intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Khai thác tài nguyên văn hóa biển trong phát triển du lịch địa phương

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Khai thác tài nguyên văn hóa biển trong phát triển du lịch địa phương" tập trung tìm hiểu về khai thác tài nguyên du lịch văn hóa biển hiện nay trong hoạt động du lịch, khả năng đáp ứng của điểm đến, một số hạn chế và từ đó đóng góp một số đề xuất cho việc khai thác tài nguyên văn hóa biển. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Khai thác tài nguyên văn hóa biển trong phát triển du lịch địa phương

  1. KHAI THÁC TÀI NGUYÊN VĂN HÓA BIỂN TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG Trần Đình Huy1 Tóm tắt: Du lịch biển được xem là loại hình du lịch truyền thống và đang thu hút số đông du khách. Qua khảo sát, các tour du lịch biển hiện nay phần lớn chỉ tập trung khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên, chưa hoặc ít kết hợp với tài nguyên du lịch văn hóa. Bài viết phân tích những lí do khiến tài nguyên văn hóa vùng biển chưa đáp ứng tiêu chí của một điểm du lịch, khiến cho một thời gian dài chúng ta chưa khai thác hiệu quả cũng như tạo sự phát triển bền vững cho du lịch địa phương. Việc kết hợp các giá trị văn hóa biển như: hệ thống cơ sở thờ tự tín ngưỡng (dinh, vạn thờ Cá Ông), các làng nghề (đóng ghe, làm ngư cụ), ẩm thực (chế biến từ các loại hải sản),… với tài nguyên du lịch tự nhiên sẽ góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch, đặc biệt là thu hút du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tài nguyên văn hóa vùng biển cũng góp phần cải thiện kinh tế địa phương, giúp các di tích lịch sử văn hóa có thêm nguồn tài trợ để được trùng tu và bảo dưỡng. Từ khóa: Bảo tồn văn hóa biển, du lịch biển, phát triển du lịch bền vững, tài nguyên văn hóa biển. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Các tỉnh duyên hải Việt Nam được đánh giá có nhiều điều kiện phát triển du lịch, với các bãi cát, vịnh biển và đảo được đánh giá cao trong bảng xếp hạng thế giới về các điểm đến du lịch. Khảo sát các điểm đến, các tour du lịch biển phổ biến hiện nay, chúng tôi nhận thấy chưa có nhiều sản phẩm du lịch có kết hợp tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa biển. Bên cạnh nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú và có sức thu hút lớn, tài nguyên du lịch văn hóa vùng biển cũng có những nét đặc sắc riêng. Thông qua khảo sát tư liệu và điền dã thực tế một số địa phương Nam Trung Bộ và Nam Bộ, chúng tôi tập trung tìm hiểu về khai thác tài nguyên du lịch văn hóa biển hiện nay trong hoạt động du lịch, khả năng đáp ứng của điểm đến, một số hạn chế và từ đó đóng góp một số đề xuất cho việc khai thác tài nguyên văn hóa biển. Trên thực tế, tài nguyên văn hóa biển chưa được khai thác nhiều cho hoạt động du lịch bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, với nghiên cứu này chúng tôi mong muốn đóng góp cho sự phát triển du lịch bền vững đặc biệt du lịch khai thác tài nguyên văn hóa biển. Hiện nay, cuộc sống mưu sinh từ biển gặp khó khăn hơn rất nhiều, hoạt động du lịch một phần nào đó giúp cải thiện sinh kế địa phương và xa hơn chính là đa dạng hóa sản phẩm du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế. 1 Trường Đại học Văn Hiến.
  2. 282 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU 2.1. Tài nguyên du lịch văn hóa và phát triển du lịch bền vững Theo cách phân loại hiện nay, tài nguyên du lịch được chia thành hai loại chính đó là tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch (Quốc hội, 2021). Tài nguyên du lịch văn hóa chính là các sản phẩm được con người sáng tạo, có thể là giá trị vật chất hoặc tinh thần, mang nét đặc thù từng địa phương, có sức thu hút và có thể khai thác cho hoạt động du lịch. Trên thực tế, tài nguyên du lịch văn hóa thường ít thu hút hơn so với tài nguyên du lịch tự nhiên và thường đáp ứng nhu cầu khám phá, tìm hiểu hơn là hưởng thụ hay giải trí. Theo Luật Du lịch Việt Nam, du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại (Quốc hội, 2021). Có thể hiểu rằng du lịch văn hóa là một loại hình du lịch, trong đó khai thác các thế mạnh về tài nguyên văn hóa, biến nó trở thành các sản phẩm du lịch. Việc khai thác di sản cho hoạt động du lịch có nhiều mặt tích cực như giúp bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa, di sản, nhưng trái lại có thể dẫn đến thương mại hóa di sản, văn hóa, làm biến tướng hoặc hủy hoại di sản đó. Những năm gần đây, du lịch cộng đồng được quan tâm đến nhiều không chỉ quốc tế mà ở Việt Nam. Khách du lịch không khó để tìm một địa điểm du lịch cộng đồng trên Internet. Mặc dù được quan tâm nhiều gần đây, nhưng không nhiều địa phương thành công với mô hình du lịch cộng đồng. Luật Du lịch Việt Nam định nghĩa rằng, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Như vậy, phát triển du lịch cộng đồng chính là phát triển du lịch bền vững, trong đó cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch và được hưởng lợi từ du lịch. Du lịch cộng đồng không chỉ đóng góp về mặt kinh tế, cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương, mà còn có những tác động tích cực đến văn hóa địa phương, việc bảo tồn các di tích,... Phát triển bền vững là mục tiêu được toàn xã hội quan tâm, trên rất nhiều lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục, y tế, đến du lịch. Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch có tính đến đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, vừa đáp ứng được nhu cầu của du khách và sự phát triển của ngành du lịch, vừa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và các yêu cầu của cộng đồng địa phương. Phát triển du lịch bền vững liên quan đến các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa - xã hội của phát triển du lịch, đòi hỏi phải thiết lập sự cân bằng hợp lý giữa ba khía cạnh này để bảo đảm tính bền vững lâu dài (Nguyễn Mạnh Hùng, 2023).
  3. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 283 2.2. Một vài cơ sở để phát triển du lịch cộng đồng từ góc độ tài nguyên văn hóa biển Bờ biển Việt Nam trải dài từ Bắc xuống Nam trên nhiều vĩ độ có các quần đảo, nhiều đảo lớn nhỏ khác nhau. Việt Nam được xem là quốc gia có nhiều điều kiện phát triển kinh tế biển như: dầu khí, khai thác và chế biến hải sản, vận tải biển và du lịch biển đảo. Như đã đề cập phần trên, Việt Nam luôn được đánh giá cao trên các bình chọn điểm đến của năm, đó là xét về góc độ tài nguyên du lịch tự nhiên và hiện nay Việt Nam đã khai thác tương đối tốt để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo. Tuy nhiên bên cạnh các tài nguyên tự nhiên đó, biển Việt Nam còn ẩn chứa nhiều giá trị về mặt văn hóa, di sản và chưa được khai thác nhiều cho hoạt động du lịch. Với những thuận lợi về mặt địa lý tự nhiên, Việt Nam được xem là quốc gia biển đảo, với đường bờ biển dài 3260km, có tới 28 tỉnh, thành phố giáp biển, 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo và khoảng 4000 đảo lớn nhỏ khác nhau. Vì những thuận lợi đó mà dọc theo bờ biển Việt Nam, có rất nhiều vạn chài lớn nhỏ, hình thành nên nghề cá lớn mạnh, đặc biệt là khu vực ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, ngoài ra yếu tố lịch sử, dân cư cũng góp phần làm nên những nét độc đáo văn hóa biển. Lễ hội có thể xem là phổ biến nhất đối với cộng đồng cư dân ven biển đó chính là lễ hội Cầu ngư. Lễ hội Cầu ngư với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông chính là nét riêng của cư dân và ngư dân vùng biển phổ biến ở Trung và Nam Bộ. Trịnh Hoài Đức trong tác phẩm Gia Định thành thông chí có đề cập đến tín ngưỡng cá Ông, chỉ nước Nam ta từ Linh Giang đến Hà Tiên mới có việc ấy và rất linh nghiệm, còn các biển khác thì không có (2004:237). Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông được ngư dân Nam Trung Bộ và Nam Bộ tôn kính với nhiều danh xưng như: Nam Hải cự tộc Ngọc lân tôn thần, Nam Hải Đại tướng quân,... đây là hoạt động tinh thần quan trọng của cộng đồng ngư dân, với mong muốn một năm đánh bắt mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang. Bên cạnh phần lễ để tưởng nhớ và tôn vinh thần chủ, lễ hội Cầu ngư còn bao gồm rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí như: hò Bá trạo, hát Bộ (Bội), các trò chơi dân gian, văn nghệ, có thể kéo dài đến 2-3 ngày. Ngoài lễ hội Cầu ngư và tín ngưỡng cá Ông là dạng thức tín ngưỡng chính, cư dân vùng biển còn nhiều hoạt động tín ngưỡng và lễ hội khác như: tín ngưỡng Mẫu thần/ nữ thần, lễ Lao động biển của cộng đồng ngư dân Công giáo, tín ngưỡng và lễ cúng Âm hồn, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội dinh Thầy Thím (Bình Thuận), lễ cúng biển Mỹ Long (Trà Vinh),… Thờ Mẫu thần/nữ thần khá phổ biển ở Việt Nam, quốc gia được các nhà nghiên cứu cho rằng đó là xứ sở mẫu hệ. Một vài vị Mẫu thần/nữ thần được ngư dân thờ cúng như: Thủy Long thần nữ, Thiên Y Ana, Ngũ Hành nương nương, bà Cố hỷ, Thiên Hậu thánh mẫu, Bà Cậu, một số địa phương dựng tượng thờ Quan Âm Nam Hải - một vị bồ tát Phật giáo ở ngoài biển hoặc phối thờ tại các cơ sở thờ tự tín ngưỡng khác. Người Việt Nam nói chung và cộng đồng cư dân ven biển nói riêng, hình ảnh người Mẹ gần
  4. 284 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... gũi và giàu lòng thương xót, vì vậy ngư dân mỗi khi ra khơi đánh bắt cũng mong được các vị nữ thần/Mẫu thần che chở tai qua nạn khỏi, bình an trên hành trình mưu sinh cơ cực. Lễ Lao động biển hay còn được biết với Lễ lao động Phê-rô là một lễ hội liên quan đến hoạt động ngư nghiệp của cộng đồng ngư dân Công giáo. Ngư dân Công giáo tổ chức lễ kính Phê-rô, một vị thánh, một trong số 12 thánh tông đồ, thánh nhân chính là một ngư phủ trước khi trở thành một tông đồ của Chúa Giê-su. Lễ được ngư dân tổ chức ngày 29 tháng Sáu hằng năm nhằm kính nhớ thánh Phê-rô và cũng cầu xin một vụ mùa bình an, thuận lợi. Ngoài hoạt động tín ngưỡng và lễ hội, các cơ sở thờ tự, các công trình kiến trúc liên quan đến các hoạt động tín ngưỡng cũng mang nhiều nét đặc sắc. Các công trình đó phản ánh văn hóa xây dựng của từng địa phương, được thể hiện qua hướng xây dựng, nguồn vật liệu, kết cấu, nghệ thuật chạm khắc phù điêu, các hình vẽ. Đặc biệt, một số địa phương còn lưu giữ các bản sắc phong do triều Nguyễn ban như: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu (Dương Thị Anh 2018), hoặc các bộ ngọc cốt cá Ông có giá trị cao về mặt nghiên cứu như vạn Thủy Tú (Phan Thiết), Lăng Tân (Lý Sơn), lăng Ông Thủy Tướng (Cần Giờ). Nhắc đến biển Việt Nam, không thể phủ nhận những giá trị về tài nguyên, được mệnh danh là biển bạc. Nguồn lợi hải sản trong vùng biển nước ta có độ phong phú cao. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế, như: tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Chỉ tính riêng cá biển, có hơn 2.000 loài khác nhau đã được phát hiện, trong đó khoảng 100 loài có giá trị kinh tế; có 15 bãi cá lớn, phân bố chủ yếu ở vùng ven bờ (Hoàng Văn Khải, 2020). Từ các sản vật biển, mỗi địa phương lại có những cách chế biến khác nhau, tạo nét riêng cho từng vùng. Một số hải sản có giá trị cao hiện nay như tôm hùm Cam Ranh, cua biển Cà Mau, sò huyết đầm Ô Loan, con ngán Quảng Ninh,… cho đến các món ăn như: chả mực Quảng Ninh, gỏi cá trích Phú Quốc, trứng cá chuồn, cá ngừ Phú Yên,… Bên cạnh hoạt động tham quan nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí hay khám phá; ẩm thực địa phương cũng là một trong những động cơ thúc đẩy nhu cầu du lịch cũng như quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Ẩm thực không chỉ đóng vai trò đáp ứng nhu cầu thưởng thức đặc sản mà còn góp phần tạo dấu ấn với du khách, định vị thương hiệu du lịch của từng địa phương. Với đặc trưng về không gian sống, điều kiện sinh hoạt cũng như nguồn nguyên vật liệu địa phương, nhà ở truyền thống cư dân ven biển có nhiều điểm dị biệt so với nông thôn các địa phương khác. Nhà ở miền biển thường được xây dựng thấp, kết cấu vững chãi, nền vuông với mục đích chống lại sự ảnh hưởng của mưa bão, nguồn vật liệu xây dựng chủ yếu từ địa phương, san hô, đá vôi, vỏ sò cũng thường được người dân sử dụng cho mục đích trang trí. Các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng cũng
  5. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 285 có nhiều nét đặc trưng: nhà thờ hình dạng chiếc thuyền (giáo xứ Bến Đá - Vũng Tàu, giáo xứ Thanh Bình - La Gi), phù điêu hình cá Ông, thuyền đánh cá, tranh vẽ cảnh lao động, bến cảng nhộn nhịp,… Bờ biển Việt Nam có nhiều eo, vụng, vũng, vịnh ven bờ và cứ 20km chiều dài đường bờ biển lại bắt gặp một cửa sông lớn với tổng số khoảng 114 cửa sông đổ ra biển, chủ yếu từ phía lục địa Việt Nam (Vân Hồng, 2018). Cùng với nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng chủng loại cá tôm, cư dân ven biển khai sinh nên nhiều cách thức khai thác hải sản khác nhau: lưới chì vây rút, mành chà, câu khơi, lưới chụp, giã cào, lồng bẫy. Nhiều làng nghề trải dài khắp bờ biển Việt Nam phục vụ cho nhu cầu khai thác: làng nghề đóng ghe, làm thúng trai, làng nghề sản xuất lưới, ngư cụ; các làng nghề chế biến như: làm khô, mắm, nước mắm và các nghề dịch vụ hậu cần nghề cá. 3. TÌNH HÌNH KHAI THÁC TÀI NGUYÊN DU LỊCH VĂN HÓA BIỂN HIỆN NAY Hiện nay, trong chương trình tour của các đơn vị lữ hành, phần lớn tập trung khai thác chủ yếu tài nguyên tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa biển ít được khai thác hơn. Đối với các chương trình du lịch được thiết kế sẵn, các đơn vị lữ hành chủ yếu hướng đến nhóm khách đại trà vì vậy những điểm phù hợp đa số đối tượng sẽ được ưu tiên hơn vì dễ dàng được khách lựa chọn. Đối với các chương trình tour thiết kế dựa trên yêu cầu của khách, đơn vị lữ hành thường hướng khách đến phương án an toàn, trong đó có các yếu tố như hạ tầng dịch vụ tại địa phương được quan tâm hơn. Có nhiều nguyên nhân lí giải vì sao các đơn vị lữ hành ít chọn tài nguyên văn hóa hay tài nguyên văn hóa biển. Thứ nhất đó chính là vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn với du khách. Gần như chỉ những bãi biển được quản lý bởi các khu resort, các bãi tắm công cộng được quy hoạch thường xuyên được dọn vệ sinh cảnh quan, ít hoặc không có rác thải. Tuy nhiên, các bãi biển trong khu vực dân cư, bến cảng không an toàn đối với du khách, do ô nhiễm rác, chất thải từ sinh hoạt và chế biển hải sản. Thực trạng này đã xảy ra với bờ biển Nha Trang, tại bãi biển khu dân cư Ba Làng nằm trên đường Phạm Văn Đồng, cách thắng cảnh và bãi tắm Hòn Chồng không xa, cống nước thải và rác thải đổ thẳng ra biển (Thế Quang, 2023). Chúng tôi khảo sát một số khu vực đang khai thác du lịch biển hiện nay như La Gi (Bình Thuận), Vĩnh Hy (Ninh Thuận), Bình Hưng (Khánh Hòa),… rất khó để có thể tìm thấy nhà vệ sinh công cộng, đây là một trong những điểm lưu ý của các đơn vị lữ hành, đặc biệt lữ hành inbound. Thứ hai đó chính là không gian tại các di tích và giao thông. Các cơ sở thờ tự ven biển thường có không gian nhỏ, thấp và được xây dựng khá lâu, một số chưa được trùng tu sửa chữa, vì vậy khó có thể đáp ứng được nhu cầu tham quan của du khách, với các đoàn khách có số lượng đông, hoặc nhiều đoàn khách cùng thời điểm. Các di tích được xây dựng ở những vị trí thuận lợi cho hoạt động tâm linh, vì vậy có thể khó tiếp cận do vấn đề giao thông như: không có hoặc thiếu phương tiện vận chuyển, địa điểm cần phương tiện giao thông chuyên biệt. Các dinh vạn hoặc miếu thờ thường xây
  6. 286 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... dựng gần cửa biển hoặc các đảo gần bờ vì vậy thường khó tiếp cận. Hòn Bà (Vũng Tàu) phải dựa theo chu kỳ thủy triều dâng rút, du khách mới có thể đi bộ ra đảo; hoặc hải đăng Kê Gà, Hòn Bà (Bình Thuận) cần có ca nô hoặc ghe lớn để di chuyển ra đảo. Thứ ba chính là cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ. Bên cạnh vui chơi, giải trí, nhu cầu lưu trú và ẩm thực được khách du lịch và đơn vị lữ hành đặt lên hàng đầu. Ngoại trừ các địa phương du lịch biển phát triển như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết hay Phú Quốc, các địa phương còn lại hầu như phát triển theo hướng tự phát, chưa được quy hoạch kỹ. Bình Hưng, Phú Quý, Nam Du, các cơ sở lưu trú chủ yếu cải tạo từ nhà dân địa phương vì vậy chưa thể đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của du khách. Hoặc tại Vĩnh Hy (Ninh Thuận) đã có các cơ sở lưu trú hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn du lịch nhưng chưa có nhiều điểm vui chơi giải trí về đêm. Hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy, các địa phương du lịch phát triển như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng,... nguồn thu từ dịch vụ du lịch lớn, nhưng cộng đồng địa phương chưa được hưởng lợi nhiều từ du lịch. Phần lớn nguồn thu từ du lịch chảy vào túi các doanh nghiệp lớn, người dân địa phương chỉ mới dừng lại ở một vài sản phẩm, dịch vụ bổ trợ. Không nhiều địa phương quy hoạch du lịch biển một cách bài bản, dẫn đến hệ lụy phát triển du lịch theo kiểu tự phát, chưa tận dụng được các lợi thế tài nguyên văn hóa, gây ảnh hưởng đến tài nguyên tự nhiên, ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan tự nhiên, hoặc gây ảnh hưởng đến hình ảnh địa phương. Bình Ba là một trong số các địa phương điển hình cho du lịch tự phát. Tài nguyên du lịch văn hóa nói chung và tài nguyên du lịch văn hóa biển nói riêng chưa được đầu tư nhiều cho quảng bá và khai thác du lịch. Ngoại trừ các tài nguyên có giá trị cao, các di sản đã được công nhận cấp tỉnh, quốc gia hoặc đã được UNESCO công nhận, còn lại gần như không được quảng bá nhiều và tiến hành khai thác. Có thể nhận thấy, sức hút của tài nguyên văn hóa đối với du khách thấp hơn nhiều so với tài nguyên tự nhiên. Khách du lịch không chỉ cần thỏa mãn nhu cầu giải trí, khám phá mà còn nhiều hơn thế nữa, trong khi đó tài nguyên văn hóa mang tính truyền đạt nhận thức hơn là tính hưởng thụ, giải trí. 4. MỘT VÀI GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ Thứ nhất, xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù địa phương. Mặc dù đường bờ biển Việt Nam dài, nhiều làng chài, xã đảo ven biển, cộng đồng dân cư phong phú nhưng lại mang rất nhiều đặc điểm chung. Vì vậy cần xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh địa phương, để tạo ra nét riêng biệt so với các địa phương du lịch khác. Mô hình du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) đang đón nhận nhiều đánh giá tích cực, địa phương có sự đầu tư kỹ và chọn lọc những đặc trưng địa phương về điều kiện tự nhiên và văn hóa để kết hợp thành sản phẩm du lịch độc đáo.
  7. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 287 Thứ hai, tăng cường công tác quảng bá du lịch, đặc biệt là các điểm đến mới, các địa phương du lịch cộng đồng. Ngày nay với sự lớn mạnh của truyền thông đại chúng, các nền tảng mạng xã hội và các ứng dụng thông tin du lịch đã giúp cho việc tìm kiếm thông tin du lịch dễ dàng hơn. Khách du lịch, đặc biệt là thế hệ trẻ thường tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, vì vậy đây được xem là công cụ quảng bá rất hiệu quả. Thực tế tại Việt Nam cho thấy, các địa điểm du lịch mới, các điểm check-in được giới trẻ săn đón được lan truyền trong cộng đồng thông qua mạng xã hội. Vì vậy, các địa phương cần khai thác sức mạnh từ các nền tảng mạng xã hội để quảng bá địa phương. Chính mạng xã hội là nhân tố thay đổi hành vi du lịch của con người nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng có những điểm hạn chế, vì vậy khi quảng bá du lịch cần chú trọng đến độ tin cậy thông tin đặc biệt là đối với phương thức influencer marketing. Thứ ba, phát triển du lịch gắn với phát triển cộng đồng, hay nói cách khác chính là phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Như đã phân tích ở trên, ngoại trừ các địa phương du lịch biển đã phát triển, các địa phương còn lại không có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch đại trà. Hơn hết, du lịch cộng đồng được xem là chìa khóa cho phát triển du lịch bền vững, tăng thu hút du khách, tăng nguồn thu từ du lịch và cũng góp phần phát triển kinh tế địa phương, trong đó người dân tham gia chính vào hoạt động du lịch, chứ không chỉ tham gia vào dịch vụ hậu cầu phụ trợ. Bên cạnh đó, chính người dân địa phương là những hướng dẫn viên giúp lan tỏa văn hóa địa phương, phần nào đó giúp khách du lịch hiểu và thêm yêu văn hóa địa phương, văn hóa Việt Nam và góp phần bảo tồn văn hóa. Vì vậy, các nhà quy hoạch du lịch cần có những chính sách hỗ trợ để người dân hình thành và phát triển du lịch cộng đồng. Bởi đây được xem là loại hình du lịch bền vững, có thể khai thác tối đa tiềm năng của từng địa phương để tạo ra các sản phẩm đặc thù, khắc phục được một trong số các điểm yếu của du lịch Việt Nam nói chung. Hiện nay, không nhiều địa phương ven biển hội tụ đủ các điều kiện để phát triển du lịch đại trà như hạ tầng cơ sở vật chất, độ lớn hay sức hút của các hoạt động lễ hội, vì vậy phát triển du lịch cộng đồng được xem là tối ưu hơn cả. Thứ tư, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực địa phương. Để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, không chỉ cần có sự hỗ trợ từ các chuyên gia mà quan trọng nhất vẫn chính là cư dân địa phương. Điểm yếu của các địa phương làm du lịch cộng đồng đó chính là con người, thiếu đội ngũ hướng dẫn viên, đội ngũ nhân sự làm dịch vụ chuyên nghiệp mà chủ yếu là người dân địa phương theo kiểu tự phát. Vì vậy, để du lịch cộng đồng thực sự phát triển ở Việt Nam cần chú ý đến phát triển con người, đầu tư các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao sự hiểu biết của người dân địa phương về lợi ích của du lịch. Thứ năm, khắc phục một số điểm yếu hiện nay của du lịch cộng đồng Việt Nam. Du lịch cộng đồng hình thành và phát triển ở Việt Nam với thời gian khoảng 30 năm
  8. 288 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... nhưng không nhiều địa phương thực sự thành công. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng thu hút rất đông khách thời gian đầu nhưng không lâu sau đó doanh thu giảm mạnh, dự án lay hoay không tìm được nét riêng. Tình trạng người dân từ địa phương khác đến để xây dựng homestay, điểm check-in nhưng không am hiểu địa phương, không tạo ra sản phẩm đặc thù. Bên cạnh đó là vấn đề bê tông hóa làng quê, đánh mất giá trị văn hóa truyền thống, rác thải, ô nhiễm môi trường. 5. KẾT LUẬN Với lợi thế tài nguyên du lịch phong phú, không chỉ riêng tài nguyên tự nhiên mà còn tài nguyên văn hóa, Việt Nam rất có thế mạnh để phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng. Dưới góc độ văn hóa biển, cộng đồng cư dân ven biển Việt Nam đã tạo cho mình những nét đặc trưng riêng, mang đậm dấu ấn địa phương, với hệ thống tín ngưỡng, cơ sở thờ tự, lễ hội, ẩm thực và làng nghề kết hợp với biển xanh cát trắng chắc chắn rằng mô hình du lịch cộng đồng sẽ đủ sức hấp dẫn thu hút du khách. Tuy nhiên để du lịch thực sự thành công và đem lại lợi ích cho chính cộng đồng đó cần nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế như hiện nay, trong đó các chính sách hỗ trợ, định hướng quy hoạch và chính từ tâm thức của cộng đồng được xem là những yếu tố tiên quyết. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phan Thị Yến Tuyết. (2016). Đời sống xã hội-kinh tế-văn hoá của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ. Thành phố Hồ Chí Minh. NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Đào Mạnh Cương. (2019). “Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững”. Cổng thông tin Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. (https://vietnamtourism.gov.vn/post/29392). Truy cập tháng 02 năm 2024. 3. Lê Đức Thọ và Lê Thị Hồng Nhung. (2020). “Khai thác tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ phát triển du lịch ở Quảng Bình hiện nay”. Tạp chí Thông tin khoa học và Công nghệ Quảng Bình, số 01/2020. 4. Phạm Thị Hồng Cúc và Ngô Thanh Loan. (2016). “Du lịch cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam”. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, số X5-2016. 5. Quốc hội. (2021). Luật Du lịch. Hà Nội. NXB Chính trị quốc gia Sự thật. 6. Dương Thị Anh. (2018). “Sắc phong của triều Nguyễn đối với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông ở Trung Bộ và Nam Bộ”. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 414, tháng 12/2018. 7. Hoàng Văn Khải. (2020). “Phát triển kinh tế biển Việt Nam - Tiềm năng và thách thức”. Cổng thông tin điện tử Viện Chiến lược và chính sách tài chính. (https://mof.gov.vn/webcenter/ portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM172376). Truy cập tháng 02 năm 2024.
  9. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 289 8. Nguyễn Mạnh Hùng. (2023). “Phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”. Tạp chí điện tử Lý luận chính trị. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/tu-dien-mo/item/4810-phat-trien-du-lich- ben-vung-o-viet-nam.html#:~:text=Du%20l%E1%BB%8Bch%20b%E1%BB%81n%20 v%E1%BB%AFng%20l%C3%A0,c%E1%BB%A7a%20c%E1%BB%99ng%20 %C4%91%E1%BB%93ng%20%C4%91%E1%BB%8Ba%20ph%C6%B0%C6%A1ng. Truy cập tháng 02 năm 2024. 9. Thế Quang. (2023). “Cống nước đen, hôi thối, rác thải đổ thẳng ra biển Nha Trang”. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/cong-nuoc-den-hoi-thoi-rac-thai-do-thang-ra-bien-nha- trang-185230515092830426.htm. Truy cập tháng 03 năm 2024. 10. Trịnh Hoài Đức. (2004). Gia Định thành thông chí. Lý Việt Dũng dịch, Huỳnh Văn Tới hiệu đính. Đồng Nai. NXB Tổng hợp Đồng Nai. 11. Vân Hồng. (2018). “Những đặc điểm địa lý cơ bản của các vùng biển Việt Nam”. Cổng thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang. (https://stttt.bacgiang.gov.vn/ chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/RcQOwn9w7wOJ/content/nhung-ac-iem-ia-ly-co-ban- cua-cac-vung-bien-viet-nam). Truy cập tháng 02 năm 2024.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2