intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hôn nhân và cuộc sống gia đình thời trung cổ ở châu Âu (Thế kỉ V đến thế kỉ XV)

Chia sẻ: ĐInh ĐInh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

65
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Khi tìm hiểu về các nước phương Tây, ta không thể không tìm hiểu về chính cuộc sống thường ngày của họ mà trong đó mảng hôn nhân và cuộc sống gia đình đóng một vai trò hết sức quan trọng. Liệu rằng, cư dân phương Tây trong lịch sử đã có những quan niệm như thế nào về tình yêu đôi lứa, về cuộc sống gia đình, vị trí người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, những quan điểm đó có giống hay khác với con người phương Đông? Nghiên cứu này tìm hiểu về hôn nhân và cuộc sống gia đình thời trung cổ ở châu Âu (Thế kỉ V đến thế kỉ XV), mời các bạn cùng tham khảo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hôn nhân và cuộc sống gia đình thời trung cổ ở châu Âu (Thế kỉ V đến thế kỉ XV)

  1. Kỉ yếu Hội nghị sinh viên NCKH HÔN NHÂN VÀ CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH THỜI TRUNG CỔ Ở CHÂU ÂU (THẾ KỈ V ĐẾN THẾ KỈ XV) Võ Thành Lộc, Dương Thủy Tiên (Sinh viên năm 3, Khoa Lịch sử) GVHD: ThS Nguyễn Thị Trà My Trong thế giới hôm nay, khoảng cách Đông – Tây đã trở nên gần gũi và nhu cầu hiểu biết lẫn nhau đòi hỏi ở một mức độ tinh tế hơn. Trong những mối quan hệ giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ, những quan hệ về chính trị được giới nghiên cứu quan tâm khá nhiều và khai thác tìm hiểu gần như triệt để. Tuy nhiên những vấn đề khác như kinh tế, văn hóa, tôn giáo… cũng là những nội dung cần được chú ý. Trong đó, phải kể đến những nét đặc trưng về văn hóa nói chung và sinh hoạt văn hóa hàng ngày của các cộng đồng dân cư nói riêng. Tìm hiểu về các nước phương Tây, ta không thể không tìm hiểu về chính cuộc sống thường ngày của họ mà trong đó mảng hôn nhân và cuộc sống gia đình đóng một vai trò hết sức quan trọng. Liệu rằng, cư dân phương Tây trong lịch sử đã có những quan niệm như thế nào về tình yêu đôi lứa, về cuộc sống gia đình, vị trí người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, những quan điểm đó có giống hay khác với con người phương Đông? 1. Hôn nhân và cuộc sống gia đình ở châu Âu (thế kỉ V – X) 1.1. Hoàn cảnh lịch sử Từ thế kỉ V đến X, châu Âu có bước chuyển ngoặt lớn trong thời Trung cổ. Người German tràn vào cương giới Roma và lập nên những quốc gia tươi trẻ của họ thế kỉ V – VI. Người Hi Lạp gọi những người ngoài đế chế là người Man tộc. Còn người La Mã miêu tả người Man tộc là những người sống du mục, hung dữ, cao to. Chính sự thiên di ngang dọc khắp châu Âu của họ đã tạo nên sự hòa trộn về ngôn ngữ, dòng máu và sự xuất hiện của những tộc người mới ở châu Âu. Khi vào lãnh thổ của Roma, người German đã thủ tiêu bộ máy nhà nước cũ, thành lập nhiều vương quốc mới trên lãnh thổ cũ của đế quốc La Mã ở Tây Âu và Bắc Phi, bao gồm vương quốc của người Visigoth, Ostrogoth, Vandal, Frank, Lombard, Anglo-Saxon, Burgundy. Trong quá trình di cư, người German cũng từ bỏ các tôn giáo nguyên thuỷ của mình và tiếp thu Thiên Chúa giáo. Chính sự tiếp thu tôn giáo này đã tác động đến mọi mặt cuộc sống con người trong xã hội châu Âu Trung cổ, trong đó có hôn nhân và cuộc sống gia đình. Người mới dần hòa nhập vào cuộc sống mới ở một xã hội phát triển cao hơn và tiếp thu những gì ưu tú của xã hội cũ. Cuộc sống nay đây mai đó của những tộc người German không còn nữa, họ bắt đầu ổn định, tạo dựng cho mình một cuộc sống mới trên nền một nền văn minh Hi - La rực rỡ đã từng tồn tại. 98
  2. Năm học 2015 - 2016 1.2. Quan niệm về tình yêu, hôn nhân trong xã hội châu Âu thế kỉ V – X Vào đầu thời Trung cổ, tình yêu và hôn nhân không gắn liền với nhau. Những cuộc hôn nhân được xem là cao quý thường được sắp xếp bởi các bậc cha mẹ để tăng cường tính liên minh giữa hai gia đình và sự giàu có của mỗi gia đình. Họ quan tâm về lợi ích chính trị và tài chính, chứ không phải là làm thế nào các cặp vợ chồng cảm thấy tốt về nhau. Mặc dù vậy, đối với tinh thần hiệp sĩ, tình yêu lại là một sự gắn kết mật thiết nhưng thường là giữa hiệp sĩ với những người phụ nữ quý tộc, không dành cho những phụ nữ nông dân. Bởi thế đã có rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử ca ngợi về sự thuần khiết, trong trẻo của tình yêu. Vấn đề về hôn nhân trong giai đoạn này cũng thật sự khắt khe bởi những quy ước của giáo lí, đặc biệt là đạo Cơ đốc giáo. Vấn đề hôn nhân không còn là chuyện giữa hai người nam và nữ hay giữa hai gia đình mà còn kèm theo những vấn đề khác như kinh tế và chính trị. Về chính trị, hôn nhân được xem như công cụ đảm bảo mối liên minh tốt đẹp, sự bình yên giữa hai lãnh địa, thậm chí có những cuộc hôn nhân đã được định sẵn từ khi hai người còn nhỏ hay chưa ra đời. Về kinh tế, hôn nhân đưa đến hệ quả lớn về thừa kế gia sản. Ví dụ như một người con gái được thừa kế một vùng lãnh thổ hay một khối lượng tài sản lớn mà một mình cô gái không thể đảm đương hết được, thì cần phải có một người đàn ông uy quyền bên cạnh để bảo vệ cô gái, giúp cô cáng đáng mọi việc. Nhưng trong suốt thời Trung cổ, người con gái có hai sự lựa chọn để thoát khỏi “tội của Eva” đó là trở thành độc thân khi làm những nữ tu hay kết hôn khi đủ 12 tuổi trở đi vì lúc này thể chất của cô gái đã sẵn sàng cho một mối quan hệ tình dục [13]. Đám cưới sẽ được diễn ra tại nhà thờ và nhận được những lời chúc mừng của mọi người đến dự, trang phục cưới cũng phụ thuộc vào từng tầng lớp trong xã hội, với một cặp vợ chồng nông dân thì quần áo cưới sẽ là bộ quần áo tốt nhất mà họ có hoặc có thể được chuẩn bị riêng, còn với những người thuộc tầng lớp trên thì trang phục có phần cầu kì hơn. Màu sắc của áo cưới thường là màu xanh lá cây, màu tượng trưng cho tình yêu của tuổi trẻ, hay màu xanh biểu tượng truyền thống cho sự tinh khiết, còn màu trắng mà ngày nay các cô dâu đều lựa chọn thì thời Trung cổ, nó không bao giờ được chọn vì họ cho rằng đó là màu sắc của tang tóc. Hoa lily và hoa hồng là lựa chọn phổ biến cho các đám cưới và sẽ được rải trên sàn nhà giữa những cây cỏ ở các tiệc cưới. Người phụ nữ được đeo một vòng hoa trên đầu, tục lệ mang theo một bó hoa vẫn chưa xuất hiện thời Trung Cổ [10]. Bên cạnh đó, trong xã hội châu Âu Trung cổ còn tồn tại thứ tình yêu được cho là trái quy luật của tự nhiên và nhận phải sự trừng phạt của Giáo hội, đó là tình yêu đồng giới. Để làm rõ mối quan hệ này, chúng ta hãy trở lại thời kì Hi - La cổ đại, đặc biệt là Hi Lạp. Có thể nói, các thuật ngữ cổ về tình dục đồng giới đều bắt nguồn từ trong thần thoại của Hi Lạp như: Homosexuality (tính dục đồng giới – gốc Hi Lạp “Homos” có nghĩa là giống nhau), Nymphomania (chứng cuồng dâm ở đàn bà – gốc Nymph), Pederasty (tình dục đồng giới nam – gốc paiderastia)… Như vậy từ xa xưa thì tình dục đồng giới ở cả nam và nữ đều đã xuất hiện [6;12]. 99
  3. Kỉ yếu Hội nghị sinh viên NCKH 1.3. Cuộc sống và các mối quan hệ trong gia đình ở xã hội châu Âu thế kỉ V – X Trong thời Trung cổ ở châu Âu, hôn nhân không có gì gọi là tình yêu hay lãng mạn mà đó là một sự sắp đặt. Hôn nhân là sự sắp đặt của hai bên gia đình vì những lợi ích khác nhau. Ai cũng muốn con mình kết hôn với những người có địa vị, giàu có để nhận được những đặc quyền. Người con gái kết hôn, tức là gia đình mất đi một người lao động và vì thế cha cô gái phải có trách nhiệm bồi thường cho chúa đất trước khi cô gái kết hôn và rời khỏi nhà. Đôi vợ chồng kết hôn với nhau không có nghĩa là có thêm nhà mới. Ở châu Âu trung đại, các gia đình luôn gắn kết với nhau, với dòng họ, với mảnh đất mà họ đã sinh ra. Nên chuyện của một người cũng được cả họ quan tâm và “hôn nhân” cũng là một trong số đó. Việc chọn lựa người bạn đời của nhau phải được cả họ đồng ý. Sau khi kết hôn, cặp vợ chồng sẽ về sống chung dưới một mái nhà với nhiều thế hệ khác nhau và thường là nhà của bố mẹ chồng. Tuy nhiên, cặp vợ chồng cũng có thể ở nhà bố mẹ vợ khi nhà bố mẹ vợ không có anh hay em trai. Cuộc sống gia đình cứ thế mà dung nạp thêm những thành viên mới, qua nhiều thế hệ tiếp nhận như vậy, nó sẽ trở thành một “cộng đồng gia đình” bền vững, gắn kết với nhau dưới một mái nhà. Như vậy, chính “cộng đồng gia đình” mới là tế bào của xã hội, chứ không phải gia đình nhỏ của hai người. Người ta thu thuế, đi nghĩa vụ quân sự hay đi dân công cho cộng đồng ấy – nội bộ các thành viên sẽ tự thu xếp với nhau. Trong các gia đình bình dân, chỉ khi cái cộng đồng ấy tan rã – chứ không phải người này hay người kia chết – mới diễn ra cái mà người ta gọi là quyền thừa kế. Nhiều cộng đồng như thế sống êm ấm với nhau dưới một mái nhà trong nhiều thế kỉ. Ở nước Pháp, chỉ sau cách mạng tư sản thì “cộng đồng gia đình” ấy mới có sự thay đổi [4;107]. Trong hôn nhân, sinh nở cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Đứa trẻ sinh ra trong gia đình một nông nô dù là gái hay trai đều sẽ trở thành nguồn lao động phục vụ cho lãnh chúa. Đồng thời, xã hội Châu Âu lúc này, tuổi thọ dân số thấp vì người ta kết hôn quá sớm, sinh nở sớm nên chết sớm (trung bình tuổi thọ của nữ dưới 30 tuổi) nên rất cần một lực lượng lao động bổ sung. Cũng theo Thiên Chúa Giáo, mọi con người khi vừa sinh ra đều có tội nên đứa trẻ ngay sau sinh sẽ được rửa tội bằng cách bỏ hết quần áo, nhúng vào chậu nước thánh và lau khô. Trong gia đình Trung cổ, người phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là phụ nữ nông dân. Ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ thì người phụ nữ phải có trách nhiệm chăm lo cho gia đình ấy. Phụ nữ quý tộc có cuộc sống khác phụ nữ nông dân. Cuộc sống hằng ngày của người phụ nữ quý tộc chủ yếu xoay quanh việc ăn, uống, lập kế hoạch cho đám cưới hoặc lễ và thậm chí là cả chuyện phiếm. Người phụ nữ có vai trò quan trọng nhưng địa vị của họ trong gia đình phần lớn lại không tương xứng. Phần đông họ không có tiếng nói và luôn thụ động trong mọi việc, ngay cả chuyện li dị. Sau khi li dị, người phụ nữ không thể sở hữu bất cứ loại tài sản gì, trừ khi họ là góa phụ. Góa phụ có thể thừa kế khi họ có con nhỏ, hoặc nếu quy 100
  4. Năm học 2015 - 2016 định đã được thực hiện cho họ thừa kế. Người phụ nữ không thể thừa kế đất từ cha mẹ nếu họ có bất kì anh em nào còn sống. 2. Hôn nhân và cuộc sống gia đình ở châu Âu (thế kỉ XI - XIII) 2.1. Hoàn cảnh lịch sử Vào cuối thế kỉ XI, châu Âu diễn ra cuộc viễn chinh lớn gọi là Thập tự chinh. Thập tự chinh là cuộc hành quân lớn của nhiều nước châu Âu với hình cây thập tự trên áo. Họ hành quân dưới sự hô hào của Giáo hoàng Roma nhằm đánh đuổi người Seljuk Turks ra khỏi vùng đất thánh Giêrudalem (Palestin ngày nay). Nhưng nguyên nhân sâu xa của những cuộc Viễn chinh thập tự này bắt nguồn từ tham vọng của tòa thánh Roma và phong kiến Tây Âu đối với những vùng đất giàu có ở Palestin và vùng Tây Nam Á ngày nay. Những cuộc Thập tự chinh dài ngày, tốn nhiều thời gian, của cải và hi sinh rất nhiều người nhưng cuối cùng đều bị thất bại. Chính sự thất bại ấy đã làm biến đổi bộ mặt châu Âu trung đại. Từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIII, kinh tế lãnh địa và kinh tế hàng hóa cùng song song tồn tại (nhưng vẫn lệ thuộc lãnh địa). Tây Âu giữ được một lợi thế là tư hữu hoàn toàn và chính sự thừa nhận chế độ tư hữu hoàn toàn này đã quyết định sự phát triển của Tây Âu thời Trung đại [11]. Sự hứng khởi của các thành thị đã tác động, làm thay đổi đến đời sống chính trị và văn hóa Tây Âu lúc bấy giờ. Và dĩ nhiên, nó cũng góp phần chi phối quan niệm về tình yêu, hôn nhân và gia đình của cư dân phương Tây trung đại thế kỉ XI - XIII. 2.2. Quan niệm về tình yêu, hôn nhân trong xã hội châu Âu thế kỉ XI – XIII Từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIII, những tộc người German xưa kia đã kịp hòa mình vào nền văn minh mà người Hi Lạp, La Mã để lại. Sau một thời gian thích nghi, họ đã bắt đầu chú ý hơn đến đời sống hàng ngày, gia đình đóng vai trò là trung tâm giáo dục, chính trị và tôn giáo của tầng lớp thượng lưu, hôn nhân chủ yếu được xem như là công cụ để tham gia một bước về phía trước trong thang thứ bậc và chức năng cung cấp cho gia đình các mối liên minh mạnh mẽ. Trong thế kỉ XII, tình yêu lãng mạn đã trở thành gần như phổ biến, nguồn gốc của nó còn mơ hồ, có lẽ xuất phát từ các tác phẩm của Ovid (một nhà thơ sống thời La Mã cổ đại), nó tạo ra những giá trị kỉ niệm và thường được khám phá trong bài hát, những câu chuyện - mà ta chỉ cần nhìn vào những bộ phim hiện đại và âm nhạc để thấy di sản vẫn còn tồn tại với chúng ta. Ví như câu chuyện “Tristan và Iseult” được đánh giá là một chuyện hay nhất về tình yêu thời Trung cổ bởi chuyện kể về một mối tình đầy lãng mạn giữa chàng hiệp sĩ Tristan thay chú mình là vua Mark ở xứ Cornwall lên đường đến Ireland cầu hôn công chúa Iseult. Trong những thế kỉ trước, giáo hội nắm trong tay quyền kiểm soát mọi mặt trong cuộc sống, trong đó có cả hôn nhân, quan hệ vợ chồng. Bước sang thế kỉ XII, một loạt các cải cách giáo hội được đưa ra, từ một quan điểm khá khắc khe của Thiên Chúa giáo 101
  5. Kỉ yếu Hội nghị sinh viên NCKH đã bắt đầu đặt trọng tâm mới về nhân loại của Chúa Kitô, quan hệ yêu đương hay vợ chồng đã được nới lỏng hơn trước. Cuộc sống tinh thần của người dân bình thường đã được công nhận và người dân được khuyến khích để có một mối quan hệ tình cảm riêng tư như tình yêu với Thiên Chúa. Song bên cạnh đó, một cuộc hôn nhân vì mục đích kinh tế hay chính trị vẫn được xem là phổ biến trong xã hội. * Vấn đề tình dục và tình dục đồng giới Bất cứ ai coi trọng luân lí về Ki-tô giáo, quan hệ tình dục không phải là một lựa chọn. Độc thân là cách lí tưởng để tiến hành cuộc sống và quan hệ tình dục đã được tha thứ chỉ như một phần của hôn nhân. Trước hôn nhân hay ngoài hôn nhân, quan hệ tình dục là một nguy cơ nghiêm trọng. Các linh mục được yêu cầu phải báo tội ngoại tình và những người này sẽ phải đền tội cho đến chết. Trong thời kì này, dương vật giả đã bắt đầu được sử dụng. Phụ nữ đã là người sử dụng dương vật giả và đây cũng là một trong những tội lỗi được Giáo hội quy định. Dương vật giả không thật sự được sử dụng phổ biến cho đến thời Phục hưng. Lời giải thích huyền ảo về nguồn gốc của dương vật giả là một ổ bánh dài nhỏ của bánh mì với hương vị thì là [12]. Mại dâm phát triển mạnh trong giai đoàn này khi các thành thị mọc lên ngày càng nhiều, Giáo hội không chấp nhận nó. Ở các thành phố lớn, gái mại dâm có thể thực hành nghề nặc danh và nó được coi là một nghề lương thiện và cần thiết. Trong một thời gian, Giáo hội đã chấp nhận mại dâm. Nó được coi như để ngăn chặn ngoại tình và đồng tính luyến ái trên quy mô lớn hơn. Thánh Thomas Aquinas đã viết: “Nếu mại dâm đã bị dập tắt, theo lòng ham muốn bất cẩn sẽ lật đổ xã hội” [11]. Nếu người đàn ông không thể quan hệ tình dục, Giáo hội sẽ cho người đến để kiểm tra. Giáo hội sẽ mang một nhóm được gọi là “thám tử tư” – cô thôn nữ khôn ngoan sẽ kiểm tra dương vật của chồng và đánh giá sức khỏe để xem là có quan hệ tình dục được hay không. Nếu dương vật bị biến dạng hay vì một lí do nào đó mà không quan hệ tình dục được thì cặp vợ chồng sẽ được tách ra (li hôn). Theo những tài liệu giáo lí thời kì này, Giáo hội Thiên Chúa coi đồng tính luyến ái là “hành vi chống lại tự nhiên” và cần phải bị cấm đoán triệt để. Từ khoảng thế kỉ XII, nhà thờ bắt đầu áp dụng những hình phạt cực kì nghiệt ngã cho những kẻ mắc tội lỗi này. Họ có thể bị thiêu sống, bị tra tấn tới chết hoặc nhốt vào lồng, treo trên cao và bỏ đói cho đến chết. Hình phạt cho “tội” đồng tính luyến ái rất nghiêm ngặt. Ở thế kỉ XIII, nếu vi phạm lần đầu sẽ bị cắt bỏ tinh hoàn, làn thứ hai sẽ bị phanh thây, còn lần thứ ba là bị thiêu. Còn với đồng tính nữ cũng bị trừng phạt nghiêm ngặt và cũng sẽ bị thiêu nếu phạm tội lần thứ ba. 102
  6. Năm học 2015 - 2016 2.3. Cuộc sống và các mối quan hệ trong gia đình ở xã hội châu Âu thế kỉ XI – XIII Từ thế kỉ XI –X III, cuộc sống của con người có phần nhẹ nhàng hơn, con người nhanh chóng xây dựng gia đình của riêng mình. Và cũng chính giai đoạn này, những cuộc Thập tự chinh theo lời kêu gọi của Tòa thánh Roma đến Vùng đất thánh Giesuzalem kết thúc với nhiều thay đổi. Đặc biệt là dân số châu Âu giảm xuống do những cuộc hành quân xa xôi, kéo dài này mang lại. Để bù đắp dân số, sinh con được khuyến khích, tỉ lệ sinh ngày càng tăng. Chính vì vậy, đứa trẻ ra đời được chào đón một cách hoan hỉ. Ngay các gia đình đông con cũng không ngoại lệ. Nhà vua nêu gương trước: Saint Louis có 10 anh chị em, mặc dù mẹ vua ở góa từ lúc còn trẻ. Bản thân nhà vua có 11 con với vợ là hoàng hậu Marguerite de Provence. Con trai là Philippe III chỉ có 6 con; Isabeau de Baviere sinh 12 con, dù nghe nói tất cả không phải là con chính thống. Lí lẽ và thực tế đi đôi, Thánh Thomas d’Aquin nói: “Gia đình nào không nhung nhúc trẻ con không phải là gia đình hoàn hảo” [4; 79]. Bên cạnh đó, vào thời gian này chế độ đa thê đã bắt đầu xuất hiện nhiều. Trong hoàn cảnh dân số bị tác động dữ dội do có quá nhiều người tử vong, người ta muốn dựa vào đa thê nhằm hi vọng gia tăng số con cái có được và tục này càng được áp dụng khi người đàn ông có nhiều tài sản và quyền lực. Đa thê chiếm ưu thế ngay chính tại nhà của những vương hầu, tự hào là những tín đồ Ki-tô giáo tốt. Đa thê không được Giáo hội chấp nhận nhưng vẫn tồn tại và kéo dài đến tận thế kỉ XII mới kết thúc, ít ra là trong giới quý tộc. Và tục lệ này không chỉ giới hạn nơi người Normand và người Saxon: Phippe Đệ nhất vào thế kỉ XI, Philip Auguste vào thế kỉ XII cũng có tình nhân nhưng chưa bao giờ được Giáo hoàng chấp nhận [3; 144]. 3. Hôn nhân và cuộc sống gia đình ở châu Âu (thế kỉ XIV - XV) 3.1. Hoàn cảnh lịch sử Bước sang thế kỉ XIV - XV châu Âu có nhiều biến đổi quan trọng, đặc biệt là khu vực Tây Âu. Thời kì này, thành thị mới tách ra khỏi lãnh địa, nền kinh tế hàng hóa phát triển thay cho nền kinh tế lãnh địa, tức là thay địa tô vật sang địa tô tiền. Từ đây, tầng lớp lãnh chúa phong kiến nghèo đi còn tầng lớp thị dân thì giàu có lên và đời sống xã hội, văn hóa, chính trị bắt đầu có những chuyển biến mới. Bên cạnh đó ở Tây Âu nói chung, chế độ phong kiến đang phát triển từ chế độ phong kiến phân quyền sang chế độ phong kiến tập quyền. Quá trình ấy diễn ra tương đối sớm ở Pháp, Anh, Tây Ban Nha… nhưng tiêu biểu vẫn là nước Pháp. Trong thời gian này, châu Âu xuất hiện một bệnh dịch với tên gọi cái chết đen (Black Death). Cái chết đen là một đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu mà đỉnh điểm là ở châu Âu vào thế kỉ XIV. Sự tàn phá của cái chết đen đã dẫn đến nhiều thay đổi trong xã hội châu Âu như sự ra đời của nhiều tôn giáo mới hay sự chuyển đổi về cơ bản của kinh tế và xã hội châu Âu, tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc tới tiến trình lịch sử của 103
  7. Kỉ yếu Hội nghị sinh viên NCKH khu vực này. Sau đại dịch này, ước tính châu Âu phải mất 150 năm để phục hồi dân số như trước thời đại dịch. 3.2. Quan niệm về tình yêu, hôn nhân và gia đình trong xã hội châu Âu thế kỉ XIV – XV Bước sang thế kỉ XIV - XV quan niệm về tình yêu, hôn nhân và gia đình trong xã hội trung cổ châu Âu có sự thay đổi. Cái chết đen đã làm lung lay lòng tin của con người với Ki-tô giáo vì trong đại dịch họ chỉ biết cầu nguyện Thiên Chúa nhưng kết quả là cái chết vẫn đến với họ. Sự chi phối của Giáo hội đối với người dân ngày càng giảm sút và về nhiều mặt sự quản lí của Giáo hội không còn chặt chẽ như trước, trong đó có hôn nhân. Bên cạnh đó, một số nghi thức cưới, hỏi trong thời kì này cũng có sự thay đổi. Sự thay đổi ấy thể hiện qua những lễ hỏi, công khai hóa toàn bộ hợp đồng cam kết hôn ước giữa hai gia đình, nghi thức đám cưới… và nó sẽ trở thành khuôn mẫu cho những nghi lễ cưới hỏi ngày nay. Và trong giai đoạn này, việc tiến đến hôn nhân và nghi thức đám cưới của quý tộc, đại lãnh chúa hay nhà vua và nông dân cũng có sự khác nhau. Đầu tiên, đó là những cuộc hôn nhân của các gia đình quý tộc. Một người đã tham dự cuộc tiếp xúc hôn nhân của một gia đình quý tộc thế kỉ XIV ghi lại (đây có thể là một cảnh của đời sống tỉnh lẻ): “Một lần, người ta nói với tôi là tôi sẽ lấy một cô gái quý tộc xinh đẹp có cha và mẹ. Lãnh chúa sẽ đưa tôi đến gặp cô ấy. Khi chúng tôi đến đó, mọi người đón tiếp rất thân mật, niềm nở. Tôi nhìn cô gái được giới thiệu cho tôi và hỏi rất nhiều điều để hiểu con người cô. Tôi nói với cô ta bằng giọng mềm mỏng của một tù nhân: “Thưa tiểu thư, tôi mong được là tù nhân của cô hơn là tù nhân của những người khác và tôi nghĩ rằng nhà tù của cô sẽ không khắc nghiệt hơn nhà tù của người Anh”. Tiểu thư đó trả lời tôi rằng cô chưa thấy người cô muốn bỏ tù. Lúc đó, tôi hỏi cô liệu cô có bỏ tù anh ta không, và cô ấy trả lời là không, rằng cô sẽ yêu quý anh ta như chính bản thân mình. Và tôi nói với cô ấy rằng người đàn ông đó sẽ rất hạnh phúc khi ở trong một nhà tù dịu dàng và cao quý đến thế. Tôi sẽ nói gì với các ngài ư? Tiểu thư đó có khiếu ăn nói và theo những lời của nàng thì dường như nàng biết ưu điểm của mình và là người có con mắt sắc sảo. Tuy nhiên, trước khi tôi về, nàng khá bạo dạng khi đề nghị tôi, hai hoặc ba lần gì đó, đến nhà chơi… Ôi ước gì tôi chẳng dính dáng gì đến cô nàng và biết được người ta nói gì về đám cưới của chúng tôi. Về đến nhà, lãnh chúa hỏi tôi: “Ngươi thấy tiểu thư ấy thế nào?” Tôi đáp: “Thưa ngài, đó là một cô gái đẹp và tốt nhưng tôi không hợp với cô ấy”. Tôi nói với ông những suy nghĩ của tôi về cô. Và thế là đám cưới không thành” [4; 113]. Nhà thờ sẽ là thực thể giữ gìn những lời cam kết, chính thức công nhận lễ đính hôn bằng một nghi thức mà ngày nay ở một vài nơi người ta muốn khôi phục lại. Đôi bạn trẻ, tức chàng trai và cô gái đi cùng với cha mẹ và bạn bè đến nhà thờ và được linh mục mặc lễ phục ra đón từ vòm cổng. Sau khi hỏi lại tên tuổi, linh mục hỏi những lời định sẵn: “Martin, anh có thề là sẽ lấy Berthe làm vợ, nếu Giáo hội chí thánh đồng ý?” 104
  8. Năm học 2015 - 2016 Martin đáp: “Tôi xin thề”. Cũng câu đó hỏi vị hôn thê. Rồi linh mục nói (bằng tiếng Latinh): “Và ta đính hôn hai người nhân danh Cha, Con và Đức Thánh thần. Anmen!” [4; 114]. Ngày lành đã đến, đôi tân nhân đi tới, mặc trang phục đẹp, màu sắc rực rỡ (màu đỏ rất được ưa chuộng), đội vòng kết bằng hoa hoặc vàng bạc. Đội vòng trong các ngày lễ hội là chuyện thường xuyên, nhất là bạn trẻ, ở tất cả các tầng lớp xã hội. Và các đám cưới rước đến nhà thờ thường được kèm theo đoàn người giả hình mọi. Cô dâu để tóc xõa, dấu hiệu của sự trinh bạch, hoặc trùm một khăn mỏng. Họ được cha mẹ, hoặc cha mẹ đỡ đầu dẫn lên, đi trước là đội nhạc, theo sau là bạn bè. Họ nói với nhau những lời thề ước, có thể nói tự nhiên, hay nói theo từng câu nói của linh mục. Tiếp đến linh mục ban phước lành, rồi hai bên trao nhẫn “nhẫn này đi thẳng trái tim, chứng rằng hai lòng đã thuận”. Chiếc nhẫn cưới mà Saint Louis trao cho Marguerite de Provence mang mấy chữ: “Chúa – Pháp – Marguerite”. Đó là theo thứ tự, ba mối tình chiếm trọn trái tim Vua [4; 115]. Đối với đám cưới của đại lãnh chúa và nhà vua so với gia đình quý tộc. Nếu là đám cưới của đại lãnh chúa, hoặc chính nhà vua cưới vợ, gả chồng cho con – đặc biệt là con cả thì các cuộc liên hoan kéo dài và thật tưng bừng. Tiệc cưới được tổ chức giữa trời, phân phát cho toàn dân, rượu thì được rót thoải mái. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để chúng ta thấy được cảnh tưng bừng, náo nhiệt của đám cưới. Tuy nhiên, nếu mọi người đều tham gia thì phải có sự đóng góp vào đám cưới tưng bừng ấy. Và con gái trưởng của lãnh chúa là một trong bốn trường hợp dân phải đóng thuế thêm và đây đã trở thành lệ được tất cả mọi người chấp nhận. Đấy là những lễ cưới của quý tộc, đại lãnh chúa hay của nhà vua, còn đám cưới của gia đình nông dân thì như thế nào? Nếu người lấy vợ cưới chồng là nông dân, thì cả làng đến dự, cả lãnh chúa cũng xuống. Điều này được minh họa qua một tài liệu xứ Normandie đầu thế kỉ XV cho biết: “Ai trên đất này mà có cưới xin, dù cưới người bên trong hay bên ngoài, phải nộp cho lãnh chúa 5 xu, hoặc nếu muốn đến ăn ở nhà chúa, thì phải mang đến hai vò rượu, một tấm bánh mì và một đùi bò”. Còn ở chỗ khác thì: “Ai cưới xin ở đất này, phải nộp một tảng thịt, hai bánh mì và hai vò rượu; với nhà chúa của cô dâu cũng vậy, và họ phải mang tới nhà chúa, có nhạc công đi cùng”. Chỉ những nông dân khá giả, nghĩa là có đất mới nộp những khoản tiền trên, và tất nhiên là thường được quà tặng của lãnh chúa bù lại [4; 117]. 3.3. Cuộc sống và các mối quan hệ trong gia đình ở xã hội châu Âu thế kỉ XIV - XV Chế độ một vợ một chồng vẫn là một quy định nghiêm ngặt, thê thiếp bị coi là không hợp pháp, đáng lên án vì nó trái với đạo đức cũng như Thánh ý và sẽ bị đánh đồng với hành vi gian dâm thuần túy hoặc đa thê. Ở Anh, các gia đình hạt nhân là yếu tố cơ bản trong xã hội như ngày nay, gia đình hạt nhân này gồm chồng, vợ, con cái. Và cũng giống như những thế kỉ trước, người chồng giữ vai trò chủ đạo trong gia đình, vợ 105
  9. Kỉ yếu Hội nghị sinh viên NCKH và con cái phải thực hiện mọi việc theo ý muốn của người chồng. Một trong những chức năng quan trọng nhất của một gia đình là nuôi con nhằm đảm bảo tính tồn tại kéo dài liên tục của các tổ chức gia đình. Đối với các gia đình quý tộc phải có con trai để tiếp tục ghi tên và sức mạnh của gia đình vì thực tế con trai cả của gia đình là một trong những người chịu trách nhiệm cho sự tiếp tục của gia đình. Thế kỉ XIV, châu Âu ngập chìm trong “Cái chết đen”, nó đã làm đảo lộn cuộc sống của tất cả mọi người, đặc biệt là cuộc sống gia đình. Cái chết không buông tha cho bất kì ai, ai cũng có thể dễ dàng lây bệnh và chết. Để chuẩn bị sẵn về tinh thần, người đứng đầu trong gia đình thường chuẩn bị sẵn về một bản di chúc để lo liệu cho những người còn sống một cách hợp pháp về tài sản. Trong di chúc, thường là những vấn đề như sắp xếp cho việc chôn cất, bao gia sản sẽ được bảo tồn và truyền trao, ai sẽ chăm sóc các trẻ nhỏ, ai là người thi hành? [8; 203-212]. Cũng trong thời kì này, phụ nữ có thề làm chủ được cuộc sống của mình. Nhưng trong một xã hội phong kiến, điều đó hoàn toàn không thể và rất khó thực hiện vì người phụ nữ thời kì này phải mang trên mình rất nhiều những quy định nghiêm ngặt của tôn giáo, của lãnh chúa, nó đã ảnh hưởng rất lớn lên tư tưởng của họ, buộc họ phải chấp nhận cuộc sống phụ thuộc và không có tiếng nói trong gia đình hay ngoài xã hội. Phụ nữ nông dân có nhiều hạn chế về hành vi được đặt ra bởi các lãnh chúa của họ. Nếu một người phụ nữ đang mang thai mà không có gia đình, hoặc có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, lãnh chúa sẽ bắt người phụ nữ phải đền bù. Việc kiểm soát cuộc sống phụ nữ nông dân là một chức năng của lợi ích tài chính cho các lãnh chúa. Trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau, cuộc sống hôn nhân và gia đình ở xã hội châu Âu Trung cổ cũng có ít nhiều thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử mới. Thế kỉ V - X, hôn nhân là một sự sắp đặt và phải tuân theo mọi quy định của nhà thờ Thiên Chúa giáo. Tình yêu, tình dục và cuộc sống gia đình đều nằm trong một khuôn khổ chung bởi những quy định của nhà thờ Thiên Chúa giáo. Con người ta kết hôn với nhau không phải vì tình yêu nam - nữ vì hạnh phúc cá nhân mà là vì nhiều lợi ích khác nhau. Người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong gia đình nhưng trái lại thì thân phận của họ không được tôn trọng và đối xử như chính vai trò của họ. Thế kỉ XI - XIII, cuộc sống con người trở nên nhẹ nhàng hơn, người phụ nữ được khuyến khích sinh nở để khôi phục dân số và bắt đầu xuất hiện nhiều hơn tình yêu lãng mạn. Tuy nhiên, mục đích của những cuộc hôn nhân vẫn không thể vượt qua khỏi những tính toán về giá trị kinh tế hay những liên minh về chính trị. Trong giai đoạn này, tình yêu lãng mạn giữa những đôi trai gái bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều trong những tác phẩm thơ ca và được biểu diễn bởi những người hát rong, nó ca ngợi một tình yêu đẹp nhưng không có thật trong thực tế. Tình yêu đồng tính vẫn là một vấn đề đáng tranh cãi khi quan niệm của con người thời kì này cho đó là một việc làm trái với quy luật của tự nhiên. Bước sang thế kỉ XIV, XV quan niệm về tình yêu, hôn nhân và gia đình trong xã 106
  10. Năm học 2015 - 2016 hội Trung cổ châu Âu có sự thay đổi và cuộc sống gia đình bị xáo trộn bởi nạn dịch Cái chết đen. Bên cạnh đó, một số nghi thức cưới, hỏi trong thời kì này cũng có sự thay đổi. Sự thay đổi ấy thể hiện qua những lễ hỏi, công khai hóa toàn bộ hợp đồng cam kết hôn ước giữa hai gia đình, nghi thức đám cưới… và nó sẽ trở thành khuôn mẫu cho những nghi lễ cưới hỏi ngày nay. Thời kì Trung cổ diễn ra khoảng thế kỉ IV-V đến thế kỉ XIV- XV vẫn sẽ tồn tại ít nhiều tăm tối, lạc hậu nhưng giai đoạn lịch sử này vẫn tạo nên những giá trị riêng và góp phần vào sự phát triển của lịch sử châu Âu. Đây là giai đoạn tiền đề tạo nên cộng đồng chung châu Âu thống nhất như ngày nay. Và bước sang thời kì Phục hưng, hôn nhân và cuộc sống gia đình sẽ có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đặng Đức An, Lương Ninh (1976), Lịch sử thế giới Trung đại – quyển 2, tập 1, Nxb Giáo Dục, Hà Nội. 2. Nguyễn Văn Ánh, Nguyễn Gia Phu (2013), Lịch sử thế giới Trung đại, Nxb Giáo dục Việt Nam. 3. Fossier, R., người dịch: Phạm Dũng (2009), Con người thời Trung cổ, Nxb Đà Nẵng 4. Haucourt, D.G., người dịch: Dương Linh, (2001), Đời sống thời Trung cổ, Nxb Thế giới, Hà Nội. 5. Hà Bích Liên (2014), Bài giảng lịch sử thế giới trung đại (ghi chép cá nhân). 6. Nguyễn Trà My (2013), Sinh hoạt văn hóa của cư dân phương Tây thời Trung cổ (thế kỉ V-XV), luận văn thạc sĩ Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm TPHCM. 7. Lương Ninh (chủ biên) (2012), Lịch sử thế giới cổ đại, Nxb Giáo Dục Việt Nam. 8. Isabel Davis, Miriam Müller, Sarah Rees Jones (2003), Love, marriage and famili tie in the later middle age, Brepols Publishers, Turnhout, Belgium. 9. Martha Howell (2003), The Properties of Marriage in Late Medieval Europe: Commercial Wealth and the Creation of Modern Marriage, Publisher: Brepols Publishers. 10. Weddings and the Medieval Woman: http://rosaliegilbert.com/weddings.html 11. Families in Medieval Europe: http://pengzi.maruzen.com/ian/m_europe/16families.htm 12. Sex in the Middle ages: 10 Titillating Facts you wanted to know but were afraid to ask: http://www.oddee.com/item_96646.aspx 13. Sex and Spouses: Marriage, Pleasure and Consummation: http://www.brown.edu/Departments/Italian_Studies/dweb/society/sex/sex- spouses.php 107
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
13=>1