ĐẠI HỌC HUẾ<br />
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC<br />
<br />
LÊ THỊ THÚY HẰNG<br />
<br />
NGUYÊN LÍ ĐỐI THOẠI<br />
TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN 2010<br />
<br />
LUẬN ÁN TIẾN SĨ<br />
NGÀNH NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM<br />
<br />
HUẾ - NĂM 2016<br />
<br />
ĐẠI HỌC HUẾ<br />
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC<br />
<br />
LÊ THỊ THÚY HẰNG<br />
<br />
NGUYÊN LÍ ĐỐI THOẠI<br />
TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN 2010<br />
<br />
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam<br />
Mã số: 62 22 01 21<br />
<br />
LUẬN ÁN TIẾN SĨ<br />
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM<br />
<br />
Người hướng dẫn khoa học:<br />
1. PGS. TS NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP<br />
2. PGS. TS BÙI THANH TRUYỀN<br />
<br />
HUẾ - NĂM 2016<br />
<br />
LỜI CẢM ƠN<br />
Tôi xin trân trọng cảm ơn PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp, PGS. TS Bùi Thanh<br />
Truyền đã tận tình chỉ dạy, hướng dẫn, đóng góp những ý kiến quý báu giúp tôi hoàn<br />
thành luận án trong điều kiện tốt nhất.<br />
Xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Khoa Xã hội & Nhân văn, lãnh đạo Trường<br />
Đại học Phú Xuân Huế, lãnh đạo Khoa Ngữ văn, Phòng Sau Đại học, Trường Đại học<br />
Khoa học, Đại học Huế đã quan tâm, tạo mọi điều kiện cho tôi trong suốt quá trình<br />
thực hiện luận án.<br />
Xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến gia đình, quý thầy cô, bạn bè, đồng<br />
nghiệp, những người đã luôn động viên, khuyến khích, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian<br />
thực hiện luận án.<br />
Tác giả<br />
<br />
Lê Thị Thúy Hằng<br />
<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. Lí do chọn đề tài<br />
1. Nguyên lí đối thoại manh nha xuất hiện từ rất lâu trong đời sống cũng như<br />
trong nghệ thuật. Mặc dù mức độ không nhiều nhưng chúng ta bắt gặp trong đối thoại<br />
Socrate, những phản ứng lại các trào lưu, chủ nghĩa nghệ thuật phương Tây… Song,<br />
với tư cách là một lí thuyết văn học, phải đến Mikhail Bakhtin (1895 - 1975), tinh thần<br />
đối thoại mới trở nên tự giác, riết róng. Sự xuất hiện các công trình lí luận của ông<br />
những năm 20 thế kỷ XX thu hút quan tâm trong giới nghiên cứu khoa học và trí thức<br />
Liên Xô nói riêng, thế giới nói chung. Ở Việt Nam, lí thuyết M. Bakhtin đánh dấu qua<br />
nhiều công trình dịch thuật có giá trị và bắt đầu ảnh hưởng, thẩm thấu từ những năm<br />
cuối thế kỷ XX, thập niên đầu thế kỷ XXI trong giới nghiên cứu, phê bình và sáng tác.<br />
2. Căn nguyên làm nên ma lực của M. Bakhtin nằm ở hệ hình tư duy dựa trên<br />
nền tảng triết học nhân bản liên chủ thể. Triết học liên chủ thể của ông xem đối thoại<br />
là phạm trù nền. Đối thoại là bản chất của ý thức, bản chất của tư duy con người. Phát<br />
triển tinh thần này, khi nghiên cứu khoa học văn học, nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý<br />
đến tính đối thoại thể loại tiểu thuyết. Thực tế chứng minh lí thuyết Bakhtin ảnh hưởng<br />
suốt thế kỷ XX, bước sang thế kỷ XXI vẫn còn nguyên hấp lực và đâu đó hàm chứa<br />
những điều bất khả giải. Luận thuyết của nhà triết học, mỹ học và nghiên cứu văn học<br />
khi mới xuất hiện có thể gây phản ứng như cách người ta không chấp nhận tư tưởng<br />
vượt ngưỡng so với thời đại. Tuy nhiên, đó là điều đã xảy ra và đã được ghi nhận. Vì<br />
vậy, cho đến nay, nếu Bakhtin đủ căn cứ gọi những cuộc đối thoại kiểu Socrate là tiểu<br />
thuyết thời Cổ đại thì ông chính là người cấp cho tiểu thuyết hiện đại căn cốt của lí<br />
thuyết đối thoại qua khảo sát Dostoievsky và Rabelais. Bởi ở đó, nhà lí luận nhận ra ý<br />
nghĩa giải phóng và giải - vật - hóa con người ở hình thức nghệ thuật, tìm ra “con<br />
người trong con người” một cách triệt để nhất, thông qua đối thoại. Tư duy đối thoại<br />
thực sự trở nên quen thuộc với đời sống văn học. Cuộc “vượt biên” lí thuyết đối thoại<br />
Bakhtin bắt gặp trong tiểu thuyết Việt Nam từ sau năm 1986.<br />
3. Không khí dân chủ của Đại hội VI (1986) giúp cho văn học Việt Nam phát<br />
triển trên tinh thần đổi mới tư duy và nhìn thẳng vào sự thật. Tiểu thuyết được dịp tỏ<br />
rõ chức năng hàng đầu, sứ mệnh của mình là xét lại, nhận thức lại, đánh giá lại tất cả.<br />
1<br />
<br />
Tinh thần nhận thức lại tạo tiền đề cho tiếng nói đa thanh, đa âm sắc, đa giọng điệu.<br />
Những nhà văn luôn thể hiện ý thức nhận thức lại qua đối thoại: Phạm Thị Hoài, Bảo<br />
Ninh, Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo, Tạ Duy Anh, Thuận, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn<br />
Xuân Khánh, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn… Mỗi tác phẩm là cuộc đối thoại của tác giả<br />
với tư tưởng thời đại và tạo điều kiện cho những tư tưởng này đối thoại với nhau. Cái<br />
mới nảy sinh qua chính vấn đề đem ra tranh luận, tư biện để tìm ra căn cốt con người<br />
trong cuộc hiện sinh nhọc nhằn. Việc giải mã nguyên lí đối thoại là cách để hình dung,<br />
tìm hiểu sự vận động của/trong hệ hình tư duy tiểu thuyết Việt Nam đương đại so với<br />
mô thức truyền thống, đồng thời khẳng định sự vượt thoát trong ý hướng tính văn<br />
chương của tiểu thuyết nhằm làm mới thể loại.<br />
4. Vận dụng lí thuyết đối thoại của M. Bakhtin, đề tài Nguyên lí đối thoại trong<br />
tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010 của luận án hướng đến soi chiếu, khám phá<br />
những giá trị cách tân tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới trên tinh thần nhận thức<br />
lại. Ý thức rời xa khỏi lối mòn là dấu hiệu khởi động cho cuộc hành trình đưa tiểu<br />
thuyết Việt Nam thoát khỏi mô thức truyền thống để bước vào quỹ đạo chung của văn<br />
chương thế giới - một hình thức liên chủ thể sáng tạo. Đó là lí do chúng tôi lựa chọn và<br />
thực hiện đề tài này.<br />
2. Mục tiêu nghiên cứu<br />
Đề tài Nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010 hướng<br />
đến các mục tiêu cơ bản:<br />
Thứ nhất, luận án hệ thống lại lí thuyết đối thoại của các nhà nghiên cứu, chủ<br />
yếu là Bakhtin. Chúng tôi cố gắng chỉ ra vấn đề còn tranh cãi, tìm tiếng nói đồng thuận<br />
nhằm xây dựng cơ sở lí luận về đối thoại. Điều này cần thiết cho việc vận dụng nghiên<br />
cứu nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại.<br />
Thứ hai, mục tiêu chính yếu của luận án là khám phá nguyên lí đối thoại trong<br />
tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 trên bình diện ý thức nghệ thuật và cách thức tổ chức<br />
trần thuật. Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm đến các vấn đề quan trọng liên quan như<br />
làm rõ sự xuất hiện, vận hành của đối thoại trong tương quan tiếp biến với tiểu thuyết<br />
trước 1986. Từ đó, luận án nhận định, đối thoại trên tinh thần nhận thức lại trở thành<br />
nguyên lí phổ quát của tiểu thuyết Việt Nam đương đại, góp phần khẳng định những<br />
cách tân nhằm đánh giá đúng bước tiến thể loại trong diễn trình hội nhập.<br />
2<br />
<br />