intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

7
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên" chỉ ra tiềm năng và thực trạng phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Thực tế cho thấy, mặc dù là tỉnh nổi tiếng với văn hóa trà và đã có những chính sách triển khai hợp lý, nhưng việc khai thác giá trị của nó để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng chưa đạt được hiệu quả cao nhất. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác văn hóa trà vào phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên

  1. PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH CỘNG ĐỒNG GẮN VỚI VĂN HÓA TRÀ TẠI THÁI NGUYÊN Bùi Thị Thanh Hương1, Hoàng Khánh Chi2, Ứng Trọng Khánh3 , Nguyễn Văn Hùng1 Tóm tắt: Nghiên cứu này chỉ ra tiềm năng và thực trạng phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Thực tế cho thấy, mặc dù là tỉnh nổi tiếng với văn hóa trà và đã có những chính sách triển khai hợp lý, nhưng việc khai thác giá trị của nó để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng chưa đạt được hiệu quả cao nhất. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác văn hóa trà vào phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay. Từ khóa: Du lịch cộng đồng; Văn hóa trà; Sản phẩm du lịch. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Thái Nguyên là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa, là điểm đến đầy ấn tượng trong hành trình khám phá các miền di sản Việt Bắc, bởi nơi đây có ATK chiến khu xưa với bao chiến công hiển hách. Nhưng nhắc đến nơi này, người ta cũng nhớ đến những câu nói nổi tiếng như “Thái Nguyên đệ nhất danh trà” hay “Chè Thái gái Tuyên”. Danh hiệu đệ nhất trà từ lâu đã mở ra nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; thể hiện rõ nét nhất trên các lĩnh vực hợp tác trong nước và quốc tế qua các lễ hội Festival trà được tổ chức nhiều năm. Tuy nhiên, từ thực tiễn phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên nói riêng, việc khai thác và phát huy giá trị văn hóa trà vào phát triển du lịch cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, theo Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đặt ra mục tiêu đến năm 2025, xây dựng ít nhất 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn. Như vậy, đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định việc phát triển du lịch gắn với văn hóa trà là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Thái Nguyên. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tiềm năng, thực trạng khai thác giá trị văn hóa trà vào phát triển du lịch cộng đồng cũng như đề xuất được một số giải pháp để nâng cao hiệu quả phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên là việc làm hết sức cấp thiết. Trường Đại học Kinh tế & QTKD - Đại học Thái Nguyên. 1 Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai. 2 Trung tâm Giáo dục Quốc Phòng và An ninh - Đại học Thái Nguyên. 3
  2. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 403 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU Theo số liệu thống kê năm 2023 của Cục Du lịch Quốc gia, Việt Nam đón 12,6 triệu khách quốc tế và phục vụ 108,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng. Du lịch Việt Nam xếp thứ 6 toàn cầu về tăng trưởng lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên, năm 2023 tổng số khách du lịch đến Thái Nguyên đạt trên 2.498.200 lượt khách (khách nội địa đạt 2.478.100, khách quốc tế đạt 20.094 lượt.) trong đó, khách tại các điểm tham quan du lịch đạt 1.536.600 lượt khách; khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt 961.500 lượt khách; khách do công ty lữ hành phục vụ đạt 90.500 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.144,5 tỷ đồng; tổng đóng góp của hoạt động du lịch vào GRDP là 1.480,3 tỷ đồng, chiếm 0,96% trong tổng GRDP của toàn tỉnh. “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.” (Luật Du lịch 2017). Trong nước, cũng có nhiều tác giả với các công trình nghiên cứu về việc gắn kết các hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Có thể kể đến như thực trạng phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng (Võ Hữu Phước, 2022) đã trình bày một số mô hình về Làng văn hóa du lịch Chợ nổi Ngã Năm (thị xã Ngã Năm) nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Chợ nổi Ngã Năm; Khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên (huyện Cù Lao Dung); dự án Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên kết hợp văn hóa - làng nghề dân tộc huyện Châu Thành và Dự án du lịch “Văn hóa làng nghề dân tộc xã Phú Tân”. Trong nghiên cứu của Mai Thanh Sơn và cộng sự, tại huyện Nam Đông - tỉnh Thừa Thiên Huế “đã có sự tồn tại và phát triển của DLCĐ tại thôn Dỗi (Thượng Lộ), DLST tại Thác Mơ, Thác Trượt, Thác Phướng (Hương Phú), Đập Tràn (Hương Xuân)” (2023: 3687). Ngô Thị Phương Lan và cộng sự cũng đã nghiên cứu quan điểm của doanh nghiệp và cộng đồng địa phương về sự phát triển của du lịch nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long để tìm ra các giải pháp (2021: 31). Sự tham gia của các bên liên quan vào mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà đóng một vai trò rất quan trọng trong sự thành công của mô hình du lịch. Đối với du lịch gắn với văn hóa trà, sự tham gia của các bên vô cùng quan trọng trong việc vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh và vừa làm du lịch. Sự thành công của một điểm du lịch đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các cấp từ chính quyền địa phương cho đến đến doanh nghiệp, người dân và du khách cùng tham gia vào tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch. Đối với Thái Nguyên, các bên tham gia phát triển du lịch cộng đồng bao gồm:
  3. 404 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... (1) Cộng đồng/người dân địa phương: Người dân Thái Nguyên. (2) Chính quyền địa phương: UBND tỉnh, các Sở ban ngành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. (3) Doanh nghiệp: Công ty du lịch/ khách sạn/ nhà hàng trên địa Thái Nguyên. (4) Du khách: Khách du lịch đến Thái Nguyên. 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính dựa trên việc phân tích hệ thống và tổng quan, so sánh, các tác giả đã tiến hành nghiên cứu các tài liệu, sách, báo, các nguồn từ internet, luận văn, luận án, tài liệu, báo cáo ở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên về phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp khác để nghiên cứu về tiềm năng, thực trạng phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả loại hình du lịch này ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay. 4. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN NGHIÊN CỨU 4.1. Điều kiện phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà tại tỉnh Thái Nguyên Về tiềm năng du lịch tự nhiên Thái Nguyên là điểm “chụm đầu” của cả bốn rặng núi cánh cung đá vôi vùng Đông Bắc, khiến Võ Nhai, Định Hóa... như “một vùng Hạ Long trên cánh đồng xanh”. Từng trái núi đá vôi được những tán rừng che phủ, cảnh quan mang nhiều nét hoang sơ với hệ thống hang động phong phú như: Hang Phượng Hoàng, động Người Xưa, suối Mỏ Gà (Võ Nhai)… Thái Nguyên còn có cả sườn phía Đông dãy núi Tam Đảo đồ sộ, nơi có khu “rừng quốc gia Tam Đảo” rộng lớn, tạo nên tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao phong phú, đa dạng... dưới chân dãy Tam Đảo còn có Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc hấp dẫn nằm liền kề với vùng chè đặc sản Tân Cương nổi tiếng cả nước và quốc tế. Một số danh thắng điển hình của tỉnh Thái Nguyên có đặc trưng nước trong, có đồi, có núi, có rừng cây tạo cảnh quan non xanh nước biếc thu hút khách gần xa. Về tiềm năg du lịch văn hoá Bên cạnh tiềm năng về du lịch tự nhiên, Thái Nguyên còn có tiềm năng du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa cũng rất phong phú: Thái Nguyên là quê hương của vị vua đầu tiên nhà tiền Lý và nước Vạn Xuân - Lý Nam Đế, là nơi quy tụ nhiều di tích lịch sử đã được Chính phủ xác định là “Quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX”; là nơi ghi dấu bản trường ca hào hùng về đại đội Thanh niên xung phong 915. Hiện nay, Thái Nguyên có trên 1.000 di tích, trong đó, có 292 di tích được xếp hạng (01 di tích di tích quốc gia đặc biệt gồm 13 điểm; 55 di
  4. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 405 tích quốc gia; 224 di tích cấp tỉnh); có 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 19 di sản được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia; thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 13/12/2019. Về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch: Trong 5 năm qua, cơ sở vật chất kỹ thuật cung cấp dịch vụ cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, cơ sở vui chơi giải trí. Tỉnh Thái Nguyên đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, Sông Công và thị xã Phổ Yên đã có nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách Âu Á (cả trong và ngoài cơ sở lưu trú du lịch). Toàn tỉnh hiện có trên 100 nhà hàng có sức chứa lớn, nhiều nhà hàng chất lượng cao có quy mô công suất phục vụ đoàn 1.000 khách, như: Nhà hàng Dũng Tân, Việt Phượng, Trống Đồng, khách sạn Dạ Hương, May Plaza, Kim Thái, Thái Hải… Nổi bật, nhà hàng Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải xã Thịnh Đức được bình chọn là một trong số 5 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch tốt nhất Việt Nam năm 2019 (TCDL, 2020), Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công nhận là một trong 32 làng du lịch tốt nhất thế giới 2022. Nhiều khu vui chơi, giải trí, vườn sinh thái không những góp phần tạo cảnh quan môi trường mà còn thu hút du lịch như: Trung tâm Thương mại - Du lịch Dũng Tân tại thành phố Sông Công, khu vui chơi, giải trí của Công ty Cổ phần Khách sạn Du lịch Công đoàn Núi Cốc, Khu sinh thái An Bình, Khu sinh thái Yasmin Farm, xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên. Hệ thống giao thông: Đến nay, toàn tỉnh có gần 5.000km đường bộ tạo thành mạng lưới giao thông rộng khắp, kết nối giao thương trong tỉnh và với các tỉnh, thành lân cận. Nhiều dự án quan trọng đã và đang được triển khai như: Đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội, đường 47m, đường gom nối Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình và KCN Điềm Thụy, đường 36m từ nút giao Sông Công vào KCN Sông Công II, đường Hồ Chí Minh, đường Thái Nguyên - Chợ Mới, đường Bắc Sơn kéo dài, đường Việt Bắc, cầu Bến Tượng… và nhiều dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến tỉnh lộ, đường nội thị. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung chỉ đạo hoàn thành tuyến đường cao tốc (dài 9,5km, rộng 61m) nối từ Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc; tuyến đường du lịch ven Hồ Núi Cốc dài 38km, tạo tiền đề thu hút đầu tư phát triển dịch vụ du lịch cao cấp tại Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc như: Các dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao - sân golf, du lịch văn hóa tâm linh… đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch đến Thái Nguyên. Hệ thống thông tin liên lạc - viễn thông: Năm 2019, tỉnh Thái Nguyên triển khai giải pháp “Du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên”, tích hợp dữ liệu tập trung trên nền
  5. 406 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... tảng hạ tầng điện toán đám mây. Cụ thể, đến năm 2030, Thái Nguyên phấn đấu 85% dân số có kỹ năng số cơ bản; chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh thuộc nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước; số hóa dữ liệu của ngành du lịch và kết nối cơ sở dữ liệu chung với các lĩnh vực của các sở, ban, ngành khác; cổng thông tin du lịch Thái Nguyên phục vụ du khách, chính quyền và doanh nghiệp; ứng dụng du lịch trên thiết bị di động (hệ thống quản lý lưu trú; bản đồ số du lịch); quản lý báo cáo và thu thập số liệu cho ngành du lịch hướng tới xây dựng kho dữ liệu chung của ngành du lịch; các tiện ích phục vụ du khách và công cụ hỗ trợ công tác quản lý, dự báo; phương tiện hỗ trợ truy cập thông tin. Hệ thống cơ sở hạ tầng khác phục vụ du lịch : Nhiều dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được triển khai đưa vào hoạt động, đem lại hiệu quả thiết thực, như: Đường 260 (Đán - Khu du lịch Hồ Núi Cốc); cơ sở hạ tầng ATK, đường cho người đi bộ thăm cây đa trăm tuổi xã Phú Đình (huyện Định Hóa); một số tuyến đường vào điểm du lịch ở xã Cúc Đường (huyện Võ Nhai); khu du lịch hồ Nà Mạc, xã Ôn Lương (huyện Phú Lương), Di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sỹ thanh niên xung phong đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái tại phường Gia Sàng (thành phố Thái Nguyên)… Về nguồn nhân lực du lịch Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch năm 2023, có 3.197 người lao động đang làm việc trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều trường Đại học và Cao Đẳng, trung cấp đào tạo đào tạo đa dạng các ngành liên quan như Du lịch sinh thái, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Nghiệp vụ chế biến thức ăn,… và cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho địa phương và các tỉnh lân cận như sinh viên, học viên tốt nghiệp tại các trường ĐH Kinh tế & QTKD, ĐH Khoa học, ĐH Nông Lâm, Cao đẳng Thái Nguyên, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Cao đẳng Thương mại & Du lịch,… Khai thác giá trị của văn hóa trà có thể đưa vào khai thác trong phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng Phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà có thể tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương, đặc biệt là các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Do vậy, việc xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc cải thiện kinh tế địa phương để khai thác các giá trị văn hóa bản địa như văn hóa trà là điều hết sức cần thiết hiện nay. Việc khai thác giá trị của văn hóa trà trong du lịch cộng đồng góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có của tỉnh Thái Nguyên. Mô hình này sẽ góp phần nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch sẽ, đóng góp tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
  6. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 407 4.2. Thực trạng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên Theo Nghị quyết số 25 ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai hỗ trợ 05 điểm du lịch cộng đồng, sinh thái tại thành phố Thái Nguyên và các huyện Võ Nhai, Đại Từ, Định Hoá, Phú Lương với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023, Sở đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Thái Nguyên, Sông Công và UBND huyện Đại Từ triển khai xây dựng 04 khu, điểm du lịch sinh thái, cộng đồng nông nghiệp nông thôn, gồm: Điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, xã La Bằng, điểm du lịch sinh thái xóm Đồng Khuân, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ; Điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn, thành phố Sông Công và Khu du lịch sinh thái trải nghiệm YASMIN FARM Thái Nguyên, xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên. Hiện nay, 04 điểm du lịch trên đã được UBND tỉnh quyết định công nhận điểm du lịch cấp tỉnh, các điểm đang vận hành, hoạt động các dịch vụ: tham quan, trải nghiệm, lưu trú, ẩm thực phục vụ khách du lịch, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tại các huyện, thành phố có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng đã và đang tập trung các nguồn lực để xây dựng điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số và tham gia xây dựng nông thôn mới: (i) huyện Đồng Hỷ quan tâm từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch tại Bản Tèn, xã Văn Lăng; xây dựng điểm du lịch cộng đồng Làng văn hóa truyền thống dân tộc Nùng, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình; (ii) huyện Đại Từ đang tập trung nguồn lực xây dựng điểm du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn tại xã Hoàng Nông, xã La Bằng; (iii) huyện Định Hóa đang tập trung nguồn lực xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình huyện, đã cải tạo đường giao thông nội bộ của xóm dẫn đến điểm du lịch cộng đồng xóm Khuôn Tát với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng, trong đó có lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của huyện; (iv) huyện Phú Lương đang tập trung nguồn lực xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại xã Tức Tranh, điểm du lịch nông nghiệp trải nghiệm trồng cây thuốc nam, tắm lá thuốc tại xã Yên Ninh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững, sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo ra sản phẩm du lịch, vừa phục vụ du lịch (sản phẩm OCOP, hàng lưu niệm…) góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 223 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao; doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao, 5 sao tăng từ 20% - 50%, đặc biệt các sản phẩm có doanh số tăng từ 70% - 90% (sản phẩm miến của HTX Việt Cường; chè của HTX Hảo Đạt, Sơn Dung trà).
  7. 408 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... * Vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên Được biết đến với địa danh nổi tiếng “Chè Tân Cương”. Vùng chè đặc sản Tân Cương cách trung tâm thành phố Thái Nguyên từ 5 đến 10km về phía Tây, tập trung chủ yếu ở 3 xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu. Mô hình về làng du lịch văn hóa cộng đồng tại vùng chè Tân Cương với trọng tâm tại xóm Hồng Thái 2 (xã Tân Cương), Khuôn 1 và Khuôn 2 (xã Phúc Trìu) và Gò Móc (xã Quyết Thắng) được triển khai từ cuối năm 2012 gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo chương trình đối tác đô thị và phát triển kinh tế giữa thành phố Thái Nguyên với thành phố Victoria của Canada. Với mục tiêu chính là khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, tăng thu nhập, tạo việc làm cho các hộ dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế, thông qua việc bán các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Chương trình này đã được người dân địa phương hưởng ứng tích cực, đặc biệt những gia đình có truyền thống trồng và chế biến chè. Năm 2011, 2013, 2015 vùng chè Tân Cương là địa điểm tổ chức Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện văn hóa - du lịch lớn của tỉnh Thái Nguyên, góp phần quan trọng quảng bá, lan tỏa hình ảnh, thương hiệu Trà Thái Nguyên, Việt Nam đi xa, vươn ra thế giới, nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng chè. Tại điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương, với diện tích trên 350ha đất trồng chè, người dân Tân Cương đã chú trọng chăm sóc, chỉnh trang những đồi chè, vườn chè để thu hút khách tham quan. Điểm du lịch có nhiều điểm đến hấp dẫn như Không gian văn hóa trà Tân Cương, các hợp tác xã và cơ sở sản xuất chè với không gian thưởng trà, trưng bày các sản phẩm trà và khu vực chế biến rộng rãi, có thể đón các đoàn khách đông người đến tham quan, trải nghiệm. Lễ hội “Hương sắc trà xuân” được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm thu hút đông đảo du khách tham gia. Năm 2022, xã Tân Cương thuộc vùng làng nghề chè đặc sản Tân Cương, thành phố Thái Nguyên đã được ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng. * Vùng chè Đại Từ Nằm ở vùng Tây Bắc của tỉnh Thái Nguyên. Toàn huyện có 30/31 xã, thị trấn trồng chè, trong đó có 19 xã nằm ven chân núi Tam Đảo có sản phẩm chè ngon, chè đặc sản như: La Bằng, Khuôn Gà (Hùng Sơn), Hoàng Nông, Quân Chu. Hiện nay, làng chè La Bằng huyện Đại Từ đã tập trung xây dựng thành điểm đến của khách du lịch. Tại đây xây dựng vườn chè cổ và cải tạo, chỉnh trang, chăm sóc vườn chè của các xóm: Tiến Thành, Đồng Đình, Kẹm với diện tích 100ha, du khách có thể đi tham quan vườn chè an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap, trải nghiệm thu hái chè, thăm vườn chè cổ, thưởng thức trà ngon và thưởng thức các sản vật ẩm thực của địa phương… Xã La Bằng có đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước và các điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển cây chè. Đảng, chính quyền, nhân dân địa phương luôn quan tâm gia tăng giá trị đặc biệt của cây chè đối với quá trình phát triển kinh tế - xã
  8. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 409 hội của địa phương, chè chính là sản phẩm nông nghiệp giúp người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập. Từ năm 2011, xã La Bằng được công nhận nhãn hiệu tập thể “ Chè La Bằng” và 10 làng nghề chè truyền thống, trên địa bàn xã có 03 Hợp tác xã chè hoạt động hiệu quả. Hiện nay, huyện Đại Từ đang tích cực phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với tham quan vùng chè, trải nghiệm quá trình sản xuất chế biến chè, thưởng trà tại các hợp tác xã chè La Bằng, tạo thành tour tuyến, sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Đại Từ. * Vùng chè Phú Lương Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên, huyện Phú Lương có diện tích chè đạt 4.000ha, trong đó có 3.700 ha với năng suất đạt 117tạ/ha. Các làng chè đặc sản nổi tiếng của huyện Phú Lương bao gồm Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô... Trong đó, thương hiệu chè Khe Cốc (xã Tức Tranh) là thương hiệu chè nổi tiếng của vùng chè Thái Nguyên và cả nước, hiện đã được nhà đầu tư nước ngoài (CH Ba Lan) đến khảo sát, hợp tác liên kết phát triển các sản phẩm chè và đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chè hữu cơ và không ngừng quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Hợp tác xã vừa ký kết được hợp đồng xuất khẩu chè sang thị trường Cộng hòa Séc. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm chè, địa phương chú trọng chỉnh trang 4-5 đồi chè đẹp; tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng lên 1.000m2; xây dựng khu trưng bày, nhà sàn nghỉ dưỡng; chỉnh trang cảnh quan khuôn viên Hợp tác xã… để đón du khách đến tham quan, trải nghiệm. * Vùng chè Đồng Hỷ Đứng thứ 3 trong toàn tỉnh về diện tích trồng chè, huyện Đồng Hỷ từ lâu đã được biết đến là huyện có vùng chè nổi tiếng Trại Cài. Năm 2019 diện tích chè toàn huyện đạt hơn 3.700ha, trong đó chè kinh doanh đạt hơn 3.200ha với năng suất ước đạt gần 126 tạ/ha/năm sản lượng chè búp tươi đạt trên 40.000 tấn. Huyện có 9 làng nghề tập trung tại xã Minh Lập, Hòa Bình và thị trấn Sông Cầu và nhiều hợp tác xã chuyên sản xuất và kinh doanh chè, sản phẩm chè của huyện đã đạt được nhiều giải thưởng, cúp vàng trong các hội thi trong và ngoài tỉnh.. Hàng năm, tại các địa phương đều tổ chức các lễ hội văn hóa trà; tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hội chợ triển lãm “Mỗi xã một sản phẩm” chủ yếu với các sản phẩm chè, hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế về chè. Đến nay, rà Thái Nguyên được lựa chọn là thức uống, món quà tặng có giá trị cao, được nhiều người ưa thích, sản phẩm chè Thái Nguyên đã giành được Giải thưởng Đặc biệt Chè Đặc sản Quốc tế Bắc Mỹ năm 2017 do Hiệp hội chè Hoa Kỳ và Canada tổ chức; đặc biệt, được lựa chọn làm quà tặng cho các đại biểu tại Hội nghị cấp cao APEC năm 2017 tổ chức tại Đà Nẵng. Từ các vùng chè trọng điểm, có lợi thế phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với văn hóa trà, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng
  9. 410 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... các tour du lịch, định hướng cho các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh khai thác các tour, tuyến du lịch sau: + Tuyến 1 (01 ngày): Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Không gian văn hóa trà Tân Cương - Vùng chè Tân Cương - Vùng chè La Bằng. + Tuyến 2 (1/2 ngày): Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Vùng chè Trại Cài Minh Lập (Đồng Hỷ) - Vùng chè Sông Cầu (Đồng Hỷ). + Tuyến 3 (01 ngày): Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Vùng chè Tức Tranh - Vô Tranh - Phú Đô (Phú Lương) - Làng văn hóa Bản Quyên (Định Hóa) - ATK Định Hóa. 4.3. Một số giải pháp đã triển khai Quy hoạch du lịch Tích cực thu hút đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại xã Tân Thái và du lịch nghỉ dưỡng - giải trí, thể thao khu vực Hồ Núi Cốc; dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể dục thể thao và khu ở tại thị trấn Quân Chu, xã Cát Nê. Đã quy hoạch vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch các vùng chè. Hiện, đang tiến hành thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng điểm du lịch tiếp theo. Phát triển sản phẩm du lịch Xây dựng Đề án phát triển khu du lịch sinh thái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với các sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà. Đã thành lập đội văn nghệ truyền thống tại các xã để phục vụ khách du lịch. Hỗ trợ phát triển những sản phẩm, làng nghề truyền thống như: chè, nấm, cây thuốc nam, các sản phẩm OCOP. Tại các điểm có tài nguyên du lịch cộng đồng, sinh thái và văn hóa đã có nhiều hộ gia đình đầu tư xây dựng homestay, phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống. Có Hợp tác xã chè đã xây dựng được khu chế biến, khu trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm, không gian thưởng trà rộng rãi, đáp ứng các đoàn khách đông người đến tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh việc sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè theo tiêu chuẩn Vietgap, hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu chè đạt các tiêu chí OCOP, nhiều nơi đã đầu tư, chỉnh trang những nương chè đẹp phục vụ khách đến tham quan, trải nghiệm, Gắn du lịch trải nghiệm với văn hóa tâm linh. Bảo tồn và phát huy các lễ hội như: lễ hội Trà Đại Từ, Trà Phú Lương,… lễ hội Nghè, lễ hội Núi Văn - Núi Võ; di sản văn hóa phi vật thể như hát then đàn tính của dân tộc Tày, lễ cấp sắc, tết nhảy dân tộc Dao, hát soọng cô dân tộc Sán Dìu, Sán Chay,… phục vụ khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng.
  10. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 411 Nâng cao chất lượng dịch vụ tại khu du lịch Hồ Núi Cốc nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Bước đầu đã có sự kết nối, hình thành các tour du lịch sinh thái kết hợp tham quan di tích lịch sử gắn với các tour du lịch như Hồ Núi Cốc - Di tích 27/7 - Thiền Viện Trúc Lâm Tây Trúc; Hồ Núi Cốc - Di tích 27/7 - Nơi thành lập cơ sở Đảng cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên - Không gian văn hóa Trà… Phát triển nguồn nhân lực du lịch Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp tập huấn công tác du lịch cho cán bộ, công chức phụ trách công tác du lịch cấp xã; tổ chức tập huấn nghiệp vụ phát triển du lịch nông thôn tại xã cho các trưởng xóm, bí thư chi bộ; các hạt nhân, các CLB văn hóa, văn nghệ địa phương; chủ thể hoạt động, kinh doanh du lịch nông thôn; chủ thể chương trình OCOP. Tổ chức cho cán bộ, các chủ thể tham gia hoạt động dịch vụ du lịch, chủ thể chương trình OCOP, hạt nhân văn nghệ tham gia học tập kinh nghiệm thực tế về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại bản Cát Cát; Tả Van thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai; tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang Pù Luông, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Tổ chức Hội nghị tọa đàm về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch nông thôn tại xóm Tân Sơn, xã La Bằng. Tham dự Hội nghị có các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, văn hóa, các doanh nghiệp lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh đã tham gia các ý kiến góp ý xây dựng, phát triển du lịch cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp kinh doanh lĩnh vực du lịch. 5. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ - Các Sở, ban, ngành, UBND Huyện, xã, HTX nên tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; tăng cường hợp tác về phát triển du lịch nông thôn, tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về tiềm năng, vai trò, yêu cầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng chè. - Các cơ quan thông tấn, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, các cơ quan, đoàn thể của địa phương đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua hình thức tuyên truyền trực quan, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm, tuyên truyền miệng, tổ chức các cuộc thi, hội chợ, triển lãm, diễn đàn, chương trình, sự kiện, lễ hội... - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số thông qua Cổng/ Trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng số hóa thông tin tuyên truyền…; tăng cường gắn kết, lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. - Tổ chức đội ngũ chuyên gia du lịch, nông nghiệp, nghệ nhân, công nhân kỹ thuật tay nghề cao tham gia hỗ trợ người dân khai thác phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP phục vụ khách du lịch.
  11. 412 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... - Tổ chức tham quan khảo sát học hỏi kinh nghiệm giữa các điểm du lịch trên địa bàn và các địa phương khác. - Lồng ghép quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn trong các chương trình quảng cáo về du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế, các tạp chí du lịch và các ấn phẩm du lịch như: sách hướng dẫn, sách ảnh, biển chỉ dẫn du lịch,... - Để khai thác tốt hơn giá trị của văn hóa trà trong việc thu hút khách du lịch, cần đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch gắn với văn hóa trà, mời gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn liền với văn hóa trà của tỉnh. Trong đó, ưu tiên các vùng chè trọng điểm của địa phương. - Để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn liền với văn hóa trà, cần chú trọng đầu tư xây dựng các công trình như: đường giao thông nội bộ; bãi đỗ xe chung; nhà vệ sinh công cộng; điểm đón tiếp, trưng bày trà, cung cấp thông tin du lịch cộng đồng; cơ sở lưu trú du lịch (homestay); nhà hàng ẩm thực truyền thống kết hợp trưng bày, giới thiệu, bán quà tặng lưu niệm, sản phẩm trà OCOP và đặc sản của địa phương. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Mai Thanh Sơn, Ubukata Fumikazu, Mai Thị Khánh Vân, Nguyễn Thị Thanh Hương. (2023). “Phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng cải thiện sinh kế của cộng đồng: Nghiên cứu trường hợp tại huyện Nam Đông - Tỉnh Thừa Thiên Huế”. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp 7: 3686-3699. 2. Quốc hội. (2017). “Luật Du lịch”. Thư viện pháp luật. (https://thuvienphapluat.vn/van-ban/ Van-hoa-Xa-hoi/Luat-du-lich-2017-322936.aspx). Truy cập tháng 1 năm 2024. 3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên. (2023). Báo cáo kết quả công tác phát triển du lịch năm 2023; nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2024. 4. Ngô Thị Phương Lan, Nguyễn Thị Vân Hạnh và Trần Tuyên. (2021). “Phát triển du lịch nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long-góc nhìn từ doanh nghiệp và cộng đồng địa phương”. Tạp chí Khoa học xã hội 9: 30-44. 5. UBND Huyện Đại Từ. (2023). Báo cáo Kết quả 02 năm thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn huyện Đại Từ. 6. Võ Hữu Phước. (2022). “Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng”. Tạp chí Kinh tế và dự báo: 100-102.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2