intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

LUẬN VĂN: Mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê

Chia sẻ: Nguyen Hai | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:106

306
lượt xem
88
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Dân tộc ÊĐê là một trong 54 dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt Nam, sống chủ yếu ở năm tỉnh Tây Nguyên đông nhất là ở DakLak, DakNông và sau đó là Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Dân số khoảng 250.000 người. Từ xưa đến nay đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê sống và điều chỉnh hành vi bằng luật tục của dân tộc mình ít quan tâm đến pháp luật của Nhà nước. Do vậy, có không ít những phong tục, tập quán lạc hậu đã cản trở sự phát triển lành...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: LUẬN VĂN: Mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê

  1. LUẬN VĂN: Mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê
  2. Mở Đầu 1. Tính cấp thiết của luận văn Dân tộc ÊĐê là một trong 54 dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt Nam, sống chủ yếu ở năm tỉnh Tây Nguyên đông nhất là ở DakLak, DakNông và sau đó là Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Dân số khoảng 250.000 người. Từ xưa đến nay đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê sống và điều chỉnh hành vi bằng luật tục của dân tộc mình ít quan tâm đến pháp luật của Nhà nước. Do vậy, có không ít những phong tục, tập quán lạc hậu đã cản trở sự phát triển lành mạnh của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Mặt khác, có những phong tục tập quán tiến bộ kết tinh từ bao đời nay của người ÊĐê lại chưa được pháp luật Nhà nước ta ghi nhận. Vì vậy, pháp luật đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê chưa thật sự tự nhiên và ít hiệu quả. Điều này tạo nên sự cách biệt, thậm chí là xung đột không đáng có giữa cộng đồng người ÊĐê với người Kinh trong thời gian vừa qua. Trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân của Nhà nước ta hiện nay, pháp luật đã được xác định là công cụ quan trọng nhất để nhà nước quản lý xã hội. Vì vậy, Nhà nước ta đã sử dụng nhiều phương pháp để đưa pháp luật đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Mặt khác, vai trò của luật tục ÊĐê cũng được nâng lên một bước. Tuy nhiên, về mặt lý luận, mối quan hệ giữa pháp luật với luật tục nói chung và luật tục ÊĐê nói riêng chưa được giải quyết một cách triệt để, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến trong thực tiễn xây dựng, tổ chức thực hiện và bảo vệ pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê trong thời gian qua còn nhiều hạn chế và khiếm khuyết. Điều đó cho thấy cần thiết phải nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê nhằm chỉ rõ những điểm tương đồng, điểm khác biệt đồng thời nêu những mặt tích cực cũng như những hạn chế của từng yếu tố trong quản lý xã hội, chỉ rõ sự tác động qua lại, hỗ trợ, bổ sung cho nhau giữa chúng… Trên cơ sở đó đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực trạng mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục
  3. ÊĐê trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay. Từ đó có cơ sở đề ra những giải pháp tăng cường mối quan hệ giữa pháp luật với luật tục ÊĐê sao cho pháp luật và luật tục ÊĐê được sử dụng một cách có hiệu quả nhất trong việc quản lý cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê trong thời gian tới. Với lý do trên, tác giả chọn đề tài: " Mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê " để nghiên cứu và viết luận văn thạc sĩ luật học. 2. Tình hình nghiên cứu Qua tìm hiểu nghiên cứu đề tài này, tác giả nhận thấy từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về luật tục của các dân tộc Việt Nam nói chung và một số công trình nghiên cứu luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, cụ thể: - Luật tục ÊĐê, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1996. Công trình này tác giả thống kê, sắp xếp các quy định của luật tục ÊĐê từ khi hình thành đến năm 1996, bằng hai thứ tiếng Việt - ÊĐê. Đồng thời, nêu những nét khái quát về sự hình thành và phát triển của luật tục ÊĐê, vị trí vai trò của luật tục ÊĐê trong đời sống của người ÊĐê từ trước tới nay. - Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2000. Trong công trình này ngoài các phần viết về luật tục của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam nói chung, có phần viết về lịch sử hình thành luật tục ÊĐê, vai trò của luật tục ÊĐê trong đời sống cộng đồng người ÊĐê và nêu một số thực trạng tranh chấp và giải quyết tranh chấp đất đai trong các thời kỳ lịch sử gắn liền với sự phát triển của luật tục ÊĐê. - Luật tục Tây Nguyên - giá trị văn hóa pháp lý, quản lý cộng đồng và mối quan hệ với pháp luật (Hoàng thị Kim Quế, Tạp chí Khoa học kinh tế luật, số 1/2005). - Vai trò của người điều hành và thực thi luật tục; Giải quyết tranh chấp về dân sự trong luật tục ÊĐê; Hiệu lực của luật tục ÊĐê trong dời sống dân sự hiện đại (Y Nha, Nguyễn Lộc - Tòa án nhân dân tỉnh DakLak). Các công trình này tác giả viết dưới dạng đề tài khoa học nghiên cứu các vấn đề liên quan đến vai trò của các già làng, trưởng buôn
  4. trong giải quyết tranh chấp dân sự phát sinh trong đời sống của cộng đồng người ÊĐê và nghiên cứu tính hiệu lực trên thực tế của luật tục ÊĐê. - Những quy định của luật tục ÊĐê về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (luật sư Phùng Trung Tập). Nêu trình tự thủ tục giao kết hợp đồng dân sự, giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự và giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của luật tục ÊĐê Ngoài ra, còn có một số công trình nghiên cứu của một số tác giả về lĩnh vực hôn nhân gia đình, lĩnh vực văn hóa dân gian, lĩnh vực môi trường v.v… Như vậy trong thời gian qua, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về luật tục ÊĐê, mỗi công trình tiếp cận nghiên cứu luật tục ÊĐê ở các góc độ khác nhau, nhưng chưa có đề tài nào riêng biệt nói về mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay. Vì vậy, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa pháp luật với luật tục ÊĐê đáp ứng yêu cầu cấp bách cả lý luận và thực tiễn hiện nay ở Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng. 3. Phạm vi nghiên cứu * Về đối tượng nghiên cứu của luận văn: Luận văn nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê (thông qua hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh DakLak) trên một số lĩnh vực nhất định. * Về thời gian: Trong phạm vi của một luận văn thạc sĩ, tác giả chỉ nghiên cứu mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê dựa trên số liệu điều tra xã hội học tại các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê trên địa bàn tỉnh DakLak và thông qua hoạt động xét xử các loại án ở Tòa án nhân dân DakLak. 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu * Mục đích nghiên cứu:
  5. Mục đích của luận văn là trên cơ sở nghiên cứu lý luận, phân tích và đánh giá thực trạng mối quan hệ giữa pháp luật với luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, luận văn nêu ra một số giải pháp tăng cường giải quyết tốt mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê hiện nay. * Nhiệm vụ nghiên cứu: Nhiệm vụ của luận văn, phân tích cơ sở lý luận của mối quan hệ giữa pháp luật với luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê cụ thể là: - Xác định vị trí, vai trò của pháp luật và luật tục của đồng bào thiểu số ÊĐê trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay. - Phân tích những nét tương đồng, khác biệt và mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. - Nêu bật được thực trạng mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê hiện nay, có số liệu cụ thể chứng minh thực trạng lấy từ việc điều tra xã hội học ở các buôn làng dân tộc thiểu số ÊĐê trên địa bàn tỉnh DakLak và thống kê được từ hoạt động xét xử các loại án ở Tòa án nhân dân tỉnh DakLak. - Trên cơ sở phân tích lý luận và thực trạng về mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê hiện nay, rút ra mặt được và mặt chưa được, nguyên nhân của thành công và tồn tại. Từ đó đưa ra quan điểm và giải pháp tăng cường mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay. 5. Phương pháp nghiên cứu Luận văn nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận của triết học Mác - Lênin về chủ nghĩa duy vật biện chứng, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung và chính sách dân tộc nói riêng. Phương pháp nghiên cứu: Luận văn được nghiên cứu dựa trên các phương pháp: phân tích - tổng hợp, lịch sử - cụ thể; kết hợp các phương pháp điều tra xã hội học, phương
  6. pháp thống kê tổng hợp số liệu thông qua hoạt động xét xử các loại án ở Tòa án nhân dân tỉnh DakLak. 6. ý nghĩa của luận văn Về lý luận: Luận văn góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận nhà nước và pháp luật về mối quan hệ giữa pháp luật với các quy phạm xã hội khác. Về thực tiễn: Luận văn có thể làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo trong việc xây dựng pháp luật về chính sách dân tộc của Nhà nước ta trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay. Luận văn nghiên cứu vấn đề về mối quan hệ tương tác giữa pháp luật và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê trong khi ở địa bàn bốn tỉnh Tây Nguyên đang có nhiều cuộc bạo loạn của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê nổi lên đòi thành lập nhà nước Đề Ga độc lập. Tác giả mong muốn kết quả nghiên cứu của bản luận án này góp phần tích cực về việc hài hòa mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê; làm cầu nối cho người dân tộc thiểu số ÊĐê chung sống hòa bình, tự nhiên với cộng đồng người Việt trên đất nước Việt Nam. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê. Chương 2: Thực trạng mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục. Chương 3: Quan điểm và giải pháp nhằm tăng cường giải quyết tốt mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê ở tỉnh ĐăkLăk hiện nay.
  7. Chương 1 CƠ Sở Lý Luận Về Mối QUAN Hệ Giữa Pháp Luật Và Luật Tục ÊĐÊ 1.1. Khái niệm, đặc điểm, vị trí, vai trò của pháp luật và luật tục ÊĐê 1.1.1. Khái niệm, đặc điểm, vị trí, vai trò của pháp luật Khái niệm: Pháp luật ra đời và tồn tại một cách khách quan để đáp ứng nhu cầu quản lý các mặt khác nhau của đời sống xã hội. Nó tồn tại song song với nhiều hiện tượng xã hội khác cùng thực hiện chức năng điều chỉnh xã hội. Quá trình điều chỉnh các mặt khác nhau của đời sống xã hội, pháp luật thể hiện tính vượt trội so với các hiện tượng xã hội khác trong việc đáp ứng nhu cầu quản lý đời sống xã hội, đồng thời nó cũng bộc lộ tính phức tạp thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà luật học trong nước và thế giới. Cho đến hiện nay, khái niệm pháp luật vẫn chưa được nhận thức một cách hoàn toàn thống nhất. Quan điểm truyền thống cho rằng: Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí Nhà nước của giai cấp thống trị trên cơ sở ghi nhận các nhu cầu về lợi ích của toàn xã hội, được đảm bảo thực hiện bằng nhà nước nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội với mục đích trật tự và ổn định xã hội vì sự bền vững của xã hội [18, tr. 288]. Có thể nói, hầu hết các sách báo pháp lý, các luật gia, nhà khoa học đều thừa nhận cách hiểu này. Tuy vậy cũng có một số tác giả không hoàn toàn tán thành cách hiểu cụm từ: Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự. Xuất phát từ quan điểm cho rằng quy tắc xử sự là những mô hình, khuôn mẫu cho hành vi con người, nó xác định rõ trong điều kiện, hoàn cảnh hay tình huống nào thì chủ thể được làm gì, phải làm gì, làm như thế nào hay không được làm gì…., một số tác giả cho rằng, pháp luật được hiểu là hệ thống những quy tắc xử sự sẽ không bao quát hết những sự vật mà nó phản ánh, bởi lẽ trong pháp luật còn có rất nhiều quy định do nhà nước ban hành nhưng không phải là quy tắc xử sự. Tác giả cho rằng lập luận này có phần gò bó cứng nhắc. Thực tế, đúng là có rất nhiều quy định do Nhà nước ban hành chỉ là để qui định cách hiểu về một thuật ngữ, giải thích một khái niệm hay nêu lên một tư tưởng, một nguyên tắc nào đó, chúng không phải là những quy tắc xử sự bởi
  8. chúng không đưa ra một phương án xử sự cụ thể nào để chủ thể thực hiện theo. Tuy nhiên, chúng lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp các chủ thể nhận thức và thực hiện một cách đúng đắn, đầy đủ những quy tắc của hành vi mà nhà nước đã đề ra. Mặt khác, pháp luật là hiện tượng xã hội nên không thể là một phép cộng giản đơn của những quy tắc xử sự do nhà nước ban hành mà nó còn bao gồm những tư tưởng, những nguyên tắc, những khái niệm, thuật ngữ nào đó tạo thành chất keo liên kết những quy tắc xử sự thành một thể thống nhất. Bởi vậy, theo tác giả, quan niệm pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự là hoàn toàn chính xác. Đặc điểm: Từ khái niệm trên ta có thể nhận dạng pháp luật một cách tương đối rõ ràng trong vô vàn hiện tượng xã hội khác nhau đang tồn tại trong xã hội: Trước hết, pháp luật mang tính quy phạm, phổ biến, bắt buộc chung. Quy phạm pháp luật là quy tắc hành vi có giá trị như những khuôn mẫu xử sự, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá hành vi của các cá nhân, các quá trình xã hội. Luật tục ÊĐê nói riêng và các loại công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác cũng có tính quy phạm nhưng nó không có tính phổ biến, bắt buộc chung. Nếu như các quy phạm luật tục ÊĐê chỉ có giá trị áp dụng bắt buộc đối với các thành viên trong cộng đồng người ÊĐê thì pháp luật lại có tính phổ biến và bắt buộc chung đối với tất cả các thành viên trong xã hội. Các quy phạm pháp luật được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần trong không gian và thời gian. Nó chỉ phát sinh hiệu lực khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và hết hiệu lực áp dụng khi các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ. Điều này thể hiện điểm khác biệt của pháp luật so với các hiện tượng xã hội khác đó là tính quyền lực nhà nước hay ý chí nhà nước. Đặc điểm thứ hai: Pháp luật có tính xác định chặt chẽ về hình thức. Đối với các quy phạm luật tục ÊĐê và các quy phạm xã hội khác như quy phạm đạo đức, tập quán…có thể lưu truyền bằng miệng trong dân gian, riêng pháp luật phải được thể hiện dưới dạng thành văn, ngôn ngữ trong các quy phạm pháp luật phải mang tính phổ thông và đễ hiểu. Mặt khác pháp luật có tính chính xác cao, giúp cho các chủ thể hiểu một cách rõ ràng những điều pháp luật cho phép, những điều pháp luật buộc phải làm và những điều ngăn cấm. Từ đó chủ thể lựa chọn cho mình một cách xử sự đúng với yêu cầu của pháp luật.
  9. Đặc điểm thứ ba của pháp luật là tính được bảo đảm thực hiện bằng nhà nước. Chỉ có nhà nước mới được ban hành pháp luật, và cũng chỉ có nhà nước mới có đủ quyền lực áp dụng các biện pháp cưỡng chế thực hiện pháp luật trong phạm vi toàn xã hội. Pháp luật sẽ trở nên vô nghĩa khi không có một bộ máy bảo đảm thực hiện đó là nhà nước. Các quy phạm xã hội khác cũng được bảo đảm thực hiện bằng nhiều hình thức như lương tâm, niềm tin tín ngưỡng, áp lực dư luận cộng đồng…nhưng không có tính bảo đảm thực hiện bằng nhà nước. Ngoài ba đặc điểm này pháp luật còn có một số đặc điểm khác như tính hệ thống, tính ổn định tương đối… Vì vậy, khi nghiên cứu các đặc điểm của pháp luật cần phải có cách nhìn nhận tổng quát toàn diện để phân biệt các quy phạm pháp luật với các quy phạm xã hội khác. Vị trí vai trò của pháp luật: Pháp luật ra đời đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong điều kiên các giai cấp đối kháng nhau về quyền lợi. Có thể nói pháp luật xuất hiện như một tất yếu khách quan, là công cụ bảo vệ giai cấp thống trị, củng cố, xác lập trật tự xã hội. Không có pháp luật thì không có trật tự xã hội và không một cộng đồng, một xã hội nào có thể tồn tại được trong điều kiện xã hội có giai cấp. Điều này cho thấy vị trí vai trò to lớn của nó trong đời sống xã hội. 1.1.2. Khái niệm, đặc điểm, vị trí, vai trò, nội dung của luật tục ÊĐê Khái niệm: Luật tục thuộc phạm trù tập quán. Theo các quan điểm phổ biến hiện nay, luật tục được hiểu là những phong tục tập quán tồn tại d ưới dạng truyền khẩu và thành văn, là hệ thống những quy tắc xử sự điều chỉnh mọi mặt của đời sống cộng đồng. Điểm khác biệt của luật tục so với những phong tục tập quán bình th ường đó là luật tục không phải tổng hợp mọi phong tục tập quán mà chỉ bao gồm những phong tục, tập quán, quy lệ tác động đến những hành vi cá nhân trong cộng đồng hay giữa các cộng đồng với nhau như là những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc, gắn với những hình thức xử phạt và khen thưởng. Luật tục và tập quán là những khuôn mẫu ứng xử được đặt ra trong một cộng đồng. Nó có những điểm giống nhau và cũng có những điểm khác nhau đó là: Luật tục và tập quán đều được hình thành từ những thói quen, khuôn mẫu ứng xử được mọi người tuân theo. Tập
  10. quán có biên độ rộng còn luật tục thường có biên độ hẹp hơn, quy định rõ những điều cụ thể. Tập quán được mọi người chấp nhận tự giác, còn luật tục có tính cưỡng chế, gây áp lực bắt buộc mọi cá nhân trong cộng đồng phải tuân theo. Luật tục bắt nguồn từ tập quán, trong quá trình áp dụng tập quán từ thế hệ này sang thế hệ khác, sự tuyển chọn tự nhiên của con người dẫn đến một số tập quán đáp ứng được những nhu cầu cần thiết cho việc bảo vệ lợi ích của một cộng đồng người đã trở thành luật tục. Nói theo ngôn ngữ pháp lý hiện đại thì luật tục vừa chứa đựng các quy định về luật nội dung và luật hình thức, nó chính là những hành động, những khuôn mẫu ứng xử ừ tuân theo chuẩn mực luân lý, chính trị và thẩm mỹ của một cộng đồng. Đặc biệt, luật tục có tính cưỡng chế cao, nó quy định những điều được phép làm và những điều ngăn cấm. Luật tục ÊĐê không nằm ngoài phạm trù tập quán. Nó là những khuôn mẫu ứng xử được hình thành, lưu truyền trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê dưới dạng truyền miệng, được sàng lọc, tuyển chọn từ hệ thống tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê qua nhiều thế hệ. Cho đến giai đoạn hiện nay không ai khẳng định được một cách chính xác luật tục ÊĐê ra đời từ thời điểm cụ thể nào. Vào những năm đầu thập niên ba mươi của thế kỷ XX viên Công sứ Pháp ở tỉnh DakLak: L.Sabatier đã tổ chức sưu tầm luật tục của người ÊĐê bằng cách ghi âm tiếng ÊĐê và dịch ra bằng chữ ÊĐê, đó là loại chữ được các cố đạo người Pháp xây dựng và đưa vào bộ vần chữ la tinh. Sưu tập này được gọi là Tập quán pháp ca [19, tr. 22] và công bố công trình này vào năm 1926. Đến năm 1940 D.Antomarchi đã dịch và công bố luật tục này trên tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ (B.E.F.E.O). Sau năm 1975 nhà Tây Nguyên học Nguyễn Hữu Thấu đã dịch bản luật tục này ra tiếng việt qua bản in tiếng pháp. Trên cơ sở văn bản luật tục ÊĐê của L. Sabatier, Nguyễn Hữu Thấu tham khảo thêm hai bộ luật tục mới sưu tầm được đó là bản luật tục ÊĐê của Chu Thái Sơn, Bế Viết Đăng, Nguyễn Nam Tiến sưu tầm và bản luật tục chữ ÊĐê do Chu Thái Sơn sưu tầm. Đến năm 1996 luật tục ÊĐê được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia cho xuất bản bằng hai thứ tiếng Việt - ÊĐê [19, tr. 23]. Như vậy xét về mặt lịch sử, luật tục ÊĐê được hình thành như là một đạo luật dân gian có vai trò điều hành, ổn định cuộc sống
  11. của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó trở thành một thứ văn hóa truyền thống của một tộc người. Về bản chất luật tục ÊĐê được quan niệm như là: một loại luật được sử dụng, lưu truyền trong dân gian, bắt nguồn từ phong tục, tập quán và gắn liền với phong tục tập quán, khu biệt với luật nhà nước… Nói tóm lại, có thể khái quát những nét nhận diện cơ bản về luật tục ÊĐê đó là: - Luật tục ÊĐê là những quy tắc xử sự chung của người ÊĐê, được người ÊĐê sáng tạo nên và lưu truyền trong cộng đồng người ÊĐê qua nhiều thế hệ, được mọi thành viên trong cộng đồng mặc nhiên thừa nhận và thi hành. - Luật tục ÊĐê có phạm vi điều chỉnh rộng. Nó chứa đựng cả luật nội dung và luật tố tụng. Có thể coi luật tục ÊĐê là tiêu chí cho xử sự của các thành viên trong cộng đồng người ÊĐê trên tất cả các lĩnh vực đạo đức, luân lý và tình cảm - Luật tục ÊĐê xuất phát từ phong tục tập quán và trở lại điều chỉnh các quan hệ nảy sinh trong cộng đồng người ÊĐê, bảo vệ các phong tục tập quán, có quan hệ chặt chẽ với tín ngưỡng và tôn giáo. Từ sự khái quát này, tác giả rút ra khái niệm luật tục ÊĐê như sau: Luật tục ÊĐê là những quy tắc xử sự chứa đựng những tiêu chí về đạo đức, luân lý, các phong tục tập quán, lễ nghi tôn giáo; do nhiều thế hệ trong cộng đồng người ÊĐê có quan hệ huyết thống xây dựng nên và lưu truyền cho tới ngày nay, để điều chỉnh các quan hệ xã hội, nhằm điều hòa và bảo vệ xã hội truyền thống trong cộng đồng người ÊĐê; được mọi thành viên trong cộng đồng người ÊĐê chấp nhận, thực hiện một cách tự giác. Đặc điểm: Luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê bắt nguồn từ đời sống xã hội cộng đồng của người ÊĐê. Xã hội trong luật tục ÊĐê là xã hội của cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê sống chủ yếu ở bốn tỉnh DakLak, Gia Lai, Dak Nông, Lâm Đồng thuộc vùng Tây Nguyên Nam Trung Bộ. Luật tục ÊĐê chịu ảnh hưởng sâu sắc của điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Nền kinh tế tự cung tự cấp của đồng bào dân tộc ÊĐê trên cao nguyên Nam Trung Bộ được phản ánh rõ nét trong luật tục ÊĐê. Trong 11 chương, 236 diều của luật tục ÊĐê có nhiều điều quy định về các
  12. hành vi trao đổi vật ngang giá mà không có điều nào quy định các vấn đề liên quan đến các hành vi mang tính chất thương mại hiện đại. Do được hình thành một cách tự phát theo nhu cầu điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê - một cộng đồng người sống gắn liền với nền sản xuất nhỏ mang tính tự cung tự cấp, phụ thuộc vào thiên nhiên, tin tưởng vào các lực lượng siêu nhiên nên luật tục ÊĐê chứa đựng nhiều quy định bảo vệ lễ nghi tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, được lưu truyền dưới dạng truyền miệng, phát triển qua nhiều thế hệ và được coi là một công trình lập tục tập thể [23]. Vì vậy, luật tục ÊĐê đi vào ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê một cách tự nhiên và được cộng đồng người ÊĐê chấp nhận một cách tự giác. Ngôn ngữ trong luật tục ÊĐê mộc mạc, mang đậm chất thi ca, gần gũi với thiên nhiên làm cho người đọc dễ hiểu và dễ áp dụng Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê có tính gắn kết cộng đồng cao. Điều hành công việc chung của cộng đồng người ÊĐê ở các buôn làng là các Trưởng buôn. Đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê ví Trưởng buôn như "Cây sung đầu suối, Cây đa đầu làng" (Luật tục ÊĐê, Điều 26). Người Trưởng buôn được dân làng bầu ra, có quyền lực tối cao trong làng và phải chịu ràng buộc chặt chẽ của luật tục khi thực hiện hành vi quản lý, điều hành buôn làng. Luật tục ÊĐê dành hẳn chương II và III quy định về việc bầu Trưởng buôn, quyền hạn của Trưởng buôn và mô tả các hành vi "có tội" của Trưởng buôn kèm theo hình phạt khá nặng nề và chi tiết đối với Trưởng buôn trong khi thi hành nhiệm vụ quản lý, điều hành và xử lý các công việc của buôn làng giao. Luật tục ÊĐê là bức tranh phản ánh sâu sắc toàn cảnh lịch sử xã hội mẫu hệ kéo dài từ hàng trăm năm và vẫn tồn tại khá điển hình trong xã hội hiện đại. Trong luật tục ÊĐê các chương bảo vệ quyền thừa kế theo dòng họ mẹ, các chương hôn nhân gia đình chiếm phần lớn nội dung của luật tục. Trong sự phân bố 236 điều của luật tục ÊĐê, có 48 điều quy định vấn đề hôn nhân gia đình. Như vậy cho thấy vấn đề hôn nhân trong luật tục ÊĐê được chú trọng hàng đầu, đó là quan hệ hôn nhân theo truyền thống mẫu hệ: người phụ nữ chủ động trao vòng tay cầu hôn người đàn ông và cưới người chồng về cư trú tại nhà mình, con sinh ra mang họ mẹ…
  13. Luật tục ÊĐê phát triển mạnh ở những cộng đồng nhỏ người ÊĐê có tính huyết thống cao. Nó bao gồm những quy định về đạo đức và trí thức dân gian bản địa về con người, tự nhiên và xã hội để hình thành nên những quy tắc ứng xử của cá nhân và cộng đồng người ÊĐê. Do được hình thành từ cuộc sống gắn với tự nhiên của cá nhân và cộng đồng người ÊĐê, nên luật tục ÊĐê có những đặc điểm cơ bản nổi trội vừa gần gũi với pháp luật, vừa khác biệt với pháp luật. Luật tục ÊĐê vừa chứa đựng các quy định về luật nội dung và luật tố tụng, tính cưỡng chế cao và có hiệu lực trên thực tế. Mặt khác, luật tục ÊĐê có phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát toàn bộ các lĩnh vực quan hệ xã hội. Hình phạt trong luật tục ÊĐê có điểm đặc trưng đó là phạt đền bằng hiện vật. Vị trí vai trò của luật tục ÊĐê trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê: Luật tục ÊĐê trước hết là một kho tàng trí thức dân gian được tích lũy từ thực tế đời sống của nhiều thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Nó đề cập đến hầu hết các lĩnh vực khác nhau trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, từ sản xuất, tổ chức xã hội và quan hệ cộng đồng, quan hệ nam nữ, lễ nghi tôn giáo, phong tục… ở từng lĩnh vực, các tri thức dân gian này đều được định hình và trở thành các nguyên tắc nhằm giáo dục răn đe mọi người, ngăn chặn những hành vi làm thương tổn lợi ích của cá nhân và của cộng đồng, phù hợp với nhận thức và trình độ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Trong xã hội cổ truyền cũng như trong xã hội hiện đại, luật tục ÊĐê vẫn phát huy vai trò điều chỉnh mọi mối quan hệ xã hội ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê hiện nay luật tục vẫn là chuẩn mực trong mọi hành vi ứng xử hàng ngày. Trong giao tiếp với cá nhân, cộng đồng, khi gặp phải tình huống phải lựa chọn, đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê thường nghĩ ngay đến những câu luật tục mang đậm chất thơ để định hướng cho những hành vi ứng xử khỏi đi ra ngoài quy định của luật tục. Còn đối với những người được giao trọng trách xử kiện (Khoa Pin Ea), họ gần nh ư thuộc lòng các vần điệu của luật tục để dẫn ra từng câu, từng đoạn thích hợp nhằm phân tích phải trái và luận tội, buộc tội một cách chính xác bảo đảm quyền lợi cho mỗi cá nhân cũng như của cộng đồng. Điều đó thể hiện sức sống mãnh liệt của luật tục ÊĐê và chứng
  14. minh cho sự hợp lý, sự cần thiết của nó trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội ở các buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu luật tục ÊĐê ta có thể thấy đây là một hình thái pháp luật sơ khai đã được đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê sáng tạo nên và hoàn thiện nó qua nhiều thế hệ. Nội dung của luật tục ÊĐê xác lập vị trí của mỗi cá nhân trong cộng đồng, hình thành nên mối quan hệ giữa từng thành viên trong cộng đồng với nhau, giữa cá nhân và cộng đồng, góp phần quản lý cộng đồng một cách chặt chẽ, hiệu quả trong quá khứ và vẫ n tiếp tục giữ vai trò đáng kể trong cuộc sống hiện đại nhất là trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay. Xã hội hiện đại với xu thế hội nhập toàn cầu đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới nói chung và ở Việt nam nói riêng. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của quy luật tự nhiên. Như vậy, đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê không phải là những thực thể xã hội biệt lập và không thể mãi mãi thu hẹp hành vi của mình trong phạm vi luật tục của buôn làng. Trong xã hội mới, đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê phải cùng 54 dân tộc anh em trong cả nước vận hành trong một hành lang pháp lý chung đó là pháp luật của nhà nước. Tuy nhiên, luật tục ÊĐê với những quy định mang tính chất tiến bộ sẽ làm nhiệm vụ hậu thuẫn đắc lực cho pháp luật, làm mềm các quy định vốn cứng nhắc của pháp luật, bổ sung, bù đắp những quy định có tính khái quát cao của pháp luật trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê và đặc biệt luật tục ÊĐê chuyển đổi các ngôn ngữ hiện đại của pháp luật thành các ngôn ngữ dân gian, gần gũi với thiên nhiên, đưa pháp luật đi vào đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê một cách tự nhiên và hiệu quả. Mặt khác, sự tiếp cận pháp luật tuy mới chỉ là ít ỏi của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê trong thời gian qua đã làm cho luật tục ÊĐê có những thay đổi về chất. Một số hủ tục lạc hậu như đánh đuổi người bị coi là ma lai ra khỏi làng, con đã thành niên vi phạm luật tục buộc cha mẹ phải bồi thường… nay đã được loại bỏ. Trong xã hội mới, sự tiếp cận pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê trên diện rộng sẽ làm cho luật tục ÊĐê ngày càng được sàng lọc và hoàn thiện trở thành những quy tắc ứng xử tiến bộ, hướng hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê vừa đi vào quỹ đạo chung của pháp luật nhà nước vừa không làm trái những tập quán lâu đời của buôn làng.
  15. Nội dung của luật tục ÊĐê: Theo cuốn Luật tục ÊĐê (Tập quán pháp) Nhà xuất bản Chính trị quốc gia năm 1996 thì Iuật tục ÊĐê được tập hợp thành 11 chương và 236 điều: Chương I: Các quy định mở đầu, gồm có 23 điều (từ Điều 1 đến Điều 23) Trong chương I luật tục ÊĐê đề cập tới các yếu tố cấu thành tội phạm. Mặc dù việc xác định một người phạm tội trong luật tục ÊĐê còn ở mức độ sơ khai nhưng có những điểm khá gần gũi với pháp luật như việc mô tả hành vi lừa đảo: Hắn là kẻ biến mủ cây đa thành mủ cây sung, biến voi cái thành voi đực, biến người này thành người kia… như vậy có việc phải đưa hắn ra xét xử (Điều 20 luật tục ÊĐê). Mặt khác, trong chương này luật tục còn quy định việc xem xét chứng cứ cụ thể là những bằng chứng, tang chứng trong khi xét xử, đồng thời xác định về các hình thức tòng phạm như chứa chấp, bao che người có tội … Điển hình là quy định về tang chứng: Phải tóm được chân hắn, phải nhìn tận mặt hắn, phải tóm cổ được hắn bằng giữ được cái gùi hắn đeo, bằng nắm được cánh tay của hắn, phải nhận được mặt mũi hắn thật chắc chắn (Điều 4 luật tục ÊĐê). Nghiên cứu các quy định này ta thấy luật tục ÊĐê bước đầu vươn lên đến trình độ của một tục lệ, một tập quán pháp trong xã hội tiền giai cấp. Chương II và III: Gồm có 33 điều (từ Điều 24 đến Điều 67). Trong đó, quy định các tội xúc phạm đến người Trưởng buôn, gồm có 22 điều; và quy định về các tội của người Trưởng buôn gồm có 11 điều. Hai chương này trực tiếp đề cập đến mối quan hệ then chốt trong xã hội mang tính cộng đồng điển hình của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Như ta đã biết, thiết chế xã hội truyền thống của dân tộc ÊĐê là buôn, tương tự như làng người Việt, bản người Thái… đó là một tàn dư của hình thức công xã láng giềng nguyên thủy bước sang xã hội có giai cấp [19, tr. 25]. Buôn của người ÊĐê vừa là một cộng đồng cư trú, vừa là một tổ chức xã hội và văn hóa. Nguyên tắc bao trùm trong buôn là quan hệ cộng đồng. Trong đó quan hệ giữa người đứng đầu buôn với các thành viên là rất quan trọng. Có thể khái quát các nguyên tắc này như sau:
  16. Về phía các thành viên: Không được xúc phạm tới danh dự nhân phẩm của Trưởng buôn. Không được mua chuộc đe dọa Trưởng buôn. Mọi người phải tôn trọng Trưởng buôn, phải tuân thủ các quy định của cộng đồng mà Trưởng buôn là người điều hành. Về phía Trưởng buôn: Không được lộng hành, sử dụng quyền hạn được ủy thác để vô cớ bắt bớ, giam cầm, xử oan người không có tội, không làm tròn trách nhiệm của mình, không chăm lo chu đáo cho dân làng. Nguyên tắc này thể hiện mối quan hệ hai mặt trách nhiệm nghĩa vụ và quyền của người dân cũng như của Trưởng buôn. Mặt khác, nó vừa bảo đảm kỷ cương xã hội, vừa bảo đảm quyền cá nhân, quyền dân chủ, bình đẳng trong quan hệ cộng đồng buôn làng. Cũng xuất phát từ nguyên tắc này mà người ÊĐê rất tôn trọng Trưởng buôn. Họ coi Trưởng buôn như Cây Đa đầu suối, Cây Sung đầu làng, như cha mẹ của dân làng trong buôn. Trong luật tục ÊĐê có khá nhiều điều bảo vệ danh dự nhân phẩm của Trưởng buôn và bảo vệ chế độ giải quyết việc làng cho Trưởng buôn: Kẻ thấy Cây Đa thì chặt Cây Đa, thấy Cây Sung thì chém Cây Sung, thấy mẹ cha hoặc người đầu làng muốn chỉ vẽ dạy dỗ cho thì hành hung họ tàn nhẫn…kẻ tỏ ra hung hãn láo xược thì phải được trừng trị thích đáng (Điều 35 luật tục ÊĐê). Đối với Trưởng buôn, họ là những người được dân làng kính trọng, vì nể và tin tưởng. Song họ cũng phải chịu sự ràng buộc nghiêm khắc của luật tục. Ông ta là Cây Đa đầu suối, là Cây Sung đầu làng, là người trông nom anh em con cháu trong làng. Thế mà ông ta lấn át chà đạp áp bức họ… Được lót miếng thăn, miếng sấn là ông ta tìm ngay ra cớ để bao che cho kẻ có tội. Vì vậy có việc phải đưa ông ta ra xét xử (Điều 61 luật tục ÊĐê). Đây cũng là yếu tố tự nhiên để hạn chế sự lạm quyền mà ở bất cứ xã hội nào cũng có thể xảy ra và đặc biệt môi trường thuận lợi cho sự lạm quyền phát triển đó là đời sống mang tính cộng đồng do một cá nhân điều hành buôn làng như cộng đồng người ÊĐê. Chương IV: Gồm có 27 điều (từ Điều 68 đến Điều 94). Quy định về vi phạm các lợi ích của cộng đồng. Các quy định về bảo vệ lợi ích của cộng đồng ở chương IV luật tục ÊĐê tập trung vào các mặt sau:
  17. - Tội xâm phạm phong tục, tập quán của buôn làng; tội lang thang lêu lổng không chịu sống theo khuôn phép của cộng đồng. Hành vi lang thang được luật tục mô tả: Hắn là một tên lang thang lêu lổng, ăn bát đủ mọi nhà, đến đâu cũng xin ăn…Hắn là cái nong xổ vành không còn ai cạp lại được. Tất cả mọi người từ người tù trưởng cho đến từng bà con, anh em dân làng, không một ai còn có thể khuyên bảo hắn được nữa… thì không ai che chở hắn nữa. Người ta bỏ mặc hắn dưới mồ … không một ai dòm ngó, mặc cho số phận của hắn trôi nổi … Tội không sống theo khuôn phép của cộng đồng thể hiện tính gắn kết giữa các cá nhân với nhau của người ÊĐê, là sự sống còn trong đời sống tinh thần của họ. Đây là nét đặc trưng của tộc người này. - Tội không giúp đỡ người hoạn nạn; tội làm lây lan bệnh truyền nhiễm cho người khác; tội làm cháy rừng, gây hỏa hoạn (Điều 72, 73, 80, 81, 82 luật tục ÊĐê) … Rừng và con người là hai đối tượng được luật tục ÊĐê quan tâm hàng đầu. Theo quan niệm của người ÊĐê: Có người thì phải có rừng và ngược lại. Rừng là nguồn sống, là điều kiện tồn tại của tộc người này. Mọi thức ăn vật dùng trong gia đình của người ÊĐê đều được lấy từ rừng. Người ÊĐê yêu quý rừng như yêu chính tộc người của họ. Vì vậy, việc đốt rừng và làm cháy rừng được luật tục ÊĐê coi là trọng tội: Đàn ông đốt lửa bừa bãi, đàn bà đốt lửa bậy bạ… cả rừng le bị cháy khô cả rừng lồ ô bị cháy trụi, hang thỏ, hang chồn đều bị thiêu trụi tất cả. Vì vậy có chuyện nghiêm trọng phải xét xử. Bảo vệ lợi ích của cộng đồng là vấn đề then chốt, bảo đảm sự tồn tại và vận hành xã hội cổ truyền ÊĐê. Về cơ bản các quy định này vẫn còn phù hợp với quan hệ cộng đồng và xử lý các mối quan hệ cộng đồng trong buôn làng của người dân tộc thiểu số ÊĐê hiện nay. Qua tìm hiểu ở một số buôn làng người ÊĐê tại huyện Cư Mgar tỉnh DakLak trong tháng 7/2006, hầu hết các trưởng buôn đều sử dụng các quy định của luật tục trong chương này để xử lý những người vi phạm lợi ích của cộng đồng, của buôn làng và đặc biệt là hiệu lực thực tế của các quy định này rất cao, gần như 100% vụ vi phạm do Trưởng buôn xử lý theo các quy định của luật tụcÊĐê đều được bên vi phạm tự nguyện thi hành. Chương V: Gồm 48 điều (từ Điều 95 đến Điều 142) quy định về hôn nhân gia đình. Đây là vấn đề tế nhị và phức tạp nhất trong quan hệ cộng đồng của bất cứ dân tộc nào. Đối với người ÊĐê, gia đình không những là tế bào của xã hội mà còn là mấu chốt để
  18. duy trì cuộc sống của cộng đồng. Trong Sang drông (căn nhà dài) của người ÊĐê có nhiều thế hệ cùng sinh sống, chỉ cần những mâu thuẫn nhỏ phát sinh từ các cặp vợ chồng trong gia đình thì cuộc sống chung của cộng đồng người trong gia đình đó sẽ trở nên hỗn loạn. Vì vậy, hôn nhân gia đình là vấn đề được người ÊĐê quan tâm hàng đầu. Trong luật tục ÊĐê chương hôn nhân gia đình là chương có nhiều điều nhất. Nét nổi bật trong nguyên tắc hôn nhân của người ÊĐê mà luật tục bảo vệ nghiêm ngặt là tục nối nòi, có tới 9 điều đề cập đến các khía cạnh khác nhau của lệ tục này. Nội dung của hôn nhân nối nòi được diễn đạt: Rầm nhà gãy thì phải thay, dát sàn nát thì phải thế. Chết người này thì phải thế bằng người khác. Vì tranh cùng một giống, cây Knôk cùng một nòi, hai dòng họ lấy nhau, nuôi lẫn nhau từ xưa… Nhưng nếu họ tỏ ra lạnh nhạt, lấy cớ người của họ còn trẻ mỏ chưa biết làm vợ, làm chồng họ không thực bụng muốn nối nòi thì tội thuộc về họ (Điều 97 luật tục ÊĐê). Đây là một trong những lệ tục thiếu tính tiến bộ, bó buộc quan hệ hôn nhân của người ÊĐê từ hàng ngàn năm nay, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của tộc người này. Ngoài tục nối nòi, trong luật tục ÊĐê còn rất coi trọng sự bền vững của hôn nhân: Đã lấy vợ thì phải ở với vợ cho đến chết, đã cầm cần mời rượu thì phải vào cuộc cho đến khi rượu nhạt, đã đánh cồng thì phải đánh cho đến khi người ta giữ tay lại (Điều 109). Do coi trọng sự bền vững của quan hệ vợ chồng, người ÊĐê buộc tội bên nào gây ra việc chia lìa vợ chồng: Nếu dã nhận làm chồng người ta mà anh không lấy người ta nữa thì tội thuộc về anh, có việc phải đưa ra xét xử giữa người ta với anh (Điều 110). Ngoại tình là hiện tượng thường thấy và là nguyên nhân chính phá hoại hạnh phúc gia đình, luật tục ÊĐê dành nhiều điều khoản ngăn chặn hạn chế hành vi này, kể cả việc xử phạt những người vu khống người khác ngoại tình, thông dâm dẫn tới mâu thuẫn vợ chồng và tan vỡ hạnh phúc gia đình. Hành vi ngoại tình được luật tục ÊĐê mô tả: ... hắn đứng lén ở một xó nhà kín đáo kéo người đàn bà ra đó để vụng trộm… Một đứa thì đã có Báng Ná (có vợ). Một đứa thì đã có Canh Ná (có chồng). Vì vậy đúng lý là sọt của ai người ấy đeo, gùi của ai người ấy cõng, thằng đàn ông có lỗi thì chịu phạt đền cho vợ hắn, con đàn bà có lỗi chịu phạt đền cho chồng hắn. Bởi vì chúng là những kẻ đứa đã có vợ, đứa đã có chồng còn lăng nhăng với nhau… (Điều 114, 115 luật tục ÊĐê)
  19. Ngoài các khía cạnh đã phân tích trên đây, luật tục ÊĐê còn đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của quan hệ hôn nhân và gia đình như: phản bội nghi thức đã hứa hôn, đánh ghen vô cớ, không nộp đủ đồ dẫn cưới, chiếm vợ, chiếm chồng người khác, ngược đãi vợ con, phá thai … Đặc biệt, xuyên suốt trong 48 điều của chương hôn nhân là nguyên tắc bảo vệ hôn nhân theo chế độ mẫu hệ. Chương VI: gồm có 6 điều (từ Điều 143 đến Điều 148) quy định các quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Trong chương này luật tục ÊĐê đề cập đến trách nhiệm giữa cha mẹ và con cái, trước tiên là ở việc giáo dục con cái trở thành người lương thiện. Luật tục ÊĐê đặt trách nhiệm nặng nề cho cha mẹ khi con cái phạm tội, kể cả con đã thành niên. Nghĩa là cha mẹ phải chịu mọi trách nhiệm vật chất khi con cái mình vi phạm các điều cấm của luật tục: Nếu những đứa con làm điều này điều nọ, nếu chúng đi tầm bậy tầm bạ như kẻ điên dại, nếu chúng ăn uống bê tha bên cạnh ché rượu, nếu chúng đi rình mò thò tay lấy trộm, lấy cắp của người ta, nếu người làm cha, làm mẹ làm ngơ, chấp nhận tất cả những hành vi xấu xa của con cái họ có thể làm, thì họ là những người phải chịu trách nhiệm (Điều 143 luật tục ÊĐê). Về phía con cái: Luật tục ÊĐê không cho phép con cái có cử chỉ bất kính đối với cha mẹ, truy cứu trách nhiệm đối với con cái không vâng lời lời bề trên, tự động bỏ làng, bỏ nhà đi lang thang không chăm sóc cha mẹ, ông bà… Trường hợp con cái vi phạm các điều này thì không những bị truất quyền thừa kế tài sản, mà trong trường hợp có cử chỉ hành hung cha mẹ còn bị đưa ra xét xử: Khi hắn đã có bắp chân to hắn giẫm lên cha, khi hắn đã có đùi to hắn đạp lên me; hắn là cây cuốc sắc, cây rựa bén quật lại cha mẹ thì hắn là kẻ có tội, có việc phải đưa hắn ra xét xử giữa cha mẹ và hắn (Điều 147). Chương VII: gồm có 11 điều (từ Điều 149 đến Điều 159) quy định về tội gian dâm. Trong xã hội cổ truyền của người ÊĐê, loạn luân được coi là một trong những hành vi gian dâm và là một tội lớn. Người ÊĐê cho rằng loạn luân là vi phạm các điều cấm của Thần Đất (Yang Lăn), làm cho thần đất nổi giận gây mất mùa, dịch bệnh cho cả cộng đồng. Vì vậy, người mắc tội loạn luân phải đưa ra xét xử. Cách biện luận tội loạn luân của
  20. người ÊĐê thể hiện như sau: Nó phạm tội trong nhà, nó mê người trong họ. Nó mê chị em ruột cùng một nơi sinh ra, cùng một cha mẹ đẻ ra. Nó làm tàn bụi môn dưới nước, bụi chuối trên bờ. Xoài rừng không ra hoa, xoài nhà không đậu quả, nó phải lấy rượu, lấy heo để cúng đền cho chủ Đất, lấy máu ngón tay cúng cho Thần Đất… (Điều157, 158). Hành vi thứ hai của tội gian dâm trong luật tục ÊĐê đó là thông dâm. Hành vi này luật tục ÊĐê truy cứu chủ yếu là thông dâm với nô lệ gái. Hành vi này được mô tả: Kẻ thông dâm với nô lệ gái của người khác…Như con gà mái vào chuồng, như con gà trống vào bu, hắn là một kẻ hư thân mất nết ngủ với cả nô lệ gái của người ta… Nếu ngủ với nô lệ của tù trưởng nhà giàu thì hắn cũng trở thành nô lệ. Nếu mẹ hắn có của thì họ sẽ trả giá người nô lệ và nộp một khoản bồi thường cho người chủ nô. Nhưng nếu cha mẹ hắn không có của cải gì … thì anh em trai bên vợ hắn đem giao hắn làm nô lệ cho người ta (tức người chủ của nô lệ gái) (điều 150). Khi hành vi thông dâm với nô lệ gái của chính gia đình mình bị phát hiện, người nô lệ gái đó được trả lại tự do, còn người đàn ông ÊĐê thì bị xử theo luật tục: Người nô lệ gái mà hắn đã thông dâm được trả lại tự do như con dế trong rừng, như con châu chấu trong rú, như hạt lúa phơi ngoài sân, thân phận của người đó đã trở lại sáng sủa, người đó được quyền trở về nhà mình… Còn người đàn ông thì phải nộp cho vợ anh ta một khoản bồi thường … Ngoài hai hành vi đã phân tích trên, tội gian dâm trong luật tục ÊĐê còn bao hàm cả hành vi hiếp dâm. Hành vi này được luật tục mô tả khá cụ thể: Hắn là kẻ thấy muối đã muốn nếm, thấy ngựa đã muốn ép cưỡi… hắn vồ lấy họ (người đàn bà) như cọp, tha họ đi như con thú rừng… Nếu hắn đã hiếp một người đàn bà nghèo, hắn sẽ phải trả một con heo ba sông (một sông bằng một đồng bạc Đông Dương trước năm 1945) và một số của ba kô (một kô trị giá bằng hai sông) Nếu hắn hiếp vợ, con của nhà giàu hắn phải hiến sinh một trâu và trả một số của sáu kô (Điều 152). Trong luật tục ÊĐê hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm những bé gái còn ở độ tuổi vị thành niên được đề cập đến một cách nghiêm khắc. Đây là điểm tiến bộ vượt trội của luật tục ÊĐê so với luật tục của các dân tộc thiểu số khác và đây cũng là điểm gần gũi với pháp luật của Nhà nước ta nhìn tư góc độ cấm đối với hành vi hiếp dâm trẻ em. Chương VIII: Gồm 21 điều (Từ điều 160 đến điều 180) quy định về các trọng tội
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2