Một số bàn luận về tham vấn học đường ở trường phổ thông qua một trường hợp lâm sàng
lượt xem 4
download
Bài viết "Một số bàn luận về tham vấn học đường ở trường phổ thông qua một trường hợp lâm sàng" đề cập đến một trường hợp học sinh phổ thông mắc chứng trầm cảm đang được hỗ trợ tâm lý. Nghiên cứu vấn đề này nhằm giúp các giáo viên trong trường nhận diện khó khăn về mặt tâm lý của học sinh, các lĩnh vực bất ổn học sinh có thể gặp phải.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Một số bàn luận về tham vấn học đường ở trường phổ thông qua một trường hợp lâm sàng
- MỘT SỐ BÀN LUẬN VỀ THAM VẤN HỌC ĐƯỜNG Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG QUA MỘT TRƯỜNG HỢP LÂM SÀNG Th.S Trần Thị Thu Vân Đại học Văn Hiến Email: VanTTT@vhu.edu.vn Tóm tắt: Tham vấn học đường ở trường phổ thông là lĩnh vực đang ngày càng được chú trọng phát triển bởi những lợi ích mà nó đem lại. Bài viết đề cập đến một trường hợp học sinh phổ thông mắc chứng trầm cảm đang được hỗ trợ tâm lý. Qua quá trình làm việc khoảng 1 năm và đang tiếp tục theo dõi, trường hợp thân chủ này gợi nên một số vấn đề liên quan đến mô hình tham vấn học đường cần được bàn luận thêm bởi các nhà chuyên môn cũng như các lực lượng khác ở trường phổ thông. Các vấn đề này liên quan đến việc giúp các giáo viên trong trường nhận diện khó khăn về mặt tâm lý của học sinh, các lĩnh vực bất ổn học sinh có thể gặp phải. Ngoài ra giáo viên trong trường học cũng có nguy cơ gặp phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Việc phối hợp tham vấn học đường với các lực lượng khác trong và ngoài trường học, vấn đề làm việc với phụ huynh cũng được đề cập. Từ khóa: tham vấn học đường, trầm cảm, hỗ trợ tâm lý. Abstract: Some concerns regarding to school counseling: a case illustration. School counseling has had significant improvement and has proved its value regarding to social development. In order to develop school counseling model, a process of foundation building and involvement of various parties is required. This article described a case of depressed high schooler being treated. Over 1 year of treatment, this case raised some concerns related to school counseling model which need further discussion by professionals and other relevant parties. These concerns include training teachers for early warning sign of mental health issues, referral to external services and following up with referred cases, and working with students’ parents. Keywords: school counseling, depresstion, psychological support. 1. Đặt vấn đề Tham vấn tâm lý là nhu cầu thiết yếu của con người và ngày càng gia tăng theo quá trình phát triển xã hội. Để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu chăm sóc tinh thần, ngành tham vấn tâm lý cũng chia thành các lĩnh vực nhỏ gắn với các đối tượng cụ thể. Tham vấn học đường là một trong những lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần đã khẳng định giá trị và sự cần thiết của nó qua quá trình hình thành và phát triển.
- Dù được tạo nhiều điều kiện về chính sách, chương trình đào tạo, các khóa huấn luyện cũng như nguồn nhân lực, việc phát triển các mô hình tham vấn học đường ở trường phổ thông cũng gặp không ít khó khăn từ nhiều phía như tổ chức hoạt động, sự quản lý của nhà trường, vấn đề nghiệp vụ tham vấn, các vấn đề của học sinh… Để khắc phục những khó khăn trên nên chăng cần sự chung tay của nhiều lực lượng trên nền tảng nhận thức về các vấn đề tinh thần của học sinh nói riêng và con người nói chung. Các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường và gặp một số khó khăn tinh thần rất cần sự hỗ trợ kịp thời của người lớn trong đó có nhà tham vấn tâm lý tại trường học. Việc tổ chức, xây dựng quy trình làm việc đòi hỏi dựa trên nhu cầu và tình hình thực tế cũng như nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn. Trường hợp lâm sàng dưới đây được làm việc tại phòng khám tâm lý và chăm sóc giảm nhẹ – Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Dù là phòng khám nằm trong một bệnh viện nhưng cách thức làm việc được tổ chức như một phòng tham vấn tâm lý. Qúa trình làm việc cũng gợi lên một số vấn đề liên quan đến các mô hình tham vấn học đường ở trường phổ thông cần được bàn luận mở rộng bởi các nhà chuyên môn. 2. Trường hợp lâm sàng: LTTA 2.1. Tiểu sử và vấn đề của thân chủ: T.A là thân chủ nữ 17 tuổi, được mẹ đưa đến bác sĩ tâm thần vì em thường xuyên có những cơn hồi hộp, lo hãi trước mỗi kỳ thi và thường xuyên bị điểm thấp dù thầy cô đánh giá em là học sinh giỏi trong lớp, có thể làm nhanh chóng hầu hết các bài tập mà thầy cô giáo đưa ra. Một cô giáo thân thiết với em đã đề nghị gia đình lưu ý vấn đề này ở T.A, và giới thiệu đến một bác sĩ tâm thần. T.A được chẩn đoán trầm cảm và đề nghị cần được hỗ trợ tâm lý. T.A là con một trong một gia đình kinh tế khá, cha mẹ kinh doanh tại nhà. Lúc sinh T.A được một tháng thì bà ngoại mất, mẹ thân chủ đau buồn, sức khỏe yếu, gia đình nhà nội đã đưa thân chủ về chăm sóc để bà mẹ lo công việc và hồi phục sức khỏe. Về gia đình bên nội của thân chủ, cha thân chủ là con trai đầu và là con trai duy nhất trong gia đình có 5 anh em. Từ 1 tháng tuổi, thân chủ sống với ông bà nội mà người chăm sóc chủ yếu là các cô. 4 người cô lần lượt là người thân thiết với thân chủ, chăm sóc rất tỉ mỉ, đầy tình thương yêu. Cứ khoảng 1 – 3 năm các cô đi lấy chồng, lại đến cô khác thay thế, trở thành người chăm sóc chính cho thân chủ. Trong thời gian này cha mẹ vẫn thỉnh thoảng sang thăm, thấy con phát triển tốt, học giỏi, thân thiết với các cô trong khi công việc kinh doanh bận rộn. Thân chủ là đứa cháu đầu tiên của cả hai bên nội ngoại nên mọi người rất cưng, thương yêu. Sau đó khoảng lớp 4 thân chủ có về sống với cha mẹ nhưng lên lớp 5 lại muốn qua nhà nội ở vì nhà nội gần trường, lớp 7 về nhà sống với cha mẹ, đến lớp 9 lại muốn qua nhà nội, đến năm lớp 11 lại về nhà.
- Thân chủ ít có liên hệ với gia đình bên ngoại. Mẹ thân chủ là con đầu trong gia đình có 4 anh chị em, sau mẹ thân chủ có ba người em lần lượt là một người em gái và hai em trai, tất cả đã có gia đình, có con. Sau khi làm việc khoảng 2 tháng, mẹ thân chủ có thai. 2.2. Bối cảnh làm việc: Các phiên làm việc được thực hiện tại phòng khám tâm lý và chăm sóc giảm nhẹ tại Bệnh viện đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Đây là không gian khá riêng tư, thoải mái, tuy nhiên không có sự yên tĩnh hoàn toàn do tiếng ồn bên ngoài có thể ảnh hưởng nếu quá lớn. Thân chủ và gia đình được giải thích, trao đổi về cách làm việc, tính bảo mật cũng như một số yếu tố liên quan (giờ giấc, lịch hẹn, giới thiệu về người hỗ trợ tâm lý…) Thân chủ và gia đình đến qua lời giới thiệu của bác sĩ tâm thần đang điều trị cho thân chủ. 2.3. Tóm tắt quá trình làm việc Bắt đầu làm việc với thân chủ từ đầu tháng 10/2016 đến nay khoảng 15 phiên, vẫn đang trong quá trình tiếp tục làm việc. Đa số các buổi làm việc thân chủ đến cùng mẹ, dù được đề nghị làm việc với gia đình nhưng hầu như cha mẹ thân chủ không thu xếp được. Tuy nhiên các thành viên trong gia đình đều trao đổi với nhau sau các phiên làm việc. Thân chủ ít khi tuân thủ lịch hẹn, mà đến theo cảm xúc, những lúc cảm thấy căng thẳng, các cơn lo hãi dồn dập. Mỗi lần đến có liên hệ trước, cũng có lúc nhà tham vấn bận nên không tiếp em được. Thân chủ là người hiểu biết, nói chuyện logic, mạch lạc, lý lẽ rõ ràng, chặt chẽ. Thân chủ cũng là người thích đọc sách, giỏi tiếng Anh, am hiểu nhiều lĩnh vực, có cả lĩnh vực tâm lý học. Thân chủ đã tự tìm hiểu vấn đề của mình, hiểu biết về nó, các triệu chứng ra sao…, đã tự cố gắng tự “chữa” cho mình hết các triệu chứng nhưng không thể. Thân chủ thường ít khi ngồi yên mà đu đưa theo ghế xoay, hoặc tay mân mê vật gì đó (chai nước, một quyển sách mang theo, tay của mình…). Lúc trò chuyện dù rất mạch lạc nhưng ít khi thân chủ nhìn mắt người đối diện mà thường cúi mặt. Người mẹ thường xuyên thể hiện sự lo âu, buồn bã và đôi lúc có cảm giác tội lỗi, vì mình mà bây giờ con bị bệnh (cảm giác day dứt vì lúc nhỏ không bên cạnh chăm sóc con, rất xúc động, nhiều lần rớm rớm nước mắt và liên tục hỏi nhà tham vấn rằng có phải vì bà mà T.A bị bệnh như bây giờ hay không.) Mặc dù đã giúp thân chủ và mẹ hiểu những vấn đề mang tính phức tạp, cộng hưởng của nhiều yếu tố, hai mẹ con cũng cảm nhận những thay đổi nơi thân chủ và gia đình. Nhưng thỉnh thoảng, khi xúc động hoặc thân chủ có những cơn lo hãi, người mẹ lại nhắc đến việc này.
- Giai đoạn đầu thân chủ thường xuyên có những cơn bồn chồn, lo sợ, 5 – 6 lần/ ngày và theo chu kỳ (chẳng hạn, các cơn lo hãi thường xuất hiện lúc 8 giờ, 10 giờ, 14 giờ, 20 giờ…). Lúc này thân chủ và gia đình khá lo lắng, căng thẳng. Nhà tham vấn đã nâng đỡ thân chủ và gia đình, hướng dẫn thân chủ làm bài tập viết lại những cảm xúc hồi hộp, bất an. Đồng thời khuyến khích việc duy trì dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ tâm thần. Về sự thay đổi chổ ở giữa nhà nội và nhà ba mẹ, khi kể lại chính thân chủ và mẹ cảm thấy bất ổn. Nhưng tại những mốc thời điểm xảy ra việc thay đổi đó thường do mong muốn của thân chủ với những lý do rất chính đáng như nhà nội gần trường, ở đó quen, ở đó thấy thoải mái hơn, dễ học bài, thi cử... Sau khoảng 4 tháng, với tần suất làm việc khoảng 1 phiên/ 3 tuần (lúc đầu sắp xếp 1 phiên/ 2 tuần nhưng thân chủ thường bận học hoặc mẹ bận nên trễ hẹn), cùng với việc duy trì dùng thuốc, thân chủ thể hiện nhiều cảm xúc hơn và có một số biến chuyển về các triệu chứng. Những khó khăn thân chủ thường xoay quanh các vấn đề: Cảm xúc khó chịu, không đồng tình với cha mẹ trong sinh hoạt, sắp xếp thời gian, ăn uống chẳng hạn cha mẹ thân chủ không muốn cho thân chủ tự đi xe đạp vì sợ nguy hiểm. Đi học nhiều lúc mệt mỏi, rất sợ những cơn hồi hộp, lo hãi không rõ nguyên nhân, những lúc như vậy thân chủ thường vào nhà vệ sinh khóc một mình, cố gắng vượt qua. Thân chủ hầu như không có bạn thân, thân chủ cũng không thích các bạn, chỉ nói chuyện xã giao, cảm giác mọi người nhìn mình kỳ quặc. Thân chủ cảm thấy khó khăn khi sống với gia đình vì giờ giấc, những thói quen sinh hoạt, tiếng ồn…Thân chủ cũng thường xuyên có ý nghĩ muốn sống một mình, sẽ rất thoải mái vì mình sẽ tự sắp xếp cuộc sống của mình. Tuy nhiên thân chủ cũng thường xuyên thể hiện buồn chán vì mình thật cô độc “Ai cũng có một người thân thiết, như ba thì có mẹ, các cô bên nội có chồng và các em, trong lớp mọi người có bạn thân, còn con chẳng có ai.” Thân chủ có một cô giáo rất thân từ hồi cấp 2, cả hai chia sẻ với nhau về cuộc sống, công việc và rất nhiều sự kiện khác (theo lời thân chủ: “cô kể với con rất nhiều chuyện của cô và con cũng vậy”, sau này mẹ thân chủ có phát hiện ra những đoạn trao đổi trên mạng của thân chủ với cô giáo rằng thân chủ muốn chết…, và tỏ ra không hài lòng vì cô giáo đã không trao đổi với phụ huynh. Đối với thân chủ, cô giáo này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thân thiết hơn cả những người thân trong gia đình. Sau này chính cô giáo là người nói thân chủ đi khám vì có những triệu chứng giống cô ngày xưa, và kể rằng cô từng bị trầm cảm và đã điều trị. Thân chủ thường xuyên có những cơn lo hãi, khó chịu, hồi hộp mỗi khi không liên lạc được với cô giáo (qua điện thoại hoặc nhắn tin mà cô không trả lời). Thân chủ biết chắc cô giáo đã nhận tin nhưng không trả lời vì cô từng khẳng định điều này với em “cô cố tình không trả lời để con thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội, phụ thuộc vào cô, muốn con gắn bó với gia đình”. Lại có những thời điểm cô giáo và thân chủ trò chuyện với nhau rất lâu qua điện thoại
- (2 -3 giờ mỗi ngày), khích lệ nhau cố gắng trong cuộc sống. Đây cũng là vấn đề khiến thân chủ gặp nhiều khó khăn, cha mẹ thân chủ cũng không hài lòng với cách ứng xử của cô giáo, cho rằng cô “lúc thế này, lúc thế khác”. Ngoài ra, thân chủ thể hiện cảm xúc khó chịu cực độ khi phát hiện cô giáo cũng thân thiết, nói chuyện với các học sinh khác. Khi được phân tích về những khó khăn và nỗ lực của cô giáo trong việc giúp đỡ thân chủ, cả thân chủ và mẹ giảm sự căng thẳng và tập trung vào vấn đề bản thân hơn. Mẹ thân chủ mang thai và sinh em bé gái trong quá trình làm việc với thân chủ. Thân chủ đôi lúc lo lắng vì em và mình cách xa nhau quá (18 năm), không biết sẽ như thế nào, có chơi với em được không? Có lúc thân chủ nói cảm thấy không thích em, thấy lạ lạ, kỳ kỳ khi có người khác sẽ gọi ba mẹ giống thân chủ và ba mẹ xưng là ba mẹ với em. Khi em ra đời, thân chủ nói rằng “con thấy con thương em hơn con nghĩ”. Mỗi khi buồn thân chủ thích ôm em, hôn em. Khi hỏi về cha, mẹ thân chủ cho rằng chồng đồng tình với bà. Thân chủ cho rằng, cha cũng là người hiểu mình hơn, ít can thiệp đến cuộc sống riêng tư của con. Cha thân chủ là người lo kinh tế chính trong gia đình, thương yêu vợ con, có trách nhiệm với gia đình. Hai mẹ con đồng thuận trong việc sẽ trao đổi với cha về những phiên làm việc và sắp xếp để cha cùng tham gia trong các phiên làm việc sắp tới. Thân chủ đề cập đến việc chọn ngành nghề, thích học tâm lý và thân chủ nghĩ đây cũng là cơ hội để hiểu về bản thân. Cha mẹ và những người thân trong gia đình thân chủ hầu như không có bất kỳ ý kiến nào về vấn đề này. Thể hiện quan điểm miễn sao con vui vẻ, khỏe mạnh là được, học ngành nghề gì con thích là được. Đây cũng là yếu tố khiến thân chủ cảm thấy thoải mái tuy vẫn còn lo lắng về vấn đề của mình sợ thi đại học không được, sợ đến lúc thi lại hồi hộp, lo lắng và không làm bài được chứ chưa bao giờ sợ bài khó. Thân chủ cũng chuẩn bị sẵn tinh thần nếu thi không được hoặc cảm thấy không phù hợp, sẽ sẵn sàng thay đổi, thân chủ cũng đã lên kế hoạch cụ thể cho việc này (thi lại lần nữa, cố gắng học tiếng Anh, thích đi du học.) Sau khi thi đại học thân chủ đi Anh học hè 3 tuần, trước khi đi thân chủ cùng mẹ gặp nhà tham vấn thể hiện nhưng lo âu đặc biệt là từ phía người mẹ. Thân chủ vừa háo hức, vừa lo hãi nhưng quyết tâm đi. Đây là cơ hội lớn đối với các vấn đề của thân chủ và gia đình. Thân chủ đã có những trải nghiệm quý giá, trong đó có việc nhớ về gia đình và em gái nhỏ. Đồng thời thể hiện sự tự lập cao. Người mẹ cũng có cơ hội tin tưởng con hơn. Sau khi trở về, thân chủ có chia sẻ nhiều về chuyến đi, trong đó có việc hai cô ruột (người chăm sóc thân chủ lúc nhỏ, sau đó kết hôn và sang Bỉ sinh sống) sang thăm thân chủ. Cả thân chủ và các cô rất xúc động. Thân chủ đã không đậu đại học vào trường mình mong muốn, học một trường khác nhưng đúng ngành mong muốn (tâm lý). Việc nhập học vào môi trường mới có nhiều xa lạ đối với thân chủ. Những lúc như vậy thân chủ thường thể hiện sự lo âu qua những cơn hồi hộp, rất mệt, và làm những hành động kỳ quặc như đi đóng tiền lại quên mang tiền và nói trên loa lớn
- rằng mình quên đem tiền khi được gọi tên. Thân chủ cũng kết thân với vài bạn trong trường đại học, lập nhóm dạy các bạn học tiếng Anh, được các bạn rất yêu thích. Sau khoảng hơn hai tháng theo học, thân chủ không muốn theo học nữa mà quyết định nghỉ học để ôn thi lại vào năm sau và đầu tư thêm cho tiếng Anh. Việc này đã được bàn bạc trong gia đình và được mọi người đồng thuận. Hiện nay, các cơn lo hãi, hồi hộp của thân chủ đã giảm dần, chỉ còn khoảng 1 lần/ tháng, nó diễn ra đều đặn, và thân chủ có thể đoán biết được khi nào cơn hoảng loạn sẽ đến. Những lúc như vậy rất khó chịu, không làm được gì, dễ khóc, dễ xúc động. Mẹ thân chủ ghi nhận rằng thân chủ nói chuyện với cha mẹ nhiều hơn trước kia. Hiện nay, có khó khăn gì, hay những cơn khó chịu, lo hãi, hồi hộp thân chủ đều sẵn sàng nói với mẹ, không âm thầm khóc một mình như trước. Trong các phiên làm việc, ngoài việc gặp mẹ và thân chủ, cũng có những lần gặp bà nội và cô ruột của thân chủ ở Việt Nam. Tất cả các thành viên trong gia đình thân chủ đều thể hiện tình yêu thương đối với thân chủ, thể hiện tính cầu thị cao, mong được hiểu vấn đề của thân chủ. Đồng thời sẵn sàng giúp thân chủ vượt qua khó khăn. Trong quá trình làm việc, nhà tham vấn có trao đổi với bác sĩ tâm thần đang điều trị cho thân chủ để hai phía cập nhật thông tin về những thay đổi, chuyển biến của thân chủ. Thân chủ và gia đình cũng biết và hiểu mục đích việc này và sẵn sàng cung cấp thông tin khi làm việc với nhà tham vấn hoặc bác sĩ tâm thần cho phía còn lại. 3. Một số bàn luận Trong trường hợp trên, học sinh này cùng lúc đề cập đến các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và gia đình, vấn đề học tập, thi cử, đồng thời liên quan đến các vấn đề từ tuổi thơ, định dạng bản sắc, các quá trình phân ly… Đây cũng là những chủ đề lớn thường gặp trong tham vấn học đường ở trường phổ thông đối với các em trong độ tuổi thanh thiếu niên. Việc một số học sinh ở trường phổ thông có các khó khăn về mặt tâm lý là điều khó tránh khỏi. Các khó khăn này rất đa dạng liên quan đến nhiều vấn đề từ học tập, tình bạn, tình yêu, quan hệ thầy trò đến các vấn đề trong gia đình của học sinh. Một số trường hợp, thầy cô giáo dễ dàng nhận diện và tìm kiếm sự hỗ trợ của những người liên quan như cha mẹ, giáo viên chủ nhiệm, nhà tham vấn học đường (nếu có)… và học sinh nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, không ít các trường hợp, trẻ có khó khăn về tinh thần, nhưng giáo viên giảng dạy không thể nhận diện, hoặc đánh đồng với các yếu tố liên quan đến tính cách hay sự thay đổi môi trường, áp lực học tập, thi cử… Như trong trường hợp trên, phải trải qua một thời gian rất dài, vài ba năm, mới có giáo viên phát hiện khó khăn của học sinh này và báo với phụ huynh. Một số giáo viên trong quá trình giảng dạy cũng đã tự tìm hiểu về các vấn đề tâm lý của học sinh nhưng với khối lượng công việc và áp lực từ nhiều phía, liệu có cách thức nào giúp giáo viên dễ dàng trong việc phát hiện, nhận diện các khó khăn tinh thần của học sinh
- không? Các tài liệu, các đợt tập huấn nên chăng cần đề cập đến một số dấu hiệu ban đầu trong nhận diện học sinh có những khó khăn tâm lý cần được hỗ trợ. Để từ đó giáo viên có thể kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ, khuyến khích các em học sinh những bước đầu tiên trong việc tiếp cận với dịch vụ tham vấn tâm lý. Sau khi phát hiện, giáo viên nên làm như thế nào sẽ tốt nhất? Tìm hiểu vấn đề từ đâu, kêu gọi sự giúp đỡ từ các lực lượng nào? Làm việc với phụ huynh ra sao? Việc phối hợp liên ngành trong tham vấn học đường là một mô hình cần được xây dựng. Trong trường hợp trên, giáo viên đã báo với phụ huynh về tình trạng của T.A, giúp em tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ tâm thần và tâm lý. Như vậy giáo viên trong trường học đóng vài trò rất quan trọng trong việc kết nối các em học sinh với nhà tham vấn, có thể xem giáo viên là mắt xích quan trọng trong mô hình tham vấn học đường. Ở từng trường học cụ thể cần nhấn mạnh điều này và giúp giáo viên hiểu tầm quan trọng của tham vấn học đường trong việc giáo dục con người. Hiện nay, theo quy định các trường phổ thông đều thực hiện công tác y tế học đường, bộ phận này có thể phối hợp, hỗ trợ công tác tham vấn tâm lý ra sao? Liệu cán bộ y tế học đường có thể hỗ trợ về công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong học đường hay không? Giáo viên có thể tham khảo ý kiến của bộ phận này để có thêm thông tin. Trong trường học, giáo viên cũng là lực lượng tiếp xúc thường xuyên, gần gũi với học sinh nhất, và cũng có thể là những người có chức năng sàng lọc bước đầu, cung cấp những thông tin có giá trị cho nhà tham vấn học đường hay nhà trị liệu tâm lý, bác sĩ tâm thần khi cần thiết. Trong trường hợp trên, việc một giáo viên có những quan hệ thân thiết với học trò, trao đổi những vấn đề riêng tư nhất có những ảnh hưởng rất lớn đối với tâm lý học sinh. Mối quan hệ ấy đôi lúc là chổ dựa, là sự hỗ trợ quý giá đối với học sinh, đồng thời nó cũng tạo ra sự phụ thuộc và làm thay đổi tính chất mối quan hệ thầy trò. Đây cũng là một yếu tố các giáo viên cần được biết, cần được hỗ trợ để thuận tiện hơn trong quá trình xử lý tình huống, đặc biệt đối với những trường hợp liên quan đến sức khỏe tâm thần của học sinh. Trong đó làm việc với gia đình là vấn đề cốt yếu, là nền tảng quan trọng đối với quá trình hỗ trợ tâm lý. Như vậy giáo viên và nhà tham vấn học đường sẽ có cách thức làm việc với gia đình khác nhau sao cho mỗi bên thực hiện đúng vai trò của mình, không trùng lắp, không “lấn sân”, cũng không có những ý kiến trái ngược về vấn đề của học sinh, gây hoang mang cho phụ huynh. Quan trọng là cùng hướng đến mục tiêu chung đó là sự phát triển của học sinh. Trường hợp học sinh T.A ở trên, giáo viên của em từng phải điều trị trầm cảm. Một vấn đề lớn đặt ra là, chính các lực lượng trong trường học, không phải là học sinh cũng có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhà tham vấn học đường ngoài nhiệm vụ chính là giúp đỡ cho học sinh cũng như hỗ trợ giáo viên về các vấn đề liên quan đến tâm lý của học sinh, có thể hỗ trợ giáo viên hay các nhân viên trường học khi họ gặp khó khăn hay không? Nếu có, cần lường trước những nguy cơ gì? Chẳng hạn, sự quá tải đối với nhà tham vấn học đường, định kiến xã hội,
- quy trình hỗ trợ, sự chồng chéo các vấn đề có thể liên quan đến học sinh hay các lực lượng khác trong trường học… 4. Kết luận Trường hợp thân chủ T.A dù đã trải qua một năm tham vấn tâm lý nhưng vẫn đang trong quá trình tiếp tục làm việc và theo dõi. Đây là trường hợp được bác sĩ tâm thần chẩn đoán trầm cảm và đề nghị sự hỗ trợ từ phía nhà tham vấn tâm lý. Tiến trình làm việc hướng đến tìm hiểu vấn đề thông qua quan điểm hệ thống. Các vấn đề tuổi thơ, quan hệ bạn bè, thầy cô được đề cập và làm việc, giúp thân chủ cũng như gia đình nhìn nhận những khó khăn của mình liên quan đến gia đình, trường học một cách rộng mở hơn, nhiều chiều hơn. Trong quá trình làm việc thân chủ đang ngồi trên ghế nhà trường nên thể hiện rõ nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến học đường. Qua đó, gợi nên các chủ đề gắn liền với việc phát triển mô hình tham vấn học đường. Có thể nhận thấy để hỗ trợ tâm lý cho các em học sinh không chỉ được thực hiện bởi nhà tham vấn học đường, đó là sự kết hợp hiệu quả, khéo léo giữa nhiều lực lượng nhằm hướng đến mục tiêu chung là sự phát triển của mỗi cá thể học sinh về thể chất và tinh thần. Sự phối hợp này cần được xây dựng lộ trình phù hợp với đặc thù của từng trường học, từng bối cảnh cụ thể. Mô hình tham vấn học đường ở trường phổ thông cũng cần được xem xét xây dựng theo hướng liên ngành. Mỗi học sinh khi có khó khăn tâm lý, các lực lượng cùng lúc có thể tác động, phối hợp lẫn nhau trong quá trình hỗ trợ là giáo viên, nhân viên y tế học đường, nhà tham vấn và cả nhân viên công tác xã hội. Trong đó, ban giám hiệu nhà trường có tầm ảnh hưởng quan trọng để các lực lượng trên có thể phát huy vai trò của mình. Sự phối hợp liên ngành trong hỗ trợ tâm lý còn liên quan đến quy trình làm việc sao cho đảm bảo các yếu tố vừa thuận tiện cho đối tượng tiếp cận dịch vụ, vừa đảm bảo chuyên môn và lưu ý các vấn đề văn hóa, xã hội có thể ảnh hưởng (định kiến, sự kỳ thị…) Ngoài ra, khi chuyển cấp, ngoài việc chuyển giao kết quả học tập, quá trình rèn luyện, nên chăng các vấn đề về tâm lý của học sinh cũng được “chuyển tiếp” để các hệ thống giáo dục có thể tiếp tục theo dõi và giúp đỡ kịp thời. Tuy nhiên cần lường trước các vấn đề liên quan đến “dán nhãn”, sự bàn tán không hay… tạo nên những bất lợi trong quá trình phát triển và học tập của học sinh. Công việc chăm sóc sức khỏe tinh thần chưa bao giờ hết khó khăn, với sự đa dạng, “muôn hình vạn trạng” của cuộc sống và tính cá thể của con người, kéo theo đó là sự muôn vẻ về các vấn đề tâm lý của con người nói chung và của các em học sinh nói riêng. Học sinh phổ thông đang ở giai đoạn chuyển tiếp với nhiều thay đổi về tâm sinh lý cộng với sự thay đổi liên tục của xã hội và các xu hướng, lối sống. Các mô hình tham vấn học đường cũng cần xây dựng theo hướng mở, sẵn sàng đón nhận những xu thế mới, liên kết với nhiều lực lượng bên ngoài để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của học sinh. Việc giúp đỡ cần dựa trên các nền tảng về
- tâm lý con người, các vấn đề tâm lý xã hội liên quan, chú trọng các mối quan hệ trong gia đình. Ngoài mục tiêu cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho học sinh, mô hình tham vấn học đường ở trường phổ thông cũng cần hướng đến những chương trình mang tính phòng ngừa. Thông qua nhiều hoạt động cụ thể như tổ chức chuyên đề cho học sinh, giáo viên, phụ huynh về các chủ đề tâm lý học đường mà các em thường gặp. Nhà tham vấn học đường cũng có thể giúp phụ huynh và các lực lượng khác trong trường học hiểu quá trình thay đổi tâm sinh lý của học sinh để có những ứng xử phù hợp. Xa hơn nữa, nhà tham vấn học đường hoàn toàn có thể tổ chức các chương trình kết nối giữa các em học sinh với nhau, học sinh với thầy cô giáo và đặc biệt là học sinh với cha mẹ. Đây là những hoạt động mang lại các giá trị nền tảng của con người, liên quan chặt chẽ đến việc kết nối với những người quan trọng trong đời trong bối cảnh cuộc sống hối hả, bận rộn, ai cũng chạy đua theo công việc, học tập... Các vấn đề tâm lý thường không do một nguyên nhân đơn lẻ mà tổng hợp bởi rất nhiều yếu tố phức tạp của đời sống trên nền bối cảnh gia đình, xã hội khác nhau. Các em học sinh đang ở giai đoạn phát triển về thể chất, tâm lý và xã hội nên việc hỗ trợ tâm lý tại trường học không chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân học sinh và các vấn đề của các em mà tạo nên những giá trị lớn đối với hệ thống giáo dục và môi trường học đường. Việc xây dựng mô hình tham vấn trong trường phổ thông là điều rất cần thiết, mang lại nhiều giá trị cho học sinh, giáo viên, phụ huynh, hệ thống giáo dục và cả xã hội. Để sự vận hành của mô hình này hiệu quả, cần sự chung tay mang tính hệ thống của nhiều lực lượng không chỉ trong trường học mà các ban ngành, các chính sách cấp cao có tác động không hề nhỏ. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, trong quá trình hoạt động các lực lượng tham gia trong mô hình tham vấn cần được khuyến khích, tạo điều kiện trau dồi, trao đổi thường xuyên về nhiều vấn đề về tổ chức cũng như vấn đề chuyên môn phù hợp với điều kiện cụ thể để tham vấn học đường thực hiện sứ mệnh hỗ trợ tâm lý của nó. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Võ Văn Bản (2002), Thực hành điều trị tâm lý, Nxb Y học Hà Nội. [2] Nguyễn Công Khanh (2000), Tâm lý trị liệu, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội. [3] Dana Castro (2016), Tâm lý học lâm sàng, Nxb tri thức. [4] Dana Castro (2017), Thăm khám tâm lý trong thực hành lâm sàng, Nxb tri thức.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tiểu luận môn Cơ sở lý luận Báo chí truyền thông: Vai trò của báo chí trong đời sống xã hội hiện nay
13 p | 1721 | 167
-
Một số chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh: Phần 1
198 p | 432 | 75
-
Một số chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh: Phần 2
206 p | 308 | 72
-
Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn - Cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học: Phần 1
59 p | 307 | 51
-
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam về xung đột xã hội: Phần 1
167 p | 109 | 20
-
Một số vấn đề về nghiên cứu người già từ giác độ xã hội học - Trịnh Duy Luân
5 p | 138 | 8
-
Một số vấn đề về việc rèn luyện kĩ năng kết hợp các thao tác nghị luận trong văn nghị luận cho học sinh THPT
9 p | 109 | 7
-
Ebook Một số vấn đề lý luận chính trị ở Việt Nam: Phần 1
112 p | 19 | 7
-
Một số vấn đề về tham gia xã hội và phản biện xã hội - Trịnh Duy Luân
0 p | 109 | 6
-
Một số vấn đề về cách mạng và đổi mới: Phần 2
260 p | 16 | 6
-
Một số khuyến nghị về định hướng chiến lược chuyển đổi số báo chí quốc gia
9 p | 25 | 6
-
Bài giảng chuyên đề 8: Một số vấn đề về vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới
29 p | 104 | 4
-
Một số bàn luận về đạo đức nghiên cứu trong điều tra khảo sát đối với khoa học xã hội
3 p | 79 | 3
-
Một số vấn đề về đọc thẩm mĩ trong dạy học môn Ngữ văn ở trường trung học phổ thông
6 p | 12 | 3
-
Một số ý kiến về khoa học giáo dục trong bối cảnh mới
7 p | 27 | 2
-
Một số vấn đề về bảo đảm quốc phòng và an ninh cho phát triển bền vững tại các địa bàn chiến lược vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam hiện nay
8 p | 5 | 2
-
Một số lý luận về dạy học tích hợp liên môn theo định hướng phát triển năng lực học sinh trung học cơ sở hiện nay
8 p | 68 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn