intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hoàn thiện quy định pháp luật về loại hình doanh nghiệp kiểm toán độc lập

Chia sẻ: LaLi Sa | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

46
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này sẽ tập trung phân tích những hạn chế của quy định về loại hình doanh nghiệp kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và đưa ra các giải pháp để khắc phục các hạn chế đó. Những phân tích của tác giả về hạn chế của quy định pháp luật về loại hình doanh nghiệp kiểm toán độc lập và giải pháp đưa ra là hoàn toàn mang tính mới, chưa có công trình nghiên cứu hay bài viết nào phân tích về vấn đề này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hoàn thiện quy định pháp luật về loại hình doanh nghiệp kiểm toán độc lập

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA PHÁP LUẬT KINH DOANH TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP 8. HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP Nguyễn Thị Hải Hưng(*) Tóm tắt: Loại hình doanh nghiệp kiểm toán là tổng hợp các quy định của pháp luật về cơ cấu tổ chức và hoạt động của một đơn vị kinh doanh dịch vụ kiểm toán độc lập. Đó có thể là quy định giới hạn một số loại hình doanh nghiệp mà một đơn vị kinh doanh kiểm toán phải lựa chọn để hoạt động hoặc là các quy định về cơ cấu tỷ lệ vốn của các thành viên trong doanh nghiệp. Bài viết này sẽ tập trung phân tích những hạn chế của quy định về loại hình doanh nghiệp kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và đưa ra các giải pháp để khắc phục các hạn chế đó. Những phân tích của tác giả về hạn chế của quy định pháp luật về loại hình doanh nghiệp kiểm toán độc lập và giải pháp đưa ra là hoàn toàn mang tính mới, chưa có công trình nghiên cứu hay bài viết nào phân tích về vấn đề này. Từ khóa: chuyển đổi loại hình doanh nghiệp kiểm toán - công kiểm toán hợp danh - loại hình doanh nghiệp kiểm toán. (*) Công ty TNHH Deloitte Việt Nam Email: hhnguyen@deloitte.com 99
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA PHÁP LUẬT KINH DOANH TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hiện nay có các loại hình kinh doanh là: hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên, Công ty cổ phần (được tổ chức theo Luật Doanh nghiệp 2015) và Hợp tác xã (theo Luật Hợp tác xã 2013). Kiểm toán độc lập là một ngành nghề đặc biệt, vì vậy pháp luật về kiểm toán độc lập khi quy định về các loại hình hoạt động của đơn vị kiểm toán ngoài việc kế thừa các quy định chung của pháp Luật Doanh nghiệp còn đưa ra những quy định riêng, chặt chẽ hơn. Các quy định riêng này có những điểm hợp lý, thích hợp với ngành nghề kiểm toán độc lập nhưng cũng có những bất cập, đôi khi gây cản trở cho hoạt động của các doanh nghiệp kiểm toán độc lập. Vì vậy, việc phân tích và đánh giá những điểm thích hợp và nhất là những điểm còn hạn chế của các quy định pháp luật về loại hình doanh nghiệp kiểm toán độc lập là rất cần thiết. 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU Năm 2010, khi xây dựng dự án Luật Kiểm toán độc lập; Bộ Tài chính là đơn vị được giao nhiệm vụ soạn thảo luật. Quá trình xây dựng luật, Bộ đã nghiên cứu nhiều loại hình doanh nghiệp kiểm toán ở nhiều nước khác nhau. Báo cáo tóm tắt về kinh nghiệm các nước về một số nội dung của Luật Kiểm toán độc lập đăng trên trang duthaoonline.quochoi.vn (thư viện điện tử của Quốc hội) cho thấy Bộ đã nghiên cứu loại hình doanh nghiệp kiểm toán ở nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Thái Lan, Nga, Marcedonia, Singapore, Hàn Quốc…để xây dựng một hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến loại hình doanh nghiệp kiểm toán phù hợp với thực tế tại Việt Nam. Dự thảo sau khi được đưa ra thảo luận, đã nhận được rất nhiều phản hồi từ các cơ quan chức năng cũng như các cá nhân, nhà nghiên cứu quan tâm đến dự án luật. Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Kiểm toán độc lập (2011) của UBTVQH đã giải thích rõ về quan điểm của UBTVQH đối với nhiều quy định nêu trong dự thảo, rất nhiều quy định tiến bộ đã được UBTVQH giải trình và bảo vệ để giữ nguyên nội dung như dự thảo để đưa ra trình Quốc hội như: việc cho phép tồn tại mô hình Công ty kiểm toán TNHH mà không cho phép tồn tại mô hình Công ty cổ phần, vì sao quy định mỗi doanh nghiệp phải có 05 kiểm toán viên, vì sao cho phép tổ chức được làm thành viên công ty kiểm toán TNHH, vì sao bỏ quy định tổng giám đốc Công ty kiểm toán phải 100
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA PHÁP LUẬT KINH DOANH TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP chiếm 10% vốn điều lệ…vv. Tuy nhiên, quá trình thi hành luật từ năm 2012 đến nay các quy định về loại hình doanh nghiệp trong Luật Kiểm toán độc lập 2011 đã phát sinh nhiều tồn tại, bất cập. Hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ Tài chính, Chính phủ cho đến UBTVQH cũng như Hiệp hội Kiểm toán Việt Nam chưa có bất cứ tổng kết đánh giá thi hành Luật Kiểm toán độc lập 2011; hiện cũng chưa có công trình nghiên cứu khoa học cũng như bài viết khoa học nghiên cứu về các quy định pháp luật liên quan đến loại hình kiểm toán độc lập. Điều này cho thấy một khoảng trống rất lớn trong nghiên cứu về quy định của pháp luật liên quan đến loại hình doanh nghiệp kiểm toán độc lập. 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU - Phương pháp phân tích: Hiện tại, qua rà soát tác giả không phát hiện thấy có bất cứ công trình khoa học nào nghiên cứu về quy định của pháp luật liên quan đến loại hình doanh nghiệp kiểm toán. Do vậy phương pháp chủ yếu của tác giả là phân tích các quy định ngay trong chính Luật Kiểm toán độc lập 2011 đối chiếu với thực tiễn hoạt động kiểm toán tại Công ty TNHH Deloitte Việt Nam - nơi tác giả đang làm việc để thấy được những hạn chế của pháp luật, đồng thời nghiên cứu Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Kiểm toán độc lập (2011) của UBTVQH để biết được cơ sở lý luận mà các nhà lập pháp xây dựng các quy định pháp luật có liên quan để từ đó phân tích và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề. - Phương pháp so sánh: Ngoài việc nghiên cứu các quy định của Luật Kiểm toán độc lập 2011 và các văn bản hướng dẫn, tác giả cũng phân tích và nghiên cứu các quy định của pháp luật, và các văn bản hồ sơ xây dựng pháp luật trong các lĩnh vực tương đồng với kiểm toán độc lập là luật sư, kế toán để từ đó so sánh với pháp luật về kiểm toán độc lập và khái quát lên thành những lý luận góp ý hoàn thiện các quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập. - Phương pháp thống kê: Tác giả phân tích số liệu từ Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2017 và phương hướng hoạt động năm 2018 của Kiểm toán độc lập của Cục Quản lý, giảm sát kế toán và kiểm toán để từ đó đưa ra ý kiến về xu hướng hình thành các doanh nghiệp kiểm toán độc lập. 101
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA PHÁP LUẬT KINH DOANH TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 4.1. Những nội dung phù hợp của Luật Kiểm toán độc lập 2011 Một là: Pháp luật vẫn ghi nhận sự tồn tại của doanh nghiệp kiểm toán độc lập hoạt động dưới loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Mặc dù, loại hình Công ty kiểm toán TNHH hai thành viên trở lên đã tồn tại rất lâu, từ những ngày đầu khi ra đời các doanh nghiệp kiểm toán độc lập được thành lập. Tuy nhiên, thể hiện trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Kiểm toán độc lập (2011) của UBTVQH thì thấy rằng có kiến phản đối loại hình này, ý kiến phản đối cho rằng để nâng cao trách nhiệm của các kiểm toán viên thì cần gắn họ với loại hình trách nhiệm vô hạn (như Công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân). Tuy nhiên UBTVQH vẫn cương quyết giữ lại loại hình này trong dự thảo trình ra Quốc hội, vấn đề trách nhiệm vật chất của các kiểm toán viên theo lý giải của UBTVQH là đã được giải quyết bằng việc bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Thực tế là cho đến nay, theo thông kê tại Phụ lục 1 Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2017 và phương hướng hoạt động năm 2018 của Kiểm toán độc lập của Bộ Tài chính thì tất cả các doanh nghiệp kiểm toán đều hoạt động dưới loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên (và một số Công ty TNHH một thành viên hoạt động trong thời hạn còn lại của Giấy phép đầu tư). Điều này cho thấy sự tồn tại của loại hình Công ty kiểm toán TNHH hai thành viên trở lên là một loại hình thích hợp cho nhiều doanh nghiệp kiểm toán. Hai là: Pháp Luật Kiểm toán hiện tại không cho phép tồn tại các đơn vị kinh doanh kiểm toán hoat động dưới loại hình Hộ kinh doanh cá thể, Hợp tác xã hay Công ty cổ phần cũng là điều hợp lý giúp phát triển dịch vụ kiểm toán độc lập. Các loại hình này đều có những đặc điểm không thích hợp với ngành nghề kiểm toán độc lập. - Loại hình hộ kinh doanh cá thể: Đây là loại hình hoạt động không quá 10 người lao động, không có con dấu, quy mô rất nhỏ không phù hợp với hoạt động kiểm toán. - Loại hình hợp tác xã: Đây là loại hình có tôn chỉ mục đích là hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong hợp tác xã. Điều này đi ngược lại với hoạt động kiểm toán độc lập, nơi mà để đảm bảo tính độc lập các đơn vị kiểm toán độc lập không được phép cung cấp dịch vụ cho những cá nhân, tổ chức có liên quan đến đơn vị mình. 102
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA PHÁP LUẬT KINH DOANH TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP - Loại hình Công ty cổ phần: đây là loại hình không có bất cứ biện pháp nào hạn chế sự tham gia của các cổ đông. Việc quá nhiều cổ đông sẽ làm tăng khả năng xảy ra tình trạng sở hữu chéo của các cổ đông mà doanh nghiệp kiểm toán rất khó kiểm soát dẫn đến tăng nguy cơ vi phạm tính độc lập. Ba là: Quy định thành viên là tổ chức trong loại hình Công ty kiểm toán TNHH hai thành viên trở lên chỉ được phép chiếm không quá 35% vốn điều lệ. Trong loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Doanh nghiệp 2014 thì các vấn đề thuộc thẩm quyền của hội đồng thành viên sẽ được thông qua khi tỷ lệ biểu quyết ít nhất phải đạt 65% (thậm chí cuộc họp của HĐTV trong công ty cũng chỉ được diễn ra khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ). Do vậy, nếu quy định một tỷ lệ sở hữu của thành viên là tổ chức vượt quá 35% sẽ cho phép các tổ chức phủ quyết tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên trong công ty. Kiểm toán là một ngành nghề mang tính đối nhân cao, vì vậy công ty kiểm toán phải nằm trong tầm kiểm soát cả các kiểm toán viên hành nghề. Nếu một tổ chức có quyền phủ quyết mọi vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên thì điều đó có nghĩa là các kiểm toán viên hành nghề không còn kiểm soát được công ty kiểm toán. Bốn là: Nâng số kiểm toán viên hành nghề bắt buộc trong doanh nghiệp kiểm toán phải là 05 người. Trước khi Luật Kiểm toán độc lập 2011 ra đời thì số lượng kiểm toán viên bắt buộc trong doanh nghiệp kiểm toán là 03 người. Luật Kiểm toán độc lập 2011 nâng số lượng kiểm toán viên hành nghề tại doanh nghiệp lên thành 05 người, theo giải thích của UBTVQH trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Kiểm toán độc lập (2011) đây là một quy định nhằm nâng tầm quy mô của các doanh nghiệp kiểm toán. Ngoài ra tác giả nhận thấy: hoạt động kiểm toán ít nhiều mang tính mùa vụ, do vậy một doanh nghiệp kiểm toán cần nhiều kiểm toán viên để có thể xử lý một khối lượng công việc lớn vào mùa kiểm toán. Nâng số lượng kiểm toán viên giúp cho các doanh nghiệp kiểm toán không bị manh mún, các kiểm toán viên phải liên kết với nhau để tạo nên một doanh nghiệp kiểm toán lớn hơn. Năm là: Bỏ quy định Giám đốc/Tổng Giám đốc công ty kiểm toán (loại hình Công ty hợp danh hoặc TNHH hai thành viên trở lên) phải nắm giữ ít nhất 10% vốn điều lệ. 103
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA PHÁP LUẬT KINH DOANH TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP Trước đây, Nghị định số 30/2009/NĐ-CP quy định đối với loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên và Công ty hợp danh thì Giám đốc/Tổng Giám đốc công ty phải nắm giữ ít nhất 10% vốn điều lệ, tuy nhiên Luật Kiểm toán 2011 đã bỏ quy định này. Theo giải thích của UBTVQH trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Kiểm toán độc lập (2011) thì quy định này không phù hợp với Luật Doanh nghiệp, do Luật Doanh nghiệp vẫn cho phép Công ty TNHH thuê Giám đốc/ Tổng giám đốc. Ngoài ra, tác giả nhận thấy quá khắt khe, sẽ khiến các doanh nghiệp kiểm toán gặp khó trong việc lựa chọn Giám đốc/Tổng Giám đốc cho Công ty. Bởi bản thân họ đã phải là kiểm toán viên hành nghề theo Luật Kiểm toán độc lập lại phải có kinh trình độ chuyên môn và kinh nghiệm quản trị theo quy định của Luật Doanh nghiệp (và cũng là yêu cầu đương nhiên của các doanh nghiệp). Tiêu chí kép này khiến cho việc tìm Giám đốc/Tổng Giám đốc Công ty gặp khó khăn. Về mặt lý thuyết sẽ có những công ty có nhiều thành viên, nhưng không có thành viên nào nắm đủ số vốn 10% để trở thành Giám đốc/Tổng giám đốc. Sáu là: Yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán phải là kiểm toán viên hành nghề. Trước đây Nghị định 30/2009/NĐ-CP quy định Giám đốc/Tổng Giám đốc doanh nghiệp kiểm toán phải là các kiểm toán viên hành nghề. Tuy nhiên Giám đốc/Tổng Giám đốc không phải lúc nào cũng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Theo Luật Doanh nghiệp thì ở loại hình Công ty TNHH hai thành viên thì người đại diện theo pháp luật có thể là Chủ tịch HĐTV thậm chí theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 thì nếu công ty không hạn chế số lượng người đại diện theo pháp luật. Do vậy, theo tác giả nếu chỉ quy định Giám đốc/Tổng Giám đốc công ty phải là kiểm toán viên hành nghề trong khi người đại diện theo pháp luật của công ty, nhân danh công ty ký kết các giao dịch, đại diện làm việc với cơ quan Nhà nước lại không phải là kiểm toán viên hành nghề thì rất vô lý. Do đó, việc bổ sung quy định Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán phải là các kiểm toán viên hành nghề bên cạnh quy định Giám đốc/Tổng Giám đốc doanh nghiệp là các kiểm toán viên hành nghề góp phần làm chặt chẽ hơn các quy định của pháp luật, đảm bảo doanh nghiệp kiểm toán phải được điều hành, quản lý bởi các kiểm toán viên hành nghề. 104
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA PHÁP LUẬT KINH DOANH TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP 4.2. Những hạn chế trong quy định của pháp luật về loại hình doanh nghiệp kiểm toán độc lập Một là, thiếu vắng loại hình Công ty TNHH một thành viên Hiện tại Luật Kiểm toán độc lập 2011 thừa nhận 02 loại hình doanh nghiệp kiểm toán là Doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH hai thành viên trở lên nhưng không hiểu vì sao lại loại bỏ loại hình Công ty Kiểm toán TNHH một thành viên. Bởi đây là loại hình chỉ có một chủ sở hữu giống với Doanh nghiệp tư nhân nhưng lại có trách nhiệm hữu hạn giống Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Có thể nói loại hình này như là giao thoa giữa hai loại hình Doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH hai thành viên do vậy rất khó lý giải vì sao pháp luật không cho phép tồn tại loại hình này trong lĩnh vực kiểm toán độc lập. Theo tác giả thì đây có thể coi như sự thiếu sót của các nhà làm luật trong quá trình lập pháp. Hai là, quy định về tỷ lệ sở hữu vốn của các kiểm toán viên hành nghề trong Công ty kiểm toán TNHH hai thành viên trở lên không phù hợp Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 17/2012/NĐ-CP thì tỷ lệ vốn góp của các kiểm toán viên hành nghề trong loại hình công ty kiểm toán TNHH hai thành viên trở lên phải là trên 50% vốn điều lệ. So với loại hình doanh nghiệp kế toán (một lĩnh vực rất gần gũi và có nhiều điểm chung với kiểm toán) thì Luật Kế toán 2015 cũng quy định tỷ lệ sở hữu của kế toán viên hành nghề trong loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên là trên 50%. Lý giải về việc tại sao lại quy định điều kiện này, trong Bản thuyết minh chi tiết dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán (2015), Bộ Tài chính giải thích nguyên nhân là vì hiện chưa có quy định đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải được kiểm soát bởi những người có chứng chỉ hành nghề kế toán. Do vậy, theo tác giả thì quy định kiểm toán viên hành nghề phải kiểm soát trên 50% vốn điều lệ của Công ty kiểm toán TNHH hai thành viên trở lên có mục đích để các kiểm toán viên hành nghề có thể kiểm soát được công ty. Tuy nhiên, nếu lấy mốc là 50% thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì bởi theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 (và cả Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực khi Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ra đời) thì trong loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên thì để kiểm soát được Công ty thì thành viên hoặc nhóm thành viên phải nắm giữ ít nhất 65% vốn điều lệ. Bất kỳ một vấn đề nào thuộc thẩm quyền của HĐTV mà để được thông qua cũng cần ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự 105
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA PHÁP LUẬT KINH DOANH TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP họp tán thành, một số trường hợp đặc biệt còn yêu cầu 75%, thậm chí để cuộc họp của HĐTV được triệu tập ngay trong lần đầu tiên cũng phải cần đến 65% tỷ lệ vốn góp đối với Luật Doanh nghiệp 2014 (và 75% đối với Luật Doanh nghiệp 2005). Do vậy, nếu muốn các kiểm toán viên kiểm soát công ty cả ở cấp HĐTV thì việc lấy mốc tỷ lệ vốn điều lệ là 50% không có nhiều ý nghĩa. Ba là, sự thiếu rõ ràng trong quy định về thành viên hợp danh trong Công ty kiểm toán hợp danh có phải là kiểm toán viên hay không? Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 21 Luật Kiểm toán độc lập thì Công ty kiểm toán hợp danh phải có ít nhất 05 kiểm toán viên hành nghề trong đó có tối thiểu phải có 02 thành viên hợp danh. Quy định này được hiểu rằng công ty hợp danh chỉ cần 02 thành viên hợp danh là các kiểm toán viên hành nghề là đáp ứng, các thành viên khác có thể không phải là kiểm toán viên hành nghề (tương tự như loại hình Công ty kiểm toán TNHH hai thành viên trở lên cũng yêu cầu công ty có ít nhất 02 thành viên là kiểm toán viên hành nghề). Tuy nhiên tại điểm b khoản 2 Điều 21 lại quy định người đại diện theo pháp luật của Công ty hợp danh phải là các kiểm toán viên hành nghề. Theo Luật Doanh nghiệp 2005 cũng như Luật Doanh nghiệp 2014 thì loại hình Công ty hợp danh có điều rất đặc biệt là các thành viên hợp danh đều có quyền đại diện theo pháp luật trong phạm vi điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của Công ty. Còn đối với Chủ tịch, Giám đốc/Tổng giám đốc thì sẽ là người đại diện theo pháp luật ở phạm vị rộng hơn, bao gồm cả đại diện làm việc với cơ quan nhà nước và đại diện với tư cách đương sự trong hoạt động tố tụng. Như vậy nếu Luật Kiểm toán độc lập 2011 chỉ quy định người đại diện theo pháp luật của công ty kiểm toán hợp danh phải là kiểm toán viên hành nghề mà không có thêm giải thích nào thì sẽ dẫn đến những cách hiểu khác nhau: - Cách hiểu thứ nhất: Theo pháp luật về doanh nghiệp thì các thành viên hợp danh đều có quyền đại diện theo pháp luật cho Công ty trong hoạt động kinh doanh cho nên tất cả các thành viên đều phải là kiểm toán viên hành nghề. Cách hiểu này phù hợp với câu chữ của pháp luật về doanh nghiệp nhưng lại mâu thuẫn với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 21 Luật Kiểm toán độc lập khi chỉ quy định công ty có 02 thành viên hợp danh là kiểm toán viên hành nghề. 106
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA PHÁP LUẬT KINH DOANH TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP - Các hiểu thứ hai: Người đại diện theo pháp luật theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Luật Kiểm toán độc lập phải là người đại diện ở phạm vi rộng đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 “đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật” chứ không chỉ là đại diện theo pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng ngày. Do vậy người đại diện ở đây được hiểu là Chủ tịch HĐTV, Giám đốc/Tổng giám đốc Công ty. Cách hiểu này phù hợp với tổng thể các quy định khác có liên quan hơn cách hiểu thứ nhất. Tuy nhiên cũng có hạn chế là nó sẽ tạo ra lỗ hổng là công ty có thể sẽ không nằm trong kiểm soát của các kiểm toán viên hành nghề. Bởi số lượng thành viên hợp danh là không hạn chế, trong khi pháp luật chỉ quy định 02 thành viên hợp danh là kiểm toán viên hành nghề còn các thành viên khác thì không nên về mặt giả thiết số lượng các thành viên không phải là kiểm toán viên hành nghề có thể áp đảo số lượng thành viên là kiểm toán viên hành nghề và giành mọi quyền kiểm soát trong công ty ở cấp độ HĐTV. Rất tiếc là hiện nay ở Việt Nam không có doanh nghiệp kiểm toán nào được thành lập theo loại hình Công ty hợp danh cho nên chưa kiểm chứng được quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với vấn đề này. Bốn là, không có cơ chế kiểm soát giao dịch vốn trong các Công ty kiểm toán TNHH hai thành viên trở lên Hiện nay, Luật Kiểm toán độc lập 2011 và Nghị định số 17/2012/NĐ-CP quy định trong loại hình Công ty kiểm toán TNHH hai thành viên trở lên thì phải có ít nhất 02 thành viên là kiểm toán viên hành nghề và tỷ lệ vốn góp của các thành viên này phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên, lại không có quy định kiểm soát giao dịch vốn của các thành viên này. Điều này dẫn đến tình trạng khi thành lập doanh nghiệp kiểm toán thì công ty đáp ứng cả 02 điều kiện đó. Sau này vì lý do giao dịch vốn như: thành viên là kiểm toán viên độc lập tặng cho một phần vốn đó cho người thân hoặc họ chết thì đương nhiên người được tặng cho hay người thừa kế sẽ trở thành các thành viên của Công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 (hay thậm chí cả Luật Doanh nghiệp 2005 trước 107
  10. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA PHÁP LUẬT KINH DOANH TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP đây cũng vậy). Nhưng điều này lại có thể khiến công ty kiểm toán không còn duy trì được hai điều kiện theo Luật Kiểm toán độc lập là: phải có ít nhất 02 kiểm toán viên hành nghề là thành viên và số tổng số vốn góp của các thành viên là kiểm toán viên hành nghề phải trên 50% vốn điều lệ. Năm là, không có quy định cho phép các Công ty kiểm toán được chuyển đổi loại hình hoạt động một cách thuận lợi Hiện nay pháp luật về kiểm toán độc lập không có quy định về việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Do vậy, việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sẽ được thực hiện theo quy định chung của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2005 lại không cho phép 03 loại hình Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh hay Công ty TNHH hai thành viên được chuyển đổi lẫn nhau mãi sau này khi Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời thì cũng chỉ cho phép duy nhất doanh nghiệp tư nhân được chuyển đổi sang loại hình Công ty TNHH hai thành viên. Còn loại hình Công ty hợp danh và Công ty TNHH hai thành viên không thể chuyển đổi sang Doanh nghiệp tư nhân hoặc chuyển đổi cho nhau được. Do vậy, nếu ngay từ khi thành lập doanh nghiệp kiểm toán đã lựa chọn loại hình Công ty hợp danh hoặc loại hình Công ty TNHH hai thành viên thì phải gắn bó với loại hình đó suốt quá trình hoạt động. Nếu vì lý do nào đó muốn thay đổi thì buộc phải giải thể công ty hiện tại và lập công ty mới. Điều này là rất phức tạp về mặt thủ tục hành chính và làm cho Công ty mất toàn bộ sự kế thừa về năng lực và kinh nghiệm - một điều kiện tiên quyết khi tham gia các gói thầu kiểm toán. Trong khi đó quá trình hoạt động các công ty kiểm toán lại có rất nhiều lý do để mong muốn chuyển đổi sang loại hình khác cho phù hợp. Ví dụ như một Công ty kiểm toán TNHH hai thành viên trở lên muốn chuyển sang loại hình Công ty hợp danh để kiểm soát được các giao dịch vốn của thành viên hoặc để kết nạp thêm thành viên thứ 51 (do Luật Doanh nghiệp quy định Công ty TNHH chỉ được tối đa 50 thành viên) hoặc một Công ty kiểm toán hợp danh muốn chuyển sang loại hình TNHH để được kết nạp thêm thành viên là tổ chức (trong loại hình hợp danh thì thành viên hợp danh phải là cá nhân, tổ chức chỉ có thể là thành viên góp vốn nhưng thành viên góp vốn thì tầm ảnh hưởng và vai trò quyết định trong việc kiểm soát và điều hành doanh nghiệp không được như thành viên hợp danh). Đây rõ ràng là một sự thiệt thòi cho các doanh nghiệp kiểm toán nếu so với các loại hình doanh nghiệp trong lĩnh vực luật sư - một lĩnh vực có tính đối nhân cao tương tự như kiểm toán. 108
  11. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA PHÁP LUẬT KINH DOANH TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP Trước ngày 01/07/2013 thì Luật Luật sư 2006 và các văn bản hướng dẫn không có quy định về việc chuyển đổi loại hình hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư. Tuy nhiên, đến năm 2012 khi Luật Luật sư sửa đổi ra đời (có hiệu lực từ 01/07/2013) tại Khoản 18 Điều 1 đã bổ sung thêm Điều 45 trong đó cho phép văn phòng luật sư (tương đương với cấp doanh nghiệp tư nhân theo Luật Doanh nghiệp) được chuyển đổi thành các Công ty luật (hợp danh hoặc TNHH đều được) và Các công ty luật đều có thể chuyển đổi lẫn nhau (hợp danh thành TNHH và TNHH thành hợp danh). Trong Tờ trình về dự án luật luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (2012) thì Bộ Tư pháp giải thích ngắn gọn là nhằm tạo điều kiện cho tổ chức hành nghề luật sư hoạt động ổn định, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Điều này là khác biệt hoàn toàn với pháp luật về doanh nghiệp nói chung. Trong suốt 05 năm thi hành đến nay quy định trên được triển khai tương đối suôn sẻ. 5. KIẾN NGHỊ VÀ KẾT LUẬN 5.1. Kiến nghị Từ những phân tích nêu trên tại mục 4 tác giải kiến nghị các nhà lập pháp cần tiến hành tổng kết thi hành Luật Kiểm toán độc lập để từ đó rút ra được những điểm tích cực và hạn chế của Luật Kiểm toán độc lập 2011 và các văn bản hướng dẫn. Bản thân tác giả nhận thấy cần tiếp tục duy trì các quy định phù hợp nêu tại Mục 4.1. Đối với các hạn chế nêu tại Mục 4.2 tác giả kiến nghị các giải pháp như sau: Một là: Cần bổ sung thêm loại hình Công ty kiểm toán độc lập TNHH một thành viên để tăng thêm sự lựa chọn cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Hai là: Pháp luật cần bổ sung quy định tỷ lệ vốn góp của các kiểm toán viên hành nghề trong Công ty kiểm toán TNHH hai thành viên trở lên cần chiếm tối thiểu 65% tỷ lệ vốn điều lệ của Công ty. Ba là: Cần có sửa đổi quy định này theo hướng chỉ cần yêu cầu Chủ tịch HĐTV, Giám đốc/tổng giám đốc của Công ty kiểm toán hợp danh là kiểm toán viên hành nghề là được. Bởi theo Luật Doanh nghiệp thì họ chính là những người đại diện theo pháp luật trong phạm vị rộng nhất của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần bổ sung thêm quy định để công ty hợp danh nằm trong kiểm soát của các kiểm toán viên hành nghề theo hướng yêu cầu cần chiếm tối thiểu ¾ số lượng thành viên hợp danh. 109
  12. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA PHÁP LUẬT KINH DOANH TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP Cần bổ sung quy định nếu giao dịch vốn của các kiểm toán viên hành nghề trong Công ty dẫn đến giảm tỷ lệ sở hữu vốn của các kiểm toán viên trong công ty xuống dưới 50% hoặc làm giảm thành viên là kiểm toán viên hành nghề xuống dưới 02 người thì sẽ không được chấp nhận. Cần bổ sung quy định tương tự như quy định tại Luật Luật sư sửa đổi 2012 - cho phép các Công ty Kiểm toán hợp danh và TNHH có thể được chuyển đổi lẫn nhau. 5.2. Kết luận Kiểm toán độc lập là một ngành nghề non trẻ trong nền kinh tế Việt Nam, do vậy các quy định của pháp luật về loại hình các doanh nghiệp kiểm toán tại Việt Nam cũng là những quy định mới sẽ được hoàn thiện dần theo thời gian. Tuy nhiên, đây lại là một ngành nghề mang tính đối nhân rất cao, khách hàng của họ lại đa phần là các doanh nghiệp lớn, quy trình kiểm toán lại rất khắt khe với nhiều quy chuẩn. Do vậy, thường các công ty kiểm toán có cơ cấu tổ chức khá cồng kềnh nếu so với một doanh nghiệp khác có quy mô doanh thu tương đương. Chính vì vậy một hệ thống pháp luật tốt về loại hình tổ chức sẽ giúp cho các doanh nghiệp kiểm toán thực hiện tốt hơn công tác quản trị của mình. Bài viết hy vọng sẽ là một tài liệu cho các nhà làm luật, các doanh nghiệp kiểm toán tham khảo để xây dựng và hoàn thiện pháp luật cũng như các quy trình quản lý nội bộ công ty. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Bộ Tài chính (2010), Báo cáo tóm tắt kinh nghiệm các nước về một số nội dung của Luật Kiểm toán độc lập, http://duthaoonline.quochoi.vn 2. Bộ Tài chính (2018) Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2017 và phương hướng hoạt động năm 2018 của Kiểm toán độc lập của Cục Quản lý, giảm sát kế toán và kiểm toán, VACPA. 3. Bộ Tài chính (2015), Bản thuyết minh chi tiết dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, http://duthaoonline.quochoi.vn 4. Bộ Tư pháp (2012), Tờ trình về dự án luật luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, http://duthaoonline.quochoi.vn 5. Chính phủ (2012) Nghị định số 17/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập 2011. 6. Chính phủ (2009) Nghị định số 30/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 105/2004/NĐ-CP về kiểm toán độc lập. 7. Chính phủ (2004) Nghị định số 105/2004/NĐ-CP về kiểm toán độc lập. 110
  13. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA PHÁP LUẬT KINH DOANH TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP 8. Quốc hội (2005) Luật Doanh nghiệp 2005. 9. Quốc hội (2014) Luật Doanh nghiệp 2014. 10. Quốc hội (2013) Luật Hợp tác xã 2013. 11. Quốc hội (2015) Luật Kế toán 2015. 12. Quốc hội (2011) Luật Kiểm toán độc lập 2011. 13. Quốc hội (2006) Luật Luật sư 2006. 14. Quốc hội (2012) Luật Luật sư sửa đổi 2012. 15. Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội (2011) Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Kiểm toán độc lập 2011. 111
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0