MỘT SỐ TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC<br />
TRONG LỊCH SỨ DÂN TỘC<br />
<br />
______________________<br />
NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN<br />
<br />
TÁC GIẢ: PHAN HUY LÊ - BÙI ĐĂNG DŨNG - PHAN ĐẠI DOÃN - PHẠM THỊ<br />
TÂM - TRẦN BÁ CHÍ.<br />
<br />
Số hóa: ptlinh, exocet, rongcoithit.<br />
Tạo ebook: HaChau<br />
MỤC LỤC<br />
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com<br />
<br />
Lời nhà xuất bản <br />
Mở đầu <br />
Chương I <br />
Chiến thắng Như Nguyệt <br />
Chương II<br />
Chiến thắng Bạch Đằng <br />
Chương III<br />
Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động <br />
Chương IV<br />
Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang <br />
Chương V<br />
Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút <br />
Chương VI<br />
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa <br />
Chương VII<br />
Kết luận<br />
<br />
Tài liệu tham khảo <br />
HẾT<br />
LỜI NHÀ XUẤT BẢN<br />
Đánh giặc giữ nước là một nội dung chủ yếu của lịch sử dân tộc Việt Nam. Thế kỷ nào,<br />
thời đại nào quân và dân ta cũng đều phải chống giặc ngoại xâm. Những chiến công hiển<br />
hách từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ đến chiến dịch Hồ Chí Minh sẽ<br />
để lại cho các thế hệ mai sau những bài học, những tấm gương ngời sáng về chủ nghĩa<br />
yêu nước Việt Nam, về trí tuệ Việt Nam.<br />
Cuốn sách MỘT SỐ TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC TRONG LỊCH SỨ DÂN<br />
TỘC của các tác giả: Phan Huy Lê - Bùi Đăng Dũng - Phan Đại Doãn - Phạm Thị Tâm Trần Bá Chí, được tái bản theo yêu cầu của một số đơn vị, cơ quan và những nhà nghiên<br />
cứu.<br />
Ở cuốn sách này tập thể tác giả đã cố gắng phục dựng lại sáu chiến thắng oanh liệt có ý<br />
nghĩa quyết định của quân và dân ta trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thời<br />
kỳ phong kiến độc lập. Đó là:<br />
- Chiến thắng Như Nguyệt năm 1077. <br />
- Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.<br />
- Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động năm 1426.<br />
- Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang năm 1427.<br />
- Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785.<br />
- Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789.<br />
Trong bản in lần thứ ba này trên cơ bản vẫn giữ như cũ, các tác giả chỉ sửa chữa những địa<br />
danh tỉnh huyện cho phù hợp với thực tế hiện nay và bổ sung thêm tư liệu ở một số chỗ<br />
cần thiết.<br />
Để nghiên cứu và biên soạn sáu chiến thắng được giới thiệu trong cuốn sách này, tập thể<br />
tác giả đã khai thác mọi nguồn tư liệu có thể sử dụng được. Vận dụng phương pháp kết<br />
hợp các tư liệu thành văn và tư liệu thực địa, các tác giả đã phân tích, khai thác, tận dụng<br />
mọi giá trị thông tin sử liệu, xác minh bổ sung cho nguồn sử liệu trong thư tịch. Đó là cơ<br />
sở tư liệu tổng hợp để nghiên cứu và biên soạn cuốn sách này nhhằm dựng lại một số<br />
chiến công vĩ đại của tổ tiên thuở xưa. Qua đó giúp quân và dân ta nêu cao truyền thống<br />
anh hùng của dân tộc, góp phần vào việc tìm hiểu, kế thừa và phát huy những truyền<br />
thống, kinh nghiệm đánh giặc giữ nước hết sức phong phú, độc đáo, sáng tạo của dân tộc,<br />
thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa<br />
trong thời kỳ mới - đẩy mạnh công ngniệp hóa, hiện đại hóa đất nước.<br />
NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN<br />
<br />
MỞ ĐẦU<br />
Nhìn lại con đường lịch sử đã qua, trong bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc<br />
ta đã phải chiến đấu chống ngoại xâm gần như thường xuyên và đã chiến thắng ngoại xâm<br />
một cách oanh liệt. Đó là một nét nổi bật của lịch sử Việt Nam, là thử thách gay go nhất<br />
nhưng cũng là niềm tự hào lớn nhất của dân tộc ta. Nước ta có tài nguyên phong phú, lại ở<br />
vào một vị trí địa lý quan trọng của vùng Đông - Nam á. Nằm ở góc cực đông nam của đại<br />
lục châu Á, nước ta vừa nhìn ra Thái Bình Dương với bờ biển dài 3.260 ki-lô-mét, vừa nối<br />
liền với lục địa bằng những đường giao thông thủy bộ thuận lợi từ nam lên bắc, từ đông<br />
sang tây. Với vị trí đó, nước ta là nơi gặp gỡ của nhiều nhóm cư dân trên đường thiên di,<br />
nơi giao lưu của nhiều luồng văn hóa phương Đông và củng là địa bàn chiến lược mà<br />
nhiều thế lực xâm lược thèm khát, nhòm ngó. Trong lịch sử, nhiều đế chế cường thịnh thời<br />
Cổ - Trung đại và nhiều cường quốc đế quốc thời Cận - Hiện đại đã âm mưu xâm chiếm<br />
nước ta. kẻ thù muốn đánh chiếm nước ta không những để bóc lột nhân dân, vơ vét của<br />
cải, khai thác những nguồn tài nguyên phong phú, mà còn biến nước ta thành một đầu cầu<br />
chiến lược để bành trướng khắp vùng Đông – Đông Á, để từ biển cả tiến sâu vào vùng đại<br />
lục bao la cũng như từ đất liền tỏa ra các vùng hải đảo. Chính vì vậy, kể từ khi dựng nước<br />
đến nay, trong suốt lịch sử lâu dài của mình, dân tộc ta phải luôn luôn ở trong tư thế sẵn<br />
sàng chống ngoại xâm và phải liên tiếp đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược,<br />
phần lớn là những quốc gia lớn mạnh, những đế quốc cường bạo.<br />
Vừa mới dựng nước thì nhân dân ta đã phải chiến đấu chống lại nhiều mối đe dọa từ bên<br />
ngoài xô tới. Nước Văn Lang trẻ tuổi đời Hùng Vương đã phải chống nhiều thứ “giặc” mà<br />
ký ức lâu đời của nhân dân còn ghi nhớ dưới dạng những truyền thuyết như giặc Man,<br />
giặc Xích tỷ (Mũi đỏ), giặc Thạch linh thần tướng… Nước ta cũng như cậu bé làng Phù<br />
Đổng sinh ra mới ba tuổi đã phải vụt lớn lên thành người khổng lồ để đánh giặc giữ nước.<br />
Câu chuyện Phù Đổng thiên vương đượm màu sắc thần thoại là một biểu tượng hào hùng<br />
về quyết tâm chống ngoại xâm và sức mạnh vùng dậy chiến thắng của toàn dân như nhà<br />
thơ Cao Bá Quát đã ngợi ca:<br />
Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn,<br />
Đằng vân do hận cửu thiên đê.<br />
Nghĩa là :<br />
Phá giặc chỉ hiềm ba tuổi muộn,<br />
Lên mây còn giận chín trời thấp.<br />
Cuối đời Hùng Vương sang đời An Dương Vương, nạn ngoại xâm càng trở thành mối đe<br />
dọa nguy hiểm đối với vận mạng của nước ta. Từ đây, giặc ngoại xâm không còn là những<br />
thứ giặc trong truyền thuyết nữa, mà đã hiện nguyên hình với tên gọi và xuất xứ cụ thể của<br />
nó, được ghi chép rõ ràng trong sử sách. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của đế<br />
chế Tần vào cuối thế kỷ III trước công nguyên là cuộc chiến tranh chống ngoại xâm ác<br />
liệt, có quy mô lớn trong lịch sử. Sau hơn 10 năm chiến đấu bền bỉ, dũng cảm, mưu trí,<br />
<br />
nhân dân ta đã đánh bật quân giặc ra khỏi đất nước, ghi lại một chiến công hiển hách.<br />
Chỉ tính toán sơ bộ, từ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tần đến cuộc kháng chiến<br />
chống Mỹ cứu nước vừa kết thúc thắng lợi, trong khoảng hơn 22 thế kỷ, dân tộc ta đã tiến<br />
hành 13 cuộc chiến tranh giữ nước hết sức quyết liệt (*). Trong 13 cuộc chiến tranh đó, dân<br />
tộc ta đã 10 lần chiến thắng oanh liệt giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, chỉ<br />
có 3 lần bị thất bại.<br />
<br />
(*) Theo chúng tôi, đó là những cuộc chiến tranh sau đây.<br />
1 Chống Tần (thế kỷ III trước công nguyên).<br />
2. Chống Triệu (thế kỷ II trước công nguyên).<br />
3. Chống Tống lần thứ nhất (năm 981).<br />
4. Chống Tống lần thứ hai (năm l075-1077).<br />
5. Chống Mông - Nguyên lần thứ nhất (năm 1258).<br />
6. Chống Mông - Nguyên lần thứ hai (năm 1285).<br />
7. Chống Mông - Nguyên lần thứ ba (năm 1287-1288).<br />
8. Chống Minh (năm 1406-1407).<br />
9. Chống Xiêm (năm 1784-1785).<br />
10. Chống Thanh (năm 1788-1789).<br />
11. Chống Pháp (năm 1858-1884) .<br />
12. Chống Pháp và can thiệp Mỹ (năm 1946-1954).<br />
13. Chống Mỹ, cứu nước.<br />
Trong số 13 cuộc chiến tranh trên chỉ có ba lần thất bại là cuộc kháng chiến chống Triệu<br />
đời An Dương Vương, chống Minh đời Hồ và chống Pháp đời Nguyễn.<br />
Sau mỗi lần thất bại, đất nước tạm thời bị nước ngoài đô hộ, nhưng nhân dân ta lại vùng<br />
lên đấu tranh liên tục, mãnh liệt, quyết giành lại bằng được độc lập dân tộc. Trong ba<br />
quãng thời gian mất nước - thời Bắc thuộc, thời Minh thuộc, thời Pháp thuộc, nhân dân ta<br />
đã tiến hành hàng trăm cuộc khởi nghĩa, trong đó có hàng chục cuộc khởi nghĩa phát triển<br />
thành chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô rộng lớn, đưa đến những thắng lợi tạm thời,<br />
cục bộ và cuối cùng là thắng lợi quyết định giải phóng hoàn toàn đất nước.<br />
Trong khoảng hơn 22 thế kỷ mà ta phải tiến hành 13 cuộc chiến tranh giữ nước và hàng<br />
trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ, hàng chục cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô rộng<br />
lớn để giành lại độc lập dân tộc. Thời gian chống ngoại xâm lên đến khoảng 12 thế kỷ,<br />
chiếm hơn một nửa thời gian lịch sử (tính từ kháng chiến chống Tần vào thế kỷ III trước<br />
công nguyên đến ngày nay). Có thể nói, ít thấy một dân tộc nào trên thế giới phải chống<br />
ngoại xâm triền miên với thời gian kéo dài và số lượng các cuộc kháng chiến nhiều đến<br />
như thế.<br />
Trong lịch sứ chống ngoại xâm lâu dài của dân tộc, chỉ có vài trường hợp, kẻ đi xâm lược<br />
so với ta không hơn kém bao nhiêu. Đó những lúc dân tộc ta chiến đấu bảo vệ Tổ quốc<br />
trong điều kiện tương đối cân sức. Còn hầu hết trường hợp, cuộc chiến tranh yêu nước của<br />
dân tộc ta đều diễn ra trong hoàn cảnh so sánh lực lượng hết sức chênh lệch. Kẻ xâm lược<br />
<br />