intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luật về tư pháp đối với người chưa thành niên: Thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước Đông Nam Á

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

9
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Luật về tư pháp đối với người chưa thành niên: Thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước Đông Nam Á trình bày khái quát về hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên ở Việt Nam; Luật tư pháp đối với người chưa thành niên ở các nước Đông Nam Á; Một số kiến nghị trong việc xây dựng Luật về tư pháp đối với người chưa thành ở Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luật về tư pháp đối với người chưa thành niên: Thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước Đông Nam Á

  1. LUẬT VỀ TƯ PHÁP ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN: THỰC TIỄN Ở VIỆT NAM VÀ KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NƯỚC ĐÔNG NAM Á Nguyễn Thị Lan Anh Tóm tắt: Việt Nam là nước luôn cố gắng và nỗ lực bảo vệ quyền của người chưa thành niên. Tuy nhiên hiện nay các quy định về người chưa thành niên nằm ở các luật khác nhau như luật dân sự, luật hình sự, luật hành chính, luật tố tụng hình sự, luật thi hành án hình sự,...chứ chưa được tập hợp thành một luật riêng. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho việc áp dụng pháp luật và bảo đảm quyền của người chưa thành niên. Hiện nay, trên thế giới và nhiều nước Đông Nam Á đã xây dựng một luật riêng về người chưa thành niên ở các phạm vi khác nhau như: Luật người chưa thành niên, Luật tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên, Luật người chưa thành niên và gia đình,… như Philippines, Indonesia, Cambodia,… Việc quy định riêng về một đạo luật cho người chưa thành niên là một tư tưởng tiến bộ, nhân đạo, giúp cho việc giải quyết vụ việc đối với người chưa thành niên được nhanh chóng và đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là một số nước Đông Nam Á trong vấn đề xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp đối với người chưa thành niên. Từ khóa: Người chưa thành niên, Tư pháp người chưa thành niên, Việt Nam, Đông Nam Á. Abstract: Vietnam always effort to protect the rights of juveniles. However, the current legal system of juveniles is dispersed in different laws such as civil law, criminal law, administrative law, criminal procedure law, criminal judgment execution law. This situation makes it challenging to implement the laws and ensure the rights of juveniles. At the same time, many countries, including South East Asia, have developed separate acts of law on juveniles in different areas such as Law on juveniles, Law on criminal justice for juveniles, Law on juveniles and families. The adoption of a separate act on juveniles should be a progressive and humane thought that quickly and safely protects juveniles' legitimate rights and interests. Therefore, Vietnam needs to study the experiences of countries worldwide, especially some Southeast Asian countries, in developing a separate law on juvenile justice. Keywords: Juveniles, juvenile justice, Vietnam, Southeast Asian countries. 1. Khái quát về hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên ở Việt Nam 1.1. Hệ thống pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành niên ở Việt Nam Thuật ngữ “tư pháp người chưa thành niên” được sử dụng rất phổ biến trong khung pháp lý của Liên hợp quốc (LHQ) nhưng chưa có một khái niệm chính thức. Trên cơ sở các quy định của Quy tắc Bắc Kinh, Tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển và Viện nghiên  ThS, Giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế 78
  2. cứu khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp Việt Nam) đã đưa ra khái niệm tư pháp người chưa thành niên như sau: “Tư pháp người chưa thành niên là một bộ phận của tổ chức và hoạt động tư pháp được dành riêng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhằm thực hiện sự giáo dục và bảo vệ đặc biệt về mặt pháp lý đối với họ đồng thời bảo đảm và duy trì trật tự pháp luật chung trong xã hội”1. Khái niệm này đề cập đến việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói chung bao gồm luật hình sự, hành chính và dân sự với mục tiêu ưu tiên là nhằm tăng cường phúc lợi cho người chưa thành niên giống như quy định tại Điều 5 Quy tắc Bắc Kinh. Tại Việt Nam, theo khoản 1, điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi”. Pháp luật Việt Nam yêu cầu chỉ xử lý vi phạm hành chính (VPHC) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên trong trường hợp cần thiết. Người chưa thành niên vi phạm hành chính có thể được nhắc nhở hoặc quản lý tại gia đình thay cho xử lý VPHC. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự để áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục tại cộng đồng như khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hay giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Người chưa thành niên vi phạm pháp luật mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính, hoặc tuy hành vi đã cấu thành tội phạm nhưng không bị khởi tố theo quy định của pháp luật thì có thể được hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở2. Xử lý VPHC được áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện hành vi VPHC, và người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi trở lên vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, theo quy định của pháp luật xử lý VPHC. Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện một tội phạm được quy định trong BLHS thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việt Nam không có một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. Thay vào đó, vấn đề phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật trẻ em, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Trừ Luật trẻ em là đạo luật dành riêng cho trẻ em, những văn bản pháp luật còn lại được áp dụng chung cho người chưa thành niên cũng như người thành niên, nhưng có thể có chương riêng hoặc một số điều khoản riêng quy định những biện pháp hoặc thủ tục đặc thù áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Các đạo luật chủ yếu, liên quan trực tiếp đến việc phòng ngừa, giám sát, giáo dục, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật bao gồm: 1 Thông tin Khoa học Pháp lý, số 1(2000), tr.16 2 Điều 5, Nghị định 15/2014/NĐ-CP ngày 27/2/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải cơ sở. 79
  3. Luật trẻ em 20163: Luật này định nghĩa trẻ em là người dưới 16 tuổi. Luật quy định quyền, bổn phận của trẻ em, nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan. Đặc biệt, Luật quy định quyền của trẻ em được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính. Luật cũng quy định những yêu cầu cơ bản trong việc phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Luật hòa giải cơ sở 20154: Quy định hòa giải ở cơ sở đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, kể cả vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện thuộc trường hợp Luật quy định. Luật xử lý vi phạm hành chính 20125: Quy định tuổi chịu trách nhiệm hành chính, các hình thức xử phạt và biện pháp xử lý hành chính, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các hình phạt và biện pháp xử lý hành chính. Luật này được ban hành để thay thế cho Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002. Đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, Luật quy định những nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý đặc thù. Đặc biệt, Luật có quy định hai biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính được áp dụng đối với người chưa thành niên là nhắc nhở và quản lý tại gia đình. Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017)6: Quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tội phạm và hình phạt. Luật quy định những nguyên tắc xử lý đặc thù đối với người chưa thành niên phạm tội. BLHS 2015 được ban hành thay thế cho BLHS 1999 đã có nhiều quy định mới nhằm hạn chế việc xử lý hình sự và áp dụng hình phạt tù có thời hạn để tăng cường giáo dục, phục hồi tại cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Bộ luật tố tụng hình sự 20157: Bộ luật này quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử, và một số thủ tục thi hành án hình sự, cơ quan, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Quy định thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người chưa thành niên, kể cả người chưa thành niên bị buộc tội và người chưa thành niên là người bị hại, người làm chứng. Luật trợ giúp pháp lý 20178: Quy định việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó có trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính. 3 Quốc hội (2016), Luật trẻ em, Hà Nội. 4 Quốc hội (2013), Luật hòa giải cơ sở, Hà Nội. 5 Quốc hội (2012), Luật xử lý vi phạm hành chính, Hà Nội. 6 Quốc hội (2015), Bộ luật hình sự, Hà Nội. 7 Quốc hội (2015), Bộ luật tố tụng hình sự, Hà Nội. 8 Quốc hội (2017), Luật Trợ giúp pháp lý, Hà Nội. 80
  4. Luật tổ chức tòa án nhân dân 20149: Luật quy định việc hình thành tòa gia đình và người chưa thành niên với tư cách là một tòa chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên trong hệ thống tòa án nhân dân. Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 201510: Quy định trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cũng như quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam. Luật yêu cầu giam giữ riêng đối với người chưa thành niên phạm tội. Luật thi hành án hình sự 201911: Quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành hình phạt và biện pháp tư pháp trong các bản án, quyết định hình sự, trong đó có việc thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Luật đặc xá 201712: Luật này được ban hành thay cho Luật đặc xá 2007. Luật quy định điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá để tha tù trước thời hạn theo quyết định của Chủ tịch nước cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt. Theo quy định của Luật, người phạm tội nếu cải tạo tốt và đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian nhất định thì được xét đặc xá. Đối với người phạm tội khi chưa thành niên thì thời hạn chấp hành hình phạt tù để được xét đặc xá ngắn hơn so với người phạm tội thành niên. Các đạo luật này đã đưa ra nhiều quy định mới nhằm tăng cường phòng ngừa, xử lý, phục hồi tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật, thể hiện một xu hướng cải cách rõ rệt nhằm xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên toàn diện, hiệu quả, thân thiện, có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Ở Việt Nam, có rất nhiều cơ quan, tổ chức tham gia vào việc phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Các cơ quan này có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng và có trách nhiệm phối hợp với nhau để bảo đảm việc phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật được hiệu quả. Pháp luật không quy định cơ quan nào chịu trách nhiệm chính hay có vai trò điều phối trong lĩnh vực này. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính được pháp luật giao cho rất nhiều cơ quan, cá nhân, bao gồm chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp, công an các cấp, và nhiều cơ quan hành chính nhà nước khác. Riêng thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mang tính chất tước tự do, trong đó có biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, thuộc về tòa án nhân dân. Trong hệ thống hình sự, các cơ 9 Quốc hội (2014), Luật tổ chức tòa án nhân dân, Hà Nội. 10 Quốc hội (2015), Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Hà Nội. 11 Quốc hội (2019), Luật thi hành án hình sự, Hà Nội. 12 Quốc hội (2017), Luật đặc xá, Hà Nội. 81
  5. quan chính tham gia vào quá trình xử lý hình sự đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật gồm có cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, và tòa án nhân dân. 1.2. Thực tiễn xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại Việt Nam Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một cơ sở dữ liệu thống kê chính xác về tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật (VPPL), bao gồm cả vi phạm hành chính và phạm tội hình sự để làm cơ sở đánh giá một các chính xác thực trạng người chưa thành niên VPPL. Hiện có số liệu của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an là nguồn số liệu tích hợp duy nhất về người chưa thành niên VPPL được thu thập ổn định từ năm 2006 đến nay. Trong hơn một thập kỷ qua, trung bình mỗi năm có ít nhất 13.000 người chưa thành niên VPPL. Phần lớn trường hợp vi phạm hành chính, chiếm gần 63% trong tổng số vụ VPPL do người chưa thành niên thực hiện. Trung bình trong giai đoạn từ 2006 đến nay, số lượng các vụ vi phạm hành chính do đối tượng này thực hiện giảm 66%, số vụ án hình sự giảm chậm hơn, khoảng 35%. Điều này khiến tỷ trọng các vụ phạm tội hình sự lại tăng lên trong tổng số VPPL do người chưa thành niên thực hiện.13 Theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao, trong giai đoạn 2011-2015 có 22.956 người chưa thành niên bị xét xử sơ thẩm hình sự và bị kết án, trung bình 4.591 em một năm. Tuyệt đại đa số bị áp dụng hình phạt (gần 99,6%). Số người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt và áp dụng các biện pháp tư pháp chiếm chưa đến 0.5% trên tổng số người chưa thành niên bị kết án. Trong giai đoạn 2016-2018 có 8.085 người chưa thành niên bị xét xử sơ thẩm hình sự và bị kết án. Số người chưa thành niên bị xét xử và kết án trung bình mỗi năm trong giai đoạn này là 2.695, giảm 41% so với giai đoạn 2011-2015. Từ năm 2016, các quy định của Bộ luật hình sự 2015 về tăng cường miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội để giám sát giáo dục tại cộng đồng cũng như nguyên tắc hạn chế áp dụng hình phạt tù có thời hạn đã có hiệu lực pháp luật. Thống kê của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy trong giai đoạn này, tỷ lệ người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự hoặc áp dụng biện pháp tư pháp có tăng hơn, nhưng cũng chưa đến 1%. Đồng thời, hình phạt tù có thời hạn vẫn được áp dụng hết sức phổ biến (hơn 91%) tuy có giảm so với giai đoạn 2011- 201514. Trong giai đoạn từ năm 2018 – 2020, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp xử lý phù hợp với loại đối tượng này, đó là hình thành các toà án chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên phạm tội ở Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh, 36 toà án chuyên trách đang trong quá trình hình thành ở các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, số lượng xử lý hình sự người chưa thành niên cũng đã giảm. Số lượng đối tượng đưa vào 13 http://www.xaydungdang.org.vn/Home/nhan_quyen/2021/14909/Phap-luat-doi-voi-nguoi-chua-thanh-nien-vi- pham-phap-luat.aspx. 14 Bộ Tư pháp, UNICEF Việt Nam, “Báo cáo nghiên cứu pháp luật về phòng ngừa, xử lý, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại Việt Nam”, Hà Nội (2019), tr.81. 82
  6. trường giáo dưỡng cũng giảm. Hiện nay cả nước chỉ còn 3 trường giáo dưỡng. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự với loại đối tượng này vẫn còn cao. Hơn 93% người chưa thành niên xử phạt tù có thời hạn, trong đó có 26% được hưởng án treo để thử thách, giám sát tại cộng đồng15. 2. Luật tư pháp đối với người chưa thành niên ở các nước Đông Nam Á 2.1. Philippines Trong Đạo luật Phúc lợi và Tư pháp người chưa thành niên của Philippines16 cho thấy rõ chính sách của nhà nước Philippines là công nhận vai trò quan trọng của trẻ em trong việc xây dựng quốc gia và nhu cầu thúc đẩy, bảo vệ sự phát triển và hạnh phúc của trẻ em; thủ tục tố tụng tại bất kỳ cơ quan nào đều sẽ được tiến hành vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, cho phép trẻ em tham gia và thể hiện bản thân một cách thoải mái; công nhận mọi trẻ em đều có quyền được đối xử theo cách phù hợp với việc thúc đẩy ý thức về phẩm giá và giá trị của trẻ, có cân nhắc đến độ tuổi và mong muốn tái hòa nhập của trẻ; cam kết đảm bảo trẻ em được xử lý theo hình thức phù hợp với lợi ích của trẻ thông qua việc áp dụng một loạt các biện pháp xử lý như chăm sóc, hướng dẫn, giám sát, tư vấn, quản chế, nhận nuôi, các chương trình giáo dục và dạy nghề cùng các biện pháp khác thay thế biện pháp tước quyền tự do, áp dụng các nguyên tắc tư pháp phục hồi trong tất cả các chính sách và chương trình áp dụng đối với trẻ em vi phạm pháp luật. Philippines cũng đưa ra các quy định về quyền của người chưa thành niên trong Luật về Phúc lợi và người chưa thành niên, bao gồm quyền: không bị tra tấn hoặc đối xử hay xử phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm; không bị áp dụng hình phạt tử hình hoặc tù chung thân; không bị tước đoạt quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện; bị giam giữ hoặc bỏ tù nếu đây là những phương án cuối cùng và hình phạt chỉ được áp dụng trong khoảng thời gian cần thiết tối thiểu; được đối xử nhân đạo và được tôn trọng phẩm giá con người, có cân nhắc đến nhu cầu phù hợp với lứa tuổi; nhanh chóng được tiếp cận tư pháp và các biện pháp hỗ trợ thích hợp khác; được bảo lãnh trước khi xét xử, trong trường hợp thích hợp; được tôn trọng đầy đủ quyền riêng tư ở tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng; được xử lý chuyển hướng nếu đủ điều kiện và tự nguyện xin được hưởng; được tuyên án tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội theo đó tòa án có cân nhắc tới lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, các quyền của nạn nhân và nhu cầu của xã hội; chỉ áp dụng biện pháp hạn chế đối với quyền tự do cá nhân của người chưa thành niên ở mức độ tối thiểu. 2.2. Indonesia Luật về Hệ thống tư pháp hình sự cho trẻ em của Indonesia17 cũng có các nội dung bao gồm: đồng bộ hóa các chính sách xây dựng liên quan đến ngăn chặn, xử lý các vụ án, 15 Tlđd (2019), tr.82. 16 Senate and House of Representative of the Philippines Congress Assemble (2006), Juvenile Justice and Welfare Act of 2006, http://www.lawphil.net/statues/repacts/ra2006/ra_9334_2006.html , truy cập ngày 15/2/2022. 17 Indonesia (2012), Law on the Child Criminal Justice System (Law No. 11/2012), http://www.ilo.org/dyn/natlex/natlex4.detail?p_lang=en&p_isn=91044 , truy cập ngày 15/2/2022 83
  7. phục hồi nhân phẩm và tái hòa nhập xã hội cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật, giám sát, đánh giá và báo cáo về việc thực hiện hệ thống tư pháp người chưa thành niên. Luật cũng quy định về trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan tiến hành tố tụng và chỉ định các điều tra viên, công tố viên và thẩm phán có chuyên môn xử lý các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên. Các chuyên gia phải có kinh nghiệm, quan tâm, tận tụy và có hiểu biết đối với những vấn đề liên quan đến trẻ em và đã được tập huấn về tư pháp người chưa thành niên. 2.3. Cambodia Luật Tư pháp người chưa thành niên của Cambodia18 cũng mở đầu bằng việc nêu mục tiêu của luật, cụ thể là: bảo vệ các quyền và lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; hỗ trợ người chưa thành niên phục hồi nhân phẩm và tái hòa nhập xã hội và cộng đồng; bảo vệ lợi ích của xã hội và cộng đồng. Luật cũng quy định chi tiết các nguyên tắc cơ bản mà tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ khi xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật, bao gồm: lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên là yếu tố cân nhắc hàng đầu; đảm bảo quyền sống, quyền tồn tại và phát triển tối đa của người chưa thành niên; đối xử nhân đạo và tôn trọng phẩm giá của người chưa thành niên; đảm bảo người chưa thành niên có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình một cách thoải mái; không phân biệt đối xử; chỉ áp dụng biện pháp bắt giữ và giam giữ nếu đây là những phương án cuối cùng và trong khoảng thời gian tối thiểu; không còng tay, khóa tay hoặc sử dụng các thiết bị khác có thể gây hại cho người chưa thành niên trừ khi thực sự cần thiết và không còn biện pháp thay thế nào khác; nghiêm cấm tra tấn, trừng phạt thân thể hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm của người chưa thành niên. Cambodia cũng quy định về hệ thống tư pháp người chưa thành niên bao gồm có một số cơ quan và đơn vị độc lập, bao gồm điều tra viên, công tố viên, luật sư bào chữa, tòa án, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ và các tổ chức xã hội. Để hệ thống hoạt động hiệu quả cần có các cơ chế để đảm bảo sự hợp tác giữa tất cả các cơ quan này và thúc đẩy chuyên môn hóa nâng cao về xử lý các trường hợp liên quan đến người chưa thành niên. Ủy ban về quyền trẻ em của LHQ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập một tổ chức hiệu quả để quản lý tư pháp người chưa thành niên, bao gồm cơ chế phối hợp liên cơ quan; các đơn vị chuyên biệt trong lực lượng công an, công tố và tư pháp; các dịch vụ công tác xã hội chuyên biệt cho người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp; và các cơ chế để thu thập, đánh giá và nghiên cứu dữ liệu trên toàn hệ thống. Cambodia cũng đưa ra quy định về quyền tố tụng của người chưa thành niên, bao gồm quyền: từ chối trả lời các câu hỏi và không bị bắt buộc phải đưa ra lời khai chống lại bản thân; quyền riêng tư, quyền được chăm sóc và điều trị y tế; quyền được thông báo về 18 Kingdom of Cambodia (2017), Juvenile justice law, http://www.information.gov.kh/articles/7232, truy cập ngày 16/2/2022 84
  8. chi phí; quyền thông báo cho một người đại diện được chỉ định về việc bắt giữ; quyền được luật sư hỗ trợ và được chỉ định luật sư miễn phí từ thời điểm đầu của quá trình tố tụng; quyền có đại diện được tham gia vào vụ án, trừ khi đi ngược với lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; quyền được thông dịch viên hỗ trợ miễn phí; quyền được gọi và đặt câu hỏi cho các nhân chứng; quyền yêu cầu bảo lãnh; quyền yêu cầu tòa án giám sát xem xét lại. Luật tư pháp người chưa thành niên của Cambodia quy định về nhiệm vụ và chức năng của cơ chế phối hợp, bao gồm việc chỉ đạo xây dựng chiến lược cải cách hệ thống tư pháp người chưa thành niên; phối hợp thực hiện các sáng kiến và nội dung cải cách đã được thống nhất ở tất cả các cấp của Chính phủ; giám sát hiệu quả của hệ thống tư pháp người chưa thành niên và việc thực thi pháp luật; phối hợp đào tạo liên cơ quan cho các cơ quan tiến hành tố tụng; thu thập, phân tích và nghiên cứu dữ liệu về người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, luật cũng quy định về việc thành lập các đơn vị chuyên biệt hoặc chỉ định và đào tạo lực lượng cảnh sát, công tố viên và thẩm phán có chuyên môn riêng để xử lý tất cả các trường hợp liên quan đến người chưa thành niên. 3. Một số kiến nghị trong việc xây dựng Luật về tư pháp đối với người chưa thành ở Việt Nam Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của LHQ về Quyền trẻ em năm 1989 (ngày 20/2/1990), tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã có hơn 30 năm để nội luật hóa những quy định của Công ước này và các quy định khác có liên quan, nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận với một hệ thống tư pháp thân thiện, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Báo cáo đầu tiên phân tích thực trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật và hệ thống tư pháp cho người thành niên do Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp phối hợp với UNICEF Việt Nam thực hiện vào năm 2005 đã đưa ra nhiều khuyến nghị hữu ích về sửa đổi chính sách, pháp luật và thực thi, áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này. Báo cáo gần đây nhất của Bộ Tư pháp và UNICEF Việt Nam được thực hiện lần thứ hai năm 201919 một lần nữa đã tiếp tục khẳng định những thành tựu rất cơ bản về sự hoàn thiện khung pháp lý đối với người chưa thành niên cũng như thực tiễn thi hành pháp luật trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó thì báo cáo cũng đã chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trên cả hai bình diện là hệ thống pháp luật và hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực tư pháp đối với người chưa thành niên. Có thể nhận thấy các khuyến nghị được chỉ ra trong báo cáo nhìn chung là rất xác đáng, toàn diện, gợi lên nhiều suy nghĩ cho các nhà hoạch định, thực thi chính sách về tư pháp đối với người chưa thành niên ở Việt Nam. Đặc biệt, điều đáng chú ý là những con số thống kê khá cụ thể của báo cáo như: “Trong suốt giai đoạn từ 2016-2019 với tỷ lệ người chưa thành niên phạm tội được 19 Tlđd, (2019), tr.13. 85
  9. miễn trách nhiệm hình sự hoặc áp dụng biện pháp tư pháp còn rất thấp (chỉ chưa đến 1%) đồng thời hình phạt tù có thời hạn còn quá phổ biến (chiếm tỷ lệ hơn 91%) tuy đã giảm so với giai đoạn từ 2011-2015”20. Đây có thể coi là thực trạng tạo ra nhiều “trăn trở” cho tất cả các bên liên quan, các nhà hoạch định chính sách, pháp luật về người chưa thành niên, các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp. Rõ ràng là đang có vấn đề đặt ra trong sự vận hành, hoạt động của hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên ở Việt Nam, ngay cả sau khi đã được bổ sung, hoàn thiện thêm nhiều điểm mới trong khung pháp lý quốc gia theo các chuẩn mực quốc tế từ năm 2015 trở lại đây. Qua nghiên cứu các quy định liên quan đến luật tư pháp đối với người chưa thành niên ở một số quốc gia Đông Nam Á cũng như những chuẩn mực quốc tế được đưa ra trong Công ước LHQ về quyền trẻ em (Điều 40) và Quy tắc Bắc Kinh, có thể rút ra một số kiến nghị như sau: Thứ nhất, cần xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên chuyên biệt thông qua tổng hợp và tăng cường các quy định đang nằm rải rác trong nhiều luật; hướng đến đảm bảo tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp hơn trong giáo dục và giám sát người chưa thành niên vi phạm pháp luật; Thứ hai, quy định cụ thể thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, thiết chế chuyên biệt trong lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên, đồng thời tăng cường phối hợp liên ngành: giữa cơ quan tư pháp với các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức phúc lợi xã hội, các cơ quan y tế, giáo dục, cơ quan bảo vệ gia đình, bảo vệ trẻ em và các chủ thể khác trong việc phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật và giữa các cơ quan, tổ chức này với nhau; Thứ ba, tăng cường tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên ngành nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên (Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an, Luật sư, cơ sở giáo dưỡng, trại giam, các cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội...). Thứ tư, tiếp tục thành lập và triển khai mô hình tòa chuyên trách tại 64 tỉnh thành trên cả nước, nâng cao hệ thống cơ sở vật chất, nhân lực nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu thực tiễn; Thứ năm, tăng cường tính đa dạng và chất lượng của các chương trình giáo dục, phục hồi tại cộng đồng: đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, dạy nghề, khuyến khích sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, gia đình tại địa phương vào quá trình giáo dục, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật; Thứ sáu, giảm dần việc áp dụng các chế tài giam giữ, hạn chế áp dụng hình phạt tù. Cần tham khảo kinh nghiệm các nước để quy định bổ sung các hình phạt không giam giữ cho người chưa thành niên. 20 Tlđd, (2019). 86
  10. 4. Kết luận Như vậy, trong tương lai gần, Việt Nam cần xây dựng Luật tư pháp đối với người chưa thành niên. Việc có một đạo luật riêng đối với người chưa thành niên, Việt Nam sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên, trong đó tập trung hướng việc quan tâm đến trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, người chưa thành niên là nạn nhân của những hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, còn bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền con người, quyền của trẻ em đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới; Bảo đảm xử lý trách nhiệm của người dưới 18 tuổi khi vi phạm chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội; Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của người dưới 18 tuổi; Bảo đảm tối đa các biện pháp hỗ trợ đối với người dưới 18 tuổi. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Huỳnh Tấn Duy (2018), Hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam đối với người dưới 18 tuổi trên cơ sở khung pháp lý của Liên hợp quốc, Nxb Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh. 2. Lê Huỳnh Tấn Duy (2014), Mô hình tư pháp người chưa thành niên theo định hướng của Liên hợp quốc, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 5. 3. Trường Đại học Luật Hà Nội (2020), Giáo trình tư pháp đối với người chưa thành niên, Nxb Tư pháp, Hà Nội. 4. J.A. Simpson và E.S.C.Weiner (1989), Từ điển Anh ngữ Oxford, Nxb Đại học Oxford, tái bản lần thứ hai, Quyển số VIII: Interval – Looie 5. Ủy ban Nhân quyền, Bình luận chung số 21 thay thế Bình luận chung số 9 về đối xử với người bị tước tự do (Điều 10), ngày 10/4/1992. 6. Senate and House of Representative of the Philippines Congress Assemble (2006), Juvenile Justice and Welfare Act of 2006, http://www.lawphil.net/statues/repacts/ra2006/ra_9334_2006.html, truy cập ngày 15/2/2022. 7. Indonesia (2012), Law on the Child Criminal Justice System (Law No. 11/2012), http://www.ilo.org/dyn/natlex/natlex4.detail?p_lang=en&p_isn=91044, truy cập ngày 15/2/2022. 8. Kingdom of Cambodia (2017), Juvenile justice law, http://www.information.gov.kh/articles/7232, truy cập ngày 16/2/2022 9. Bộ Tư pháp (2019), UNICEF Việt Nam, “Báo cáo nghiên cứu pháp luật về phòng ngừa, xử lý, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại Việt Nam”, Hà Nội. 87
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0