intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Minh bạch thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh mới

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

3
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Minh bạch thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh mới" đưa ra các giải pháp để khắc phục những bất cập của thị trường là yêu cầu cần thiết không chỉ nhằm phát huy vai trò của thị trường chứng khoán đối với công cuộc phục hồi nền kinh tế, là cơ sở để khẳng định vị trí phong vũ biểu của nền kinh tế, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam hòa nhập hiệu quả hơn với thị trường tài chính quốc tế. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Minh bạch thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh mới

  1. MINH BẠCH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI TS. Nguyễn Trọng Nghĩa1 ThS. Nguyễn Hải Hà2 ThS. Trịnh Thị Thu Hà3 Tóm tắt Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid - 19. Sau đợt dịch thứ 4 vừa qua, nền kinh tế đã có những tín hiệu tích cực hứa hẹn sự phục hồi sau chuỗi ngày khủng hoảng. Điểm sáng trong bức tranh kinh tế là sự bùng nổ và phát triển của thị trường chứng khoán, thể hiện ở sự tăng mạnh mẽ về quy mô thu hút vốn, tính thanh khoản, khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch, số lượng đối tượng tham gia thị trường... Xây dựng một hệ thống thể chế hoàn thiện là điều kiện tiên quyết để tạo sự lành mạnh, minh bạch trong hoạt động của thị trường sẽ là tiền đề cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Thời gian qua, thực tế hoạt động của thị trường đã bộc lộ một số những tình huống phát sinh mới đòi hỏi các cơ quan hữu trách cần có những động thái và hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong cơ chế, chính sách vận hành thị trường. Việc đưa ra các giải pháp để khắc phục những bất cập của thị trường là yêu cầu cần thiết không chỉ nhằm phát huy vai trò của thị trường chứng khoán đối với công cuộc phục hồi nền kinh tế, là cơ sở để khẳng định vị trí phong vũ biểu của nền kinh tế, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam hòa nhập hiệu quả hơn với thị trường tài chính quốc tế. Từ khóa: thị trường chứng khoán, thể chế, cơ chế chính sách, huy động vốn. 1. Đặt vấn đề Thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời tháng 7 năm 2000, trải qua 22 năm xây dựng và phát triển, có lúc thăng lúc trầm, với nhiều giai đoạn cung bậc cảm xúc khác nhau. Thị trường đã tạo ra kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển nền kinh tế, tăng cường sự hội nhập cũng như bắt kịp đà phát triển của nền kinh tế thế giới. Với chủ trương và đường lối điều hành chỉ đạo hợp lý, thị trường đã có sự khởi sắc chuyển mình đáng kể. Trong những năm gần đây, nền kinh tế thế giới và khu vực chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid - 19, thị trường vẫn có sự tăng trưởng mạnh về quy mô và thanh khoản, là kênh dẫn vốn trọng yếu của nền kinh tế. 1 Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh 2 Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh 3 Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh, Email: trinhthuhatcqtkd@gmail.com, SĐT: 0988628764 565
  2. Theo số liệu từ Uỷ ban chứng khoán nhà nước, tính đến ngày 31/12/2021 số lượng các công ty đại chúng đã đạt mức 2.192 doanh nghiệp, với số lượng vốn hóa trên thị trường đạt 9.309.889 tỷ đồng chiếm 149,84% GDP, số lượng tài khoản giao dịch đạt 4.310.211 tương đương hơn 4% dân số Việt Nam. Điều này cho thấy, các chủ trương, chính sách và biện pháp áp dụng là đúng đắn, kịp thời và hợp lý. Đây là nền tảng cho sự phục hồi và hội nhập kinh tế sau thời gian khủng hoảng. Phát triển và phát huy những mặt tích cực của thị trường chứng khoán là mục tiêu cốt lõi để có thể tạo sự đột phát trong tăng trưởng kinh tế đất nước. Tuy nhiên, gần đây, những tình huống mới phát sinh trên thị trường đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết cần có sự hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của hệ thống thể chế vận hành thị trường. 2. Thực trạng hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam những năm gần đây Quá trình phát triển hơn 20 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thể chế vận hành thị trường dần được hoàn thiện đồng bộ. Thị trường đã khẳng định vai trò kênh huy động vốn quan trọng đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, thúc đẩy quá trình hội nhập thị trường tài chính toàn cầu. Do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu, đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, song, tốc độ tăng trưởng của thị trường vẫn đạt ở mức nhanh, mạnh và có sự đột phá trong mấy năm gần đây. Sự phát triển mạnh của thị trường thể hiện ở sự gia tăng về số lượng các công ty đại chúng, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường, khối lượng giao dịch, số lượng các công ty chứng khoán, và đặc biệt là giá trị vốn hóa trên thị trường. Tốc độ tăng trưởng của TTCK Việt Nam giai đoạn 2017 - 2021 (Nguồn: Ủy ban chứng khoán nhà nước) Quá trình tái cấu trúc thị trường thời gian qua đã được thực hiện tương đối đồng bộ và hiệu quả trên cả bốn nội dung: tổ chức thị trường, hàng hóa trên thị trường, nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán. 566
  3. Các cơ cấu của thị trường đã được định hình và định hướng hoạt động hợp lý, đồng bộ. Hai thị trường cơ bản là thị trường huy động vốn (cổ phiếu, trái phiếu) và thị trường phân tán rủi ro (thị trường phái sinh) đã đi vào vận hành thu hút lượng lớn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự vận hành của 2 thị trường đã từng bước đi vào ổn định và phát huy tác dụng kênh dẫn vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh. Các cơ quan quản lý nhà nước tham gia vận hành thị trường bao gồm các sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán cũng đã được tái cấu trúc và có sự tương thích với thị trường. Hàng hóa giao dịch trên thị trường hiện nay đã tương đối đa dạng, phong phú, không chỉ bao gồm các mặt hàng truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu mà còn có các sản phẩm như chứng chỉ quỹ, hợp đồng tương lai, chứng quyền… tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư, tạo sức hút hấp dẫn trong huy động vốn. Nguồn cung hàng hóa sản phẩm trên thị trường được phát triển thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO), thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Về lượng tài khoản tham gia đầu tư trên thị trường, tính đến ngày 31/12/2021 số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt hơn 4 triệu, bao gồm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Sự tăng trường này là kết quả của công tác tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư. Nhà đầu tư là tổ chức chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư được mở rộng và phát triển do những tác động tích cực bởi sự thông thoáng, minh bạch và linh hoạt trong chính sách hỗ trợ. Quá trình tái cấu trúc các công ty chứng khoán cũng đã được đẩy mạnh. Số lượng các công ty chứng khoán hoạt động trên thị trường tương đối lớn, song quy mô, năng lực tài chính, năng lực quản trị còn thiếu và yếu, đòi hỏi công tác tái cấu trúc cần được thúc đẩy hơn nữa. Việc tái cấu trúc được thực hiện dưới hình thức sáp nhập các công ty nhỏ, giải thể những tổ chức yếu kém. Tính đến thời điểm hiện nay, theo số liệu từ UBCKNN, số lượng các công ty chứng khoán đang hoạt động là 91 công ty, một con số tương đối lớn so với dung lượng thị trường và so với các thị trường trong khu vực. Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, hoạt động của thị trường chứng khoán cũng đang đứng trước nhiều vướng mắc trong vận hành, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các đối tượng tham gia thị trường. Thứ nhất, quá trình tái cấu trúc thị trường chưa thực hiện một cách triệt để. Đầu tiên là, khung pháp lý cho thị trường còn chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các hoạt động. Trong mỗi thời kỳ, các cơ quan hữu quan (Bộ tài chính, UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán…) đã có sự phối hợp để xây dựng các giải pháp hoạt động cho thị trường. Song, khung pháp lý cho việc vận hành thị trường còn chưa bao quát được một cách toàn diện hoạt động của thị trường, còn có những “lỗ hổng” cản trở 567
  4. tính công khai, minh bạch của thị trường. Chẳng hạn, vẫn còn tình trạng, các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa không thực hiện việc niêm yết hoặc giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chính thức do trong Luật chứng khoán chưa có quy định bắt buộc này. Dẫn đến thực tế là, nhiều doanh nghiệp nhà nước thực hiện giao dịch cổ phần trên thị trường tự do, không chịu sự quản lý của nhà nước, tiềm ẩn rủi ro về lừa đảo, thao túng giá. Hay, Luật cũng chưa có quy định rõ ràng về điều kiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ, dẫn tới tình trạng, một số doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phân phối cổ phiếu ra công chúng thông qua việc mua bán lại quyền mua, gây thiệt hại cho các cổ đông hiện hành. Các quy định về việc phát hành chứng khoán để huy động vốn hiện nay còn đơn giản, “lỏng” dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp thực hiện phát hành chứng khoán để huy động vốn nhưng thực tế mục đích sử dụng vốn lại không được kiểm soát. Thứ đến là, sự phối hợp vận hành thị trường giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự hiệu quả. Hiện nay, các cơ quan tham gia quản lý, vận hành thị trường bao gồm Ủy ban chứng khoán nhà nước, sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Trung tâm lưu ký chứng khoán. Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan này thời gian qua vẫn tồn tại một số những lỗ hổng, sự kiểm tra, giám sát chưa triệt để dẫn đến tình trạng các vi phạm pháp luật về chứng khoán không được phát hiện kịp thời gây nhiễu loạn, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Tiếp đến là, các đối tượng tham gia thị trường còn yếu về năng lực tài chính, năng lực quản lý và thiếu về kỹ năng tham gia thị trường, kỹ năng quản trị rủi ro, kỹ năng dẫn dắt thị trường. Số lượng các công ty chứng khoán lớn song chưa đáp ứng yêu cầu về vốn, về quản trị vận hành. Nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chiếm tỷ trọng lớn song lại thiếu kỹ năng, còn bị khống chế bởi tâm lý đám đông. Hiện nay, theo số liệu từ UBCKNN, số lượng các nhà đầu tư trên thị trường đã đạt hơn 4 triệu, bao gồm các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo. Vì vậy, sự thiếu chuyên nghiệp xảy ra ở các giao dịch trên thị trường là không thể tránh khỏi. Song song với đó là sự thiếu minh bạch trong công khai thông tin thị trường, đôi khi dẫn đến tình trạng yếu tố tâm lý đã dẫn dắt chi phối thị trường bởi các tin đồn thất thiệt. Hai là, chế tài xử lý các hành vi vi phạm ở lĩnh vực chứng khoán còn chưa đủ sức răn đe, chưa tạo được sự nghiêm minh trong thực tế. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán hiện nay chủ yếu vẫn dừng lại ở mức độ phạt hành chính, bao gồm các hành vi như: Vi phạm về công khai thông tin, thao túng thị trường, giao dịch nội gián. Khi vận hành thị trường, việc công khai, minh bạch các thông tin tài chính của doanh nghiệp là điều cần thiết để các nhà đầu tư đánh giá, đưa ra quyết định. Các nhà đầu tư quan tâm đến thông tin báo cáo tài chính, thông tin kinh tế của doanh nghiệp, nên tính trung thực, tin cậy của các số liệu nếu không được đảm bảo thì rủi ro là rất lớn. Song chế tài xử phạt đối 568
  5. với hành vi chậm công bố thông tin, thông tin không chính xác còn chưa đủ mạnh. Cụ thể là, các công ty đại chúng thực hiện việc công khai thông tin báo cáo tài chính và sự đảm bảo cho tính chính xác của thông tin là việc công khai các báo cáo kiểm toán. Song, chế tài để nâng cao trách nhiệm trong kiểm toán báo cáo tài chính chưa hiệu quả, chưa có sự tin cậy cần thiết đối với thông tin kiểm toán, vẫn còn tình trạng bắt tay giữa công ty đại chúng và công ty chứng khoán trong công bố thông tin tài chính. Hậu quả là nhà đầu tư là người chịu mọi tổn thất vì thiếu thông tin trung thực. 3. Giải pháp minh bạch thị trường chứng khoán Việt Nam Mặc dù đại dịch Covid - 19 với những diễn biến phức tạp đã có những tác hại đáng kể đối với mọi mặt hoạt động của nền kinh tế, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những tín hiệu khả quan, khẳng định tiềm năng phát triển. Thị trường chứng khoán cần phát triển bền vững để đạt mục tiêu huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh từ các nguồn vốn nhàn rỗi của cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước. Để đạt được những mục tiêu cơ bản trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 - 2030, một hệ thống các giải pháp đồng bộ, kịp thời để xây dựng thị trường lành mạnh, minh bạch, an toàn, bền vững là điều cần thiết. Trước hết, giải pháp quan trọng đầu tiên là hoàn thiện thể chế vận hành thị trường bao gồm: Các quy tắc vận hành thị trường (hành lang pháp lý, thông lệ quốc tế), các đối tượng tham gia thị trường, các biện pháp hỗ trợ thị trường. Các lỗ hổng về mặt pháp lý cần phải được khắc phục, sửa chữa triệt để. Trước hết, Luật chứng khoán cần có sự sửa đổi trên cơ sở đồng bộ và thống nhất với các luật liên quan, đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư và phù hợp thông lệ quốc tế. Việc hoàn thiện Luật cần theo hướng thu hẹp thị trường giao dịch tự do, nâng cao năng lực của các đối tượng tham gia thị trường. Các văn bản pháp quy (thông tư, nghị định…) do các cấp, Bộ, ban, ngành cần có sự thống nhất cao, tránh trùng chéo, cứng nhắc. Các quy định về giao dịch, công bố thông tin cần có chế tài đảm tính minh bạch, hiệu quả. Hoạt động thanh kiểm tra, giám sát cần được tăng cường, xử lý nghiêm minh, thích đáng các sai phạm trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư công chúng. Công tác thông tin, truyền thông cần rõ ràng, kịp thời đảm bảo sự lành mạnh, trung thực của thông tin chính thống. Các thiết chế về đảm bảo tính đáng tin cậy của thông tin công bố của các công ty đại chúng mà chủ yếu liên quan đến các đơn vị làm công tác kiểm toán cần được thiết lập và hoàn thiện theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin của nhà đầu tư trên thị trường. Các chính sách hỗ trợ thị trường (chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa) cần được rà soát và nâng cao hiệu quả. Với tình hình hiện nay, do sự thiếu hụt nguồn vốn trung và dài hạn trên thị trường chứng khoán nên nguồn cung này chủ yếu được đáp ứng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Tình thế này buộc Ngân hàng nhà nước phải cho phép 569
  6. các ngân hàng thương mại sử dụng tối đa vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nên sẽ gây ra những rủi ro nhất định cho nền kinh tế. Lộ trình này cần có sự tăng tốc bằng cách hoàn thiện và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường phái sinh. Thứ hai, quá trình tái cấu trúc thị trường cần đẩy mạnh hơn nữa. Trước hết, vị thế, năng lực và hiệu lực quản lý của UBCKNN trong quản lý về hoạt động chứng khoán phải được cải thiện và nâng cao hơn nữa. Thực hiện hợp nhất 2 sở giao dịch chứng khoán nhằm tiết kiệm chi phí vận hành thị trường, tăng cường giám sát, quản lý nhà nước đối với hoạt động điều hành thị trường, hoàn thiện mô hình hoạt động của sở giao dịch chứng khoán trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc kinh tế thị trường. Hiện nay, sau 20 năm vận hành, hàng hóa trên thị trường đã có sự phong phú, đa dạng bắt kịp nhịp điệu phát triển của thị trường chứng khoán toàn cầu, tuy nhiên chất lượng hàng hóa cần phải được nâng cao. Việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được thúc đẩy hơn nữa theo hướng giảm thiểu phần vốn của nhà nước và phải gắn với việc niêm yết tạo hàng hóa cho thị trường. Bên cạnh đó, cơ chế cần có sự thông thoáng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài mua chứng khoán doanh nghiệp theo phương thức thỏa thuận hay đấu giá để tạo sự bứt phá nhanh, mạnh trong năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành cho doanh nghiệp niêm yết nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu kiểm soát vấn đề thâu tóm doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, khi có sự tham gia của các cổ đông nước ngoài, các doanh nghiệp có thể đạt được sự bứt phá trong năng lực tài chính và khả năng quản lý, giám sát điều hành hoạt động quản trị kinh doanh. Thứ ba, nâng cao năng lực hoạt động của các thành viên tham gia thị trường. Các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cần tái cấu trúc theo hướng nâng cao khả năng tài chính và năng lực chuyên môn. Hiện nay, mặc dù số lượng các công ty chứng khoán trên thị trường Việt Nam khá cao so với khu vực và so với khối lượng giao dịch, song năng lực tài chính thể hiện ở giá trị vốn hóa còn ở mức hạn chế, đặc biệt là năng lực quản trị công nghệ thông tin, cập nhật các bản và bảo mật của hệ điều hành máy chủ, bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu. Các tổ chức tạo lập thị trường như các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí… cần được tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để phát huy vai trò tích cực trong dẫn dắt thị trường. 4. Kết luận Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm phát triển với nhiều khó khăn và thuận lợi, quá trình vận hành đang dần đi vào quỹ đạo ổn định. Việc tạo ra một cơ chế, môi trường lành mạnh để phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là cơ sở quan trọng không chỉ để hội nhập với thị trường tài chính quốc tế mà còn là căn cứ quan trọng để tạo lập kênh huy động vốn trọng yếu cho phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo bước đột phá trong quá trình công nghiệp hóa 570
  7. hiện đại hóa đất nước. Mặc dù trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid -19, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những tín hiệu khởi sắc ấn tượng, là dấu hiệu cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường. Hai năm gần đây, sự bùng nổ trong các số liệu hoạt động trên thị trường chứng tỏ tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Khai thác các tiềm năng này một cách hợp lý, hiệu quả là yêu cầu cần thiết và cấp bách trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau khủng hoảng. Các giải pháp minh bạch hóa trong vận hành thị trường được thực hiện một cách đồng bộ, kịp thời là điều kiện cần để phát triển bền vững thị trường, dẫn dắt thị trường hoạt động theo định hướng vĩ mô. Sự phối hợp hiệu quả, sự kịp thời điều chỉnh, sự linh hoạt trong vận dụng, sự sáng tạo trong điều hành, sự quyết tâm trong lãnh đạo của các cơ quan quản lý nhà nước là những yếu tố quyết định thành công trong công cuộc minh bạch hóa thị trường chứng khoán Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ tài chính (2021), Thông tư số 57/2021/TT-BTC ngày 12/7/2021 quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác; 2. Bông Mai (2021), “Chứng khoán tăng gần 385 điểm chỉ trong năm 2021”, https://tuoitre.vn/chung-khoan-tang-gan-395-diem-chi-trong-nam-2021/ 3. Đỗ Thị Lan Anh (2022), “Thực trạng vi phạm pháp luật chứng khoán tại Việt Nam và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống”, https://tapchitoaan.vn/tapchi/public/index.php/bai-viet/nghien-cuu/thuc-trang-vi- pham-phap-luat-chung-khoan-tai-viet-nam-va-giai-phap-nang-cao-hieu-qua- phong-chong6084.html; 4. Ngọc Quỳnh (2022), “Phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, lành mạnh và bền vững”, https://congthuong.vn/phat-trien-thi-truong-chung-khoan-minh-bach-lanh- manh-va-ben-vung-170287.html; 5. Quốc hội (2019), Luật chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26/11/2019; 6. Thủ tướng (2019), Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 về phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” 571
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2