Giáo trình Phát triển nông thôn: Phần 2 - TS. Nguyễn Quang Phục
lượt xem 4
download
Tiếp nội dung phần 1, Giáo trình Phát triển nông thôn: Phần 2 được biên soạn gồm các nội dung chính sau: Chính sách phát triển nông thôn qua các thời kỳ và một số kinh nghiệm quốc tế; phát triển nông thôn ở Việt Nam; vai trò chính phủ và các tổ chức trong phát triển nông thôn Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Giáo trình Phát triển nông thôn: Phần 2 - TS. Nguyễn Quang Phục
- Chương 5 CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN QUA CÁC THỜI KỲ VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ Mục tiêu: Sau khi nghiên cứu chương này, người học sẽ: 1. Hiểu và phân tích chính sách phát triển nông thôn qua các thời kỳ. 2. Hiểu, phân tích và vận dụng kinh nghiệm phát triển nông thôn của các nước phát triển như Nhật Bản, Cộng đồng châu Âu vào điều kiện thực tế tại Việt Nam. 3. Hiểu, phân tích và vận dụng kinh nghiệm phát triển nông thôn của các nước đang phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc vào điều kiện thực tế tại Việt Nam. 5.1 CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN QUA CÁC THỜI KỲ Từ những năm 1950, thế giới từng chứng kiến nhiều sự thay đổi nhanh chóng về điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội ở các nước đang phát triển. Theo đó, mục tiêu, chiến lược và phương pháp phát triển nông thôn cũng không ngừng thay đổi để phù hợp với xu hướng phát triển chung. Phần này sẽ tóm tắt lại quá trình thay đổi của các quan điểm và học thuyết về sự phát triển, và những đổi thay này đã ảnh hưởng như thế nào đến chương trình và chính sách phát triển nông thôn của các nước Thế giới thứ ba. Nhận thức và quan điểm của chính phủ các nước và các kế hoạch gia thay đổi như thế nào cũng sẽ được thảo luận trong phần này. Từ một tiến trình đơn giản chuyển giao công nghệ và tư bản đến các vùng nông thôn, ngày nay phát triển được xem là một quá trình chuyển biến xã hội quan trọng. Để đạt được sự bền vững nó đòi hỏi có sự tham gia của người dân (Ellis và Biggs, 2001). 94
- 5.1.1 Chính sách phát triển nông thôn giai đoạn 1950-60 Chính sách phát triển những năm 1950 và những năm đầu thập kỷ 60 tập trung vào công nghiệp hóa, sử dụng những chiến lược và phương pháp đã từng được sử dụng thành công trong công cuộc tái thiết đất nước ở các nước châu Âu bại trận trong chiến tranh Thế giới thứ II. Mục đích là nhằm tăng nhanh tổng sản phẩm quốc dân và tăng trưởng kinh tế thông qua việc chuyển giao kỹ thuật của châu Âu và tư bản đến với người dân địa phương. Trong giai đoạn này, các nhà kinh tế và kế hoạch gia giữ vị trí hàng đầu trong việc lập các chính sách và kế hoạch hóa các chương trình phát triển. Giả sử căn bản là tăng trưởng kinh tế sẽ diễn ra nếu thực hiện kế hoạch hóa và điều tiết nền kinh tế từ trên xuống. Một giả thuyết căn bản khác cho rằng tư bản là đầu vào chính yếu của quá trình phát triển. Hy vọng rằng ích lợi của tăng trưởng kinh tế sớm hay muộn cuối cùng cũng rỉ tới (trickle-down) với đại bộ phận dân chúng nghèo khổ. Vì vậy, trong giai đoạn này những ngành sản xuất đòi hỏi nhiều vốn và lao động, phụ thuộc vào nhập khẩu và định hướng xuất khẩu được thúc đẩy. Chi phí công cộng - phần lớn từ viện trợ nước ngoài - tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông vận tải, điện năng, cảng biển, nhà máy công nghiệp) để có thể hạ thấp chi phí sản xuất và cải thiện điều kiện phân phối. Bởi vì chiến lược chủ yếu là chuyển giao nguồn lực từ cấp quốc gia/nguồn viện trợ nước ngoài đến cấp địa phương, nên sự tham gia của người dân chú trọng đến việc thiết lập sự chắc chắn và thống nhất về mục tiêu. Phương pháp phát triển từ trên xuống (top-down) này không xem trọng giá trị và kiến thức bản địa trong phát triển nông thôn. 5.1.2 Chính sách phát triển nông thôn trong những năm 60 Chính sách phát triển trong những năm 1960 nhắm vào những khu vực trọng yếu mà được xem là những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn này tập trung giảm nghèo ở khu vực nông thôn bằng cách nâng cao sản lượng nông nghiệp mà tiêu biểu là cuộc Cách mạng Xanh. Đối với phương pháp phát triển, chuyển giao công nghệ là chiến lược quan trọng, đầu tư nguồn lực tài chính và kỹ thuật dồi dào cho 95
- nghiên cứu phát triển nông nghiệp, đào tạo, tín dụng, hợp tác xã mua bán và chương trình khuyến nông. Cũng như thế, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ cũng nhằm phục vụ cho người dân. Khung 5-1. Cách mạng xanh - thành tựu và những hệ lụy Cuộc Cách mạng Xanh, tức cuộc cách mạng trên lĩnh vực nông nghiệp, đã bắt đầu từ thập niên 50 và 60 thế kỷ XX ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có hai trung tâm của cuộc cách mạng này, vừa diễn ra sớm vừa đạt được hiệu quả cao, đó là Mê-hi-cô và Ấn Độ. Thực chất của cuộc Cách mạng Xanh là bằng các biện pháp kỹ thuật, nhất là phân bón và thuốc trừ sâu và việc cung cấp giống mới bằng lai tạo, đã làm tăng năng suất đáng kể cho các loại cây trồng, nhất là lúa mì và lúa gạo. Ở Ấn Độ, nhờ tạo ra các giống lúa IR8 có năng suất 8 tấn - 10 tấn/ha, nhiều giống hàm lượng dinh dưỡng cao, nên năng suất lương thực của nước này tăng lên gấp 2 - 3 lần, từ 20 triệu tấn lên 60 triệu tấn/năm. Một số giống lúa mì, ngô có năng suất cao cũng được Ấn Độ tạo ra hay nhập từ Mê-hi-cô, tạo nên sản lượng lúa mì và ngô của cả nước rất cao. Cách mạng Xanh đã khiến nước này cùng với nhiều nước khác ở châu Á và châu Phi thoát khỏi nạn đói, hơn thế nữa, nó còn tạo ra nguồn lương thực dồi dào để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa ở nhiều nước. Nhờ tăng năng suất cây trồng, ở Mỹ, nếu vào năm 1945 một lao động trong nông nghiệp chỉ đáp ứng được nhu cầu về lương thực cho 14,6 người, thì năm 1977 con số đó đã tăng lên 56 người, khiến tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chỉ còn 4,5% tổng số lao động của nước này. Cùng với cuộc Cách mạng Xanh này, đã hình thành nên hai tổ chức nghiên cứu quốc tế, đó là Trung tâm Cải tạo giống ngô và lúa mì ở Mê-hi-cô (CIMMYT) và Viện Nghiên cứu về lúa ở Phi-lip-pin (IRRI) và Ấn Độ (IARI). Ở Việt Nam, sản xuất nông nghiệp vào các thập niên 70 - 80 cũng chịu những ảnh hưởng của Cách mạng Xanh. Đặc biệt chính sách khoán hộ được triển khai từ sau năm 1986 đã tạo nên sức phát triển cao của nông nghiệp, với tổng sản lượng lương thực của cả nước tăng lên hơn 2 lần. Đất nước không chỉ bảo đảm được an ninh lương thực, mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ. (Nguồn: Ngô Minh Khánh, 2008) 96
- Người đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn này là các chuyên gia chuyên ngành, các nhà kế hoạch hóa chương trình nhắm vào phân phối lại những tài sản sản xuất, phát triển nguồn nhân lực, điều tiết tăng trưởng dân số, và nâng cao khả năng sản xuất của những khu vực tụt hậu trong nền kinh tế. Sự tham gia của người dân được thúc đẩy bằng cách cung cấp thông tin cho họ để tranh thủ sự ủng hộ của họ đối với những chương trình này. Tuy nhiên, kinh nghiệm và tập quán canh tác của người dân bản địa được coi là lạc hậu, là trở ngại cho sự phát triển; và vì vậy, cần được trung hòa bằng cách giới thiệu những công nghệ nông nghiệp hiện đại. Chiến lược chuyển giao công nghệ này dựa vào hai giả thuyết: (i) Nông dân có thể tiếp cận nhanh chóng những giống mới; và (ii) Thu thập của họ có thể tăng lên. 5.1.3 Chính sách phát triển nông thôn những năm 70 Những năm 1970 khởi xướng những chính sách phát triển nông thôn tìm kiếm tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Bản chất, phương hướng và ý nghĩa của những thay đổi về mặt xã hội được chú trọng ngang bằng (nếu như không muốn nói là hơn) so với cấp độ tăng trưởng kinh tế. Những thay đổi căn bản này trong chính sách phát triển bắt nguồn từ chỗ nhận thức rằng, phát triển nông thôn không phải là vấn đề kinh tế kỹ thuật đơn thuần, và những khó khăn ở các nước phát triển thực sự khác biệt với những khó khăn của các nước đang thực hiện công nghiệp hóa. Vì vậy, những chương trình phát triển nông thôn thường tập trung giải quyết những nhu cầu cơ bản ở những nước đang phát triển, và nhắm tới cải thiện tình trạng thu nhập và mức sống của những người nghèo nhất trong cộng đồng những người nghèo ở nông thôn. Phương pháp này nhấn mạnh đến sự thống nhất, đồng tâm đồng lực của người nghèo như là những thành viên tích cực tham gia vào tiến trình phát triển, khuyến khích người dân tham gia bằng cách nâng cao sự hiểu biết của họ. 97
- Những người lập và thực hiện kế hoạch bắt đầu làm việc gần gũi hơn với cộng đồng địa phương trong việc thiết kế và quản lý các dự án phát triển nông thôn. Chiến lược phát triển được xây dựng trên cơ sở đánh giá thực trạng môi trường tự nhiên, chính trị, kinh tế và văn hóa/truyền thống của cộng đồng và tham khảo ý kiến của cộng đồng nơi kế hoạch sẽ được triển khai. Các nhà quản lý và nhân viên phát triển cộng đồng trở thành những nhân vật chính yếu trong phương pháp phát triển dựa vào cộng đồng này. 5.1.4 Chính sách phát triển nông thôn giai đoạn 1980-90 Trong những năm 1980, người ta thừa nhận rằng phát triển nông thôn là một tiến trình phức tạp, nó đòi hỏi: (i) Sự thống nhất đồng bộ của nhiều chương trình, nhiều ngành và nhiều tổ chức; (ii) Sự tham gia thực sự có ý nghĩa và cần có sự tham gia nhiều hơn nữa của người dân; và (iii) Cần phải đào tạo quản lý và liên kết hỗ trợ có hiệu lực giữa các chương trình và các hoạt động cấp quốc gia, cấp tỉnh, và cấp địa phương. Phát triển nông thôn được xem không chỉ là một quá trình cung cấp dịch vụ và chuyển giao nguồn lực đơn thuần mà nó được thừa nhận như là một tiến trình chính trị đòi hỏi những thay đổi về cấu trúc để cho người nghèo trở nên năng động hơn, bình đẳng hơn và tự quản lý. Các chuyên gia về quản lý và chính trị đóng vai trò quan trọng trong giám sát và thực hiện có hiệu quả những chương trình phát triển theo quan điểm này. Những chương trình này ngày càng thuộc về sự giám sát và quản lý của những người bán chuyên nghiệp và các nhân viên nhà nước địa phương. Việc phân quyền trong quản lý, bao gồm cả những cơ chế quản lý, bắt đầu dựa vào và thích nghi với văn hóa và phong tục của địa phương. Sự tham gia của người dân được xem như là một quá trình xây dựng năng lực, mà thông qua đó các tổ chức địa phương hoạt động như là những đơn vị phát triển tự chủ. Ngoài ra, chiến lược phát triển này nhấn mạnh đến mối quan hệ bình đẳng giữa khu vực tập thể và tư nhân. Các tổ chức phi chính phủ (non-gorvenment 98
- organiations) và các tổ chức tư nhân tự nguyện đóng vai trò ngày càng lớn trong việc thúc đẩy và thực hiện các dự án phát triển nông thôn. Việc khuyến khích sự ra đời của các tổ chức nhân dân tự quản đòi hỏi sự giúp đỡ tích cực của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ tham gia vào phát triển nông thôn. Điều này giúp các tổ chức tự quản tổ chức và phát triển năng lực của họ nhằm tiến hành những can thiệp có hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và gặt hái thành quả lao động của họ. Trong bối cảnh này, sự bền vững của các hoạt động phát triển phụ thuộc vào việc khuyến khích và phát huy những giá trị văn hóa cũng như kiến thức và nguồn lực bản địa - như là nguồn năng lượng chính yếu của quá trình phát triển. 5.1.5 Chính sách phát triển nông thôn giai đoạn hiện nay Theo Ellis và Biggs (2001), từ cuối thập niên 1990 cho đến những năm 2000, phát triển nông thôn lại gắn với mục tiêu giảm nghèo của các quốc gia dựa trên phương pháp tiếp cận sinh kế bền vững (Sustainable Livelihoods Approach - SLA). Về mặt khái niệm, cách tiếp cận này có nguồn gốc từ các nghiên cứu phát triển liên quan đến đói nghèo và giảm nghèo, nổi bật nhất là các phân tích của Amartya Sen (1981) và Robert Chambers (1983) và một số học giả khác. SLA đã trở thành một phương pháp tiếp cận thống trị trong quá trình thực hiện những can thiệp phát triển của các tổ chức quốc tế như Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), Tổ chức quốc tẾ về chống nghèo đói và bất công (Oxfam), Viện quốc tế về phát triển bền vững (IISD), Bộ phát triển quốc tế của Anh (DFID), Viện nghiên cứu phát triển (IDS) và nhiều tổ chức khác. Tuy nhiên, quan điểm phát triển nông thôn đã có nhiều thay đổi kể từ thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Giai đoạn này, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ. Sự phát triển của nông thôn luôn chịu ảnh hưởng bởi nhiều bên liên quan (nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, các nhà khoa học), và luôn có mối liên hệ với 99
- nhiều cấp độ khác nhau (nông thôn – nông thôn, nông thôn – thành thị, quốc gia – khu vực, quốc tế) và bởi cả yếu tố khách quan (khí hậu, nguồn nước, tài nguyên đất). Vì vậy, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu là hai chủ đề được quan tâm hàng đầu trong các chương trình phát triển nông thôn hiện nay. Bảng 5-1. Sự thay đổi trong chính sách phát triển nông thôn 1950s 1960s 1970s 1980s 1990s 2000 2010s CNH, HĐH Phát triển cộng đồng Top-down PP tiếp cận chuyển đổi Thay đổi công nghệ Khuyến nông Chú trọng vai trò nông nghiệp Cách mạng xanh Phân phối lại thành quả tăng trưởng Đáp ứng nhu cầu cơ bản Ứng dụng Cách mạng Xanh Chính sách tín dụng Chính sách nông nghiệp Điều chỉnh cấu trúc Thị trường tự do Tự quyết định giá cả Tăng cường vai trò của NGOs 100
- Đánh giá nhanh nông thôn (RRA) Nghiên cứu hệ thống nông nghiệp Chú trọng đến an ninh lương thực Giới trong phát triển (WID) Giảm nghèo Tài chính vi mô Phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA) Quan tâm đến các đối tượng liên quan Giới và phát triển (WAD) Môi trường và sự phát triển bền vững Giảm nghèo Sinh kế bền vững Quản trị tốt Phân quyền Tăng cường sự tham gia Hội nhập quốc tế Thích ứng với BĐKH (Nguồn: Tác giả tự tổng hợp) 101
- Bảng 5-2. Các chủ đề chủ yếu và trình tự trong phát triển nông thôn 1950s 1960s 1970s 1980s 1990s 2000s Các mô hình chủ đạo và sự chuyển đổi Hiện đại hóa, kinh tế hai khu vực Tăng năng suất và hiệu quả của nông trại nhỏ Quá trình, tham gia, trao quyền Sinh kế bền vững Một số chủ đề phát triển nông thôn phổ biến Phát triển cộng đồng Phát triển nông thôn hỗn hợp Tăng trưởng nông trại nhỏ Tự do hóa thị trường Tham gia Giảm nghèo Hội nhập quốc tế Biến đổi khí hậu (Nguồn: Tác giả tự tổng hợp) 102
- 5.2 KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN 5.2.1 Kinh nghiệm của các nước phát triển Việc tổng kết kinh nghiệm phát triển nông thôn của các quốc gia trên Thế giới có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các nước đang phát triển, vốn có điểm xuất phát rất thấp – dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp và nền kinh tế nông thôn. Mặc dù bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội giữa các quốc gia có sự khác nhau, nhưng những bài học kinh nghiệm được rút ra từ những chính sách phát triển nông thôn thành công trên thế giới cũng có thể giúp cho các quốc gia đang phát triển tìm ra được hướng đi phù hợp, hạn chế những thất bại đã được chỉ ra, và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nông thôn. a) Kinh nghiệm phát triển nông thôn của Nhật Bản Bối cảnh và quan điểm về chính sách phát triển nông thôn Nhật Bản là một quốc gia có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, diện tích nhỏ, dân số lớn, song quốc gia này đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành nước có nền kinh tế lớn mạnh, đứng thứ 3 trên thế giới với nền nông nghiệp hiện đại. Đời sống nông dân được bảo đảm, các chính sách an sinh xã hội phát triển. Hiện nay, chỉ có khoảng 3% dân số Nhật làm nông nghiệp nhưng đã cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao, đảm bảo cho hơn 127 triệu người dân, đồng thời xuất khẩu nhờ nền nông nghiệp công nghệ cao với chuỗi giá trị hiệu quả (Gia Linh, 2019). Quá trình đi lên trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới của Nhật Bản bắt đầu từ những thay đổi ở tầm chính sách vĩ mô từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Nhật Bản đã đi từ các bước đầu tiên là cải cách đất nông nghiệp để xây dựng nhà nông tự chủ (trong 16 năm), thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ lúa sang sản phẩm có nhu cầu ngày càng cao trên cơ sở luật pháp (trong 30 năm). Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Nhật Bản áp dụng mạnh hơn nguyên lý thị trường trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm hài hòa với đời sống nông thôn. 103
- Đặc biệt từ năm 2000 trở đi, Nhật Bản thực hiện theo chính sách nông nghiệp “Takebe” (tên của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp giai đoạn này) hướng tới mục tiêu cung cấp lương thực ổn định, ban hành luật pháp về an toàn thực phẩm, luật pháp về giáo dục chế độ ăn uống, bảo đảm hài hòa giữa thành thị và nông thôn, môi trường nông thôn gần gũi với tự nhiên và xác lập cơ cấu nông nghiệp do doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động hiệu quả (Trần Tiến Khai, 2015; Gia Linh, 2019). Để có được sự thành công trong phát triển nền nông nghiệp gắn với nông thôn và nông dân, Nhật Bản đã xác định gia tăng giá trị cho người nông dân là nhiệm vụ quan trọng. Ở mỗi giai đoạn, khi đứng trước những vấn đề mới, phức tạp… Chính phủ Nhật Bản đã giải quyết khá thành công thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, như chính sách về đất đai, đầu tư, tín dụng, lao động, khoa học công nghệ và phát triển nông thôn. Cụ thể, ngay từ khi cải tạo đất nông nghiệp, Chính phủ đã đưa máy móc cỡ lớn vào canh tác để nhà nông có nhiều thời gian nhàn rỗi, làm thêm nghề phụ hoặc làm cho các nhà máy. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản khuyến khích người nông dân tham gia hợp tác xã để đủ tài chính sở hữu các kho trữ lạnh, bảo quản tốt nông sản khi tới tay người tiêu dùng. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Ngày nay, với tâm thế biến nông nghiệp thành ngành công nghiệp thứ 6 tại Nhật Bản, Chính phủ đã tạo cơ chế để không chỉ sản xuất thông thường mà còn gia công, chế biến nhiều sản phẩm khác nhau (kể cả sản phẩm du lịch) từ một loại nông sản. Theo đó, các ý tưởng, hình thức triển khai các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp được xuất phát từ việc tìm hiểu và đưa ra các cơ chế biến ý tưởng thành khả thi, xem xét các chính sách khi được ban hành sẽ có lợi cho ai, thực hiện chuyển dịch lực lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp thành lợi thế của nhà nông và duy trì đất nông nghiệp tối ưu, đa dạng để nông thôn ngày càng phát triển, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu trong việc áp dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp ở mỗi vùng nông thôn (Gia Linh 2019; Ngọc Bảo, 2019). 104
- Phương thức thực hiện và kết quả đạt được Nhờ việc áp dụng và triển khai nhiều chính sách tam nông phù hợp, nền nông nghiệp Nhật Bản đang đứng hàng đầu thế giới về chất lượng và sản lượng. Thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng trở nên sung túc, giàu có hơn. Kể từ năm 1996, thu nhập của nông dân đã cao hơn thu nhập của công nhân. Các nhà nghiên cứu chính sách đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm dẫn đến sự thành công đó, bao gồm: - Chính sách "ly nông bất ly hương”. Nhật Bản đã thực hiện thành công bằng việc áp dụng hai nhóm chính sách: tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển doanh nghiệp nông thôn và đưa công nghiệp lớn về nông thôn để tạo sự gắn bó hài hòa phát triển nông thôn với phát triển công nghiệp, rút ngắn khoảng cách về mức sống giữa đô thị và nông thôn. Đây là một thành công chưa từng có ở các nước công nghiệp hóa trước đây và đây cũng là thách thức lớn cho mọi quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa (Gia Linh, 2019). Ở Nhật Bản, không chỉ các ngành công nghiệp chế biến nông sản mà cả các ngành cơ khí, hóa chất đều được phân bố đều trên toàn quốc. Từ khi bắt đầu công nghiệp hóa (năm 1883), 80% nhà máy quy mô lớn đã được xây dựng ở nông thôn; 30% lao động nông nghiệp tham gia hoạt động phi nông nghiệp, và năm 1960 tỷ lệ này tăng lên 66%. Nhờ chủ trương này mà ngành công nghiệp sử dụng được một nguồn lao động rẻ từ nông thôn và dân cư nông thôn có việc làm và đem lại thu nhập cao (Bảo Ngọc, 2019). - Phát triển các hợp tác xã và tổ chức kinh tế dịch vụ. Ở Nhật Bản, hợp tác xã (HTX) có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Đây là tổ chức được thành lập gắn liền với các hoạt động, đời sống của nông dân nhằm mục đích cải thiện đời sống nông dân. Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng thể chế HTX và ban hành nhiều chính sách phát triển, mở rộng. HTX nông nghiệp được xây dựng trên nền tảng làng xã nông thôn Nhật Bản. Trong mỗi làng xã, mối quan hệ đa dạng đã tồn tại từ rất lâu 105
- giữa các gia đình, giữa những người nông dân. Tận dụng ưu điểm này, HTX nông nghiệp được xây dựng trên cơ sở cộng đồng nông thôn để tạo quan hệ cộng đồng vững chắc. Đó là một tổ chức bao quát các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và hộ nông dân. Tổ chức này được phân thành 3 cấp quản lý: cấp cơ sở, các liên đoàn cấp tỉnh và cấp trung ương; tạo thành một bộ máy thống nhất từ trung ương đến địa phương. Hiện nay, trên 99% số hộ nông dân ở Nhật Bản đều trực thuộc tổ chức này. Thông qua sức mạnh tập thể, mạng lưới HTX phân bố khắp cả nước đã cung cấp cho nông dân những dịch vụ nhanh chóng, chu đáo, hiệu quả (Trần Tiến Khai, 2015). Một điểm nổi trội trong mô hình HTX nông nghiệp tại Nhật Bản đó là mối liên kết giữa các bên liên quan rất chặt chẽ. Cụ thể, các nhà khoa học, doanh nghiệp và HTX phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đến nay, toàn bộ nông dân Nhật Bản có thể tự cập nhật và chia sẻ các thông tin về giá cả thị trường nông sản, dự báo thời tiết, sự đổi mới và tiến bộ khoa học - kỹ thuật,... thông qua một nền tảng trực tuyến kết nối các cá nhân với HTX. Các HTX cũng hợp tác với các trường đại học và thành lập một liên minh gọi là “Liên đoàn Đại học HTX” (NFUCA) với sự tham gia của sinh viên, giảng viên của các trường vừa là người tiêu thụ nông sản do HTX sản xuất, đồng thời quảng bá, đào tạo các công nghệ mới và liên kết thực hiện các nghiên cứu ứng dụng. Ngoài ra, các HTX Nhật Bản luôn có cơ chế mở trong kết nạp thành viên, đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu và xây dựng thương hiệu quốc tế. Đầu những năm 2000, các HTX đã mở rộng đối tượng thành viên, cho phép các công ty tư nhân và công ty nước ngoài gia nhập HTX để chuyên nghiệp hóa các hoạt động thương mại và marketing sản phẩm. Tất cả các nông sản sản xuất bởi HTX nông nghiệp đều phải đảm bảo một quy chuẩn chất lượng chung (nông nghiệp 3H - Healthy, High quality, High technology - sức khỏe, chất lượng cao, công nghệ cao), được gắn cùng một nhãn hàng “JA” và có thể cạnh 106
- tranh trên thị trường quốc tế. Những nông dân tiên phong trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm, họ thường được ký hợp đồng bán sản phẩm cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ với giá thành cao hơn. Các HTX nông nghiệp đã hỗ trợ họ bằng cách cho vay vốn với lãi suất thấp và tiến hành tiếp thị theo nhóm ở cấp độ làng xã (Bảo Ngọc, 2019). - Xây dựng phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”. Trong phong trào xây dựng làng xã ở Nhật Bản, nổi bật nhất và có tầm ảnh hưởng nhất đến các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước châu Á và châu Phi là phong trào “mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) do giáo sư Hiramatsu Morihiko, Chủ tịch tỉnh Oita khởi xướng năm 1979 (Trần Tiến Khai, 2015). Phong trào OVOP được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc chính: Một là “Từ địa phương tiến ra toàn cầu”. Nguyên tắc này thể hiện mục tiêu cao nhất của sản xuất nông nghiệp Nhật Bản là chiếm lĩnh thị trường nông sản Thế giới. Sản phẩm của OVOP được xác định ngay từ đầu là không những phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, trong nước mà còn để cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác trên thị trường quốc tế. Do đó, chất lượng nông sản phải không ngừng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu và tiêu chuẩn trong nước cũng như quốc tế. OVOP không chỉ áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn phát triển trong lĩnh vực khác như du lịch, văn hóa của địa phương. Hai là,“Tự tin - Sáng tạo”. Phong trào OVOP quan tâm đến tất cả các khâu của chu trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nhằm khuyến khích những cách làm sáng tạo, bao gồm nghiên cứu mẫu mã, chất liệu, quy cách đóng gói bao bì; cách tiếp thị, quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường sao cho ấn tượng, thu hút khách hàng. Ba là, “Tập trung phát triển nguồn nhân lực”. Tại Nhật Bản, nông dân không những được đào tạo bài bản, có kiến thức về sản xuất nông nghiệp, hiểu biết sâu về sản phẩm, ứng dụng thành thạo khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất hàng hóa, họ còn được cung cấp 107
- những kiến thức về kinh doanh, về nghệ thuật marketing để có thể tự xây dựng các chiến lược kinh doanh, cạnh tranh sản phẩm của mình. Trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển, phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” đã đạt được nhiều thắng lợi rực rỡ. Tâm điểm của phong trào là địa phương hóa rồi hướng tới toàn cầu; tự chủ sáng tạo; và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá, xúc tiến thương mại. Thực chất của phong trào này là mô hình phát triển kinh tế khu vực, lấy các khu vực hành chính và sản phẩm đặc trưng của địa phương làm nền tảng dưới sự định hướng và giúp đỡ của chính quyền các cấp. Sự thành công này nhìn chung thể hiện ở ba điểm sau đây: Một là, xóa bỏ khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Sự khác biệt về kết cấu hạ tầng sản xuất và đời sống giữa nông thôn và thành thị là không đáng kể. Hai là, tăng thu nhập cho người nông dân, thu nhập bình quân của hộ gia đình đạt 5,5 triệu Yên, tương đương 44 nghìn USD/năm, trong đó thu nhập phi nông nghiệp chiếm 86%. Ba là, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn, kích thích nhu cầu tiêu dùng ở nông thôn theo hướng đa dạng, chất lượng. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển nông thôn Các kinh nghiệm dẫn đến thành công ở Nhật Bản rất rõ ràng, song điều quan trọng là rút ra bài học gì trong chính sách phát triển nông thôn ở Việt Nam. Sau đây là một số bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn phát triển nông thôn tại Nhật Bản: Thứ nhất, để xây dựng nông thôn mới đạt được hiệu quả, cần phát huy tối đa vai trò chỉ đạo của Nhà nước. Mục tiêu cuối cùng của công cuộc xây dựng nông thôn mới là rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, xây dựng bộ mặt nông thôn hiện đại, đem lại lợi ích cho đông đảo nông dân. Chính phủ cần chú ý phát huy vai trò chủ đạo của 108
- Chính phủ trong các phương diện hoạch định chính sách, phân bổ nguồn tài nguyên, đầu tư xây dựng, để công cuộc xây dựng nông thôn mới được tiến hành một cách thuận lợi trong môi trường chính sách phù hợp. Thứ hai, lấy phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người nông dân làm cốt lõi. Hiện nay, thu nhập của nông dân Việt Nam còn thấp, do nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp. Kinh nghiệm của Nhật Bản là cần tăng cường đổi mới khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp đặc sắc, tạo nhiều cơ hội việc làm nhằm tăng nguồn thu cho nông dân; tạo dựng môi trường tiêu dùng thích hợp, nâng cao chất lượng sống và mức tiêu dùng của nông dân. Thứ ba, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lòng tin và lòng quyết tâm cho người nông dân. Một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn là phải dựa vào sức mạnh của truyền thông, cơ chế, chính sách để kêu gọi, gợi mở cho người nông dân, khích lệ người nông dân phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, hình thành nên động lực nội tại cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Thứ tư, bảo vệ bản sắc nông thôn. Ở bất kỳ quốc gia nào, nông thôn đều là nơi diễn ra các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc phát triển nông thôn không có nghĩa là biến nông thôn trở thành thành thị. Nếu áp dụng mô hình phát triển của thành thị để xây dựng nông thôn thì sớm muộn gì cũng sẽ đánh mất giá trị tốt đẹp tự có của nông thôn và sẽ không phát huy được những bản sắc riêng của nông thôn. Thứ năm, Chính phủ cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức đào tạo nghề cho người dân, tạo điều kiện để xây dựng các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn. Đây là điều kiện để giúp người dân nông thôn dễ dàng tiếp cận việc làm, đa dạng hóa sinh kế và có động lực để ở lại khu vực nông thôn. Việc này vừa giúp tăng thu nhập cho cư dân nông thôn vừa giúp giảm áp lực di cư nông thôn - thành thị. 109
- b) Kinh nghiệm phát triển nông thôn của Liên hiệp Châu Âu Ngay từ những năm cuối thập kỷ 80 Cộng đồng châu Âu rất quan tâm đến phát triển các vùng nông thôn trên lãnh thổ. Trong giai đoạn 1989-1993, đã đưa ra nhiều chương trình và mô hình với nhiều sáng kiến cải cách nhằm thúc đẩy khu nông thôn phát triển. Trong số đó, chương trình LEADER đẩy mạnh hợp tác trong phát triển nông thôn) được xem là thành công nhất. Bối cảnh và phương thức thực hiện Từ những năm 1950, Liên hiệp châu Âu (EU) đã cấp tài chính cho những nước thành viên nhằm khuyến khích phát triển khu vực. Tiền này được tập trung cho những nước hoặc vùng có nền kinh tế yếu kém nhất. Trọng tâm của những chương trình này là những kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng to lớn và xây dựng những công trình công nghiệp mới khổng lồ nhằm tạo việc làm cho người dân. Vào những năm 1980, người ta nhận thấy rằng các chương trình này không giải quyết được các vấn đề cơ bản của nông thôn. Thực tế là, một số lượng lớn người dân đã rời bỏ nông thôn ra thành phố tìm việc làm, điều đó lại làm cộng đồng nông thôn trở nên yếu kém hơn (Dower, 2004). Chương trình LEADER chính thức được ban hành năm 1991, với mục tiêu là cải thiện tiềm năng phát triển cho các khu vực nông thôn thông qua việc kêu gọi các sáng kiến địa phương, khuyến khích hình thành, phát triển các bí quyết (know-how) về phát triển địa phương và phổ biến những bí quyết này đến những vùng nông thôn khác. Nguồn vốn của EU được đưa tới các nhóm hành động địa phương (Local Action Groups – LAGs). Các LAGs được hình thành và hoạt động dưới hình thức hợp tác chính thức giữa các tổ chức công cộng, tư nhân và tình nguyện viên trong khu vực; từ đó hoạch định việc thực hiện các chương trình LEADER của từng địa phương. Theo quy định của chương trình này, mỗi nhóm hành động địa phương phụ trách một khu vực có khoảng 100.000 dân. Nhóm phải làm một bản phân tích những 110
- khó khăn và nhu cầu của vùng, cùng với một kế hoạch hành động và ngân sách để giải quyết nhu cầu đó. Năm 1991 đánh dấu giai đoạn khởi động của chương trình LEADER với sự ra đời của 217 nhóm LAGs đại diện cho 217 vùng nông thôn kém phát triển. Sự khởi động này tạo ra cơ hội hình thành mạng lưới trao đổi và chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm phát triển nông thôn giữa các nhóm với nhau. Giai đoạn 2 của chương trình LEADER bắt đầu từ năm 1994 và kết thúc vào cuối năm 1999. Giai đoạn này đã thành lập được 900 nhóm LAGs. Ngoài hình thành mạng lưới và chia sẻ kinh nghiệm, trọng tâm của chương trình LEADER 2 là “hợp tác” và “đổi mới”. Kết thúc giai đoạn 2, các nhóm LAGs đã rất thành công trong thúc đẩy phát triển xã hội và kinh tế tại các vùng nông thôn khó khăn, cũng như thành công trong việc sử dụng nguồn lực của các tổ chức thành viên, cùng với sử dụng hiệu quả những hỗ trợ từ Chính phủ và Liên hiệp châu Âu. Đến năm 2000, chương trình LEADER+ ra đời. Khác với giai đoạn 1 và 2, chương trình này áp dụng cho toàn bộ khu vực nông thôn của châu Âu và tập trung vào công việc cải tiến và chuyển giao kinh nghiệm phát triển nông thôn cho các cộng đồng khác. Từ 2000 đến 2006, châu Âu đã tài trợ 5 tỷ Euro cho các hoạt động của 892 nhóm LAGs được tuyển chọn từ 73 chương trình quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Thông qua chương trình LEADER, các hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực mang tính tập thể được thực hiện, các nguồn lực được huy động và các hình thức tổ chức địa phương được khuyến khích hình thành và tăng cường. Nhờ LEADER mà các vùng nông thôn kém phát triển có thể gia nhập thị trường và tăng cường năng lực cạnh tranh. Giai đoạn 1 đã tạo ra được 25 nghìn việc làm và giai đoạn 2 đã tạo ra được 100 nghìn việc làm cho các vùng nông thôn (Trần Tiến Khai, 2015). Hơn một thập kỷ qua, hoạt động của các nhóm hành động địa phương được thành lập ở các nước châu Âu, đưa ra nhiều ý tưởng có thể áp dụng vào các dự án phát triển nông thôn ở các nước đang phát 111
- triển, trong đó có Việt Nam. Các ý tưởng này được thể hiện trong các nguyên tắc sau: - Chọn một vùng nông thôn, hoạt động trên cơ sở hợp tác giữa Chính phủ, Chính quyền địa phương, người dân và các tổ chức có lợi ích khác. - Tham gia hoàn toàn với cộng đồng địa phương, nâng cao năng lực người dân địa phương để theo đuổi và duy trì chương trình phát triển của họ. - Duy trì và đẩy mạnh nông nghiệp, cho phép nông dân đa dạng hóa nguồn thu nhập một cách thích hợp. - Phân tích thận trọng tiềm năng và nhu cầu của địa phương để hiểu được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa ảnh hưởng đến vùng đó và có thể là điểm xuất phát cho việc xây dựng chiến lược phát triển. - Phát triển lâm nghiệp như một hoạt động đa mục đích, mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường. - Gia tăng giá trị tại địa phương của các sản phẩm lương thực và lâm sản (ví dụ, thông qua chế biến hoặc bán hàng trực tiếp). - Thúc đẩy sản xuất, ngành nghề thủ công và dịch vụ. - Thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển bền vững ở những nơi thích hợp. - Đẩy mạnh dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng ở các địa phương. - Bảo vệ, sử dụng hợp lý các di sản văn hóa, động vật hoang dã và phong cảnh. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển nông thôn - Tiếp cận phát triển nông thôn theo vùng là cách tiếp cận cơ bản của cộng đồng châu Âu. Tiếp cận này cho phép hình thành và áp dụng các sáng kiến địa phương nhằm giải quyết các vấn đề đặc thù của địa phương. Vì vậy đã tạo ra sự linh hoạt và đa dạng về các giải pháp phát triển nông thôn, huy động các nguồn lực phù hợp để đạt được các mục tiêu phát triển đặc thù của địa phương. 112
- - Tiếp cận từ dưới lên. Sự hình thành các nhóm hành động địa phương là nhân tố tổ chức cơ bản cho các sáng kiến phát triển nông thôn. Các nhóm này bao gồm cả chính quyền địa phương và các đối tác khu vực tư nhân, tình nguyện viên và cộng đồng nông thôn. Như vậy, các kế hoạch hành động sẽ có tính phù hợp rất cao với đặc thù của địa phương, phù hợp với nhu cầu của người dân ở đó. Cách tiếp cận này cho phép phát huy tối đa dân chủ cơ sở và đề cao vai trò chủ động của cộng đồng địa phương trong quá trình hình thành, phát triển, xây dựng kế hoạch và hành động phát triển nông thôn. - Có chiến lược cụ thể cho từng pha trong tiến trình phát triển nông thôn lâu dài. Rõ ràng phát triển nông thôn được hoạch định như là một quá trình dài hạn và chia nhỏ thành nhiều pha khác nhau. Mỗi pha có mục tiêu, hành động và kết quả khác nhau tùy thuộc vào trình độ phát triển của khu vực nông thôn và mong muốn của chính quyền địa phương sở tại. - Xây dựng các nguyên tắc phát triển nông thôn nhất quán ngay từ đầu và phải được tuân thủ chặt chẽ. Các nguyên tắc này vừa có tính nguyên tắc trong tiếp cận nhưng lại cho phép tạo ra sự linh động, mềm dẻo ở việc đề xuất các sáng kiến, giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề phát triển nông thôn ở từng vùng cụ thể. 5.2.2 Kinh nghiệm của các nước đang phát triển a) Kinh nghiệm phát triển nông thôn của Hàn Quốc Hoàn cảnh ra đời và đặc điểm của phong trào Làng mới Phong trào Làng mới (Saemaul Undong - SU) của Hàn Quốc ra đời trong bối cảnh nghèo đói đang hoành hành ở khắp các vùng nông thôn của cả nước. Sau hàng thập kỷ bị Nhật Bản đô hộ, tiếp theo là Chiến tranh Thế giới lần thứ II, và cuộc nội chiến Nam - Bắc Triều Tiên vào những năm 50 của thế kỷ XX, Hàn Quốc gần như kiệt quệ về kinh tế (Trần Tiến Khai, 2015). Cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ có 85 USD; phần lớn người dân không đủ ăn; 80% dân nông thôn không có điện thắp sáng và phải dùng đèn dầu, sống trong 113
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Giáo trình Phát triển nông thôn
163 p | 2421 | 688
-
Giáo trình Quy hoạch phát triển nông thôn - PGS.TS. Nguyễn Ngọc Nông (chủ biên)
132 p | 243 | 74
-
Khoa học công nghệ và phát triển nông thôn 20 năm đổi mới – Chăn nuôi thú y part 1
49 p | 170 | 37
-
Giáo trình Quy hoạch phát triển nông thôn: Phần 2 - ĐH Nông nghiệp I
86 p | 162 | 33
-
Giáo trình Quy hoạch phát triển nông thôn: Phần 1 - ĐH Nông nghiệp I
61 p | 138 | 30
-
Giáo trình Phát triển mạng lưới khuyến nông lâm - MĐ06: Khuyến nông lâm
27 p | 122 | 28
-
Tạp chí Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn - Số 1/2001
69 p | 137 | 17
-
MỘT SỐ NÉT CHÍNH VỀ CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
5 p | 101 | 15
-
Khoa học công nghệ nông nghiệp và phát triển nông thôn 20 năm đổi mới – Thủy lợi part 1
38 p | 64 | 11
-
Giáo trình Khuyến nông (Nghề: Phát triển nông thôn - Trung cấp) - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp
58 p | 20 | 8
-
Giáo trình Khuyến ngư và phát triển nông thôn (Nghề Nuôi trồng thủy sản) - CĐ Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản
62 p | 55 | 8
-
Giáo trình Sinh thái nông nghiệp (Nghề: Phát triển nông thôn - Trung cấp) - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp
142 p | 26 | 7
-
Giáo trình Quản lý dịch hại cây trồng (Nghề: Phát triển nông thôn - Trung cấp) - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp
116 p | 21 | 7
-
Giáo trình Đánh giá nông thôn (Nghề: Phát triển nông thôn - Trung cấp) - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp
81 p | 16 | 5
-
Giáo trình Phát triển kinh tế hộ và trang trại (Nghề: Phát triển nông thôn - Trung cấp) - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp
57 p | 21 | 4
-
Giáo trình Phát triển nông thôn (Nghề: Phát triển nông thôn - Trung cấp) - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp
144 p | 15 | 4
-
Giáo trình Phát triển nông thôn: Phần 1 - TS. Nguyễn Quang Phục
108 p | 9 | 4
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn