intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số vấn đề pháp lý về trục lợi bảo hiểm

Chia sẻ: Tạ Hoài Mân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

10
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Một số vấn đề pháp lý về trục lợi bảo hiểm" trình bày một số khía cạnh pháp lý và thực tiễn liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm, trên cơ sở đó chỉ ra những bất cập phát sinh thực tiễn và đưa ra kiến nghị góp phần hoàn thiện hơn các quy định pháp luật Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số vấn đề pháp lý về trục lợi bảo hiểm

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ TRỤC LỢI BẢO HIỂM Ngô Tuệ Minh* Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh GVHD: TS Nguyễn Xuân Bang TÓM TẮT Những năm gần đây, thị trường bảo hiểm phát triển lớn mạnh không ngừng, do mức thu nhập của người dân càng nâng cao, nên họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến sự an ninh, an toàn của bản thân, gia đình, doanh nghiệp và tài sản. Từ đó, nhu cầu về bảo hiểm hay các giải pháp đầu tư tài chính sẽ tăng lên. Mặc dù vậy, thực tế lại phát sinh vấn đề gây khó khăn và cản trở cho các doanh nghiệp bảo hiểm lẫn người tham gia bảo hiểm chính là trục lợi bảo hiểm. Tuy pháp luật Việt Nam hiện nay đã hình sự hoá tội danh gian lận bảo hiểm nhưng vẫn tồn tại những “kẽ hở”, gây thiệt thòi đến lợi ích của những người tham gia bảo hiểm chân chính. Do đó bài viết này sẽ là một số khía cạnh pháp lý và thực tiễn liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm, trên cơ sở đó chỉ ra những bất cập phát sinh thực tiễn và đưa ra kiến nghị góp phần hoàn thiện hơn các quy định pháp luật Việt Nam. Từ khoá: trục lợi bảo hiểm, thị trường bảo hiểm. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Tính từ tháng 12 năm 1993 đến nay, thị trường bảo hiểm thương mại của Việt Nam đã trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, là một trong các kênh dẫn vốn trung và dài hạn hữu hiệu cho nền kinh tế, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước. Song, những năm trở lại đây, hiện tượng trục lợi, gian lận bảo hiểm diễn ra ngày càng phổ biến trên diện rộng, phức tạp, dưới nhiều hình thức ở hầu hết các mảng nghiệp vụ của các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường và có chiều hướng gia tăng. Hành vi gian dối, trục lợi bảo hiểm gây thiệt hại không ít cho doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến người tham gia bảo hiểm chân chính, từ đó còn dẫn đến nhiều vấn nạn và hệ luỵ cho nền kinh tế và xã hội. Hành động này cần phải lên án và bị xử lý nghiêm khắc để răn đe vì không chỉ ở việc gian dối trục lợi, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản mà đáng nói hơn nó còn gây tâm lý lo lắng, bất an đối với xã hội. Xét trên bình diện thực tế khi tham gia vào các giao dịch, các chủ thể đều mong muốn đạt được những lợi ích cao nhất. Do đó, ở một khía cạnh nào đó thì quyền và lợi ích của người này sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người kia, nên việc gian dối hòng trục lợi trong kinh doanh và tham gia bảo hiểm tất cũng tác động đến quyền và lợi ích của các bên. Ví dụ thực tế, nếu doanh nghiệp bảo hiểm muốn đủ tiền bồi thường thì phải tăng khoản phí bảo hiểm, việc này tác động trực tiếp đến lợi ích của người tham gia bảo hiểm vì phí bảo hiểm mà họ phải nộp dành để chi trả cho cả những khoản tiền gian lận mà chính họ cũng không biết từ đâu ra, về lâu dài lòng tin của khách hàng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm và chính sách bảo hiểm của nhà nước sẽ bị giảm xuống, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng bền vững của thị trường. 1769
  2. Trước tính chất phức tạp, ngày càng tinh vi của hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và có chiều hướng gia tăng thì việc đòi hỏi chế tài có sức răn đe nghiêm khắc là tất yếu. Từ tình hình đó, Bộ luật Hình sự 2015 đã hình sự hóa tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, được quy định, hướng dẫn tại Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo điều luật, việc gian lận bảo hiểm nếu ở mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thực thi pháp luật sẽ truy tố với tội danh "gian lận bảo hiểm" hay "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". 2. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TRỤC LỢI BẢO HIỂM 2.1. Định nghĩa “Trục lợi bảo hiểm” Trục lợi bảo hiểm là hành vi cố ý lừa dối của tổ chức, cá nhân nhằm thu lợi bất chính khi tham gia bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm và giải quyết khiếu nại bảo hiểm. Trục lợi bảo hiểm diễn ra ở cả loại hình bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ với nhiều hình thức đa dạng và phức tạp. 2.2. Điều chỉnh bằng pháp luật đối với hành vi trục lợi bảo hiểm 2.2.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trục lợi bảo hiểm Căn cứ Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 thì hành vi trục lợi bảo hiểm bị xử lý như sau: 3. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50.000.000 đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau: a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác. 2.2.2. Xử lý hình sự đối với hành vi trục lợi bảo hiểm Căn cứ Điều 213 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì trách nhiệm hình sự đối với hành vi trục lợi bảo hiểm như sau: Điều 213. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; 1770
  3. b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật có quy định khác. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và đ khoản 2 Điều này hoặc chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng; d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. 2.3. Thực trạng trục lợi bảo hiểm Bản chất của trục lợi bảo hiểm là hành vi cố ý gian dối, lừa gạt nhằm thu lợi bất chính để được trả tiền bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, có thể thấy đây là hành vi vừa phạm pháp vừa vô đạo đức thì việc định tội danh “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” chưa thể hiện đầy đủ tinh thần của điều luật. 1771
  4. Trên thực tế, Theo báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính, trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2014, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả là gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31,34% mỗi năm. Tổng số tiền trục lợi khoảng 850 tỷ đồng, trung bình gần 110 tỷ đồng/năm. Đó là chưa tính đến những hồ sơ bồi thường có dấu hiệu trục lợi nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng để từ chối chi trả. Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, từ năm 2007 đến năm 2014, có khoảng 52.860 vụ khiếu nại trục lợi, tương đương số tiền khiếu nại 520 tỷ đồng. Tùy thuộc từng doanh nghiệp, số vụ trục lợi phát hiện được chiếm từ 6 - 28% số vụ giải quyết chi trả quyền lợi bảo hiểm. Về nghiệp vụ, chủ yếu là bảo hiểm bổ trợ/sức khỏe, chiếm 93% số vụ trục lợi toàn thị trường. Ngoài các hình thức trục lợi như huỷ hoại tài sản, sức khoẻ và tính mạng thì việc trục lợi bằng cách giả mạo hồ sơ, giấy tờ, hiện trường giả, không khai báo thông tin hay cố ý khai báo thông tin không trung thực ngày càng phổ biến. Trong một báo cáo chuyên ngành, Bộ Tài chính nhận định, những hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm còn không rời rạc, riêng lẻ mà đã xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp có sự cấu kết, thông đồng với nhau để trục lợi, khiến thực trạng này càng trở nên tinh vi và phức tạp hơn. Về cách thức mà các đối tượng trục lợi bảo hiểm thực hiện, ông Ngô Trung Dũng - phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: “Từ phía nhân viên bảo hiểm, có những hình thức trục thường gặp như: Cấu kết với khách hàng để duyệt chi sai so với điều kiện điều khoản bảo hiểm; Giả mạo, cố ý làm sai lệch tài liệu, thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, yêu cầu trả tiền bảo hiểm. Ngoài ra cũng có thể có trục lợi từ phía đại lý bảo hiểm như tự lập hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho khách hàng ảo để kiếm lợi từ hoa hồng và thưởng. Hoặc họ tư vấn, thông đồng với khách hàng để che giấu tiền sử bệnh hoặc cho tiền các khách hàng có bệnh hiểm nghèo tham gia bảo hiểm sau đó đòi tiền chi trả từ công ty bảo hiểm. Cũng có trường hợp, đại lý bảo hiểm giả mạo, cố ý làm sai lệch tài liệu, thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, yêu cầu trả tiền bảo hiểm. Bên cạnh đó, còn nhiều trường hợp mà khách hàng cố ý trục lợi như: Giả mạo, cố ý làm sai lệch tài liệu, thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, yêu cầu trả tiền bảo hiểm; Xin/mua hồ sơ y tế của nhân viên y tế, bác sỹ để làm Claim (yêu cầu bồi thường), Thuê/hỗ trợ người bệnh đi khám với mục đích xin hồ sơ khám để làm Claim, Thuê người làm thủ tục nhập viện nhưng không có bệnh và không nằm viện. Thậm chí, có những khách hàng mượn giấy tờ tùy thân của người thân, người quen để lập hợp đồng, mở tài khoản ngân hàng, nộp hồ sơ Claim bảo hiểm sức khỏe mà người có giấy tờ tùy thân không biết. Khi đi khám, làm thủ tục tại cơ sở y tế, khách hàng có thể sử dụng cả bảo hiểm Y tế để giảm chi phí khám chữa bệnh và tăng thu nhập cho Cơ sở y tế”. Có thể thấy, đối tượng của hành vi gian lận, trục lợi có thể là người tham gia bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm, người thuê tài sản bảo hiểm, người được giao quản lý, sử dụng tài sản bảo hiểm hoặc chính là các cán bộ bảo hiểm, nhân viên công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm,.. 1772
  5. Trục lợi bảo hiểm là hành vi được thực hiện có tính toán và mục đích rõ ràng, chủ ý đó được “lên phương án, kế hoạch” từ trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm hoặc khi sự kiện rủi ro được bảo hiểm đã xảy ra. 2.4. Những bất cập trong việc áp dụng luật - Đối với chế tài hành chính: Nghị định số 98/2013/NĐ-CP không đề cập đến khái niệm hay đưa ra một định nghĩa nào rõ ràng về trục lợi bảo hiểm. Nghị định chỉ quy định chủ yếu xử phạt hành chính đối với các hành vi gian dối của phía doanh nghiệp bảo hiểm chứ không xử lý đối với hành vi gian dối của khách hàng bảo hiểm. - Đối với chế tài dân sự : Luật kinh doanh bảo hiểm không đề cập đến trục lợi bảo hiểm mà chỉ đề cập “nghĩa vụ cung cấp thông tin” và “quyền của doanh nghiệp bảo hiểm” từ chối chi trả, bồi thường khi bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin không trung thực. Theo đó, việc chế tài chỉ dừng lại ở việc doanh nghiệp bảo hiểm được từ chối giao dịch hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ dân sự theo hợp đồng bằng cách tuyên bố “hợp đồng vô hiệu”. - Đối với chế tài hình sự: Vấn đề ứng dụng vào thực tiễn, với các nước phát triển, khi phát hiện hành vi vi phạm mà chỉ cần những biểu hiện khách quan của hành vi đó có yếu tố làm ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích cộng đồng đang bảo hiểm thì đã có thể bị xem xét truy cứu hình sự. Ở Việt Nam, cơ quan xây dựng luật có góc nhìn khác khi xem xét yếu tố “cấu thành vật chất”, tức là phải có hậu quả của hành vi thì mới xem xét hình sự. “Tuy có luật những vẫn khó áp dụng và xử lý triệt để” Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết dù đã phát hiện ra nhiều vụ việc có dấu hiệu hoặc rõ ràng có hành vi trục lợi, gian lận. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đó, công ty bảo hiểm chỉ từ chối chi trả. Trong đó, có rất nhiều vụ việc đã được các công ty bảo hiểm phát hiện từ rất sớm nên không thực hiện chi trả nữa. Như vậy, vô hình chung hình thành tâm lý cho người trục lợi là nếu không thành công thì cũng không phải chịu bất cứ tội gì nên không có đủ sức răn đe. Để giải thích thêm vấn đề này, luật sư Phạm Hoàng Sang có một ví dụ sau: “Khi khách hàng có ý định trục lợi bảo hiểm và đã thực hiện hành vi trục lợi bằng cách giả mạo các loại hồ sơ, giấy tờ và yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm… Với chuỗi hành vi như vậy là đã cấu thành tội danh “trục lợi bảo hiểm”, việc có nhận được “quyền lợi” bảo hiểm hay không chỉ là tình tiết tăng nặng. Ở góc độ của công ty bảo hiểm, họ đã có đủ cơ sở để gửi hồ sơ đến cơ quan công an yêu cầu điều tra xem xét các hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, khách hàng thực hiện hành vi vi phạm như trên, nhưng phải có tình tiết là đã nhận được các lợi ích vật chất thì mới có thể xem xét là vi phạm luật hình sự về gian lận bảo hiểm. Nói cách khác, hành vi trên phải được thực hiện “thành công” thì mới có thể xem xét theo Điều 213 – Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”. Có thể thấy, những chế tài pháp luật trên là quan trọng, tạo cơ sở pháp lý, phương tiện hữu hiệu nhằm hướng tới sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, để giảm thiểu, khắc phục tình trạng trên và về lâu dài, các doanh nghiệp bảo hiểm trông đợi cơ quan chức năng ban hành các chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe các đối tượng trục lợi và làm gương với những ý định trục lợi. 1773
  6. 3. KIẾN NGHỊ - Quy định tại Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015 chưa đủ cứng rắn để răn đe bởi theo điều luật này, hành vi phạm tội chỉ cấu thành khi người thực hiện hành vi đã nhận được tiền từ công ty bảo hiểm. Do cơ quan luật pháp đã định tội danh gian lận bảo hiểm theo hướng “cấu thành vật chất” thì nên thay đổi từ chiều hướng này, có thể là xác định tội danh gian lận bảo hiểm theo chiều hướng là tội “cấu thành hình thức”. Từ chính những hành vi vi phạm ban đầu như làm giả hồ sơ, giấy tờ, khai gian... đã cấu thành tội, còn số tiền thu được hoặc gây thiệt hại từ hành vi trục lợi là tình tiết tăng nặng. Điều này không chỉ giúp quy định luật pháp dễ áp dụng vào thực tiễn hơn, vừa đảm bảo tăng tính răn đe và phòng ngừa, tăng tính minh bạch cho thị trường bảo hiểm. - Làm rõ khái niệm “gian lận” và “trục lợi”. Điều này sẽ tạo cách hiểu thống nhất giữa các cơ quan quản lý khi xử lý các vụ, việc liên quan đến gian lận, trục lợi bảo hiểm. - Cần có hệ thống liên thông, kết nối dữ liệu giữa cơ quan doanh nghiệp bảo hiểm, với các cơ quan chức năng như cơ quan điều tra, y tế, giám định, kiểm định để xác định rõ nguyên nhân, đánh giá chính xác hậu quả thiệt hại thực tế của từng hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Việc làm này vừa đảm bảo được quyền lợi hợp pháp cho khách hàng tham gia bảo hiểm, vừa loại bỏ được những trường hợp trục lợi bảo hiểm gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểmcơ quan chức năng có thẩm quyền. Chẳng hạn, một xe ô tô xảy ra tai nạn với bên thứ ba và gây tổn thất về vật chất thì lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ xử lý và bên chủ phương tiện phải cam kết nếu bên gây thiệt hại tự nguyện bồi thường cho chủ phương tiện thì trong trường hợp chủ phương tiện có mua bảo hiểm thì vẫn không được quyền yêu cầu bên cơ quan bảo hiểm bồi thường. Tuy nhiên, thông tin chỉ lưu giữ trong hồ sơ của Cảnh sát giao thông/Cơ quan công an, nếu trường hợp chủ phương tiện vẫn yêu cầu cơ quan bảo hiểm bồi thường sau khi đã nhận được bồi thường từ bên gây thiệt hại thì khi đó, cơ quan bảo hiểm không có cơ sở thông tin để xác nhận rằng sự kiện đó có xảy ra hay không. - Ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm. Khai thác, quản lý thông tin, Hiện đại hóa công tác thống kê, báo cáo; cắt giảm thủ tục hành chính; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, phân tích, dự báo về thị trường bảo hiểm và phòng, chống gian lận bảo hiểm. - Cơ quan quản lý, các doanh nghiệp phải tích cực hơn nữa trong công tác tuyền truyền về bảo hiểm để từ đó đưa nhận thức đúng đắn, minh bạch về bảo hiểm đến với người dân đồng thời làm rõ bản chất của gian lận, trục lợi bảo hiểm. 1774
  7. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) 2. Nghị định số 98/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018) 3. Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 4. Nguyễn Thái Công, “Một số vấn đề về trục lợi kinh doanh bảo hiểm và tội gian lận kinh doanh bảo hiểm” 5. Bài nghiên cứu và trao đổi: “Trục lợi và chống trục lợi bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm thương mại Việt Nam từ lý thuyết đến thực tiễn” của Nguyễn Tiến Hùng 09/2015 6. Báo Tuổi trẻ Điện tử: “Vì sao tình hình trục lợi bảo hiểm vẫn diễn biến phức tạp?” https://tuoitre.vn/vi-sao-tinh-hinh-truc-loi-bao-hiem-van-dien-bien-phuc-tap-20220823164038974.htm 7. “Xử lý tội danh trục lợi bảo hiểm. Có luật nhưng không dễ áp dụng” -Nguyễn Vũ Hải Hà https://www.pti.com.vn/xu-ly-toi-danh-truc-loi-bao-hiem-co-luat-nhung-khong-de-ap-dung.html 8. Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính: “Cần ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm” https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=MOFUCM090191 1775
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2