intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hoàn thiện quy định pháp luật về dịch vụ logistics trong Luật Thương mại 2005 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

55
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Quy chế pháp lý cho hoạt động logistics được hình thành từ Luật Thương mại 2005 và được bổ sung qua một số văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên sự phát triển của dịch vụ kinh doanh này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật để điều chỉnh đầy đủ và kịp thời các quan hệ phát sinh trên thực tiễn. Bài viết phân tích các quy định pháp luật hiện hành về dịch vụ logistics, từ đó đề xuất một số kiến nghị cần hoàn thiện pháp luật thương mại cho lĩnh vực này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hoàn thiện quy định pháp luật về dịch vụ logistics trong Luật Thương mại 2005 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập

  1. HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ DỊCH VỤ LOGISTICS TRONG LUẬT THƯƠNG MẠI 2005 NHẰM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP ThS. Võ Thị Hoài1 Tóm tắt: Trong thời gian gần đây, dịch vụ logistics đã có những bước phát triển rất lớn. Quy chế pháp lý cho hoạt động logistics được hình thành từ Luật Thương mại 2005 và được bổ sung qua một số văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên sự phát triển của dịch vụ kinh doanh này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật để điều chỉnh đầy đủ và kịp thời các quan hệ phát sinh trên thực tiễn. Bài viết phân tích các quy định pháp luật hiện hành về dịch vụ logistics, từ đó đề xuất một số kiến nghị cần hoàn thiện pháp luật thương mại cho lĩnh vực này. Từ khóa: dịch vụ logistics; hoàn thiện Luật Thương mại về logistics Abstract: In recent times, logistics services have made great strides. The legal regulation for logistics activities was formed from the Commercial Law 2005 and supplemented through a number of guiding documents, but the development of this business service requires further improvement. the law to fully and promptly regulate the relations arising in practice. The article analyzes the current legal regulations on logistics services, thereby proposing some recommendations to improve commercial law for this field. Keywords: logistics services; perfecting the Commercial Law on logistics Mở đầu Dịch vụ logistics được quy định tại Mục 4 trong Chương VI Một số hoạt động thương mại cụ thể khác của Luật Thương mại 2005, bên cạnh hoạt động gia công, đấu giá, đấu thầu, quá cảnh hàng hóa, giám định, cho thuê hàng hóa và nhượng quyền thương mại. 1 Khoa Luật - Đại học Sài Gòn 126
  2. Dịch vụ logistics thay thế cho hoạt động giao nhận hàng hóa được quy định trong Luật Thương mại 1997. Mặc dù quy định về dịch vụ này còn khá đơn giản trong Luật Thương mại 2005 nhưng sự thay đổi đó đã cho thấy sự nhanh nhạy và kịp thời của pháp luật cho những quan hệ kinh doanh, thương mại được phát sinh trên thực tiễn, phù hợp chung với xu thế hội nhập và phát triển. Để hướng dẫn thi hành quy định của Luật Thương mại về hoạt động này, Chính phủ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành và cả những văn bản chỉ đạo để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, yêu cầu hoàn thiện quy chế pháp lý cho dịch vụ logistics trở nên cấp thiết bởi qua hơn 15 năm phát triển, dịch vụ logistics đã không còn như thời điểm sơ khai. 1. Hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về dịch vụ logistics Cũng là một trong các hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lợi của các thương nhân được quy định trong Luật Thương mại năm 2005, nhưng hoạt động dịch vụ logistics có đặc trưng khác biệt là không phải là một hoạt động đơn lẻ mà bao gồm một chuỗi hoạt động khác nhau nằm trong quá trình cung ứng dịch vụ liên quan đến hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Trong đó chủ đạo là hoạt động giao nhận hàng hóa và các công việc vệ tinh xung quanh của hoạt động này như dịch vụ kho bãi; xếp dỡ, chuyển phát, đại lý hải quan, giấy tờ, thủ tục; thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa; xử lý hàng tồn kho, tái phân phối hàng tồn,…Chính vì bao gồm rất nhiều hoạt động khác nhau nên số lượng văn bản liên quan đến dịch vụ này rất lớn. Công tác hoàn thiện quy định pháp luật thời gian qua đã được Chính phủ quan tâm khiến nhiều văn bản hướng dẫn được bổ sung mới. Ngoài quy định chung được quy định tại Luật Thương mại 2005, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, khi thương nhân kinh doanh lĩnh vực logistics tùy vào khối lượng hoạt động đăng ký kinh doanh và hoạt động giao nhận hàng hóa bằng phương tiện gì, thương nhân phải quan tâm đến các văn bản cơ bản như: - Đối với dịch vụ vận tải hàng hải: Bộ luật Hàng hải 2015; Nghị định số 160/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển; - Đối với dịch vụ vận tải đường thuỷ nội địa: Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004; Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi năm 2014; Nghị định số 110/2014/NĐ-CP 127
  3. Quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; Nghị định số 128/2018/NĐ-CP ngày 24/9/2018 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa; - Đối với dịch vụ vận tải hàng không: Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006; Luật sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2014; Nghị định 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung; Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ- CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung; - Đối với dịch vụ vận tải đường sắt: Luật Đường sắt năm 2017; Nghị định số 65/2018/NĐ- CP ngày 12/5/2018 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt; - Đối với dịch vụ vận tải đường bộ: Luật Giao thông đường bộ 2008; Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Thông tư 63/2014/TT-BGTVT Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Thông tư 60/2015/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 63/2014/TT-BGTVT về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Ngoài ra, các thương nhân còn phải quan tâm đến các văn bản về bưu chính, các quy định về thuế, hải quan… Điều đó cho thấy hệ thống văn bản có liên quan đối với lĩnh vực này rất nhiều. Nhằm tạo đà cho lĩnh vực này có nhiều cơ hội thuận tiện để phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành Dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Với quan điểm: “Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế” Nhà nước sẽ đảm nhiệm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi cho 128
  4. nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên, Chính phủ đã đề ra 06 nhiệm vụ chủ yếu trong đó nhiệm vụ đặt lên đầu tiên là hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, nhằm đưa ngành này vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Ngày 30/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics (có hiệu lực từ ngày 20/02/2018), thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Việc ban hành Nghị định này đã bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics như đề ra trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025. Đây là bước tiến mới trong việc cải cách thể chế liên quan đến ngành dịch vụ logistics cũng như có các quy định cụ thể về đầu tư phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam. Ngày 06/07/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành Kinh tế Việt Nam và đây là lần đầu tiên Việt Nam có mã ngành logistics riêng (Mã 52292: Logistics). Ngày 18/07/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông… Đặc biệt nhấn mạnh việc yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương, theo chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Cụ thể như nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải phải: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; Khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh các loại hình vận tải và dịch vụ vận tải đa phương thức; Cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải; hoàn thành nhiệm vụ về đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành; Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi chính sách thuế, phí, giá dịch vụ để tạo thuận lợi cho hoạt động logistics; giảm tối đa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cải 129
  5. cách thủ tục hành chính mạnh mẽ tại các cảng biển, cảng thủy nội địa, nhà ga, sân bay... để giảm thời gian làm thủ tục, thông quan. Những chính sách của Nhà nước cho thấy sự quan tâm và vai trò quan trọng của dịch vụ logistics đóng góp cho nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, trong thời gian tới, những quy định pháp luật về dịch vụ này phải tiếp tục được nghiên cứu và bổ sung cho phù hợp. Với vai trò là một đạo luật điều chỉnh các hoạt động thương mại của thương nhân, Luật Thương mại có một vị trí quan trọng với tư cách luật chung định hướng cho các hoạt động thương mại của thương nhân, vì vậy trong thời gian tới, việc hoàn thiện các quy định về dịch vụ này trong luật thương mại cũng như các văn bản liên quan là điều rất quan trọng. 2. Những yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện các văn bản pháp luật cho dịch vụ logistics 2.1. Số lượng các văn bản tản mát ở nhiều lĩnh vực khác nhau nên chưa có sự rõ ràng về trách nhiệm và giới hạn quản lý Do bản thân dịch vụ logistics là một chuỗi các hoạt động thương mại được thực hiện liên hoàn, không mang tính chất đơn lẻ bao gồm từ việc nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao, vì vậy dịch vụ này được phân loại theo các hoạt động và nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Ngoài các quy định chung trong Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật cạnh tranh, Luật Hải quan sửa đổi, dịch vụ này còn liên đến các luật chuyên ngành như Luật đường sắt, Luật giao thông đường bộ, Luật giao thông đường thuỷ nội địa, Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật hàng hải, Pháp lệnh bưu chính… Đối với hệ thống văn bản dưới luật, ngoài Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics (có hiệu lực từ ngày 20/02/2018) quy định chung về kinh doanh dịch vụ này thì đối với mỗi lĩnh vực lại có những văn bản pháp luật hướng dẫn riêng. Vì vậy có thể nói đây là một lĩnh vực dịch vụ thương mại có số lượng văn bản rất lớn. Việc quy định rải rác ở nhiều văn bản khác nhau gây trở ngại cho việc xác định trách nhiệm và giới hạn quản lý giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động logistics. Các quy định hiện này đều được quy định theo hướng phân định dịch vụ logistics thành các nhóm ngành khác nhau và từng nhóm ngành lại có một cơ quan quản lý khác nhau trong khi theo Nghị định 163/2017 thì cơ quan quản 130
  6. lý chung về hoạt động dịch vụ logistics thuộc về Bộ Công thương. Vì vậy hiện vẫn khó xác định trách nhiệm, giới hạn quản lý giữa Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải, qua đó đã làm cho việc quản lý và điều hành hoạt động logistics thương mại còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan tham gia quản lý, nhưng chưa có một cơ quan điều hành chung về logistics thương mại. Vì vậy nên chăng xây dựng riêng luật chuyên ngành về dịch vụ logistics để đảm bảo sự thống nhất trong quản lý. Hiện nay nhiều hoạt động thương mại trong Luật Thương mại đã có luật riêng như Luật Đấu giá, Luật Đấu thầu, Luật Quảng cáo…nên việc xây dựng luật riêng về dịch vụ thương mại này cũng là cần thiết. 2.2. Một số quy định về dịch vụ logistics chưa phù hợp Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại duy nhất trong Luật Thương mại 2005 không sử dụng khái niệm thuần Việt mà phải phiên âm từ tiếng nước ngoài. Theo quy định tại Điều 233, dịch vụ logistics được hiểu việc thương nhân tổ chức một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Như vậy thông qua khái niệm cũng thể hiện cho thấy dịch vụ này bao gồm một chuỗi các hoạt động khác nhau liên quan đến việc lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng. Đây là một chuỗi các hoạt động được diễn ra liên tục, có mối quan hệ mật thiết và gắn bó với nhau. Nhưng theo Điều 233 của Luật Thương mại thì nếu thương nhân chỉ tổ chức thực hiện một hoạt động trong chuỗi các hoạt động hậu cần này cũng xem như thực hiện dịch vụ logistics là chưa chính xác. Từ đó làm cho khái niệm chưa thể hiện rõ bản chất của hoạt động. Vì vậy cần thiết quy định lại khái niệm cho phù hợp với bản chất chung về hoạt động logistics theo thông lệ quốc tế và cũng phân biệt được thương nhân thực hiện hoạt động dịch vụ logistics với thương nhân thực hiện các hoạt động liên quan đến giao nhận hàng hóa đơn lẻ thông thường. Mặc dù các hoạt động nằm trong chuỗi dịch vụ logistics rất đa dạng và phong phú, mỗi hoạt động như vậy đều phát sinh các quyền và nghĩa vụ của thương nhân với khách hàng khác nhau tương ứng với những công việc cần thực hiện. Tuy nhiên, có lẽ ảnh hưởng từ việc thay đổi từ hoạt động giao nhận hàng hóa của Luật Thương mại 1997 nên các quyền 131
  7. và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ thương mại của hoạt động dịch vụ logistics lại chủ yếu đề cập đến quyền và nghĩa vụ xoay quanh hoạt động vận chuyển hàng hóa mà chưa bao quát đến tất cả các quyền và nghĩa vụ khác của các hoạt động nằm trong chuỗi logistics. Bên cạnh đó, ngay cả các quyền và nghĩa vụ liên quan đến vận chuyển hàng hóa thì những nội dung liên quan về hóa đơn, chứng từ là những tài liệu rất quan trọng hiện nay cũng chưa được chú trọng đề cập tới. 2.3. Cần thiết bổ sung thêm dịch vụ E-logistics phù hợp với xu thế phát triển hiện nay Với sự phát triển của khoa học công nghệ và kỹ thuật số, hiện nay hoạt động logistics đã có những bước phát triển mạnh mẽ hình thành nên một loại dịch vụ hậu cần được thực hiện thông qua môi trường Internet. Thương mại điện tử trong lĩnh vực logistics đã được đề cập tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 163/2017: “Thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể quy định tại Điều 3 Nghị định này, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử”. Mặc dù được hiểu đơn giản là toàn bộ các hoạt động nhằm hỗ trợ việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch mua bán điện tử được gọi là hoạt động e-logistics nhưng hoạt động e-logistics tất yếu sẽ kéo theo nhiều yêu cầu mới về khung pháp lý so với dịch vụ logistics truyền thống. Chẳng hạn như những quy định về khung khổ pháp lý cho thương mại điện tử, quản lý chữ ký số, an toàn, an ninh hệ thống mạng giao dịch; khi áp dụng thương mại điện tử khiến cho một ngày có hàng trăm đơn hàng, có đơn hàng chỉ vài chục nghìn đồng thì thực sự rất khó có thể kẹp hóa đơn cho từng đơn hàng…đặt ra những yêu cầu cần có những quy định mới hợp lý và khả thi cho lĩnh vực này có những bước tiến nhảy vọt. Vì vậy, những quy định được áp dụng cho dịch vụ logistics không phải đều hợp lý khi áp dụng cho E-logistics, vì thế nên có những quy định chung và những quy định áp dụng riêng hay loại trừ dành cho E-logistics để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn. 3. Kết luận Để thực hiện được mục tiêu và kỳ vọng đặt ra cho ngành logistics, sẽ cần thực hiện rất nhiều giải pháp khác nhau trong đó đặc biệt cần hoàn thiện các quy định về dịch vụ này trong Luật Thương mại nói chung và các quy định văn bản liên quan nói riêng để đảm bảo 132
  8. sự thống nhất, việc hoàn thiện có thể theo hai hướng: Chỉ quy định những nội dung cơ bản mang tính định hướng trong Luật Thương mại và xây dựng một luật riêng trên cơ sở tập hợp các lĩnh vực giao nhận hàng hóa bằng các phương thức khác nhau vào điều chỉnh trong một luật riêng về logistics hoặc bổ sung chi tiết và đầy đủ hơn những nội dung về dịch vụ logistics trong Luật Thương mại làm cơ sở cho doanh nghiệp thuận lợi và dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin pháp luật cũng như đầu mối quản lý Nhà nước. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. 1. Luật Thương mại 2005. 2. Nghị định 163/2017/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ logistics. 3. Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 8/5/2015. 4. Chỉ thị số 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông 5. Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành Dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 6. Tạ Thị Thùy Trang (2018), Pháp luật Việt Nam về dịch vụ logistics trong hoạt động thương mại điện tử, Nghiên cứu Lập pháp, số 17(369), T9/2018. 7. Võ Thị Thanh Linh, Nguyễn Thị Thu Hoài (2019), Một số bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về dịch vụ logistics, Tạp chí Công thương, T9/2019 133
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1