intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

25
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tập trung làm rõ các chủ trương, chính sách đã được sử dụng để thúc đẩy khởi nghiệp của Việt Nam cũng như những kết quả đã đạt được. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp phù hợp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam

  1. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY TINH THẦN KHỞI NGHIỆP Ở VIỆT NAM Nguyễn Đức Hoàng Thọ*- Trần Thị Thanh Huyền** 1 2 TÓM TẮT: Trong quá trình đối mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay, vấn đề khởi nghiệp và tăng năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng. Nhờ quan điểm cởi mở hơn đối với khu vực tư nhân của chính phủ, kinh tế tư nhân đã trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, các nguồn lực được giải phóng, qua đó giúp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ. Hầu hết các nghiên cứu đã chỉ rõ, khả năng thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp chịu tác động mạnh mẽ không chỉ bởi các yếu tố thuộc môi trường nội bộ doanh nghiệp mà còn bởi môi trường bên ngoài doanh nghiệp. Do đó, từ góc độ quản lý vĩ mô, Việt Nam cần tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hơn nữa. Bài viết tập trung làm rõ các chủ trương, chính sách đã được sử dụng để thúc đẩy khởi nghiệp của Việt Nam cũng như những kết quả đã đạt được. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp phù hợp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam. Từ khóa: Khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. 1. GIỚI THIỆU Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên. Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp và trở thành nước có thu nhập trung bình, tuy nhiên, nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” luôn hiện hữu. Điều đó đặt ra yêu cầu, Việt Nam cần phải tập trung hơn nữa vào đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện giải phóng các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo mà trước mắt là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Đến nay, đã có nhiều nghiên cứu về khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp, tuy nhiên, quan niệm về khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp không phải lúc nào cũng nhất quán. Nhìn chung, vấn đề khởi nghiệp thường được các học giả nhấn mạnh gắn với một khâu, một đặc tính cơ bản của các hành động thành lập, triển khai thực hiện các mô hình kinh doanh liên quan. Theo Paul Graham (2005), doanh nghiệp khởi nghiệp là doanh nghiệp được lập ra với kỳ vọng tăng trưởng nhanh. Yếu tố quan trọng nhất xác định một doanh nghiệp khởi nghiệp là tốc độ tăng trưởng gắn với ý tưởng sáng tạo mới. Steve Blank (2013) lại coi doanh nghiệp khởi nghiệp là một tổ chức được tạo ra để tìm kiếm mô hình kinh doanh “có khả năng lặp lại và mở rộng”. Bàn về doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, theo Bùi Nhật Quang (2017), cách hiểu phổ biến về doanh nghiệp khởi nghiệp được xác định với 3 yếu tố chính là: (i) Tăng trưởng nhanh; (ii) tài sản trí tuệ, công nghệ (tức là khả năng đổi mới sáng tạo); và (iii) mô hình kinh doanh mới. * Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội, ** Học viện Ngân hàng, 12 chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội Tác giả nhận phản hồi: . Tel.: +84983830104, E-mail: huyenttt@hvnh.edu.vn
  2. 736 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA Phân tích các yếu tố tác động đến khả năng thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan. Trong số đó, cần kể đến nghiên cứu của Nguyễn Thanh Hải (2017). Theo tác giả, khởi nghiệp chịu tác động mạnh mẽ của các yếu tố thuộc môi trường nội bộ doanh nghiệp và môi trường bên ngoài doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, khả năng thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp chịu tác động của các yếu tố thuận chiều như: Ý tưởng kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ; kinh nghiệm tích lũy được của nhà sáng lập; nguồn nhân lực và quản trị nhân sự; trình độ công nghệ được sử dụng; nguồn lực vốn và tài chính; marketing và bán hàng; tổ chức quản lý và vận hành nội bộ; tình hình kinh tế - xã hội tại thời điểm doanh nghiệp khởi nghiệp; đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, vốn điều lệ là yếu tố ảnh hưởng ngược chiều tới khả năng thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp (vốn điều lệ của doanh nghiệp khởi nghiệp càng cao thì khả năng khởi nghiệp thành công càng thấp). Ngoài ra, nghiên cứu cũng xem xét mức độ ảnh hưởng đến khả năng doanh nghiệp khởi nghiệp thành công của các yếu tố như: Hoạt động chuẩn bị khởi nghiệp; kỹ năng, kiến thức của nhà khởi nghiệp; động lực của nhà khởi nghiệp; mục tiêu khởi nghiệp; chiến lược và kế hoạch khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; văn hóa doanh nghiệp; thủ tục hành chính, pháp lý; chính sách thuế đối với doanh nghiệp khởi nghiệp; khách hàng; nhà cung cấp. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu về tác động của các yếu tố này đối với khả năng thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp không có ý nghĩa thống kê. Phần tiếp theo của bài viết sẽ tập trung làm rõ chủ trương, chính sách của Việt Nam trong thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp; xem xét thực trạng khởi nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2013-2018. Cuối cùng, bài viết đề xuất một số kiến nghị giải pháp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp Việt Nam. 2. CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY KHỞI NGHIỆP Ở VIỆT NAM Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước cho thấy, kể từ khi đổi mới đến nay, đường lối, chủ trương của Đảng ta về phát triển kinh tế tư nhân luôn nhất quán và ngày càng hoàn thiện. Qua các kỳ đại hội, vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân được thừa nhận dần dần, từ chỗ chỉ là “thành phần kinh tế có thể được sử dụng và cần cải tạo bằng những bước đi thích hợp” (theo tinh thần Đại hội Đảng VI), đến là “bộ phận cấu thành không thể thiếu của nền kinh tế” (theo tinh thần Đại hội Đảng X), là “một trong những động lực của nền kinh tế” (theo tinh thần Đại hội Đảng XI) và là “một động lực quan trọng của nền kinh tế” (theo tinh thần Đại hội Đảng XII). Đại hội XII của Đảng không chỉ khẳng định vai trò “là một động lực quan trọng”, mà còn mở ra những cơ hội mới để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa với việc nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016). Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho sự phát triển của kinh tế tư nhân nói chung, DNNVV, doanh nghiệp khởi nhiệp nói riêng. Có thể kể đến các văn bản chính sách hỗ trợ như: Ngày 23/11/2001, Chính phủ ban hành Nghị định Số 90/2001/NĐ-CP “Về trợ giúp phát triển DNNVV”, quy định hỗ trợ phát triển các DNNVV từ trung ương đến địa phương. Đến ngày 30/6/2009, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định Số 56/2009/NĐ-CP “Về trợ giúp các DNNVV” (thay thế cho Nghị định 90/2001/ NĐ-CP). Trên cơ sở các tiêu chí xác định DNNVV, cũng như quy định 8 nhóm hỗ trợ phát triển đối với DNNVV (hỗ trợ tài chính; mặt bằng sản xuất; đổi mới nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc
  3. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 737 tiến mở rộng thị trường; tham gia mua sắm, cung ứng dịch vụ công; thông tin và tư vấn; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực; vườn ươm doanh nghiệp), các bộ, ngành, địa phương cũng đã tập trung xây dựng và triển khai những chương trình hỗ trợ DNNVV phát triển. Ngày 23/10/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Số 236/2006/QĐ-TTg “Phê duyệt kế hoạch phát triển DNNVV 5 năm (2006-2010)”, với 7 nhóm giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu: “Đẩy nhanh tốc độ phát triển DNNVV, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các DNNVV đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng cho nền kinh tế”. Ngày 07/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Số 1231/QĐ-TTg “Phê duyệt kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015”, với 8 nhóm giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu: “Đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, lành mạnh để các DNNVV đóng góp ngày càng cao vào phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập kinh tế quốc tế”. Trong đó, tập trung ưu tiên vào các giải pháp: (i) Thành lập Quỹ hỗ trợ DNNVV; (ii) đẩy mạnh các chương trình đổi mới ứng dụng công nghệ, chú trọng phát triển công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm mới, trang thiết bị, máy móc hiện đại; (iii) thúc đẩy các liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành. Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết Số 35/NQ-CP “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”, với mục tiêu được xác định: “Đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp Khoảng 48 - 49% GDP, Khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp Khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng Khoảng 5%/năm. Hàng năm, có Khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo”. Nghị quyết đã đề ra 10 nguyên tắc để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, trong đó, có nguyên tắc “Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển”. Để thực hiện mục tiêu đã định, Nghị quyết chỉ rõ cần thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau: (1) Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; (2) tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; (3) bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; (4) giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; (5) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Số 844/QĐ-TTg “Về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025””, với mục tiêu tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Nội dung chính của Đề án là: (i) Xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; (ii) xây dựng Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại các Bộ, ngành, địa phương có tiềm năng phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (iii) hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước về khoa học và công nghệ hằng năm để tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia với quy mô quốc tế; (iv) tiếp tục triển khai Đề án Thương mại hóa công nghệ với quy mô dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2020; (v) phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (vi) phát triển cơ sở vật chất-kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (vii) Hỗ trợ xây dựng chương trình truyền thông về hoạt động khởi nghiệp; (viii) kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với khu vực và thế giới; (ix) giới thiệu đối tác, nhà đầu tư, hỗ trợ thủ tục nhà đầu
  4. 738 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA tư, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước tiếp cận thị trường nước ngoài; (x) hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (XI) Nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở Đề án đã xác định, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngày 12/6/2017, Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV (Luật số 04/2017/QH14). Bên cạnh những quy định đối với DNNVV nói chung, Luật này xác định, “DNNVV khởi nghiệp sáng tạo là DNNVV được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”. Theo đó, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo nếu có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần, sẽ được hỗ trợ những nội dung như: (1) Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới; (2) hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; (3) hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; (4) hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; (5) trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; việc cấp bù lãi suất được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng. Ngày 11/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định Số 38/2018/NĐ-CP “Quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo”, nhằm (i) hướng dẫn về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, (ii) việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, (iii) cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, đáng chú ý là nội dung thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, với quy định “Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở Điều lệ quỹ”. Đồng thời, “Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác” và được “đầu tư không quá 50% vốn Điều lệ của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư”. Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định tổ chức tài chính nhà nước của địa phương sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khoản vốn đầu tư không quá 30% tổng vốn đầu tư mà doanh nghiệp đó huy động được từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Cũng trong ngày 11/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định Số 39/2018/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV”. Nghị định đã đưa ra tiêu chí mới để xác định DNNVV, thay thế cho quy định trước đây tại Nghị định Số 59/2009/NĐ-CP. Đồng thời, Nghị định đã quy định các DNNVV được hưởng những chính sách chi tiết về hỗ trợ tư vấn thông tin, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, Nghị định còn hướng dẫn chi tiết chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Như vậy, có thể thấy, chủ trương và chính sách hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam có định hướng tương đối rõ ràng. Chính nhở những chủ trương, chính sách này mà hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu: “Đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh... Hàng năm, có Khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo” (Chính phủ, 2016).
  5. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 739 3. THỰC TRẠNG KHỞI NGHIỆP Ở VIỆT NAM Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2013 - 2017, số doanh nghiệp thành lập mới ở Việt Nam có xu hướng tăng theo từng năm, từ 76.955 doanh nghiệp năm 2013, lên 94.754 doanh nghiệp năm 2015 và năm 2017 là 126.859 doanh nghiệp. Cùng với đó, số vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới cũng tăng tương ứng trong các năm 2013, 2015 và 2017 lần lượt là 398.681 tỷ đồng, 601.519 tỷ đồng và 1.295.911 tỷ đồng. So sánh giữa năm 2013 và 2017, có thể thấy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,65 lần, số vốn đăng ký tăng 3,25 lần, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp tăng 1,96 lần (Bảng 1). Cũng từ nguồn số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam có 87.448 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2017), với số vốn đăng ký là 878.627 tỷ đồng (tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2017). Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/ doanh nghiệp đạt 10 tỷ đồng (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2017). Bảng 1. Số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký và tỷ trọng vốn đăng ký trung bình/ doanh nghiệp giai đoạn 2013 - 2017 2013 2014 2015 2016 2017 Số doanh nghiệp (Doanh nghiệp) 76.955 74.842 94.754 110.100 126.859 Số vốn đăng ký (Tỷ đồng) 398.681 432.286 601.519 891.094 1.295.911 Tỷ trọng vốn đăng ký trung bình/ doanh 5,2 5,8 6,3 8,1 10,2 nghiệp (Tỷ đồng) Nguồn: https://dangkykinhdoanh.gov.vn Như vậy, có thể thấy, trong giai đoạn 2013 - 2018, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký có xu hướng tăng theo từng năm. Có thể thấy, xu hướng này là kết quả của quá trình cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao nhận thức khởi nghiệp, nâng cao tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam nhận thấy có cơ hội để bắt đầu kinh doanh. Nghiên cứu của VCCI (2016) chỉ rõ, tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam nhận thấy có cơ hội để bắt đầu một việc kinh doanh đã tăng vọt từ mức 36,8% năm 2013 và 39,4% năm 2014 lên mức 56,8% năm 2015, cao hơn so với 4 nước ASEAN (Philippine, Indonesia, Thái Lan và Malaysia) tham gia xếp hạng Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu - GEM 2015 (Hình 1). 60,00% 56,80% 53,80% 49,90% 50,00% 41% 39,40% 40,00% 36,80% 30,00% 28,20% 20,00% 10,00% 0,00% Việt Nam Việt Nam Việt Nam Philippine Indonesia Thái Lan Malaysia 2013 2014 2015 Nguồn: VCCI (2016) Hình 1. Nhận thức về cơ hội khởi nghiệp của Việt Nam giai đoạn 2013 - 2015 và một số nước ASEAN năm 2015
  6. 740 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA Cũng theo VCCI (2016), tỷ lệ người có ý định khởi sự kinh doanh ở Việt Nam là 22,3%, cao hơn mức 18,2% năm 2014 và gần bằng mức 24% năm 2013. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn kém xa so với mức trung bình của các nước có cùng trình độ phát triển như Việt Nam (các nước phát triển dựa trên nguồn lực - 36,5%). Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có các chính sách khuyến khích khởi nghiệp, nhất là thông qua việc đào tạo nâng cao năng lực, trang bị kiến thức khởi sự kinh doanh cho người trưởng thành ở Việt Nam. Theo quy mô vốn, có thể thấy, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong giai đoạn 2016 - 2018 tăng so với cùng kỳ ở tất cả các quy mô vốn, dù mức tăng có khác nhau. Trong đó, các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Bên cạnh đó, xét trong cùng kỳ (năm), số lượng doanh nghiệp thành lập mới với quy mô nguồn vốn càng lớn thì càng giảm (Bảng 2). Bảng 2. Số doanh nghiệp thành lập mới theo quy mô nguồn vốn giai đoạn 2016 - 2018 Đơn vị tính: Doanh nghiệp. STT Quy mô vốn đăng ký 2016 2017 8 tháng đầu năm 2018 Số doanh So với cùng kỳ nghiệp 2017 (%) Tổng số 110.100 126.859 87.448 2,4 1 0 - 10 tỷ đồng 100.649 114.614 78.269 1,7 2 10 - 20 tỷ đồng 4.596 6.171 4.643 11,3 3 20 - 50 tỷ đồng 2.522 3.224 2.391 6,1 4 50 - 100 tỷ đồng 1.160 1.334 1.081 17,4 5 Trên 100 tỷ đồng 1.173 1.516 1.064 2,8 Nguồn: https://dangkykinhdoanh.gov.vn Theo loại hình doanh nghiệp, số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, trong năm 2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chủ yếu tập trung ở loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, với 73.118 doanh nghiệp (chiếm tới 57,64% trong tổng số 126.859 doanh nghiệp đăng ký mới). Tiếp đến là loại hình công ty trách nhiệm 2 thành viên với 29.389 doanh nghiệp đăng ký mới (tương ứng 23,17%); loại hình công ty cổ phần với 21.197 doanh nghiệp đăng ký mới (16,71%). Cuối cùng, là loại hình doanh nghiệp tư nhân với 3.133 doanh nghiệp đăng ký mới và loại hình công ty hợp danh với 22 doanh nghiệp đăng ký mới. Như vậy, loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên đã góp phần đáng kể vào số lượng doanh nghiệp đăng ký mới. Theo vùng lãnh thổ, số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, trong năm 2017, khu vực Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao nhất, với 53.698 doanh nghiệp, tương ứng 42% trong tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của Việt Nam. Tiếp đến là khu vực Đồng bằng Sông Hồng, với 38.075 doanh nghiệp, tương ứng 30%; khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, với 17.556 doanh nghiệp, tương ứng 14%. Ít nhất là khu vực Tây Nguyên, với 2.236 doanh nghiệp, tương ứng 3% trong tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của Việt Nam (Hình 2).
  7. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 741 Đồng bằng Sông Cửu Long 7% Đồng bằng Sông Hồng 30% Đông Nam Bộ 42% Trung du và miền núi phía Bắc 4% Bắc Trung Bộ và duyên hải miên Tây Nguyên trung 3% 14% Nguồn: https://dangkykinhdoanh.gov.vn Hình 2. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo vùng lãnh thổ năm 2017 Theo lĩnh vực hoạt động, có thể thấy, trong giai đoạn 2017 - 2018 cũng như trong từng năm/ kỳ của giai đoạn, ngành “Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy” có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhiều nhất, chiếm khoảng 34% đến 36% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của Việt Nam; nhiều hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của 12 lĩnh vực/ ngành khác (gồm: (1) Dịch vụ lưu trú và ăn uống; (2) dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; (3) giáo dục và đào tạo; (4) hoạt động dịch vụ khác; (5) khai khoáng; (6) kinh doanh bất động sản; (7) nghệ thuật, vui chơi và giải trí; (8) nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; (9) sản xuất phân phối, điện, nước, gas; (10) tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; (11) thông tin và truyền thông; (12) y tế và hoạt động trợ giúp xã hội) cộng lại. Tiếp đến là các ngành như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng... (Bảng 3). Kết quả này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của VCCI (2016), ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực (như Việt Nam), tỷ lệ khởi sự kinh doanh trong ngành thương mại (bán buôn, bán lẻ) luôn cao nhất, ngược lại, tỷ lệ khởi sự kinh doanh ở các ngành dịch vụ lại thấp nhất. VCCI (2016) cũng chỉ rõ, tỷ lệ khởi sự doanh nghiệp trong ngành thương mại ở Việt Nam lên đến 71,2%, trong khi tỷ lệ này ở các ngành dịch vụ chỉ đạt 9,6%. Điều này đặt ra yêu cầu, Việt Nam cần khuyến khích khởi sự kinh doanh trong những ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ phát triển doanh nghiệp, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính... Bảng 3. Số doanh nghiệp thành lập mới theo lĩnh vực hoạt động giai đoạn 2016 - 2018 Đơn vị tính: Doanh nghiệp. Ngành nghề kinh doanh 2016 2017 8 tháng đầu năm 2018 Tổng số 110.100 126.859 87.448 Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy 38.956 45.411 29.646 Công nghiệp chế biến, chế tạo 14.806 16.191 10.877 Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng 8.430 9.392 6.635 cáo và chuyên môn khác Vận tải kho, bãi 6.269 5.903 3.862 Xây dựng 14.502 16.035 11.486 Các ngành khác 27.137 33.927 24.942 Nguồn: https://dangkykinhdoanh.gov.vn
  8. 742 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA Như vậy, có thể thấy, các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ (theo quy mô nguồn vốn), thuộc loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, hoạt động trong ngành/ lĩnh vực thương mại, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng. Điều này đặt ra yêu cầu, Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp nếu muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp. 4. KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ Có thể thấy, những chủ trương, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam có định hướng tương đối rõ ràng. Theo đó, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện ở vị thế doanh nhân ngày càng được nâng lên; vai trò “động lực quan trọng” của kinh tế tư nhân; sự gia tăng mạnh mẽ các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tuy nhiên, xem xét từ dưới góc độ sự phù hợp của chính sách hỗ trợ và mức độ sẵn sàng khởi nghiệp của các cá nhân trưởng thành thì thấy, để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp sau: Một là, cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần đồng bộ, nhất quan, đủ mạnh, có tính đột phá và có quy định cụ thể, tránh mang nặng tính khuyến khích chung chung. Tăng cường sự phối hợp giữa trung ương và địa phương trong hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đặc biệt, trên cơ sở các quy định tại Nghị định Số 38/2018/NĐ-CP, các địa phương cần chủ động hỗ trợ các DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ha là, phát triển đồng bộ các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tạo điều kiện cho các DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, tăng cường mối liên kết hợp tác giữa DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ba là, có chính sách phát triển nhân lực cho các doanh nghiệp mới đăng ký thành lập nói chung và DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng, trong đó, trọng tâm là nâng cao năng lực quản trị. Tăng cường mối liên kết giữa cơ quan chính quyền và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm sử dụng hiệu quả lao động và các nguồn lực hỗ trợ khác. Bốn là, đối với các cá nhân trưởng thành, các nhà khởi nghiệp tương lai, cần tăng cường kỹ năng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong kinh doanh, lãnh đạo và điều hành công việc. Từ đó hình thành kinh nghiệm bản thân và thói quen phản ứng linh hoạt trước các tình huống phát sinh trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm là, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần xây dựng bộ máy nhân sự phù hợp và chú trọng hoàn thiện công tác quản trị nhân sự, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp. Xây dựng chính sách sử dụng vốn hiệu quả và có chính sách đầu tư công nghệ phù hợp với khả năng về vốn và yêu cầu công việc. TÀI LIỆU THAM KHẢO Chính phủ (2009), Nghị định Về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Số 56/2009/NĐ-CP. Chính phủ (2016), Nghị quyết Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Số 35/NQ-CP. Chính phủ (2018), Nghị định Quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, Số 38/2018/NĐ-CP. Chính phủ (2018b), Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Số 39/2018/ NĐ-CP . Cổng thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư): https:// dangkykinhdoanh.gov.vn
  9. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 743 Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng. Nguyễn Thanh Hải (2017), Phân tích các yếu tố tác động đến doanh nghiệp mới khởi nghiệp tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học Thương mại, Số 105/2017, tr. 27-34. Paul Graham (2005), How to start a startup? (This essay is derived from a talk at the Harvard Computer Society). http://www.paulgraham.com/start.html Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật số 04/2017/QH14. Bùi Nhật Quang (2017), Khởi nghiệp tại Việt Nam: Nhận thức và những kết quả bước đầu, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, Số 3 (466), tr. 12-17. Steve Blank (2013), The 6 Types of Startups (The Wall street Journal). https://blogs.wsj.com/accelerators/2013/06/24/ steve-blank-the-6-types-of-startups-2/ Thủ tướng Chính phủ (2006), Quyết định Phê duyệt kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 5 năm (2006-2010), Số 236/2006/QĐ-TTg. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định Phê duyệt kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011- 2015, Số 1231/QĐ-TTg. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định Về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, Số 844/QĐ-TTg. VCCI (2016), Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015/16 (Chủ đề năm: Hoạt động kinh doanh xã hội), Nhà xuất bản Giao thông vận tải. VCCI (2015), Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2014, Nhà xuất bản Thông tấn.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2