intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số biện pháp tổ chức trải nghiệm trong hoạt động khám phá khoa học nhằm phát triển vốn từ cho trẻ 5 – 6 tuổi

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Hiện nay, thực tế giáo dục mầm non đã rõ ràng cho thấy sự quan trọng của việc thúc đẩy trải nghiệm trong quá trình tổ chức hoạt động học tập cho trẻ nhỏ, nhằm khuyến khích họ khám phá và hiểu sâu hơn về thế giới xung quanh. Bài viết trình bày một số biện pháp cụ thể để tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong lĩnh vực khám phá khoa học, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển vốn kiến thức cho trẻ ở độ tuổi 5-6.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số biện pháp tổ chức trải nghiệm trong hoạt động khám phá khoa học nhằm phát triển vốn từ cho trẻ 5 – 6 tuổi

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 81/THÁNG 2 (2024) 69 MỘT SỐ BIỆN PHÁP TỔ CHỨC TRẢI NGHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG KHÁM PHÁ KHOA HỌC NHẰM PHÁT TRIỂN VỐN TỪ CHO TRẺ 5 – 6 TUỔI Đặng Út Phượng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội Tóm tắt: Hiện nay, thực tế giáo dục mầm non đã rõ ràng cho thấy sự quan trọng của việc thúc đẩy trải nghiệm trong quá trình tổ chức hoạt động học tập cho trẻ nhỏ, nhằm khuyến khích họ khám phá và hiểu sâu hơn về thế giới xung quanh. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng việc tổ chức trải nghiệm vẫn còn hạn chế, với nội dung thiếu sự phong phú và thiếu sự hấp dẫn đối với trẻ. Giáo viên thường gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động trải nghiệm một cách linh hoạt, nhằm thúc đẩy sự phát triển phù hợp với từng cá nhân trẻ và tương thích với tình hình cụ thể tại trường, cấp học, hoặc khu vực. Điều này không chỉ dẫn đến việc không đánh giá đúng vai trò tích cực và quan trọng của trải nghiệm trong việc xây dựng nền tảng kiến thức cho trẻ trong quá trình họ tham gia vào các hoạt động khám phá khoa học. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ trình bày một số biện pháp cụ thể để tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong lĩnh vực khám phá khoa học, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển vốn kiến thức cho trẻ ở độ tuổi 5-6. Từ khoá: Trải nghiệm, khám phá khoa học, vốn từ, trẻ 5-6 tuổi Nhận bài ngày 10.01.2024; gửi phản biện, chỉnh sửa và duyệt đăng ngày 28.02.2024 Liên hệ tác giả: Đặng Út Phượng; Email: duphuong@daihocthudo.edu.vn 1. MỞ ĐẦU Đối với trẻ “Ngôn ngữ có khả năng tuyệt vời là thúc đẩy sự phát triển mọi mặt trong sự phát triển của trẻ nói chung. Sự phát triển về mặt thể chất, xã hội, tình cảm và nhận thức thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ nói và viết của trẻ” [1]. Ngôn ngữ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển cở sở ban đầu của nhân cách. Ngôn ngữ là công cụ để hình thành, tích lũy và phát triển vốn hiểu biết của trẻ về cuộc sống xung quanh, là động lực để tư duy phát triển. Để trẻ có thể giao tiếp tốt, phát triển được khả năng nói mạch lạc thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là mở rộng và phát triển vốn từ cho trẻ. Vốn từ là một trong những điều kiện để trẻ nói đúng, nói hay. Khó có thể hình dung được một đứa trẻ có khả năng diễn đạt mạch lạc, khúc chiết mà lại có một vốn từ nghèo nàn.
  2. 70 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI Tổ chức trải nghiệm trong hoạt động khám phá khoa học cung cấp cho trẻ một phương tiện thực tế để tiếp xúc với việc học hỏi thông qua sự tương tác với thế giới xung quanh. Các hoạt động này thúc đẩy trẻ quan sát, suy luận và thử nghiệm, giúp họ hiểu rõ hơn về nguyên tắc và hiện tượng khoa học [2]–[4]. Khi trẻ tham gia vào việc xác định nguyên nhân và kết quả, họ phát triển khả năng tư duy logic và phân tích. Qua việc thực hiện các thí nghiệm và quan sát hiện tượng thực tế, trẻ không chỉ tạo ra môi trường học tập tích cực mà còn phát triển khả năng giao tiếp. Trẻ cần diễn đạt kết quả khám phá của mình, kết hợp từ vựng và ngôn ngữ phù hợp để chia sẻ với người khác. Việc này thúc đẩy vốn từ của trẻ và khả năng biểu đạt ý tưởng một cách rõ ràng. Từ việc trải nghiệm khoa học, trẻ học cách đặt câu hỏi, tự mình tìm hiểu và tìm ra câu trả lời. Điều này không chỉ tạo niềm tin vào khả năng tự học của họ mà còn khuyến khích lòng tò mò và khát khao tìm hiểu. Những đặc điểm này là những yếu tố quan trọng trong việc phát triển vốn từ, tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề trong tương lai. Hiện nay, thực tế giáo dục mầm non đã rõ ràng cho thấy sự quan trọng của việc thúc đẩy trải nghiệm trong quá trình tổ chức hoạt động học tập cho trẻ nhỏ, nhằm khuyến khích họ khám phá và hiểu sâu hơn về thế giới xung quanh. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng việc tổ chức trải nghiệm vẫn còn hạn chế, với nội dung thiếu sự phong phú và thiếu sự hấp dẫn đối với trẻ. Giáo viên thường gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động trải nghiệm một cách linh hoạt, nhằm thúc đẩy sự phát triển phù hợp với từng cá nhân trẻ và tương thích với tình hình cụ thể tại trường, cấp học, hoặc khu vực. Điều này không chỉ dẫn đến việc không đánh giá đúng vai trò tích cực và quan trọng của trải nghiệm trong việc xây dựng nền tảng kiến thức cho trẻ trong quá trình họ tham gia vào các hoạt động khám phá khoa học. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ trình bày một số biện pháp cụ thể để tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong lĩnh vực khám phá khoa học, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển vốn kiến thức cho trẻ ở độ tuổi 5-6. 2. Kết quả nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý luận Ngôn ngữ gồm 3 nội dung cấu thành là ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Trong quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ, nhiệm vụ phát triển vốn từ có vai trò quan trọng. Trẻ có thể nói mạch lạc được hay không, có giáo tiếp tốt được hay không phụ thuộc không nhỏ vào số lượng vốn từ mà trẻ biết. Phát triển vốn từ là mở rộng số lượng từ vựng, làm cho cơ cấu từ loại trong hệ thống vốn từ đầy đủ, làm cho trẻ hiểu nghĩa của từ và tích cực hóa vốn từ cho trẻ [1], [5], [6]. Quá trình lĩnh hội từ cũng là quá trình trẻ nhận biết sự vật, hiện tượng gần gũi xung quanh qua tên gọi, đặc điểm, tính chất đặc trưng của các sự vật, hiện tượng. Trong các hình thức phát triển ngôn ngữ thì hoạt động khám khá khoa học là con đường giúp trẻ hình thành và phát triển vốn từ có hiệu quả. Dạy lời nói cho trẻ là dạy hoạt động ngôn ngữ - trẻ phải trực tiếp tham gia vào hoạt động giao tiếp, sử dụng lời nói của mình. Trẻ em đến với từ bằng con đường cảm giác, tri giác thực tế khách quan “Bất kỳ một từ nào mà các em tiếp thu được đều phải được nghe bằng tai, phải được hiểu bằng ý thức, phải được phát âm trở lại và phải được lưu lại trong trí nhớ” [7]. Vì vậy mà phương pháp cho trẻ thực hành trải nghiệm trong hoạt động khám phá khoa học về nước và các hiện tượng tự nhiên luôn giúp trẻ hứng thú tham gia vào hoạt động. Trong quá trình thực hành và trải nghiệm trẻ không chỉ mở mang được vốn kiến thức của mình mà
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 81/THÁNG 2 (2024) 71 còn giúp trẻ tích lũy thêm được vốn từ mới, những khái niệm khoa học cơ bản, trẻ hiểu được cặn kẽ được từ đó có nghĩa như thế nào? Trẻ hiểu được ý nghĩa của từ - giúp trẻ không những hiểu biết mà còn sử dụng được chúng trong giao tiếp. 2.2. Cơ sở thực tiễn Đa số các giáo viên đã nhận thức rõ được vai trò của việc tổ chức thực hành trải nghiệm trong hoạt động khám phá khoa học nhằm phát triển vốn từ cho trẻ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì các giáo viên chưa dành thời gian nhiều cho việc nghiên cứu tài liệu cũng như tự thiết kế các hoạt động thực hành để cho trẻ được tự thực hành trải nghiệm. Và trong các hoạt động thực hành trải nghiệm ở trong hoạt động khám phá khoa học thì mục tiêu giúp trẻ phát triển vốn từ không được đề cập nhiều trong mục đích yêu cầu của bài dạy. Hơn nữa trong thực tế việc tổ chức thực hành trải nghiệm cho trẻ qua các trò chơi, các thí nghiệm, qua các buổi dã ngoại thăm quan chưa được quan tâm đúng mức, ngay trong quyển chương trình hay trong các tài liệu tham khảo dành cho giáo viên mẫu giáo lớn về thực hành trải nghiệm còn ít, thiếu sự đa dạng, hấp dẫn. Các biện pháp mà giáo viên thường tổ chức cho trẻ tìm hiểu về nước và các hiện tượng tự nhiên lại chủ yếu là biện pháp dùng lời, còn việc tổ chức thực hành trải nghiệm lại rất ít sử dụng [8]. Về phía trẻ: Tuy đã 5 – 6 tuổi nhưng lượng vốn từ về Nước và các hiện tượng tự nhiên chưa nhiều, khả năng hiểu nghĩa của từ, sử dụng từ chưa linh hoạt trong giao tiếp. Từ những nghiên cứu, điều tra thực trạng trên giúp chúng tôi có được cơ sở trong việc nghiên cứu và đề xuất việc tổ chức thực hành trải nghiệm trong hoạt động khám phá khoa học về Nước và các hiện tượng tự nhiên nhằm phát triển vốn từ cho trẻ 2.3. Đặc điểm phát triển vốn từ của trẻ 5 – 6 tuổi. Trẻ 5 – 6 tuổi có thể sử dụng thông thạo tiếng mẹ đẻ để giao tiếp [9]. Khả năng ngôn ngữ liên quan chặt chẽ đến sự phát triển trí tuệ và những trải nghiệm của trẻ [8], [10]. Trẻ có thể dùng ngôn ngữ để thể hiện các mối quan hệ qua lại, nhiều mặt của các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống mà trẻ nhận thức được, bước đầu từ sự khái quát và đưa ra kết luận. Vốn từ của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi tăng bình quân đến 1033 từ [5]. Đây là giai đoạn mà trẻ hoàn thiện cấu trúc từ loại trong từ vựng của mình. Khả năng nắm bắt, hiểu ý nghĩa và sử dụng từ của trẻ 5-6 tuổi đã đạt mức khá cao. Chúng thể hiện khả năng hiểu rõ ý nghĩa của nhiều loại từ, không chỉ là từ mô tả vật, hành động hay đặc điểm cụ thể mà còn là từ trừu tượng và biểu cảm. Điều này cho thấy sự phong phú và đa dạng trong từ vựng của trẻ ở độ tuổi này. Mặc dù tốc độ tăng về số lượng từ chậm hơn so với giai đoạn trước (2-3 tuổi), nhưng sự hiểu biết về ý nghĩa của từ lại tăng đáng kể. Tại giai đoạn này, sự phong phú của từ vựng không chỉ giới hạn ở danh từ mà còn bao gồm động từ, tính từ, liên từ và nhiều loại từ khác. Trẻ có khả năng hiểu và sử dụng một số từ trừu tượng, biết cách sử dụng từ ghép gợi cảm và từ có nghĩa đối lập. Lời nói của trẻ cũng trở nên phong phú và sinh động hơn; họ sử dụng ngữ điệu và so sánh ngôn ngữ để thu hút sự chú ý của người nghe. Đặc biệt, trẻ thích sử dụng các từ mới họ học được hoặc tự nghĩ ra. Nhận thấy điều này, việc nâng cao vốn từ vựng không chỉ góp phần vào quá trình học của trẻ mà còn hỗ trợ cho việc giao tiếp và sáng tạo ngôn ngữ của chúng. Tuy nhiên, việc hiểu và áp dụng từ ngữ vào ngữ cảnh cụ thể cũng như việc tuân thủ nguyên tắc ngữ pháp đòi hỏi sự phát triển hài hòa của nhiều yếu tố khác nhau như môi trường sống và giáo dục. Do đó, để tối ưu hóa quá trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ, cần có sự chú trọng đến việc cân nhắc và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao vốn từ vựng cũng như kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của mỗi cá nhân trẻ [11], [12].
  4. 72 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI 2.4. Một số biện pháp tổ chức trải nghiệm trong hoạt động khám phá khoa học nhằm phát triển vốn từ cho trẻ 5 – 6 tuổi. Các hoạt động khám phá khoa học về nước và các HTTN ở trường mầm non cho trẻ 5- 6 tuổi không chỉ được thực hiện thông qua các hoạt động chung có mục đích học tập mà có thể được thực hiện trong tất các các hoạt động giáo dục khác ở trường mầm non (hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, sinh hoạt hang ngày) Bởi vậy, các biện pháp tổ chức trải nghiệm trong hoạt động khám phá khoa học giúp phát triển vốn từ cho trẻ sẽ rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, trong thực tế, ở các trường mầm non, việc cho trẻ khám phá khoa học về nước và các HTTN còn rất hạn chế, vì vậy việc áp dụng các biện pháp tổ chức thực hành trải nghiệm trong hoạt động khám phá khoa học nhằm phát triển vốn từ cho trẻ là rất quan trọng và cần thiết để đạt hiệu quả cao. Bởi để nhận biết các đối tượng, thấy rõ hơn những đặc điểm, tính chất sự phong phú, đa dạng của thế giới xung quanh trẻ phải dùng từ để gọi tên, mô tả đặc điểm của nó, nói lên cảm xúc của chúng khi được tiếp xúc, được hành động với đối tượng…nhờ đó tích lũy được những vốn từ phong phú, đa dạng và tích cực. Biện pháp 1: Tạo môi trường thực hành trải nghiệm phong phú đa dạng để đàm thoại, giải thích kết hợp cho trẻ gọi tên sự vật hiện tượng. * Mục đích, ý nghĩa Trẻ em luôn tỏ ra đầy tò mò và đam mê trong việc khám phá thế giới xung quanh họ. Tất cả mọi vật đều trở nên hấp dẫn và mới lạ trong đôi mắt của trẻ. Vì vậy, tạo ra các không gian cho trẻ tham gia hoạt động và chơi là điều cực kỳ quan trọng. Hiện nay, chúng tôi đã đề xuất biện pháp này do thấy tình trạng quá tải và không gian hạn chế tại các trường mầm non. Việc tạo môi trường phù hợp đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ, bởi trẻ sẽ tham gia tích cực hơn nếu môi trường xung quanh họ phong phú và đa dạng. Môi trường hoạt động đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích sự tò mò và hứng thú của trẻ. Môi trường đa dạng và phong phú không chỉ giúp trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động, mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng kiến thức, và phát triển vốn từ cho trẻ. *Yêu cầu Điều quan trọng là môi trường hoạt động phải được thiết kế để đảm bảo tính đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương. Ngoài ra, cần sử dụng đồ dùng và đồ chơi trực quan để thúc đẩy sự tương tác và sáng tạo của trẻ. - Trang trí môi trường hoạt động phù hợp với tính chất của hoạt động khám phá, phù hợp với lứa tuổi, phản ánh được nội dung. - Môi trường hoạt động phải an toàn, vệ sinh và có tính thẩm mỹ * Cách tiến hành: - Trong phòng học: Cô có thể sử dụng những đồ dùng trực quan như: + Tranh ảnh về chủ đề nước và các hiện tượng tự nhiên lên tường như: dòng sông, ao hồ (cạn nước, bị ô nhiễm,…), thác nước hay các hiện tượng tự nhiên (mây, mưa, lốc xoáy, cầu vồng, lũ lụt, hạn hán…), hình ảnh các thí nghiệm (thí nghiệm với nước, với không khí, ánh áng…). Giáo viên để trẻ quan sát sau đó giới thiệu từ biểu thị sự vật hiện tượng mà trẻ đang quan sát. Sau đó giáo viên cho trẻ gọi tên các sự vật hiện tượng, kết hợp giải thích từ giúp trẻ hiểu sâu hơn đối tượng trẻ vừa tri giác. Bên cạnh đó, cô giáo có thể tạo điều kiện cho trẻ miêu
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 81/THÁNG 2 (2024) 73 tả những gì đã quan sát được nhằm khắc sâu biểu tượng về đối tượng. Có thể nói, trẻ nhỏ rất thích xem tranh nên những bức tranh đẹp với nội dung thích hợp vừa có tác dụng phát triển vốn từ mà vừa giáo dục được thẩm mỹ cho trẻ. Khi được cô giáo yêu cầu mô tả bức tranh, “em thấy bức tranh như thế nào?”, “bức tranh vẽ về hiện tượng gì?”, Các con có thể đặt tên cho bức tranh này là gì?” Thì trẻ tiếp thu được từ mới, đồng thời huy động được cả vốn từ cũ. Trong quá trình quan sát, trẻ dần dần mô tả sự vật, đây chính là lúc cô giáo có thể cung cấp danh từ phù hợp để trẻ có được công cụ diễn đạt hiệu quả. Các từ được chọn là những từ chỉ nước và các hiện tượng tự nhiên xung quanh, phù hợp với nhận thức và vốn kinh nghiệm của trẻ, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo tính hệ thống. Ví dụ: cho trẻ làm quen với những danh từ chỉ tên của sự vật hiện tượng cụ thể, sau đó làm quen với những sự vật hiện tượng khó hơn, làm quen với những động từ, tính từ chỉ sự vật, hiện tượng đó. + Đối với đồ dùng, dụng cụ, đồ chơi: Cô cùng trẻ lựa chọn, sắp xếp, bầy biện và cùng đàm thoại với trẻ để tìm hiểu về các vật dụng đó (tên gọi, đặc điểm, công dụng, các kỹ năng khi hoạt động với các đồ vật đó). - Hoạt động ngoài trời: Chọn khu vực râm mát, thoáng đãng, sạch sẽ, an toàn, phù hợp với nội dung đề tài thực hiện: Có thể chọn một khu vực nào đó để cho trẻ đi tham quan. Susan Miller từng nói: “Trẻ cần những đồ vật thực tế để sử dụng, nhưng chúng cũng rất cần những kinh nghiệm cụ thể để mở rộng ngôn ngữ và để hiểu được thế giới”. Các chuyến thăm quan rất thú vị cho trẻ ở mọi lứa tuổi. Đôi khi cái địa điểm tham quan, cuộc đi dạo chỉ đơn giản diễn ra trong môi trường tự nhiên như ở trong sân trường nơi mà chính trẻ được hoạt động hàng ngày. Các chuyến đi để thu thập thêm kinh nghiện cũng rất thú vị với trẻ. Trẻ được tiếp xúc cơ thể (trải nghiệm) với tự nhiên, với trái đất - trẻ nằm lên cỏ hoặc cát ấm, với không khí - thở, thổi bong bóng (rất thú vị để tư giãn), với vòi nước - cảm nhận khi nước chảy ở suối hoặc những giọt sương mai trên các ngọn cỏ, và với lửa - đứng dưới ánh nắng mặt trời, sau đó đi vào bóng râm. Những hình ảnh, biểu tượng về thế giới tự nhiên mà trẻ thu nhận được trong quá trình dạo chơi tham quan sẽ là nguồn tư liệu sống giúp trẻ thiết lập và tái tạo nội dung các từ, hiểu rõ hơn về các từ đó, giúp mở rộng và trau dồi vốn từ của trẻ. Trẻ càng được đi thăm quan ra ngoài trời thi trẻ càng cảm thấy gần gũi với môi trường và càng có khả năng học được từ môi trường. Hãy để trẻ tự khám phá, giáo viên chỉ nên quan sát trẻ mà thôi, nếu trẻ gặp khó khăn và thực sự cần giáo viên giúp đỡ thì hãy đến và cùng trẻ thảo luận đưa ra hướng giải quyết thay vì việc giáo viên sẽ giải quyết luôn cho trẻ, cái mà giáo viên trong các trường mầm non của chúng ta hiện nay vẫn hay làm – “làm hộ trẻ”. Joseph Cornell trong cuốn Sharing Nature with Children khuyến khích chúng ta hãy “dạy trẻ ít hơn mà hãy chia sẻ với trẻ nhiều hơn” [13], [14]. Bạn hãy thể hiện cảm xúc của mình với trẻ về những gì mà bạn cảm nhận được. Hãy nói với trẻ điều gì làm bạn thích thú và ngạc nhiên thay vì chỉ nói với trẻ nhưng sự thật. Hãy chắc chắn rằng trẻ của bạn cảm nhận được hứng thú của bạn trong chính cảm xúc của trẻ, từ đó cũng giúp trẻ thấy bạn gần gũi hơn, trẻ sẽ tự tin và thoải mái hơn khi chia sẽ những cảm xúc của trẻ cho bạn và đó là cách ngôn ngữ được trau dồi và phát triển. Tham quan, quan sát thiên nhiên là cách thức nhận thức bằng cảm giác tạo nên hình ảnh và cách thức dùng từ ngữ để minh họa hình ảnh ấy. - Khi lập kế hoạch cho chuyến thăm quan, hãy để trẻ đưa ra quyết định về việc là đi đến đó như thế nào, mặc gì, cần nước và đồ ăn nhẹ không, mục tiêu của chuyến đi là gì (Đi khám phá hay chỉ đi dạo thư giãn và thưởng thức) và nên mang theo cái gì (giấy, bút chì thường và
  6. 74 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI bút chì màu, gọt bút chì, túi, kính hiển vi, máy ghhi âm với băng trắng, lọ đựng sâu bọ, khăn giấy,thức ăn giàu năng lượng, chai nước,đồ cứu thương, ba lô). - Nội dung tham quan đáp ứng sở thích, nhu cầu của trẻ. - Lựa chọn nhóm trẻ tham quan có cùng sở thích, mối quan tâm và số lượng vừa phải để đáp ứng yêu cầu trao đổi của trẻ trong quá trình quan sát. - Trong quá trình quan sát, nên có những gợi ý, định hướng sát hợp để kích thích trẻ phát hiện những biểu tượng mới mẻ, kết hợp với việc cung cấp từ mới. Khuyến khích trẻ gọi tên các sự vật, hiện tượng quen thuộc và mô tả các hình ảnh đó bằng lời. - Khi quay trở lại trường mầm non sau chuyến thăm quan, kiến thức mà trẻ thu được từ những hoạt động khám phá có thể phát triển thêm khi trẻ chia sẻ cùng nhau kết quả quan sát, nghiên cứu những gì trẻ đã nhìn thấy hoặc tìm thấy, hoặc đơn giản kể lại chuyến thám hiểm bằng từ ngữ hoặc bằng tranh. - Sau mỗi chuyến đi, các cô giáo có thể nói về những khám phá của chính cô giáo nữa. Từ đó mở rộng ngôn ngữ và từ vựng cho trẻ thông qua hội thoại, thảo luận và các câu hỏi. Trẻ nhỏ hơn có thể kể lại câu chuyện hoặc danh mục quan sát của mình cho người lớn hoặc cho trẻ lớn hơn viết lại. Cô giáo nên khuyến khích trẻ sử dụng nhiều tính từ càng tốt để miêu tả lại kinh nghiệm của chúng và những gì chúng quan sát được. Biện pháp 2: Sử dụng hệ thống câu hỏi “mở” kết hợp cho trẻ nhắc lại từ mới * Mục đích, ý nghĩa: Quá trình đặt câu hỏi, cho dù từ trẻ hoặc từ giáo viên, đều cần suy xét xem trẻ đã hiểu gì trước đó để từ đó hướng dẫn quá trình đặt câu hỏi. Điều này cung cấp cơ hội cho trẻ suy nghĩ và biểu đạt những suy nghĩ của trẻ thông qua ngôn ngữ. Dựa vào việc suy xét trước khi đặt câu hỏi, trẻ có thể phát triển khả năng tư duy logic, xây dựng nền tảng kiến thức và học cách diễn đạt ý tưởng của mình một cách rõ ràng. Điều này cũng giúp trẻ xây dựng kỹ năng giao tiếp và tạo ra một môi trường khuyến khích sự tham gia tích cực trong quá trình học tập và khám phá thế giới. John Deway đã viết “ Biết đặt câu hỏi tốt là điều kiện cốt lõi để dạy học tốt” [15]. Vì vậy, việc sử dụng câu hỏi mở được coi là một trong những biện pháp quan trọng trong quá trình tổ chức hoạt động thực hành trải nghiệm trong việc khám phá khoa học về Nước và các hiện tượng thiên nhiên (HTTN) nhằm phát triển vốn từ cho trẻ 5 - 6 tuổi. Khám phá về Nước và các HTTN là những hoạt động nhận thức đòi hỏi sự tập trung và nỗ lực cao độ từ các khả năng tâm lý của trẻ (như sự chú ý và ghi nhớ), cũng như các kỹ năng trí tuệ (như phân tích, so sánh, suy luận, phán đoán, tổng hợp, và khái quát hóa). Đồng thời, các hoạt động này cũng có thể tạo ra căng thẳng cho trẻ. Vì vậy, để giảm bớt căng thẳng và mệt mỏi cho trẻ, chúng ta có thể sử dụng các câu hỏi mở để kích thích sự hứng thú và sự tập trung của trẻ vào đối tượng đang khám phá. Điều này cũng giúp trẻ tích cực suy luận và thể hiện suy luận của họ thông qua các câu trả lời. * Yêu cầu: Các câu hỏi "mở" là những câu hỏi thúc đẩy sự tư duy của trẻ, yêu cầu họ suy nghĩ và tìm kiếm những từ ngữ và câu trả lời thích hợp thay vì chỉ đơn giản trả lời "đúng" hoặc "sai", "có" hoặc "không".
  7. TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 81/THÁNG 2 (2024) 75 Các câu hỏi "mở" cần phải đa dạng, phù hợp với khả năng của trẻ và phải được sáng tạo, rõ ràng, và dễ hiểu. Chúng nên kích thích sự tư duy và giúp trẻ ứng dụng những kiến thức đã học để trả lời. Các câu hỏi này cũng nên có mức độ khó tăng dần, từ những đặc điểm bên ngoài của đối tượng đến bản chất bên trong của nó. Các câu hỏi "mở" được sử dụng trong mọi hình thức hoạt động, từ quan sát, tham gia trò chơi, đến hoạt động thăm quan và thực hiện thí nghiệm. Chúng thúc đẩy trẻ tích cực nhận xét, miêu tả, và biểu đạt suy nghĩ, cảm nhận về đối tượng hoặc hiện tượng thông qua nhiều cách khác nhau. Để thực hiện thành công, người giáo viên cần tạo môi trường thoải mái và thân thiện trong cuộc trò chuyện với trẻ, luôn tôn trọng ý kiến riêng của trẻ, tránh cắt ngang hoặc nhanh chóng đưa ra câu trả lời. Thay vào đó, họ nên tập trung vào uốn nắn và bổ sung nhận xét của trẻ, khích lệ trẻ phát triển khả năng diễn đạt và tư duy logic của mình thông qua việc đặt câu hỏi và thảo luận. * Cách tiến hành - Xây dựng hệ thống câu hỏi: + Câu hỏi kích thích trẻ quan sát các đối tượng, hiện tượng tự nhiên, gọi tên đối tượng. Trong quá trình tiếp xúc với các đối tượng và hiện tượng thiên nhiên, vai trò của giáo viên là hướng dẫn trẻ cách thức quan sát, bằng cách sử dụng tất cả các giác quan như thị giác, xúc giác, thính giác, vị giác, mùi giác, và cả khả năng đo lường. Cách thức quan sát này phải tương ứng với nhiệm vụ và tính chất của đối tượng hoặc hiện tượng cụ thể. Giáo viên cần giúp trẻ ghi nhớ các phương pháp quan sát đã biết và dựa vào đó, họ có thể tìm ra cách thức quan sát mới khi nói về cùng một sự vật hoặc hiện tượng. Ví dụ, giáo viên có thể đặt câu hỏi như "Làm thế nào để xác định xem có không khí trong cái chai này không?" hoặc "Khi thấy nước đọng trên tấm kính này, bạn có thể dùng từ gì để mô tả nó?" Hoặc thậm chí: "Làm thế nào để biết xem có gió hay không? Và khi có gió, cây cỏ sẽ ra sao?" Các câu hỏi này hướng dẫn trẻ sử dụng các giác quan của họ để quan sát và miêu tả các đặc điểm của đối tượng hoặc hiện tượng. Giáo viên sẽ đưa ra một số đặc điểm của đối tượng hoặc hiện tượng và khuyến khích trẻ sử dụng từ vựng và kiến thức đã có để trả lời, từ đó giúp trẻ nhận biết và mô tả các đặc điểm này một cách chính xác bằng ngôn ngữ.Ví dụ: Hãy nhìn nước, sờ tay vào nước, cho cánh tay di chuyển trong nước …thấy nước như thế nào ? + Câu hỏi khuyến khích trẻ tham gia hoạt động trực tiếp với đối tượng, tương tác với trải nghiệm, và thực hiện các tương tác trực quan. Câu hỏi này được sử dụng bởi giáo viên để thúc đẩy trẻ tham gia hoạt động trực tiếp với đối tượng hoặc hiện tượng thiên nhiên, nhằm khám phá và xác định các đặc điểm, thuộc tính, và mối liên hệ của chúng. Đây là những câu hỏi đòi hỏi trẻ phải tập trung vào tri giác và thực hiện các hoạt động như quan sát, ngửi, chạm vào, thử nếm, đo lường, so sánh, phân loại, và thử nghiệm. Chức năng chính của các câu hỏi này là hướng dẫn, điều khiển và điều chỉnh các hoạt động khám phá của trẻ. Ví dụ: Khi trẻ đang tương tác với nước trong một hoạt động chơi đùa, giáo viên có thể sử dụng các câu hỏi như: "Hãy quan sát xem, nước có màu gì?" hoặc "Hãy thử nếm xem, nước có mùi hoặc vị gì?" Giáo viên cũng có thể khuyến khích trẻ thực hiện các tương tác thêm như "Hãy dùng tay để cầm nước..." Khi trẻ đang nghiên cứu hiện tượng vật nổi và vật chìm trong nước,
  8. 76 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI giáo viên có thể sử dụng các câu hỏi để thúc đẩy trẻ tư duy ngôn ngữ như: "Nếu chúng ta đặt một viên nam châm gần một mẫu cát, bạn nghĩ sẽ xảy ra hiện tượng gì?"... Khi trẻ đang khám phá tác động của ánh sáng, giáo viên có thể sử dụng câu hỏi để khuyến khích trẻ thực hiện các thí nghiệm, ví dụ: "Hãy treo một mẫu vải trong bóng tối và một mẫu vải dưới ánh nắng, bạn nghĩ sẽ có hiện tượng gì xảy ra?" + Câu hỏi thúc đẩy quá trình tư duy: So sánh, phân loại, phân tích, đưa ra nhận định, suy luận, và giải thích... Đây là những câu hỏi đòi hỏi trẻ phải tích cực sử dụng các kỹ năng tư duy để phân tích, tổng hợp, so sánh, phân loại, đưa ra kết luận, suy luận và giải thích về những trải nghiệm trực tiếp của họ. Những câu hỏi này giúp trẻ nhận biết và phân biệt các đối tượng và hiện tượng một cách chính xác, đầy đủ và sâu sắc hơn. Để đáp ứng các câu hỏi này, trẻ cần phải thực hiện việc quan sát cẩn thận, phân tách các đặc điểm đặc trưng của đối tượng và thực hiện so sánh với các đối tượng khác. Trẻ cũng cần xác định mối liên hệ giữa các đối tượng và hiện tượng. Câu hỏi thúc đẩy trẻ đưa ra những nhận định, suy luận và giải thích không nhất thiết phải hoàn toàn chính xác; thay vào đó, chúng yêu cầu trẻ tìm kiếm trong kinh nghiệm của họ để tạo ra những thông tin phù hợp. Câu hỏi này thường được sử dụng sau khi trẻ đã tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thực tế như quan sát, tiếp xúc, thử nghiệm. Giáo viên thường đặt các câu hỏi như "Tại sao lại như vậy?" "Như thế nào?" "Vì sao như thế?" "Điều gì có thể xảy ra?" để kích thích quá trình tư duy của trẻ. Tuy nhiên, đây là các câu hỏi khá khó, vì vậy giáo viên thường nên bắt đầu bằng các câu hỏi tổng quan và sau đó đưa ra các câu hỏi gợi ý. Điều quan trọng là điều chỉnh mức độ khó khăn của câu hỏi để phù hợp với trình độ của từng trẻ. Ví dụ: Cho trẻ quan sát hiện tượng “Bóng đứng dậy”. Hỏi trẻ: Con thấy có hiện tượng gì xảy ra khi cô cho miệng quả bỏng bịt miệng của trai thủy tinh đặt trong chậu nước nóng? Vì sao khi cho nước nóng vào trong chai thì ở thành chai, nắp chai lại có hạt nước nhỏ li ti bám vào? và quả bóng lại bị hút vào bên trong trai?...Cô chuẩn bị phương án: Gợi cho trẻ nhớ lại một hiện tượng trong bốc hơi mà trẻ đã chứng kiến. Sau đó sử dụng câu hỏi gợi ý: Không khí khi bị nóng lên có nở ra không? Nước có bị bốc hơi không? Hỏi nước bốc đi đâu?...Dẫn dắt trẻ trở về vấn đề ban đầu: Vậy vì sao lại có hạt nước nhỏ li ti bám vào thành chai, nắp chai?... + Câu hỏi kích thích ngôn ngữ, xúc cảm và các cách biểu đạt khác nhau. Đó là những câu hỏi giúp trẻ trẻ tích cực để phản ánh, mô tả và thể hiện quan điểm, cảm nhận của trẻ về đối tượng khám phá. Chúng khuyến khích trẻ tương tác với đối tượng, sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để thể hiện những điều trẻ quan sát và khám phá được. Câu hỏi mở được áp dụng và thực hiện vào ba giai đoạn khác nhau: trước khi tìm hiểu, trong quá trình tìm hiểu và sau khi tìm hiểu các hiện tượng khoa học. Trong quá trình này, giáo viên đặt sự chú ý vào việc kích thích cảm xúc của trẻ khi họ tiếp cận và khám phá hiện tượng. Đồng thời, giáo viên khuyến khích trẻ sử dụng nhiều phương tiện biểu đạt khác nhau để thể hiện suy nghĩ và kiến thức của họ. Ví dụ, giáo viên có thể đặt câu hỏi như "Theo con nếu cô cho đường vào nước thì điều gì sẽ xảy ra?" hoặc "Vì sao khi lấy tấm mi ka đậy lên trên cốc nước nóng, ta không nhìn thấy hơi nước nữa? Hơi nước đã đi đâu rồi" để thúc đẩy trẻ suy nghĩ và trao đổi ý kiến. Biện pháp 3: Sử dụng trò chơi mang tính chất khám phá, thử nghiệm giúp trẻ củng cố và mở rộng vốn từ.
  9. TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 81/THÁNG 2 (2024) 77 * Mục đích, ý nghĩa Với vai trò là hoạt động chủ đạo của lứa tuổi MG, trò chơi được sử dụng như một biện pháp quan trọng trong quá trình cho trẻ khám phá về nước và các hiện tượng tự nhiên. Trẻ mầm non “học mà chơi, chơi mà học”, vui chơi có vai trò vô cùng to lớn tạo nên sự biến đổi tâm lý của trẻ và chi phối các dạng hoạt động khác [16]. Việc sử dụng trò chơi trong hoạt động khám phá khoa học về nước và các hiện tượng tự nhiên giúp cho trẻ giải quyết nhiệm vụ nhận thức dưới hình thức chơi nhẹ nhàng, không áp lực, nâng cao tính tích cực nhận thức Sử dụng trò chơi nhằm phát triển vốn từ cho trẻ qua việc tổ chức thực hành trải nghiệm trong hoạt động khám phá khoa học là quá trình tổ chức cho trẻ học qua chơi để tiếp thu, lĩnh hội tri thức, khái niệm, biểu tượng cũng như củng cố về sự vật, hiện tượng xung quanh (Nước và các HTTN) mà trẻ được hoạt động trực tiếp. Trên cơ sở đó mở rộng vốn từ, rèn luyện ngữ âm, tích cực hóa vốn từ. *Yêu cầu: - Lựa chọn và sử dụng trò chơi phải phù hợp với mục đích, yêu cầu, nội dung của từng đề tài, phù hợp với đặc điểm nhận thức của trẻ, hấp dẫn, gây hứng thú cho trẻ. Trẻ chơi hoàn toàn tự nguyện, thoải mái. - Hứng dẫn trò chơi tỉ mỉ, cụ thể để trẻ biết cách chơi rõ ràng đem lại hiệu quả. - Tùy vào đối tượng cho trẻ khám khá mà giáo viên lựa chọn những trò chơi để củng cố nhận biết của trẻ về sự vật, hiện tượng xung quanh trên cơ sở đó phát triển vốn từ. - Tăng dần độ khó của trò chơi (về yêu cầu, luật chơi, hành động chơi…) đồng thời các trò chơi này phải thích ứng với sự phát triển vốn từ cho trẻ. - Lồng ghép vào trò chơi những yếu tố ngôn ngữ giúp trẻ diễn đạt được những hiểu biết của mình về nước và các HTTN, như vậy hoạt động chơi không những giúp trẻ củng cố kiến thức đã học mà còn giúp trẻ củng cố lại vốn từ và vận dụng vốn từ đó vào trong lời nói. - Khi chơi phải tạo không khí thi đua, hào hứng để trẻ phát huy hết khả năng của mình - Sử dụng trò chơi phong phú, đa dạng. * Cách tiến hành: Để trò chơi là một biện pháp tốt trong việc phát triển vốn từ được cho trẻ thì: + Đầu tiên giáo viên phải nghiên cứu kỹ nội dung, yêu cầu của chủ đề cũng như nắm được đặc điểm phát triển vốn từ của trẻ. + Trên cơ sở lựa chọn, thiết kế các trò chơi phù hợp với từng yêu cầu cụ thể của nội dung hoạt động. + Lựa chọn giai đoạn, tình huống của hoạt động để đưa trò chơi vào sao cho đúng lúc. + Cô giáo giới thiệu trò chơi, giải thích cách chơi, luật chơi. + Tổ chức cho trẻ chơi: Cô có thể tổ chức trò chơi ở các giai đoạn hoạt động khác nhau, tùy từng nhu cầu và hứng thú của trẻ. Có thể sử dụng trò chơi ở giai đoạn đầu của hoạt động để gây hứng thú thu hút sự chú ý của trẻ vào mới hoạt động. Ví dụ trong đề tài “Vòng tuần hoàn của nước”, cô và trẻ cùng chơi trò chơi “Mưa to, mưa nhỏ”. Cô hỏi trẻ vừa được chơi trò chơi gì? Trời mưa thì các con phải làm gì nhỉ? (che ô), mưa nhỏ kêu như thế nào? (tí tách, tí tách), mưa vừa? (lộp bộp, lộp bộp), mưa to (ào ào), sấm chớp (đùng đùng, đoàng đoàng). Ở trò chơi
  10. 78 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI này cô giáo củng cố được cho trẻ vốn danh từ về các hiện tượng tự nhiên. Trò chơi cũng có thể sử dụng ở cuối hoạt động, với những trò chơi mang tính chất thi đua, nhóm. Ví dụ: trong đề tài “Các mùa trong năm”, cô cho trẻ chơi trò chơi “Thi ai nói đúng, nói hay”, cô giáo giơ bức tranh nào lên thì các đội đoán nhanh nó là bức tranh nói về mùa gì? Trong tranh có những hình ảnh gì?dùng ngôn ngữ của mình để miêu tả bức tranh ấy, ngoài cách miêu tả ấy còn cách miêu tả nào không?. Cô đưa bức tranh “mùa đông”, trẻ nói được từ “mùa đông”, bầu trời u ám, mùa đông lạnh, áo ấm…hay trong đề tài “Mưa”, kết thúc buổi học, cô cho trẻ chơi trò chơi kể chuyện theo tranh, cô giáo phát cho các nhóm trẻ những bức tranh về “quá trình hình thành mưa”. Để nhóm thảo luận sau đó lên kể một câu chuyện theo bức tranh đó. Có thể nói, hoạt động chơi chiếm vị trí trung tâm trong chương trình chăm sóc giáo dục mầm non. Trẻ mẫu giáo học tốt nhất thông qua chơi, Vì vậy giáo viên cần phải sử dụng nhiều trò chơi trong hoạt động cho trẻ khám phá các sự vật, hiện tượng xung quanh, tạo được môi trường chơi cho trẻ, gợi ý cho trẻ tự kiểm tra, đánh giá kết quả chơi, sau đó đưa ra lời động viên, khuyến khích, khen ngợi kịp thời. 3. KẾT LUẬN Trên đây là những biện pháp mà chúng tôi đề xuất để tổ chức thực hành trải nghiệm cho trẻ trong hoạt động khám phá khoa học nhằm phát triển vốn từ (danh từ, động từ, tính từ, từ ngữ khoa học) cho trẻ 5 – 6 tuổi. Với mỗi biện pháp thì có những ưu, nhược điểm riêng và không phải trong các bài chúng tôi đều sử dụng tất cả bốn biện pháp này. Tùy từng bài với từng những nội dung khác nhau mà chúng tôi sử dụng các biện pháp khác nhau cho phù hợp với nội dung, các biện pháp ở đây có sự tác động, tương trợ lẫn nhau. Bởi để phát triển được vốn từ cho trẻ thì cần sự phối hợp linh hoạt giữa các phương pháp. Điều quan trọng là người giáo viên là người tạo điều kiện, tạo cơ hội, thang đỡ cho trẻ được trải nghiệm, tạo được môi trường ngôn ngữ cho trẻ, trẻ có mở mang được thêm vốn kiến thức, vốn từ mới hay không thì cô giáo vẫn góp một vai trò vô cùng quan trọng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. E. . Susan Miller, Phát triển ngôn ngữ thông qua trò chơi,. Scholastic Inc. Early Childhood Division, 1991. 2. H. T. O. Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Thanh, Giáo trình phương pháp khám phá môi trường xung quanh. Nhà xuất bản Hồng Đức, 2020. 3. L. French, K. Conezio, and M. Boynton, “Using Science as the Hub of an Integrated Early Childhood Curriculum: The ScienceStart! Curriculum,” Issues Early Child. Educ. Curriculum, Teach. Educ. Dissem. Inf., no. November, pp. 5–7, 2000. 4. R. Taconis, M. G. M. Ferguson-Hessler, and H. Broekkamp, “Teaching science problem solving: An overview of experimental work,” J. Res. Sci. Teach., vol. 38, no. 4, pp. 442–468, Apr. 2001, doi: 10.1002/tea.1013. 5. Đinh Hồng Thái, Phát triển ngôn ngữ tuổi mầm non. Đại học Sư Phạm Hà Nội, 2011. 6. T. T. N. L. Đặng Út Phượng, Tiếp cận phương pháp giáo dục sớm Glenn Doman nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ từ 0 đến 3 tuổi. Nhà xuất bản Thanh Niên, 2021. 7. X. Guo, “A Bibliometric Analysis of Child Language During 1900–2021,” Front. Psychol., vol. 13, Jun. 2022, doi: 10.3389/fpsyg.2022.862042.
  11. TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 81/THÁNG 2 (2024) 79 8. Đặng Út Phượng, “Biện pháp tổ chức thực hành trải nghiệm trong hoạt động khám phá khoa học nhằm phát triển vốn từ cho trẻ 5 – 6 tuổi,” Đại học Sư phạm Hà Nội, 2012. 9. Nguyễn Thị Hải Thiện, “Kỹ năng nói tiếng mẹ đẻ của trẻ mẫu giáo,” Luận án Tiến sĩ tâm lý học, Đại học Sư Phạm Hà Nội, 2016. 10. Nguyễn Thị Ngọc Châu, “Tổ chức hoạt động khám phá khoa học nhằm phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi,” Luận án Tiến sĩ khoa học giáo dục, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2022. 11. N. T. H. Nguyễn Thanh Huyền, Nguyễn Phương Anh, “Một số biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ 5-6 tuổi thông qua hoạt động kể chuyện sáng tạo theo hướn tiếp cận chương trình lớp Một mới,” Tạp chí Dạy và Học ngày nay, no. 037, 2021. 12. L. F. Kethleen Conezio, “Khoa học trong các lớp học mầm non: Tận dụng sự hứng thú của trẻ với thế giới xung quanh để thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ và đọc viết,” in Phát triển chương trình giáo dục mầm non – Kinh nghiệm Singapore, S. I. F. Vụ giáo dục mầm non, Trường cao đẳng Sư phạm Trung Ương, Ed. Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, 2006, pp. 79–89. 13. Joseph Bharat Cornell, Sharing Nature With Children II, Paperback. January 1, 1989 by Dawn Pubns, 1989. Accessed: Aug. 08, 2023. [Online]. Available: https://www.goodreads.com/book/show/268374.Sharing_Nature_With_Children_II 14. Joseph Bharat Cornell, Sharing Nature with Children, 20th Anniversary Edition by Joseph Bharat Cornell | Goodreads, Kindle. January 1, 1989 by Dawn Pubns, 1979. Accessed: Aug. 08, 2023. [Online]. Available: https://www.goodreads.com/book/show/731934.Sharing_Nature_with_Children_20th_Anniversa ry_Edition 15. John Dewey, “How we think: A restatement of the relation of reflective thinking to the educative process,” Heath, 1933. 16. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2002. SOME MEASURES OF ORGANIZING EXPERIENCES IN SCIENTIFIC EXPLORATION ACTIVITIES TO DEVELOP VOCABULARY FOR 5-6 YEARS OLD CHILDREN Abstract: Currently, the reality of early childhood education has clearly demonstrated the importance of promoting experiences in organizing learning activities for young children, aiming to encourage them to explore and understand more deeply about the world around them. However, it is worth emphasizing that the organization of experiences is still limited, with content lacking richness and appeal to children. Teachers often face difficulties in planning and implementing experiential activities flexibly to promote appropriate development for each individual child and to be compatible with the specific situation at the school, grade level, or region. This not only leads to a failure to accurately assess the positive and important role of experiences in building the knowledge foundation for children as they engage in scientific exploration activities. In this study, we will present specific measures to organize experiential activities in the field of scientific exploration, with the aim of promoting the development of knowledge capital for children aged 5-6. Keywords: Experience, scientific exploration, knowledge capital, children aged 5-6.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
105=>0