intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp bằng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

8
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp bằng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản" phân tích một số hạn chế của pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng biện pháp cưỡng chế này, đồng thời đưa ra các kiến nghị hoàn thiện. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp bằng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản

  1. CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP BẰNG BIỆN PHÁP KHẤU TRỪ TIỀN TỪ TÀI KHOẢN Nguyễn Nhật Khanh ∗ Tóm tắt: Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một trong những phương thức bảo đảm thực hiện quyền lực nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Để thi hành quyết định xử phạt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế khác nhau, trong đó có biện pháp “khấu trừ tiền từ tài khoản của tổ chức vi phạm”. Bài viết phân tích một số hạn chế của pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng biện pháp cưỡng chế này, đồng thời đưa ra các kiến nghị hoàn thiện. Từ khóa: khấu trừ tiền từ tài khoản, quyết định xử phạt vi phạm hành chính Abstract: Enforcement of decisions to sanctions administrative violations is as a means of ensuring the implementation of state power, to protect the legitimate interests of the state as well as the legitimate rights and interests of individuals and organizations. To ensure that the decisions of administrative sanctions to be implemented effectively in practice, the competent authorities could apply coercive measures, especially “Deducting money from bank accounts of violating individuals, organizations”. With this in mind, the article analyses the shortcomings, limitations exist in the law and in practice on this coercive measure; simultaneously makes recommendations for improvement legislation concerning this issue. Keywords: Deducting money from bank accounts, decisions to sanctions administrative violations 1. Khái quát về biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản đối với doanh nghiệp vi phạm hành chính Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó 1. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hiệu quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa cao, số lượng quyết định xử phạt bị trì hoãn hoặc không thể thi hành còn rất nhiều 2. Do đó, đòi hỏi nhà làm luật phải xây dựng các biện pháp để cưỡng chế thi ∗ NCS.ThS, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). 2 Theo Báo cáo của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) tại Hội thảo “Về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành
  2. HỘI THẢO KHOA HỌC | 123 hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp gồm: (i) khấu trừ tiền từ tài khoản; (ii) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; (iii) Thu tiền, tài sản khác của doanh nghiệp do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp doanh nghiệp sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản; (iv) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 1. Trong đó, biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản được áp dụng đối với doanh nghiệp không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả, không thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế mà có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam 2. Về mặt lý luận, biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản đối với doanh nghiệp vi phạm hành chính có những đặc trưng nổi bật sau đây: Một là, về thứ tự áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế 3. Do vậy, đối với trường hợp đối tượng vi phạm là doanh nghiệp thì biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản là biện pháp được áp dụng đầu tiên để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Hai là, điều kiện tiên quyết để có thể áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản là doanh nghiệp vi phạm phải có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân 4. Để có thể áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản đòi hỏi người có thẩm quyền cưỡng chế phải xác minh được doanh nghiệp vi phạm hành chính hiện có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nêu trên. Cần lưu ý rằng, chỉ cần xác minh được doanh nghiệp vi phạm có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng với bất kể số tiền là bao nhiêu là có thể thực hiện biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản. Tổ chức tín dụng nơi doanh nghiệp bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản phải giữ lại trong tài khoản của doanh nghiệp đó số tiền tương đương với số tiền mà doanh chính” năm 2019, trong thời gian từ ngày 01/10/2013 đến 30/6/2019, trên cả nước đã phát hiện 47.871.145 vụ vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đã ban hành 42.073.435 quyết định xử phạt, trong đó số quyết định xử phạt chưa được thi hành là 2.623.606 (chiếm tỷ lệ 6,24%). 1 Khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). 2 Điều 13 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP. 3 Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP. 4 Khoản 1 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
  3. 124 | PHÁP LUẬT VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP nghiệp phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Trường hợp số dư trong tài khoản tiền gửi ít hơn số tiền mà doanh nghiệp bị cưỡng chế phải nộp thì tổ chức tín dụng vẫn phải giữ lại và trích chuyển số tiền đó 1. Nếu doanh nghiệp vi phạm không có tài khoản hoặc có tài khoản tại các tổ chức tín dụng nêu trên nhưng không có tiền gửi thì biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản sẽ không thể thực hiện được. Ba là, biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản được áp dụng nhằm mục đích bảo đảm cho các quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thi hành một cách hiệu quả trên thực tế, đặc biệt là quyết định xử phạt tiền. Nếu doanh nghiệp vi phạm hành chính bị xử phạt nhưng không chấp hành quyết định xử phạt sẽ tạo ra tâm lý coi thường pháp luật, do vậy việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này là biểu hiện của sự thượng tôn pháp luật. Khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thi hành trong thực tiễn sẽ tạo ra sự công bằng trong việc áp dụng các biện pháp trách nhiệm hành chính. Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn là tiêu chí đánh giả hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể quản lý trong việc thực hiện thẩm quyền do pháp luật quy định, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp. 2. Một số bất cập về biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của doanh nghiệp vi phạm hành chính Thứ nhất, bất cập về việc xác minh thông tin tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp vi phạm và trích chuyển tiền gửi để thi hành quyết định cưỡng chế Như đã trình bày, điều kiện tiên quyết để người có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản là phải xác minh được doanh nghiệp có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng ở Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Điều 14 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài khoản của doanh nghiệp bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Trường hợp người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế không có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản thì đề nghị người có thẩm quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin. Điều khoản này cũng nêu rõ doanh nghiệp bị cưỡng chế có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản về tên tổ chức tín dụng, nơi mở tài khoản, số tài khoản của doanh nghiệp tại tổ chức tín dụng khi có yêu cầu. Mặc dù đã quy định khá rõ ràng như trên nhưng việc xác minh thông tin về tài khoản của doanh nghiệp bị cưỡng chế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nước ta chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về tài khoản tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, việc yêu cầu doanh nghiệp vi phạm thông báo về thông tin tài khoản tiền gửi trên thực tế là bất khả thi bởi việc áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, lợi ích của doanh nghiệp bị cưỡng chế. Do đó, các doanh nghiệp này luôn cố tình cất 1 Điểm c khoản 3 Điều 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
  4. HỘI THẢO KHOA HỌC | 125 giấu hoặc cung cấp sai thông tin về tài khoản của mình nhằm trốn tránh bị cưỡng chế 1. Ví dụ: ngày 28/01/2019, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Thành phố H đã ban hành Quyết định số 285/QĐ-CCXP để cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Xây dựng Thiết kế Đo đạc Thương mại Dịch vụ PBA (sau đây gọi tắt là Công ty PBA) số tiền 90.000.000 đồng do không tự nguyện chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2351/QĐ-XPVPHC ngày 23/11/2018 của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng. Thông tin tài khoản do Công ty PBA cung cấp như sau: Số tài khoản 186449019 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần AC - Chi nhánh TĐ. Tuy nhiên, khi tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản nêu trên, phía Ngân hàng thông báo số tài khoản trích chuyển nói trên không phải là tài khoản của Công ty PBA 2. Không chỉ khó khăn trong việc xác định có hay không tài khoản tiền gửi, ngay cả khi đã có thông tin về tài khoản của doanh nghiệp bị cưỡng chế thì việc xác minh thông tin tài khoản tại các tổ chức tín dụng cũng là điều không đơn giản. Thực tế cho thấy các tổ chức tín dụng thường viện dẫn quy định về bảo mật thông tin tại Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để từ chối cung cấp thông tin về tài khoản của doanh nghiệp bị cưỡng chế mặc dù khoản 3 Điều này đã quy định rất rõ rằng tổ chức tín dụng phải cung cấp thông tin tài khoản khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp chủ thể có thẩm quyền kiên quyết yêu cầu cung cấp thông tin thì các tổ chức tín dụng mới thực hiện nhưng lượng thông tin cung cấp rất hạn chế. Sau khi đã thu thập thông tin về tài khoản của doanh nghiệp bị cưỡng chế thì các tổ chức tín dụng lại viện lý do số tiền lớn, phải xin ý kiến của hội sở hoặc viện lý do bảo vệ khách hàng nên trì hoãn việc thực hiện quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền, khiến vụ việc cưỡng chế kéo dài, trong khi việc giữ lại số tiền này đem lại khoản lợi nhuận đáng kể cho hoạt động của các tổ chức tín dụng 3. Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp cũng đã nêu rõ khó khăn khi áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của doanh nghiệp do các ngân hàng nơi đối tượng bị xử phạt mở tài khoản tìm cách từ chối cung cấp tài khoản cho người có thẩm quyền xử phạt thực hiện cưỡng chế 4. Thực tế cho thấy sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế với các tổ chức tín dụng trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản còn thiếu chặt chẽ. Các ngân hàng vì mục đích kinh doanh và bảo vệ khách hàng nên thường không tích cực phối hợp với cơ quan thi hành cưỡng chế trong việc khấu trừ tiền từ tài khoản. 1 Thái Thị Tuyết Dung, Nguyễn Nhật Khanh (2017), “Bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính - Một số bất cập và hướng hoàn thiện”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 4, tr. 3-11. 2 Công văn số 08/CV-TDT.19 ngày 26/02/2019 về việc cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của Ngân hàng Thương mại Cổ phần AC - Chi nhánh TĐ gửi cho Sở Xây dựng Thành phố H. 3 Thái Thị Tuyết Dung, Nguyễn Nhật Khanh (2017), “Bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính - Một số bất cập và hướng hoàn thiện”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 4, tr. 3-11. 4 Phụ lục 3 Báo cáo số 51/BC-BTP ngày 06/3/2020 của Bộ Tư pháp báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2019.
  5. 126 | PHÁP LUẬT VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, để bảo đảm thi hành án dân sự, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018, 2020) quy định Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự. Các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm: (i) Phong tỏa tài khoản; (ii) Tạm giữ tài sản, giấy tờ; (iii) Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản 1. Trong đó, biện pháp “phong tỏa tài khoản” là biện pháp hữu hiệu được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng và tổ chức tín dụng khác. Áp dụng biện pháp này có ý nghĩa trong việc ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán số tiền đang có trong tài khoản, đồng thời buộc Kho bạc Nhà nước, ngân hàng và tổ chức tín dụng nơi người phải thi hành án mở tài khoản có trách nhiệm bảo đảm số tiền trong tài khoản bị phong tỏa không bị thất thoát hoặc sử dụng vào các mục đích khác của Kho bạc Nhà nước, ngân hàng và tổ chức tín dụng. Nếu người phải thi hành án không tự nguyện thực hiện việc thi hành án thì Chấp hành viên có thể ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản để thực hiện việc thi hành án. Trong khi đó, việc áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản để cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền trong thời gian qua không hề có bất cứ biện pháp nào cần thiết để bảo đảm thực hiện dẫn đến hiệu quả không cao. Thực tế cho thấy ngay cả khi người có thẩm quyền đã xác định được thông tin tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp vi phạm và ra quyết định cưỡng chế thì các chủ thể này vẫn dễ dàng thực hiện các giao dịch để tẩu tán số tiền gửi đang có tại các tổ chức tín dụng bởi vì không có biện pháp phong tỏa tài khoản nên các tổ chức tín dụng không thể ngăn chặn doanh nghiệp vi phạm thực hiện các giao dịch về tiền gửi như rút tiền mặt trực tiếp hoặc chuyển tiền đến tài khoản khác. Nhận thấy những vướng mắc khi áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản của doanh nghiệp bị xử phạt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính như sau: “Tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi doanh nghiệp bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của doanh nghiệp bị cưỡng chế trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền cưỡng chế; tiến hành phong tỏa số tiền trong tài khoản tương đương với số tiền mà doanh nghiệp bị cưỡng chế phải nộp hoặc phong tỏa toàn bộ số tiền trong tài khoản trong trường hợp số dư trong tài khoản tiền gửi ít hơn số tiền mà doanh nghiệp bị cưỡng chế phải nộp; thực hiện việc trích chuyển số tiền phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Trong thời hạn 05 ngày làm việc trước khi trích chuyển, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp bị cưỡng chế biết việc trích chuyển; việc trích chuyển không cần sự 1 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018, 2020).
  6. HỘI THẢO KHOA HỌC | 127 đồng ý của doanh nghiệp bị cưỡng chế”. Một điểm quan trọng cần lưu ý là mặc dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã bổ sung biện pháp “phong tỏa tài khoản” để gia tăng tính khả thi và hiệu quả áp dụng của biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của doanh nghiệp bị xử phạt. Thế nhưng, muốn biện pháp này phát huy hiệu quả đòi hỏi phải có một thủ tục rõ ràng, cụ thể về việc phong tỏa tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp vi phạm để có sự phối hợp hiệu quả giữa người có thẩm quyền cưỡng chế với tổ chức tín dụng nơi cá nhân, tổ chức mở tài khoản. Do đây là quy định mới nên hiện nay Nghị định số 166/2013/NĐ-CP vẫn thiếu vắng các quy định hướng dẫn thủ tục này. Có thể thấy, việc bổ sung biện pháp “phong tỏa tài khoản” khi áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản của doanh nghiệp bị xử phạt được kì vọng sẽ gia tăng hiệu quả áp dụng biện pháp cưỡng chế này trong tương lai. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế bảo đảm thực hiện thì ngay cả khi bổ sung biện pháp “phong tỏa tài khoản” cũng không thể tháo gỡ hết khó khăn khi áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản trong thực tế. Các quy định pháp luật hiện hành chưa có các biện pháp cần thiết để buộc doanh nghiệp vi phạm hay tổ chức tín dụng nghiêm túc cung cấp thông tin về tài khoản cũng như tiến hành trích chuyển số tiền từ tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp vi phạm để thực hiện việc cưỡng chế. Hay nói cách khác, nếu tổ chức tín dụng không hợp tác với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản thì cũng không bị áp dụng bất cứ chế tài nào vì không có quy định cụ thể. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp có tài khoản tiền gửi thì nhiều trường hợp tài khoản không có số dư hoặc số dư quá nhỏ không đủ để khấu trừ tiền phạt. Mặt khác, một số doanh nghiệp có nhiều tài khoản khác nhau để giao dịch, điều này làm cho việc thu thập thông tin về tài khoản của doanh nghiệp bị cưỡng chế mất nhiều thời gian và nhân lực. Khi nhận thấy khả năng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thì doanh nghiệp vi phạm sẽ gây khó khăn cho người có thẩm quyền trong việc xác minh thông tin bằng cách cung cấp tài khoản không chính xác hoặc chỉ cung cấp thông tin về các tài khoản có số dư nhỏ nên dù có bị phong tỏa thì họ vẫn có các tài khoản khác để hoạt động. Khi biết bị cưỡng chế, doanh nghiệp vi phạm vẫn có đủ thời gian để rút hết tiền trong tài khoản ngân hàng của mình nên việc cưỡng chế thường không hiệu quả 1. Do vậy, để áp dụng hiệu quả biện pháp này đòi hỏi phải có sự kết hợp tổng hòa nhiều giải pháp khác nhau, ở cả góc độ hoàn thiện pháp luật cũng như tổ chức thực hiện. Thứ hai, bất cập về xác định số tiền phải khấu trừ Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó hoặc trong 1 Trần Thị Lâm Thi (2020), Cưỡng chế hành chính – Lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 156-157.
  7. 128 | PHÁP LUẬT VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP thời hạn không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực đối với trường hợp nộp tiền phạt nhiều lần, doanh nghiệp bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2 Điều này 1. Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì doanh nghiệp vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Như vậy, khi áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản để cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền, người có thẩm quyền phải xác định có hai khoản tiền cần phải khấu trừ: (i) số tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt; (ii) số tiền phạt chậm nộp. Đối với số tiền phạt chậm nộp, Thông tư số 153/2013/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 105/2014/TT-BTC) của Bộ Tài chính quy định quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà doanh nghiệp chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, doanh nghiệp vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt, thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt đến trước ngày doanh nghiệp vi phạm hành chính nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt. Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt căn cứ quyết định xử phạt và số ngày chậm nộp phạt để tính và thu tiền chậm nộp tiền phạt đồng thời với việc thu tiền phạt vi phạm hành chính. Thực hiện thu tiền chậm nộp tiền phạt đối với trường hợp số tiền có giá trị từ 1.000 đồng trở lên. Trường hợp số tiền có giá trị từ 1.000 đồng trở lên và có số lẻ tiền đến dưới 500 đồng thì làm tròn số lẻ thành 0 đồng, có số lẻ tiền từ 500 đồng đến dưới 1.000 đồng thì làm tròn số lẻ thành 1.000 đồng 2. Nghiên cứu thực tiễn áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, tác giả nhận thấy đa số các quyết định cưỡng chế do người có thẩm quyền ban hành chỉ tập trung khấu trừ số tiền phạt đối với vi phạm hành chính của doanh nghiệp vi phạm mà bỏ quên việc khấu trừ số tiền phạt chậm nộp. Qua đó cho thấy việc áp dụng pháp luật khi cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định. Ví dụ: ngày 8/10/2018, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh NA ban 1 Trừ các trường hợp sau tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt; trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt. 2 Điều 5 Thông tư số 153/2013/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 105/2014/TT-BTC).
  8. HỘI THẢO KHOA HỌC | 129 hành Quyết định số 223/QĐ-CCVPHC để cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của Công ty Cổ phẩn Sản xuất Vật liệu xây dựng HP số tiền 8.195.325 đồng do không tự nguyện chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 88/QĐ-XPVPHC ngày 11/4/2018. Nội dung của Quyết định cưỡng chế này chỉ thực hiện khấu trừ số tiền bị xử phạt mà không đề cập đến số tiền phạt chậm nộp trong gần 6 tháng tính từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành quyết định xử phạt đến ngày ra quyết định cưỡng chế. Thứ ba, bất cập về sử dụng tài khoản để nhận tiền khấu trừ Theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, “Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật” là một trong các khoản thu ngân sách nhà nước 1. Vì vậy, việc thu tiền phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thu ngân sách nhà nước. Theo đó, các khoản thu ngân sách trong đó có tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải được nộp trực tiếp vào Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngân hàng thương mại để tập trung các khoản thu của ngân sách nhà nước 2. Trên cơ sở đó, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính quy định doanh nghiệp vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau: (i) Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt; (ii) Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; (iii) Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; (iv) Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc nhà nước hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích 3. Thông qua quy định trên có thể thấy chủ thể có thẩm quyền thu tiền xử phạt vi phạm hành chính bao gồm Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, người có thẩm quyền xử phạt, cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không, cơ quan cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Việc nộp tiền phạt có thể thực hiện thông qua hình thức nộp tiền mặt trực tiếp hoặc chuyển khoản song dù thực hiện theo hình thức nào đều phải nộp vào đầu mối là Kho bạc nhà nước. 1 Khoản 10 Điều 2 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước. 2 Điều 32 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước. 3 Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
  9. 130 | PHÁP LUẬT VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP Biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản là một biện pháp cưỡng chế được áp dụng chủ yếu để thu tiền nộp phạt đối với doanh nghiệp có tài khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nhưng không tự nguyện thực hiện nộp phạt. Do đó, số tiền khấu trừ phải được trích chuyển đến tài khoản của Kho bạc nhà nước để phù hợp với các quy định về thu ngân sách nhà nước nói chung và thu tiền phạt vi phạm hành chính nói riêng. Vì thế, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định rõ khi nhận được quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản, doanh nghiệp bị cưỡng chế có trách nhiệm yêu cầu tổ chức tín dụng nơi mình mở tài khoản chuyển tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản của Kho bạc nhà nước ghi trong quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản 1. Đối với tổ chức tín dụng nơi doanh nghiệp mở tài khoản phải trích chuyển từ tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước số tiền mà doanh nghiệp bị cưỡng chế phải nộp. Trường hợp doanh nghiệp bị cưỡng chế không tự nguyện thực hiện việc trích chuyển thì tổ chức tín dụng thông báo cho doanh nghiệp biết việc trích chuyển; việc trích chuyển không cần sự đồng ý của doanh nghiệp bị cưỡng chế 2. Tuy nhiên, khảo sát thực tiễn áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản, tác giả phát hiện một số trường hợp khi ban hành quyết định cưỡng chế người có thẩm quyền không yêu cầu tổ chức tín dụng nơi doanh nghiệp mở tài khoản trích chuyển số tiền phạt để nộp vào tài khoản của Kho bạc nhà nước mà nộp vào tài khoản của các cơ quan không có thẩm quyền thu ngân sách nhà nước. Ví dụ: ngày 15/7/2019, Ủy ban nhân dân Thành phố H ban hành Quyết định số 2563/QĐ-CCXP để cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản đối với Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản TB (sau đây gọi tắt là Công ty TB) số tiền 1.640.000.000 đồng do không tự nguyện chấp hành Quyết định xử phạt hành chính số 2753/QĐ-XPVPHC ngày 03/07/2018. Tại mục 3 và mục 4 Điều 1 Quyết định cưỡng chế nêu rõ Công ty TB có trách nhiệm yêu cầu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh BSG chuyển tiền từ tài khoản 31310000798466 của Công ty TB đến tài khoản số 71111046142 của Sở Tài chính Thành phố H. Trường hợp Công ty TB không tự nguyện thực hiện trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định cưỡng chế thì Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh BSG có trách nhiệm trích chuyển số tiền bị khấu trừ từ tài khoản của Công ty TB đến tài khoản của Sở Tài chính Thành phố H. Như vậy, trong trường hợp này, số tiền gửi của tổ chức vi phạm khi bị áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản không được chuyển đến tài khoản của Kho bạc nhà nước nhưng lại chuyển đến tài khoản của Sở Tài chính Thành phố H. Trong khi nghiên cứu các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài chính đối với vấn đề ngân sách nhà nước thì không có bất cứ quy định nào cho phép cơ quan này thực hiện thu ngân sách nhà nước trong đó có thu tiền phạt vi phạm hành chính 3. 1 Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP. 2 Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP. 3 Điều 2 Thông tư số 04/2022/TT-BTC ngày 28/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tài chính địa phương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
  10. HỘI THẢO KHOA HỌC | 131 3. Một số kiến nghị hoàn thiện đối với biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của doanh nghiệp vi phạm hành chính Thứ nhất, cần bổ sung quy định về thủ tục phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp bị cưỡng chế. Đây là quy định cần thiết để bảo đảm biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản của doanh nghiệp vi phạm có thể được tiến hành thuận lợi và đạt hiệu quả. Tuy nhiên, do biện pháp này có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu tài khoản nên ở góc độ bảo vệ khách hàng, các tổ chức tín dụng thường có sự e dè hoặc suy xét rất kỹ lưỡng trước khi áp dụng để hạn chế sai sót cũng như tuân thủ quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, để thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản của bên phải thi hành án, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018, 2020) quy định quyết định phong tỏa tài khoản phải xác định rõ số tiền bị phong tỏa. Chấp hành viên phải giao quyết định phong tỏa cho cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án. Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản. Cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, tài sản 1. Ngay cả khi có sự quy định rõ ràng như trên nhưng việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản trong thi hành án dân sự vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định như: Một là, với sự phát triển rất nhanh của dịch vụ công nghệ như hiện nay thì thời hạn ra quyết định phong tỏa tài khoản được quy định “trong thời hạn 24 giờ” vẫn là quá dài, rất có thể xảy ra tình trạng khi ra quyết định phong tỏa thì doanh nghiệp đã kịp thời tẩu tán tiền trong tài khoản bởi các tổ chức tín dụng chỉ dựa vào quyết định phong tỏa để thực hiện, còn biên bản yêu cầu phong tỏa của Chấp hành viên thường không có giá trị buộc các tổ chức tín dụng thực hiện việc phong tỏa tài khoản. Hai là, quy định “Chấp hành viên phải giao quyết định phong tỏa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án” còn thiếu tính kịp thời. Việc giao này cần được quy định rõ là “giao ngay trong ngày làm việc” bởi nếu không giao ngay thì sẽ có trường hợp mặc dù Chấp hành viên đã ra quyết định phong tỏa nhưng vì không giao ngay quyết định phong tỏa tài khoản nên nơi quản lý tài khoản của người phải thi hành án vẫn cho người phải thi hành rút tiền, tẩu tán tiền trong tài khoản 2. 1 Khoản 2 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018, 2020). 2 Trần Phương Thảo (2018), “Các biện pháp cưỡng chế thi hành đối với tài sản là tiền theo quy định của Luật Thi hành án dân sự Việt Nam”, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 2, tr. 33.
  11. 132 | PHÁP LUẬT VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP Do vậy, khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, Chính phủ cần quy định cụ thể về thủ tục phong tỏa tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp bị cưỡng chế để người có thẩm quyền cưỡng chế, tổ chức tín dụng nơi doanh nghiệp bị cưỡng chế mở tài khoản nắm rõ và triển khai thực hiện hiệu quả. Những kinh nghiệm từ thực tiễn quy định và áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản khi tổ chức thi hành án dân sự là bài học quý giá để Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng thủ tục phong tỏa tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thứ hai, các chủ thể có thẩm quyền khi ban hành Quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản cần chú ý đến số tiền phải khấu trừ để hạn chế tình trạng bỏ sót số tiền phạt chậm nộp đang diễn ra phổ biến hiện nay. Để bảo đảm thực hiện hiệu quả nội dung này cần tăng cường vai trò và năng lực của đội ngũ thực hiện công tác tham mưu của những người có thẩm quyền cưỡng chế. Thực tiễn áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản cho thấy nhiều trường hợp người có thẩm quyền cưỡng chế áp dụng sai pháp luật xuất phát từ lý do công tác tham mưu chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, đội ngũ làm công tác tham mưu về xử phạt vi phạm hành chính cần có ý thức tự trau dồi, rèn luyện, học hỏi để nâng cao năng lực đọc hiểu và áp dụng đúng các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để bảo đảm nội dung tham mưu về áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản sẽ phù hợp với các quy định của pháp luật. Đồng thời các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phụ trách về công tác xử lý vi phạm hành chính như Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cần tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về xử phạt vi phạm hành chính để nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ thuật nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác xử phạt trong thực tiễn, từ đó góp phần bảo đảm việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt mang lại hiệu quả cao. Thứ ba, áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản là một hoạt động áp dụng quy phạm pháp luật cụ thể, tức là một hoạt động thực thi quyền lực nhà nước. Với đặc thù là biện pháp pháp lý bất lợi mang tính áp đặt, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này có khả năng gây ra thiệt hại nhất định cho các đối tượng bị áp dụng. Vì lẽ đó, khi tiến hành khấu trừ tiền từ tài khoản của doanh nghiệp vi phạm hành chính cần phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về mặt nội dung cũng như thủ tục theo quy định của pháp luật. Nếu có sự sai sót về mặt nội dung hay thủ tục trong quá trình áp dụng biện pháp cưỡng chế thì không bảo đảm về tính hợp pháp. Do vậy, khi thực hiện việc áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đòi hỏi người có thẩm quyền phải sử dụng tài khoản của Kho bạc nhà nước để nhận tiền trích chuyển từ tài khoản của doanh nghiệp vi phạm. Điều này mới phù hợp với các quy định về thu tiền xử phạt vi phạm hành chính./.
  12. HỘI THẢO KHOA HỌC | 133 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Thái Thị Tuyết Dung, Nguyễn Nhật Khanh (2017), “Bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính - Một số bất cập và hướng hoàn thiện”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 4. [2]. Trần Phương Thảo (2018), “Các biện pháp cưỡng chế thi hành đối với tài sản là tiền theo quy định của Luật Thi hành án dân sự Việt Nam”, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 2. [3]. Trần Thị Lâm Thi (2020), Cưỡng chế hành chính – Lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
13=>1