intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Kế toán tài sản sinh học tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

3
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Kế toán tài sản sinh học tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam" đã nghiên cứu, phân tích và làm rõ những lý luận kế toán TSSH của một số quốc gia trên thế giới, nghiên cứu thực trạng kế toán TSSH tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc Việt Nam từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện kế toán TSSH nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao uy tín quốc gia. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Kế toán tài sản sinh học tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

  1. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 KẾ TOÁN TÀI SẢN SINH HỌC TẠI CÁC DOANH NGHIỆP CHĂN NUÔI GIA SÚC QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM ACCOUNTING TREATMENT OF BIOLOGICAL ASSETS IN INTERNATIONAL CATTLE FARMING BUSINESS AND LESSON FOR VIETNAM TS. Phạm Thanh Hương Trường Đại học Thương mại Ngày nhận bài: 25/9/2021 Ngày nhận kết quả phản biện: 15/10/2021 Ngày chấp nhận đăng: 15/11/2021 TÓM TẮT Tại Việt nam kế toán nông nghiệp nói chung và kế toán chăn nuôi gia súc nói riêng còn nhiều bất cập, chưa có chuẩn mực kế toán quy định riêng. Kế toán chăn nuôi tại Việt Nam hiện đang áp dụng theo Chuẩn mực kế toán hàng tồn kho (VAS 02), Chuẩn mực kế toán tài sản cố định (VAS 03). Trong khi đó, đối tượng của kế toán chăn nuôi gia súc là những cơ thể sống có đặc thù riêng không thực sự phù hợp với hàng tồn kho và tài sản cố định nhưng vẫn được kế toán như hàng tồn kho hoặc tài sản cố định. Điều đó dẫn đến việc các đối tượng kế toán của kế toán chăn nuôi gia súc chưa được điều chỉnh, phản ánh đúng bản chất, đặc điểm và giá trị. Bài viết đã nghiên cứu, phân tích và làm rõ những lý luận kế toán TSSH của một số quốc gia trên thế giới, nghiên cứu thực trạng kế toán TSSH tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc Việt Nam từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện kế toán TSSH nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao uy tín quốc gia. Từ khóa: IAS 41, kế toán nông nghiệp, tài sản sinh học, sản phẩm nông nghiệp ABSTRACT In Vietnam, accounting for the agricultural sector in general and accounting for raising livestock in particular still have many shortcomings. Accounting for raising livestock in Vietnam is currently applied according to Vietnamese Accounting Standards 02 (VAS 02) – Inventory and VAS 03 - Tangible fixed assets. Meanwhile, the objects of accounting for raising livestock is biological assets are living organisms with their own characteristics that are not really suitable for inventory and fixed assets but are still accounted for as inventory or tangible fixed assets. That leads to the fact that the objects of accounting for raising livestock have not been adjusted, reflecting the true nature, characteristics and values. This paper focuses on researched, analyzed and clarified the accounting theories of biological assets of some countries in the world, studied the current status of biological asset accounting in Vietnamese. From it proposes some solutions to improve accounting of biological assets to meet the requirements of providing useful information to users. Keywords: IAS 41, agricultural accounting, biological assets, agricultural products 464
  2. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 1. Đặt vấn đề Việt Nam là một đất nước mà nông nghiệp đóng vai trò cốt lõi ảnh hưởng tới sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội. Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, giữ vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế. Nông nghiệp là một ngành sản xuất lớn, bao gồm ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trong đó, chăn nuôi gia súc là một bộ phận quan trọng cấu thành của nông nghiệp, là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Chăn nuôi gia súc có lịch sử từ lâu đời và đóng góp lớn vào cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Để nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi gia súc nói riêng trở thành một trong những trụ cột vững chắc của nền kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc phải ngày càng phát triển. Điều đó đòi hỏi phải đổi mới hệ thống các công cụ quản lý, trong đó đặc biệt là phải đổi mới công tác kế toán, một công cụ quản lý quan trọng và hữu hiệu của doanh nghiệp. Nhưng hiện nay tại Việt nam kế toán nông nghiệp nói chung và kế toán chăn nuôi gia súc nói riêng còn nhiều bất cập, chưa có chuẩn mực kế toán quy định riêng. Kế toán chăn nuôi tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc (DNCNGS) tại Việt Nam hiện đang áp dụng theo Chuẩn mực kế toán hàng tồn kho (VAS 02), Chuẩn mực kế toán tài sản cố định (VAS 03). Trong khi đó, đối tượng của kế toán chăn nuôi gia súc là những cơ thể sống có đặc thù riêng không thực sự phù hợp với việc ghi nhận là hàng tồn kho và tài sản cố định. Điều đó dẫn đến việc các đối tượng kế toán của kế toán chăn nuôi gia súc chưa được điều chỉnh, phản ánh đúng bản chất, đặc điểm và giá trị. Bài viết sau đây nghiên cứu, phân tích và làm rõ những lý luận kế toán TSSH của một số quốc gia trên thế giới, nghiên cứu thực trạng kế toán TSSH tại các DNCNGS Việt Nam từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện kế toán TSSH. 2. Tổng quan nghiên cứu Tổng quan các nghiên cứu cho thấy các nghiên cứu thường tập trung về việc nghiên cứu ảnh hưởng của kế toán theo giá trị hợp lý (GTHL) đối với tính hữu ích của thông tin kế toán tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc áp dụng mô hình GTHL đại diện cho nguyên tắc quan trọng nhất trong chuẩn mực kế toán quốc tế về Nông nghiệp - IAS 41, vì nó giả định rằng GTHL có thể được đo lường một cách đáng tin cậy cho tất cả các tài sản sinh học và sản phẩm nông nghiệp. Nghiên cứu định lượng của nhóm tác giả Treba Marsh & Mary Fischer (2013) xem xét sự khác biệt giữa hệ thống kế toán của Mỹ và Quốc tế đối với các tài sản sinh học và sản phẩm nông nghiệp. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng sự khác biệt trong quy định ghi nhận TSSH theo mô hình GTHL giữa hai hệ thống là khác biệt lớn nhất, hướng dẫn hiện của Mỹ về nội dung này bảo thủ hơn hướng dẫn quốc tế, điều đó dẫn đến thông tin trên báo cáo tài chính tại các DN Mỹ ít có lợi hơn cho người sử dụng báo cáo tài chính. Hana Bohušová, Patrik Svoboda, Danuše Nerudová (2012) nghiên cứu việc áp dụng IAS 41 thông qua phân tích so sánh bốn hệ thống kế toán Pháp, Anh, Mỹ, Úc. Bài viết đã đưa quan điểm việc áp dụng mô hình GTHL đối với tài sản sinh học đảm bảo rằng tác động của biến đổi sinh học và thay đổi giá cả được công nhận trong các báo cáo tài chính dẫn đến thông tin cung cấp hữu ích hơn. Nhóm nghiên cứu kế toán tại các doanh nghiệp chăn nuôi bao gồm: Nghiên cứu của E. Georgieva, N. Penev (2017) phân tích hai phương pháp khả thi để đánh giá tài sản sinh học tại doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa và trên cơ sở đó nhóm tác giả đã xác định ảnh hưởng của khấu hao đến kết quả tài chính tại doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa. Bài nghiên cứu của Anu-Ell Visberg, MSc; Viia Parts (2016) cũng về các doanh nghiệp chăn nuôi trong đó tập trung vào các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa tại Estonia. Mục đích của bài viết là nghiên cứu sự liên quan của các giả thuyết đã được thiết lập và giải thích liệu việc ghi nhận tài sản sinh học đối tượng bò sữa trong các 465
  3. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 báo cáo hàng năm của công ty chăn nuôi Estonia có tuân thủ thực tiễn kế toán của các đơn vị kế toán hay không và liệu các yêu cầu của kiểm toán, chủ sở hữu có bất kỳ ảnh hưởng nào đến việc ghi nhận tài sản sinh học cho mục đích báo cáo. Nghiên cứu cũng xác nhận giả thuyết rằng các báo cáo được kiểm toán cung cấp cho người sử dụng thông tin một cái nhìn tổng quan hơn về các nguyên tắc kế toán và các điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến giá trị hợp lý nhưng cũng thông tin chi tiết hơn về sự thay đổi và điều chỉnh giá trị của nhóm tài sản sinh học so với báo cáo kế toán. Tại Việt Nam, chưa có nhiều công trình nghiên cứu đến kế toán chăn nuôi gia súc cũng như nghiên cứu kế toán tài sản sinh học tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc. Nghiên cứu của Cục Quản lý giám sát Kế toán kiểm toán của Bộ tài chính (2019) trong “Báo cáo tổng hợp sự khác biệt cơ bản giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam, cơ chế tài chính và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS” đã đưa ra những so sánh cơ bản về sự khác biệt của kế toán nông nghiệp quốc tế và tại Việt Nam. từ đó nêu ra sự cần thiết Việt Nam phải ban hành chuẩn kế toán. Nghiên cứu này chỉ gợi mở vấn đề có tính định hướng cho Việt Nam ban hành chuẩn mực kế toán “Nông nghiệp” trong thời gian tới. Luận án tiến sĩ kinh tế của Thái Thị Thái Nguyên (2019) “Kế toán chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm gia súc tại các doanh nghiệp chăn nuôi ở Miền Bắc” nghiên cứu về kế toán chi phí sản xuất và giá thành tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc Việt Nam, nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp hoàn thiện, tuy nhiên các giải pháp của tác giả vẫn hoàn toàn dựa trên mô hình giá gốc, nghiên cứu chưa đề cập đến các giải pháp liên quan đến giá trị hợp lý, mà đối với IAS 41 Nông nghiệp, việc áp dụng mô hình giá trị hợp lý đại diện cho nguyên tắc quan trọng nhất trong IAS 41. Nghiên cứu của Đoàn Vân Anh (2019) “IAS 41 - nông nghiệp và những vấn đề đặt ra cho kế toán nông nghiệp của việt nam hiện nay”. Trong nghiên cứu này, tác giả đã tập trung nghiên cứu về khuôn mẫu của quốc tế và quy định hiện hành của Việt Nam về kế toán nông nghiệp, từ đó trao đổi về những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện cho kế toán nông nghiệp Việt Nam hiện nay, nhằm đưa kế toán Việt Nam nói chung và kế toán nông nghiệp nói riêng hội nhập, dần hội tụ với thông lệ chung của quốc tế về kế toán. Nghiên cứu của Hoàng Thụy Diệu Linh (2013), Mai Hoàng Hải (2016) cũng đã đi vào nghiên cứu về kế toán hoạt động nông nghiệp tại Việt Nam theo từng nội dung trong hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên các nghiên cứu mà tác giả tổng hợp được cho đến hiện nay chưa có nghiên cứu nào nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện về kế toán chăn nuôi cũng như kế toán tài sản sinh học tại Việt Nam. Do vậy, nghiên cứu hoàn thiện kế toán tài sản sinh học tại các doanh nghiệp chăn nuôi ở Việt Nam là hoàn toàn cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. 3. Mục tiêu và Phương pháp nghiên cứu Mục tiêu của bài viết là nghiên cứu, phân tích và làm rõ những lý luận kế toán TSSH tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc theo hệ thống kế toán quốc tế và của một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Philippines. Nghiên cứu thực trạng kế toán TSSH tại các DNCNGS Việt Nam từ đó đề xuất bài học kinh nghiệp nhằm đưa ra các giải pháp hoàn thiện kế toán TSSH trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Để hoàn thành công trình nghiên cứu này, tác giả đã áp dụng phương pháp nghiên cứu định tính với các phương pháp cụ thể như hệ thống, diễn giải, quy nạp, so sánh điều tra thực tế để phân tích, đánh giá rút ra kết luận hợp lý. Phương pháp nghiên cứu được thực hiện cụ thể như sau: Thứ nhất, Phương pháp thu thập dữ liệu và thông tin: Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp: Đề tài phân tích các nghiên cứu trước đây về kế toán 466
  4. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 tài sản sinh học tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc, đặc biệt là ở một số quốc gia trên thế giới chẳng hạn như các nước Mỹ, Trung Quốc, Philippines ... Bên cạnh đó, tác giả điều tra các đề tài khoa học các cấp, các bài báo, bài phát biểu, luận án Tiến sĩ có nghiên cứu về kế toán tài sản sinh học tại các DNCNGS. Phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp: + Tác giả thực hiện phỏng vấn sâu. Sau khi có được định hướng thông tin, dữ liệu cần khảo sát và thu thập. Tác giả phỏng vấn trực tiếp các đối tượng có liên quan. Tác giả lựa chọn mẫu phỏng vấn trên cơ sở chọn mẫu tại các DNCNGS tương đối đa dạng về các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến kế toán TSSH, lựa chọn mẫu trên cơ sở thuận tiện tại các DNCNGS cho phép tiếp cận phỏng vấn trực tiếp. Đồng thời phỏng vấn một số chuyên gia kế toán tại Bộ Tài chính và một số trường Đại học trong nước. + Để phục vụ cho việc nghiên cứu sâu hơn về thực trạng kế toán TSSH tại DNCNGS cũng nhằm để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo, tác giả sử dụng phương pháp điều tra để thu thập các thông tin thực tế về tình hình kế toán TSSH của các DNCNGS Việt Nam. Hình thức điều tra là phát các phiếu điều tra tới các nhà quản lý, các nhà kế toán tại các DNCNGS miền Bắc. Mẫu điều tra được lựa chọn trên cơ sở chọn mẫu nghiên cứu thuận tiện tại các DNCNGS miền Bắc, điều này xuất phát từ đặc thù TSSH có tính tương đồng về các hoạt động kinh doanh giữa các vùng miền, đối tượng của TSSH không bị giới hạn bởi phạm vi không gian giữa các vùng miền trên cả nước. Bài viết lựa chọn khảo sát tại 16 DNCNGS đa dạng về hình thức sở hữu, đa dạng về các TSSH trong doanh nghiệp đồng thời bài viết lấy mẫu trên cơ sở lấy mẫu thuận tiện tại các DNCNGS cho phép tiếp cận với tài liệu Thứ hai, phương pháp tổng hợp và xử lý thông tin Phương pháp thống kê: Phương pháp này dùng để điều tra thu thập tài liệu liên quan đến quá trình kế toán TSSH tại các DNCNGS. Sau khi thu thập được dữ liệu thông qua phiếu điều tra, phỏng vấn sâu, tác giả tiến hành hệ thống hóa tài liệu, tổng hợp làm cơ sở đánh giá thực trạng. Phương pháp phân tích định tính: Phương pháp này dùng để phân tích các tài liệu, số liệu và thông tin có sẵn qua các tạp chí, các kết quả nghiên cứu khoa học, báo cáo thống kê, báo cáo tài chính của doanh nghiệp để đưa ra các đánh giá làm cơ sở đưa ra các giải pháp phù hợp Phương pháp đối chiếu và so sánh: Thông qua nghiên cứu các tài liệu đã công bố, nghiên cứu những tài liệu có cùng nội dung nghiên cứu nhưng ở các quốc gia khác nhau, tác giả tiến hành so sánh đối chiếu để bổ sung cho việc xây dựng giải pháp của bài viết. 4. Đặc điểm tài sản sinh học trong các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc Gia súc vốn là các động vật hoang được con người thuần dưỡng, chọn giống, lai tạo và làm cho chúng thích nghi với cuộc sống gần người. Chăn nuôi gia súc là ngành cổ xưa nhất của nhân loại, cung cấp cho con người thực phẩm có dinh dưỡng cao (thịt, sữa, da, lông …). Hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật chăn nuôi (2018) nêu rõ “Là nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản vật nuôi và hoạt động khác có liên quan đến vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi phục vụ mục đích làm thực phẩm, khai thác sức kéo, làm cảnh hoặc mục đích khác của con người. Theo điều 5 IAS 41 - Nông nghiệp định nghĩa về hoạt động nông nghiệp như sau: Hoạt động nông nghiệp là hoạt động quản lý bởi một doanh nghiệp trong lĩnh vực biến đổi sinh học và thu hoạch tài sản sinh học để bán hoặc chuyển đổi thành sản phẩm nông nghiệp hoặc chuyển thành tài sản sinh học bổ sung. Như vậy, hoạt động chăn nuôi gia súc có thể được hiểu như sau: hoạt động chăn nuôi gia 467
  5. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 súc là hoạt động quản lý bởi một doanh nghiệp trong lĩnh vực biến đổi sinh học và thu hoạch tài sản sinh học để bán hoặc chuyển đổi thành sản phẩm chăn nuôi hoặc chuyển thành tài sản sinh học bổ sung. Ví dụ chăm sóc các tài sản sinh học để bán, để thu hoạch sản phẩm chăn nuôi từ chúng hoặc để sản sinh ra nhiều tài sản sinh học từ số ít. Trong đó: Tài sản sinh học tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc là các vật nuôi đang sống. Một nhóm tài sản sinh học là một tập hợp các vật nuôi giống nhau. Sản phẩm chăn nuôi gia súc là sản phẩm được thu hoạch từ tài sản sinh học. Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, tài sản sinh học có thể phân ra thành tài sản sinh học thời vụ và tài sản sinh học lâu năm. Tài sản sinh học thời vụ là các tài sản có thể thu hoạch như sản phẩm chăn nuôi hoặc bán như tài sản sinh học. Ví dụ về các tài sản sinh học thời vụ là vật nuôi lấy thịt để bán, vật nuôi để bán cả con. Tài sản sinh học lâu năm là những tài sản khác tài sản sinh học thời vụ, ví dụ: vật nuôi để sinh sản cho con giống, vật nuôi lấy sữa, trứng, lông … Tài sản sinh học lâu năm bản thân không phải là sản phẩm chăn nuôi mà là tài sản tạo ra sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, TSSH có thể được phân loại là TSSH trưởng thành hoặc chưa trưởng thành. Tài sản sinh học trưởng thành là những tài sản đạt được những yêu cầu về khả năng có thể thu hoạch được (đối với TSSH thời vụ) hoặc có thể duy trì việc cho thu hoạch thường xuyên (đối với TSSH lâu năm). Tài sản sinh học chưa trưởng thành là những tài sản chưa đạt được những yêu cầu về khả năng có thể thu hoạch được. Trong doanh nghiệp, hoạt động chăn nuôi gia súc khác với các hoạt động kinh doanh khác ở chỗ có biến đổi sinh học. Điều này dẫn đến những thay đổi về chất và lượng ở vật nuôi, và tạo ra những tài sản mới dưới hình thức sản phẩm chăn nuôi hoặc TSSH bổ sung cùng loại (con/con giống). Các hoạt động chăn nuôi gia súc có các đặc điểm chung sau: Thứ nhất là khả năng thay đổi: Vật nuôi có khả năng biến đổi sinh học như bê (bò chưa trưởng thành) phát triển thành bò trưởng thành để lấy sữa hoặc thịt. Thứ hai là quản lý thay đổi: Có khả năng điều khiển các biến đổi sinh học bằng cách nâng cao hoặc tối thiểu là duy trì ổn định các điều kiện cần thiết cho quá trình biến đổi (ví dụ: mức độ dinh dưỡng, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng). Hoạt động quản lý này phân biệt hoạt động chăn nuôi với các hoạt động khác. Thứ ba là đo lường thay đổi: Các thay đổi về chất lượng (ví dụ, phẩm chất di truyền, độ dày, độ chín, lượng chất béo, tỷ lệ protein và cấu trúc mô cơ) hoặc số lượng (ví dụ: số con, trọng lượng, thể tích, đường kính, chiều dài, có được do biến đổi sinh học hoặc “thu hoạch” được đo lường và giám sát định kỳ. 5. Kế toán tài sản sinh học tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc theo quy định của hệ thống kế toán Quốc tế Chuẩn mực kế toán Quốc tế số 41 “Nông nghiệp” được ban hành lần đầu bởi Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) vào năm 2000, chuẩn mực kế toán này được đưa vào áp dụng tháng 1 năm 2003. Mục đích của chuẩn mực này là đưa ra các quy định phương pháp kế toán và trình bày thông tin liên quan đến hoạt động nông nghiệp. Theo IAS 41, kế toán tài sản sinh học tại các doanh nghiệp gia súc được quy định như sau: Ghi nhận ban đầu tài sản sinh học Doanh nghiệp chăn nuôi gia súc ghi nhận TSSH khi và chỉ khi thõa mãn đồng thời 3 điều kiện sau: 468
  6. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 + Doanh nghiệp kiểm soát tài sản đó như là kết quả từ các sự kiện trong quá khứ; + Doanh nghiệp có khả năng thu được lợi ích kinh tế trong tương lai liên quan đến TSSH + Giá trị hợp lý hoặc giá của TSSH có thể xác định một cách đáng tin cậy Tài sản sinh học được xác định giá trị tại lần đầu ghi nhận theo giá trị hợp lý trừ chi phí để bán. Đo lường giá trị hợp lý của tài sản sinh học Một TSSH được xác định giá trị tại thời điểm ghi nhận ban đầu và tại thời điểm lập báo cáo bằng giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán hàng, ngoại trừ trường hợp khi không thể xác định được giá trị hợp lý một cách đáng tin cậy. Việc xác định giá trị hợp lý của TSSH có thể được thực hiện dễ dàng hơn bằng cách gộp những TSSH theo nhóm căn cứ vào các thuộc tính quan trọng; ví dụ như, căn cứ vào tuổi hay chất lượng. Doanh nghiệp lựa chọn các thuộc tính phù hợp với các thuộc tính được sử dụng trên thị trường làm cơ sở định giá. Khi không thể xác định được giá trị hợp lý của các TSSH thì TSSH được đo lường bằng giá gốc trừ hao mòn lũy kế và giá trị suy giảm lũy kế. Sau đó khi giá trị hợp lý có thể được xác định một cách đáng tin cậy, doanh nghiệp phải xác định giá trị TSSH bằng giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán hàng. Ghi nhận lãi lỗ Các khoản lãi/lỗ phát sinh tại thời điểm ghi nhận ban đầu đối với TSSH xác định bằng giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán hàng và phát sinh từ việc thay đổi giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán hàng phải được trình bày trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ kế toán mà khoản lãi/lỗ này phát sinh. Một khoản lỗ phát sinh tại thời điểm ghi nhận ban đầu có thể xảy ra vì chi phí bán hàng đã được trừ đi khi xác định giá trị hợp lý của TSSH. Ngược lại, một khoản lãi cũng có thể phát sinh tại thời điểm ghi nhận ban đầu (ví dụ khi một con bê được sinh ra). Các khoản lãi/lỗ phát sinh tại thời điểm ghi nhận ban đầu đối với sản phẩm nông nghiệp được xác định bằng giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán hàng phải được trình bày trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ kế toán mà khoản lãi/lỗ này phát sinh. Các khoản lãi/lỗ phát sinh tại thời điểm ghi nhận ban đầu đối với nông sản có thể phát sinh từ việc thu hoạch. Trình bày thông tin tài sản sinh học trên báo cáo tài chính Doanh nghiệp phải trình bày và công bố thông tin trên các BCTC theo từng nhóm TSSH trên BCĐKT, thông tin về tổng lãi, lỗ phát sinh trong kì hiện hành khi ghi nhận ban đầu của các TSSH và sản phẩm nông nghiệp và khi có sự thay đổi trong giá trị hợp lí trừ chi phí để bán của TSSH. Doanh nghiệp phải trình bày và đưa ra diễn giải hoặc mô tả đối với từng nhóm TSSH. Doanh nghiệp phải trình bày các thông tin về sự tồn tại và giá trị còn lại của các TSSH thuộc loại bị hạn chế, và giá trị còn lại của các TSSH được đem cầm cố cho các khoản nợ; Doanh nghiệp cần đối chiếu thay đổi giá trị ghi sổ của các TSSH giữa giá trị đầu kỳ và cuối kỳ, trong đó bao gồm lãi hoặc lỗ khi có thay đổi giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán hàng. Doanh nghiệp cần thuyết minh tách biệt các thay đổi trong giá trị hợp lý trừ chi phí bán hàng có thể do thay đổi về vật chất hoặc do thay đổi về giá. 6. Kế toán tài sản sinh học tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc một số quốc gia trên thế giới 6.1. Kế toán tài sản sinh học tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc Trung Quốc Trong những quốc gia có nền kinh tế đang chuyển đổi, Trung Quốc là một điển hình để nghiên cứu. Đây là một thị trường lớn mang đầy đủ đặc điểm của một thị trường mới nổi, đang phát triển. 469
  7. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Đồng thời nền kinh tế Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Do vậy, việc tham khảo kế toán TSSH của Trung Quốc cũng là cơ sở để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trung Quốc có hai hệ thống kế toán cùng song song tồn tại và chi phối đến kế toán TSSH trong các doanh nghiệp. Cả hai hệ thống này đều do Bộ Tài chính ban hành đó là: (1) Hệ thống kế toán dành cho các doanh nghiệp kinh doanh -The Accounting System for Business Enterprises - ASBE bao gồm 16 chuẩn mực kế toán và các hướng dẫn chuẩn mực. (2) Hệ thống chuẩn mực kế toán cho doanh nghiệp kinh doanh - The Accounting Standards for Business Enterprises (2006) - CAS 2006 bao gồm 38 chuẩn mực và các hướng dẫn chuẩn mực. CAS 2006 là sự khẳng định quá trình hòa hợp giữa hệ thống kế toán Trung Quốc và thế giới. CAS 2006 ra đời là sẽ thay thế dần ASBE theo một lộ trình phù hợp. Mục đích của Trung Quốc sẽ dần thay thế ASBE và CAS 2006 sẽ là hệ thống chuẩn mực kế toán duy nhất cho các loại hình doanh nghiệp kinh doanh, ngoại trừ những doanh nghiệp nhỏ (Các chuẩn mực kế toán cho doanh nghiệp nhỏ (ASSE) do Bộ Tài chính Trung Quốc ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/1/2013). Cho đến nay, hầu hết các DNCNGS tại Trung Quốc đều áp dụng CAS 2006. Về cơ bản, việc chuyển đổi CAS 2006 gần với IFRS nhưng hệ thống chuẩn mực này không phải dịch lại IFRS mặc dù vẫn dựa trên nền tảng, nguyên tắc cơ bản. Nhìn chung, CAS 2006 tuân thủ hầu hết các nguyên tắc kế toán theo IFRS. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những sự khác biệt giữa hai hệ thống chuẩn mực này. Kế toán TSSH tại các DNCNGS theo quy định của hệ thống kế toán Trung Quốc tuân thủ theo CAS 5 – Tài sản sinh học. Mặc dù CAS 5 tuân thủ hầu hết các nguyên tắc của chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 41 nhưng chuẩn mực CAS 5 quy định mô hình chi phí sẽ được sử dụng để đo lường TSSH trừ khi có bằng chứng rằng giá trị hợp lý của TSSH có thể đạt được một cách đáng tin cậy trên cơ sở liên tục. Theo IAS 41, mô hình giá trị hợp lý sẽ được áp dụng cho tất cả các TSSH, trừ khi ước tính giá trị hợp lý là không đáng tin cậy. Tài sản sinh học được ghi nhận riêng biệt và là một khoản mục riêng trình bày trên báo cáo tài chính (BCTC). Đồng thời CAS 5 – TSSH quy định chi tiết các trường hợp cụ thể và có hướng dẫn kế toán cho một số loại TSSH khi áp dụng mô hình giá gốc như trường hợp TSSH giữ để bán, TSSH sẽ được thu hoạch là sản phẩm nông nghiệp trong tương lai. Tài sản sinh học là các vật nuôi mang sản phẩm nông nghiệp như vật nuôi cho con giống, vật nuôi cho sữa. Doanh nghiệp chăn nuôi tại Trung Quốc được khuyến khích cung cấp mô tả định lượng về TSSH, phân biệt giữa TSSH thời vụ và TSSH mang sản phẩm nông nghiệp được hoặc giữa TSSH trưởng thành và chưa trưởng thành. 6.2. Kế toán tài sản sinh học tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc Mỹ Hệ thống chuẩn mực kế toán Mỹ hiện hành không có chuẩn mực quy định về nông nghiệp, cũng như không có định nghĩa cụ thể về TSSH. US GAAP chỉ có một chủ đề nhỏ (Topic 905, AICPA Agricultural Producers and Agricultural Cooperatives Guide) quy định kế toán áp dụng cho các nhà sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp và không sử dụng thuật ngữ 'tài sản sinh học'. Trong chủ đề này , US GAAP quy định Động vật được tách biệt thành "động vật đang phát triển", "động vật có sẵn và được giữ để bán" và "động vật sản xuất" (ví dụ: bò sữa, bò sinh sản). Cây trồng là được tách biệt thành "cây trồng đang phát triển" và "cây trồng đã thu hoạch". Theo US GAAP, "động vật đang được phát triển để bán" theo US GAAP (đối tượng này được quy định là TSSH theo IFRS) được phân loại là hàng tồn kho và US GAAP quy định giá trị của hàng tồn kho được đo lường là giá thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được Không giống như IFRS, 'vật nuôi khác' như động vật sản xuất (bò sữa, cừu và đàn giống), 470
  8. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 US GAAP ghi nhận là tài sản cố định hữu hình, xác định và đo lường theo nguyên tắc giá gốc, khấu hao theo vòng đời của vật nuôi. Động vật có vòng đời sản xuất ngắn, chẳng hạn như gia cầm, có thể được phân loại là hàng tồn kho Sau khi động vật được giữ để bán, chúng được đo lường theo mô hình giá gốc, hoặc theo mô hình giá trị hợp lý. Mô hình giá trị hợp lý chỉ được áp dụng khi thỏa mãn các tiêu chí cụ thể như: có giá trị thị trường đáng tin cậy, dễ xác định và có thể thực hiện được; có chi phí để bán tương đối không đáng kể và có thể dự đoán được; và có sẵn để giao ngay. US GAAP yêu cầu đo lường các loại vật nuôi đang phát triển với giá thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được. Các chi phí liên quan đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi đang phát triển để bán được vốn hóa để đo lường chi phí. 6.3. Kế toán tài sản sinh học tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc Philippines Tại nghiên cứu của Clavano (2014) được thực hiện về mức độ tuân thủ IAS 41 của các công ty nông nghiệp ở Philippines đã tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá TSSH. Nghiên cứu kết luận rằng kiểm toán viên và kế toán tại các DNCNGS tại nước này coi việc định giá hợp lý TSSH là một thách thức trong khi kiểm toán viên xác định quy mô của doanh nghiệp chăn nuôi có ảnh hưởng đến phương pháp định giá được áp dụng. Qua khảo sát, các TSSH có thị trường năng động như chuối và dừa áp dụng theo nguyên tắc giá trị hợp lý của IAS 41, trong khi các TSSH như gia súc vẫn thường được các DNCNGS kế toán chủ yếu theo nguyên tắc giá gốc. Như vậy, Kế toán TSSH tại Philippines cũng tương tự như tại Trung Quốc, kế toán TSSH đối với các vật nuôi tại các quốc gia này cho phép sử dụng mô hình giá trị hợp lý hoặc mô hình giá gốc. 7. Kế toán tài sản sinh học tại các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc Việt Nam Đối với Việt Nam, chăn nuôi gia súc là hướng phát triển kinh tế truyền thống, có lịch sử từ lâu đời. Hoạt động chăn nuôi gia súc tại Việt Nam nếu xét về cách thức tổ chức hoạt động chăn nuôi bao gồm hai loại cơ bản là chăn nuôi tự nhiên và chăn nuôi công nghiệp. Với chăn nuôi tự nhiên đã được phát triển từ lâu đời được dựa trên cơ sở là nguồn thức ăn có sẵn, dư thừa trong tự nhiên và nguồn lao động nhàn rỗi vì thế thường chăn nuôi với quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp, thời gian chăm sóc ít, không đòi hỏi cao về kỹ thuật nhưng năng suất sản xuất sản phẩm thấp, thời gian chăn nuôi dài nên hiệu quả kinh tế thấp, do vậy hiện nay hầu như ít còn tồn tại. Đối với chăn nuôi gia súc theo hướng công nghiệp đang được phát triển rộng rãi, với tốc độ tăng nhanh về quy mô. Loại hình chăn nuôi này được thực hiện với phương châm giảm thiểu quá trình vận động để tiết kiệm hao phí năng lượng nhằm rút ngắn chu kỳ chăn nuôi, sản lượng cao, hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi theo hướng công nghiệp là hình thức tổ chức chăn nuôi và sản xuất sản phẩm gia súc thịt, gia súc giống với quy mô lớn trong nông nghiệp với địa bàn rộng. Vì thế, việc quản lý vật tư, tài sản, tiền vốn thường có những khác biệt liên quan đến điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội. Tổ chức quản lý sản xuất của DNCNGS thông thường tại các trang trại chăn nuôi chia thành bộ phận quản lý chung tất cả các trại chăn nuôi và bộ phận quản lý chi tiết từng trại. Tại mỗi đội (trại) sản xuất thực hiện sản xuất một sản phẩm chăn nuôi cụ thể như trại lợn con sau cai sữa, trại lợn thịt, trại lợn nái mang thai, trại lợn nái sinh sản, trại bò thịt, trại bò sinh sản. Hoặc DNCNGS có thể giao khoán cho từng đội, trại hoặc quản lý chung cho toàn DN. Tại Việt Nam chuẩn mực kế toán về nông nghiệp cũng như các thông tư hướng dẫn kế toán hiện chưa được ban hành. Cho đến nay, chưa có khái niệm, định nghĩa về TSSH và các khái niệm 471
  9. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 liên quan. Kế toán hoạt động chăn nuôi được quy định rất sơ sài theo VAS 03 - Tài sản cố định, VAS 02 - Hàng tồn kho và chế độ kế toán Việt Nam hiện hành. Qua khảo sát, 100% các DNCNGS áp dụng theo mô hình “Giá gốc” khi đo lường TSSH. Tài sản sinh học được ghi nhận là TSCĐ theo dõi dựa trên 3 tiêu chí: nguyên giá, hao mòn luỹ kế và giá trị còn lại. Theo quy định của chế độ toán hiện hành (Thông tư 200/2014/TT-BTC), chỉ có một phần nhỏ hướng dẫn kế toán nông nghiệp nói chung và kế toán chăn nuôi nói riêng nằm trong phần phương pháp vận dụng tài khoản Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (TK 154) và một phần nhỏ nằm trong phần phân loại của tài khoản tài sản cố định hữu hình (TK 211) như sau: + Tài khoản chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (TK 154) được quy định kế toán chi phí ngành chăn nuôi phải chi tiết cho từng loại hoạt động chăn nuôi, theo từng nhóm hoặc từng loại gia súc, gia cầm. Súc vật con của đàn súc vật cơ bản hay nuôi béo đẻ ra sau khi tách mẹ được mở sổ chi tiết theo dõi riêng theo giá thành thực tế. Đối với súc vật cơ bản khi đào thải chuyển thành súc vật nuôi lớn, nuôi béo được hạch toán vào tài khoản 154 theo giá trị còn lại của súc vật cơ bản. + Tài khoản tài sản cố định hữu hình (TK 211) qui định tài khoản cấp 2 TK 2115 “Cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm”. Tài khoản này phản ánh giá trị các loại TSCĐ là các loại cây lâu năm, súc vật làm việc, súc vật nuôi để lấy sản phẩm. Đối với súc vật làm việc hoặc cho sản phẩm, nếu từng con súc vật thoả mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định (Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó; Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy; Có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên; Có giá trị theo quy định hiện hành hiện nay là giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên) đều được coi là một tài sản cố định hữu hình. Trường hợp Nguyên giá TSCĐ hữu hình hình thành do đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành: Đối với tài sản cố định là con súc vật làm việc hoặc cho sản phẩm thì nguyên giá là toàn bộ các chi phí thực tế đã chi ra cho con súc vật đó từ lúc hình thành cho tới khi đưa vào khai thác, sử dụng và các chi phí khác trực tiếp có liên quan. 8. Bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc Việt Nam Qua nghiên cứu kế toán TSSH theo hệ thống kế toán quốc tế, của Mỹ, Trung Quốc, Philippines. Bài viết rút ra được bài học kinh nghiệm cho các DNCNGS tại Việt Nam như sau: Thứ nhất: Cần thiết ban hành chuẩn mực kế toán Nông nghiệp và các chuẩn mực liên quan. Cả Trung Quốc, Philippines đều đã ban hành chuẩn mực kế toán về TSSH, hoặc như Mỹ đều ban hành các chủ đề hướng dẫn về kế toán nông nghiệp cũng như chăn nuôi. Như Trung Quốc ban hành chuẩn mực kế toán về TSSH (CAS 05), Philippines ban hành chuẩn mực kế toán về Nông nghiệp hoặc Mỹ ban hành chủ đề hướng dẫn về nông nghiệp. Các quy định kế toán có liên quan đến nông nghiệp sẽ giúp cho các DNCNGS vận hành được kế toán nông nghiệp một cách rõ ràng và minh bạch. Tại Việt Nam sự thiếu vắng quy định kế toán về nông nghiệp cũng như TSSH dẫn đến chưa có các hướng dẫn kế toán các giao dịch và sự kiện liên quan đến hoạt động nông nghiệp, các DNCNGS thực sự đang gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc khi kế toán liên quan đến TSSH. Do vậy cần thiết phải ban hành chuẩn mực kế toán Nông nghiệp và các chuẩn mực liên quan. Thứ hai : Về ghi nhận và đo lường tài sản sinh học Kế toán tại các DNCNGS Việt Nam hiện nay đều áp dụng theo mô hình “Giá gốc” khi đo lường TSSH và sản phẩm nông nghiệp. Tài sản sinh học được ghi nhận là TSCĐ theo dõi dựa trên 3 tiêu chí: nguyên giá, hao mòn luỹ kế và giá trị còn lại. Sản phẩm nông nghiệp được đánh giá theo chuẩn mực kế toán hàng tồn kho VAS 02 về giá trị tập hợp chi phí từ giai đoạn bắt đầu đến 472
  10. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 giai đoạn thu hoạch, tái tạo ra thành phẩm. Trong khi TSSH là những cơ thể sống - vật nuôi, các vật nuôi phát triển theo qui luật sinh học nhất định (sinh trưởng, phát triển và diệt vong). Chúng rất nhạy cảm với yếu tố ngoại cảnh, mọi sự thay đổi về điều kiện thời tiết, khí hậu, chất lượng thức ăn, … đều tác động trực tiếp đến sự phát triển của vật nuôi, đến kết quả thu hoạch sản phẩm cuối cùng. Theo quy định của chuẩn mực kế toán quốc tế về Nông nghiệp (IAS 41), cũng như Mỹ, Trung Quốc và Philippines hiện nay đều cho phép áp dụng cả hai mô hình GTHL và Giá gốc. Riêng với IAS 41 việc áp dụng mô hình GTHL là nguyên tắc chủ đạo nhất tại các doanh nghiệp chăn nuôi, vì nó giả định rằng GTHL có thể được đo lường một cách đáng tin cậy cho tất cả các TSSH và sản phẩm nông nghiệp. Từ đó có thể thấy, Bộ Tài chính cần sớm ban hành các quy định hướng dẫn áp dụng mô hình GTHL nhằm mục đích mang lại thông tin kế toán có chất lượng cao, hữu ích hơn so với giá gốc, từ đó mang lại những lợi ích thiết thực cho các đối tượng sử dụng thông tin kế toán. Việc kế toán theo GTHL cũng góp phần quan trọng nâng cao uy tín quốc gia, góp phần thúc đẩy quá trình hội tụ quốc tế. Thứ ba: Về trình bày thông tin trên báo cáo tài chính Tại Việt Nam, hiện không quy định riêng về trình bày và thuyết minh thông tin đối với TSSH. Cũng như chưa có sự phân loại giữa các loại TSSH khác nhau như TSSH trưởng thành hay chưa trưởng thành, TSSH lâu năm hay thời vụ. Do đó người sử dụng báo cáo tài chính tại các DNCNGS không có thông tin đầy đủ, cần thiết về hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị cũng như các thông tin hữu ích về TSSH trong doanh nghiệp. Do vậy, các DNCNGS Việt Nam cần thuyết minh giá trị hiện có cũng như tình hình biến động của các TSSH. Trường hợp doanh nghiệp áp dụng theo mô hình GTHL, cần phải thuyết minh tổng các khoản lãi hoặc lỗ phát sinh khi doanh nghiệp xác định giá trị từ thời điểm ghi nhận ban đầu đối với TSSH và nông sản và khi có sự thay đổi về giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán hàng của TSSH. Thuyết minh về biến đổi sinh học dẫn đến một số thay đổi về vật chất như phát triển, suy thoái, sản xuất và sinh sản. Các biến đổi này có thể quan sát và đo lường được. Từng loại biến đổi có thể liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế trong tương lai. Thay đổi về giá trị hợp lý do thu hoạch cũng có thể coi là thay đổi về vật chất. Doanh nghiệp phải thuyết minh bổ sung đối với TSSH khi giá trị hợp lý không thể xác định một cách đáng tin cậy. 9. Kết luận Ngành chăn nuôi gia súc có lịch sử từ lâu đời và là một trong những bệ đỡ quan trọng đóng góp lớn vào cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Để ngành chăn nuôi trở thành một trong những trụ cột vững chắc của nền kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi phải ngày càng phát triển. Trên đây là những nghiên cứu về thực trạng kế toán TSSH tại các DNCNGS Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện kế toán chăn nuôi áp dụng theo mô hình giá trị hợp lý nhằm giúp các doanh nghiệp chăn nuôi hoàn thiện kế toán đáp ứng yêu cầu quản lý trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Adrienna Huffman, “Matching Measurement to Asset Use: Evidence from IAS 41”, A.B. Freeman School of Business - Tulane University, 2014. [2] Bộ Tài chính (2013), Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, Nxb Tài chính, Hà Nội. [3] Bộ Tài chính (2014), Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2014. 473
  11. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 [4] Bộ Tài chính, Hội Kế toán, Kiểm Toán, ACCA (2016), “IFRS, cơ hội và thách thức khi hội nhập vào Việt Nam”, kỷ yếu hội thảo, Nxb Tài Chính, tháng 12/2016. [5] Đoàn Vân Anh “IAS 41 - nông nghiệp và những vấn đề đặt ra cho kế toán nông nghiệp của việt nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học Thương Mại, số 128/2019. [6] Generally accepted accounting principles of America, ASC 360 - Property, Plant, and Equipment. [7] Hana BOHUŠOVÁ, Patrik SVOBODA, Danuše NERUDOVÁ, “Biological assets reporting: Is the increase in value caused by the biological transformation revenue?”, 2012. [8] Huffman, A., 2014. Matching Measurement to Asset Use: Evidence from IAS 41. [9] IASB (International Accounting Standards Board), 2000. IAS 41 Agriculture. IFRS Foundation Publications Department, London. [10] International Accounting Standards Boad (2012), IFRS 13 - Fair Value Measurement. [11] IASB (International Accounting Standards Board), 2014. Amendments to IAS 16 and IAS 41. IFRS Foundation Publications Department, London. [12] Treba Marsh & Mary Fischer (2013): Accounting for Agricultural Products: US Versus IFRS GAAP [13] Svoboda, P. và Bohusova, H., 2017. Amendments to IAS 16 and IAS 41: Are There Any Differences between Plant and Animal from a Financial Reporting Point of View?. Universitatis Agriculturae Et Silviculturae Mendelianae Brunensis (ACTA)[e-journal] 65, 327-337. [14] Quốc hội nước CHXHCNVN (2015), Luật số 88/2015/QH13 của Quốc hội: Luật Kế toán, ban hành ngày 20/11/2015. [15] Thái Thị Thái Nguyên “Kế toán chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm gia súc tại các doanh nghiệp chăn nuôi ở Miền Bắc”, Luận án tiến sỹ kinh tế, ĐH Thương mại-2019 [16] Lê Hương Thuỷ, “Sự khác biệt giữa kế toán Việt Nam và Quốc tế trong việc ghi nhận và báo cáo về giá trị các tài sản sinh học trong doanh nghiệp nông nghiệp”, 2010. [17] Hoàng Thụy Diệu Linh, “Chuẩn mực kế toán về nông nghiệp và tình hình áp dụng trên thế giới”, 2013 474
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2