JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 3, pp. 28-36<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0024<br />
<br />
HỌC TẬP TỰ ĐỊNH HƯỚNG – NHẰM PHÁT HUY TÍNH CHỦ ĐỘNG, TÍCH<br />
CỰC CHO SINH VIÊN TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ<br />
Trương Minh Trí, Bùi Văn Hồng, Võ Thị Xuân<br />
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh<br />
Tóm tắt. Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kĩ thuật cùng với sự bùng<br />
nổ của công nghệ thông tin, những tri thức mới, sự tăng lên gấp bội của sáng tạo công nghệ<br />
và kĩ thuật,. . . đòi hỏi con người phải có năng lực tự học, tự đào tạo để thích ứng. Qua đó,<br />
nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của người học trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Để<br />
quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất thì<br />
các phương pháp dạy học chủ động (active-learning) tỏ ra rất phù hợp. Đặc biệt là phương<br />
pháp học tập tự định hướng (HTTĐH) cho phép sinh viên (SV) tự lựa chọn con đường đi và<br />
định hướng đích đến của mình, với sự hổ trợ của giảng viên (GV). Vì vậy, mô hình HTTĐH<br />
chắc chắn sẽ tìm được sự đồng thuận cao từ cộng đồng và là mảnh đất tốt cho những ai có<br />
khát vọng học tập suốt đời.<br />
Từ khóa: Học tập tự định hướng, phát huy tính chủ động, tích cực, bối cảnh hội nhập.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Tự học hiểu theo đúng bản chất là tự mình động não, suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ,<br />
cùng các phẩm chất, động cơ, tình cảm, cả nhân sinh quan, thế giới quan, và không ngại khó, ngại<br />
khổ, kiên trì, nhẫn nại, lòng say mê,. . . để chiếm lĩnh một lĩnh vực khoa học nào đó, biến lĩnh vực<br />
đó thành sở hữu của mình! Tự học là hình thức học tập không thể thiếu được của SV đang học<br />
tập tại các trường đại học hiện nay. Tổ chức hoạt động tự học một cách hợp lí, khoa học, có chất<br />
lượng, hiệu quả là trách nhiệm không chỉ ở người học mà còn là sự nghiệp đào tạo của nhà trường.<br />
Bài viết dưới đây đề cập đến phương pháp HTTĐH giữ vai trò cầu nối giữa học tập và nghiên cứu<br />
khoa học của SV, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.<br />
HTTĐH là một xu thế tất yếu, bởi vì quá trình giáo dục thực chất là quá trình biến người<br />
học từ khách thể giáo dục thành chủ thể giáo dục (tự giáo dục). HTTĐH giúp nâng cao kết quả học<br />
tập của SV và chất lượng giáo dục của nhà trường, là biểu hiện cụ thể của việc đổi mới phương<br />
pháp dạy học ở các cơ sở giáo dục.<br />
Vấn đề HTTĐH, đã được một số tác giả trong và ngoài nước đề cập trong các nghiên cứu<br />
liên quan như: Đặng Quốc Bảo, Nguyễn Đắc Hưng, 2008 [1]; Trần Lê Hữu Nghĩa, 2008 [2]; Vũ<br />
Trọng Rỹ, 1994 [3]; Thái Duy Tuyên, 2001 [4]; Nguyễn Thị Cẩm Vân, 2014 [5]; Bielaczyc, Pirolli,<br />
Brown, 1995 [6]; Cross, 1981 [7]; Gibbons, M., 2002 [8]; Hiemstra, 1994 [9]; Hammond, M.,<br />
Collins, R., 1991 [10]. Các nghiên cứu chủ yếu về đặc điểm của HTTĐH cho thấy sự phù hợp của<br />
loại hình dạy học này đối với SV trong thời kì hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay.<br />
Ngày nhận bài: 15/12/2015. Ngày nhận đăng: 20/3/2016.<br />
Liên hệ: Trương Minh Trí, e-mail: tritm@hcmute.edu.vn<br />
<br />
28<br />
<br />
Học tập tự định hướng – nhằm phát huy tính chủ động, tích cực cho sinh viên trong bối cảnh...<br />
<br />
Đặc trưng 1: Cá nhân người học có thể trở nên có quyền lực mạnh hơn để chịu trách nhiệm<br />
ngày càng nhiều cho các quyết định khác nhau liên quan đến các nỗ lực học tập.<br />
Đặc trưng 2: HTTĐH được nhìn nhận tốt nhất như một sự phát triển không ngừng những<br />
năng lực cá nhân, vượt xa ngoài những suy nghĩ bình thường hoặc những ngữ cảnh quen thuộc.<br />
Đặc trưng 3: HTTĐH không nhất thiết; mọi sự nhận thức của con người đều có được do<br />
những người khác đem lại.<br />
Đặc trưng 4: Người học HTTĐH xuất hiện có thể linh động chuyển học tập, cả về kiến thức<br />
và kĩ năng nghiên cứu, từ một tình huống khác.<br />
Đặc trưng 5: Nghiên cứu HTTĐH có thể liên quan nhiều đến các hoạt động và nguồn lực,<br />
chẳng hạn tham gia các nhóm nghiên cứu, thực tập, đối thoại điện tử, viết thu hoạch phản hồi. . .<br />
Đặc trưng 6: Vai trò, hiệu quả của người GV trong việc HTTĐH là cho ví dụ minh họa;<br />
nâng cao tư duy phê phán, đảm bảo nguồn lực và đánh giá theo chuẩn đầu ra của môn học, chương<br />
trình đào tạo. . .<br />
Đặc trưng 7: Một số cơ sở giáo dục đang tìm cách để hỗ trợ cho mô hình HTTĐH thông<br />
qua các chương trình mở E-learning, lựa chọn học tập cho cá nhân, các khóa phi truyền thống, và<br />
các chương trình cải tiến khác. . .<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Phương pháp dạy học tích cực<br />
<br />
Ngày nay, để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học thể hiện được đầy đủ các đặc trưng,<br />
GV cần kế thừa, phát huy các mặt tích cực trong phương pháp truyền thống (thuyết trình, đàm<br />
thoại, trực quan,...) đồng thời mạnh dạn áp dụng các xu hướng dạy học tích cực, hiện đại. Để phân<br />
biệt phương pháp dạy học tích cực và phương pháp dạy học thụ động, người ta thường căn cứ vào<br />
bốn dấu hiệu đặc trưng, cơ bản sau:<br />
+ Dạy học thông qua các hoạt động của SV.<br />
+ Dạy học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học.<br />
+ Tăng cường học tập cá thể phối hợp với học tập hợp tác.<br />
+ Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò.<br />
Phương pháp dạy học tích cực là một thuật ngữ dùng để chỉ những phương pháp giáo dục,<br />
dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.<br />
HTTĐH là quá trình học tập bao giờ cũng có tự học, nghĩa là tự mình lao động trí óc để<br />
chiếm lĩnh kiến thức. Trong HTTĐH, bước đầu thường có nhiều bỡ ngỡ; vì còn lạ, chưa quen, chưa<br />
có kinh nghiệm,. . . nhưng chính những bỡ ngỡ đó lại là động lực thúc đẩy SV tư duy để thoát khỏi<br />
những “lúng túng” đó! Nhờ vậy mà thành thạo lên! HTTĐH là hình thức học tập không thể thiếu<br />
được của SV đang học tập tại các trường đại học hiện nay. Tổ chức hoạt động học tập một cách hợp<br />
lí, khoa học, có chất lượng, hiệu quả là trách nhiệm không chỉ ở người học mà còn là sự nghiệp<br />
đào tạo của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo [5].<br />
<br />
2.1.1. Dạy học thông qua các hoạt động của SV<br />
Dạy học thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập, từ đó giúp SV tự khám phá những<br />
điều chưa biết chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn. Theo quan điểm<br />
này, GV không cung cấp, áp đặt kiến thức có sẵn mà là người tổ chức và chỉ đạo cho SV tiến hành<br />
các hoạt động học tập như nhớ lại kiến thức cũ, phát hiện kiến thức mới, vận dụng sáng tạo kiến<br />
thức đã biết vào các tình huống học tập hoặc tình huống thực tiễn,...<br />
29<br />
<br />
Trương Minh Trí, Bùi Văn Hồng, Võ Thị Xuân<br />
<br />
2.1.2. Dạy học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học<br />
Chú trọng rèn luyện cho SV những tri thức phương pháp để họ biết cách đọc các tài liệu học<br />
tập, truy cập các thông tin, biết cách tự tìm lại những kiến thức đã có, biết suy luận để tìm tòi và<br />
phát hiện kiến thức mới,... Các tri thức phương pháp thường là những qui tắc, quy trình, phương<br />
thức hành động, tuy nhiên cũng cần coi trọng cả các phương pháp có tính chất dự đoán, giả định<br />
(ví dụ: phương pháp giải bài tập toán học, các bước cân bằng phương trình phản ứng hóa học, trình<br />
tự vẽ một bản vẽ kĩ thuật,...). Cần rèn luyện cho SV các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp,<br />
đặc biệt hoá, khái quát hoá, tương tự, qui lạ về quen,... để dần hình thành và phát triển tiềm năng<br />
sáng tạo của họ.<br />
<br />
2.1.3. Tăng cường việc học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác<br />
Khuyến khích học tập theo nhóm và tăng cường việc học tập cá thể. Khi cho SV học tập<br />
theo nhóm kết quả thường tốt hơn là học một mình. Học tập, cũng như làm việc, nếu có tính tương<br />
hỗ sẽ tốt hơn là cạnh tranh và biệt lập. Làm việc cùng với những người khác sẽ hứng thú hơn và<br />
tăng thêm cơ hội học tập được lẫn nhau. Chia sẽ ý tưởng của nhau và phản ứng trước hành động<br />
của người khác sẽ làm cho suy nghĩ sắc bén hơn và hiểu biết được sâu sắc hơn. Thảo luận là một<br />
hình thức trao đổi trực tiếp giữa các SV để đạt được một mục đích học tập cụ thể. Nó có thể là trao<br />
đổi thân mật, không hình thức hoặc được tổ chức với mục tiêu và nhiệm vụ nhất định, thời gian<br />
được giới hạn, lịch trình chuẩn bị trước và có thể có hoặc không có người chủ trì.<br />
GV có thể bắt đầu bài học bằng một cuộc thảo luận để lấy ý kiến và quan điểm của SV,<br />
cũng có thể xen giữa bằng một cuộc thảo luận để làm sáng tỏ một vấn đề hoặc để tóm tắt củng cố<br />
nội dung, cũng có thể tổ chức buổi thảo luận vào cuối buổi học vì tất cả những mục đích kể trên.<br />
<br />
2.1.4. Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò<br />
SV cần biết về những gì có thể thu được từ khoá học. Lúc bắt đầu học SV cần được giúp đỡ<br />
trong việc đánh giá kiến thức và năng lực hiện có. Trong lớp SV cần có cơ hội thường xuyên để<br />
thể hiện và nhận được những gợi ý bổ ích cho việc học được tốt hơn. Trong quá trình học và cuối<br />
khoá SV cần có cơ hội để bộc lộ những gì họ đã học được, biết những gì họ cần phải làm để tiếp<br />
tục học tốt hơn. Do vậy sự đánh giá và phản hồi kịp thời của GV đối với người học có tác dụng rất<br />
lớn đối với việc chủ động học tập của SV.<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Phương pháp dạy học tự định hướng học tập<br />
<br />
Tự định hướng học tập hay học tập tự định hướng HTTĐH (self-directed learning) dùng để<br />
phân biệt với học tập định hướng của GV (teacher directed learning), đây là một phương pháp dạy<br />
học trong đó người học tự xác định mục tiêu học tập, để vạch ra kế hoạch học tập, nghiên cứu.<br />
Phương pháp này được xem như bắt đầu hình thành từ nửa sau của thế kỉ XX. Tác giả Houle<br />
với tác phẩm: Nghiên cứu động cơ học tập của những người trưởng thành (1961), tác giả Allen<br />
Tough công bố: Những dự án học tập dành cho người lớn (1971). Về cơ bản, các khái niệm về<br />
HTTĐH của tác giả Malcolm Knowles: “Tự định hướng học tập”: là xây dựng mục tiêu học tập,<br />
xác định nguồn lực con người và vật chất cho việc học tập, lựa chọn và thực hiện các chiến lược<br />
học tập thích hợp, và đánh giá kết quả học tập (1975), tác giả Dana Skiff với công trình: Tự nghiên<br />
cứu (2009). Những công trình trên đã góp phần xây dựng cơ sở lí luận cho HTTĐH. Cho đến<br />
nay, sự phát triển của nhiều ý tưởng mới, đã làm xuất hiện nhiều khuynh hướng về HTTĐH. Ví<br />
dụ: học tập tự nghiên cứu, học tập hàm thụ, học tập qua mạng internet, học tập theo kế hoạch cá<br />
nhân,. . . [1].<br />
Trong quá trình HTTĐH, người học và GV sẽ cùng thảo luận để đưa ra kế hoạch hoạt động,<br />
quyết định nên học cái gì cho phù hợp với mục tiêu trước mắt, mục tiêu lâu dài. Mục đích của GV<br />
30<br />
<br />
Học tập tự định hướng – nhằm phát huy tính chủ động, tích cực cho sinh viên trong bối cảnh...<br />
<br />
là đáp ứng nhu cầu thực tế của người học. Phương pháp này rất thích hợp để phát triển các kĩ năng<br />
học tập của con người như: kĩ năng nghiên cứu sáng tạo, kĩ năng độc lập nghiên cứu khoa học. . .<br />
<br />
2.2.1. Học tập tự định hướng<br />
HTTĐH là một phương pháp dạy học mà chiến lược hoạt động được tích hợp từ sự chủ động<br />
của SV, tự điều khiển quá trình nhận thức thông qua kế hoạch học tập bên cạnh GV cố vấn.<br />
HTTĐH yêu cầu GV thực hiện chuỗi hoạt động sau:<br />
+ Cung cấp thông tin khi nào và làm thế nào để sử dụng các chiến lược về trí tuệ trong quá<br />
trình học.<br />
+ Minh họa rõ ràng làm thế nào để sử dụng các chiến lược này để tìm ra giải pháp cho các<br />
vấn đề thực tiễn.<br />
+ Khuyến khích người học chủ động đi xa hơn các thông tin đã có, dựa trên suy nghĩ và<br />
hiểu biết có sẵn của mình.<br />
+ Dần dần chuyển trách nhiệm học tập sang cho người học thông qua các bài tập thực hành,<br />
hội thoại hỏi đáp, các cuộc bàn luận...<br />
<br />
2.2.2. Các bước trong giảng dạy tự định hướng học tập cho từng cá nhân<br />
+ Đưa ra nhiệm vụ học tập, và quan sát người học tiếp cận nhiệm vụ đó ra sao (ví dụ: đọc<br />
một tập truyện ngắn để làm kiến thức nền cho một bài luận).<br />
+ Yêu cầu SV giải thích đã tiếp cận việc học thông tin nền mà GV đưa ra để viết bài luận<br />
như thế nào (điều này giúp SV lí giải hướng tiếp cận về nhận thức (cognitive approach) của chính<br />
mình.<br />
+ Miêu tả và làm mẫu cho SV một quá trình hiệu quả hơn để sắp xếp những kiến thức mà<br />
các em đọc được, ví dụ như giải thích việc dùng các câu hỏi vào cuối mỗi bài giúp đọc tập trung<br />
hơn, nhấn mạnh các ý chính ở mỗi đoạn, và việc viết các ý cốt lõi của bài sang một trang khác<br />
giúp cho việc xem lại dễ dàng hơn.<br />
+ Đưa cho người học những nhiệm vụ tương tự khác.<br />
+ Cho người học cơ hội thực hành kĩ năng HTTĐH, lần này vai trò của GV giảm xuống, trở<br />
thành người giám sát.<br />
+ Kiểm tra sự tiếp thu và quá trình sắp xếp nhận thức (cognitive organization) của người<br />
học, đưa ra những phản hồi để gợi ý hay sửa chữa bài làm của các em.<br />
Những nhà quản lí, cùng với các bậc phụ huynh và SV, cần hiểu biết về các yếu tố trong<br />
HTTĐH, như động lực của chính người học, mục tiêu rõ ràng, lĩnh hội kiến thức... Một SV thực sự<br />
có động lực từ bên trong sẽ thực hiện một hành vi “vì chính bản thân mình, vì niềm vui mà hành<br />
vi đó đem đến, vì kiến thức của bài học mang lại!”<br />
Dạy học tự định hướng (DHTĐH) là hoạt động dạy học mang tính cá biệt hoá. Quá trình<br />
dạy học dựa trên nhu cầu, năng lực của người học và diễn ra theo phương hướng, chiến lược do<br />
người học tự xác định. Để thực hiện tốt DHTĐH đòi hỏi GV phải có hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực<br />
khoa học chuyên ngành, thường xuyên cập nhật kiến thức, tự nâng cao trình độ chuyên môn, trau<br />
dồi sinh ngữ và nghiệp vụ sư phạm để có thể làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn SV. Đồng thời<br />
GV cũng phải có năng lực tổ chức để có thể quản lí, giám sát hoạt động học tập của lớp học. [5]<br />
<br />
2.3.<br />
<br />
Đề xuất mô hình và qui trình HTTĐH<br />
<br />
Theo quan điểm của cá nhân, tác giả đề xuất mô hình hoạt động HTTĐH (Hình 1) bao gồm<br />
các giai đoạn cơ bản như sau:<br />
31<br />
<br />
Trương Minh Trí, Bùi Văn Hồng, Võ Thị Xuân<br />
<br />
2.3.1. Giai đoạn 1: Hoạch định<br />
Đánh giá hiệu quả học tập hiện tại. Đây là năng lực của chủ thể thực hiện thuần thục một<br />
hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả<br />
mong đợi. Để quá trình HTTĐH diễn ra thành công, người học cần thiết lập cơ sở hoạch định để<br />
định hướng của hành động. Đó là hệ thống định hướng và chỉ dẫn mà chủ thể có thể sử dụng nó để<br />
thực hiện một hành động xác định nào đó. Nó có chức năng nhận thức đối tượng, vạch kế hoạch,<br />
kiểm tra và điều chỉnh hành động theo kế hoạch.<br />
<br />
Hình 1. Mô hình Học tập tự định hướng<br />
<br />
2.3.2. Giai đoạn 2: Tổ chức thực hiện<br />
Khi xác định được mục tiêu, nội dung và phương pháp học. Người học phải xây dựng được<br />
kĩ năng tổ chức học tập. Tổ chức thực hiện kế hoạch; có thể là kế hoạch ngắn hạn, dài hạn cho<br />
chương trình đào tạo, hoặc kế hoạch cho từng môn học, từng phần. . . Điều cần thiết là kế hoạch<br />
phải được thiết lập rõ ràng, được tổ chức thực thực hiện cho từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện<br />
và hoàn cảnh của người học. Như vậy, người học có thể tiếp cận và chiếm lĩnh tri thức một cách dễ<br />
dàng.<br />
Muốn thực hiện thành công kế hoạch mình đã tạo lập, người học cần có một số kĩ năng sau:<br />
- Tiếp cận thông tin.<br />
- Vận dụng tri thức, thông tin.<br />
- Trao đổi, phổ biến thông tin.<br />
- Tổng hợp, xử lí các thông tin.<br />
Vận dụng bốn kĩ năng trên sẽ giúp cho người học đạt được tổ chức thực hiện kế hoạch<br />
HTTĐH.<br />
<br />
2.3.3. Giai đoạn 3: Tự kiểm tra, đánh giá học tập<br />
Bước sau cùng của HTTĐH; là người học tự đánh giá được kết quả học tập của mình, biết<br />
được năng lực học tập của bản thân, hiểu được cái gì mình làm được, cái gì mình chưa làm được<br />
để từ đó có hướng phát huy hoặc khắc phục.<br />
<br />
2.3.4. Vận dụng các phương pháp tự học vào mô hình HTTĐH cho SV<br />
Mô hình HTTĐH của tác giả Hiemtra. Thông qua mô hình này, cả người học lẫn người dạy<br />
đều có thể cải tiến liên tục chất lượng cũng như trình độ của việc học. Đây là một trong số các mô<br />
hình được sử dụng rộng rãi nhất trong việc thiết kế chương trình học, thiết kế bài giảng, trong việc<br />
huấn luyện cũng như trong các hướng dẫn học tập cho các khóa học.<br />
32<br />
<br />