intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số trong giáo dục đại học

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

14
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về các xu hướng chính liên quan đến chuyển đổi số trong giáo dục đại học như hình thức học tập kết hợp, các chương trình đào tạo ngắn hạn trên nền tảng số và ứng dụng công nghệ như blockchain, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, chatbot vào quản trị và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số trong giáo dục đại học

  1. International Conference on Smart Schools 2022 KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC INTERNATIONAL EXPERIENCES IN DIGITAL TRANSFORMATION OF HIGHER EDUCATION Nguyễn Lệ Hằng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Email: hangnl@vnies.edu.vn Keywords: TÓM TẮT: Higher education, digital Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão, công nghệ được transformation, online ứng dụng sâu rộng đến mọi ngành nghề, ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của đời learning, information sống. Trực tiếp đào tạo ra người lao động phục vụ xã hội, giáo dục đại học technology, university đang đứng trước những thách thức to lớn để thích ứng với bối cảnh mới. Bởi governance vậy, cần nghiên cứu kinh nghiệm chuyển đổi số của các quốc gia phát triển Từ khóa: giáo dục đại và áp dụng phù hợp vào điều kiện của Việt Nam. Bài viết tổng hợp kinh học, chuyển đổi kỹ thuật số, nghiệm quốc tế về các xu hướng chính liên quan đến chuyển đổi số trong học tập trực tuyến, công nghệ giáo dục đại học như hình thức học tập kết hợp, các chương trình đào tạo thông tin, quản trị đại học ngắn hạn trên nền tảng số và ứng dụng công nghệ như blockchain, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, chatbot vào quản trị và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. ABSTRACT: The fourth industrial revolution is happening, affects jobs as well as all aspects of life. Universities are facing big challenges to adapt to new situation, because they train of workforce directly for the labour market. Therefore, it is necessary to study the digital transformation experiences of developed countries and apply them appropriately to Vietnam's conditions. The article summarizes international experiences in key trends related to digital transformation of higher education such as blended learning, micro credentials on digital platforms and technology applications such as blockchain, artificial intelligence, virtual reality, chatbot into administration and training in higher education institutions. 1. Mở đầu Chuyển đổi số đang là một trong những chủ trương được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52- NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" với những mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số trong mọi cấp bậc học, trong đó có cả giáo dục đại học. Để thực hiện những mục tiêu đó, cần nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia phát triển và áp dụng phù hợp vào điều kiện của Việt Nam. Hiện nay, công nghệ đang được ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục đại học ở quy mô và mức độ đáng kể đã và đang làm thay đổi bức tranh giáo dục đại học trên thế giới. Bài viết tổng hợp các xu hướng quốc tế về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục đại học nhằm mang tới một góc nhìn tham chiếu cho Việt Nam. 2. Kết quả nghiên cứu 2.1 Mô hình học tập mới a. Học tập kết hợp (Blended learning) Giáo dục trực tuyến đánh dấu sự chuyển đổi không gian học tập, cách thức đánh giá và tổ chức giáo dục đại học trên phạm vi toàn cầu. Với những ưu điểm như tính linh hoạt, tính hiệu quả trên chi phí, đào tạo trực tuyến ngày càng phát triển. Hiện nay, trong giáo dục đại học, học tập kết hợp (blended learning) đang là phương pháp giáo dục trực tuyến phổ biến hơn đào tạo trực tuyến hoàn toàn (E-learning). Học tập kết hợp (blended learning) là phương pháp kết hợp giảng dạy truyền thống và học trực tuyến qua mạng [Graham, 2013]. Blended learning kết hợp được cả ưu điểm của giáo dục truyền thống và trực tuyến. Không giống như E-learning là không có gặp gỡ trực tiếp với giảng viên, sinh viên học qua mạng bằng các bài giảng đã số hóa, và sau đó vẫn được lên lớp trao đổi trao đổi, giải 263
  2. International Conference on Smart Schools 2022 đáp thắc mắc với giảng viên. Những môn học thiên về thực hành, khó chuyển đổi số như kỹ thuật vẽ, đồ họa, kỹ thuật biểu diễn (ca hát, diễn xuất, chơi nhạc cụ, múa ba lê, v.v.), công nghệ chế tạo, thể dục, phẫu thuật…vẫn có thể kết hợp được với nền tảng số. Chẳng hạn với môn thể dục, những lý thuyết giáo dục thể chất sẽ được chuyển đổi số và giảng dạy trực tuyến còn các kỹ năng cụ thể thì vẫn được tổ chức theo cách truyền thống. Hoặc tổ chức đào tạo kết hợp một cách khác như sáng kiến “Passport to university” của Đại học Boise State tại Mỹ là cho phép đăng ký học những môn đại cương và cơ sở ngành theo phương thức trực tuyến, sau đó khi vào chuyên ngành mới phải học trực tiếp. Phương thức này giúp sinh viên giảm được chi phí học tập, đi lại, thời gian trực tiếp đi học, giúp sinh viên ở những vùng xa xôi, khó khăn cũng có thêm động lực theo đuổi giáo dục đại học. Ngoài ra, các trường đại học trên thế giới đang áp dụng mô hình lớp học dựa trên nền tảng số như MOOC, SPOC, COOC. MOOC (massive open online course) là khóa học trực tuyến mở dành cho đại chúng, đã xuất hiện từ những năm 2000 và bắt đầu phổ biến từ những năm 2010; SPOC (small private open course) là Khóa học mở dành cho sĩ số nhỏ, thực chất cũng một phiên bản của MOOC, và COOC (corporate online open course) là Khóa học mở đào tạo cho doanh nghiệp. Mô hình này mang lại những lợi ích, giá trị về mặt: khoảng cách, quy mô, tính cá nhân hóa. Hiện nay, nhiều trường Đại học danh tiếng như Havard, Standford liên kết với các nền tảng số như Coursera, EdX và cung cấp các khóa học trực tuyến mở dành cho đại chúng (MOOC) ở nhiều ngành học, kể cả những ngành nổi tiếng nhất của trường như khoa học máy tính, luật….Các khóa học này hầu hết miễn phí và chỉ khi người học muốn được cấp chứng chỉ thì mới phải nộp phí. MOOC mang tới cơ hội học thử ngành dự định theo học (với người chưa có bằng cấp) và ngành muốn chuyển đổi (với người đã có bằng cấp). Nếu thấy phù hợp, họ có thể thi lấy chứng chỉ và chứng chỉ có thể dùng để miễn giảm môn học khi họ học tiếp để hoàn thành chương trình cử nhân/thạc sĩ. Chính bởi cơ hội dễ dàng được làm quen với chương trình của những đại học top đầu mà những khóa học này thu hút được lượng sinh viên rất lớn từ khắp nơi thế giới, đa dạng về sắc tộc, trình độ. Đại dịch Covid- 19 vừa qua đã chứng minh được những ưu điểm của giáo dục trực tuyến. Thậm chí vào những thời điểm dịch bệnh căng thẳng, giáo dục trực tuyến đã phải tạm thời thay thế hoàn toàn giáo dục truyền thống. Bowen [2015] cho rằng “chưa có sự khác biệt rõ ràng giữa kết quả học tập đầu ra của sinh viên học theo phương thức truyền thống và sinh viên học trực tuyến”. Bởi vậy, tiềm năng kết hợp học trực tiếp và trực tuyến là rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đại học. Sinh viên có thể học những môn đại cương theo hình thức trực tuyến, và chuyên ngành học trực tiếp. Đây có thể trở thành xu hướng trong tương lai, về phía nhà trường thì giúp giảm chi phí tổ chức, quản lý, từ đó giảm học phí trong bối cảnh tự chủ đại học và học phí đang tăng. Về phía sinh viên có thể tiết kiệm thời gian, học phí, công sức đi lại. Họ cũng có cơ hội tiếp cận chương trình của các đại học uy tín với chi phí thấp hơn học cả khóa trực tiếp. b. Bằng siêu nhỏ (Micro degree/credentials) Trong bối cảnh Cách mạng 4.0, có những việc làm mất đi, việc làm mới liên tục ra đời, ngay cả những công việc đang tồn tại cũng không ngừng thay đổi yêu cầu. Chính điều này đã dẫn đến nhu cầu đào tạo ngày càng tăng đối với kỹ năng thực tế, cốt lõi để đáp ứng ngay nhu cầu của thị trường lao động. Trên thế giới đang có xu hướng phát triển hình thức đào tạo ngắn hạn hơn, lược bỏ bớt chương trình và chỉ tập trung vào những kỹ năng cụ thể, quan trọng nhất của một ngành nghề trong một lĩnh vực hẹp cụ thể nào đó với thời gian và chi phí ở mức tối thiểu, đó là bằng siêu nhỏ (micro credentials/certificates/degree). Có thể tạm hiểu đây như một dạng chứng chỉ cấp tốc chỉ tập trung đào tạo một nhóm các kỹ năng chuyên sâu cụ thể của một ngành nghề hẹp. Ngoài hình thức học tập trung truyền thống, hầu hết các chương trình này đều có thể học trực tuyến (online), khi hoàn thành học viên có thể thi lấy chứng chỉ hoặc được miễn giảm tín chỉ khi học viên tiếp tục học ngành liên quan để lấy bằng chính quy. Các trường đại học hàng đầu thế giới như Massachusetts Institute of Technology, UC Berkeley hiện nay đang triển khai những chương trình cấp bằng Micro Degree cả bậc cử nhân và thạc sĩ. VD chương trình ngành Quản lý chuỗi cung ứng kết hợp giữa việc học trên nền tảng học trực tuyến và 1 kỳ tại Đại học MIT: sinh viên học trên nền tảng trực tuyến edX chương trình về Quản lý chuỗi cung ứng gồm 5 khóa học, mỗi khóa 13 tuần (8-12 giờ/tuần). Sau đó tiếp tục học 1 kỳ tại trường MIT-Mỹ, sinh viên được cấp nhận được một Bằng Micro-degree. Bằng này có thể dùng để làm việc, hoặc sinh viên tiếp tục học lên để lấy bằng cử nhân/thạc sĩ chính quy của trường. Các trường đại học Canada cũng đang triển khai những chương trình cấp Micro-Credentials. Một số khóa học nổi bật: ĐH Camosun College đào tạo bằng siêu nhỏ ngành Năng lượng sạch-xây dựng tòa nhà hiệu quả có thời lượng 18-33 giờ, dạy học viên cách lắp đặt pin mặt trời và cách xây dựng, vận hành tòa nhà ít tiêu tốn năng lượng; Sheridan College đào tạo bằng siêu nhỏ ngành lập trình Python gồm 126 giờ học; Red River College đào tạo bằng siêu nhỏ hình thức trực tuyến các ngành phân tích dữ liệu, phương tiện thuyết trình, quản lý hiệu suất và thời gian…và còn nhiều ngành khác đang nghiên cứu triển khai. Một số ngành được dự báo sẽ thu hút được nhiều người học trong tương lai gần như: in 3D, máy bay không 264
  3. International Conference on Smart Schools 2022 người lái, gọi vốn cộng đồng, năng lượng tái tạo chăm sóc vật nuôi, quản lý cạnh tranh trực tuyến, lập trình, nông nghiệp đô thị, trực quan hóa và phân tích dữ liệu,… Trong bối cảnh thế giới nghề nghiệp biến đổi không ngừng, những chương trình này vô cùng có ý nghĩa với người học, giúp họ nhanh chóng thích ứng với yêu cầu công việc mới. Ngoài ra, việc học những kỹ năng cốt lõi trong thời gian ngắn, người học có thể làm quen với chuyên ngành mình muốn theo đuổi hoặc chuyển đổi và nhanh chóng nhận ra nghề nghiệp ấy có phù hợp với mình không, tránh mất nhiều thời gian như học cả khóa vì không có các môn đại cương, kiến thức ngành,…Đối với cơ sở giáo dục, những lĩnh vực vừa xuất hiện hoặc đã thay đổi căn bản mà chưa xây dựng đầy đủ hoặc điều chỉnh được toàn bộ chương trình đào tạo thì trường có thể đưa ra chương trình ngắn hạn với những kỹ năng cốt lõi, bắt kịp nhu cầu thị trường lao động, tránh tụt hậu. 2.2. Ứng dụng công nghệ vào quản trị và đào tạo a. Blockchain Blockchain (hay cuốn sổ cái) là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin (block) được liên kết với nhau nhờ mã hóa. Các khối thông tin này hoạt động độc lập và có thể được mở rộng theo thời gian. Chính những người tham gia hệ thống quản lý những khối (block) này chứ không thông qua đơn vị trung gian. Khi một khối thông tin được xác nhận và ghi vào hệ thống Blockchain thì không thể thay đổi được, chỉ có thể bổ sung thêm khi đạt được sự đồng thuận của tất cả mọi người. Ứng dụng nổi bật nhất của Blockchain là Bitcoin, tuy nhiên công nghệ Distributed Ledger Technology (công nghệ sổ cái phân tán) có tiềm năng rất lớn để ứng dụng vào các ngành khác. Công nghệ Blockchain hiện nay đã bắt đầu thâm nhập vào lĩnh vực giáo dục đại học. Nó có thể lưu trữ toàn bộ dữ liệu của một sinh viên từ kết quả học tập chính khóa, ngoại khóa, kinh nghiệm nghiên cứu, kỹ năng, giải thưởng một cách an toàn, minh bạch, chuẩn xác và vô thời hạn tất cả. Như vậy sẽ giảm thiểu khả năng gian lận trong học tập, bằng cấp. Ứng dụng Blockchain cũng có thể giúp nhà tuyển dụng dễ dàng dễ dàng tìm kiếm sinh viên có ngành học, kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp để làm thực tập sinh, nhân viên…Nguồn thông tin tin cậy, được xác thực bởi nhiều bên giúp họ yên tâm không lo ngại ứng viên khai gian. Tập đoàn Sony Nhật Bản đã thành lập tổ chức Sony Global Education từ năm 2015, ứng dụng Blockchain với mục tiêu tạo ra nền tảng quản lý hồ sơ học tập của người học có quy mô toàn cầu. Các cơ sở giáo dục của nhiều quốc gia cùng tham gia chuỗi cung ứng thông tin, quản lý và chia sẻ lại lịch sử học tập, bảng điểm của người học, đảm bảo dữ liệu được đồng nhất, minh bạch [Sony Global Education, 2021]. Năm 2015, trường Holberton tại Mỹ cũng đưa Blockchain vào áp dụng trong quản lý sinh viên. Nhà trường cho rằng công nghệ này mang lại nhiều lợi ích cho các bên: nhà tuyển dụng có thể yên tâm, không mất thời gian để kiểm tra bằng cấp của ứng viên. Phía nhà trường có thể tiết kiệm chi phí trong việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu riêng của mình. Phía sinh viên thì có cách lưu trữ thông tin học tập an toàn, hiệu quả, đơn giản hơn, thậm chí cũng không cần xin cấp lại bằng trong trường hợp làm mất, thất lạc. b. Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) Thực tế ảo (Virtual Reality-VR) được hiểu là một môi trường 3D ảo được tạo ra và điều khiển bởi một hệ thống các phần mềm chuyên dụng, người dùng sẽ đeo kính VR để trải nghiệm. Không gian ảo này có thể hoàn toàn giả lập hoặc được mô phỏng sát với thế giới thực, mang đến cho người dùng cảm giác mình là một phần của thế giới ảo, hòa lẫn vào thế giới đó, tương tác với không gian một cách chân thật. Trước kia, VR chủ yếu phục vụ các hoạt động giải trí, nhưng hiện nay đã phát triển và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống: khoa học kỹ thuật, kiến trúc, quân sự, giải trí, du lịch, địa ốc…. Trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục đào tạo, VR hiện nay đã trở thành công cụ dạy học hữu hiệu, cho phép huấn luyện những kỹ năng cần thực hành nhiều, đặc biệt là trong những ngành mà chi phí đào tạo rất cao và tổn thất lớn khi sai sót như: kiểm soát không lưu, lái máy bay, phẫu thuật, rà phá bom mìn,… Ứng dụng VR vào dạy học vẫn còn hạn chế bởi chi phí và quy trình vận hành, tuy nhiên đã dần dần đã được đưa vào một số môn học, ngành nghề và mang lại kết quả khả quan. VD đối với sinh viên y khoa, VR giúp giải quyết việc thiếu tử thi để thực hành, tăng kỹ năng thực hành lâm sàng (chụp cộng hưởng từ, điện não đồ,…) và cơ hội được xử lý ca khó [Labovitz, 2020]. Trước kia, mỗi ca bệnh chỉ có thể cho một số lượng sinh viên nhất định thực hành và quan sát, tuy nhiên VR cho phép tất cả sinh viên tìm hiểu và thực hành trên các ca lâm sàng từ đơn giản đến phức tạp. Quá trình mô phỏng rất thật của VR giúp họ có cảm giác “nhập vai” tốt và từ đó ít mắc sai sót hơn khi đi thực tế tại bệnh viện [Lopatina, 2020]. Với dạy nghề, VR cũng có thể ứng dụng rất hiệu quả trong các ngành như chế biến món ăn, công nghệ ô tô...Các thao tác luyện tập thao tác cắt thịt cá, lái xe, sửa xe hoàn toàn có thể thực hiện trong phòng học ảo, tiết kiệm được nguyên liệu thực hành. Ngoài ra, VR còn được sử dụng để đào tạo cũng như phân tích kỹ thuật cho các vận động 265
  4. International Conference on Smart Schools 2022 viên, học viên ngành thể dục thể thao, giúp cải thiện thành tích cho họ. c. Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence-AI) đã trở thành một khái niệm phổ biến, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trong đời sống - từ đơn giản như nấu ăn tại nhà đến phức tạp như điều khiển vệ tinh. AI cũng đã dần xâm nhập vào lĩnh vực giáo dục. VD, kể từ năm 2017, Viện Công nghệ Georgia đã và thử nghiệm một giáo viên trợ lý ảo tên là Jill Watson, giải đáp thắc mắc để giúp sinh viên khắc phục khó khăn trong học tập. Mặc dù vẫn còn một số lỗ hổng nghiêm trọng khi mà Jill Watson không quan tâm đến tình trạng sức khỏe của người học [Eicher, 2018], nhưng nhà trường đánh giá kết quả rất tích cực và tiềm năng và dự báo trong mười năm tới, AI sẽ trở thành người bạn đồng hành của sinh viên nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới. Học viện Rensselaer Polytechnic Institute đã thực hiện sáng kiến “6 tuần tới Trung Quốc” sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (augmented reality) trong một phòng thí nghiệm với tường cao 4.57m giúp sinh viên ngành tiếng Trung được trải nghiệm cảm giác như đang được đến Trung Quốc và giao tiếp với người bản xứ. Nhân vật AI không chỉ nhận dạng ngôn ngữ mà còn cả mọi cử chỉ, nét mặt của sinh viên, tương tác với họ. Đây là môi trường nhập vai phá vỡ những giới hạn về không gian, môi trường trước kia. Vì mang lại cảm giác như thật, người học hoàn toàn hòa mình vào không gian văn hóa của Trung Quốc, tích cực tham gia đối thoại với nhân vật AI, nhờ đó học kỹ năng nói hiệu quả hơn rất nhiều [Rensselaer Polytechnic Institute, 2019]. d. Chatbot Chatbot là một phần mềm, ứng dụng được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo nhằm giúp con người quản lý các cuộc trò chuyện, tương tác với người khác thông qua phương tiện văn bản hoặc âm thanh. Hiện nay, chatbot được ứng dụng mạnh trong mảng dịch vụ khách hàng các ngành kinh doanh, dịch vụ, nổi bật nhất là thương mại điện tử, chatbot có thể thay thế tư vấn viên trả lời hàng loạt các câu hỏi đơn giản từ phía khách hàng. Chatbot ngày nay đã xâm nhập dần vào cả lĩnh vực giáo dục. Điều này giúp giảm bớt khối lượng công việc cho nhân viên nhà trường. Chatbot được thiết kế để trả lời hầu hết các câu hỏi đơn giản thường gặp của sinh viên về các vấn đề như chương trình đào tạo, lịch học, yêu cầu bài luận, hạn nộp bài, sử dụng thư viện, nộp học phí, đăng ký môn, truy cập website…Nhà trường thì có thể dễ dàng thu thập được phản hồi của người học về chương trình, quy trình quản trị. Trong môi trường giảng đường đại học lớn và khó có sự tương tác với từng sinh viên, chatbot là một ứng dựng hữu ích. Nó có thể tiếp cận với toàn bộ sinh viên, thu thập thông tin về trải nghiệm học tập của họ, từ đó giảng viên có thể điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học [Smutny, 2020]. Ngoài ra, trợ lý ảo (Virtual Assistant) cũng là một công cụ kỹ thuật số cá nhân dựa trên ứng dụng AI. Trợ lý ảo có điểm khác biệt với chatbot ở khả năng ghi nhớ và duy trì hội thoại liên tục, được xây dựng dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm Machine Learning, Natural Language Processing (xử lý ngôn ngữ tự nhiên) và Speech Recognition (nhận dạng lời thoại). Khi người dùng cuối tương tác với trợ lý ảo, nó có thể dự đoán nhu cầu của họ và duy trì hội thoại, đáp ứng nhu cầu của họ Những trợ lý ảo nổi tiếng hiện nay như Siri (Apple-2011), Google Now (Google-2012), Alexa (Amazon - 2015), Cortana (Microsoft-2015) có thể giúp chúng ta điều khiển thiết bị thông minh, nhắc nhở lịch, kiểm tra chuyến bay, chỉ đường, cập nhật tin tức,..Trong lĩnh vực giáo dục, với khả năng tương tác và tích hợp lượng dữ liệu khổng lồ, trợ lý ảo có thể ngay lập tức trả lời thắc mắc của người học liên quan đến bài giảng mà nó đã được nhập thông tin, và liên kết với các thiết bị thông minh khác để tìm kiếm kiến thức, giúp sinh viên kiểm tra lịch học, hạn nộp bài kiểm tra, tổng hợp điểm số. Tiềm năng của trợ lý ảo còn rất lớn, nếu tiếp tục được phát triển, trợ lý ảo có thể trở thành cố vấn học tập hoặc trợ giảng online (intelligent tutor) cho từng sinh viên. 3. Kết luận Trong bối cảnh Cách mạng 4.0, có những việc làm mất đi, việc làm mới liên tục ra đời, ngay cả những công việc đang tồn tại cũng có sự thay đổi yêu cầu. Chính vì vậy, với sứ mệnh đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, giáo dục đại học cũng phải đổi mới để bắt kịp với sự vận động không ngừng ấy. Từ nghiên cứu tổng quan xu hướng quốc tế về chuyển đổi số trong giáo dục đại học trên thế giới, có thể thấy các trường đang có những bước chuyển mình để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới các hoạt động đào tạo, đặc biệt là chương trình đào tạo, hình thức và phương pháp đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục đại học Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển cả trong quản trị và đào tạo. Trong quản trị cơ sở giáo dục đại học, có thể nghiên cứu áp dụng Blockchain vào quản lý hồ sơ sinh viên, xây dựng chatbot phục vụ công tác cố vấn học tập cho sinh viên. Trong đào tạo, những công nghệ tiên tiến như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng đặc biệt trong các môn học thực hành tại nhiều quốc gia phát triển, các cơ sở giáo dục đại học nước ta cũng cần nghiên cứu, cải tiến cách thức đào tạo để bắt kịp xu hướng này. Tóm lại, xây dựng nhà trường thông minh và chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu và các cơ sở 266
  5. International Conference on Smart Schools 2022 giáo dục đại học của nước ta cũng cần nỗ lực để thực hiện mục tiêu đó. TÀI LIỆU THAM KHẢO Abad-Segura, E., González-Zamar, M. D., Luque-de la Rosa, A., & Cevallos, M. B. M. (2020). Sustainability of educational technologies: An approach to augmented reality research. (Switzerland), 12(10), 1–29. Bowen, W. (2015). Higher Education in the Digital Age: Updated Edition (The William G. Bowen Series), Princeton: Princeton University Press, 232 p. Eicher, B., Polepeddi, L., Goel, A. ( 2018), Jill Watson doesn't care if you're pregnant: Grounding AI ethics in empirical studies, Proceedings of the 2018 AAAI/ACM Conference on AI, Ethics, and Society, AIES 2018, New Orleans, LA, USA, December, pp. 88-94. DOI:10.1145/3278721.3278760. Graham, C. R. (2013). Emerging practice and research in blended learning. In M. G. Moore (Ed.), Handbook of distance education, (3rd ed., pp. 333–350). New York: Routledge. Han, V., Sullivan, C., Blazian, P. (2019). Emerging Technology for Learning – Chatbots, Mobile Coach. Oct. Retrieved from https://mobilecoach.com/emerging-tech-for learning-chatbots Rensselaer Polytechnic Institute (2019). AI-assisted Immersive Classroom To Be Used in First Credit-Bearing Course, Retrieved from https://news.rpi.edu/content/2019/07/12/ai-assisted-immersive-classroom-be-used- first-credit-bearing-course, Smutny, P., Schreiberova, P., (2020). Chatbots for learning: A review of educational chatbots for the Facebook Messenger, Computers & Education, vol. 151, 103862. DOI: 10.1016/j.compedu.2020.103862 267
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2