intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Khoa học lâm nghiệp: Nghiên cứu tình trạng khai thác sử dụng, chăn nuôi các loài gấu (Họ Ursidae) ở Việt Nam và đề xuất một số biện pháp bảo tồn chúng

Chia sẻ: Tri Lộ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:86

21
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục tiêu của đề tài nghiên cứu là đánh giá tình trạng khai thác sử dụng trái phép gấu, các bộ phận của gấu và các sản phẩm từ gấu ở Việt Nam; đánh giá tình trạng và kỹ thuật nuôi gấu ở Việt Nam; đề xuất một số kiến nghị về tăng cường bảo tồn gấu ở Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Khoa học lâm nghiệp: Nghiên cứu tình trạng khai thác sử dụng, chăn nuôi các loài gấu (Họ Ursidae) ở Việt Nam và đề xuất một số biện pháp bảo tồn chúng

  1. Bé Gi¸o dôc vµ ®µo t¹o Bé n«ng nghiÖp vµ PTNT Tr­êng ®¹i häc l©m nghiÖp ------o0o------ hoµng thÞ t­¬i “Nghiªn cøu t×nh tr¹ng khai th¸c sö dông, ch¨n nu«i c¸c loµi gÊu (Hä Ursidae) ë viÖt nam vµ ®Ò xuÊt mét sè biÖn ph¸p b¶o tån chóng” luËn v¨n th¹c sÜ khoa häc l©m nghÖp Xu©n Mai. 9.2008 “Nghiªn cøu khu hÖ d¬i ë khu b¶o tån thiªn nhiªn Kim Hû, B¾c k¹n”
  2. ĐẶT VẤN ĐỀ Tài nguyên động vật rừng nước ta rất phong phú và đa dạng, đến nay đã thống kê được 295 loài thú [15], 828 loài chim [21], 296 loài bò sát, 162 loài ếch nhái [25], khoảng 2.470 loài cá và hàng ngàn loài côn trùng và động vật không xương sống khác. Cùng với các tài nguyên khác, động vật rừng nước ta trong những năm qua đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước và cũng là cơ sở quan trọng cho bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tài nguyên này đã và đang bị suy thoái nghiêm trọng. Nhiều loài động vật, đặc biệt là các loài thú lớn như voi, bò rừng, bò tót, trâu rừng, hổ, báo hoa mai, các loài linh trưởng, công...đang có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc suy giảm số lượng trầm trọng. Sách Đỏ Việt Nam (2007)[2] đã thống kê có 406 loài động vật của nước ta đang bị đe doạ tiêu diệt ở các mức độ khác nhau, trong đó thú có 90 loài, chim 74 loài, bò sát 48 loài, ếch nhái 13 loài. Một trong những nguyên nhân quan trọng của sự suy thoái tài nguyên động vật rừng là nạn săn bắn để sử dụng và buôn bán trái phép phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường. Nước ta có 2 loài gấu là gấu ngựa (Ursus thibetanus) và gấu chó (Ursus malayanus). Đây là những loài thú lớn có giá trị kinh tế cao nên luôn là đối tượng săn bắt để buôn bán và sử dụng trên phạm vi cả nước. Các bộ phận của gấu và sản phẩm từ gấu như mật, da, xương, bàn chân, cao gấu,... là những mặt hàng buôn bán khá phổ biến trên thị trường hiện nay. Theo thống kê của Cục Kiểm lâm (2006), cả nước hiện nay có khoảng trên 4.000 cá thể gấu đang bị nuôi để khai thác mật bán. Các hoạt động này đã góp phần làm suy giảm nhanh chóng trữ lượng gấu trong thiên nhiên và
  3. có thể làm cho các loài gấu hoàn toàn bị tiêu diệt nếu không có các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát kịp thời. Xuất phát từ tình hình đó chúng tôi chọn thực hiện đề tài “Nghiên cứu tình trạng khai thác sử dụng, chăn nuôi các loài gấu (Họ Ursidae) ở Việt Nam và đề xuất một số biện pháp bảo tồn chúng”, nhằm đánh giá tình trạng khai thác sử dụng và gây nuôi gấu trái phép, đồng thời, đề xuất một số kiến nghị về tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn gấu ở Việt Nam.
  4. Chương 1 TỔNG QUAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. Tình trạng bảo tồn và các đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài gấu ở Việt Nam Về mặt phân loại học, họ Gấu (Ursidae) có 8 loài, thuộc 5 giống. Họ Gấu thuộc bộ Ăn thịt (Carnivora) và lớp Thú (Mammalia) [36]. Ở Việt Nam, có 2 loài gấu cư trú là Gấu ngựa (Ursus thibetanus) và Gấu chó (Ursus malayanus) [19],[38]. 1.1.1. Gấu ngựa - Ursus thibetanus (Cuvier, 1823) • Tình trạng bảo tồn Do việc săn bắt quá mức cùng với tình trạng mất và suy thoái sinh cảnh sống mà gấu ngựa đã bị tuyệt chủng ở Bắc Hàn Quốc, Nam Hàn Quốc và đang có nguy cơ tuyệt chủng ở các nước chúng còn sống sót (Pakixtan, Iran, Đài Loan Trung Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam,…)[33]. Trên thế giới gấu ngựa được xếp ở cấp VU - Sẽ nguy cấp (Danh lục Đỏ IUCN 2008)[34] và thuộc Phụ lục I công ước CITES (nghiêm cấm buôn bán quốc tế)[28]. Ở Việt Nam, gấu ngựa bị đe doạ ở cấp cao hơn: cấp EN - Nguy cấp (Sách Đỏ Việt Nam 2007)[2] và được bảo vệ bởi pháp luật ở mức cao nhất: nhóm IB (nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại) của Nghị định 32/2006/NĐ-CP[12]. • Phân bố Trên thế giới gấu ngựa có phân bố từ Apganixtan dọc theo phía Bắc của Pakixtan qua phía Bắc của Ấn Độ, tới Trung Quốc và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, gấu ngựa gặp ở các tỉnh miền núi từ phía Bắc xuống đến Bình Phước và Đồng Nai.
  5. • Đặc điểm hình thái Gấu ngựa to lớn, nặng 80 -180 kg (trong nuôi nhốt có thể 200 kg). Gấu ngựa có dáng thân thô béo, trán rộng, tai tròn. Chân trước và chân sau có 5 ngón; vuốt khoẻ nhọn và cong; đi bằng bàn; bàn chân sau dài có gót gần giống dấu bàn chân người. Bộ lông dài thô mầu đen tuyền, lông hai bên cổ dài tạo thành bờm. Ngực có yếm hình chữ V mầu vàng nhạt hoặc trắng bẩn (Hình 1.1). Đuôi rất ngắn, không thò ra khỏi bộ lông. Sọ gấu ngựa chắc khoẻ và dài, chiều rộng của sọ xấp xỉ bằng 2/3 chiều dài. Xương hộp sọ, xương trán và xương mặt tròn đều, không có gờ đỉnh đầu, hộp sọ đỉnh đầu phình rộng và nhỏ dần từ gáy ra phía mặt. Răng nanh lớn thon đều; răng hàm cuối cùng lớn nhất, nhỏ dần đến các răng trước hàm; răng trước hàm nhỏ có thể mất ở tuổi già. Răng ăn thịt ít phát triển. Bầu nhĩ dẹp. Kích thước (cm): HB = 120 -170; T = 6 -10; HF = 17-19; E = 11-13; W: 80-180kg [19].(HB=Chiều dài thân; T=Chiều dài đuôi;HF=Chiều dài bàn chân;E=Chiều cao tai; W=Trọng lượng). Hình 1.1: Gấu ngựa (Ursus thibetanus)(Ảnh: AAF) • Đặc điểm sinh học, sinh thái Sinh cảnh sống Theo Lê Hiền Hào (1973)[18], gấu ngựa sống ở nhiều loại rừng khác nhau như rừng trên núi đá, rừng già trên núi đất, rừng gỗ pha tre nứa, đôi khi
  6. cả các mảnh rừng sót ở hẻm núi hoặc ven sông. Tuy nhiên, nơi sống thích hợp nhất đối với gấu ngựa là các khu rừng hỗn giao cây to núi đất nhưng phân bố xen kẽ với các khối đá vôi. Gấu ngựa thường sống trong các hang hốc tự nhiên trên sườn núi đá vôi, nơi khó đi lại. Vào mùa rét gấu còn sử dụng cả các bọng cây to để trú ẩn. Tập tính leo trèo Gấu hoạt động vừa ở trên cây vừa dưới mặt đất. Khả năng leo trèo của gấu rất tốt nhờ có chi tương đối dài và khoẻ, vuốt lớn cong và sắc. Đối với cây to gấu thường trèo theo đường xoáy trôn ốc, còn đối với cây nhỏ thì gấu trèo theo đường thẳng đứng. Khi từ trên cây muốn xuống đất, gấu ôm chặt lấy thân cây nhưng phần sau cơ thể xuống trước và tụt dần cho đến lúc còn cách mặt đất 2-3m, gấu liền buông thõng hai chi trước đồng thời quay đầu lại và nhảy chồm xuống đất. Trong trường hợp gặp nguy hiểm bất thình lình gấu có khả năng nhảy từ trên cành cây cao xuống mặt đất với khoảng cách 10-15m và tiếp tục chạy ngay được. Gấu non ở tuổi bắt đầu đi theo mẹ, hình như chưa có khả năng trèo cây. Trong lúc gấu mẹ kiếm ăn trên cây, chúng thướng đứng chờ hoặc chạy quanh gốc cây dưới mặt đất. Tập tính ăn Gấu ngựa hoạt động kiếm ăn cả ban ngày lẫn ban đêm, tuỳ lúc và tuỳ nơi như ở những khu rừng vắng thì gấu kiếm ăn vào buổi sáng còn trên nương rẫy ở ven rừng gấu đi ăn chủ yếu vào ban đêm. Khứu giác và thính giác của gấu ngựa đặc biệt phát triển so với thị giác. Đây là những cơ quan có vai trò đặc biệt trong việc phát hiện các nguồn thức ăn và cả kẻ thù. Gấu ngựa là loài thú ăn rộng, bao gồm cả thực vật lẫn động vật. Theo các nghiên cứu (Lê Hiền Hào, 1973[18]; Đặng Ngọc Cần và cs., 2000[15]), phần lớn thức ăn của gấu là thực vật, trong đó các loại quả rừng chiếm vai trò chủ yếu như: sung, ngái, vả
  7. (ficus), bứa, dọc, tai chua (Garcinia), vải rừng (Nephelium), dâu da đất (Baccaurea), cọ (Livistoma), trám đen, trám trắng (Canarium), gắm (Gnetum), giẻ gai (Castanopsis),.... Khi phát hiện được quả chín, gấu trèo lên cây ngồi một chỗ ở cành cây lớn và dùng các chi trước vít bẻ cành bé ở xung quanh về phía mình, để hái quả ăn tại chỗ. Nếu gặp cành lớn và cứng quá thì gấu rung lắc mạnh cho quả rơi rụng, rồi tụt xuống đất thu nhặt thức ăn. Ngoài các loại quả trên vào những lúc quả rừng khan hiếm, gấu còn ăn thêm những bộ phận khác của thực vật như các loại rễ củ, mà thường gặp nhất là củ mài (Dioscorea), các cây thuộc họ ráy (Araceae), sa nhân (Alpinia),...Nõn một số cây như: Móc, mò, song mây, hèo, bống báng,...và măng tre nứa. Bên cạnh những đối tượng thức ăn là thực vật hoang dại, gấu còn thích ăn một số sản phẩm cây trồng như: Rau quả, mía, đôi khi cả lúa..., và phổ biến nhất là ngô bắp. Mặc dù gấu ngựa là thú ăn thịt, nhưng ít ăn động vật hơn nhiều so với thực vật. Thức ăn động vật thường gặp ở gấu là côn trùng, chủ yếu là kiến, trứng kiến, ấu trùng ong và đặc biệt là mật ong. Những thức ăn là động vật khác ít gặp hơn đó là cua, ốc, đôi khi cả tôm, cá, ngóe, rùa và các ổ chim, sóc non. Ngoài ra, gấu ngựa còn có thể ăn cả xác chết động vật. Tập tính tự vệ Gấu ngựa là con vật ưa sống trầm lặng và thận trọng. Bình thường trong lúc hoạt động gấu không phát ra tiếng kêu dù là rất nhỏ. Khi gặp nguy hiểm nó tìm cách chạy trốn là chủ yếu. Khi gặp trường hợp nguy hiểm bất ngờ hoặc bị thương nặng vì trúng đạn gấu ngựa rống lên thành tiếng lớn " hộc..., hộc..." và cũng trong trường hợp này gấu ngựa mới trở lên hung dữ khác thường và có thể tấn công quyết liệt cả người nhất là gấu cái đang nuôi con.
  8. Sinh sản Gấu ngựa động dục vào mùa hạ và đẻ con vào mùa xuân. Thời gian mang thai khoảng 6-7 tháng. Mỗi lứa gấu ngựa thường đẻ 2 con, ít khi 1 hoặc 3 con. Sau 1 tháng, gấu con mở mắt và bú sữa mẹ trong khoảng 3 tháng rưỡi hoặc nửa năm, lúc 2-3 tháng tuổi gấu con có thể đi theo mẹ. Gấu ngựa trưởng thành vào 3 năm tuổi, có thể sinh sản được ở 6 năm tuổi. Tuổi thọ của gấu ngựa trong điều kiện nuôi tới 33 năm [36]. 1.1.2. Gấu chó - Ursus malayanus (Raffles, 1821) • Tình trạng bảo tồn Tình trạng bảo tồn của gấu chó cũng tương tự gấu ngựa. Trên thế giới gấu chó bị đe doạ diệt vong cấp VU - Sẽ nguy cấp (Danh lục Đỏ IUCN 2008) [34] và thuộc Phụ lục I công ước CITES[28]. Ở Việt Nam, gấu ngựa bị đe doạ ở cấp EN - Nguy cấp (Sách Đỏ Việt Nam 2007)[2] và được bảo vệ bởi pháp luật ở mức cao nhất: Nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP[12]. • Phân bố Trên thế giới gấu chó có ở Burma, Thái Lan, Malaysia, Burneo, Sumatra và Đông Dương. Ở nước ta, gấu chó đã gặp ở vùng rừng từ Tây Bắc đến tỉnh các Đồng Nai và Tây Ninh. • Đặc điểm hình thái Gấu chó là loài thú cỡ lớn, nặng khoảng 50 – 100 kg có thân hình béo tròn, trán rộng, tai tròn không vểnh cao như gấu ngựa. Chân trước và chân sau năm ngón, vuốt nhọn, cong khoẻ, chân trước đi vòng kiềng, đi bằng bàn. Dấu bàn chân sau có gót dài giống bàn chân trẻ em. Bộ lông màu đen tuyền ngắn và tương đối mịn đều, không thô như gấu ngựa, ở mõm sáng vàng. Lông cổ ngắn không tạo bờm có xoáy ở bả vai. Yếm ngực hình chữ “U” màu vàng nhạt, có trường hợp yếm ngực bị ngắt quãng, không thành hình chữ U rõ rệt. Đuôi rất ngắn không nhô ra khỏi bộ lông (Hình 1.2). Sọ gấu chó chắc nịch,
  9. rộng và ngắn, gần giống dáng sọ hổ, báo; cung gò má rộng; chiều rộng sọ gần bằng chiều dài sọ. Răng nanh lớn dài; răng ăn thịt ít phát triển; mặt răng bằng, gờ nhai không phát triển. Răng trước hàm Pm 1,2,3 nhỏ, có thể mất ở tuổi già. Bầu nhĩ dẹp. Kích thước (cm): HB =113; T=8,9; E =7,1 [40]. HB = 100-140; T = 3 - 7; HF = 18-21; E = 4-6 [36]. (HB=Chiều dài thân; T=Chiều dài đuôi; HF=Chiều dài bàn chân; E=Chiều cao tai). Hình 1.2: Gấu chó (Ursus thibetanus)(Ảnh AAF)  Đặc điểm sinh học, sinh thái Sinh cảnh sống Gấu chó sống ở rừng thường xanh, rừng đầu nguồn, rừng khộp, chủ yếu ở những khu rừng lớn, đặc biệt là rừng trên núi đá vôi. Tập tính vận động và ngủ nghỉ Gấu chó leo trèo, bơi lội giỏi và rất thích tắm nước. Hoạt động chủ yếu về ban đêm, nhưng cũng hoạt động cả ban ngày ở những nơi vắng vẻ. Gấu chó không có tổ cố định mà thường ngủ, nghỉ ở những nơi có nhiều cây phân cành thấp, chúng dùng tay kéo cành, lá che lót rồi nằm dài theo cành cây, đầu
  10. gối lên chạc cây, 4 chân buông thõng xuống. Gấu chó cũng thường đứng thẳng trên 2 chân sau để quan sát hoặc khi gặp kẻ thù. Tập tính ăn Tập tính ăn uống của gấu chó tương tự gấu ngựa, nhưng tỷ lệ côn trùng, đặc biệt là ong, mối và giun đất cao hơn đáng kể [36]. Trong tự nhiên chúng chủ yếu ăn thực vật như hạt dẻ, quả sung, vả, quả cọ, chuối, ngô, măng tre nứa. Chúng cũng ăn cá, mật ong, trứng chim và thịt động vật khác nếu có điều kiện. Trong nuôi nhốt gấu chó có thể sử dụng nhiều loại thức ăn của người. Sinh sản Gấu chó sống độc thân (Lekagul et al., 1988 thông báo gấu chó thường hay đi đôi), chỉ ghép đôi trong mùa động dục hoặc nuôi con. Gấu chó có thể sinh sản quanh năm, gấu đẻ mỗi năm 1 lứa, 2 - 4 con, thường 2 con. Thời gian mang thai khoảng 95-96 ngày. Gấu con mới sinh chưa mở mắt và không có lông. Gấu con sống với mẹ 1,5 -2 năm cho đến khi gần trưởng thành sinh dục. Tuổi thọ trong nuôi nhốt là 20 năm [36]. 1.2. Tình hình nuôi gấu và sử dụng các sản phẩm từ gấu ở một số nước trên Thế giới • Trung Quốc Trung Quốc đã có lịch sử nuôi nhốt ĐVHD từ lâu. Nuôi Hươu xạ là mô hình đầu tiên được thực hiện ở Trung Quốc vào những năm 1950. Họ đã thử nghiệm kỹ thuật hút mật gấu vào những năm 1980. Năm 1985 Thông tấn xã Trung Quốc đã thông tin về việc thiếu trầm trọng nguyên liệu cho ngành dược, Công ty Crude Drugs Trung Quốc đã lên kế hoạch gia tăng nuôi nhốt gấu và hút mật. Trước năm 1989, giết gấu để lấy các sản phẩm từ gấu ở Trung Quốc được khuyến khích và được coi là hợp pháp. Nhưng hiện nay, tất cả các hoạt động săn bắt và buôn bán các bộ phận của gấu đều là trái phép, vì luật bảo vệ
  11. ĐVHD của Trung Quốc ra đời và có hiệu lực vào ngày 1 tháng 3 năm 1989. Trong đó, loài gấu chó được xếp vào nhóm 1-danh sách những loài được bảo vệ ở mức độ cao nhất có thể, đó là những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, loài đặc hữu ở Trung Quốc, và nghiêm cấm tất cả các hoạt động săn bắt, buôn bán các sản phẩm của loài. Tuy nhiên, loài gấu ngựa chỉ được xếp vào nhóm 2. Nhóm 2 được áp dụng cho những loài động vật đã được phát hiện ở Trung Quốc và hiện đang bị suy thoái nghiêm trọng, những loài thuộc nhóm này nếu được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền có thể bắt ở số lần và địa điểm cụ thể. Do đó, các trang trại nuôi gấu ở Trung Quốc đã hoạt động dưới sự kiểm soát của cơ quan thuần dưỡng và nuôi nhốt động vật. Năm 1991 luật về nuôi nhốt đã ra đời nhằm đảm bảo tính pháp lý cho các trang trại nuôi nhốt được thiết lập. Cũng trong năm 1991, Chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn cho thành lập các trang trại gấu ở các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Sơn Tây, Quảng Đông, Hắc Long Giang và Cát Lâm với tổng số từ 6.000 đến 8.000 cá thể. Sau đó thứ trưởng bộ Lâm nghiệp Shen Mao Cheng đã có quyết định các trang trại chỉ được nuôi khoảng 5000 con gấu. Nhưng theo báo cáo trong hội thảo về gấu ở Đông Nam Á tổ chức ở Bắc Kinh tháng 8 năm 1994, thì có gần 10.000 cá thể gấu được nuôi trong hàng trăm trang trại ở Trung Quốc [29]. Gấu ngựa được nhân nuôi sinh sản thành công vào đầu những năm 1990 ở Trung Quốc. Đến năm 1999 đã có 3 thế hệ, với tổng số 4.226 cá thể gấu ngựa được sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt. Thế hệ đầu tiên (F1) là 3.614 cá thể, thế hệ thứ hai (F2) là 474 cá thể và thế hệ thứ ba (F3) là 138 cá thể. Tỷ lệ sống sót trung bình 75,2%, bao gồm 77,1% cho F1, 75,2% cho F2 và 45% cho F3. Hiện nay, gấu sinh sản đã lên đến 34% trong số các trang trại ở Trung Quốc [30].
  12. Hiện nay, gấu chó và gấu ngựa được nuôi nhốt phổ biến ở các trang trại ở Trung Quốc. Gấu ngựa là loài có số lượng phong phú nhất, chỉ riêng tỉnh Tứ Xuyên theo ước tính trong các trang trại có khoảng 20.000 đến 21.000 cá thể gấu ngựa. Một trang trại với 50 cá thể gấu đã cung cấp 100kg mật mỗi năm và đem lại lợi nhuận cho trang trại 69.000USD mỗi năm. Nhà máy dược phẩm quốc gia Trung Quốc sản xuất 300-400kg mật gấu mỗi năm, và cứ 30 đến 40kg mật tươi sau khi xử lý được khoảng 10kg mật khô. Mật gấu là một trong những sản phẩm của gấu được ưa chuộng và có giá trị. Chính vì vậy, mà hàng năm ở Trung Quốc đã có khoảng 10.000 con gấu bị giết để làm thoả mãn nhu cầu của con người về mật gấu. Theo TRAFFIC [35] của Nhật ước tính từ năm 1979 đến tháng 8 năm 1988 đã có khoảng 11.000 đến 59.000 túi mật gấu được nhập khẩu vào Nhật Bản từ Trung Quốc. Giá của sản phẩm này là 230USD/túi mật hoặc 4.608USD/kg. Bàn chân gấu cũng là món ăn ở các nhà hàng và sử dụng ở một số cửa hàng dược. Ở Hàn Quốc và Nhật Bản bàn chân gấu cũng là món ăn phổ biến. Theo phân tích nhu cầu của thị trường, vào những năm 1970 ước tính 900kg bàn chân đã xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nhật mỗi năm. Con số này đã giảm xuống trung bình 500 đến 600kg/năm vào sau những năm 1980. Năm 1990, 4.000kg bàn chân gấu đã được được đưa sang Nhật Bản và Hàn Quốc trong hồ sơ vi phạm của CITES, đã bị ngăn chặn ở phố cảng của Dalian. Giá của mỗi bàn tay là 346USD [35]. • Đài Loan Từ khi kinh tế phát triển người dân Đài Loan đã có những thú vui nuôi sinh vật cảnh. Trong suốt những năm 1980, đười ươi, vượn, gấu chó, báo đen, vẹt đuôi dài Nam Mỹ, cá cóc, tắc kè hoa, dơi và các loài nguy cấp khác đã được nhập khẩu ồ ạt vào Đài Loan. Một trợ lý nghiên cứu thú Taipei đã mất 1 năm để làm thủ tục đăng ký cho những người nuôi động vật hoang dã nguy
  13. cấp và đã ghi nhận 700 cá thể động vật của 40 loài khác nhau. Tình trạng chăn nuôi và buôn bán phát triển mạnh đến 27 tháng 6 năm 1987 chính phủ đã cấm buôn bán tất cả các loài thuộc phụ lục I của CITES. Hai năm sau, ngày 23 tháng 6 năm 1989 luật bảo tồn ĐVHD của Đài Loan đã được ban hành. Luật này căn cứ vào công ước CITES và đưa ra 3 cấp độ bảo vệ: Nhóm I bao gồm bảo tồn những loài ĐVHD nguy cấp; Nhóm II bao gồm những loài ĐVHD hiếm và có giá trị; Nhóm III bao gồm những loài ĐVHD quy định phạm vi bảo tồn. Luật năm 1989 đã bao gồm tất cả phụ lục I của CITES, hầu hết các loài ở phụ lục II và tất cả các loài gấu ở phụ lục I và II. Luật bảo tồn ĐVHD đã được xây dựng bởi Hội đồng Nông nghiệp (COA). Việc nhập khẩu và xuất khẩu các loài ĐVHD được bảo vệ phải được sự cho phép của Bộ Ngoại thương [35]. 1.3. Cơ sở pháp lý bảo tồn gấu ở Việt Nam Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn gấu nói riêng. Nhiều giải pháp quản lý bảo tồn đã được áp dụng như: Xây dựng thể chế pháp luật về bảo tồn, thiết lập hệ thống rừng đặc dụng để bảo tồn nguyên vị (in-situ), tổ chức các cơ sở cứu hộ và nuôi nhân tạo để bảo tồn chuyển vị (ex-situ) và tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn. Trong những năm qua, Chính phủ và các tổ chức liên quan rất quan tâm và đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn ĐVHD của Việt Nam nói riêng. Nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa quản lý bảo tồn và phát triển ĐVHD. Các văn bản trên là cơ sở pháp lý cho việc quản lý bảo tồn và phát triển các loài ĐVHD của Việt Nam. Nội dung các văn bản thể hiện quan điểm khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy
  14. cấp, quý, hiếm. Dưới đây là một số văn bản pháp quy luật liên quan đến quản lý ĐVHD nói chung và gấu nói riêng như sau: - Nghị định 02/CP, ngày 5/1/1995 của Chính phủ quy định về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh thương mại và hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước. Nghị định đã quy định về việc cấm xuất khẩu, nhân nuôi, kinh doanh nội địa các loài ĐVHD thuộc nhóm IB thuộc nhóm I trong bảng danh mục thuộc Nghị định 18/HĐBT ngày 17/1/1992 nay là Nghị định 32/2006/CP ban hành ngày 30/3/2006, trong đó có 2 loài gấu ở Việt Nam. - Chỉ thị 359/TTg ngày 29/5/1996 về biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài ĐVHD. Chỉ thị này đã đề xuất biện pháp như kiểm soát săn bắt, vận chuyển và kinh doanh các loài ĐVHD quý hiếm, cấm các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng kinh doanh các món ăn hay sản phẩm từ ĐVHD, kiểm soát sử dụng súng và các phương tiện săn bắt khác, và khuyến khích các hoạt động thử nghiệm nhân giống, gây nuôi, phát triển các loài ĐVHD bao gồm cả động vật quý hiếm, rà soát và cải thiện hệ thống pháp luật về quản lý và bảo vệ ĐVHD, và nâng cao nhận thức cho nhân dân về bảo vệ các loài quý hiếm. - Luật hình sự năm (2000): Điều 190. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD quý hiếm: 1) Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
  15. - Nghị định số 11/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về việc quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh các loài động vật, thực vật hoang dã. Tại điều 8 đã nêu rõ, cấm xuất khẩu vì mục đích thương mại mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã quý, hiếm được pháp luật Việt Nam quy định là nghiêm cấm khai thác, sử dụng mặc dù không được quy định trong Phụ lục I của Công ước CITES. Loài quý hiếm là những loài động vật, thực vật hoang dã được quy định trong danh mục của Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng và hiện nay được thay thế bằng Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và những văn bản pháp luật khác của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. - Luật bảo vệ và phát triển rừng (2004) Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm 2) Săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép. 9) Vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, động vật rừng trái với quy định của pháp luật. Điều 41. Bảo vệ ...động vật rừng 2) Việc săn, bắt, bẫy, nuôi nhốt động vật rừng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân theo các quy định của pháp luật về bảo tồn ĐVHD. 3) Những loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nguồn gen động vật rừng quý, hiếm phải được quản lý, bảo vệ theo chế độ đặc biệt. - Thông tư số 63/2004/TT-BNN ngày 11/11/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Những trường hợp dưới đây không thuộc phạm vi xử phạt vi phạm hành chính mà phải chuyển để truy cứu trách nhiệm hình sự:
  16. a) Hành vi vi phạm gây thiệt hại đối với thực vật hoặc ĐVHD thuộc nhóm IA, IB quy định trong Danh mục thực vật, ĐVHD quý hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 48/2002/NĐ-CP, khi thực vật hoặc ĐVHD có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên. - Quyết định số 02/2005/QĐ-BNN ngày 5/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy định về quản lý gấu nuôi nhốt. Những quy định kèm theo quyết định số 02/2005/QĐ-BNN được quy định tại điều 1 và điều 2. Tất cả các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đang nuôi gấu tại Việt Nam (trừ các đoàn xiếc và vườn thú) phải có trách nhiệm đăng ký, đánh dấu bằng thiết bị điện tử (gắn chíp) và lập hồ sơ quản lý đối với tất cả các cá thể gấu thuộc đối tượng quy định tại cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh hoặc tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các tỉnh không có cơ quan Kiểm lâm. - Luật bảo vệ môi trường năm (2005) Điều 7. Những hành vi bị nghiêm cấm 3) Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng các loài thực vật, ĐVHD quý hiếm thuộc danh mục cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. - Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Nghị định này là tài liệu pháp lý mới nhất về quản lý động thực vật rừng, thay thế cho các Nghị định 18-HĐBT và 48/NĐ- CP. Nghị định này ban hành danh mục thực vật rừng, động vật rừng “nguy cấp, quý hiếm” cần bảo vệ được chia làm hai nhóm như sau: Nhóm I: Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao.
  17. Nhóm II: Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Theo danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm của Nghị định này thì 2 loài gấu của Việt Nam đều thuộc vào nhóm IB, nghĩa là nghiêm cấm hoàn toàn các hoạt động nuôi nhốt, buôn bán và vận chuyển trái phép có liên quan đến loài. - Quyết định số 47/2006/QĐ-BNN, ngày 06 tháng 06 năm 2006 về việc ban hành Quy chế về quản lý gấu nuôi. Tại điều 2 quy định: Chỉ những cá thể gấu đã lập hồ sơ quản lý, gắn chíp điện tử theo quy định tại Quyết định số 02/2005/QĐ-BNN ngày 5/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy định về quản lý gấu nuôi nhốt mới được phép tiếp tục nuôi. Chủ nuôi gấu có trách nhiệm nuôi các cá thể gấu đến hết đời của chúng theo các điều kiện quy định tại Quy chế này và quy định hiện hành của Nhà nước. Nhà nước không công nhận quyền sở hữu của chủ nuôi gấu đối với những cá thể gấu nuôi. Mọi cá thể gấu nuôi trái với quy định tại Quy chế này đều bị tịch thu và xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật. Tại điều 3 cũng quy định rất rõ: Cấm mua, bán, quảng cáo, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập - tái xuất khẩu gấu và sản phẩm từ gấu trái với quy định của pháp luật; Cấm giết mổ, khai thác, vận chuyển, kinh doanh mật và các bộ phận cơ thể của gấu. - Quyết định số 54/2006/QĐ-BNN ngày 5/7/2006 về việc công bố Danh mục các loài động vật thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES. Danh lục các loài động thực vật hoang dã quy định, 2 loài Gấu chó và Gấu ngựa của Việt Nam đều thuộc phụ lục I công ước CITES; Phụ lục I là danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe doạ tuyệt
  18. chủng, nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại. - Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; những điều liên quan đến quản lý gấu: Điều 5. Cấm xuất khẩu mẫu vật các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm; mẫu vật các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm I theo quy định của pháp luật Việt Nam, không quy định tại các phụ lục của Công ước CITES về quản lý động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích thương mại. Nhóm I theo quy định của pháp luật Việt Nam là danh mục những loài động vật, thực vật có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao; nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Điều 11. Trại nuôi sinh sản các loài ĐVHD quy định tại Phụ lục I của Công ước CITES phải được xác nhận bằng văn bản về điều kiện nuôi của cơ quan khoa học CITES Việt Nam (Quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này) và phải đăng ký với Cơ quan quản lý CITES Việt Nam để gửi hồ sơ đăng ký cho Ban Thư ký Công ước CITES quốc tế xem xét, phê duyệt. Điều 12. Điều kiện và đăng ký trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam, không quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES 1. Trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
  19. 2. Trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam phải đăng ký với cơ quan Kiểm lâm tỉnh; trường hợp ở địa phương không có cơ quan Kiểm lâm thì đăng ký với cơ quan quản lý chuyên ngành được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định. - Chỉ thị số 1284/CT-BNN-KL ngày 11 tháng 4 năm 2007 về tăng cường công tác Quản lý các trại nuôi sinh sản, sinh trưởng và cơ sở trồng cấy nhân tạo động, thực vật hoang dã. Các nội dung liên quan đến quản lý gấu: Tăng cường công tác quản lý trại nuôi sinh sản, sinh trưởng và cơ sở trồng cấy nhân tạo đối với các trại nuôi sinh sản, sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Quyết định số 54/2006/QĐ-BNN ngày 5/7/2006 về việc công bố Danh mục các loài động vật thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES. Chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo đúng các điều kiện quy đinh tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Nghị định số 82/2006NĐ-CP ngày 10/8/2006 về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm. Cụ thể bằng những hành động tổ chức kiểm tra, giám sát các trại nuôi sinh sản, sinh trưởng, đồng thời tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật trong việc quản lý gây nuôi, tiêu thụ, xuất khẩu, nhập khẩu động vật thực vật hoang dã đến người dân, đảm bảo pháp luật được hiểu đúng đắn và đi vào cuộc sống. Như vậy, ở Việt Nam cả 2 loài gấu đều được pháp luật bảo vệ. Đặc biệt, trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, cả 2 loài gấu ở Việt
  20. Nam đều xếp vào nhóm IB – Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ và kiểm soát buôn bán ĐVHD như: Công ước về buôn bán quốc tế những loài động thực vật bị đe doạ (Công ước CITES) (ký ngày 20/1/1994); Công ước về đa dạng sinh học 1992 (ký ngày 16/11/1994). Trong Công ước CITES, cả 2 loài gấu ở Việt Nam đều thuộc Phụ lục I. Việc thi hành các văn bản pháp luật nêu trên đã có nhiều tích cực trong việc ngăn chặn và kiểm soát các hoạt động săn bắt và vận chuyển buôn bán ĐVHD nói chung và gấu nói riêng. Theo thống kê gần đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2007), trong năm 2007, trên toàn quốc có 2.158 vụ vi phạm đã được phát hiện, tịch thu và xử lý 1.090 cá thể ĐVHD, trong đó có 3 vụ vận chuyển và nuôi nhốt gấu trái phép, tịch thu 3 cá thể gấu ngựa và đưa vào cứu hộ. Hệ thống quy phạm pháp luật của chúng ta đã có những đóng góp rất tích cực vào việc bảo tồn và phát triển ĐVHD của đất nước. Tuy nhiên hệ thống này cũng bộc lộ một số tồn tại như sau: - Nguyên nhân khiến các vụ buôn bán, vận chuyển ĐVHD không giảm một phần do khung hình phạt dành cho đối tượng này còn quá nhẹ. Theo Thông tư số 63/2004/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì "Hành vi vi phạm gây thiệt hại đối với thực vật hoặc ĐVHD thuộc nhóm 1A, 1B quy định trong Danh mục thực vật, ĐVHD quý hiếm, hoặc khi thực vật hoặc ĐVHD có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên... mới chuyển sang hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự". - Hơn nữa, lực lượng của cơ quan chức năng, nhất là cán bộ kiểm lâm hiện nay lại quá mỏng, trong khi bọn buôn lậu lại rất xảo quyệt, không từ một thủ đoạn nào, kể cả mua chuộc, hối lộ cán bộ kiểm lâm, đến chống trả người thi
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2