HIỆN TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ<br />
THÔNG TIN TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI<br />
<br />
Trần Kiêm Dũng1<br />
<br />
Lời nói đầu<br />
Ứng dụng công nghệ thông tin là một trong các định hướng quan trọng của<br />
ngành Tài nguyên và môi Trường trong giai đoạn hiện nay. Việc ứng dụng công<br />
nghệ thông tin là bắt buộc để đáp ứng được các mục tiêu quản lý nhà nước về tài<br />
nguyên và môi trường theo hướng phát triển bền vững và thực hiện chủ trương<br />
kinh tế hóa ngành. Trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi<br />
trường, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý đất đai đã đạt<br />
được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên còn nhiều điểm bất cập cần phải có<br />
một chiến lược dài hạn với các mục tiêu và phương pháp cụ thể để có thể có được<br />
một cơ sở dữ liệu đất đai theo mô hình hiện đại, thông suốt từ cấp trung ương đến<br />
cấp địa phương và là một trong những công cụ quản lý chính của ngành.<br />
Tham luận này đi sâu phân tích hiện trạng của công tác ứng dụng công<br />
nghệ thông tin từ những giai đoạn trước đến giai đoạn hiện nay, bao gồm các yếu<br />
tố đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, nguồn<br />
nhân lực, hiện trạng dữ liệu hiện có và các chính sách về phát triển công nghệ<br />
thông tin trong ngành. Trên cơ sở phân tích hiện trạng hiện có, tham luận cũng đề<br />
xuất một số định hướng chiến lược và giải pháp cụ thể phù hợp với sự phát triển<br />
của công nghệ, định hướng phát triển ngành để có thể đẩy mạnh và nâng tầm ứng<br />
dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý đất đai lên một tầm cao mới<br />
mang tính đột phá.<br />
Để thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và xây dựng<br />
cơ sở dữ liệu về đất đai đạt được các mục tiêu nêu trên cần có các nghiên cứu cơ<br />
sở lý luận khoa học vững chắc, nguồn lực đầu tư và nhận thức về ứng dụng công<br />
nghệ thông tin từ cấp lãnh đạo đến cấp cán bộ quản lý các cấp. Tham luận với<br />
giới hạn của mình cũng chỉ đề xuất các định hướng mang tính chiến lược và một<br />
số giải pháp cụ thể, các nghiên cứu tiếp theo cũng như việc thực hiện các dự án<br />
đã, đang và sẽ thực hiện sẽ là cơ sở để đạt được các mục tiêu của ngành.<br />
1. Hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành quản lý đất đai<br />
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành quản lý đất đai có thể tính<br />
từ khoảng năm 1994 đến nay, với các địa bàn ứng dụng từ các cơ quan quản lý<br />
nhà nước cấp Trung ương đến các cơ quan quản lý cấp địa phương. Về hiện trạng<br />
có thể phân tích theo các hướng: chính sách và cơ chế thực hiện, cơ cấu tổ chức<br />
và nguồn nhân lực, công nghệ và hiện trạng đầu tư.<br />
Về chính sách và cơ chế thực hiện<br />
Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tài nguyên và môi trường nói<br />
chung và ngành quản lý đất đai nói riêng trước năm 2004 chưa có các cơ sở pháp<br />
lý. Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin cho lĩnh vực quản lý đất đai trước<br />
<br />
1<br />
Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế - Cục Công nghệ thông tin - Bộ TN&MT<br />
<br />
212<br />
<br />
<br />
<br />
năm 1994 cũng đã có một số với các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, vốn<br />
ODA không hoàn lại và một số các tỉnh, thành phố với ngân sách địa phương.<br />
Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 179/2004/QĐ-TTg về<br />
việc phê duyệt Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT)<br />
tài nguyên và môi trường đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (sau đây<br />
gọi là Quyết định 179). Trong quyết định 179 đã đưa ra 4 mục tiêu chủ yếu và 7<br />
nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi<br />
trường nói chung và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nói riêng là một trong các<br />
nhiệm vụ cơ bản nhất.<br />
Sau 5 năm Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Chiến lược, tới nay đã<br />
có những thay đổi về bối cảnh. Về lĩnh vực công nghệ thông tin, Luật Công nghệ<br />
thông tin năm 2007 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8 Quốc hội khóa<br />
XI, là những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng thể chế hóa Chỉ thị 58 của<br />
Bộ Chính trị. Ngày 10/4/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2007/NĐ-CP<br />
về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước (Nghị<br />
định 64). Nghị định đã quy định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ và tổ chức thực<br />
hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và<br />
xác định trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc ứng dụng<br />
CNTT trong phạm vị ngành, địa phương mình.<br />
Để đẩy mạnh và thực hiện nhất quán Chiến lược nhằm thúc đẩy công tác<br />
ứng dụng Công nghệ thông tin trong ngành Tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng<br />
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 1888/QĐ-BTNMT ngày 29<br />
tháng 9 năm 2008 về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược ứng dụng<br />
và phát triển công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường đến năm 2015 và<br />
định hướng đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo) do Thứ trưởng<br />
Thường trực Nguyễn Văn Đức làm Trưởng ban, Tổng cục Quản lý đất đai đã có<br />
thành viên trong Ban chỉ đạo và tham gia trong các hoạt động của Ban Chỉ đạo<br />
trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý đất đai phù<br />
hợp với định hướng chung của ngành.<br />
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị<br />
định 102/2008/NĐ-CP về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về<br />
tài nguyên và môi trường, ban hành 15/09/2008 trong đó quy định chi tiết danh<br />
mục dữ liệu của lĩnh vực quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và<br />
môi trường các cấp, các ngành. Tiếp theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã<br />
ban hành thông tư 07/2009/TT-BTNMT ngày 10 tháng 7 năm 2009 về quy định<br />
chi tiết một số điều của Nghị định số 102/2008/NĐ-CP trong đó quy định chi tiết<br />
hơn về chức năng nhiệm vụ của các đơn vị thu thập, quản lý và cung cấp dữ liệu.<br />
Tổng cục quản lý đất đai đã xây dựng và thực hiện dự án “ Xây dựng và<br />
thử nghiệm Chuẩn dữ liệu địa chính ở Việt Nam” với mục tiêu là xây dựng và<br />
ban hành áp dụng một chuẩn dữ liệu địa chính chung cho Việt Nam. Chuẩn dữ<br />
liệu địa chính Việt Nam sẽ được áp dụng trực tiếp để xây dựng các cơ sở dữ liệu<br />
địa chính phục vụ nhu cầu quản lý đất đai; trao đổi dữ liệu địa chính giữa các cấp<br />
quản lý đất đai; cung cấp dữ liệu địa chính cho các ngành có nhu cầu và cho cộng<br />
đồng nói chung. Phương pháp tiếp cận của dự án là xây dựng Chuẩn dữ liệu địa<br />
<br />
213<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
chính Việt Nam trên cơ sở hướng dẫn của Chuẩn thông tin địa lý cơ sở quốc gia<br />
do Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành và bộ chuẩn thông tin địa lý quốc tế<br />
ISO 19100. Theo đó, chuẩn dữ liệu địa chính phải bao gồm các quy định nhằm<br />
chuẩn hóa: nội dung dữ liệu địa chính, mô hình cấu trúc dữ liệu địa chính, hệ quy<br />
chiếu tọa độ cho dữ liệu địa chính, siêu dữ liệu áp dụng cho dữ liệu địa chính,<br />
yêu cầu về chất lượng dữ liệu địa chính, trình bày dữ liệu địa chính và trao đổi,<br />
phân phối dữ liệu địa chính.<br />
Chính sách quản lý nhà nước về đất đai cũng đang trong quá trình hoàn<br />
thiện, quy trình thực hiện, mẫu báo cáo, mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất<br />
thay đổi nhiều trong thời gian ngắn dẫn tới công tác ứng dụng công nghệ thông<br />
tin gặp rất nhiều bất cập, việc phải chỉnh sửa các hệ thống vừa đưa vào sử dụng<br />
trong thời gian rất ngắn, thiếu kinh phí xây dựng rất phổ biến.<br />
Tuy đã có một số các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách nhất<br />
định trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành quản lý đất đai, tuy<br />
nhiên hệ thống văn bản còn thiếu rất nhiều từ bước lập các dự án, thực hiện, kiểm<br />
tra nghiệm thu, quy chuẩn kỹ thuật, giao nộp sản phẩm, định mức kinh tế kỹ<br />
thuật v.v.. để có thể có được khung chính sách hoàn chỉnh làm cơ sở thực hiện.<br />
Về cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực<br />
Để thực hiện Quyết định 179 và các văn bản quy phạm pháp luật về ứng<br />
dụng công nghệ thông tin trong ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung và<br />
ngành Quản lý đất đai nói riêng, từ cấp Trung ương tới cấp địa phương đã tổ<br />
chức các đơn vị chuyên trách về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ<br />
sở dữ liệu về đất đai.<br />
Về phía các cơ quan Trung ương, Tổng cục Quản lý đất đai đã thành lập<br />
Trung tâm Lưu trữ và Thông tin đất đai là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục<br />
(tại Quyết định số 18/QĐ-TCQLĐĐ ngày 07 tháng 11 năm 2008 của Tổng cục<br />
trưởng Tổng cục Quản lý đất đai quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ<br />
cấu tổ chức của Trung tâm Lưu trữ và Thông tin đất đai). Trung tâm có chức<br />
năng nhiệm vụ xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về đất đai cấp Trung ương. Về<br />
phía Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Cục Công nghệ thông tin có chức năng<br />
quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành, đề xuất các<br />
chính sách, các quy định kỹ thuật, giám sát kiểm tra thực hiện công tác này.<br />
Tại các địa phương đã có hệ thống các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng<br />
đất, hệ thống các Trung tâm Thông tin lưu trữ, Trung tâm Công nghệ thông tin để<br />
thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai<br />
cấp địa phương.<br />
Các vấn đề còn tồn tại trong cơ cấu tổ chức này là sự chồng chéo, chưa<br />
thực sự rõ ràng tại một số địa phương về chức năng quản lý và cung cấp dữ liệu<br />
đất đai tại các đơn vị, về nguồn nhân lực, về nguồn vốn đầu tư cho các dự án ứng<br />
dụng công nghệ thông tin. Chưa có gắn kết thực sự chặt chẽ giữa các dự án đề án<br />
điều tra cơ bản với việc xây dựng cơ sở dữ liệu, chưa có mô hình trao đổi, báo<br />
cáo thông tin đất đai dưới dạng cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị hành chính và đơn<br />
vị hành chính cấp dưới với đơn vị hành chính trực tiếp quản lý cấp trên.<br />
<br />
<br />
214<br />
<br />
<br />
<br />
Tại một số địa phương, sau khi các Trung tâm Thông tin lưu trữ chuyển<br />
tài liệu, số liệu hồ sơ địa chính cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất theo<br />
chức năng nhiệm vụ của văn phòng, do số liệu, tài liệu các ngành khác còn ít, chủ<br />
yếu từ trước đến nay là các tài liệu về đất đai nên dẫn tới hiện tượng nhiều Trung<br />
tâm Thông tin lưu trữ họat động kém hiệu quả. Mặt khác, do Văn phòng đăng ký<br />
quyền sử dụng đất cũng chưa đủ nhân lực về công nghệ thông tin nên nhiệm vụ<br />
xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp địa phương gặp vấn đề khó khăn. Chưa có<br />
một quy định hướng dẫn thống nhất về việc tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất<br />
đai cho đơn vị chủ trì nào thực hiện, do vậy công tác này được thực hiện rất khác<br />
nhau tùy vào từng địa phương.<br />
Nguồn nhân lực về công nghệ thông tin tại các Sở Tài nguyên và Môi<br />
trường cũng rất khác nhau và phân tán tại nhiều đơn vị, do vậy sau khi được<br />
chuyển giao công nghệ, nhiều đơn vị chỉ làm ở mức độ thử nghiệm chứ chưa<br />
triển khai diện rộng, chưa đưa cơ sở dữ liệu đất đai thực sự đi vào quá trình quản<br />
lý và hỗ trợ ra quyết định về chính sách.<br />
Về công nghệ và hiện trạng đầu tư<br />
Xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai gắn liền với công nghệ hệ thống thông<br />
tin địa lý (GIS) và các ứng dụng CAD để số hóa dữ liệu địa chính. Thông qua các<br />
nghiên cứu của nhiều đơn vị, các dự án đã và đang thực hiện từ năm 1992 trở lại<br />
đây, nhiều công nghệ đã được ứng dụng trong các cơ quan quản lý nhà nước về<br />
đất đai từ cấp trung ương tới cấp địa phương, các doanh nghiệp đo đạc bản đồ và<br />
lập hồ sơ địa chính. Các công nghệ được ứng dụng cơ bản là các công nghệ tiên<br />
tiến ở Việt Nam và trên thế giới.<br />
Hiện tại đã có rất nhiều hệ thống thông tin đất đai do nhiều đơn vị trong<br />
và ngoài ngành xây dựng. Có thể liệt kê một số các hệ thống điển hình như ELIS<br />
(Cục Công nghệ thông tin), ViLIS (Trung tâm Viễn thám Quốc gia), EKLIS<br />
(Công ty EK ) và nhiều công ty khác.<br />
Các công nghệ GIS nền được sử dụng cũng rất đa dạng như ArGIS của<br />
hãng ESRI (Mỹ), MapInfo, AutoCAD và một số hãng khác. Hệ quản trị cơ sở dữ<br />
liệu sử dụng Oracle, SQL Server, Access v.v.. Hiện cũng đã có một số nghiên<br />
cứu ứng dụng toàn bộ mã nguồn mở trong vấn đề xây dựng LIS để tiết kiệm chi<br />
phí đầu tư cho công nghệ nền.<br />
Tuy có nhiều sản phẩm, nhiều ứng dụng và có nhiều đơn vị phát triển<br />
nhưng việc ứng dụng công nghệ trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai<br />
còn bộc lộ một số bất cập như: Chính sách quản lý thay đổi liên tục dẫn đến các<br />
phần mềm cũng phải thay đổi theo nhưng lại thiếu nguồn lực về kinh phí để cập<br />
nhật, nâng cấp, chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất, còn có nhiều sự khác biệt<br />
về nhu cầu quản lý cho từng địa bàn, thiếu hỗ trợ kỹ thuật từ nhà cung cấp công<br />
nghệ nền (thông thường là ở nước ngoài) và nhà phát triển hệ thống thông tin đất<br />
đai do thiếu nguồn nhân lực và chính sách tài chính, còn có sự vướng mắc về vấn<br />
đề lựa chọn sản phẩm phần mềm cho từng địa phương và các vấn đề khác…<br />
Về chính sách quản lý, do Việt Nam còn đang trong giai đoạn hoàn thiện<br />
chính sách về quản lý đất đai, các quy trình, chế độ quản lý, mẫu biểu báo cáo và<br />
thống kê, mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… thay đổi nhiều trong thời<br />
215<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
gian ngắn nên phát sinh hiện tượng các phần mềm phải cập nhật liên tục để phù<br />
hợp với chính sách mới. Tuy nhiên, do chưa có sự đầu tư đồng bộ và chiến lược<br />
lâu dài dẫn tới các phần mềm vừa đưa vào sử dụng đã có sự lạc hậu về quy trình<br />
nghiệp vụ, thậm chí một số nơi không thể sử dụng tiếp dẫn tới lãng phí rất lớn.<br />
Các nhà cung cấp phần mềm nền cũng như phần mềm ứng dụng còn thiếu<br />
chuyên môn nghiệp vụ và có nhiều sự khác nhau về nhu cầu quản lý của từng địa<br />
bàn dẫn tới trong nhiều dự án xây dựng hệ thống thông tin đất đai, các đơn vị<br />
phát triển phải cử cán bộ ngồi tại địa bàn sử dụng trong một thời gian dài để cùng<br />
với cán bộ sử dụng, vận hành hệ thống, sửa lỗi tại chỗ.<br />
Ngay trong cùng một tỉnh, nhưng do phân cấp về quản lý dữ liệu đất đai,<br />
dẫn tới trong một tỉnh cũng có thể ứng dụng nhiều giải pháp phần mềm khác<br />
nhau, do chưa có tiêu chuẩn thống nhất (hiện tại Tổng cục Quản lý đất đai đang<br />
trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật về<br />
chuẩn dữ liệu địa chính) nên dẫn tới việc tích hợp dữ liệu khó khăn.<br />
Cơ sở dữ liệu về đất đai đã được đầu tư qua nhiều thời kỳ, nhiều dự án đầu<br />
tư với nhiều nguồn vốn khác nhau, tuy nhiên ở nhiều địa phương chưa gắn kết quá<br />
trình đo vẽ bản đồ địa chính, lập hồ sơ đăng ký ban đầu với quá trình cập nhật biến<br />
động đất đai dẫn đến việc các bản đồ địa chính được đo vẽ trong thời gian trước<br />
đây mất nhiều kinh phí nhưng lạc hậu do vậy giá trị sử dụng bị hạn chế.<br />
Một trong các chương trình, dự án tiêu biểu là chương trình Hợp tác Việt<br />
Nam - Thụy Điển về đổi mới hệ thống địa chính - CPLAR. Chương trình này có<br />
nguồn vốn không hoàn lại do cơ quan phát triển quốc tế SIDA Thụy Điển tài trợ<br />
cho Tổng cục Địa chính thực hiện từ năm 1997 đến năm 2003. Chương trình<br />
được chia thành nhiều dự án về chính sách, nâng cao năng lực… trong đó có hợp<br />
phần 5 về phát triển và ứng dụng hệ thống thông tin đất đai (LIS) ở cấp tỉnh và<br />
thử nghiệm tại một số tỉnh… Kết quả của dự án này là đã nâng cao nhận thức,<br />
chuyển giao công nghệ xây dựng bản đồ địa chính số, xây dựng cơ sở dữ liệu về<br />
đăng ký đất đai, quản lý và in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng công<br />
nghệ số thay thế cho việc viết tay trước đây. Kết quả của dự án không những<br />
trong những tỉnh thử nghiệm mà còn mở rộng ra rất nhiều tỉnh khác không nằm<br />
trong phạm vi chương trình. Nhiều tỉnh, thành phố đã có nhận thức và sử dụng<br />
các nguồn lực khác nhau để xây dựng hệ thống thông tin đất đai của địa phương<br />
mình ở nhiều mức độ khác nhau (địa bàn xã, huyện…).<br />
Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam<br />
(VLAP) có số vốn 100 triệu đô la Mỹ từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng<br />
Thế giới đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức khởi động ngày 18-9<br />
tại Hà Nội. VLAP là dự án của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý đất đai, được<br />
nghiên cứu hơn 10 năm nay qua sự hợp tác của nhiều nước như Pháp, Thụy Điển,<br />
New Zealand, Phần Lan. Dự án được khởi động trước tại 9 tỉnh, thành phố, gồm<br />
ba tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long), ba tỉnh<br />
duyên hải miền Trung (Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi) và ba tỉnh đồng<br />
bằng sông Hồng (Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình). Mục tiêu của dự án là tăng<br />
cường sự tiếp cận của mọi đối tượng với dịch vụ thông tin đất đai, bằng cách phát<br />
triển một hệ thống quản lý đất đai hoàn thiện tại các địa phương qua việc xây<br />
<br />
<br />
216<br />
<br />
<br />
<br />
dựng hệ thống hồ sơ địa chính và bản đồ địa chính dạng số hóa. Dự án gồm 100<br />
hoạt động khác nhau với ba giai đoạn triển khai trong vòng 5 năm. Giai đoạn thứ<br />
nhất, với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống đăng ký đất đai. Giai đoạn 2 sẽ tăng<br />
cường dịch vụ đăng ký đất đai. Giai đoạn 3, hỗ trợ quản lý và theo dõi đánh giá<br />
chất lượng các kết quả của dự án.<br />
2. Các đề xuất về định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong<br />
ngành quản lý đất đai<br />
Trên cơ sở phân tích các hiện trạng nêu trên, để thực hiện việc ứng dụng<br />
công nghệ thông tin trong ngành quản lý đất đai, cần phải thực hiện các nhóm<br />
giải pháp đồng bộ bao gồm: Xây dựng thể chế và chính sách, đào tạo nguồn nhân<br />
lực và xây dựng kế hoạch về nguồn vốn đầu tư.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Các giải pháp xây dựng thể chế và chính sách chia thành các nhóm giải<br />
pháp về tiêu chuẩn, quy trình, quy định kỹ thuật, nhóm quy định về cơ cấu tổ<br />
chức của các đơn vị có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai các cấp, nhóm<br />
quy định về chính sách cập nhật, chia sẻ và sử dụng thông tin đất đai, nhóm quy<br />
định về tính pháp lý của cơ sở dữ liệu về đất đai và hiện đại hóa các thủ tục hành<br />
chính về đất đai, nhóm các chính sách tăng cường năng lực cho các cơ quan xây<br />
<br />
217<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai.<br />
Các giải pháp về tiêu chuẩn, quy trình, quy định kỹ thuật cần phải xây<br />
dựng mô hình quản lý dữ liệu đất đai các cấp, kiến trúc về hệ thống thông tin đất<br />
đai theo mô hình phân cấp quản lý phù hợp đặc thù tại Việt Nam, chuẩn dữ liệu<br />
địa chính quản lý tại cấp Trung ương và địa phương, chế độ thông tin báo cáo,<br />
đồng bộ và trao đổi dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu đất đai từ cấp Huyện, Tỉnh đến<br />
cấp Trung ương. Các chính sách này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng<br />
cục Quản lý đất đai và Cục Công nghệ thông tin theo hướng chung của Bộ.<br />
Các quy định về cơ cấu tổ chức của các đơn vị có trách nhiệm xây dựng cơ<br />
sở dữ liệu đất đai các cấp cần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị<br />
như Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Trung tâm phát triển quỹ đất, Trung<br />
tâm kỹ thuật, Trung tâm Công nghệ thông tin trong việc xây dựng và bảo trì cơ sở<br />
dữ liệu về đất đai. Đồng thời với chức năng, nhiệm vụ cần có các quy định về biên<br />
chế, yêu cầu về năng lực đối với lãnh đạo các đơn vị về ứng dụng công nghệ thông<br />
tin, chính sách thu hút nguồn nhân lực để vận hành và bảo trì hệ thống.<br />
Các quy định về tính pháp lý của cơ sở dữ liệu về đất đai cần phải được xây<br />
dựng nhằm khắc phục tình trạng xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chỉ mang tính tham<br />
khảo, không có giá trị pháp lý trong các giao dịch dân sự và quản lý nhà nước dẫn<br />
tới các cơ sở dữ liệu đất đai hiện tại ở các địa phương thực hiện tốt nhất cũng chỉ<br />
để in ấn các báo cáo, sổ sách và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cần phải gắn<br />
liền quá trình đo vẽ, đăng ký ban đầu và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất<br />
với việc xây dựng và chỉnh lý biến động đất đai vào cơ sở dữ liệu.<br />
Các cơ chế, chính sách và quy định cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực bao<br />
gồm: Nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin cho lãnh đạo các cấp,<br />
đào tạo cán bộ tại chỗ về quản trị hệ thống, đào tạo về quản trị các hệ thống<br />
thông tin đất đai (hệ thống mạng, quản trị cơ sở dữ liệu lớn và quant trị hệ thống<br />
phần mềm thông tin đất đai), chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông<br />
tin vào làm việc tại đơn vị thông qua cơ chế về biên chế và chế độ đãi ngộ vật<br />
chất và tinh thần.<br />
Các chính sách tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý đất đai các<br />
cấp cần tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (thiết bị<br />
công nghệ thông tin, hệ thống mạng truyền số liệu các cấp từ xã, huyện, tỉnh và<br />
trung ương), cải tạo trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trang bị các phần mềm<br />
gốc và hệ thống thông tin đất đai có bản quyền.<br />
Các giải pháp phần mềm về hệ thống thông tin đất đai (LIS) cần phải xã<br />
hội hóa, cho phép các đơn vị, doanh nghiệp có khả năng tham gia thị trường cung<br />
ứng giải pháp phần mềm hệ thống thông tin đất đai và các giải pháp phần mềm<br />
nền. Tuy nhiên, cần phải phù hợp với yêu cầu của quản lý nhà nước bao gồm sự<br />
phù hợp về chính sách, đặc thù của địa bàn ứng dụng và khả năng sử dụng của<br />
cán bộ tại địa bàn đó. Việc đáp ứng và tương thích với chuẩn dữ liệu địa chính<br />
phải là điều kiện tiên quyết để có thể ứng dụng trong ngành. Với định hướng này,<br />
không có một đơn vị, doanh nghiệp nào độc quyền trong lĩnh vực cung cấp giải<br />
pháp cho các đơn vị sử dụng (từ cấp huyện đến cấp tỉnh). Điều này giải quyết<br />
vấn đề năng lực hỗ trợ của các đơn vị cung ứng giải pháp và tạo nên sự bình đẳng<br />
<br />
<br />
218<br />
<br />
<br />
<br />
trong cơ chế thị trường.<br />
Về nguồn vốn đầu tư, cần phải đa dạng hóa các loại hình nguồn vốn, từ các<br />
nguồn vốn ngân sách bao gồm đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư ban đầu, cho<br />
đến các nguồn vốn sự nghiệp kinh tế cho cập nhật và chỉnh lý biến động đất đai<br />
(theo quy định tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý<br />
đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước), các<br />
dự án ODA (như SEMLA, VLAP) và xã hội hóa trên cơ sở cung cấp thông tin đất<br />
đai vào thị trường nội dung số Việt Nam theo định hướng của nhà nước.<br />
Các định hướng nêu trên cần phải pháp lý hóa trên cơ sở định hướng chiến<br />
lược phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành quản lý đất đai phù<br />
hợp với định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự phối hợp giữa các cơ<br />
quan cấp Trung ương (Tổng cục Quản lý đất đai và Cục Công nghệ thông tin<br />
chiếm một vai trò quan trọng), cấp địa phương (Văn phòng đăng ký quyền sử<br />
dụng đất và Trung tâm Công nghệ thông tin trực thuộc các Sở Tài nguyên và Môi<br />
trường). Đặc biệt, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo về kế hoạch và sử dụng các<br />
nguồn vốn như đã phân tích ở trên cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.<br />
Kết luận<br />
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và xây dựng cơ sở dữ<br />
liệu đất đai các cấp liên thông, đạt mục tiêu đến năm 2015 hầu hết các địa<br />
phương đều có cơ sở dữ liệu đất đai đến tất cả các huyện, thị xã kết nối trực<br />
tuyến với cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh và trung ương, cấp giấy chứng nhận<br />
quyền sử dụng đất điện tử, liên thông và có giá trị pháp lý với cơ sở dữ liệu của<br />
các cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế - xã hội như cơ sở dữ liệu quốc gia về<br />
dân cư, doanh nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm, phát triển thị trường bất động sản là<br />
nhiệm vụ quan trọng của ngành quản lý đất đai.<br />
Để đạt được mục tiêu đó, cần phải có các giải pháp, cơ chế đồng bộ, hiệu<br />
quả và đầu tư tập trung với định hướng đa dạng và xã hội hóa nguồn vốn, phát<br />
triển nguồn nhân lực có khả năng quản trị, vận hành hệ thống.<br />
Tham luận này mong góp một số các ý kiến ban đầu, rất mong nhận được<br />
sự đóng góp của các quý vị đại biểu để ngành quản lý đất đai đạt được các mục<br />
tiêu nêu trên.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
219<br />
<br />