Gió lỡ thì
lượt xem 4
download
Vài năm một lần ông lại “đi công tác xa”, tức là xuống vùng quê nào đó trong bán kính một trăm ki-lô-mét cách trung tâm Hà Nội để, như ghi trong giấy giới thiệu, “sưu tầm văn hóa, văn học dân gian, xin nhờ các tổ chức và cá nhân liên quan hết lòng giúp đỡ”.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Gió lỡ thì
- Gió lỡ thì. Vài năm một lần ông lại “đi công tác xa”, tức là xuống vùng quê nào đó trong bán kính một trăm ki-lô-mét cách trung tâm Hà Nội để, như ghi trong giấy giới thiệu, “sưu tầm văn hóa, văn học dân gian, xin nhờ các tổ chức và cá nhân liên quan hết lòng giúp đỡ”. Với ông đó là loại công việc dễ chịu, vì tiếng là đi công tác mà ông được tự do tuyệt đối, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Tới nay ông đã sưu tầm được khối điều thú vị trong lĩnh vực này, là đồng tác giả của mấy cuốn sách nghiên cứu về tục ngữ ca dao và chuyện cổ tích, thậm chí cả dân ca quan họ, dù ông mù tịt về âm nhạc. Nhưng lần này thì ông lên đường vì mục đích riêng tư và khác hẳn, tất nhiên khi đề nghị cơ quan cấp giấy công tác thì ông vẫn là cán bộ sưu tầm vốn cổ dân tộc, vì ông không muốn chi tiền và thời gian của riêng mình, là cái vốn chẳng bao giờ có nhiều. Số là một hôm ngẫu nhiên ông được đồng nghiệp đọc cho nghe bốn câu thơ của một nhà thơ nào đó mà cả ông lẫn đồng nghiệp đều không biết. Bốn câu lục bát hiện đại giản dị và cô đọng, tinh tế như ca dao cứ làm ông bâng quơ suy nghĩ mấy ngày liền, và cuối cùng đưa ông đến quyết định ra đi, không phải “sưu tầm” như mọi lần mà “đi tìm hiểu thực tế”, tìm hiểu cái gì gì và cách nào thì quả lúc ấy ông chưa rõ lắm. Bốn câu thơ ấy thế này: Chị đi kháng chiến trở về, Nhà thông thốc ngọn gió quê lỡ thì. Mưa qua đi, nắng qua đi, Nỗi buồn ở lại thầm thì sớm hôm...
- Nghe xong, ông ngồi lặng người một lúc rồi lên tiếng, không hiểu sao giọng buồn hẳn đi: “Hay! Hay tuyệt! Chỉ mấy câu mà nói hết, nói sâu sắc cái đau của một lớp người anh hùng bất hạnh. Tớ nghe mà thấy rồn rộn trong người. Không hiểu bây giờ họ thế nào nhỉ, những con người ấy, những cô gái thanh niên xung phong nhỡ thì ấy?” “Ế chồng chứ còn sao nữa, - ông đồng nghiệp nói, giọng cũng xa vời. - Mà họ đâu có một vài người, một vài trăm người. Hàng vạn, hàng chục vạn cơ đấy. Cái đau không nói nên lời, “chỉ thoáng nghe trong gió” như lời một bài hát của tay Bob Dylan người Mỹ, và bây giờ là “ngọn gió quê” của anh nhà thơ này. “Gió lỡ thì”. Tự dưng chẳng lỗi của ai mà mình như có lỗi. Cậu không thấy thế à?” “Thấy”. “Thấy mà chẳng làm gì được. Mà họ sống ngay bên ta, những con người cụ thể bằng xương bằng thịt. Nghe nói có cả những đội sản xuất, những làng toàn phụ nữ lỡ thì, những người một thời từng xinh đẹp, trẻ trung, nhí nhảnh yêu đời. Thế mà...” Ông đồng nghiệp nhắc tên một số nơi những cô gái thanh niên xung phong nhỡ thì đang sống. “Thế à?” Ông ngước mắt, hỏi, và chỉ ít phút sau quyết định đi đến với họ.
- Ông thuộc loại người sởi lởi, chân thành và cả tin. Nếu gọi những người có gia đình ba đời sống ở Hà Nội là dân thủ đô thì ông đúng là dân thủ đô. Lịch sự và tế nhị. Nhưng có lẽ vì chính sự lịch sự và tế nhị ấy mà trong mọi chuyện ông cũng cân nhắc, tính toán ra phết. Li dị vợ đã năm năm nay và dù chưa đến năm mưoi, lại đẹp trai, hào hoa, ông vẫn ngần ngại không đi bước nữa. Bạn bè bảo thế là khôn, vừa được tự do chơi bời lại chẳng phải gắn bó với người nào. Chắc điều này cũng nằm trong tính toán của ông. Kinh nghiệm chẳng mấy vui vẻ với bà vợ trước làm ông thấy sợ. Những người phụ nữ ông quan hệ sau này chẳng tìm được cớ gì để trách ông, mặc dù ước mơ (và đôi khi cả âm mưu) được làm vợ, ở chung với ông trong ngôi nhà mặt tiền phố Hàng Mắm rút cục không thành. Cuối cùng thì họ đành chấp nhận “làm bạn” cho đến khi ông chán họ rồi sau đó, dẫu ấm ức trong lòng, vẫn tiếp tục yêu con người lẳng lơ đáng yêu ấy. Còn điều nữa là ông rất dễ xúc động. Nhiều khi xem phim một mình ở nhà, ông thút thít khóc, và vì không có ai nên ông cứ để nước mắt tự do lăn trên má. Phim “Những cô gái ngã ba Đồng Lộc” là một thí dụ. Ông khóc suốt từ đầu chí cuối mà chẳng chút xấu hổ vì sự mau nước mắt của mình. Tính ông nó vậy. Mấy câu thơ về các cô gái lỡ thì này cũng làm ông xúc động chân thành, chưa đến mức chảy nước mắt nhưng rất xúc động. Thế là với chiếc túi du lịch trên tay, ông ra đi, lòng xốn xang những ý nghĩ bâng quơ cao thượng, cứ như ông đang đến giúp họ bằng cách cưới một trong những cô gái tội nghiệp ấy. Nơi ông đến là một xã miền núi ở tỉnh Hòa Bình. Xã mới được thành lập và toàn dân miền xuôi được bổ sung từ mấy nông trường bên cạnh đã giải thể. Nó vẻn vẹn chỉ ba làng cách nhau không xa, nằm lọt thỏm trong thung lũng giữa hai ngọn núi lớn trên đường từ quốc lộ sáu rẽ vào Kim Bôi. Không thấy bóng chiếc nhà sàn nào, đàn ông, thậm chí trẻ con cũng rất ít. Chỉ trâu bò là nhiều. Chúng nhởn nhơ gặm cỏ
- trên các mé đồi hoặc hai bên đường. Mặt trời ngả về tây và đang sắp khuất sau núi. Nửa quả đồi xa xa được nắng chiếu sáng có màu vàng rực như trong bức sơn mài “Chiều Tây Bắc” nổi tiếng. Ông chút ít cụt hứng khi thấy chủ tịch xã, người bao giờ ông cũng tìm gặp đầu tiên khi tới công tác ở địa phương nào đó, là phụ nữ, hơn thế còn khá trẻ, khoảng ba mươi lăm, cùng lắm chỉ bốn mươi. Chị chủ tịch (hay cô chủ tịch? ông thầm hỏi và thấy ngồ ngộ) rót chén nước chè đắng mời ông rồi cúi xuống chăm chú đọc tờ giấy giới thiệu công tác của khách. Ông thì vừa nhấp nước vừa lén nhìn. Chị khá xinh, cái xinh khỏe mạnh, đậm đà của người phụ nữ nông thôn giản dị và sạch sẽ ở cái tuổi ấy. Tóc chị búi ngược, để lộ cái cổ tròn trĩnh với những sợi tóc mềm ươn ướt mồ hôi. Cặp môi dày mọng có vẻ đa tình, nhưng cũng vừa có vẻ cương quyết, nhất là lúc này, khi chị đang mím chặt, căng thẳng đọc tờ giấy. Giữa cánh mũi bên phải và môi trên có một nốt ruồi kích thước vừa đủ, vị trì vừa đẹp và màu sắc vừa độ để bất kỳ một ca sĩ đô thành nào cũng mong muốn có. “Vậy cụ thể chúng tôi có thể làm gì để giúp... - chị chủ tịch nhìn khách chọn cách xưng hô - để giúp anh?” Ông lúng túng không biết nói thế nào. Chẳng nhẽ bảo tôi lên đây tìm hiểu cuộc sống những cô gái thanh niên xung phong lỡ thì? “Chị biết đấy, - ông ngọ ngoạy mãi trên ghế rồi đáp. - Chúng tôi là một cơ quan nghiên cứu ở Hà Nội. Chả là người ta đang có chương trình nghiên cứu hậu quả chiến tranh, ý tôi nói về mặt xã hội, con người chứ không phải kinh tế, và tôi được cử về địa phương ta đây để... - Ông lại lúng túng. - Chị biết đấy, biết bao con người ưu tú, nhất là các cô gái của chúng ta, xung phong ra chiến trường, vì độc lập, tự
- do của đất nước đã hy sinh tuổi trẻ của mình... Vâng, đúng thế, đó là một bi kịch, bi kịch ghê gớm của chiến tranh. Họ đã đem hạnh phúc riêng tư của mình trả giá cho sự nghiệp chung...” Cuối cùng thì chị chủ tịch xã cũng hiểu, và ông lấy làm mừng rằng một người vừa phải đánh vần tờ giấy lúc nãy lại tinh tế như vậy. Chị nhìn ông bằng cái nhìn buồn buồn pha chút diễu cợt: “Vậy thì tôi nghĩ họ phải cử người khác đi thay anh mới phải”. “Có lẽ vậy. Nhưng cơ quan tôi ít người, vả lại các bà ấy ngại đi xa”. Cả buổi chiều hôm ấy ông được chị chủ tịch xã kể cho nghe những gì ông muốn biết. Có thể trình độ văn hóa không cao, nhưng chị diễn đạt lưu loát, không ít khi pha chút đùa hóm hỉnh khiến ông khách mỗi lúc một thấy cảm tình. Ông ghi kín đặc ba trang giấy các con số và tên người cùng những điều ông cho là đáng chú ý. Hóa ra cái xã Kim La này cũng khá đặt biệt và đúng là địa chỉ ông cần tới. Nó trước là một phần của xã Kim Anh kề bên. Cuối những năm tám mươi, cùng một lúc cả hai nông trường quốc doanh trên địa bàn giải thể, đất nông trường chia cho công nhân làm nhà và canh tác. Thế là thành xã mới. Đó cũng chuyện bình thường, điều đáng nói là công nhân hai nông trường này chủ yếu là nữ, do được bê hầu như nguyên xi mấy đơn vị nữ thanh niên xung phong từ miền Nam ra khi mới giải phóng. Cái việc ế chồng của họ một thời được báo làm ầm ĩ, thậm chí người ta còn tổ chức hội thảo bàn cách giải quyết nhưng rồi đâu lại vào đó, chẳng thêm cô nào kiếm được chồng mà nông trường thành ra tai tiếng với cái tên “ế chồng” kèm theo. Địa phương cũng bị vạ lây. Một dạo người ta khôn khéo làm lễ kết nghĩa với
- các đơn vị bộ đội và xí nghiệp trong vùng, nhưng kết quả chẳng hơn gì, chỉ thêm nhiều đứa con hoang ra đời. “Sao sau chiến tranh các cô ấy không về quê?” ông hỏi. “Nhiều người về. Nhưng cả lúc ấy họ cũng đã quá lứa. Vả lại được vào biên chế nhà nước là cám dỗ lớn”. “Vậy là chịu, chẳng ai làm được gì giúp họ?” “Chuyện này thì giúp sao được. Mà rồi cũng không đến nỗi như anh nghĩ đâu. Cuộc sống vẫn bình thường, năm nào xã chúng tôi cũng đạt danh hiệu xã văn hóa. Sinh đẻ kế hoạch thì còn phải nói. Một nửa chị em đã yên phận, tức là có chồng chính thức, làm lẽ, hoặc có con ngoài giá thú. Ở đây cả hai điều này không bị phê bình mà còn được khuyến khích”. Ông do dự một chốc rồi hỏi: “Chị cũng từng là thanh niên xung phong?” “Tất nhiên, 85% hộ gia đình trong xã chúng tôi là thanh niên xung phong, trong đó nữ chiếm 70%. Nhưng đừng ái ngại cho tôi. Tôi là người may mắn, tôi đã có chồng và gia đình hạnh phúc”. Lúc ấy trời đã tối. Không còn cách nào khác, bà chủ tịch xã mời khách về nhà mình, và cũng do không biết đi đâu, khách nhận lời.
- Bữa ăn tối có bốn người, tức là thêm một bà cụ chắc phải hơn tám mươi tuổi nhưng còn minh mẫn, luôn miệng ăn trầu sau khi đã nghiền kỹ trong chiếc cối nhỏ bằng đồng cầm trên tay, và một đứa bé gái khoảng mười tuổi, hai mắt cứ mở to nhìn khách đến mức quên cả ăn. Nó là cháu ở quê dưới xuôi, vất vả lắm mới được đồng ý cho đưa lên đây “ở cho vui”. Trước đó, dọc đường đi, chị chủ nhà cho biết chồng chị là bộ đội đang ở xa, và họ mới lấy nhau nên chưa có con. Ở vùng núi đêm đến sớm, đen hơn, và khác với người ta thường nghĩ, chẳng mát hơn chút nào. Ông xách ghế ra sân ngồi, lơ đãng ngước nhìn bầu trời sao dày đặc như mạng nhện lúc ban mai của một ngày sương mù. Lòng ông lại gợn lên nỗi bâng khuâng vu vơ, sự xúc động nhẹ nhàng và cả thoáng buồn không tên như khi mới nghe bốn câu thơ kia. Chị đi kháng chiến trở về/ Nhà thông thốc ngọn gió quê lỡ thì/ Mưa ra đi, nắng ra đi/ Nỗi buồn ở lại thầm thì sớm hôm... Căn nhà chị chủ tịch khá kiên cố, mái bằng, tường gạch với hàng hiên một nửa nhô ra rộng, rất đặc trưng cho vùng chiêm trũng Hà Bắc. Không có ngọn gió quê, lỡ thì lại càng không vì chị đã có chồng. Cái buồn thì có, nhưng đó là cái buồn bình thường của nơi hoang vắng, của sự nghèo đói chứ không thi vị như trong thơ. Không hiểu sao bỗng dưng ông cũng thấy buồn buồn, mặc dù chuyến đi của ông thành công hơn dự định. Ông đã biết những điều ông quan tâm, đã gặp “người thật việc thật”, mai chỉ còn đi tới hai làng còn lại, vào một vài nhà, nói chuyện với dăm người nữa là coi như kết thúc. Sau thì sao? Chẳng sao cả. Cơn xúc động bột phát sẽ qua đi, những ý tưởng lãng mạn sẽ qua đi, thậm chí cả mấy câu thơ tuyệt diệu kia cũng dần dần bị lãng quên. Nghĩa là tất cả sẽ qua đi như “mưa qua đi, nắng qua đi”, và với ông, thay cho nỗi buồn là công việc và cuộc sống hàng ngày ở lại, gấp
- gáp mà đơn điệu, ồn ĩ mà buồn chán. Ông ngủ trên chiếc ghế dài bằng gỗ trải đệm mút ở phòng khách, nhất định không chịu để chị chủ nhà nhường phòng mình cho ông. Bà cụ và con bé ngủ ở phòng trong, gần như ngay sau bữa ăn tối. Tưởng đi cả ngày mệt sẽ dễ ngủ, thế mà ông vẫn trằn trọc mãi. Có thể tại đêm yên tĩnh quá. Rồi ông cũng thiếp đi, láng máng nghe tiếng chị chủ nhà trở mình ở phòng bên. Ông mơ thấy cả một rừng các cô gái cởi bỏ áo lính chạy ào xuống suối tắm. Các cô tắm lặng lẽ, không té nước đùa nghịch mà ôm mặt khóc, cũng lặng lẽ. Sau đó đột nhiên cả rừng cô gái ấy tồng ngồng chạy vào rừng, vừa chạy vừa cười sằng sặc và làm những động tác kỳ quặc của người điên. Họ chạy cả vào căn nhà nhỏ của ông ở Hà Nội, túm quanh ông như van xin điều gì. Họ khóc. Ông cũng khóc. Ba giờ chiều hôm sau, khi chia tay xong xuôi với mọi người, Ông được một cậu thành niên (do chị chủ tịch xã yêu cầu) chở lên phố huyện để bắt xe về Hà Nội. Anh này vui tính và bạo mồm bạo miệng, mặc chiếc áo thổ cẩm có khuy ngang bằng vải như của người Tày, nhưng chắc là người miền xuôi, có thể quê Sơn Tây - Ba Vì, nếu căn cứ vào giọng nói. “Cảm ơn ông bác đã đến xã em. - Anh ta cười toe toét. - Chuyến này thì chắc xã em tăng nhân khẩu”. “Cậu nói gì tớ không hiểu”, ông hỏi lại. “Thì đêm qua ông bác chẳng ngủ ở nhà bà chủ tịch đấy sao?” “Cái cậu này láo. Người ta có chồng rồi, nhảm nhí!”
- “Ai bảo ông bác thế?” “Bà ấy chứ còn ai. Chồng người ta đi bộ đội xa, thế mà cậu lại láo lếu nói bậy”. “Thế thì thật tiếc cho ông bác. - Anh kia cười, giữa chừng đột nhiên im lặng, giọng trầm hẳn xuống. - Tiếc cho cả bà chủ tịch nữa. Bà ấy là người tuyệt vời đấy, vì tìm mãi không thấy người thích hợp nên mới ở vậy. Bà ấy kiêu lắm. Nhưng gặp ông bác thì chắc là “đổ” rồi. Chí ít cũng muốn xin đứa con Hà nội”. Ông lại mắng anh ta, rồi từ đó cho hết quãng đường còn lại ông im lặng, nghĩ quẩn quanh về cái tin mới được nghe, trong khi anh kia vẫn không ngớt lời ca ngợi bà chủ tịch xã mình. * Chưa đầy một tháng sau ông lại lên Kim La, vì việc riêng chứ chẳng liên quan gì đến “công trình nghiên cứu xã hội” mới rồi, và tất nhiên ông không vào trụ sở ủy ban xã mà vào thẳng nhà chị chủ tịch, tuy không phải không chút do dự. Suốt cả tháng trước đó ông ở trong tâm trạng kỳ cục, có thể nói lần đầu tiên trong đời ông gặp. Ông luôn nghĩ tới người đàn bà trẻ hẩm hiu, bình dị và hấp dẫn này, một sự hấp dẫn ông không lý giải nổi. Nhiều khi ông tự hỏi phải chăng mình đang yêu, ở lứa tuổi gần năm mươi? Lại ông, một người thừa từng trải và không muốn gánh thêm gánh nặng gia đình, đơn giản vì ích kỷ? Không, ông lắc đầu. Nếu vậy thì là cái gì? Ông cũng lắc đầu không trả lời nổi. Nhưng rõ ràng đang có cái gì đó mới lạ xuất hiện trong ông, và ông lấy làm sợ do không biết thế là tốt hay xấu. Sao
- không thể yêu và lấy cô ấy làm vợ nhỉ? - đôi lúc ông nghĩ. Cô ấy còn trẻ, dễ nhìn, thông minh và tế nhị, lại là một cựu thanh niên xung phong ai cũng ái ngại muốn giúp mà bất lực. Mình có bất lực thật không? Cô ấy thuộc loại người mới lạ, là cái chẳng phải mình luôn khao khát đó sao? Rồi ngay lúc ấy chính ông lại hoảng sợ cái mới lạ ấy khi ông hình dung cô về sống ở Hà Nội, tại nhà ông ở phố Hàng Mắm. Ông có thể giúp giảm bớt một ca bị ế vì chiến tranh, là điều đáng ca ngợi và thực sự ông muốn làm. Nhưng bạn bè ông sẽ nghĩ thế nào, cô ấy sẽ sống thế nào trong môi trường thành phố, trong giới cán bộ trí thức của ông, khi bản thân cô hình như phải đánh vần mỗi lần đọc cái gì đó? Hay đơn giản coi như một dạng bồ bịch, nếu cô ấy chấp nhận, và nếu muốn nữa thì cho một đứa con? Không, không được. Đây là trường hợp khác hẳn, cô ấy là người khác hẳn nên không làm thế được. Vậy thì phải làm gì? Đầu óc ông cứ quẩn quanh mãi những ý nghĩ mâu thuẫn như vậy, trong khi trái tim dường như mỗi ngày một xích lại gần hơn với chị. Cuối cùng thì ông quyết định quay lại tìm chị, dù không rõ mình thực sự muốn gì. Không biết lần ấy họ gặp nhau như thế nào, nói với nhau những gì, chỉ biết sau đó, trong vòng nửa năm ông còn lên Kim La bốn lần nữa, và bây giờ thì chính chị chủ tịch đang chuẩn bị về Hà Nội, Để gặp ông, tất nhiên có kết hợp tí việc, nhưng chủ yếu vẫn để gặp ông, vì chị đã hứa nhiều lần. Cả tuần nay chị chuẩn bị cho chuyến đi này. Dẫu chẳng lần đầu tới thành phố nhưng rõ ràng đây là chuyến đi đặc biệt, và chị rất lo lắng. Chị chỉ ghé thăm ông một chốc, “cho biết nhà” rồi về, thế thôi. Xưa nay chị luôn kính trọng, gần như ngưỡng mộ những người đàn ông thành phố lịch sự, có học và sang trọng. Bây giờ một người như thế đến với chị, người ấy đã li dị, sống một mình và, điều này mới
- quan trọng nhất, tôn trọng và theo như chị cảm nhận, cũng thương yêu chị. Không nói thành lời nhưng “anh ấy” đã tỏ ra thế, và trái tim trong trắng bốn mươi tuổi của chị nhận thấy điều đó. Nó đập rộn mỗi lần nghĩ tới “anh ấy”. Chị đang sống trong hạnh phúc pha chút lo sợ mơ hồ khi hình dung thấy mình có chồng, có con, lại được sống ở thủ đô. Đứa con của chị thật đẹp, con trai, không hiểu sao chị nghĩ nhất định sẽ là con trai. Nó giống “anh ấy” như đúc, dù chị cũng có nhiều nét đẹp nhưng chị sẵn sàng để nó giống anh. Còn chị sẽ lặng lẽ chăm sóc anh từng ly từng tí một cách trung thành mà không đòi hỏi chút gì cho mình. Có điều, nếu mỗi lần đi làm về anh hôn vào má chị như trong phim, thì chị sẽ rất xấu hổ, thích nhưng vẫn xấu hổ. Nhiều đêm chị không ngủ vì ngây ngất tình yêu, thứ tình yêu muộn mằn mà bồng bột. Chị đã khóc vì sung sướng, tay vuốt vuốt bụng như nâng niu đứa con tương lai. Vậy là chị sẽ có con như nhiều người khác, không phải “con xin”, mà con hợp pháp, con có bố làm ở Hà Nội. Sau rất nhiều cân nhắc, chị quyết định mua tặng “anh ấy” ba mét vải thổ cẩm đặc sản của vùng chị, và sẽ tự tay khâu cho anh một chiếc bao đựng kính cũng bằng thứ vải ấy. Vải không mua ở chợ Lùng vì như thế sẽ thành thứ vải bình thường. Thay vào đó, chỉ bỏ công vào tận bản Dóc cách hơn hai mươi cấy số, lùng sục từng nhà tìm bằng được thứ chị vừa ý, lại còn bắt sửa chỗ này cắt chỗ kia, và lần đầu tiên chị mua bán mà không hề mặc cả. Cầm tấm vải mịn mát lạnh trên tay (nhưng màu khá sặc sỡ) chị sung sướng hình dung “anh ấy” sẽ cắt nó thành áo mặc diện ngoài phố mà không biết rằng đàn ông Hà Nội tuổi anh chỉ thích mặc com-lê và áo sơ mi cô-tông nhã màu. Còn chíêc bao đựng kính thì không vất vả lắm vì chị giỏi may vá thêu thùa do học được những năm ở Trường Sơn. Mỗi bên chị thêu một bông hoa, hoa cúc, với những chiếc lá bé tí màu xanh, còn hoa thì bông vàng bông trắng. Các đường thêu tỉ mẩn và rất đẹp, có thể bố cục không hợp, nhưng thế cũng khá lắm rồi nếu so với đôi chim bồ câu lồng cánh và hai chữ cái uốn éo lồng nhau
- của thời trước. Đêm ngủ, chị đặt tấm vải và bao kính lên ngực rồi mỉm cười một mính trong bóng tối. * Ông ra tận bến xe đón chị. Chị ngồi sau xe máy, chiếc nón bài thơ mới quang dầu bóng loáng có hình chìm những bông hoa to và đôi chim bồ câu đang bay quanh trái tim hình con cơ lộn ngược, làm chị và ông hơi vướng. Một bên chị xách chiếc lồng tre đựng hai con gà, bên kia, đeo kè kè sát hông là chiếc túi đầm giả da thường thấy bán ở phố huyện. Tất cả đều mới, thậm chí cả lồng gà. Cả chiếc quần bò và chiếc áo thun len cũng mới, dù thường ngày chị thích mặc những thứ giản dị bằng vải mềm. Không hiểu sao chị thấy sờ sợ, hai má đỏ ửng, nhất là khi đi qua chỗ đông người, một con gà bỗng gáy to. Là người lịch sự, ông Huấn lờ đi như không nghe. Ông cố tình đèo chị qua mấy phố có những tòa nhà cao, qua hồ Hoàn Kiếm, Nhà Hát Lớn rồi mới về nhà mình. Ông muốn mà không dám giới thiệu các điểm nổi tiếng của thủ đô vì sợ chị có cảm giác mình là dân nhà quê. Đến phố Cầu Gỗ, một vài người bạn đang uống bia nhìn thấy họ, kêu to gọi ông nhưng ông không nhìn, không đáp. Một buổi chiều trôi qua dễ chịu. Chị xuống bếp làm gà, chuẩn bị bữa ăn, thầm sung sướng được dọn dẹp căn bếp dẫu hiện đại, sạch sẽ nhưng vẫn bừa bộn theo cách của một người đàn ông sống độc thân. Còn ông thì xăng xái bên cạnh xin được giúp đỡ. Chị chỉ cười, nói không cần, nên cuối cùng ông ra ngồi hút thuốc trên chiếc xa lông bọc da êm ái ở phòng khách, với sự hài lòng của một ông chủ gia đình đang được hưởng sự chăm sóc cảm động của người vợ, hay cũng gần như thế. Cảm giác này làm ông xúc động, và ông nghĩ sẽ không tồi nếu có được người vợ như chị. Lúc này thì tình cảm chân thành và sự hào hiệp đang lấn át những lo lắng và tính toán thực dụng của cuộc sống đời thường.
- Ông mở một chai rượu ngoại màu đỏ sẫm, rót ra hai chiếc cốc pha lê tay cầm rất dài và mảnh: “Uống đi em. Nhẹ thôi mà. Để kỷ niệm ngày hôm nay. Nào, vì hạnh phúc của em, của anh. Của chúng ta!” Như ông, chị uống một hơi hết cốc rượu hạnh phúc ấy. Sau đấy chị còn uống thêm mấy cốc nữa. Mặt chị, thậm chí cả chiếc cổ dài tròn trĩnh, bắt đầu đỏ ửng, vì rượu và cả vì hạnh phúc. Hơi chút ngượng ngập, họ trao đổi những lời âu yếm, những câu hỏi đáp bâng quơ không ăn nhập, chủ yếu làm phần đệm, làm nền cho những cái nhìn kéo dài cũng âu yếm không kém. Chị cảm thấy như có dòng điện nhẹ chạy khắp người khi lần đâu ông cầm tay mình. Bản năng mách chị muốn rút lại nhưng chị không làm nổi. Chị cũng bất lực khi ông khẽ chạm môi mình vào môi chị rồi kéo nhẹ về phía chiếc giường. Cơ thể khỏe mạnh, trinh trắng của chị run run khi tay ông lóng ngóng lần cởi từng chiếc cúc áo của chị... “Cái gì thế anh?” Chị giật mình, khẽ hỏi khi ông lấy từ dưới gối chiếc bao cao su màu đỏ. “Safe sex!” “Tức là cái gì?” “Là OK! Tình dục an toàn, em ạ”. “Ồ không! Đừng anh! Em không thích cái ấy! Đừng! Đừng dùng nó!”
- Chị kêu lên rồi ôm mặt khóc. Ông do dự một lúc rồi vứt chiếc bao xuống sàn nhà. Ông nằm ngửa, cũng trần truồng như chị, mắt nhìn trân trân lên trần. Vào phút chót, ông lại bị những toan tính thực tế và nỗi lo sợ mơ hồ chi phối. Chị nằm bên, quay mặt vào tường, và vẫn khóc. “Anh yêu em... Anh xin lỗi...”, ông nói, tay âu yếm vuốt ve cơ thể bất động của chị. Chị nằng nặc đòi ra về. Không giữ được, ông lại đèo chị ra bến xe. Chiếc nón bài thơ vẫn vương vướng vào lưng ông như trước. “Anh xin lỗi”, ông lại nói, nhưng chị không nghe thấy vì tiếng ồn đường phố, và cả vì chị đang nghĩ về đứa con trai đáng lẽ chị đã có nhưng giờ thì có lẽ sẽ không bao giờ có nữa. Một bên hông chị vẫn là chiếc túi đầm phố huyện mới mua, đựng ba mét vải thổ cẩm và chiếc vỏ kính chưa tặng. * Ngay sáng hôm sau, với vẻ mặt phờ phạc của người mất ngủ và lo nghĩ nhiều, ông lại lên Kim La. Chị chủ tịch không có nhà. Ông chờ suốt cả buổi chiều, mãi đến tối mịt vẫn không thấy chị về. Con bé ê a học bài trong nhà. Còn bà lão mẹ chị thì ngồi bất động nhìn không chớp cái gì đấy ngoài vườn. Mãi đến bây giờ ông mới phát hiện thấy bà bị mù. Chị đi kháng chiến trở về, Nhà thông thốc ngọn gió quê lỡ thì. Mưa qua đi, nắng qua đi, Nỗi buồn ở lại thầm thì sớm hôm...
- Bốn câu thơ kia lại lởn vởn trong đầu ông. Chúng thật buồn. Ngôi nhà ông đang ngồi đây cũng thật buồn. Không thông thốc, nhưng hiện đang có gió, ngọn gió lạnh đầu đông ở vùng núi, và nó cũng đượm buồn. Có thể chị không biết những câu thơ này, nhưng chắc không ít lần phải chịu cái buồn được nói một cách tinh tế ấy trong thơ. Không chỉ mưa nắng, mà một người đàn ông đến với chị, rồi người đó cũng ra đi, làm nỗi buồn càng buồn hơn. Ông thấy thương chị, thương cho cả chính mình. Không, ông sẽ ở lại. Ông rút thuốc hút, quyết tâm chờ tiếp, chờ hết đêm nay, chờ cả ngày mai, ngày kia, chờ cho đến lúc chị về. Ông biết chị đang ở đâu đó rất gần và đang theo dõi cái quyết tâm ấy của ông.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Xác ướp thì thầm - Phần 14
5 p | 69 | 13
-
Xác ướp thì thầm - Phần 11,12
8 p | 115 | 11
-
Chuyện xưa giờ mới dám thổ lộ
9 p | 203 | 10
-
Truyện Căn Nhà Trên Đường An Địa
7 p | 66 | 5
-
Rồi Thì Người Ở Một Mình
3 p | 68 | 5
-
Cát
6 p | 47 | 5
-
Sơn Ca Hót Giọng Mèo
3 p | 108 | 4
-
Một chuyện tình lơ lửng
10 p | 97 | 4
-
Đi qua mùa gió
6 p | 122 | 4
-
Biển khóc
9 p | 55 | 4
-
Tựu trường ngày mưa
8 p | 102 | 4
-
Tiếng chim hót líu lo
8 p | 93 | 3
-
Bước Xuân
9 p | 46 | 3
-
Căn nhà trên đường An Địa
6 p | 106 | 3
-
Lên Phình Hồ hái mây đuổi gió
7 p | 70 | 2
-
Mùa Đông Ấm Áp
8 p | 71 | 2
-
Ánh Trăng Mười Sáu
7 p | 54 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn