intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Khai thác di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Khai thác di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh" tập trung nghiên cứu các loại hình tài nguyên văn hóa phi vật thể đã được khai thác để phát triển du lịch của Tây Ninh. Dữ liệu trong bài nghiên cứu được thu thập và phân tích thông qua phương pháp khảo sát thực địa, thu thập thông tin và phỏng vấn người dân địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc khai thác nguồn tài nguyên này chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, sự liên kết giữa các điểm du lịch chưa cao, chất lượng dịch vụ còn hạn chế chưa thu hút khách du lịch lưu trú dài ngày. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Khai thác di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh

  1. KHAI THÁC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG TẠI TỈNH TÂY NINH Nguyễn Thị Thao1, Nguyễn Thị Duân1, Nguyễn Thành Ngọc Thạch1 Tóm tắt: Nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng là lợi thế cho Tây Ninh phát triển loại hình du lịch di sản. Việc khai thác nguồn tài nguyên này đem lại nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế địa phương, góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Trên cơ sở phân tích thực trạng, bài viết tập trung nghiên cứu các loại hình tài nguyên văn hóa phi vật thể đã được khai thác để phát triển du lịch của Tây Ninh. Dữ liệu trong bài nghiên cứu được thu thập và phân tích thông qua phương pháp khảo sát thực địa, thu thập thông tin và phỏng vấn người dân địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc khai thác nguồn tài nguyên này chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, sự liên kết giữa các điểm du lịch chưa cao, chất lượng dịch vụ còn hạn chế chưa thu hút khách du lịch lưu trú dài ngày. Đồng thời, bài nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này góp phần phát triển du lịch bền vững cho tỉnh nhà. Từ khóa: Du lịch di sản, tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể, phát triển du lịch bền vững, tỉnh Tây Ninh. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Hiện nay, Tây Ninh có 8 di sản văn hóa phi vật thể là đờn ca tài tử, lễ hội Kỳ yên tại đình Gia Lộc (thị xã Trảng Bàng), múa trống Chhay-dăm (thị xã Hòa Thành), lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen (thành phố Tây Ninh), nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, nghệ thuật chế biến món ăn chay, lễ hội Quan Lớn Trà Vong - Tân Biên, nghề làm muối ớt Tây Ninh. Trong đó, đờn ca tài tử và lễ hội Kỳ yên là hai di sản phi vật thể phổ biến ở Nam Bộ, 6 di sản còn lại thể hiện sự độc đáo riêng của Tây Ninh… Nguồn di sản văn hóa phi vật thể ở Tây Ninh được xem là đa dạng, phong phú, chính điều này đã thu hút lượng lớn khách du lịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành du lịch nơi đây phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, chưa phát triển được các sản phẩm du lịch chất lượng để thu hút du khách lưu trú dài ngày. Hàng năm, chỉ tập trung cao điểm khách du lịch vào các dịp lễ hội: Hội xuân Núi Bà, Hội yến Diêu Trì Cung, Lễ Vía Bà, Lễ Hội Quan lớn Trà Vong,… Các thời điểm còn lại trong năm lượng khách đến không nhiều, điều này sẽ dễ dẫn đến du lịch của tỉnh nhà có nguy cơ rơi vào lối mòn, dễ gây nhàm chán cho du khách. Ngoài ra, nếu Tây Ninh không Khoa Du lịch, Đại học Văn Lang. 1
  2. 600 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... khai thác hết tiềm năng và những lợi thế nêu trên để phát triển du lịch một cách tương xứng, có thể dẫn đến mai một các tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể trong tương lai. Để khai thác, phát triển du lịch bền vững góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ giữa đầu tư cơ sở hạ tầng với xây dựng sản phẩm, quảng bá, tiếp thị, tạo dựng hình ảnh điểm đến, đào tạo nhân lực, triển khai những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư và bổ sung, điều chỉnh phù hợp quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch chi tiết về du lịch, làm cơ sở để mời gọi đầu tư. Xuất phát từ những vấn đề nêu trên cùng với vấn đề cấp bách là để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhằm phát triển du lịch bền vững, bài nghiên cứu tập trung những vấn đề liên quan khai thác, phát triển tài nguyên du lịch phi vật thể tại tỉnh Tây Ninh. 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU Theo Điều 4, Chương 1 Luật Di sản văn hóa (2013): “Di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác” (Luật Di sản văn hóa, 2013). DSVH phi vật thể là một phần của di sản văn hóa, là những sản phẩm tinh thần quý giá của cộng đồng, dân tộc được gìn giữ và bảo tồn qua từng thời kỳ lịch sử. DSVH phi vật thể bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết và nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác. Nghiên cứu về du lịch di sản văn hóa phi vật thể nhằm phát triển du lịch bền vững ở Tây Ninh chưa được quan tâm nhiều. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào việc phát triển du lịch chung mà chưa chú trọng đến việc khai thác các di sản văn hóa phi vật thể trong du lịch. Tuy nhiên, từ những nghiên cứu này, chúng ta có thể hình dung được thực trạng phát triển du lịch bền vững của Tây Ninh. Theo đó, nghiên cứu “Phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” năm 2021 đã nhận định “Tây Ninh có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng cùng hệ thống dịch vụ du lịch ngày càng được cải thiện”. Tuy nhiên, sự thiếu đồng bộ trong việc đầu tư khai thác tài nguyên du lịch nhân văn, khiến rất nhiều loại tài nguyên hiện vẫn chỉ ở dạng tiềm năng. Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường khách du lịch Tây Ninh nói chung và du lịch văn hóa nói riêng hiện khá bất ổn khi khách nội địa áp đảo hoàn toàn so với khách quốc tế. Mặc dù tỉnh đã có nhiều cố gắng nhưng hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch hiện vẫn chưa
  3. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 601 mang lại hiệu quả cao. Như vậy, việc nghiên cứu khai thác các di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển du lịch bền vững ở Tây Ninh là cần thiết và quan trọng để đề xuất được những giải pháp phù hợp. 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trong nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng các phương pháp chính sau: Phương pháp thu thập và xử lý thông tin: Các tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể ở Tây Ninh được thu thập từ các nguồn: sách, báo, các báo cáo khoa học, internet,... Từ đó, thực hiện so sánh, đánh giá, tổng hợp để xử lý các nguồn dữ liệu này nhằm đưa ra các nhận định về vấn đề nghiên cứu. Phương pháp khảo sát thực địa: Việc khảo sát thực tế một số di sản phi vật thể Tây Ninh như đình Gia Lộc, làng nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, làng nghề làm muối ớt Tây Ninh, núi Bà Đen,... giúp có những đánh giá xác thực về tiềm năng cũng như thực trạng khai thác của những di sản này vào hoạt động du lịch. Từ đó, đề xuất giải pháp khai thác hiệu quả hơn. Phương pháp phỏng vấn: Thực hiện phỏng vấn một số bên liên quan như khách du lịch, cộng đồng địa phương và các công ty du lịch ở Tây Ninh. Đối với khách du lịch, thực hiện phỏng vấn sâu 05 du khách về hoạt động du lịch của Tây Ninh nói chung và sự thu hút của các di sản văn hóa phi vật thể tại Tây Ninh đối với khách nói riêng. Bên cạnh đó, thực hiện trao đổi với 01 hộ gia đình làm nghề bánh tráng và 01 chủ doanh nghiệp làm nghề muối tôm Tây Ninh để tìm hiểu về việc sản xuất truyền thống, những khó khăn - thuận lợi trong quá trình làm nghề, sự hỗ trợ của chính quyền và khả năng tham gia vào hoạt động du lịch của họ. Ngoài ra, những ý kiến của các doanh nghiệp về việc đưa các di sản văn hóa phi vật thể vào các chương trình du lịch cũng được ghi nhận thông qua việc trao đổi với 03 công ty du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó có những phân tích, đánh giá về thực trạng khai thác du lịch di sản văn hóa phi vật thể của Tây Ninh và đưa ra giải pháp cho việc khai thác di sản văn hóa phi vật thể trong hoạt động du lịch của tỉnh. 4. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 4.1. Các di sản văn hóa phi vật thể của Tây Ninh Đờn ca tài tử: Đờn ca tài tử là một nét văn hóa đặc trưng của Nam bộ và có thể xem Tây Ninh là một điển hình cho phong trào đờn ca tài tử đang phát triển hiện nay. Để phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.
  4. 602 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Lễ hội Kỳ yên tại đình Gia Lộc (thị xã Trảng Bàng): Đình Gia Lộc toạ lạc tại khu phố Lộc Thành, thị trấn Trảng Bàng, được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ, là công trình mang dấu ấn lịch sử, thờ Ông Cả Đặng Văn Trước, người có công khai hoang, lập ấp, dựng làng, lập chợ, khai hoá vùng đất Trảng Bàng. Lễ Kỳ yên đình Gia Lộc được tổ chức hàng năm vào các ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch, là ngày hội để nhân dân quanh vùng có dịp giao lưu, sinh hoạt văn hóa, gắn kết cộng đồng, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Lễ hội trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người dân đất Trảng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng có cuộc sống bình an, ấm no và thịnh vượng. Năm 1994, đình Gia Lộc được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, năm 2012, Lễ hội Kỳ yên ở đình Gia Lộc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Múa trống Chhay-dăm (thị xã Hòa Thành): Múa trống Chhay-dăm là loại hình nghệ thuật sân khấu rất đặc biệt, được Phối sư Thái Chia Thanh (người Campuchia) truyền dạy cho đồng bào Khmer tại Việt Nam vào năm 1972 để biểu diễn trong lễ hội Cao Đài tại Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Về sau, múa trống Chhay-dăm cũng được biểu diễn trong tất cả các dịp lễ, tết, các đám phước, lễ dâng y kathina (lễ cúng giải hạn), lễ kiết giới xây-ma (lễ khánh thành nhà mới cho Phật) và cả trên sân khấu tuồng Rôbăm, Dù kê… của người Khmer. Múa trống Chhay-dăm, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào ngày 19/12/2014. Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen (thành phố Tây Ninh): Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu là một lễ hội truyền thống đặc sắc diễn ra từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 5 âm lịch hàng năm tại núi Bà Đen, Tây Ninh. Lễ hội diễn ra suốt hơn 200 năm qua cho đến ngày nay, thể hiện bản sắc cộng đồng - địa phương; phản ánh sự đa dạng về văn hóa - lịch sử và sự sáng tạo của người Tây Ninh. Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 4/9/2018. Đây được xem là lễ hội dân gian lớn ở Tây Ninh nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung. Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng: Bánh tráng phơi sương - một trong những đặc sản kỷ lục Châu Á được coi như nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Tây Ninh. Nghề làm bánh tráng ở Trảng Bàng đã có từ lâu đời, truyền từ thời cha ông ở vùng đất Ngũ Quảng, Bình Định đi khẩn hoang lập ấp ở Tây Ninh từ thế kỷ XVIII. Ban đầu là bánh tráng nhúng và bánh tráng nướng, sau này người ta đã sáng tạo ra bánh tráng phơi sương. Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Tây Ninh được Bộ Văn hóa,
  5. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 603 Thể thao và Du lịch trao chứng nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016. Từ đó đến nay, tỉnh Tây Ninh có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, tôn vinh, trong đó có các “điểm nhấn” là 2 năm 1 lần tổ chức “Tuần lễ hội Nghề làm bánh tráng phơi sương”. Nghệ thuật chế biến món ăn chay: Nghệ thuật ẩm thực chay là tri thức dân gian nghệ thuật - nét văn hoá độc đáo của Tây Ninh, gắn liền với đất và người Tây Ninh. Năm 2020, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện kiểm kê, khảo sát và lập hồ sơ trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị đưa “Nghệ thuật ẩm thực chay Tây Ninh” vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ngày 12/1/2022, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công bố Nghệ thuật chế biến món chay ở Tây Ninh được đưa vào danh mục di sản văn hoa phi vật thể Lễ hội Quan lớn Trà Vong - Tân Biên: Ở Tây Ninh, tập tục thờ cúng Quan lớn Trà Vong từ lâu nay đã trở thành một hình thức tín ngưỡng dân gian đặc biệt. Tập tục thờ cúng Quan Lớn Trà Vong là nghi thức chiêm bái ba anh em: ông Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng, Huỳnh Công Nghệ. Cho đến nay, ngày giỗ của Quan lớn Trà Vong hằng năm đã trở thành một lễ hội dân gian thực sự với sự tham dự của đông đảo nhân dân trong, ngoài địa phương, kéo dài từ tháng 2 cho đến tháng 4 âm lịch. Vào dịp này, số lượng khách đến viếng rất đông. Mộ Quan lớn Trà Vong được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ký ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2004. Năm 2009, Ban Quản lý lăng mộ đã phục chế sắc ấn và sắc phong của Quan lớn Trà Vong. Năm 2019, lễ hội Quan lớn Trà Vong được Bộ Văn hóa ,Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể. Nghề làm muối ớt Tây Ninh: Nghề làm muối ớt là loại hình nghề thủ công truyền thống đặc sắc của Tây Ninh, có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng - địa phương, trao truyền qua nhiều thế hệ và được cộng đồng người dân Tây Ninh tự nguyện cam kết bảo vệ. Ngày 14/2/2023, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận Nghề làm muối ớt Tây Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. (TTXVN, 2023). 4.2. Thực trạng du lịch của tỉnh Tây Ninh Tây Ninh với thiên nhiên phong phú có thể phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch văn hóa, lịch sử tại núi Bà Đen và Tòa Thánh Tây Ninh hay căn cứ Trung ương Cục miền Nam; du lịch lễ hội như lễ hội núi Bà Đen, lễ hội vía Bà, lễ Phật Đản, hội Yến Diêu Trì Cung, ngày vía Đức Chí Tôn, lễ Quan lớn Trà Vong; du lịch sinh thái tại vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; du lịch về nguồn như căn cứ Trung ương Cục miền Nam; du lịch nghỉ dưỡng tại hồ Dầu Tiếng; du lịch cửa khẩu, mua sắm tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài; du lịch caravan dọc theo đường Xuyên Á,... Nhìn chung, Tây Ninh có địa hình tương đối đa dạng: đồng bằng, đồi núi xen lẫn sông hồ tạo nên
  6. 604 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... vẻ đẹp đặc trưng không phải vùng nào cũng có, tạo cơ hội cho tỉnh nhà phát triển các loại hình du lịch một các dễ dàng hơn. Trong những năm qua, ngành du lịch địa phương đã đạt được các kết quả khả quan. Số lượng khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch đóng góp cho kinh tế của tỉnh tăng dần qua các năm. Bảng 1. Số lượng du khách đến Tây Ninh qua các năm Năm 2019 2020 2021 2022 2023 Lượng khách du lịch (lượt) 3.010.000 2.226.142 1.500.000 4.504.749 5.100.000 Doanh thu (tỷ đồng)  1.105 736 609 1.465 2.000 Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh (2023) Theo Bảng 1, năm 2019, số lượng khách du lịch đến Tây Ninh là gần 3,1 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt 1.105 tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm 2018. Do tác động của đại dịch Covid-19, luợng khách du lịch đến Tây Ninh có chiều hướng giảm trong 2 năm 2020 và 2021. Năm 2022 lượng khách du lịch đạt 4,5 triệu lượt (tăng 200% so với năm 2021), đem về nguồn doanh thu tăng vượt bậc 1.465 tỷ (tăng 140,7% so với năm 2021). Đặc biệt, năm 2023 tổng doanh thu du lịch cả tỉnh ước đạt 2.000 tỷ đồng (kế hoạch 1.800 tỷ đồng), vượt 11,1%, với hơn 5,1 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, đạt 102% so kế hoạch, tăng 13,2% so cùng kỳ. Điều này cho thấy tỉnh Tây Ninh đã có các hoạt động, chính sách phát triển triển du lịch phù hợp thu hút du khách. Bên cạnh đó, năm 2022, Tây Ninh xếp thứ 15 trong số 63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn hiện nay, với định hướng các trục hành lang phát triển với con đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và vị trí địa kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng quan trọng, tạo ra cho Tây Ninh những cơ hội mới trong phát triển một cách nhanh, bền vững (Thùy Trang, 2023). Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp, triển khai thực hiện của các ngành, địa phương, du lịch Tây Ninh đã có bước phát triển mới, đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, cho đến nay, du lịch Tây Ninh vẫn còn nhiều hạn chế. Hạn chế đầu tiên là nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng: Tốc độ tăng trưởng về lao động trong ngành du lịch giai đoạn 2017 - 2022 là 11%, trong đó, tốc độ tăng trưởng lao động trực tiếp là 12,3%, lao động gián tiếp là 10,4%. Hiện lao động ngành du lịch Tây Ninh có 2.950 người, trong đó lao động trực tiếp là 1.050 người và lao động gián tiếp là 1.900 người, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có lao động thấp nhất, thiếu cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là trình độ nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ của hướng dẫn viên. Về trình độ lao động từ trung cấp trở lên chiếm 35,5%, lao động chưa qua đào tạo chiếm 64,5%, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu lao động có trình độ ngoại ngữ.
  7. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 605 (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, 2023). Nhìn chung, nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu và yếu trên nhiều phương diện, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách. Lao động trong các doanh nghiệp du lịch còn thiếu, tính chuyên nghiệp chưa cao, hầu hết chưa qua đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là kỹ năng phục vụ và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, tổ chức, bộ máy cán bộ làm du lịch từ tỉnh đến huyện, xã còn thiếu; số lượng cán bộ có chuyên ngành đào tạo về du lịch rất hạn chế. Trung tâm Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố không có biên chế cán bộ du lịch, hầu hết không có chuyên môn về du lịch. Công tác mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch còn hạn chế (An Khang, 2023). Thứ hai, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch còn thiếu và chưa đồng bộ: hiện tại cơ sở hạ tầng tại các điểm tham quan về cơ bản đã được nhà đầu tư và chính quyền địa phương đầu tư xây dựng, tu bổ tương đối ổn, tuy nhiên tại các điểm tham quan di tích lịch sử - văn hóa hầu hết chưa xây dựng khu để xe chung, chưa có khu ẩm thực kết hợp bán đặc sản Tây Ninh. Thứ ba, các đơn vị kinh doanh du lịch chưa tổ chức được nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch: trong những năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh ít tham gia gian hàng quảng bá tại các sự kiện, các lễ hội về du lịch ở các địa phương trong cả nước. Đây là yếu tố hạn chế thúc đẩy công tác quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch của tỉnh đến với du khách. Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa cao, quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương và sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch. Thực tế hiện nay các sản phẩm của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh khá đa dạng và phong phú, với các sản phẩm OCOP, các sản vật nông nghiệp địa phương và các dịch vụ khác nhưng việc gắn kết du lịch với giới thiệu sản phẩm hàng hóa của địa phương còn hạn chế. Thứ tư, hầu hết các điểm, khu du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư khai thác đúng mức. Nội dung chương trình du lịch chưa phong phú, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng sản phẩm du lịch không cao, chưa đủ sức hấp dẫn khách tham quan và cạnh tranh với các sản phẩm du lịch trong khu vực. (Vũ Văn Đông, 2021). Các sản phẩm du lịch văn hóa vẫn chủ yếu dựa trên những tài nguyên sẵn có, chưa xây dựng được sản phẩm đặc thù có khả năng tạo dấu ấn rõ nét trong lòng du khách. Ngoài ra, sự phối hợp không chặt chẽ, thiếu nhất quán giữa các ban, ngành liên quan đã dẫn đến một số bất cập trong quá trình đầu tư khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị của nguồn tài nguyên du lịch nhân văn trên địa bàn. Thứ năm, cơ cấu thị trường khách du lịch Tây Ninh đang chưa cân đối khi khách du lịch nội địa áp đảo hoàn toàn so với khách du lịch quốc tế. Tây Ninh chưa thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ Campuchia mặc dù có lợi thế về đường biên giới và khách du lịch qua lại các cửa khẩu quốc tế của Tây Ninh. Cuối cùng, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành số lượng còn ít, quy mô còn nhỏ, chưa hình thành được doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực du lịch (Hy Uyên, 2022). Một số nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên có thể kể đến đầu tiên là đại dịch Covid-19 toàn cầu trong năm 2020-2021 đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế -
  8. 606 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... xã hội của tỉnh nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Hàng năm, các sự kiện, hội chợ xúc tiến, quảng bá du lịch trên cả nước diễn ra khá nhiều, việc tham gia hội chợ, triễn lãm du lịch, giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch, sản phẩm du lịch chi phí khá tốn kém, trong khi doanh thu, tiềm lực về kinh tế của các doanh nghiệp còn hạn chế. Tiếp theo, công tác xã hội hóa đầu tư phát triển dịch vụ du lịch còn chưa tương xứng với tiềm năng; các doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều vào các dịch vụ du lịch chất lượng cao. Bên cạnh đó, du khách đến Tây Ninh đa phần là du lịch văn hóa tâm linh nên các chi phí du lịch tại Tây Ninh tương đối thấp. Các khu điểm du lịch còn ít và khá gần nhau, thiếu các dịch vụ quảng bá, giới thiệu, trải nghiệm và bán sản phẩm du lịch địa phương tại các điểm tham quan... do đó doanh thu du lịch không cao. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của các doanh nghiệp chưa nhiều; nội dung, giải pháp tuyên truyền quảng bá chưa đa dạng; kinh phí đầu tư cho công tác quảng bá, xúc tiến chưa nhiều. Ngoài ra, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch của một số đơn vị và bộ phận nhân dân còn hạn chế. Một số hộ kinh doanh dịch vụ du lịch theo kiểu tự phát nên chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch, do đó thiếu kiến thức về làm du lịch. Cuối cùng, đa số người dân chưa nhận thức và chỉ khuyến khích con em học và làm việc trong các ngành đang có ưu thế trong xã hội như: ngân hàng, công nghệ thông tin, kế toán, kiểm toán… 4.3. Những kết quả và hạn chế trong khai thác di sản văn hóa phi vật thể trong du lịch tỉnh Tây Ninh Từ thực trạng du lịch tỉnh, có thể thấy các di sản văn hóa phi vật thể của Tây Ninh đã được Bộ VHTTDL công nhận chưa phát huy hết giá trị, chưa gắn chặt chẽ với phát triển du lịch” (Thùy Trang, 2019). Trong đó: Di sản văn hoá phi vật thể được nhiều du khách đặc biệt ấn tượng tại Tây Ninh là lễ hội gắn với huyền tích về Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen). Trong văn hóa của người dân Nam Bộ, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu tổ chức tại núi Bà Đen, Tây Ninh được coi là lễ hội quan trọng nhất trong năm. Vì vậy, hàng năm, hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đã hội tụ về đây để tham gia vía Bà. Ngoài các nghi thức lễ chính, lễ hội còn có nhiều chương trình nghệ thuật độc đáo như Múa Mâm Vàng, Múa Rồng Nhang Long Mã hay những trích đoạn cải lương đặc sắc về sự tích Linh Sơn Thánh Mẫu được trình diễn bởi các nghệ sĩ từ nhiều đoàn nghệ thuật, mang tới cho người dân và du khách tới núi Bà Đen đa dạng trải nghiệm tâm linh và văn hóa truyền thống dân gian. Những năm gần đây, núi Bà Đen được đầu tư hiện đại với nhiều công trình nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách. Theo số liệu thống kê của Bảng 2, trong giai đoạn 2013 - 2018, số lượng du khách tới Tây Ninh chủ yếu tập trung tại Khu du lịch núi Bà Đen (chiếm 90,8%). Điều này cho thấy sức hút của lễ hội vía Bà và các sản phẩm, dịch vụ khác của Khu du lịch núi Bà Đen. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy những bất cập của du lịch Tây Ninh. Đó là việc phát triển chưa đồng đều ở các khu/
  9. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 607 điểm du lịch, đặc biệt là sự khai thác các di sản văn hoá phi vật thể trong du lịch. Bên cạnh đó, việc tập trung số lượng người lớn vào các mùa cao điểm tại núi Bà Đen cũng là một phần làm ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách tới đây. Bảng 2. Số lượng du khách đến các khu/điểm du lịch của Tây Ninh qua các năm Đơn vị: ngàn lượt Khu/điểm DL 2013 2014 2015 2016 2017 2018 Tỷ lệ % 1 Khu du lịch (KDL) núi Bà Đen 2090 2135 2234 2340 2520 2576 90.8 2 KDL Long Điền Sơn 157 187 73 209 43 74 5.7 3 Các di tích lịch sử cách mạng Miền Nam 51 60 60 45 48 61 2.0 4 Tòa thánh Cao Đài 48.5 38.7 20.7 27.2 23.3 18.3 1.3 5 Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát 4.7 4.5 3.4 5.3 5.5 5.5 0.2 Nguồn: Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh (2019) Di sản phi vật thể tiếp theo được khai thác nhiều trong hoạt động du lịch tại Tây Ninh đó là nghệ thuật đờn ca tài tử. Tại Tây Ninh, đờn ca tài tử - cải lương luôn có mặt trong các chương trình văn hóa, văn nghệ, các buổi sinh hoạt, vui chơi của người dân. Toàn tỉnh có trên 200 câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm đờn ca tài tử sinh hoạt tại các Trung tâm Văn hóa tỉnh, huyện, phường, xã, thị trấn. Trong cộng đồng dân cư có gần 80 gia đình đờn ca tài tử và hàng trăm nghệ nhân đang là hạt nhân nòng cốt trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ ở cơ sở (Ngọc Bích - Hoàng Yến, 2023). Tuy nhiên, hoạt động duy trì, bảo tồn và khai thác di sản này còn gặp nhiều khó khăn do một số nguyên nhân: thiếu sân chơi cho các đội thể hiện tài năng, nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc hình thành các đội nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử, các nghệ nhân không có nhiều thời gian để tham gia,… Tương tự như di sản đờn ca tài tử, điệu múa trống Chhay-dăm thường được trình diễn trong các ngày lễ của người Khmer tại Tây Ninh và các lễ hội lớn trên đỉnh núi Bà Đen như Lễ hội Xuân núi Bà (tháng Giêng), dịp tết Chol Chnam Thmay của người Khmer, dịp lễ 30/4, Quốc khánh 2/9… Múa trống Chhay-dăm được địa phương quan tâm, tạo điều kiện để bảo tồn, phát triển. Tuy nhiên việc duy trì cũng như thu hút thanh, thiếu niên tại địa phương tham gia tập luyện múa trống còn khó khăn vì thiếu nguồn kinh phí đầu tư trống, trang phục biểu diễn; thu nhập không ổn định vì phụ thuộc vào các dịp lễ tết; người múa trống cần có sức khỏe và sự kiên trì trong tập luyện;… Với hơn 50 làng nghề thủ công đa dạng như nghề rèn, nghề đan lát, mây tre lá, trồng một số cây đặc sản như đậu phộng, thuốc lá... đặc biệt là nghề làm muối ớt và bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Tây Ninh có nhiều cơ hội để khai thác trong du lịch với các hoạt động cho du khách trải nghiệm như: làm và thưởng thức, làm quà lưu niệm,… Trong đó, nghề làm muối ớt là loại hình nghề thủ công truyền thống đặc sắc của Tây Ninh, có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng - địa phương, trao truyền qua nhiều thế hệ và được cộng đồng người dân Tây Ninh tự nguyện cam kết bảo vệ.
  10. 608 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Hiện nay, nghề làm muối Tây Ninh tồn tại ở hai cấp độ quy mô chính: dạng những lò muối, hộ nhỏ lẻ làm thủ công và hộ nâng thành cơ sở sản xuất muối và thực phẩm, đăng ký thương hiệu muối Tây Ninh. Còn nghề làm bánh tráng Trảng Bàng thì đã có từ lâu đời, từ thời cha ông ở vùng đất Ngũ Quảng, Bình Định đi khẩn hoang lập ấp ở Tây Ninh từ thế kỷ XVIII. Từ năm 2016, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức các đợt lễ hội Văn hóa - Du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng để thế hệ trẻ có cơ hội hiểu hơn về làng nghề truyền thống này. Tham gia lễ hội du khách còn có thể tự tay tráng, nướng và thưởng thức bánh. Tuy nhiên, giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, đến hiện tại chỉ còn vài chục hộ gắn bó với nghề làm bánh tráng. Những người thợ chia sẻ, thu nhập của nghề này không cao và quá trình chế biến thủ công mất rất nhiều thời gian nên dù đặc sản này được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng thì làng nghề vẫn gặp nhiều khó khăn để duy trì (Ngọc Trâm, 2023). Nhìn chung, du lịch Tây Ninh chưa khai thác hợp lý các làng nghề truyền thống. Chính vì vậy, các làng nghề gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển. Các khó khăn có thể kể đến là các hộ gia đình tự chủ động trong việc duy trì nghề; máy móc thiết bị sản xuất còn thô sơ, đơn giản; chưa có sự hỗ trợ nhiều của chính quyền về quảng bá, đầu ra của sản phẩm; chưa được đưa vào chương trình du lịch nên chưa thấy được lợi ích của việc đón tiếp khách du lịch. Vì vậy, các hộ gia đình chủ yếu làm nhỏ lẻ, số lượng sản phẩm ít, nguồn thu thấp, không có đội ngũ kế thừa,… Điều này dẫn đến nguy cơ bỏ nghề rất cao. Các di sản phi vật thể còn lại của Tây Ninh cũng gặp nhiều hạn chế, lượng du khách còn ít do công tác đầu tư, quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với di sản chưa được quan tâm. Tây Ninh mới chỉ tập trung quảng bá di sản lễ hội vía Bà mà chưa chú trọng tới các di sản còn lại. Điều này làm cho việc phát triển du lịch gắn với các di sản không đồng đều. 5. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ Căn cứ nội dung đề ra trong Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 05/10/2017 của Tỉnh ủy Tây Ninh về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (khoá XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch số 1833/KH-UBND ngày 10/6/2022 về phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, ngành du lịch cần đề ra những giải pháp phù hợp để phát triển theo bền vững. Việc phát triển du lịch gắn liền với các di sản văn hóa phi vật thể tại Tây Ninh không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn góp phần vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa địa phuơng. Bằng cách dựa vào các giá trị sẵn có của các di sản văn hóa phi vật thể, Tây Ninh có thể xây dựng ngành du lịch phát triển hơn, thu hút du lịch bằng những trải nghiệm đặc sắc và hướng tới sự bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, Tây Ninh cần nhanh chóng áp dụng các giải pháp sau đây: Đầu tiên, tăng cường sự chỉ đạo từ chính quyền địa phương, tăng cường trách nhiệm đầu tàu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Tây Ninh cần có kế hoạch
  11. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 609 phát triển du lịch cụ thể cho từng giai đoạn, đặc biệt là du lịch gắn liền với di sản văn hóa phi vật thể. Phối hợp với các ban ngành khác trong công tác quản lý, khai thác và bảo tồn các tài nguyên du lịch nhân văn một cách hiệu quả. Thực hiện quản lý, phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh lữ hành trong quá trình khai thác và bảo vệ các tài nguyên du lịch nhân văn, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với di sản phi vật thể đặc trưng, cạnh tranh nhằm thu hút du khách. Tiếp theo, đẩy mạnh xây dựng nhanh cơ sở hạ tầng liên quan và phục vụ du lịch. Đầu tư mở rộng các tuyến đường, cung đường trọng điểm, tạo kết nối thuận lợi giữa các điểm đến di sản văn hóa với các điểm đến nổi bật khác của vùng. Đầu tư cải thiện và phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, hệ thống xử lý nước thải, chất thải, quy hoạch và xây dựng các bãi đỗ xe phù hợp tại các điểm đến du lịch, xây dựng và nâng cấp kết nối mạng, internet,… Song song đó, Tây Ninh cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh, tuyên truyền và nâng cao hiểu biết của người dân địa phương về các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là những người trẻ. Cần tổ chức đưa các nội dung về di sản văn hóa phi vật thể vào trong môi trường giáo dục từ các cấp 1-2, giúp các em nhỏ sớm có nhận thức và thêm niềm tự hào về các giá trị truyền thống của ông cha. Tổ chức thường xuyên hơn các hội thao, ngày hội truyền thống,… để lan tỏa sâu rộng hình ảnh và các giá trị tốt đẹp của các di sản đến người dân địa phương. Hơn nữa, cần có các chương trình tập huấn, đào tạo về du lịch cho người dân địa phương. Trang bị đủ kiến thức về du lịch cho người dân, giúp họ nhận thức được giá trị kinh tế mà du lịch mang lại, để người dân có thể chuyển dần sang thích nghi và thu được lợi ích kinh tế từ du lịch. Có chính sách hỗ trợ cho người tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng để phục vụ du khách. Công tác xúc tiến quảng bá là hoạt động quan trọng nhằm đưa hình ảnh, sản phẩm du lịch của địa phương tới du khách. Vì vậy, tỉnh Tây Ninh cần tập trung đầu tư cho công tác này thông qua các chính sách, hoạt động như: Tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực hơn trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; hỗ trợ kinh phí tham gia các sự kiện, lễ hội, hội chợ,… Đặc biệt, cần chú trọng và tăng cường quảng bá các sản phẩm du lịch gắn với di sản phi vật thể chưa được phát triển nhiều như: Lễ hội Kỳ yên tại đình Gia Lộc, nghệ thuật chế biến món ăn chay, lễ hội Quan lớn Trà Vong - Tân Biên. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến, quảng bá du lịch, trong đó chú trọng vào việc thu thập thông tin và xây dựng nguồn dữ liệu; phát huy tối đa hiệu quả các ứng dụng Du lịch thông minh tỉnh Tây Ninh vào công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch. Cuối cùng, cần tạo ra liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp/tổ chức du lịch trong và ngoài tỉnh. Thông qua đó, có thể chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và kinh doanh
  12. 610 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... các sản phẩm du lịch. Đặc biệt là tận dụng nguồn lực của các doanh nghiệp trong việc quảng bá hình ảnh du lịch đến với đa dạng đối tượng khách du lịch, thông qua doanh nghiệp du lịch mang khách du lịch đến với tỉnh. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quốc Hội. (2013). “Luật Di sản văn hóa”. Số 10/VBHN-VPQH, ngày 23/7/2013. 2. Vũ Văn Đông. (2021). “Phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. https:// tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-du-lich-van-hoa-tren-dia-ban-tinh-tay-ninh-81659. htm. Truy cập tháng 12 năm 2023. 3. Tấn Hưng. (2023). “Phát triển du lịch Tây Ninh: Niềm vui chưa trọn vẹn” (https://baotayninh. vn/phat-trien-du-lich-tay-ninh-niem-vui-chua-tron-ven-a154437.html). Truy cập tháng 11 năm 2023. 4. An Khang. (2023). “Tây Ninh: Nghiên cứu tạo “đòn bẫy” phát triển du lịch” (https:// baotayninh.vn/tay-ninh-nghien-cuu-tao-don-bay-phat-trien-du-lich-a160074.html). Truy cập tháng 12 năm 2023. 5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (2023). “Báo cáo đánh giá tác động của Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2030”. 6. Thùy Trang. (2019). “Giải bài toán bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch” (https:// vietnamtourism.gov.vn/post/30002). Truy cập tháng 12 năm 2023. 7. Thùy Trang. (2023). “Tây Ninh: Phát triển chưa tương xứng tiềm năng văn hóa, du lịch”. (http://baovanhoa.vn/van-hoa/di-san/artmid/488/articleid/73142/tay-ninh-phat-trien-chua- tuong-xung-tiem-nang-van-hoa-du-lich). Truy cập tháng 12 năm 2023. 8. Xuân Trung. (2021). “Tây Ninh khai thác lợi thế du lịch tâm linh” (https://vietnamtourism. gov.vn/post/38084). Truy cập tháng 11 năm 2023. 9. Hy Uyên. (2022). Tây Ninh: Phấn đấu đến năm 2030, Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn (https://vietnamtourism.gov.vn/post/41691). Truy cập tháng 12 năm 2023. 10. TTXVN. (2023). “Nghề làm muối ớt Tây Ninh - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” (https:// sotttt.tayninh.gov.vn/xay-dung-nong-thon-moi-100/nghe-lam-muoi-ot-tay-ninh-di-san-van- hoa-phi-vat-the-quoc-gia-2591.html). Truy cập tháng 12 năm 2023. 11. TTXVN. (2023). “Tây Ninh: Tự hào với 7 di sản phi vật thể quốc gia. Thông tin tổng hợp” (https://tayninh.agency/tay-ninh-tu-hao-voi-7-di-san-phi-vat-the-quoc-gia/). Truy cập tháng 12 năm 2023. 12. Ngọc Bích và Hoàng Yến. (2023). https://baomoi.com/bai-1-de-nghe-thuat-don-ca-tai-tu- khong-bi-mai-mot-c46730537.epi. Truy cập tháng 12 năm 2023. 13. Ngọc Trâm. (2023). “Làng nghề bánh tráng Trảng Bàng - Nét đẹp văn hóa ẩm thực Nam Bộ”. https://langngheviet.com.vn/lang-nghe-banh-trang-trang-bang-net-dep-van-hoa-am- thuc-nam-bo-21928.html. Truy cập tháng 12 năm 2023.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2