intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Mô hình quản lý công mới (NPM) trong tự chủ đại học tại Việt Nam: Nghiên cứu về trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

16
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Mô hình quản lý công mới (NPM) trong tự chủ đại học tại Việt Nam: Nghiên cứu về trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh trình bày đánh giá thực trạng và cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Mô hình quản lý công mới (NPM) trong tự chủ đại học tại Việt Nam: Nghiên cứu về trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh

  1. MÔ HÌNH QUẢN LÝ CÔNG MỚI (NPM) TRONG TỰ CHỦ ĐẠI HỌC TẠI VIỆT NAM: NGHIÊN CỨU VỀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH Nguyễn Thị Ngọc Liên Vũ Minh Hà Trần Mai Đông Lý Thị Minh Châu Trường Đại học Kinh tế TP.HCM Tóm tắt: Việc vận dụng mô hình Quản lý công mới (New Public Management – NPM) trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học đã góp phần thúc đẩy cải cách giáo dục theo hướng hiệu quả. Cải cách dựa vào thị trường, cải cách ngân sách, tự chủ, trách nhiệm giải trình, hiệu suất hoạt động, phong cách và kỹ thuật quản lý mới trong tự chủ đại học đã tác động mạnh mẽ thúc đẩy cải cách giáo dục đại học Việt Nam. Tự chủ đại học tập trung vào quá trình phân chia quyền lực, ra quyết định vấn đề liên quan đến tự chủ về tổ chức, tài chính, nhân sự và học thuật tại các cơ sở giáo dục công lập. Không đứng ngoài xu hướng chung của thế giới, Chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây đã có những chính sách chỉ đạo và ban hành luật, hướng dẫn, nghị định liên quan đến việc tăng nhiều quyền tự chủ hơn cho các cơ sở giáo dục đại học công lập trên cả nước. Bài viết nhằm mục đích đánh giá thực trạng và cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Qua nghiên cứu thực tiễn thực hiện tự chủ tại trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), 1 trong 23 trường đại học đầu tiên trên cả nước được thí điểm thực hiện tự chủ từ năm 2014, nhóm tác giả trình bày vận dụng mô hình NPM tại UEH theo hướng đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hiện nay. Từ khóa: Quản lý công mới, tự chủ đại học 1. Nhu cầu cải cách quản trị đại học Hệ thống giáo dục được quản lý một cách hiệu quả là yêu cầu tất yếu của một nền giáo dục hiện đại, đặc biệt là khi nhu cầu về giáo dục đại học của người dân ngày càng tăng cao cũng như vai trò của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển ngày càng được khẳng định trong thời đại mới. Hệ thống giáo dục đại học cũng đang trở nên đa dạng và phức tạp hơn do sự tăng trưởng về số lượng các cơ sở giáo dục tư nhân và nước ngoài, từ đó đòi hỏi nhiệm vụ quản lý và giám sát ngành trở nên chuyên biệt và phải hiệu quả hơn. Mô hình kiểm soát cũ từ Bộ giáo dục trung ương đã tỏ ra không còn hiệu quả và phù hợp trong dài hạn và đang được nghiên cứu để thay thế bằng các mô hình khác trên phạm vi toàn thế giới (Fielden, 2008). Theo đó, Rayevnyeva (2018) cho rằng các trường đại học không thể tồn tại theo thể chế truyền thống, vì mô hình quản lý như vậy không cho phép các trường có khả năng thích ứng với nhu cầu của thế giới xung quanh. Do đó, vai trò của các yếu tố liên quan trong quá trình quản trị cũng theo đó từng bước phải thay đổi, vai trò của trường đại học đã được xác định lại thành một đối tác xã hội (social partner), sinh viên trở thành người tiêu dùng chính của các dịch vụ giáo dục và yêu cầu một nền giáo dục chất lượng, doanh nghiệp mong đợi các trường đại học có thể cung cấp cho họ một đội ngũ 269
  2. nhân sự có trình độ cao, phù hợp với thị trường lao động đang chuyển đổi linh hoạt trong nền kinh tế kỹ thuật số (Rayevnyeva, 2018). Nghiên cứu của Tierney và Lanford (2016) cũng đã khẳng định đổi mới cách thức quản lý trong giáo dục đại học theo xu hướng thị trường là đòn bẩy mang lại sự thành công và phát triển lâu dài của ngành giáo dục. Giáo dục đại học công lập, dưới sự phát triển của tri thức xã hội, tác động khủng hoảng kinh tế và gia tăng cạnh tranh, đã trải qua nhiều cuộc cải cách trong những thập kỷ vừa qua (Dobbins và cộng sự, 2011). Trong bối cảnh ngân sách ngày càng hạn chế, Chính phủ các nước đã và đang tìm những cách mới điều hành hệ thống GDĐH nhằm giảm chi tiêu và hướng tới thị trường như một cơ chế điều phối mới (Middlehurst & Teixeira, 2012). Các nguyên tắc quản lý khác như tự do hóa (liberalization) và tư nhân hóa (privatization) cũng đã trở thành một trong những chính sách quản trị quan trọng tại nhiều quốc gia. Có thể nói, mục đích của các xu hướng cải cách này là nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả của lĩnh vực giáo dục đại học, cũng tương đồng với cách mà các Chính phủ áp dụng NPM trong các tổ chức và lĩnh vực chính sách công nói chung (Broucker & De Wit, 2015). 2. Quản lý công mới (NPM) trong quản trị ĐH công lập – Tự chủ đại học 2.1. Thế nào là quản lý công mới trong GDĐH? Quản lý công mới (NPM) giữ vai trò chi phối trong cải cách khu vực công từ những năm 1980 và là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm từ cả các nước phát triển và đang phát triển (Manning, 2001). NPM ra đời như là sự tất yếu ở các nước phát triển trong điều kiện họ phải đương đầu với suy thoái kinh tế, thâm hụt ngân sách. NPM được xây dựng dựa trên quan điểm cho rằng có ba vấn đề lớn tồn tại trong khu vực công - là hiệu quả, sự tham gia và tính hợp pháp (Boston, 2000). Công thức chung nhất của NPM bao gồm 7 nguyên lý (Osborne & Gaebler, 1992) • Tập trung vào quản lý thực hành và quản trị doanh nghiệp, trái ngược với phong cách tập trung quan liêu truyền thống của cơ quan hành chính nhà nước • Các tiêu chuẩn và đo lường hiệu quả một cách rõ ràng • Nhấn mạnh vào kiểm soát bên ngoài • Tầm quan trọng của việc phân tách và phân cấp dịch vụ công Chuyển sang thúc đẩy cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ công • Nhấn mạnh vào các đặc điểm và tính ưu việt của quản lý khu vực tư nhân • Đề cao kỷ luật và sự nghiêm khắc trong phân bổ nguồn lực Dưới tác động của NPM, các cơ sở GDĐH từ chỗ được coi như các tổ chức phụ thuộc vào Chính phủ, đã được chuyển đổi theo hướng trở thành 1 dạng công ty lý tưởng, một tổ chức hoàn chỉnh, có danh tính, có hệ thống phân cấp và quản lý (Brunsson & Sahlin-Andersson, 2000; Kretek et al., 2013; Tahar & Boutellier, 2013). Các mô hình trường đại học mới nổi lên có thể kể đến như kiểu trường đại học có “tinh thần doanh nhân” -entrepreneurial university- (Clark, 1998), trường đại học doanh nghiệp -enterprise university- (Marginson & Considine, 2000), với các cách thức cải cách quản trị chủ yếu theo con đường NPM đã đặt ra (de Boer, Ender & Schimank, 2008). Tuy nhiên, giáo dục đại học, cũng như y tế, có những đặc trưng riêng về truyền thống tổ chức, văn hóa và kết quả sản phẩm dịch vụ, với những yêu cầu chặt chẽ về 270
  3. kiến thức chuyên môn và tự do học thuật, cho nên có thể nói các nguyên tắc của NPM hầu như không được áp dụng hoàn toàn, hoặc được áp dụng theo một cách khác nhau, với những mức độ khác nhau (Broucker & De Wit, 2013), như Eurydice (2008, trang 104) nói “Không có mô hình nào là nổi trội đối với quản trị GDĐH ở Châu Âu: Sự đa dạng vẫn là dấu ấn đặc trung của GDĐH khu vực này”. Nói cách khác, bối cảnh quốc gia là rất quan trọng để hiểu được quản trị GDĐH trong một hệ thống nhất định, bởi vì “Cùng một chính sách cải cách nhưng sinh ra các cách giải thích khác nhau giữa các quốc gia và giữa trường đại học này với trường đại học khác' (Paradeise, 2012, trang 596). Kết quả là, khái niệm NPM trong GDĐH, giống như cùng một chiếc ô nhưng lại mang nhiều ý nghĩa. Vậy, những đặc điểm tiêu biểu nào có thể được xác định khi vận dụng NPM trong lĩnh vực GDĐH? Những đặc điểm đặc trưng của NPM trong GDĐH đã được đề cập trong một số tài liệu nghiên cứu. Theo đó, Marginson (2009) nhấn mạnh đến cải cách doanh nghiệp hóa, tăng thu học phí từ sinh viên, nhấn mạnh vai trò của các tổ chức tư nhân, khuyến khích hoạt động kinh doanh thương mại trong nghiên cứu, tạo ra sự cạnh tranh cho các gói tài trợ do chính phủ cung cấp và kết quả đầu ra (Marginson, 2009). Tổ chức các nước OECD chú trọng đến các nguyên tắc lãnh đạo, khuyến khích cạnh tranh giữa các cơ quan khu vực công và các tổ chức tư nhân để nâng cao kết quả công việc và hiệu quả chi phí của dịch vụ công (Hénard và Mitterle, 2006). Bleiklie và Michelsen (2013) nhấn mạnh việc phân cấp (lãnh đạo và quản lý), các hạn chế về ngân sách, chính thức hóa đánh giá và tăng quyền tự chủ cho các tổ chức. Ferlie và cộng sự (2008) đưa ra danh sách mười đặc điểm, bao gồm các cải cách dựa trên thị trường như kích thích cạnh tranh cho sinh viên, tài trợ và khuyến khích các nhà cung cấp khu vực tư nhân; cung cấp chi phí thực sự đối với học phí sinh viên và hợp đồng nghiên cứu; phát triển của hệ thống kiểm toán; và chỉ đạo theo chiều dọc với chủ nghĩa quản lý mạnh mẽ và công khai hơn. Tóm lại, mô hình NPM trong GDĐH bao gồm nhiều hoạt động đa dạng khác nhau, nhưng có thể được chia thành 4 nội dung chính: (i) cải cách dựa vào thị trường, (ii) cải cách ngân sách, (iii) tự chủ, trách nhiệm giải trình và hiệu suất hoạt động; (iv) phong cách quản lý mới và các kỹ thuật quản lý mới (Bảng 1). Có thể nói, mặc dù NPM bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, nhưng trong thực tế, để thực hiện cải cách, không phải yếu tố nào cũng phải được thực hiện hoặc thực hiện ở một mức độ giống nhau (de Boer và cộng sự, 2008). Việc áp dụng một ý tưởng mới hoặc một chính sách cải cách mới nên theo hướng khám phá tiềm năng và giới hạn yếu điểm của NPM, là cách tiếp cận phổ biến trong cải cách quản lý công, nhất là đối với lĩnh vực GDĐH, là lĩnh vực mà tự chủ thể chế và tự do học thuật là những giá trị cơ bản nhất. Sự tương thích giữa tính hợp lý của các chính sách cải cách và bản chất thực chất của các hoạt động giáo dục phải được phân tích một cách sâu sắc, kỹ càng hơn so với hầu hết các lĩnh vực công khác (Bleiklie, 1998). 271
  4. Bảng 1. Bốn lĩnh vực chính của mô hình NPM trong cải cách GDĐH Marginson Henard và Bleiklie và Ferlie và cộng sự (2009) Mitterle Michelsen (2008) (2006) (2013) Cải cách Mở rộng trách Sự cạnh Cạnh tranh thu hút sinh dựa vào nhiệm của các tranh giữa viên và quỹ tài trợ; thị trường trường tư; Thúc các cơ quan Khuyến khích gia nhập đẩy các hoạt động nhà nước và thị trường và khả năng thương mại; tạo các tổ chức chấp nhận thất bại sự cạnh tranh tư nhân Cải cách Nhấn mạnh Hỗ trợ tài Những ràng Giá trị của nguồn tiền; ngân nguồn thu từ học chính buộc trong phát triển giá trị thực sách phí ngân sách và đưa ra mức học phí thực cho sinh viên; cứng rắn trong việc ràng buộc ngân sách mềm Tự chủ, Mô hình đầu ra Ưu đãi Sự thành lập Phương thức đo lường trách các hệ thống và giám sát công việc; nhiệm đánh giá; trao hệ thống kiểm toán và giải trình nhiều quyền kiểm tra; quản lý dọc và hiệu tự chủ hơn suất hoạt động Phong Cải cách doanh Các quy tắc Phân hóa theo Sự phát triển mạnh mẽ cách nghiệp hóa lãnh đạo cấp bậc các vai trò quản lý và quản lý điều hành; giảm sự đại mới và diện của giảng viên; các kỹ giảm sự ảnh hưởng của thuật chính quyền địa quản lý phương mới 2.2. Cải cách dựa vào thị trường, cải cách ngân sách, tự chủ, trách nhiệm giải trình, hiệu suất hoạt động, phong cách và kỹ thuật quản lý mới trong tự chủ đại học đã tác động mạnh mẽ thúc đẩy cải cách giáo dục đại học Việt Nam. Tự chủ đại học (university autonomy) tập trung vào quá trình phân chia quyền lực, ra quyết định vấn đề liên quan đến tự chủ về tổ chức, tài chính, nhân sự và học thuật tại các cơ sở giáo dục công lập. Tự chủ đại học được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào nhận thức về vai trò của nhà nước đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Tự chủ - autonomous – được diễn giải theo cách thức truyền thống có nghĩa là “auto” (self – tự mình) và “nomos” (có nghĩa là quy tắc hoặc luật lệ), còn “autonomia” đề cập đến quyền tự trị, quyền tự do xác định các quy tắc và chuẩn mực (Ballou, 1998). Enders, Boer và Weyer (2013) cho rằng tự chủ liên quan đến cả tự bản thân của bên liên quan (có khả 272
  5. năng hoặc năng lực) và mối quan hệ của bên liên quan với môi trường bên ngoài (độc lập hoặc tự do khỏi sự kiểm soát bên ngoài). Theo Raaza (2010), tự chủ đại học được hiểu là “mức độ tự do điều hành của một trường đại học” hoặc “điều kiện mà trường đại học tự quyết định cách thức thực hiện công việc”. Bên cạnh đó, Unesco (2013) cho rằng tự chủ đại học là sự tự do của cơ sở giáo dục trong việc điều hành hoạt động của họ, mà không có sự kiểm soát hoặc ảnh hưởng trực tiếp bởi chính phủ. Ở các nước châu Âu, tự chủ đại học được nhìn nhận từ hai khía cạnh: thoát ra khỏi sự kiểm soát, hạn chế của các cơ quan quản lý nhà nước, của thị trường lao động, nhà cung cấp dịch vụ và các ảnh hưởng chính trị, là quyền tự do đưa ra các quyết định về cách thức tổ chức hoạt động cũng như mục tiêu sứ mạng của trường. Tự chủ được thể hiện ở hai cấp: cấp độ giữa trường đại học với nhà nước, và cấp độ giữa trường với các bộ phận trong trường. Tự chủ cũng có thể chỉ có tính chất thủ tục, hình thức (procedural) – quyền quyết định các phương tiện, cách thức để đạt đến mục tiêu đã được xác định trước, hoặc tự chủ có tính thực chất (substantial) – quyền quyết định các mục tiêu cũng như chương trình hoạt động. Tự chủ cũng có thể được nhìn nhận như là các quyền lực có điều kiện: các trường chỉ có thể có quyền tự chủ khi đã đạt được các chuẩn mực quốc gia hoặc các chuẩn mực đã được định sẵn theo các chính sách công. 3. Tổng quan tình hình quản trị đại học tại Việt Nam 3.1. Quan điểm, chính sách của Nhà nước Vấn đề quyền tự chủ đại học đã được quy định một cách chính thức trong điều lệ trường đại học ban hành từ năm 2003 theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại Điều 10 của điều lệ: “Trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự”. Trong năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ- CP ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Nghị quyết đã khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học, sự quản lý của Nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với giáo dục đại học, theo đó đổi mới cơ chế quản lý cần chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính. Luật Giáo dục đại học 2012 ra đời tiếp tục khẳng định quyền tự chủ đại học như là một trong ba nội dung trọng tâm của luật. Theo đó, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học được quy định tại Điều 32 của Luật Giáo dục Đại học 2012, cụ thể: “Cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Cở sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”. Không chỉ dừng lại ở việc quy định quyền tự chủ nói chung của các cơ sở giáo dục đại học, Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/12/2014 đã cụ thể hóa quyền này, giúp các cơ sở giáo dục đại học có được hướng phát triển rõ ràng dựa trên những quy định chi tiết. Ngày 24/10/2014, Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 là một bước phát 273
  6. triển mới nhằm đưa mô hình tự chủ đại học đi vào thực tiễn một cách sâu sắc hơn. Theo đó, 23 cơ sở giáo dục đại học được thực hiện thí điểm và cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện, được chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, chủ động hơn về tài chính, đầu tư mua sắm, tổ chức bộ máy nhân sự, đặc biệt là về học thuật,… để nâng cao chất lượng đào tạo. Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, ngày 14/2/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho tất cả các trường đại học công lập có đủ điều kiện, cam kết tự đảm bảo kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Việc ban hành Nghị định này đã tạo những bước đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung cũng như các cơ sở giáo dục đại học công lập nói riêng. Một trong các chính sách lớn của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học. Trên cơ sở đó, Nghị định 99/2019/NĐ-CP của chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung này. Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ về: học thuật và hoạt động chuyên môn; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính và tài sản. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng Giáo dục Đại học, thực hiện hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị định 99 gồm 20 điều đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những nội dung chính căn bản các nhóm vấn đề: Hệ thống cơ sở GDÐH; chuyển trường đại học thành đại học và thành lập trường thuộc cơ sở GDÐH; liên kết các trường đại học thành đại học; công nhận cơ sở GDÐH định hướng nghiên cứu; quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình… Ðáng chú ý, một trong các chính sách lớn tác động đến GDÐH là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học. 3.2. Kết quả thực hiện thí điểm tự chủ đại học 3.2.1. Kết quả ban đầu Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP về Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 là văn bản cụ thể hóa vấn đề tự chủ cho các trường đại học, đồng thời các quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các trường đại học lại cụ thể hóa hơn nữa đối với đặc điểm của từng trường. Có thể nói, các trường có những điểm chung, điểm riêng khác nhau nhưng đổi mới cơ chế hoạt động đều dựa trên nền tảng của Nghị quyết 77 của Chính phủ. Tính đến tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 theo Nghị quyết 77 cho 23 cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc các Bộ, ngành trung ương, gồm 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm (trong đó có 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7/2017). Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và đảm bảo nguồn thu, được xã hội công nhận, thể hiện ở một số mặt sau: 274
  7. 1. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học nói chung và tự chủ đại học nói riêng đã được xây dựng và ban hành, từng bước thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tự chủ đại học. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập đã liên tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn. 2. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự, theo hướng hiệu quả hơn, tăng cường năng lực bảo đảm chất lượng của đơn vị thông qua việc nâng cao trình độ, năng lực cũng như thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Theo Báo cáo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp với lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên) tăng lên trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên và nhân viên) giảm xuống trong đó chú trọng hơn đến việc sử dụng công nghệ thông tin hoặc thuê ngoài nhằm tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy. Tính đến tháng 7/2017, số lượng giảng viên chiếm 63,12% tổng số lực lượng lao động của các trường, lao động gián tiếp chiếm 29,78% (Phạm Tất Thắng & Nguyễn Thị Tuyết Nga, 2018) 3. Năng lực giảng viên được tăng cường: Hầu hết các trường đều quan tâm đến việc phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng giảng viên cũng được tăng lên đáng kể, số lượng cán bộ/giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị từ thạc sĩ trở lên tại các trường đã tự chủ tăng lên đáng kể, số lượng cử nhân giảm xuống so với giai đoạn trước tự chủ. Về phát triển đội ngũ giảng viên, năm học 2016-2017, tổng số giảng viên trong các trường đại học là 72.792 người, tăng 4,6% so với năm học 2015-2016, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 (tăng 21,4%) và thạc sĩ là 43.065 (tăng 6,6%). Kết quả tích cực này đến từ việc các trường chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng viên, tuyển dụng đội ngũ giảng viên có học vị từ tiến sĩ trở lên, kéo dài thời gian công tác đối với giảng viên có chức danh, học vị cao. Hình 2. Sự thay đổi về chất lượng nhân sự của các trường tự chủ (2015-2017) Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nhung-con-so-biet-noi-ve- giao-duc-dai-hoc-viet-nam-389870.html 275
  8. 4. Nhiều trường đã chủ động mở ngành và phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội. Phương pháp, nội dung giảng dạy tiên tiến, tiếp cận chuẩn quốc tế; quy mô đào tạo ổn định. 5. Công tác kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học cũng được các trường chú trọng đẩy mạnh, tạo ra sự chuyển biến rõ nét về chất lượng đào tạo trong thời gian gần đây. Theo đó, Tính đến tháng 3/2020, cả nước có 202 trường đại học hoàn thành tự đánh giá, trong đó có 125 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiên chuẩn trong nước và 07 trường - theo tiêu chuẩn nước ngoài; có 221 chương trình đào tạo đại học đã được đánh giá và công nhận bởi tổ chức kiểm định trong nước (65) và nước ngoài (156) (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2020). Bên cạnh đó, thứ hạng trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế của các trường đại học Việt Nam ngày càng được cải thiện. Nếu như trước năm 2014, cả Việt Nam duy nhất ĐHQG Hà Nội lọt vào bảng xếp hạng đại học Châu Á của QS University Rankings với vị trí trong nhóm 250 trường hàng đầu thì đến năm 2016-2017, Việt Nam có 4 trường đại học được URAP xếp hạng (ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQG TP.HCM), 3 trường đại học được SCImago xếp hạng, 5 trường đại học được QS University Rankings xếp hàng (ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, ĐH Huế, ĐH Cần Thơ) (Nhật Hồng, 2017). 6. Các trường được chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn… trong đầu tư mua sắm, tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng đối với người học, thực hiện chính sách xã hội hóa đối với người học, có những thay đổi về chính sách học bổng và học phí đối với đối tượng chính sách. Ngoài ra, các khoản chi được kiểm soát, gia tăng tiết kiệm, đảm bảo tính hiệu quả khi triển khai các chương trình, hoạt động cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội như miễn giảm học phí, cung cấp học bổng. Thu nhập của người lao động đã tăng lên rõ rệt so với thu nhập bình quân giai đoạn trước khi thực hiện tự chủ. Các trường đã mạnh dạn chi cho nghiên cứu khoa học, chi hỗ trợ sinh viên, chi cho đầu tư mua sắm trang thiết bị… 7. Chất lượng nghiên cứu khoa học được nâng cao: 19/23 trường đại học công lập thí điểm tự chủ từ 2015-2017 cũng có bước nhảy vọt về số lượng cũng như chất lượng các bài báo công bố quốc tế. Trong giai đoạn 2013-2016, số lượng các bài viết được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng lên nhiều nhất (số lượng năm 2016 gần gấp đôi so với năm 2014 - từ 848 bài tăng lên 1.651 bài). Số hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng gần gấp 3 trong giai đoạn 2013-2015 (Thanh Hùng, 2019). 8. Các hoạt động quốc tế hóa được đẩy mạnh: Mở rộng các chương trình trao đổi giảng viên, cán bộ quản lý, sinh viên và công nhận trình độ đào tạo của nhau. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và giảng dạy, để đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình…, phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế. Xây dựng các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học có uy tín của khu vực và trên thế giới nhằm tiến tới “nội địa hóa” giảng viên giảng dạy ở các chương trình này. Như vậy, các trường thực hiện tự chủ đã được giao quyền mạnh mẽ hơn trong các hoạt động giúp giảm bớt các thủ tục hành chính nên đã chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, từng bước chủ động đổi mới cơ chế để hoạt động ngày càng hiệu quả. 276
  9. 3.2.2. Tồn tại, hạn chế, khó khăn tồn đọng Bên cạnh những kết quả đạt được, các trường đại học công lập đang gặp phải những khó khăn, hạn chế sau: 1. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thiếu quy định và định nghĩa cụ thể về tự chủ và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường, cũng chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh để thực hiện tự chủ; nhận thức về tự chủ của một số cơ sở giáo dục đại học và cán bộ quản lý giáo dục còn chưa thống nhất và chưa đầy đủ; cách tiếp cận và tư duy về bản chất, mức độ thực hiện tự chủ đại học còn có điểm khác nhau giữa cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan quản lý về quan điểm, cách thức, mức độ thực hiện tự chủ. Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản hiện vẫn còn rất chồng chéo, nhiều qui định, văn bản pháp lý chưa thay đổi kịp để hỗ trợ các trường đại học tự chủ. Theo đó, trường đại học công lập đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của hàng loạt các bộ luật từ nhiều cơ quan Nhà nước khác nhau như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chức và các luật về thuế, tài chính; các nghị định của Chính phủ, Điều lệ trường đại học và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Sự không thống nhất trong nội dung các văn bản này gây rất nhiều khó khăn cho tiến trình tự chủ toàn diện của các trường ĐH. 2. Vai trò của Hội đồng trường, tiền đề cần thiết cho việc triển khai thực hiện tự chủ đại học, chưa được xem trọng: Mặc dù Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực hơn 5 năm nay nhưng vai trò của Hội đồng trường còn rất mờ nhạt, vì trên thực tế các cơ quan chủ quản vẫn giữ quyền can thiệp sâu vào mọi hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Điều này khiến Hội đồng trường bị vô hiệu hóa, còn nhiều trường đại học công lập chưa thành lập Hội đồng trường. Tính đến tháng 8-2018, mới có 45% các trường đại học thành lập hội đồng trường (Lê Ngọc Hùng, 2019). Ngay cả những cơ sở đã thành lập Hội đồng trường thì nhiều Hội đồng trường cũng chưa phát huy được vai trò nên ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học, làm cho việc sử dụng nguồn lực kém hiệu quả và chất lượng đào tạo chưa được nâng cao. 3. Hạn chế trong đa dạng hóa nguồn thu: Tuy nguồn thu có tăng đáng kể nhưng chưa tạo ra lợi thế lớn cho sự phát triển của các trường. Nguồn thu của các trường tự chủ đại học hiện nay chủ yếu vẫn là từ học phí. Các nguồn thu khác như thu hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ tư vấn và chuyển giao khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn giáo dục đào tạo theo hợp đồng cho các tổ chức và cá nhân trong nước... còn hạn chế. Do hạn hẹp về ngân sách nên việc đầu tư đồng bộ là rất ít. Nhiều trường đại học công lập được đầu tư cơ sở vật chất theo kiểu “nhỏ giọt” nên chi phí bảo dưỡng, sửa chữa lớn trong khi hiệu quả sử dụng không cao. 4. Một số trường xây dựng đề án và trình phê duyệt còn chậm. Vì vậy, thời gian thực tế thực hiện đề án thí điểm còn rất ngắn, chưa đủ thời gian để thực hiện kế hoạch dài hạn đặt ra. Các hạn chế trên dẫn đến hiệu quả thực hiện tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học chưa cao, chưa thực sự trở thành động lực giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường cạnh tranh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. 277
  10. 4. Thực trạng thực hiện tự chủ tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh Là một trong những trường đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã gặt hái được nhiều thành công trong các lĩnh vực hoạt động. Một số điểm nổi bật có thể kể đến như: tự chủ về tổ chức giúp trường chủ động trong việc sắp xếp, phân bổ nhân sự phù hợp với chiến lược hoạt động của Nhà trường; tự chủ về tài chính giúp trường được chủ động gia tăng nguồn lực để hỗ trợ công bố quốc tế, thực hiện tốt chế độ học bổng, chính sách ổn định nguồn thu và thu nhập của người lao động cũng như tăng cường trang thiết bị, phát triển cơ sở vật chất; tự chủ về nhân sự giúp trường thực hiện hiệu quả chiến lược bồi dưỡng, đào tạo và thu hút người tài; tự chủ về học thuật giúp trường được chủ động xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo xu thế hội nhập, in và cấp phôi bằng kịp thời cho người học cũng như mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước Điều này thể hiện cụ thể qua các kết quả thực hiện sau: 4.1. Tự chủ về tổ chức, nhân sự Quyết định 2377/QĐ-TTg là nền tảng pháp lý để Trường tăng cường hơn nữa trong việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giám sát mọi hoạt động của mình. Trên nền đề án tự chủ, Trường đã xây dựng phiên bản mới về: Quy chế Tổ chức và hoạt động trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; Quy định chức năng, nhiệm vụ và quan hệ làm việc của các đơn vị trực thuộc. Trong nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trường không ngừng đầu tư vào đội ngũ. Đến nay, đã có trên 2000 lượt viên chức UEH được cử tham gia nhiều nội dung đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn trong và ngoài nước, 153 viên chức đi học tại các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới. 4.2. Tự chủ về tài chính Quyết định 2377/QĐ-TTg đã tháo gỡ phần lớn những bất cập trong quản lý về tài chính đối với những đơn vị được lựa chọn thí điểm tự chủ từ năm 2008. Có thêm nguồn lực tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học, nhất là nghiên cứu hàn lâm, tổ chức các hội thảo quốc tế có uy tín tại Trường, đầu tư phát triển đội ngũ về chuyên môn, thực hiện chính sách, cơ chế thu hút và bồi dưỡng nhân tài, cải thiện và phát triển cơ sở vật chất. Theo đó, thực hiện cam kết theo Đề án thí điểm đổi mới hoạt động đã được Chính phủ phê duyệt, Trường thực hiện thu học phí, lệ phí theo kế hoạch như lộ trình quy định cũng như xây dựng quy định phân phối thu nhập nhập tăng thêm từ Trường theo chất lượng công việc và được công khai trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường. Bên cạnh đó, Trường đã trích lập quỹ tăng gấp 02 lần so với trước tự chủ, đặc biệt là Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và ưu tiên cho đầu tư cơ sở vật chất. Với nguồn quỹ phát triển sự nghiệp tích lũy, Trường không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin. Trường đang thực hiện dự án xây dựng cơ sở 279 Nguyễn Tri Phương 15 tầng và dự án cơ sở Nam Thành phố với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và các dự án khác như ký túc xá hiện đại, thư viện thông minh. Tự chủ về tài chính giúp Trường được chủ động hơn trong việc quyết định các chính sách học bổng, học phí đối với đối tượng chính sách. Theo đó, Trường đã ban hành quy định về chính sách học bổng dành cho sinh viên hệ đại học chính quy giai đoạn 2015 – 2017. Nguồn thu từ tiền lãi gửi tại các NHTM tạo điều kiện gia tăng quỹ học bỗng cho sinh viên đặc biệt là với các SV học giỏi thuộc diện chính sách và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tạo điều kiện thực hiện tốt chính sách miễn, giảm học phí, học 278
  11. bổng đối với sinh viên diện chính sách, sinh viên nghèo học giỏi, giúp các em có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ học tập. Tổng quĩ học bồng hàng năm trao cho SV đạt gần 20 tỷ đồng. Về chương trình tín dụng học tập, Trường phối hợp Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) triển khai chương trình tín dụng học tập dành cho sinh viên: Tạo điều kiện cho người học hoàn thành nghĩa vụ đóng học phí khi chưa có điều kiện trang trải học phí. Ngoài ra, Trường đã huy động nguồn lực từ bên ngoài tham gia vào hoạt động tín dụng học tập. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tài trợ trực tiếp học bổng cho sinh viên với số tiền tài trợ trên 3 tỷ đồng. 4.3. Tự chủ về học thuật a. Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế - Với định hướng nâng cao chất lượng đào tạo tiệm cận quốc tế với phương châm “học những gì thế giới đang học”, Trường đã triển khai xây dựng “Chương trình tiên tiến quốc tế UEH” dựa trên nguyên tắc: chương trình tương đồng top 100 với các chương trình sau đại học và top 200 với các chương trình đại học từ các trường tiên tiến trên thế giới. hệ thống giáo trình nhập khẩu hai năm đầu sẽ học giáo trình được dịch ra tiếng việt và 2 năm sau vào giai đoạn chuyên ngành học hoàn toàn giáo trình tiếng anh. - Chương trình tiên tiến quốc tế UEH sẽ giúp cho sinh viên tốt nghiệp được thừa nhận trên thị trường lao động quốc tế và được liên thông một cách đầy đủ tại các trường đại học nước ngoài. - Tăng cường giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh và đào tạo một số ngành học bằng tiếng Anh như ngành quản trị kinh doanh... Các luận án tiến sĩ công bố quốc tế ngày càng nhiều. b. Tự chủ mở các ngành trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp điều kiện đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu xã hội - Trong năm 2015, Trường đã xây dựng và áp dụng Quy trình thẩm định chương trình đào tạo và Quy trình mở ngành, chuyên ngành đào tạo tại Trường theo đúng qui định và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo đầy đủ. - Linh hoạt hơn trong liên kết đào tạo. Rút ngắn thời gian và qui trình công bố một ngành mới. c. Thực hiện kiểm định giáo dục đại học bảo đảm chất lượng đào tạo Trường trở thành thành viên của Tổ chức Kiểm định chất lượng giáo dục đại học mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA Associate Member University). Đây là nền tảng cơ bản và vững chắc để phát triển Chương trình tiên tiến quốc tế UEH trong quá trình hội nhập khu vực và vươn tới các chương trình hiện đại trên thế giới. Trường đã hoàn thành kiểm định trong nước theo tiêu chuẩn Bộ GD&ĐT, đạt 03 chương trình theo tiêu chuẩn AUN-QA và 04 chương trình theo tiêu chuẩn FIBAA của kiểm định quốc tế. Đồng thời, Trường đã trở thành thành viên liên kết (Associate Member) của Tổ chức Kiểm định chất lượng giáo dục đại học mạng lưới các trường đại học ASEAN, thành viên của Hiệp hội Kinh tế và Kinh doanh Á Âu (EBES). Từ năm 2008 đến nay, Trường được tổ chức Eduniversal xếp hạng trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam, nằm trong top 1000 trường đào tạo kinh doanh tốt nhất thế giới (Nguyễn Đông Phong, 2018). 279
  12. d. Xây dựng phương án tuyển sinh riêng phù hợp với yêu cầu, lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và yêu cầu xã hội - Trường đã chủ động xây dựng phương án xét tuyển với các tổ hợp môn thi mới phù hợp với yêu cầu đào tạo và thực hiện phương án xét tuyển đúng quy chế, quy trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. - Công tác xét tuyển được thực hiện đúng tiến độ, minh bạch, công khai, tiết kiệm và hiệu quả. e. Thực hiện in, cấp phát và quản lý văn bằng cho các trình độ đào tạo Trường đã ban hành Quy chế Quản lý văn bằng, chứng chỉ; đồng thời, ban hành các quy định về mẫu văn bằng Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ gắn với thương hiệu UEH. Chính thức lưu hành hệ thống văn bằng do Trường phát hành. Người học nhận được bằng ngay sau khi tốt nghiệp đáp ứng quyền lợi chính đáng của người học trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường lao động. f. Tự chủ trong nghiên cứu khoa học; xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và xét chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - Đã chủ động xây dựng Đề án phấn đấu trở thành Đại học định hướng nghiên cứu. Trường đã tạo điều kiện tốt để giảng viên công bố bài viết trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước, đặc biệt là để công bố quốc tế trên các tạp chí theo chuẩn ISI, Scopus bằng cách hình thành Quỹ Nghiên cứu hàn lâm với nguồn kinh phí sự nghiệp của Trường. - Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước, của các Vùng kinh tế; Nghiên cứu phục vụ phát triển các doanh nghiệp trong và ngòai nước, bao gồm khởi nghiệp và phát triển kinh doanh bền vững. - Với cơ chế tự chủ, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường tăng lên về số lượng và chất lượng với mức hỗ trợ từ 100 - 200 triệu đồng/bài cùng với các chính sách khen thưởng khác nhằm khuyến khích và tạo cơ hội cho giảng viên thực hiện nghiên cứu công bố quốc tế. g. Tự chủ liên kết đào tạo, nghiên cứu và triển khai với đối tác quốc tế - Thúc đẩy Hợp tác quốc tế về hội thảo khoa học và trao đổi giảng viên, SV. Mỗi năm, Trường cùng các đối tác trên thế giới đã tổ chức trung bình 15 hội thảo và báo cáo chuyên đề quốc tế. - Trong môi trường tự chủ, Trường có nhiều thuận lợi hơn khi tiếp tục chủ động mở rộng hợp tác và triển khai thực hiện các chương trình liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với các đối tác nước ngoài: chủ động hơn về quy trình liên kết hợp tác của Trường, tăng số lượng và chất lượng các đối tác quốc tế, nâng cao trách nhiệm của Trường khi thực hiện ký các quyết định hợp tác với đối tác quốc tế dựa trên việc vận dụng các quy định hiện hành của Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo. - Song song với chương trình đào tạo tiên tiến, năm 2018 Trường đã đưa và thu hút hơn 500 sinh viên UEH ra thế giới và sinh viên quốc tế về UEH thông qua các chương trình: trao đổi sinh viên, du học chuyển tiếp, thực tập tại các công ty ở các quốc gia phát triển (Mỹ, Pháp, Úc, Hà Lan, New Zealand, …) với 24 chương trình đào tạo liên kết nước ngoài và mạng lưới các trường đối tác ở 4 châu lục. 280
  13. 4.4. Cơ chế giám sát Trường đã thành lập Hội đồng trường theo quyết định số 2309/QĐ-BDĐT ngày 1/7/2015 của Bộ giáo dục và Đào tạo và đã đi vào hoạt động với những nội dung: xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011 – 2016, phê duyệt về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể của trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh theo đề nghị của Hiệu trưởng; Quyết nghị về phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, đảm bảo chất lượng giáo dục; Quyết nghị về việc huy động, quản lý các nguồn lực, cơ sở vật chất, phương hướng đầu tư phát triển theo đề nghị của Hiệu trưởng; Quyết nghị về cơ cấu tổ chức, việc thành lập, sát nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc; Giới thiệu nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định. Theo Nghị quyết số 39/NQ-CP, tại phiên họp thường kỳ diễn ra vào ngày 31 tháng 5 năm 2019, Chính phủ đã ra Quyết nghị 07 điều. Đặc biệt, tại điều 6, về thí điểm mở rộng quyền tự chủ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Chính phủ thống nhất cho phép: “Trong giai đoạn 2019-2023, các Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh được thí điểm áp dụng tuổi nghỉ hưu cao hơn (không quá 65 đối với nam và 60 đối với nữ) đối với Chủ tịch Hội đồng trường theo quy định tại khoản 3 Điều 187 Bộ Luật Lao động để khuyến khích người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín, có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học, có đủ sức khỏe, tự nguyện thực hiện nhiệm vụ, tham gia Hội đồng trường để được bầu làm Chủ tịch Hội đồng trường nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả của Hội đồng trường. Cơ chế bầu Chủ tịch Hội đồng trường phải đảm bảo thực sự khách quan, cạnh tranh, minh bạch, tìm đúng người tài đức trên cơ sở ứng viên trình bày chương trình hành động và đối thoại trước hội nghị cán bộ chủ chốt mở rộng toàn trường. Giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi ban hành quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng trường đối với các trường hợp nêu trên. Người lao động nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và có xác nhận của các Trường này thì không thuộc diện cấp giấy phép lao động.” Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã khẳng định vai trò quan trọng của Hội đồng trường trong một trường đại học, là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu, quyết định về chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển của Trường, cơ cấu tổ chức, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị, các chủ trương, chính sách đầu tư, thu hút các nguồn vốn phát triển… và giám sát hoạt động của trường. Thực hiện theo lộ trình, tiến độ, các hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, ngày 20/6/2020, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 – 2025, với sự tham dự của 484 đại biểu được bầu từ Hội nghị viên chức đơn vị thuộc/trực thuộc UEH. Bên cạnh đó, với việc tháo gỡ những quy định pháp lý liên quan đến giảng viên người nước ngoài, Trường đã thu hút được các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu thế giới về làm việc tại Trường với nhiều chính sách tiên phong hấp dẫn và tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ. Hiện nay, Trường có 122 chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài đang làm việc, giảng dạy và nghiên cứu tại Trường. 281
  14. Tóm lại, qua thời gian thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những văn bản, quy định trên đã góp phần gỡ bỏ những ràng buộc, vướng mắc và là điểm tựa cơ bản để Trường tiếp tục phấn đấu hoàn thành sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu đề ra. Định hướng phát triển của UEH đã và đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025. Hoạt động quốc tế hóa đã diễn ra mạnh mẽ và đồng bộ trên tất cả phương diện của Nhà trường trong nhiều năm qua, không chỉ ở lĩnh vực đào tạo mà trong đó còn có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. 5. Vận dụng mô hình NPM tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, vốn được xem là nơi sản sinh ra những doanh nhân lỗi lạc của Việt Nam, giờ đang bước vào một lộ trình đầy thách thức theo chiến lược quốc tế hóa bắt đầu từ quốc tế hóa chương trình đào tạo và áp dụng mô hình quản trị đại học hiện đại theo hướng đổi mới, sáng tạo. Là một trong 18 Trường trọng điểm quốc gia và là một trong những trường đại học uy tín nhất Việt Nam, vốn được biết đến với tên gọi UEH, đã “sản sinh” ra các nhà lãnh đạo cấp cao tại các bộ ban ngành địa phương và các doanh nhân thành công. Trong những năm gần đây, ngôi trường gần 45 tuổi đời này đang nỗ lực thay đổi hình ảnh và thổi vào đó tinh thần đổi mới, sáng tạo. Đây là kỳ vọng của Chủ tịch Hội đồng trường GS.TS Nguyễn Đông Phong nhằm đưa ra mô hình định hướng phát triển mới cho UEH nói riêng và các trường đại học được Thủ tướng cho phép tự chủ nói chung với mục đích giúp trường tự đổi mới, giảm tài trợ công (từ ngân sách nhà nước) và đa dạng hóa nguồn thu, gia tăng năng lực đổi mới sáng tạo cho xã hội tạo động lực để thúc đầy, phát triển nền kinh tế Việt Nam. Để có thể thực thi được mô hình quản trị đại học hiện đại theo tinh thần đổi mới, sáng tạo, UEH xây dựng và phát triển một định chế (i) Nỗ lực tìm kiếm những cơ hội mới, có nghĩa là những chương trình và lĩnh vực nghiên cứu mới; sẵn sàng chấp nhận rủi ro, linh hoạt điều chỉnh chính sách, và khen thưởng các kết quả tốt; (ii) Trao cho các giáo sư quyền thực thi trách nhiệm một cách năng động, sẵn sàng đổi mới sáng tạo. Quyền tự chủ nội bộ đối với hoạt động nghiên cứu và các chương trình học tập được trao theo hướng đổi mới, sáng tạo đạt tới sự xuất sắc; dần trao quyền tự chủ nội bộ cho các khoa và các đơn vị trong Trường; (iii) Gieo cấy tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho người học thông qua các chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các khóa đào tạo về khởi nghiệp, hội thảo, hội nghị, các khóa thực tập; Nỗ lực của UEH xem trọng tinh thần đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Việt Nam tham gia Công đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu âu (EVFTA) chính thức được ký kết ngày 30/06/2019 với mong muốn là đơn vị nhận ra cơ hội, sẵn sàng đối mặt với thách thức, yêu quý sự sáng tạo và linh họat và có động lực vươn đến sự xuất sắc trong quá trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công đồng kinh doanh Việt nam và các nước ASEAN. 282
  15. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Fielden, J. (2008). Global trends in university governance. The Education Working Paper Series, Washington, DC: World Bank. 2. Rayevnyeva, O.V. (2018). Building a System of Institutional Autonomy of a Higher Education Institution: Methodological Background, The Problems of Economy, 4(38), 188-194. 3. Dobbins, M., Knill, C. & E. Vögtle (2011). An analytical framework for the cross- country comparison of higher education governance, Higher Education, 62, 665– 683. 4. Middlehurst, R. & Teixeira, P. N. (2012). Governance within the EHEA: dynamic trends, common challenges, and national particularities, in A. Curaj, P. Scott, L. Vlasceanu and L. Wilson (eds) European Higher Education at the Crossroads. Between the Bologna Process and National Reforms (pp. 527–551). Dordrecht: Springer. 5. Broucker, B. & De Wit, K. (2015). New Public Management in Higher Education. In J. Huisman et al. (ed.), The Palgrave International Handbook of Higher Education Policy and Governance (pp. 57-75). UK: Palgrave Macmillan 6. Manning, N. (2001). The Legacy of the New Public Management in Developing countries. International Review of Administrative Sciences, 67(2), 297–312. 7. Osborne, D. & Gaebler, R. (1992) Reinventing Government. Reading, MA: Addison Wesley. 8. Boston, J. (2000). The Challenge of Evaluating Systemic Change: The Case of Public Management Reform, Paper prepared for the IPMN Conference ‘Learning from Experiences with New Public Management’, Macquarie Graduate School of Management, 4–6 March, Sydney. 9. Brunsson, N. & Sahlin-Andersson, K. (2000). Constructing organisations: the example of public sector reform, Organization Studies, 21(4), 721–746. 10. Kretek, P. M., Dragsic, Z. & Kehm, B. M. (2013). Transformation of university governance: On the role of university board members, Higher Education, 65, 39– 58. 11. Tahar, S. & Boutellier, R. (2013). Resource allocation in higher education in the context of NPM, Public Management Review, 15(5), 687–711. 12. Broucker, B. & De Wit, K. (2013). Liberalisation and privatisation of higher education in Flanders: passing the point of no return? A case study’, European Educational Research Journal, 12(4), 514–525. 13. Paradeise, C. (2012). Tools and implementation for a new governance of universities: understanding variability between and within countries, in A. Curaj, P. Scott, L. Vlasceanu and L. Wilson (eds) European Higher Education at the Crossroads. Between the Bologna Process and National Reforms. Dordrecht: Springer. 14. Marginson, S. (2009) The Limits of Market Reform in Higher Education, paper presented at Research Institute for Higher Education (RIHE), Hiroshima University, Japan, 17 August 2009 283
  16. 15. Henard, F., & Mitterle, A. (2009). Governance and quality guidelines: A review of governance arrangements and quality assurance guidelines. Paris: OECD. 16. Bleiklie, I. & Michelsen, S. (2013). Comparing HE policies in Europe: structures and reform outputs in eight countries, Higher Education, 65, 113–133. 17. Ferlie, E., Musselin, C. & G. Andresani (2008). The steering of higher education systems – a public management perspective, Higher Education, 56(3), 325–348. 18. de Boer, H., Enders, J., & Schimank, U. (2008). Comparing higher education systems in four European countries. In N. C. Soguel, & P. Jaccard (Eds.), Governance and Performance of Education Systems (pp. 35-54). Springer. 19. Enders, J., de Boer, H., & Weyer, E. (2013). Regulatory autonomy and performance: the reform of higher education re-visited. Higher Education, 65(1), 5- 23. 20. Phạm Tất Thắng, Nguyễn Thị Tuyết Nga (2018). Hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đại học để đẩy mạnh quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học, NXB Kinh tế TP.HCM ISBN: 978-604-922-615-1, tr. 1-20. 21. Nhật Hồng (2017). Trường đại học nào của Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất? https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/truong-dai-hoc-nao-cua-viet-nam- co-cong-bo-quoc-te-nhieu-nhat-2017072811590475.htm 22. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020). https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/khao-thi-va- kiem-dinh-chat-luong-giao-duc/Pages/Default.aspx 23. Thanh Hùng (2019). Các trường chạy đua công bố quốc tế. https://www.sggp.org.vn/cac-truong-chay-dua-cong-bo-quoc-te-572438.html 24. Lê Ngọc Hùng (2019). Đổi mới quản trị đại học ở Việt Nam: Lý thuyết hệ thống và kiến tạo mô hình hiện đại, chuyên nghiệp. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/2880-doi-moi-quan- tri-dai-hoc-o-viet-nam-ly-thuyet-he-thong-va-kien-tao-mo-hinh-hien-dai- chuyen-nghiep.html 25. Nguyễn Đông Phong (2018). Vai trò của giáo dục đại học. Tạp chí Forbes Việt Nam số 64, tháng 9/2018, trang 15-16. 284
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2