Đề bài: Hãy bàn luận về câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ <br />
phải lùi (Ngạn ngữ Trung Quốc)<br />
Bài làm<br />
Đã bao giờ bạn nhìn một con thuyền bơi ngược nước trên sông? Người lái phải gò mình <br />
sải cánh bơi mạnh mái chèo thì con thuyền mới tiến lên được. Nếu dừng tay chèo thì con <br />
thuyền không đứng lại mà lùi theo dòng nước chảy mạnh. Sự học cũng như vậy, có khác <br />
gì việc bơi thuyền ngược nước: không tiến sẽ phải lùi.<br />
Có người nghĩ rằng việc học là dễ dàng và đơn giản. Cứ cắp sách đến trường, nghe thầy <br />
giảng, thu nhận kiến thức và đọc thêm trong sách vở là hoàn tất việc học. Có người lại kì <br />
công mời thầy giỏi đến tận nhà dạy riêng cho con mình, tưởng như thế con sẽ giỏi, sẽ <br />
thành tài. Nghĩ như vậy là chưa hiểu hết bản chất của việc học. Học cũng gian khổ như <br />
bơi thuyền ngược nước. Con thuyền phải đối mặt với dòng nước chảy ngược lại, liệu có <br />
dễ dàng đủ sức mạnh để vượt qua thử thách ấy không? Và quan trọng nhất là có đủ kiên <br />
trì để chiến thắng nó không? Bởi dòng nước thì lúc nào cũng chảy, còn con thuyền chỉ <br />
cần lơ là một chút (ngừng tay chèo) là có thể không tiến lên được mà ngược lại phải lùi <br />
lại ngay theo sức nước chảy. Việc học cũng gian nan và đầy thử thách như thế. Không <br />
tiến sẽ phải lùi. Đó chính là bản chất và quy luật của việc học đối với tất cả mọi người, <br />
không trừ riêng ai.<br />
Học là một hoạt động khám phá và sáng tạo của con người, bao gồm hai khâu chủ yếu: <br />
khám phá, tiếp cận và chiếm lĩnh tri thức của nhân loại thành tri thức của mình (thu nhận <br />
kiến thức) rồi vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống để biến thành kiến thức mới (vận <br />
dụng và sáng tạo kiến thức mới). Hiểu như vậy thì việc học không đơn giản chút nào, trái <br />
lại rất khó khăn và gian khổ. Nguyễn Cư Trinh từng nói: "Có một chữ mà nghĩ ba năm <br />
chưa xong, giảng ngàn năm chưa hết". Còn Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác thì tâm <br />
niệm: "Xem một câu, phải suy ra trăm câu; thấy một việc đời, phải ngẫm ra trăm việc. Có <br />
thế học mới hay". Ở phương Tây, nhờ khổ luyện học vẽ trứng gà mấy chục ngày liền <br />
theo cách dạy của thầy Vêrôkiô mà về sau Lêôna đơ Vanxi đã trở thành danh họa nổi <br />
tiếng thời Phục hưng. Không khổ luyện, không kiên trì, không quyết tâm thì làm sao thu <br />
nhận được kiến thức và rèn luyện được kĩ năng, nói chi đến việc sáng tạo, phát minh cái <br />
đích cao nhất mà việc học phải vươn tới? Đó chính là lúc người học "ngừng tay chèo" và <br />
"con thuyền học tập" sẽ lùi lại theo dòng nước chảy. Dòng nước chảy chỉ là quy luật <br />
khách quan, ở đây yếu tố chủ quan của người học mới là điều quyết định. Chẳng thế mà, <br />
ngày xưa, Cao Bá Quát đã buộc búi tóc lên xà nhà để học, Châu Trí đã quét lá đa đốt lửa <br />
lên mà học,... Và ngày nay, hẳn không thiếu những con người tật nguyền đã vượt qua <br />
dòng nước chảy để đưa "con thuyền học tập" tiến lên đến bờ bến vinh quang, đạt tới <br />
đỉnh cao của tri thức và sáng tạo, như Nguyễn Ngọc Kí bị liệt cả hai tay, phải tập viết <br />
bằng chân mà vẫn tốt nghiệp đại học; các vận động viên khuyết tật điều khiển xe lăn <br />
bằng tay mà đạt huy chương vàng,...<br />
Bản chất của việc học là gian khổ nhưng cũng là sáng tạo để chiếm lĩnh thành trì tri thức <br />
của nhân loại. Còn thực chất của việc học là sự vươn lên để chiến thắng bản thân mình <br />
như người chèo thuyền ngược nước chiến thắng dòng sông. Không chiến thắng được <br />
bản thân thì không thể học thành tài được. Cho nên phẩm chất quan trọng trước tiên của <br />
việc học là phải kiên trì và quyết tâm, không bao giờ thối chí nản lòng. Nhưng kiên trì <br />
phải đi đôi với say mê và sáng tạo thì mới làm cho việc học hưng phấn, thích thú và đạt <br />
kết quả tốt. Việc học là suốt đời, không ngừng, không nghỉ, giống như người đi đến <br />
"chân trời kiến thức", đến được chân trời này thì lại mở ra chân trời khác, cứ thế mà đi <br />
tới. "Hiểu biết là ngọn nguồn chảy mãi, cơn khát không hút cạn được nó và nó cũng <br />
không bao giờ giải xong cơn khát". (F. Rucke). Tấm gương say mê học tập của các nhà <br />
khoa học trên thế giới như Các Mác, Ăngghen, Anhxtanh, Niutơn, Mari Quyri,... cho ta <br />
thấy chính sức mạnh của "cơn khát kiến thức" đã tạo nên những thiên tài của nhân loại, <br />
và ở đây, ngọn lửa của niềm say mê, sáng tạo đã tôi luyện thêm lòng kiên trì và quyết tâm <br />
của họ trên con đường khám phá, chiếm lĩnh và phát minh kiến thức mới cho loài người. <br />
Bản chất của việc học và bí quyết thành công của việc học cũng là như vậy.<br />
Dĩ nhiên trong việc học còn có phương pháp học tập sao cho tốt, cho có hiệu quả, tức là <br />
phải biết cách chèo thuyền để vượt lên được dòng nước ngược. Nhưng quan trọng nhất <br />
là có can đảm chèo thuyền hay không và có kiên trì quyết tâm chèo con thuyền học <br />
tập ấy trong suốt cuộc đời mình để đến được bến bờ vinh quang không? Bởi trong thực <br />
tế, biết bao người đã buông tay chèo giữa dòng để mặc cho con thuyền lùi lại. Và ngay cả <br />
học sinh sinh viên mà nhiệm vụ trung tâm là học tập vẫn còn không ít người như thế. <br />
Thật đáng buồn thay! Học mà còn như vậy thì vào đời sẽ thế nào đây? Ý nghĩa triết lí sâu <br />
xa của câu ngạn ngữ chắc không chỉ dừng lại ở việc học tập của con người.<br />