúc chúng đi vắng. Tổ chức, sắp đặt công việc vặt, tạo nên đời sống ngăn nắp, gọn gàng sạch sẽ trong gia đình. + Kèm cặp, nhắc nhở các cháu học hành, tắm giặt sạch sẽ, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, giáo dục uốn nắn những sai trái trong ngôn ngữ, hành vi, cử chỉ hướng các cháu hình thành, phát triển những yếu tố nhân cách cần thiết của con người công dân chân chính tương lai theo yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Gia đình là một nhóm xã hội nhỏ, là một tổ chức xã hội lịch sử, đồng thời là một thiết chế xã hội đặc thù. Các thành viên trong gia đình bị ràng buộc với nhau bởi các quan hệ gia đình và pháp luật, bởi tính cộng đồng và đạo đức xã hội. Có thể nói gia đình là một xã hội thu nhỏ và tất cả các quan hệ ràng buộc, trong đó có quan hệ kinh tế với tư cách là một đơn vị kinh tế bao gồm sản xuất và tiêu dùng; có quan hệ chính trị với ý nghĩa gia đình được tạo nên bởi các thành viên - công dân trong xã hội, có quan hệ giáo dục với tư cách là một đơn vị giáo dục văn hoá, có quan hệ tái tạo con người và nuôi dưỡng con người phát triển có tinh thần lẫn thể chất. Các thành viên gắn bó với nhau về trách nhiệm và quyền lợi, có những ràng buộc nhất định bởi tính pháp lý đồng thời có những quy định không thành văn về phong tục, tập quán, văn hoá ứng xử gia phong. Cho đến nay, gia đình vẫn là một thiết chế xã hội tương đối bền vững trong xã hội Việt Nam. Mô hình gia đình Việt Nam vẫn dựa trên các cơ sở cơ bản là những quan hệ hôn nhân và huyết thống mặc dù loại hình chính của gia đình Việt Nam hiện nay là gia đình hạt nhân bao gồm bố mẹ và con cái. Đây là loại hình gia đình phổ biến và có xu hướng thay thế cho loại gia đình mở rộng bao gồm ông bà, cha mẹ, con cái, cháu. Quy mô gia đình có xu hướng giảm song gia đình người Việt vẫn có số thành viên trung bình cao hơn so với các nước trong khu 15
- vực. Tuổi kết hôn lần đầu của cả nam và nữ có chiều hướng tăng dần. Tuy nhiên, ở một số vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, tình trạng tảo hôn và tuổi kết hôn trung bình lần đầu là khá thấp. Hiện tượng hôn nhân không đăng ký, hoặc chung sống trước hôn hân có xu hướng tăng lên và tập trung ở giới trẻ sống xa gia đình. Số lượng các vụ ly hôn tăng lên theo từng năm, bạo lực gia đình là vấn đề nghiêm trọng trong đời sống gia đình Việt Nam hiện nay. Những vấn đề về giáo dục trẻ em đang đứng trước thách thức như số lượng trẻ em hư, phạm pháp, tệ nạn xã hội gia tăng. Tâm lý chuộng con trai vẫn còn khá phổ biến tạo nên sự mất cân bằng giới tính. Nhưng cũng phải thấy rằng, mức sống các gia đình đang ngày một cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên... Sự phát triển kinh tế - xã hội cùng với quá trình hội nhập quốc tế đã tác động nhiều mặt tới đời sống gia đình Việt Nam và tạo nên quá trình biến đổi các chức năng cơ bản của gia đình cũng như các mối quan hệ trong gia đình. Vấn đề đặt ra là, công tác giáo dục gia đình đang đứng trước thách thức mới đòi hỏi không những gia đình mà toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội các tổ chức giáo dục (kể cả trong và ngoài công lập) cũng phải giải quyết. Giữa truyền thống và hiện đại, giữa giá trị thực và giá trị ảo. Những vấn đề trên đều phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng, khoa học để tìm ra những giải pháp thoả đáng cho chính sách gia đình nói riêng và xã hội nói chung. CÂU HỎI HƯỚNG DẪN SINH VIÊN HỌC TẬP 1. Phân tích vị trí và mối quan hệ của gia đình với xã hội 2. Phân tích các mối quan hệ chủ yếu trong gia đình Việt Nam hiện nay. Nêu những khác biệt căn bản giữa tình yêu của cha, tình yêu của mẹ đối với con trong gia đình, từ đó xác định vai trò của cha và mẹ đối với sự phát triển thể chất, tâm lí đối với trẻ. 3. Tại sao nói gia đình là môi trường văn hoá gần và sớm nhất đối với trẻ em? 4. Phân tích chức năng bảo tồn nòi giống, bảo tồn văn hoá dân tộc, và nuôi dưỡng con cái trong gia đình Việt Nam hiện nay. Theo bạn, hiện nay gia đình ở địa phương bạn thực hiện các chức năng này như thế nào? đặc biệt là nêu lên những điều làm tốt, những điều hạn chế và nguyên nhân chi phối. 5. Vì sao giáo dục gia đình được coi là một hình thức giáo dục quan trọng tác động tới thế hệ trẻ? Phân tích mục tiêu khái quát của giáo dục gia đình.giáo dục gia đình hướng tới thành tựu gì cần đạt ở trẻ. Nêu những khó khăn cơ bản tác động đến giáo dục con trong gia đình hiện nay. 16
- Chương II GIA ĐÌNH VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VIỆT NAM HIỆN NAY I. GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRUYỀN THỐNG Gia đình theo quan niệm của người Việt là đơn vị nền tảng, là tế bào xã hội, gia đình luôn có vị trí hết sức quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển xã hội Việt Nam. Gia đình cũng là nơi tiếp nhận, kế thừa, sáng tạo và lưu truyền những truyền thống, giá trị văn hoá của cộng đồng, xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó chứa nhiều yếu tố dường như bất biến, ít thay đổi. Gia đình Việt Nam truyền thống là sản phẩm của nền văn minh lúa nước, nó mang nặng tính giáo dục Đạo làm người hơn là cung cấp cho con người những nhận thức mới về thế giới, không tránh khỏi yếu tố giáo điều, chủ quan, kinh nghiệm, cảm tính. Trong dân gian, gia đình Việt Nam truyền thống được coi là đại gia đình mà các thành viên liên kết bằng một chuỗi quan hệ huyết thống, bao gồm ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt. Trong gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà có thể nhiều thế hệ (từ ba bốn đến năm thế hệ) được gọi “Tam đại, tứ đại, ngũ đại đồng đường” và coi đó là gia đình có phúc. Gia đình truyền thống có sự gắn bó cao về tình cảm theo huyết thống, cách ứng xử là phải “kính trên, nhường dưới”, anh em phải hoà thuận, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, nghe lời cha mẹ, ông bà, hiếu thảo là một trong những đức tính quan trọng nhất của con người để tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng mình. Với một nước nông nghiệp là chủ yếu, gia đình truyền thống Việt Nam là gia đình của xã hội nông nghiệp, gia đình gắn liền với dòng họ, làng xã và phụ thuộc vào làng xã. Sự cố kết cá nhân trong gia đình lại phụ thuộc vào cộng đồng gia đình, dòng họ, trong đó vai trò người nam được coi trọng, người nữ về mặt đạo lý có phần thấp kém. Nhưng thực tế phụ nữ lại có vai trò to lớn về quản lý, thu nhập, tiêu dùng. Xã hội Việt Nam thời kỳ phong kiến, chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo vì thế các lý thuyết đạo giáo có tác động nhất định gia đình truyền thống. Nho giáo chủ trương “gốc của thiên hạ ở nước, gốc cuả nước ở nhà, gốc của nhà ở mọi người”. Lý tưởng Nho giáo là thực hiện hành vi bình trị, thống nhất, ổn định trật tự hoà mục. Biện pháp là tu thân, tề gia, trị quốc. Công việc có ý nghĩa hàng đầu trị quốc theo kiểu tề gia. Trong con người tồn tại một đạo lý biểu hiện thành nhân luân, đó là đạo cha con, anh em, vợ chồng, vua tôi, bạn bè. Như vậy Nho giáo đặc biệt quan tâm và đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Trong đó coi trọng những đức tính tốt cần thiết cho cá nhân tương ứng với vị trí trong gia đình: Đức “Từ” của cha mẹ, đức “hiếu” của các con; đức “nghĩa” của chồng; đức “thính” của vợ, đức “lương” của anh chị em. Cũng vì vậy, quan hệ Nhà – Làng – Xã đựơc thể hiện rõ nét trong giáo dục gia đình truyền thống Việt Nam. Gia đình chẳng những được đề cao mà còn đựơc làm cơ sở khuôn mẫu cho tổ chức nhà nước xã hội. Đạo đức Nho giáo (đạo Khổng)... Có ảnh hưởng sâu sắc đến nguyên tắc thứ bậc trong quan hệ giữa các thành viên gia đình. Điều này trúng với tư tưởng, đạo lý của người Việt và dễ dàng đựơc chấp nhận. Theo đó, gia 17
- đình truyền thống giữ vai trò chủ yếu, cơ bản trong việc hình thành nhân cách con người trong mọi lĩnh vực đạo đức, tri thức, nghề nghiệp, truyền thống lao động cầu cù, hiền lành chất phác, chịu thương chịu khó trong lối sống thường ngày. Giáo dục con người không chỉ là gia đình mà được sự giáo dục, giám sát của cả cộng đồng làng xóm. Các yếu tố cơ bản, cốt lõi và thang giá trị nhân cách cũng đươc hưởng theo đạo đức xã hội; giữ tròn nghĩa vụ bảo vệ làng xóm, đất nứơc, xây dựng quê hương; tạo nên truyền thống đánh giặc giữ nước, giữ nguyên bờ cõi; Truyền thống nhân nghĩa, đoàn kết yêu hương, tôn sư trọng đạo, nuôi dưỡng lòng khoan dung độ lượng, uống nước nhớ nguồn... Gia đình cũng là nơi bảo lưu, gìn giữ, truyền bá các giá trị truyền thống, văn hoá, lễ nghi, tập tục, phát huy gia phong, gia lễ, gia đạo. Ngoài gia đình trực tiếp còn có họ hàng gần xa, họ hàng bên nội, bên ngoại. bà con xóm giềng. Tính bảo thủ, khuôn phép trong gia đình truyền thống khi nó lưu giữ các truyền thống tốt đẹp thì đồng thời nó cũng bảo lưu cả tập tục, tập quán, tư duy lạc hậu, lỗi thời. Chính lẽ đó đã đưa đến những hệ luỵ khó tránh khỏi đó là mâu thuẫn giữa các thành viên gia đình, con trai – con gái, giữa ông bà - các cháu, giữa mẹ chồng - nàng dâu, giữa con trai - con rể, giữa con gái - con dâu, cháu nội - cháu ngoại. Xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ nên quan hệ bất bình đẳng về giới, trong đó người vợ phải phụ thuộc tuyệt đối vào chồng, đàn bà con gái phải phụ thuộc và đàn ông. Hôn nhân và gia đình là để duy trì nòi giống nên con gái phải hoàn toàn theo cha mẹ “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Nhiệm vụ phụ nữ phải sinh con trai cho nhà chồng, nếu không thì có khi vợ phải đi lấy vợ lẽ cho chồng. Trong gia đình, con trai cả là “trưởng” quan trọng nhất, mọi sự kế thừa tài sản, định đoạt công việc gia đình khi cha mẹ già yếu và cũng có trách nhiệm nặng nề hơn cả, thay cha mẹ lo toan gia đình. Những hạn chế đó cần sớm đựơc khắc phục bằng thay đối nhận thức, bằng đường lối chính sách mới tiến bộ. II. GIA ĐÌNH VIỆT NAM HIỆN NAY Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời 02/9/1945, sự thay đổi thuộc về quan hệ giữa con người với con người diễn ra, quan niệm về gia đình cũng thay đổi để phù hợp với lối sống mới. Những nét tốt đẹp của gia đình truyền thống được bảo vệ giữ gìn, những điểm hà khắc đối với phụ nữ và con cái trong quan hệ gia đình được gỡ bỏ để xây dựng “Gia đình văn hoá mới”. Mọi thành viên trong gia đình yêu thương, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Cha mẹ có nhiệm vụ nuôi dạy con cái thành những người con ngoan, công dân tốt cho xã hội, con cái phải hiếu thảo, sống có trách nhiệm với bản thân gia đình xã hội. - Trong hơn 25 năm đổi mới, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, chính sách hội nhập quốc tế đã tác động mạnh mẽ đến sự khác biệt cả tính tích cực lẫn tiêu cực trong gia đình Việt Nam hiện nay. Từ một xã hội nông nghiệp lạc hậu sang xã hội công nghiệp hiện đại, dân cư nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao (Trên 60%) quá trình đô thị hoá đang ở giai đoạn khởi đầu, văn minh nông nghiệp vẫn còn in đậm trong đời sống văn hoá của mỗi người dân. Loại hình gia đình chính là gia đình hạt nhân bao gồm bố mẹ và con cái (hơn 63,4%), số hộ gia đình 1 đến 4 người chiếm 55%, hơn 80% gia đình nông thôn. Do vậy có thể coi gia đình Việt Nam hiện nay là “một gia đình quá độ” trong quá trình biến đổi của nó. Quá trình này diễn ra có sự giải thể cấu trúc gia đình truyền 18
- thống và hình thành hình thái mới của gia đình. Gia đình đơn thế hệ và gia đình hạt nhân là phổ biến thay cho các gia đình đa thế hệ. Về hình thức, gia đình Việt Nam hiện nay đang trở nên rất đa dạng, phức tạp. Theo thống kê của Uỷ ban dân số gia đình và trẻ em Hà Nội năm 2003 điều tra các gia đình ở khu vực đô thị cho thấy gia đình đa thế hệ chiếm 17%, gia đình đơn thế hệ (2 thế hệ) chiếm 80% còn lại là các hình thức gia đình khác. Các hình thức gia đình cơ bản ở Việt Nam hiện nay vẫn là gia đình hạt nhân (gia đình chỉ bao gồm bố mẹ và con cái) và gia đình hạt nhân mở rộng (gia đình ngoài bố mẹ, con cái còn có thêm ông bà cháu chắt cùng các thế hệ người thân khác…). Ngoài ra, ở Việt Nam hiện nay đã và đang xuất hiện một số hình thức mới như: gia đình độc thân (gia đình chỉ có một thành viên), gia đình thiếu khuyết (gia đình mất đi một thành viên quan trọng vợ hoặc chồng); gia đình đơn hôn (gia đình chỉ có 2 vợ chồng), gia đình có yếu tố nước ngoài (gia đình có vợ hoặc chồng là người nước ngoài)… Về quy mô, cho thấy quy mô gia đình Việt Nam đang thu nhỏ: mô hình gia đình nhiều thế hệ theo kiểu “tam, tứ, ngũ đại đồng đường” với số lượng thành viên lớn hơn 10 người (mô hình gia đình truyền thống hay gia đình hạt nhân mở rộng) được thay thế bằng mô hình gia đình ít người (gia đình hạt nhân). Theo kết quả điều tra được công bố ngày 18.8.2005 của Tổng cục Thống kê trong 10 năm (1995-2005), quy mô gia đình Việt Nam giảm từ 4,8 xuống còn 4,4 người/gia đình. Quy mô hộ gia đình ở các vùng miền cũng khác nhau, do ảnh hưởng của trình độ dân trí, đặc điểm về kinh tế-xã hội, phong tục tập quán và đặc trưng văn hoá. Tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, quy mô hộ gia đình trung bình là 4,1 người (thấp nhất trong nước). So với thành thị, quy mô gia đình nông thôn nhiều hơn 0,2 người. Trong khi đó, Tây Bắc và Tây Nguyên vẫn là hai vùng có quy mô gia đình lớn nhất: 5,1người/hộ. Về các chức năng của gia đình cho thấy gia đình Việt Nam hiện nay về cơ bản là gia đình truyền thống đa chức năng. Một số chức năng cơ bản của gia đình như: chức năng kinh tế, chức năng tái sản xuất ra con người và sức lao động, chức năng giáo dục và xã hội hoá, chức năng thoả mãn tâm sinh lý, tình cảm đã có điều kiện thực hiện tốt hơn cụ thể là: Chức năng tái sản xuất ra con người và sức lao động: Hành vi sinh đẻ của con người vừa mang tính tự nhiên, vừa mang tính tự giác (chịu sự kiểm soát của xã hội). Mặc dù các gia đình hiện nay, nhất là các gia đình ở thành phố, bắt đầu xuất hiện tâm lý ngại sinh con nhưng hiện tượng này vẫn chưa phổ biến. Nhìn chung, các gia đình Việt Nam đều coi trọng chức năng này. Theo số liệu tổng cục thống kê, dân số Việt Nam năm 2006 đạt khoảng 84,1 triệu người, năm 2009 là 87,4 triệu, bình quân mỗi năm tăng khoảng 1 triệu người. Thực tế dân số tăng nhanh là vấn đề đang cần được giải quyết của Việt Nam. Việt Nam là nước có quy mô dân số lớn (đứng thứ 13 trên thế giới) và mức tăng dân số vẫn còn ở mức cao1-1,2%, gây ra sức ép lớn về nhiều vấn đề như việc làm, chỗ ở,…* Chức năng kinh tế: Gia đình vẫn tiếp tục là một đơn vị kinh tế sản xuất quan trọng ở cả thành thị và nông thôn. ở nông thôn cơ cấu ngành nghề sẽ biến đổi. Phần lớn lao * Các số liệu thống kê đựơc trích dẫn từ “Giới, việc làm và đời sống gia đình”. Nguyễn Thị Hoà (Chủ biên). NXB Khoa học xã hội. Hà Nội 2007 19
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Module bồi dưỡng thường xuyên Mầm non - Modul 10: Tư vấn về chăm sóc, giáo dục mầm non
46 p | 683 | 65
-
Giáo dục gia đình - Giáo dục của cha mẹ đối với trẻ 13 - 18 tuổi
28 p | 276 | 60
-
Tập 5: Phương pháp giáo dục gia đình của Châu Tiết Hoa và Thi Tú Nghiệp - Những phương pháp giáo dục hiệu quả trên thế giới: Phần 2
73 p | 187 | 60
-
Đời sống gia đình và Giáo dục: Phần 1
85 p | 191 | 43
-
Đánh giá kết quả dạy học ở trường THCS
4 p | 261 | 25
-
Nghiên cứu văn hóa phong tục Việt Nam: Phần 2
301 p | 23 | 10
-
Thực trạng sử dụng biện pháp tránh thai trong các gia đình Công giáo ở thành phố Hồ Chí Minh
6 p | 137 | 9
-
Giá trị văn hóa, đạo đức của hôn nhân và gia đình công giáo ở Việt Nam hiện nay
15 p | 135 | 9
-
Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non
5 p | 485 | 6
-
Giáo trình Gia đình học: Phần 2 - TS. Nguyễn Thị Hồng Nga
52 p | 44 | 6
-
Một số nội dung cơ bản của giáo dục trước hôn nhân về quan hệ gia đình và cộng đồng - Nguyễn Thu Nguyệt
0 p | 115 | 4
-
Một số nhận xét về sự tác động của các yếu tố gia đình và xã hội đến quá trình tự rèn luyện tư cách đạo đức của học sinh Trung học Phổ thông tại TP Hồ Chí Minh
8 p | 50 | 4
-
Kiểu loại gia đình và giáo dục trẻ em trong gia đình ở Hà Nội hiện nay - Nguyễn Chí Dũng
0 p | 77 | 4
-
Nghiên cứu vấn đề giáo dục gia đình: Phần 1
133 p | 6 | 3
-
Sự cần thiết và yêu cầu của việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm
3 p | 10 | 2
-
Nâng cao vai trò của gia đình trong giáo dục, can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
3 p | 7 | 2
-
Vai trò của văn hóa truyền thống trong giáo dục nhân cách cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
5 p | 10 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn