intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam và định hướng hoàn thiện

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ khái quát một số vấn đề về lý luận, phân tích một số bất cập về hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, để từ đó có những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người chưa thành niên phạm tội.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam và định hướng hoàn thiện

  1. HÌNH PHẠT ÁP DỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN Nguyễn Công Tín Đoàn Công Quốc Tóm tắt: Điều 98 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Gọi tắt là “BLHS năm 2015”) quy định hệ thống hình phạt áp dụng riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đã thể hiện quyết tâm của Nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và theo chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam. Tuy vậy, các vấn đề lý luận và thực tiễn về hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội còn nhiều bất cập, đặt ra yêu cầu về hoàn thiện pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ khái quát một số vấn đề về lý luận, phân tích một số bất cập về hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, để từ đó có những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người chưa thành niên phạm tội. Từ khóa: người dưới 18 tuổi, tội phạm, hình phạt, Luật hình sự Việt Nam. 1. Đặt vấn đề Điều 3 Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 20/11/1989, nêu: “Trong mọi hoạt động liên quan tới trẻ em, dù được thực hiện bởi các cơ quan phúc lợi xã hội của nhà nước hay tư nhân, bởi tòa án, các nhà chức trách hành chính hay cơ quan pháp luật, thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu”. Tương thích với luật quốc tế, pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành đề ra một trong những nguyên tắc cơ bản khi xử lý người chưa thành niên phạm tội là bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi, chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Nguyên tắc này đỏi hỏi người và cơ quan tiến hành tố tụng khi quyết định xử lý người chưa thành niên phạm tội phải áp dụng biện pháp phù hợp nhất với người chưa thành niên, đặt trong quan hệ với các lợi ích khác nhưng phải bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Hình phạt với tư cách là công cụ được con người sử dụng một cách có ý thức, sẽ là phương tiện hữu hiệu để Nhà nước thực hiện tốt và hài hòa nguyên tắc trên. 2. Một số vấn đề lý luận về hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân  Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH MTV AMI, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng; Email: luatsunguyencongtin@gmail.com; Điện thoại: 0343359796; Địa chỉ: 28 Trần Qúy Cáp, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng  Thẩm phán Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng; Điện thoại: 0905013069 35
  2. thương mại đó. Đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam được hiểu là hình phạt áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục (tại Mục 2 Chương VII BLHS năm 2015) hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (tại Mục 3 Chương VII BLHS năm 2015) không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Khi bị buộc phải áp dụng hình phạt, người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm: - Hình phạt cảnh cáo: Là sự khiển trách công khai của Nhà nước đối với người bị kết án. Đây là hình phạt chính thuộc loại nhẹ nhất trong hệ thống hình phạt của Việt Nam nói chung và hệ thống hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi nói riêng. Chương XII [Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội] BLHS năm 2015 không có quy định điều kiện áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo Điều 90 BLHS năm 2015 thì các quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật Hình sự sẽ được áp dụng. Theo Điều 34 BLHS năm 2015 thì hình phạt cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không chịu trách nhiệm hình sự với tội phạm ít nghiêm trọng nên thực chất, trong quyết định hình phạt với người dưới 18 tuổi phạm tội, hình phạt cảnh cáo chỉ được áp dụng với các đối tượng là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Căn cứ vào các quy định trên, hình phạt cảnh cáo được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi đáp ứng các điều kiện sau: + Tội phạm do người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng, tức là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là 03 năm tù; + Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Theo khoa học pháp lý hình sự, nhiều tình tiết giảm nghẹ có nghĩa là từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên. Điều Luật không đòi hỏi tình tiết giảm nhẹ này phải được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Do đó, đây có thể là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015. 36
  3. + Chưa đến mức miễn hình phạt: Theo Điều 59 BLHS năm 2015, người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và thuộc trường hợp phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự. Hình phạt cảnh cáo được tuyên ngay tại phiên tòa. Do đó, khi phiên tòa kết thúc cũng có nghĩa là người phạm tội đã thi hành xong bản án của Tòa án. - Phạt tiền: Là buộc người bị kết án nộp một khoản tiền nhất định để sung công quỹ Nhà nước. Theo Điều 99 BLHS năm 2015, phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định. Theo Điều 35 BLHS năm 2015, phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây: (i) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do BLHS quy định; (ii) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do BLHS quy định. Căn cứ vào các quy định trên, hình phạt tiền được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu đáp ứng cả hai điều kiện: + Tội phạm mà người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có quy định về hình phạt tiền; + Người phạm tội có thu nhập hoặc có tài sản riêng. - Cải tạo không giam giữ: Đây là hình phạt mà người bị kết án không bị buộc cách ly khỏi xã hội, họ có cơ hội được cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương, gia đình và cộng đồng. Theo quy định tại Điều 100 BLHS năm 2015, cải tại không giam giữ có thể được áp dụng trong các trường hợp sau đây: + Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng; + Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì không khấu trừ thu nhập của người đó. Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định. - Tù có thời hạn: Là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Đây là hình phạt có mức độ nghiêm khắc cao nhất trong hệ thống hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo Điều 101 BLHS 37
  4. năm 2015, mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau: + Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. + Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. Qua nghiên cứu một số vấn đề lý luận về hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, có thể rút ra một số điểm cơ bản sau: Thứ nhất, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chỉ có thể bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn và không được áp dụng hình phạt cảnh cáo, phạt tiền. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị áp một trong bốn hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn. Thứ hai, hình phạt trục xuất, tù chung thân, tử hình không áp dụng với người dưới 18 tuổi phạm tội. Thứ ba, người dưới 18 tuổi phạm tội không bị áp dụng hình phạt bổ sung. Thứ tư, hình phạt không tước quyền tự do (không giam giữ) chiếm ¾ số lượng hình phạt; hình phạt tước quyền tự do (tù có thời hạn) chỉ chiếm ¼ số lượng hình phạt trong hệ thống hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Về cơ bản, hệ thống hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam có sự tương thích với luật quốc tế, có khả năng thực hiện được mục đích chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi phạm tội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội và thể hiện tính nhân đạo của của pháp luật Việt Nam. Tuy vậy, các vấn đề lý luận về hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm vẫn đang bộc lộ nhiều hạn chế khiến cho thực tiễn áp dụng gặp nhiều khó khăn. 3. Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội Qua nghiên cứu một số vấn đề về lý luận và thực tiễn áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tác giả nhận thấy có một số bất cập trong quy định về hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cụ thể như sau: Thứ nhất, BLHS năm 2015 không quy định hình phạt trục xuất đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dưới 18 tuổi phạm tội là người nước ngoài 38
  5. Theo quy định tại Điều 98 BLHS năm 2015, người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn; không có hình phạt trục xuất. Việc sử dụng từ “chỉ” đã khẳng định, ngoài 4 hình phạt này, Tòa án không được áp dụng hình phạt nào khác. Thực tiễn phát sinh trường hợp người dưới 18 tuổi là người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, Tòa án không thể áp dụng hình phạt “Trục xuất” vì không có căn cứ pháp lý để thực hiện, trong khi cũng tội phạm đó nhưng nếu là người đã thành niên phạm tội là người nước ngoài thì được áp dụng hình phạt trục xuất. Hậu quả sẽ rất nặng nề nếu phải buộc người nước ngoài dưới 18 tuổi phải chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam, nơi có sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống với nơi họ được sinh ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tâm, sinh lý của người dưới 18 tuổi là người nước ngoài. Đây là một trong những bất cập lớn của BLHS Việt Nam liên quan đến vấn đề về hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dưới 18 tuổi phạm tội là người nước ngoài mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Thứ hai, vướng mắc về hình phạt cảnh cáo, hình phạt tiền Thực tiễn áp dụng hình phạt cảnh cáo cho thấy, hình phạt cảnh cáo và phạt tiền rất ít được sử dụng. Ở thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 2007 đến nay 2014) và ở Sóc Trăng (từ năm 2010 đến 2018), các Tòa án không áp dụng hình phạt cảnh cáo và phạt tiền. Dẫn đến thực trạng này, có một phần nguyên nhân xuất phát từ những bất cập trong quy định về hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cụ thể: (i) Phạm vi áp dụng hình phạt cảnh cáo quá hẹp: Theo khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, hình phạt cảnh cáo chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng. Do đó, trên thực tế, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không có cơ hội được áp dụng hình phạt cảnh cáo. (ii) Việc áp dụng hình phạt cảnh cáo gắn liền với điều kiện người phạm tội phải có “nhiều tình tiết giảm nhẹ” và “chưa đến mức miễn hình phạt”. Mà “nhiều tình tiết giảm nhẹ” là bao nhiêu tình tiết giảm nhẹ? Là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 hay khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015? “chưa đến mức miễn hình phạt” là gì? Các vướng mắc này chưa có văn bản giải thích, làm rõ, gây lúng túng trong quá trình áp dụng. (iii) Việc áp dụng hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) phải kèm điều kiện là người đó phải có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Thực tế phát sinh trường hợp người dưới 18 tuổi có lao động tạo ra thu nhập nhưng mức thu nhập chỉ đủ bảo đảm mức sống tối thiểu hoặc mức sống trung bình của một lao động phổ thông; hoặc trường hợp người dưới 18 tuổi có tài sản riêng nhưng tài sản này là nơi ở duy nhất hay nguồn sống duy nhất của họ. Nếu áp dụng hình phạt tiền trong các trường 39
  6. hợp này sẽ tạo gánh nặng tài chính vô cùng lớn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nhiều trường hợp có thể đưa người phạm tội vào thế bần cùng, làm cho mục đích áp dụng hình phạt không đạt được mà còn có nguy cơ gây tác dụng ngược. Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn về các trường hợp này. Thực tế, việc xác minh thu nhập hay tài sản riêng của người dưới 18 tuổi cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, hình phạt tiền cũng không được áp dụng nhiều trong thực tiễn xét xử của ngành Tòa án. Thứ tư, vướng mắc về hình phạt cải tạo không giam giữ Một trong các điều kiện để được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ nêu tại Điều 36 BLHS năm 2015 là “nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội”. Điều kiện này mang tính tùy nghi, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Hội đồng xét xử. So sánh hình phạt cải tạo không giam giữ với án treo có thể thấy, án treo cũng có thể được áp dụng đối với người phạm tội nếu “xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù” – tức không cần cách ly người phạm tội khỏi xã hội, nhưng các điều kiện áp dụng án treo được quy định rất rõ ràng, cụ thể tại Nghị quyết 02/2018/NQ- HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo (được sửa đổi, bổ sung bởi 01/2022/NQ-HĐTP). Do đó, thực tiễn Hội đồng xét xử sẽ ưu tiên áp dụng án treo hơn so với hình phạt cải tạo không giam giữ. Thứ năm, vướng mắc trong áp dụng chế định miễn hình phạt Có thể nói rằng, so với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội thì người dưới 18 tuổi phạm tội đáng được miễn hình phạt hơn. Nhưng trong chế định về miễn hình phạt theo BLHS Việt Nam lại không có sự khác nhau giữa người trên 18 tuổi và người dưới 18 tuổi phạm tội. Chương XII của BLHS năm 2015 [Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội] không có quy định chế định về miễn hình phạt riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, do đó việc miễn hình phạt đối với nhóm đối tượng này vẫn áp dụng theo quy định chung tại Điều 59 BLHS năm 2015 về miễn hình phạt. Theo quy định tại Điều 59 BLHS năm 2015, để được áp dụng chế định miễn hình phạt thì ngoài điều kiện cần là phải có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 BLHS năm 2015 và phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể, người dưới 18 tuổi phạm tội còn phải đáp ứng điều kiện đủ là họ phải “đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”. Như thế nào là “đáng được khoan hồng đặc biệt” hiện nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn cụ thể. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chế định miễn hình phạt rất ít khi được áp dụng trên thực tế. Các vướng mắc nêu trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ rất hiếm được áp dụng trong thực tiễn xét xử. Hội đồng xét xử thường lựa chọn phương án an toàn là áp dụng các hình phạt có 40
  7. quy định rõ ràng, chi tiết để áp dụng và thường là áp dụng hình phạt tù có thời hạn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dưới 18 tuổi phạm tội. 4. Một số đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự về hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi Từ thực trạng nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau: Một là, cần có một điều luật quy định riêng về hình phạt cảnh cáo tại Chương XII của BLHS năm 2015 [Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội], theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội do vô ý, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và có thể kèm theo một số điều kiện về nhân thân khác, vai trò của người phạm tội. Hai là, cần ban hành văn bản hướng dẫn về việc áp dụng hình phạt tiền đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội theo hướng: Hạn chế hoặc có thể là không áp dụng hình phạt tiền trong trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội có thu nhập nhưng mức thu nhập chỉ bảo đảm mức sống tối thiểu, mức sống trung bình (dưới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân); có tài sản riêng nhưng tài sản riêng là nơi ở duy nhất, phương tiện duy nhất, công cụ duy nhất tạo ra thu nhập cho người phạm tội. Ba là, cần ban hành văn bản pháp luật làm rõ nội hàm của cụm tù “nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội” - một trong các điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Trường hợp cần thiết có thể ban hành Nghị quyết có tính chi tiết và rõ ràng như Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về án treo, nhưng phải có những quy định phân biệt và độc lập với án treo để hình phạt cải tạo không giam giữ được tăng cường áp dụng trên thực tế. Bốn là, cần quy định một chế định miễn hình phạt áp dụng riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, theo hướng cắt giảm một số điều kiện miễn hình phạt so với người từ đủ 18 tuổi phạm tội. Trong đó, điều kiện “đáng được khoan hồng đặc biệt” phải được cụ thể hóa, chi tiết hóa để tránh trường hợp không thể áp dụng trong thực tế. 5. Kết luận Bài viết đã trình bày một số vấn đề về lý luận và về hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, để từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật. Trong phạm vi bài viết này và với mong muốn bảo đảm tính ổn định của BLHS hiện hành (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), tác giả không có những đề xuất nhằm bỏ bớt hoặc tăng thêm các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Nhưng về lâu dài, tác giả mong muốn pháp luật hình sự Việt Nam bỏ đi hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và tăng thêm các hình phạt mang tính lao động công ích để phù hợp hơn với người dưới 18 tuổi. Hi vọng rằng, những đề xuất của tác giả sẽ góp phần nâng cao tỷ 41
  8. lệ áp dụng của các hình phạt không tước tự do trên thực tế xét xử, qua đó bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên phạm tội. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (1999), Bộ luật Hình sự, Hà Nội; 2. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2009), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, Hà Nội; 3. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2015), Bộ luật Hình sự, Hà Nội; 4. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2017), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13, Hà Nội; 5. Hoàng Minh Đức (2016), Luận án tiến sĩ luật học: Chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội ở Việt Nam hiện nay, Hà Nội; 6. Lương Ngọc Trâm (2017), Luận án tiến sĩ luật học: Quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; 7. Phan Thị Thanh Tâm (2017), Luận án tiến sĩ luật học: Bảo đảm quyền của bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong tố tụng hình sự Việt Nam, Hà Nội; 8. Nguyễn Gia Viễn (2019), Luận án tiến sĩ luật học: Áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Sóc Trăng, Hà Nội; 9. Bộ Tư pháp (2019), Báo cáo ngiên cứu: Pháp luật về phòng ngừa, xử lý, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại Việt Nam, https://www.unicef.org/vietnam/media/4396/file/B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20t%C3 %B3m%20t%E1%BA%AFt%20JJ%20sitan.pdf, truy cập ngày 20/10/2023; 10. Võ Văn Thể, vướng mắc trong thực tiễn xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội – Một số kiến nghị, đề xuất, tạp chí Tòa án nhân dân điện tử: https://tapchitoaan.vn/vuong- mac-trong-thuc-tien-xet-xu-nguoi-duoi-18-tuoi-pham-toi-mot-so-kien-nghi-de-xuat, truy cập ngày 20/10/2023. 42
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2