intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với vấn đề an ninh tài chính trong các doanh nghiệp hàng không Việt Nam

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

17
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với vấn đề an ninh tài chính trong các doanh nghiệp hàng không Việt Nam" tập trung phân tích tác động của chính sách thuế TNDN đối với an ninh tài chính trong các doanh nghiệp hàng không Việt Nam; từ đó kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với vấn đề an ninh tài chính trong các doanh nghiệp hàng không Việt Nam

  1. CHÍNH SÁCH THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ AN NINH TÀI CHÍNH TRONG CÁC DOANH NGHIỆP HÀNG KHÔNG VIỆT NAM Nguyễn Thị Bích Phượng 1 – Đỗ Hoàng Anh 2 Tóm tắt: Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có ảnh hưởng đến việc khuyến khích hoặc hạn chế hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp hàng không. Ở Việt Nam, doanh nghiệp hàng không ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận còn đóng nhiều vai trò quan trọng khác 3. Cho nên, các doanh nghiệp hàng không cần được quan tâm đảm bảo an ninh tài chính, đặc biệt là giai đoạn sau đại dịch covid-19 để doanh nghiệp hàng không có khả năng phục hồi, tồn tại, phát triển. Bài viết tập trung phân tích tác động của chính sách thuế TNDN đối với an ninh tài chính trong các doanh nghiệp hàng không Việt Nam; từ đó kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện. 1. Tác động của thuế TNDN đến kết quả tài chính doanh nghiệp 1.1. Ảnh hưởng đến số thuế TNDN phải nộp Thuế TNDN, về bản chất, là một bộ phận sản phẩm xã hội được sáng tạo ra trong quá trình hoạt động kinh tế. Quá trình đánh thuế TNDN, thực chất, là quá trình phân phối. Bên cạnh chủ doanh nghiệp, các nhà điều hành doanh nghiệp, lực lượng lao động làm việc cho doanh nghiệp, thì Nhà nước luôn là một chủ thể đặc biệt trong quá trình phân phối lợi nhuận của các doanh nghiệp. Thuế TNDN chính là phần giá trị sản phẩm mới được tạo ra mà Nhà nước nhận được trong quá trình phân phối lợi nhuận của các doanh nghiệp 4. Theo quy định hiện hành, số thuế TNDN phải nộp được tính dựa vào căn cứ: thu nhập tính thuế và thuế suất 5. Như vậy, số thuế TNDN phải nộp phụ thuộc vào hai yếu tố: (1) thu nhập tính thuế; (2) thuế suất. Rõ ràng, thuế TNDN phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp 6. Cho nên, 1 Ths.NCS, Phó Phụ trách Khoa Luật Kinh tế - Trường Đại học Phan Thiết. 2 Ths.NCS, Học viện Hàng không Việt Nam. 3 Có thể kể ra một số vai trò quan trọng của ngành hàng không như: như: kết nối du lịch, văn hóa, kinh tế giữa các khu vực; đảm bảo giao thông thông suốt trong hoạt động vận tải hàng không; đảm bảo phục vụ các mục tiêu chính trị của quốc gia như các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam, hay các chuyến chuyên cơ phục vụ Nhà nước,... 4 Dương Ngọc Quang, Hoàn thiện thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội, năm 2015, tr.33. 5 Điều 6 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi năm 2013). 6 Dương Ngọc Quang, Hoàn thiện thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội, năm 2015, tr.35.
  2. 144 | PHÁP LUẬT VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP thu nhập tính thuế là yếu tố ảnh hưởng đến số thuế TNDN phải nộp, tức là doanh nghiệp phải có lợi nhuận. Quy định về mức thuế suất phổ thông của thuế TNDN có sự điều chỉnh đáng kể qua các lần sửa đổi. Cụ thể: Luật Thuế TNDN 1997: 32%; Luật Thuế TNDN 2003: 28%; Luật Thuế TNDN 2008: 25%; Luật Thuế TNDN 2013: theo lộ trình (từ 01/01/2014: 22%, từ 01/01/2016: 20%). Việc giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông tuy làm giảm đáng kể nghĩa vụ đóng góp của nhiều doanh nghiệp, nhưng đã có tác động khuyến khích kinh doanh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng tích lũy, tăng đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng 1. 1.2. Ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp Số thuế TNDN phải nộp ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, cụ thể: - Nếu số thuế TNDN phải nộp trong một kỳ nào đó giảm đi sẽ dẫn đến lợi nhuận sau thuế của kỳ đó tăng trưởng mạnh. Vì vậy, khi Chính phủ điều chỉnh chính sách thuế TNDN theo hướng giảm số thuế TNDN phải nộp thì kỳ đó doanh nghiệp sẽ có được phần lợi nhuận sau thuế khá lớn. - Ngược lại, nếu số thuế TNDN của một kỳ nào đó tăng lên sẽ làm cho lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh. Điều này gây bất lợi cho tình hình tài chính doanh nghiệp. Khi lợi nhuận sau thuế sụt giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư, tâm lý kinh doanh, quan hệ tài chính đối với các chủ thể kinh tế trong xã hội. Như vậy, khi áp dụng chính sách thuế TNDN cần lưu ý những tác động của nó đối với doanh nghiệp: quy định về các yếu tố của căn cứ tính thuế có tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích lũy vốn, tái sản xuất, đầu tư, kích thích sản xuất hay không? Có giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong tình hình kinh tế bất ổn, lạm phát cao và suy thoái như hiện nay hay không? 1.3. Ảnh hưởng đến tiết kiệm của doanh nghiệp Chúng ta đều biết rằng, mục tiêu chính của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận. Tổng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp được chia ra làm các quỹ khác nhau, như: lợi nhuận chia cho các chủ sở hữu vốn và lợi nhuận giữ lại. Lợi nhuận giữ lại chính là phần tiết kiệm của doanh nghiệp và phần này sẽ làm tăng đầu tư trong tương lai. Thuế có ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận giữ lại của doanh nghiệp. Thông thường, nếu thuế thấp thì tạo ra lợi nhuận giữ lại tăng lên và lợi nhuận chia cho các chủ sở hữu giảm xuống và như vậy nó ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp 2. 1 Phạm Thị Thu Hồng, Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam: Những kết quả đạt được và một số đề xuất hoàn thiện, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, https://mof.gov.vn/webcenter/ portal/tttc/r/o/ttsk/ttsk_chitiet?dDocName=MOFUCM121020&dID=126431&_afrLoop=45521216 0551018#%40%3FdID%3D126431%26_afrLoop%3D455212160551018%26dDocName%3DMOF UCM121020%26_adf.ctrl-state%3Dccnjbtuf7_4. 2 Hoàng Văn Bằng, Lý thuyết và chính sách thuế, NXB Tài chính, Hà Nội, năm 2009, tr.132.
  3. HỘI THẢO KHOA HỌC | 145 2. Khái quát vấn đề an ninh tài chính trong các doanh nghiệp hàng không 2.1. Khái niệm Thời gian gần đây, ngành hàng không phải đối mặt với nhiều khó khăn: chi phí nhiên liệu tăng cao; sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không ngày càng gay gắt; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu,… Vì vậy, để cạnh tranh được với các hãng hàng không khác, để đảm bảo an toàn đường bay, tối đa hóa được giá trị của doanh nghiệp, vấn đề an ninh tài chính luôn được các doanh nghiệp hàng không quan tâm. Thuật ngữ an ninh gắn liền với các lĩnh vực khác nhau sẽ có cách hiểu và nội hàm khác nhau. Cụ thể như: an ninh quốc gia; an ninh chính trị; an ninh kinh tế; an ninh văn hóa; an ninh năng lượng; an ninh lương thực; an ninh tài chính; an ninh tiền tệ; an ninh mạng; an ninh hàng không;… Trong phạm vi bài nghiên cứu, chúng tôi chỉ tập trung khai thác vấn đề an ninh tài chính mà cụ thể là an ninh tài chính trong các doanh nghiệp hàng không. Hiện nay chưa có khái niệm thống nhất đối với thuật ngữ an ninh tài chính doanh nghiệp và vẫn còn cách hiểu khác nhau về thuật ngữ này. Chẳng hạn như: - Dưới góc độ tiếp cận của các nhà khoa học an ninh truyền thống, an ninh tài chính doanh nghiệp được hiểu là đảm bảo sự ổn định về tài chính doanh nghiệp nhằm duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, các yếu tố đe dọa đến sự ổn định về tài chính gây ra ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững hoặc sự tồn vong của doanh nghiệp là do các hành vi xâm phạm với mục đích cố ý. Các hành vi này đến từ các đối tượng nội bộ hoặc bên ngoài doanh nghiệp và nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ sớm các hành vi xâm phạm này - Dưới góc độ tiếp cận của các nhà nghiên cứu kinh tế và các nhà khoa học an ninh phi truyển thống, an ninh tài chính doanh nghiệp được hiểu là trạng thái an toàn của tài chính doanh nghiệp trước những rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nghĩa là doanh nghiệp phải đảm bảo cân bằng được các chỉ số an toàn trong hệ thống tài chính doanh nghiệp và có các phương án dự phòng rủi ro theo các tiêu chuẩn và chuẩn mực đánh giá an toàn về tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đăc biệt là xác định giới hạn an toàn trong việc sử dụng đòn bẫy tài chính vào hoạt động kinh doanh và khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Từ phân tích về các góc độ tiếp cận đối với thuật ngữ an ninh tài chính doanh nghiệp, trong phạm vi nội dung nghiên cứu của bài viết, nhóm tác giả lựa chọn góc độ tiếp cận sử dụng quan niệm trạng thái an toàn và ổn định về tài chính doanh nghiệp để làm rõ khái niệm về an ninh tài chính doanh nghiệp trong các hãng hàng không. Nghĩa là đảm bảo trạng thái ổn định về tài chính cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp an toàn trong giới hạn đối với các rủi ro. Theo đó, an ninh tài chính trong các doanh nghiệp ngành hàng không chỉ một trạng thái ổn định về tình hình tài chính của các doanh nghiệp ngành hàng không trong giới hạn an toàn 1. 1 Phạm Thị Phương Anh, Giải pháp đảm bảo an ninh tài chính trong các doanh nghiệp hàng không
  4. 146 | PHÁP LUẬT VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP 2.2. Yếu tố ảnh hưởng đến an ninh tài chính trong các doanh nghiệp hàng không An ninh tài chính trong các doanh nghiệp hàng không chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố, kể cả yếu tố nội tại bên trong cũng như yếu tố bên ngoài doanh nghiệp. Có thể kể ra một số yếu tố như sau: - Năng lực quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp hàng không: Điều này thể hiện qua việc định hướng chiến lược kinh doanh, tổ chức bộ máy, ban hành chính sách tài chính, đầu tư,… Nếu các nội dung này được đề ra một cách hợp lý, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp dẫn đến tăng doanh thu, giảm chi phí thì hiệu quả kinh doanh được nâng cao, đảm bảo an ninh tài chính và ngược lại. - Nguồn vốn của doanh nghiệp hàng không: Cũng như các doanh nghiệp khác, nguồn vốn của doanh nghiệp hàng không bao gồm vốn nợ và vốn chủ sở hữu, trong đó vốn chủ sở hữu vẫn được đánh giá là nguồn vốn an toàn. Song, đối với doanh nghiệp hàng không, nhu cầu về vốn cho đầu tư máy bay, trang thiết bị và đổi mới công nghệ rất lớn nên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không thể đáp ứng 100% nhu cầu đầu tư 1. Ví dụ: Cơ cấu nguồn vốn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Công ty cổ phần hàng không Vietjet (VJ) trong được phản ánh rõ ràng thông qua hệ số nợ phân tích từ báo cáo tình hình tài chính hợp nhất quý 1 năm 2022 như sau: Bảng 1: Hệ số nợ của TCT HK Việt Nam và CTCP HK Vietjet– Quý 1/2022 1/1/2022 31/3/2022 Vốn CSH Vốn vay Vốn CSH Vốn vay Vietnam Airlines 0.83% 99.17% -3.78% 103.78% Vietjet Air 32.63% 67.37% 29.4% 70.6% (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ Quý 1 năm 2022 của VNA, VJ và tính toán của nhóm tác giả) Bảng 2: Hệ số D/E của TCT HK Việt Nam và CTCP HK Vietjet– Quý 1/2022 Vietnam Airlines Vietjet Air 1/1/2022 119.3 2.1 31/3/2022 - 30.63 2.4 (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ Quý 1 năm 2022 của VNA, VJ và tính toán của nhóm tác giả) Theo số liệu tại Bảng 1 và Bảng 2, cơ cấu nguồn vốn và hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu Việt Nam, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội, năm 2017, tr.19. 1 Phạm Thị Phương Anh, Giải pháp đảm bảo an ninh tài chính trong các doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội, năm 2017, tr.35.
  5. HỘI THẢO KHOA HỌC | 147 của Vietnam Airlines và Vietjet Air đều phản ánh thực trạng các khoản nợ của hãng đều lớn hơn vốn chủ sở hữu. Điều này đồng nghĩa với việc cả hai hãng hàng không đều sử dụng các khoản nợ làm đòn bẩy tài chính cho hoạt động. Trong đó nguồn tài sản của cả hai hãng được hình thành chủ yếu từ các khoản nợ. Vì vậy, nếu sử dụng nợ làm đòn bẩy tài chính quá lớn có thể ảnh hưởng đến rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng nợ cũng có một ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp hãng hàng không phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo một tỷ lệ hợp lý nhất. - Sự hội nhập kinh tế quốc tế và sức ép cạnh tranh: Toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới là một tất yếu khách quan, đặt ra cho mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp không ít yêu cầu và thách thức. Các doanh nghiệp hàng không cũng không thể nằm ngoài xu hướng này. Đứng trước các doanh nghiệp hàng không nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh hơn, giá cả rẻ hơn,… các doanh nghiệp hàng không trong nước cần có chiến lược cạnh tranh phù hợp nếu như không muốn bị ảnh hưởng đến an ninh tài chính, bị đào thải khỏi thị trường 1. - Chính sách của Nhà nước: Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua các chính sách tiền tệ, chính sách tài chính,… Nếu khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, đồng nội tệ mất giá mạnh thì ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính của doanh nghiệp, tức là an ninh tài chính không được đảm bảo. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp hàng không (đặc thù hoạt động có liên quan đến ngoại tệ), chính sách tỷ giá hối đoái và chính sách thuế có ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh. - Sự kiện bất ngờ hoặc tình trạng bất khả kháng cản trở hoạt động hàng không: Ngành hàng không rất nhạy cảm với các biến đổi của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, hoặc các sự số hay sự biến về môi trường, hoặc tình trạng đại dịch tạo nên sự thay đổi hay gián đoạn trong hoạt động vận chuyển hàng không. Bởi như phân tích ở phần nguồn vốn, nguồn tài sản của hãng hàng không được hình thành chủ yếu từ các khoản nợ, do đó, bất kỳ các tác động biến đổi bất ngờ đến từ tình hình chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội; sự biến môi trường hay dịch bệnh đều gây nên tổn thương đến tình hình tài chính của Hãng hàng không. Điển hình như dịch bệnh covid 19 diễn ra đã làm ngưng trệ toàn bộ hoạt động vận chuyển hàng không từ năm 2020-2021, dẫn đến tình trạng phá sản dây chuyền các hãng hàng không trên thế giới do không thể kham được các chi phí bảo dưỡng, chi phí duy trì mà không có nguồn thu từ hoạt động khai thác. Các hãng hàng không Việt Nam cũng không là ngoại lệ, Vietnam Airlines rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu, Vietjet Air rơi vào tình trạng lợi 1 Trên thực tế đã có không ít các hãng hàng không phá sản, như: Hãng hàng không Mê Kong (Air MeKong), Hãng hàng không Đông Dương (Indochina Airlines). Ngoài ra, còn có hãng vận chuyển hàng hóa Trãi Thiên (Trãi Thiên Air Cargo) không đảm bảo được nguồn tài chính để khai thác do đó đã phải bị Cục Hàng không rút phép kinh doanh mà chưa thực hiện được bất kỳ chuyến bay nào. Hoặc như trường hợp của Công ty cổ phần hàng không Pacific Airlines do không đảm bảo được nguồn tài chính hoạt động đã phải tái cơ cấu 03 lần vào các năm: 2005, 2007, 2012;…
  6. 148 | PHÁP LUẬT VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP nhuận âm đối với doanh thu từ hoạt động khai thác hàng không, Jetstar Pacific Airline rơi vào tình trạng khai thác cầm chừng kể từ khi hoạt động hàng không phục hồi vào cuối năm 2021 cho tới nay. 3. Thực trạng và ảnh hưởng của chính sách thuế TNDN đến vấn đề an ninh tài chính trong các doanh nghiệp hàng không Việt Nam 3.1. Thực trạng chính sách thuế TNDN đối với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam Nguồn luật điều chỉnh thuế TNDN nói chung và thuế TNDN đối với các doanh nghiệp hàng không nói riêng bao gồm nguồn luật quốc gia và nguồn luật quốc tế. Trong đó, nguồn luật quốc gia chủ yếu là Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn; còn nguồn luật quốc tế là Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước ngoài 1 cùng Thông tư hướng dẫn thực hiện các Hiệp định này. Quá trình toàn cầu hóa thương mại đã đưa các nhà đầu tư quốc tế ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Điều này là nguyên nhân dẫn đến khả năng đánh thuế trùng trong đầu tư quốc tế. Vì vậy, Chính phủ các nước cần phân định quyền đánh thuế để khuyến khích đầu tư quốc tế và giảm tình trạng trốn thuế. 3.2. Tác động của chính sách thuế TNDN đối với an ninh tài chính trong các doanh nghiệp hàng không Việt Nam Thứ nhất, thuế TNDN ảnh hưởng đến mức độ đầu tư của doanh nghiệp hàng không Việt Nam Như chúng ta đã biết, nhà kinh doanh bao giờ cũng hy vọng thu được một khoản lợi nhuận nếu chấp nhận rủi ro kinh doanh, rủi ro càng cao thì lợi nhuận thu được sẽ càng lớn 2. Một trong những yếu tố có quyết định đến mức đầu tư và kể cả sự chấp nhận rủi ro kinh doanh là thuế TNDN, cụ thể là quy định về thuế suất và chuyển lỗ. Ở Việt Nam, thuế suất thuế TNDN được quy định ngày càng giảm qua mỗi lần điều chỉnh thay đổi. Mức thuế suất 20% được xem là đã được giảm sâu đáng kể phù hợp với xu hướng của nhiều nước trên thế giới và góp phần tăng sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp hàng không khi hội nhập kinh tế quốc tế. Về nguyên tắc, nếu quy định thuế TNDN không cho phép trừ các khoản lỗ khi xác định thu nhập tính thuế thì có thể làm gia tăng rủi ro của các khoản đầu tư. Ngược lại, nếu quy định thuế TNDN cho phép trừ các khoản lỗ khi xác định thu nhập tính thuế, đồng nghĩa với việc Nhà nước có sự chia sẻ với doanh nghiệp, thì có thể làm giảm rủi ro của các khoản đầu tư. Theo quy định tại Điều 16 Luật Thuế TNDN năm 2008 (sửa đổi năm 2013) thì: “Doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá năm năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ”. 1 Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết khoảng 80 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước/vùng lãnh thổ. 2 Hoàng Văn Bằng, Lý thuyết và chính sách thuế, NXB Tài chính, Hà Nội, năm 2009, tr.134.
  7. HỘI THẢO KHOA HỌC | 149 Qua đó, ta thấy rằng, theo quan điểm của nhà làm luật thì chuyển lỗ là một trong những hình thức ưu đãi thuế. Thời gian chuyển lỗ tối đa là năm năm, tức là nếu hết thời hạn đó dù chưa trừ hết hoàn toàn các khoản lỗ thì cũng không được phép tiếp tục kết chuyển sang năm kế tiếp. Quy định này của pháp luật thuế TNDN có thể phần nào giúp các doanh nghiệp hàng không Việt Nam chấp nhận rủi ro kinh doanh. Thứ hai, sự hợp tác về thuế giữa nước ta với các quốc gia thông qua Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giúp thúc đẩy thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế; tạo môi trường pháp lý minh bạch cho các doanh nghiệp hàng không Việt Nam Có thể nói, đặc điểm riêng của thuế TNDN là bảo lưu quyền đánh thuế của nước/vùng lãnh thổ đối với doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ quốc gia. Nói cách khác, các nước/vùng lãnh thổ đánh thuế thu nhập đối với tất cả doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi lãnh thổ của mình mà không có sự phân biệt về quốc tịch của doanh nghiệp. Tức là, doanh nghiệp có thu nhập từ những hoạt động trong phạm vi nước/vùng lãnh thổ thì phải có nghĩa vụ đóng thuế cho nước/vùng lãnh thổ đó. Mặt khác, doanh nghiệp mang quốc tịch của quốc gia nào thì phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế thu nhập của mình đối với quốc gia đó, không phân biệt thu nhập của doanh nghiệp phát sinh trong hoặc ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia. Các doanh nghiệp hàng không có phạm vi hoạt động vượt ra khỏi biên giới quốc gia nên thu nhập của hãng dễ bị đánh thuế trùng. Vì vậy, Việt Nam ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các quốc gia khác đã giúp các doanh nghiệp hàng không có cơ sở pháp lý trong việc xác định thu nhập tính thuế và nơi nộp thuế. Hơn nữa, Thông tư hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ số 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 đã dành một phần riêng (mục 3) để giải thích về cách tính thuế TNDN đối với hoạt động vận tải quốc tế. 4. Kết luận và kiến nghị An ninh tài chính giúp cho các doanh nghiệp hàng không tồn tại, phát triển để phát huy các vai trò của nó trong nền kinh tế (trong đó có vai trò đóng góp cho ngân sách nhà nước thông qua thuế). Ngược lại, Nhà nước sử dụng thuế để thực hiện hoạt động quản lý hành chính sao cho tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hàng không hoạt động, cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong xu thế hội nhập quốc tế. Để phát huy hơn nữa tác động tích cực của chính sách thuế TNDN đối với an ninh tài chính trong các doanh nghiệp hàng không Việt Nam, nên chăng chúng ta có những sự điều chỉnh: Thứ nhất, giảm thuế suất thuế TNDN Mức thuế suất 20% như hiện nay là không quá cao, cũng không quá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không phát triển, mở rộng đầu tư, tham gia sâu vào thị trường quốc tế thì chúng ta nên hạ thuế suất.
  8. 150 | PHÁP LUẬT VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP Thứ hai, quy định lại về vấn đề chuyển lỗ theo hướng không nên xem chuyển lỗ là ưu đãi mà là chuyện đương nhiên khi xác định thu nhập tính thuế; và không nên giới hạn thời gian chuyển lỗ. Quy định hiện nay, thời gian chuyển lỗ tối đa là năm năm, tức là nếu hết thời hạn đó dù chưa trừ hết hoàn toàn các khoản lỗ thì cũng không được phép tiếp tục kết chuyển sang năm kế tiếp. Nội dung này khác với quy định một số nước khác, bởi vì có quốc gia cho phép kết chuyển lỗ vô thời hạn, nếu khoản lỗ quá lớn không trừ hết trong một năm thì tiếp tục chuyển sang năm kế tiếp, khi nào trừ hết hoàn toàn khoản lỗ này thì chấm dứt 1. Thứ ba, ký kết các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mang tính đặc thù trong lĩnh vực vận tải hàng không Trên thực tế, một số nước không chỉ ký với nhau Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thông thường (thuế đánh vào thu nhập và tài sản), mà còn ký kết nhiều loại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đặc thù khác. Điển hình như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với các loại thuế đánh vào thu nhập từ vận tải biển và vận tải hàng không (Anh – Brazil, Mỹ - Nhật Bản, Trung Quốc – Nam Phi, Nhật Bản – Argentina….). Thực ra, các loại thu nhập nêu trên đều đã được quy định trong Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản. Song, các nước nêu trên đã tách riêng hẳn một lĩnh vực rồi thỏa thuận, ký kết với nhau một hiệp định quy định chi tiết về phân chia quyền đánh thuế giữa hai nước ký kết trong lĩnh vực đó. Điều này giúp cho việc thực hiện các quy định của Hiệp định được dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều so với kiểu quy định chung chung như trong các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thông thường. Đây cũng là một cách đáng để Việt Nam tham khảo xem xét và ký kết các Hiệp định loại này với các nước. Nhằm bổ trợ và góp phần khắc phục một số khó khăn trong quá trình áp dụng Hiệp định thông thường, đối với những quốc gia mà chúng ta đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thông thường thì mình vẫn nên ký thêm các Hiệp định mang tính chất đặc thù. Thứ tư, bổ sung thêm trường hợp doanh nghiệp vận chuyển hàng không vào nhóm đối tượng được giảm 30% Thuế TNDN theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định 92/2021/Nđ-CP và cho gia hạn thời gian nộp đối với thuế thu nhập hoãn lại phải trả của các hãng hàng không. Sau đại dịch covid kết thúc, các hãng hàng không phải tận dụng hết nguồn lực để phục hồi lại hoạt động khai thác. Việc bổ sung thêm trường hợp doanh nghiệp vận chuyển hàng không vào nhóm đối tượng được hưởng giảm 30% Thuế TNDN năm 2021 và giãn thu đối với khoản thuế thu nhập hoãn lại phải trả có ý nghĩa quan trọng thể hiện mối quan tâm của nhà nước trong việc cùng chung sức chia sẽ khó khăn với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động phục hồi kinh doanh sau dịch covid. 1 Từ Vinh Thành, Pháp luật về xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp – Lý luận và thực tiễn, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, năm 2009, tr.17.
  9. HỘI THẢO KHOA HỌC | 151 Theo Báo cáo tài chính của Vietjet air quý 1/2022, khoản thuế thu nhập phải trả của doanh nghiệp này là 158.739.243.648 VNĐ và theo Báo cáo tài chính của Vietnam Airlines quý 1/2022, khoản thuế thu nhập phải trả của doanh nghiệp này là 188.530.672.629 VNĐ. Khi có chính sách hoãn nộp với thời gian cụ thể và không tính lãi thì Doanh nghiệp hàng không có thể yên tâm đưa nguồn tiền này vào hoạt động khai thác mà chưa phải lo lắng đến việc phải trả các khoản nợ này cho nhà nước trong ngắn hạn. Như vậy, các doanh nghiệp hàng không sẽ chủ động được nguồn tài chính của mình góp phần phục hồi lại hoạt động của hãng hàng không về lại thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Tóm lại, ngành hàng không Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế cũng như trong hoạt động chính trị - xã hội và đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh mẽ để tồn tại, phát triển. Trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh tài chính của ngành hàng không (như trên đã phân tích) thì yếu tố chính sách của Nhà nước, cụ thể là yếu tố thuế TNDN, có tác động tương đối nhất định. Từ phân tích lý luận và thực tiễn tình hình tài chính của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Công ty cổ phần hàng không Vietjet (VJ), nhóm tác giả đã chứng minh sự tác động của thuế TNDN đến vấn đề an ninh tài chính trong doanh nghiệp hàng không Việt Nam. Hy vọng những đề xuất giải pháp của chúng tôi sẽ có giá trị tham khảo nhất định trong thời gian tới.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
32=>2