Một số kiến nghị về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại Việt Nam
lượt xem 6
download
Bài viết này đề cập đến những bất cập của pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, từ đó tác giả đưa ra những kiến nghị nhằm hướng tới việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh về vấn đề này. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Một số kiến nghị về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại Việt Nam
- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ MANG THAI HỘ VÌ MỤC ĐÍCH NHÂN ĐẠO TẠI VIỆT NAM Hồ Tùng Lâm, Vũ Thị Hồng Thanh, Lê Khánh Giang* Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Hà Thị Hồng Thắm TÓM TẮT Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một vấn đề khá mới tại Việt Nam, với tính chất nhân đạo của mối quan hệ pháp luật này, việc pháp luật Việt Nam ghi nhận và cho phép thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhận được sự quan tâm và ủng hộ của xã hội. Hệ thống pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã mở ra những cơ hội cho các cặp vợ chồng vô sinh được hiện thực hóa mong ước được làm cha, làm mẹ - là một trong những ‚quyền chính đáng‛ của con người. Vấn đề này được chính thức ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2014 nhằm đảm bảo vấn đề mang thai hộ được thực hiện trên thực tiễn. Tuy nhiên, cũng chính vì lý do này, mà các quy định của pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng đặt ra khá nhiều rào cản về mặt pháp lý khiến cho việc thực hiện ‚quyền chính đáng‛ của các cặp vợ chồng vô sinh trở nên vô cùng khó khăn. Chính vì thế, trong bài viết này, tác giả muốn đề cập đến những bất cập của pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, từ đó tác giả đưa ra những kiến nghị nhằm hướng tới việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh về vấn đề này. Từ khóa: Hoàn thiện pháp luật, mang thai hộ, mục đích nhân đạo, quyền chính đáng, vô sinh. 1 ĐẶT VẤN ĐỀ Với một quốc gia mang nặng truyền thống Á Đông như Việt Nam, từ xưa việc sinh được con để nối dõi tông đường được xem là vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ hôn nhân. Không sinh được con dù là lý do nào cũng bị xem là tội lớn nhất, có câu ‚bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại‛, nghĩa là tội bất hiếu có ba điều, không có con nối dõi là tội lớn nhất. Không những thế, việc không sinh được con còn ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc của mỗi gia đình. Do đó, sự kết hợp của các cá thể nam và nữ trong xã hội để tạo ra thế hệ trẻ, duy trì nòi giống là một quy luật tất yếu tự nhiên. Đồng thời, sinh con là vấn đề gắn liền với quyền làm cha, làm mẹ, là một trong những vấn đề thuộc về nhân quyền luôn được pháp luật tôn trọng và được xem là ‚quyền chính đáng‛ của bất kỳ cá nhân nào. Tại Việt Nam, vấn đề này được ghi nhận và cụ thể hóa trong văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao nhất của Nhà nước, đó là Hiến pháp 2013, cụ thể tại Điều 14, việc này thể hiện sự bảo hộ của Nhà nước đối với quyền được làm cha, làm mẹ của mỗi cá nhân, tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất cho mỗi người được thực hiện quyền cao quý đó của mình [3]. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải cá nhân nào cũng may mắn có thể thực hiện quyền làm cha, làm mẹ theo quy luật tự nhiên. Với nhiều lý do khác nhau, nhiều cặp vợ chồng đã không thể tự sinh con và thực hiện quyền cao quý mà tạo hóa ban tặng cho con người. Cùng với đó, khi xã hội ngày 1447
- nay đang có nhiều sự thay đổi, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ quan niệm về tình yêu và hôn nhân gia đình đã dẫn đến tình trạng nạo phá thai gia tăng, chính điều này, càng làm cho số lượng các cặp vợ chồng không sinh được con có xu hướng gia tăng rõ rệt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, chỉ đứng sau bệnh ung thư và bệnh tim mạch trong thế kỷ thứ 21, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao nhất trên thế giới. Theo kết quả thống kê của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) năm 2019, Việt Nam có tỷ lệ vô sinh trong nước khá cao, hiện có khoảng 7,7% cặp vợ chồng tương đương với khoảng 1 triệu cặp rơi vào trường hợp vô sinh, hiếm muộn[1]. Với sự phát triển của Y học đã đem đến niềm hy vọng cho những cặp vợ chồng rơi vào hoàn cảnh thiếu may mắn nói trên có cơ hội làm cha, làm mẹ cũng những đứa con do chính họ sinh ra bằng sự can thiệp của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, ngay cả khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản được pháp luật cho phép theo quy định của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/01/2015 về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 98/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/07/2016 và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2018 cũng không đem lại được kết quả thì dường như việc tìm đến giải pháp mang thai hộ được xem như là một nhu cầu thực tiễn [6]. Bởi lẽ, khát khao có được một đứa con sinh ra mang cùng huyết thống với chính mình là một nguyện vọng chính đáng của bất kỳ cá nhân nào. Trước đây, do những rào cản về mặt pháp lý, mang thai hộ chủ yếu được thực hiện dưới hình thức các ‚hợp đồng đẻ thuê‛, có nghĩa đây là việc mang thai hộ vì mục đích thương mại được thực hiện một cách bất hợp pháp với những hệ lụy khá phức tạp, hình thành những rủi ro cho các chủ thể và ngay cả đứa trẻ được sinh ra. Trong một số trường hợp đặc biệt, việc thực hiện mang thai hộ nhưng đem lại kết quả không mong đợi, như đứa trẻ mắc các bệnh bẩm sinh mà cả người mang thai và người nhờ mang thai đều không muốn nhận con, thì đây lại trở thành gánh nặng cho xã hội. Từ thực tiễn nói trên, Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 19/06/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 đã đánh dấu một bước tiến vượt bậc của nước ta đối với công tác lập pháp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được pháp luật Việt Nam ghi nhận và cho phép thực hiện. Theo quy định tại Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 ghi nhận thì có thể hiểu: ‚Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con‛ [5]. Đây được xem là một bước ngoặt quan trọng đối với vấn đề mang tính bức thiết của một số người kém may mắn trong xã hội. Điều này đã mở ra cánh cửa hy vọng cho những cặp vợ chồng vô sinh mặc dù đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản khác nhưng vẫn không thể sinh con vẫn có cơ hội được thực hiện thiên chức cao quý của mình, đó là quyền được làm cha, làm mẹ đối với những đứa con có cùng huyết thống với họ một cách hợp pháp. Đồng thời, giải quyết được những tranh chấp trên thực tế khi tình trạng mang thai hộ vẫn tồn tại 1448
- tương đối phổ biến nhưng lại thiếu sự điều chỉnh của pháp luật và sự giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Song, bên cạnh những mặt tích cực, việc Quốc hội thông qua quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng có nhiều điểm bất cập, bởi một khi hợp pháp hóa quy định này, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng dễ dàng bị biến tướng thành một loại hình dịch vụ để trục lợi. Vấn đề được đặt ra là cơ chế nào để Nhà nước quản lý tốt, tránh việc quy định về cho phép mang thai hộ đi ngược lại với bản chất nhân văn mà nhà làm luật hướng đến. Cùng với đó, mặc dù đã được hợp pháp hóa, nhưng quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vẫn còn nhiều rào cản pháp lý khiến cho các chủ thể muốn thực hiện phương pháp này trở nên khó khăn. Điều này khiến cho ‚cảnh cửa‛ hy vọng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ của các cặp vợ chồng vô sinh bị thu hẹp. 2 NHỮNG “RÀO CẢN VỀ MẶT PHÁP LÝ” CỦA QUY ĐỊNH MANG THAI HỘ VÌ MỤC ĐÍCH NHÂN ĐẠO TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN Hiện nay, mặc dù hệ thống pháp luật Việt Nam đã xây dựng được một hành lang pháp lý để tạo cơ sở cho mỗi cá nhân được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật hiện nay vẫn còn bộc lộ những điểm bất cập mà yêu cầu cấp thiết là cần phải hoàn thiện hơn những quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trên tất cả các phương diện nhằm đảm bảo cơ chế pháp lý được thực thi một cách hiệu quả và đồng bộ. Trong quá trình tiếp cận vấn đề này thông qua việc nghiên cứu, tác giả đưa ra một số điểm bất cập như sau: Thứ nhất, tại Điểm a Khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định: ‚Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản‛ [5]. Quy định này có thể hiểu, trong một số trường hợp người phụ nữ trong cặp vợ chồng vô sinh có thể chứng minh được bản thân họ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi họ áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì nhiều lý do như họ đã bị cắt tử cung, tử cung bị dị dạng, bị mắc bệnh tim đến mức độ không thể mang thai vì có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe,… Nhưng thực tế, có nhiều trường hợp bản thân người phụ nữ trong cặp vợ chồng vô sinh cũng không thể mang thai nhưng việc chứng minh với những xét nghiệm, kiểm tra về mặt y học về việc có khả năng mang thai được hay không là điều rất khó khăn, điển hình như việc một người phụ nữ có tử cung hoàn toàn bình thường nhưng lại không hoặc ít có khả năng lưu giữ thai. Như vậy, đối với những trường hợp này, bắt buộc họ phải thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, nếu không đạt được kết quả, họ mới đủ điều kiện để thực hiện việc nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo tác giả, quy định này thật sự không cần thiết và gây khó khăn cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh, bởi theo tìm hiểu thì chi phí cho việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm là rất tốn kém đối với thu nhập bình thường của người dân, đặc biệt là đối với người lao động có thu nhập thấp. Khi họ đã bỏ ra một khoản chi phí lớn vào việc thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không thành công, họ phải tiếp tục bỏ ra thêm một khoản tiền tương đương hoặc nhiều hơn để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, đối với những cặp vợ chồng có thu nhập thấp thì đây thực sự là một điều hết sức khó khăn với họ. Quy định này gây ra hệ quả vừa làm mất thời gian, vừa tốn kém 1449
- về mặt kinh tế, lại vừa khiến cho các cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ thêm gánh nặng về mặt tinh thần. Tuy nhiên, theo Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/01/2015 tại Khoản 2 Điều 2 có ghi nhận định nghĩa về tình trạng vô sinh là: ‚Vô sinh là tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống có quan hệ tình dục trung bình 2 - 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai‛ [6]. Quy định này lại gây mâu thuẫn với quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 95 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, bởi đã xác định tình trạng vô sinh là việc vợ chồng chung sống với nhau hơn một năm mà quan hệ tình dục trung bình 2-3 lần/tuần, mặc dù không sử dụng biện pháp tránh thai nào nhưng người vợ vẫn không thể mang thai. Vậy liệu rằng trong tình trạng đó, nếu áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có chắc chắn là người vợ sẽ mang thai hay không, hay vẫn tiếp tục không thể mang thai. Để xác định được điều này về mặt y học là vô cùng khó khăn, vì hiện nay tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công tại Việt Nam chỉ khoảng từ 35% đến 40% [2]. Do đó, theo tác giả, nên sửa đổi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về điều kiện của người nhờ mang thai vì mục đích nhân đạo là ‚Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con‛ [5] sẽ hợp lý hơn và mở rộng ‚cánh cửa pháp lý‛ cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn muốn thực hiện việc nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Thứ hai, tại Điểm b Khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có ghi nhận về điều kiện đối với cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ phải là ‚Vợ chồng đang không có con chung‛ [5]. Điều này có thể hiểu rằng, nếu cặp vợ chồng đó đã có con chung rồi thì sẽ không đủ điều kiện để được phép nhờ mang thai hộ nữa. Đây là một nội dung rất cần phải xem xét và điều chỉnh. Bởi lẻ trên thực tế, vẫn còn tồn tại rất nhiều cặp vợ chồng có con chung, nhưng đứa con chung đó của họ lại mắc những nhược điểm về thể chất và tinh thần. Cùng với đó, kể từ khi Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được ban hành thay thế cho Nghị định số 114/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em thì cũng không còn đề cập đến việc xử lý việc sinh con thứ ba đối với mọi công dân [7]. Điều này có nghĩa là pháp luật đã không còn cấm việc sinh nhiều con, mà còn tạo điều kiện để người dân có thể sinh nhiều con để trẻ hóa dân số quốc gia, nhưng trong khi bản thân các cặp vợ chồng vô sinh lại không thể tiếp tục mang thai và sinh con. Vấn đề này hiện đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm từ dư luận, với những trường hợp đặc biệt như trên, nếu các cặp vợ chồng vô sinh vẫn được phép thực hiện việc nhờ mang thai hộ thì tính nhân văn luật pháp lại càng được nhấn mạnh. Vì theo quy luật tự nhiên, đến một lúc nào đó, thì cặp vợ chồng vô sinh cùng với đứa con mắc khiếm khuyết của họ cũng phải cần đến sự chăm sóc từ những người khỏe mạnh. Tình cảm, sự chăm sóc của những người khỏe mạnh đó, nếu là đứa con của họ được sinh ra từ việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì sẽ càng vô cùng ý nghĩa. Chính vì vậy, việc mở rộng đối tượng được thực hiện việc nhờ mang thai hộ là thật sự rất cần thiết và phản ánh đúng tinh thần nhân đạo trong việc xây dựng và thực thi pháp luật của Đảng và Nhà nước. Từ đó, tác giả kiến nghị nên bổ sung thêm một nội dung tại Khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về điều kiện của người nhờ mang thai vì mục đích nhân đạo là ‚Vợ chồng đã có con chung nhưng con chung đã 1450
- chết, mất tích hoặc mắc những nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần‛ [5] thì cặp vợ chồng vô sinh đó vẫn đủ điều kiện để thực hiện việc nhờ mang hộ vì mục đích nhân đạo. Thứ ba, về điều kiện của người được nhờ mang thai hộ quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 95 luật Hôn nhân và Gia đình 2014: ‚Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ‛ [5]. Hiện nay, khái niệm về ‚độ tuổi phù hợp‛ của nữ giới để có đủ điều kiện mang thai hộ vẫn là một khái niệm mang tính chất định tính. Dưới góc độ nghiên cứu về mặt y học, thì độ tuổi mang thai và sinh con tốt nhất đối với người mẹ là khoảng từ 22 đến dưới 34 tuổi [8]. Nhưng trong các văn bản hướng dẫn thi hành thì vấn đề này không có bất kỳ quy định cụ thể nào đề cập. Mặt khác, khi người được nhờ mang thai hộ đã có ‚xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ", thì đã chứng minh được người được nhờ mang thai hộ có đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện việc mang thai và sinh con. Chính vì thế, chỉ cần chủ thể được nhờ mang thai hộ đảm bảo trên mọi phương diện về khả năng mang thai hộ thì có thể xem xét cho phép thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trong trường hợp, chủ thể mang thai hộ có tuổi tác cao hơn so với nghiên cứu độ tuổi sinh nở về mặt y học, tuy nhiên, nếu họ đã có xác nhận về mặt y tế là đảm bảo sức khỏe, có khả năng mang thai và sinh con thì cũng cần tạo điều kiện cho họ được có cơ hội thực hiện. Vì vậy, theo tác giả kiến nghị, thì cần phải sửa đổi nội dung quy định về điều kiện của người được nhờ mang thai hộ tại điểm này là ‚Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ‛, nếu cần thiết thì nên quy định thêm về độ tuổi phù hợp để đủ điều kiện thực hiện việc mang thai hộ, có thể áp dụng một phần nghiên cứu về mặt y học, đó là từ đủ 22 tuổi trở lên. Như vậy, sẽ giúp cho các chủ thể được nhờ mang thai hộ có cơ hội được thực hiện việc làm nhân đạo của mình, cũng như đáp ứng được nguyện vọng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Thứ tư, về vấn đề quyền yêu cầu giải quyết ly hôn được ghi nhận theo Khoản 3 Điều 51 luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì ‚Người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi‛ [5]. Đối với quy định này, trong trường hợp mang thai và sinh con tự nhiên thì việc sinh con cũng sẽ gắn liền với trách nhiệm nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì không tuân thủ theo nguyên tắc này. Bởi lẽ sau khi mang thai và sinh con, thì người được nhờ mang thai hộ có trách nhiệm phải giao con cho cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai. Như vậy, với quy định tại Khoản 3 Điều 51 luật Hôn nhân và Gia đình 2014 chỉ đang hướng đến quy định về vấn đề sau khi người được nhờ mang thai hộ đã mang thai, sinh con và giao con lại cho cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai thì người chồng của người được nhờ mang thai hộ sẽ không có quyền yêu cầu ly hôn đối với vợ của họ. Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là quy định của pháp luật hiện hành lại không nêu rõ trong khoảng thời gian bao lâu thì người chồng của người được nhờ mang thai hộ không được thực hiện quyền yêu cầu ly hôn: 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm. Trong khi đó, với trường hợp đặc biệt này, thì tính chất của vấn đề không giống như những trường hợp sinh con thông thường khác. Người phụ nữ sinh con thông qua việc nhờ mang thai hộ thì sau khi sinh con họ không gắn liền với trách nhiệm phải nuôi dưỡng con mà chỉ cần có một khoảng thời gian để hồi phục thể trạng sức khỏe như ban đầu. Chính vì thế, theo tác giả thì quy định về việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp người vợ mang thai và sinh con theo Khoản 3 Điều 51 của luật Hôn nhân và Gia đình 1451
- 2014 cần phải có một hướng dẫn cụ thể để đảm bảo quyền chính đáng cho người phụ nữ được nhờ mang thai hộ và người chồng của họ trong vấn đề hôn nhân. Thứ năm, tại Khoản 3 Điều 97 và Khoản 2 Điều 98 luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định về việc hưởng chế độ thai sản đối với người phụ nữ được nhờ mang thai hộ và người phụ nữ nhờ mang thai hộ. Trong khi đó, tại Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng có quy định rất cụ thể về chế độ hưởng thai sản này như sau: ‚Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 34 của Luật này. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần; Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi‛ [4]. Việc này cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với người phụ nữ trong vấn đề sinh sản thông qua những quy định cụ thể này. Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 31 luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng được hưởng chế độ thai sản thì còn có‚Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con‛ [4]. Nội dung quy định tại điểm này, theo tác giả hiểu thì chỉ có người chồng của người được nhờ mang thai hộ (người trực tiếp sinh con) mới được hưởng chế độ thai sản, tức là được phép nghỉ một số ngày làm việc tùy theo trường hợp cụ thể được quy định tại Khoản 2 Điều 34 luật Bảo hiểm xã hội 2014 để chăm sóc vợ cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong trường hợp vợ sinh con. Như vậy, có thể thấy, luật Bảo hiểm xã hội hiện hành không đề cập đến trường hợp lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội là người chồng trong cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ có được phép nghỉ hưởng chế độ thai sản hay không nếu ngay sau khi sinh con người được nhờ mang thai hộ chuyển giao con ngay cho cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ chăm sóc và nuôi dưỡng. Theo quan điểm cá nhân của tác giả, việc thực hiện quyền cao quý, đó là quyền được làm cha, làm mẹ là quyền bình đẳng và chính đáng của mỗi cá nhân. Sau khi nhận con từ người được nhờ mang thai hộ, thì cả người chồng và người vợ đều có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con cái, điều này vừa là quyền cũng vừa là nghĩa vụ của mỗi người cha, người mẹ. Do đó, đối với trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, việc cho phép người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con đến khi con đủ 6 tháng tuổi là rất hợp lý, nhưng để công bằng hơn thì thiết nghĩ nên điều chỉnh cho phép cả người cha nhờ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ thai sản nếu thời gian nhận con trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày con được sinh ra. Theo tác giả, việc điều chỉnh này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nam trong cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ có thể chăm sóc cho vợ, con của mình đồng thời đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm của người chồng, người cha, phù hợp hơn với tính nhân văn và nhân đạo mà pháp luật về hôn nhân và gia đình đã điều chỉnh. 1452
- 3 KẾT LUẬN Pháp luật về hôn nhân và gia đình nói chung, cũng như luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nói riêng đã một phần nào đáp ứng những nhu cầu của xã hội trong cuộc sống, đặc biệt trong việc ghi nhận và cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đây được xem là một bước tiến vượt bậc trong công tác lập pháp của nước ta, mang đậm tính nhân văn và nhân đạo. Tuy nhiên, để quy định về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thật sự mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho cuộc sống cũng như phát huy vai trò của pháp luật trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội một cách tốt đẹp nhất thì chúng ta cần phải xem xét và tháo gỡ những bất cập, vướng mắc về mặt pháp lý, đây là điều thật sự rất cần thiết hiện nay. Do đó, thông qua quá trình nghiên cứu cũng như tìm hiểu về vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tác giả mạnh dạn đưa ra những quan điểm cá nhân để chỉ ra những bất cập cũng như đề ra kiến nghị để hoàn thiện pháp luật hơn nữa trong vấn đề này. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Cẩm Anh, Hơn một triệu cặp vợ chồng Việt Nam bị vô sinh hiếm muộn, VN Express, ngày 14/04/2019. https://vnexpress.net/hon-mot-trieu-cap-vo-chong-viet-nam-bi-vo-sinh-hiem- muon-3906856.html truy cập ngày 11/04/2020. [2] Cẩm Anh, Phụ nữ nên sinh con ở độ tuổi bao nhiêu?, VN Express, ngày 08/06/2019. https://vnexpress.net/phu-nu-nen-sinh-con-o-do-tuoi-bao-nhieu-3935425.html truy cập ngày 11/04/2020. [3] Hiến pháp năm 2013 ban hành ngày 28 tháng 11 năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. [4] Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. [5] Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 ban hành ngày 19 tháng 06 năm 2014 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. [6] Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28 tháng 01 năm 2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. [7] Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. [8] Quy trình và yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công thụ tinh trong ống nghiệm, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City, ngày 11/01/2019. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong- tin-suc-khoe/quy-trinh-va-yeu-anh-huong-den-ty-le-thanh-cong-thu-tinh-trong-ong-nghiem/ truy cập ngày 12/04/2020. 1453
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Bảo đảm quyền con người của phạm nhân từ thực tiễn thi hành án phạt tù và một số kiến nghị
4 p | 71 | 8
-
Sự tác động của nền kinh tế số đến hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
4 p | 38 | 7
-
Những khó khăn, vướng mắc, hạn chế và một số đề xuất khắc phục trong thực hành quyền công tố giai đoạn điều tra, truy tố các tội danh về mua bán người và một số tội danh có liên quan: Cưỡng bức lao động, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
10 p | 67 | 6
-
Một số bất cập về quản lý thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội
7 p | 40 | 6
-
Nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
5 p | 59 | 6
-
Thực trạng áp dụng quy định pháp luật về mang thai hộ
5 p | 65 | 6
-
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác do làm ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay
5 p | 75 | 5
-
Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý về thanh toán bằng tiền điện tử ở Việt Nam đáp ứng thời kỳ công nghiệp 4.0
14 p | 59 | 5
-
Quan điểm lập pháp về mang thai hộ của một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam trong hoàn thiện pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
15 p | 26 | 5
-
Một số vấn đề về nền kinh tế số: Thách thức và cơ hội với Việt Nam
10 p | 44 | 5
-
Quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
10 p | 33 | 4
-
Phát triển các hình thức hỗ trợ nhằm bảo vệ quyền lợi người nộp thuế - Kinh nghiệm tại một số quốc gia và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam
13 p | 23 | 3
-
Một số ý kiến về quyền của cá nhân đối với hình ảnh theo quy định Bộ luật dân sự 2015
5 p | 21 | 3
-
Cam kết của Việt Nam về mua sắm chính phủ trong CPTPP và giải pháp thực thi
9 p | 30 | 2
-
Về điều kiện phát triển kinh tế số ở Việt Nam
11 p | 37 | 2
-
Một số ý kiến về bối cảnh quốc tế, trong nước và đổi mới tư duy phát triển kinh tế
9 p | 62 | 2
-
Điều kiện, thủ tục mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo luật hiện hành
17 p | 1 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn