intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số yêu cầu đối với giáo viên Giáo dục công dân trung học phổ thông trong bối cảnh hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:4

91
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tìm hiểu thực trạng đội ngũ giáo viên dạy Giáo dục công dân; nâng cao nhận thức về những yêu cầu mới đặt ra đối với đội ngũ giáo viên dạy Giáo dục công dân ở cấp THPT để mỗi giáo viên bộ môn cũng như các cấp quản lí có kế hoạch bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số yêu cầu đối với giáo viên Giáo dục công dân trung học phổ thông trong bối cảnh hiện nay

  1. VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 221-224 ISSN: 2354-0753 MỘT SỐ YÊU CẦU ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN GIÁO DỤC CÔNG DÂN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Trần Thị Mai Phương Email: maiphuongktct@yahoo.com Article History ABSTRACT Received: 16/3/2020 The mission to successfully implement the new General Education Program Accepted: 22/4/2020 issued in 2018 is posing urgent requirements on quality, competence, Published: 08/5/2020 professional qualifications, methods and educational skills for high school education teachers. This paper analyzes the content of these requirements so Keywords that teachers and education managers have orientation for training and self- teacher quality, Civic training in order to improve the quality of the team. Hence, the current practical education, general education. requirements of educational innovation in our country could be met. 1. Mở đầu Giáo viên (GV) là chủ thể đóng vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của quá trình đổi mới GD-ĐT ở nước ta hiện nay. Trong chương trình Giáo dục phổ thông ban hành năm 2018, môn Giáo dục công dân (GDCD) ở cấp THPT có tên gọi là Giáo dục kinh tế và pháp luật, có rất nhiều nội dung mới so với chương trình hiện hành. Định hướng đổi mới GD-ĐT theo hướng phát triển năng lực cho người học cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với đội ngũ GV GDCD trung học phổ thông trong việc nâng cao năng lực của người dạy. Thực trạng đội ngũ GV GDCD ở trung học phổ thông cho thấy vẫn còn nhiều GV chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về kinh tế học, pháp luật đại cương; chưa được tiếp cận đầy đủ về định hướng đổi mới sang dạy học phát triển năng lực; chưa được trang bị những kiến thức, kĩ năng thực hiện các phương pháp, kĩ thuật, hình thức tổ chức dạy học mới có ưu thế trong việc phát triển năng lực cho người học… Từ đây đặt ra vấn đề cần nâng cao nhận thức về những yêu cầu mới đặt ra đối với đội ngũ GV GDCD ở cấp THPT để mỗi GV bộ môn cũng như các cấp quản lí có kế hoạch bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới GD-ĐT ở nước ta hiện nay. 2. Kết quả nghiên cứu 2.1. Yêu cầu nâng cao phẩm chất đạo đức giáo viên Giáo dục công dân Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy những tấm gương thực tế… Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì các cô các chú trước hết phải là người tốt” (Ban Bí thư Trung ương Đảng, 2011, tr 612). GDCD là môn học giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh (HS) hình thành, phát triển ý thức và hành vi người công dân. Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, môn GDCD bồi dưỡng cho HS những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là tình cảm, niềm tin, nhận thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kĩ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và hội nhập quốc tế (Bộ GD-ĐT, 2018). Vì vậy, GV GDCD không chỉ đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, đạo đức nhà giáo nói chung mà còn phải đáp ứng những đòi hỏi cao hơn biểu hiện trên một số khía cạnh: - Phải có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng: Trên bục giảng cũng như trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho HS, GV GDCD là một nhà giáo dục, nhà tuyên giáo thực thụ, đòi hỏi họ không chỉ am tường chuyên môn, hiểu biết và tin tưởng sâu sắc, chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật để truyền đạt tri thức khoa học về kinh tế, đạo đức, pháp luật mà còn định hướng và kịp thời uốn nắn hành vi, thái độ cho HS. - Phải có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt: Đạo đức nghề giáo đòi hỏi GV GDCD phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa Sư đạo (lí tưởng nghề giáo) - Sư đức (đạo đức nghề giáo) - Sư thuật (năng lực sư phạm) (Trần Thị Mai Phương và Nguyễn Ngọc Bích, 2019, tr 433-440). Đạo đức nhà giáo thể hiện ở phẩm chất, nhân cách, tinh thần, thái độ thực hiện chuyên môn của người thầy. GV GDCD phải không ngừng bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ, hiểu biết thực tế về kinh tế, pháp luật, nâng cao kĩ năng, phương pháp dạy học, rèn luyện đạo đức, tác phong để luôn là tấm gương sáng về đạo đức cho HS noi theo. 221
  2. VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 221-224 ISSN: 2354-0753 - Phải có năng lực dạy học tốt: Dạy học là một nghệ thuật. GDCD là môn học gắn liền với giáo dục đạo đức, nhân cách người công dân cho HS phổ thông càng đòi hỏi nhà giáo phải có phương pháp, kĩ năng, năng lực tổ chức dạy học tốt. Chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn mới theo định hướng phát triển năng lực cho người học đòi hỏi GV phải trang bị nhiều hơn nữa kiến thức về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, sử dụng phương tiện, công nghệ hỗ trợ dạy học… 2.2. Yêu cầu cần bồi dưỡng, nâng cao các kiến thức chuyên môn về giáo dục kinh tế và pháp luật Ở cấp THPT, GDCD có tên gọi mới là Giáo dục kinh tế và pháp luật với nội dung chủ yếu là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật phù hợp với lứa tuổi; mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau THPT của HS. Dễ nhận thấy, chương trình Giáo dục kinh tế và pháp luật có kế thừa một số nội dung trong chương trình GDCD cũ song không nhiều mà chứa đựng rất nhiều nội dung kiến thức mới mang sắc thái kinh tế học và pháp luật học đại cương. Giáo dục kinh tế trong chương trình môn GDCD là quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch giúp HS có ý thức, hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật; tri thức phổ thông, cơ bản, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp của HS về kinh tế; trên cơ sở đó hình thành, phát triển cho HS các phẩm chất chủ yếu và các năng lực cần thiết của người công dân Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển cá nhân và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân (Bộ GD-ĐT, 2018). Điểm mới trong nội dung giáo dục kinh tế của chương trình mới đó là trang bị cho HS các kiến thức về hoạt động của nền kinh tế thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động tiêu dùng và hoạt động của Nhà nước. Mặc dù những nội dung này có kế thừa một vài nội dung trong chương trình GDCD hiện hành ở phần “Công dân với kinh tế” lớp 11 như các kiến thức về quy luật cạnh tranh, cung - cầu nhưng có rất nhiều kiến thức mới về giáo dục kinh doanh, giáo dục hành vi tiêu dùng rất thiết thực đối với HS trung học phổ thông mà GV bộ môn cần phải được trang bị như: kế hoạch tài chính cá nhân, mô hình sản xuất kinh doanh, kế hoạch chi tiêu trong gia đình, đạo đức kinh doanh, văn hóa và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, xây dựng ý tưởng kinh doanh và cơ hội kinh doanh… Những yêu cầu mới này đặt ra đòi hỏi ở đội ngũ GV GDCD ở các trường THPT phải được đào tạo, bồi dưỡng bổ sung, cập nhật các kiến thức Kinh tế học đại cương thông qua các chương trình tập huấn. Giáo dục pháp luật trong chương trình GDCD là quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch giúp HS có ý thức, hành vi phù hợp với quy định của pháp luật; có tri thức phổ thông, cơ bản, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp của HS về pháp luật, trên cơ sở đó hình thành, phát triển cho HS các phẩm chất chủ yếu và các năng lực cần thiết của người công dân Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển cá nhân và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân (Bộ GD-ĐT, 2018). Nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình Giáo dục kinh tế và pháp luật chủ yếu là các kiến thức về Pháp luật đại cương gồm những lí luận chung về Nhà nước và pháp luật; đại cương về các lĩnh vực pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Hiến pháp, Pháp luật dân sự, Pháp luật hình sự, Pháp luật lao động, Pháp luật kinh doanh… Đối với HS THPT, việc học tập các kiến thức pháp luật này khá khó khăn, phần vì do khối lượng kiến thức về pháp luật khá nặng, phần do các em còn ít trải nghiệm với đời sống thực tế nên khó liên hệ để hiểu thấu đáo ý nghĩa của những nội dung pháp luật. Bên cạnh đó, còn phải kể đến một thực trạng là việc trang bị các kiến thức pháp luật của đội ngũ GV GDCD còn nhiều hạn chế. Từ đây đòi hỏi GV GDCD trung học phổ thông phải trang bị đầy đủ, hiểu thấu đáo các kiến thức pháp luật đại cương, từ đó tìm cách chuyển tải đến HS một cách đơn giản, dễ hiểu, phổ cập nhất. Điều quan trọng là GV GDCD phải xác định rõ giáo dục pháp luật không phải là nghiên cứu rõ từng điều khoản trong các bộ luật mà chủ yếu giới thiệu với HS vị trí, vai trò, ý nghĩa của pháp luật cũng như những văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam và phương cách để mỗi công dân vận dụng chúng vào trong thực tiễn cuộc sống. 2.3. Yêu cầu phải nâng cao kĩ năng dạy học của giáo viên Giáo dục công dân Để chương trình GDCD mới được thực hiện thành công, yếu tố quyết định chính là phải nâng cao kĩ năng dạy học cho đội ngũ GV bộ môn. Điều này đòi hỏi GV GDCD phải không ngừng được bồi dưỡng, nâng cao một số kĩ năng dạy học theo những yêu cầu cơ bản sau: 2.3.1. Trang bị kiến thức và kĩ năng thực hiện các phương pháp, kĩ thuật và hình thức tổ chức dạy học mới Dạy học môn GDCD là nhằm hình thành, phát triển cho HS các phẩm chất đạo đức và năng lực chủ yếu của người công dân thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, nghĩa là chuyển các giá trị văn hóa, đạo đức, các kiến thức pháp luật, kinh tế thành ý thức và hành vi của người công dân. Do vậy, phương pháp giáo dục của môn học được xác định là: 222
  3. VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 221-224 ISSN: 2354-0753 - Chú trọng tổ chức, hướng dẫn cho HS hoạt động phân tích, khai thác các thông tin, xử lí các tình huống thực tiễn, các trường hợp điển hình. Tăng cường sử dụng các tình huống, sự việc, vấn đề, hiện tượng của thực tế cuộc sống xung quanh, gần gũi với đời sống HS để việc phân tích, đối chiếu, minh họa vừa có sức hấp dẫn, vừa nhẹ nhàng, hiệu quả. - Coi trọng tổ chức, hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm của người học để thông qua đó, HS có thể tự phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới, phát triển kĩ năng và thái độ tích cực, trên cơ sơ đó tự hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân tương lai. - Hình thức dạy học GDCD đổi mới theo hướng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả: dạy học theo lớp, theo nhóm và cá nhân, ở trong lớp, ngoài lớp và ngoài trường; kết hợp giáo dục trong nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội; tăng cường các sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, công tác đoàn, đội của HS; tăng cường thực hành, rèn luyện kĩ năng trong các tình huống cụ thể của đời sống; tích cực sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại nhằm đa dạng, cập nhật thông tin, tạo ra sự hứng thú cho HS (Vũ Đình Bảy và cộng sự, 2012). Từ đây, mỗi GV bộ môn cần được tăng cường bồi dưỡng những kĩ năng cơ bản trong việc sử dụng các phương pháp dạy học có nhiều ưu thế với việc chuyển tải nội dung tri thức cũng như phát triển năng lực cho người học trong dạy học GDCD như: phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp dạy học giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học trường hợp, phương pháp đóng vai, phương pháp dạy học dự án,… cũng như những kĩ năng sử dụng các kĩ thuật dạy học như: kĩ thuật khăn trải bàn, kĩ thuật các mảnh ghép, kĩ thuật công não, kĩ thuật bể cá, sử dụng sơ đồ tư duy, sử dụng phiếu học tập… Để sử dụng hiệu quả các phương pháp, kĩ thuật dạy học nêu trên, GV cần hiểu rõ bản chất, quy trình thực hiện cũng như ưu, nhược điểm của từng phương pháp, kĩ thuật dạy học, từ đó cân nhắc việc sử dụng sao cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học GDCD. Việc bồi dưỡng kĩ năng dạy học cho GV GDCD cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình đào tạo trong trường đại học sư phạm cũng như trong quá trình dạy học ở các trường THPT. Điều đặc biệt chú ý là bồi dưỡng kĩ năng dạy học không phải chỉ trông chờ vào các đợt tập huấn mà mỗi GV phải luôn hợp tác cùng các đồng nghiệp trong tổ bộ môn thường xuyên trao đổi, nghiên cứu tìm hiểu học hỏi lẫn nhau và triển khai thực hành các phương pháp tổ chức, các hình thức dạy học khác nhau theo hướng tăng cường thiết kế các hoạt động cho HS tham gia vào quá trình dạy học. 2.3.2. Trang bị những kiến thức và kĩ năng mới về kiểm tra, đánh giá Đánh giá kết quả giáo dục môn GDCD ở trường phổ thông tuân thủ định hướng chung về đánh giá kết quả giáo dục đã nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là đánh giá căn cứ vào các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học, nhằm mục tiêu cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng HS và nâng cao chất lượng giáo dục. Ở trung học phổ thông, GV tổ chức các hoạt động dạy học giúp HS phân tích, khai thác các thông tin, sự kiện, các tình huống thực tiễn, các trường hợp điển hình ở địa phương về kinh tế và pháp luật để HS có thể tự chiếm lĩnh kiến thức mới, có thái độ tích cực và kĩ năng tham gia giải quyết các vấn đề về kinh tế và pháp luật phù hợp với lứa tuổi. Đánh giá kết quả học tập trong môn GDCD là đánh giá kết quả về ý thức và hành vi của người công dân. Do vậy, việc đánh giá kết quả học tập của HS cần: - Chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực của HS thông qua các bài tập xử lí tình huống, thông qua thái độ, nhận thức, hành vi trong tham gia các hoạt động học tập và hoạt động trải nghiệm. - Không chỉ đánh giá bằng điểm số các bài kiểm tra thường xuyên và định kì mà còn phải chủ yếu dựa vào những nhận xét cụ thể, thường xuyên dựa trên quan sát các biểu hiện về thái độ, hành vi ứng xử của HS trong toàn bộ quá trình các hoạt động học tập, sinh hoạt ở trường, ở nhà và ở cộng đồng. Cần coi trọng phương châm đánh giá vì sự tiến bộ của HS (động viên, khích lệ những cố gắng, tiến bộ, góp ý sửa chữa các thiếu sót). - Bài tập kiểm tra, đánh giá cần chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực trong vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để HS được thể hiện bày tỏ chính kiến và năng lực giải quyết vấn đề của mình về các vấn đề lối sống, đạo đức, pháp luật và kinh tế, chính trị, xã hội. Chú ý hướng dẫn HS đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình (Bộ GD-ĐT, 2014). Từ định hướng này đòi hỏi GV GDCD cần phải trang bị những hiểu biết cần thiết về kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là kĩ năng xây dựng các hình thức kiểm tra, đánh giá khác nhau theo định hướng phát triển năng lực, phục vụ thiết thực cho mục tiêu đổi mới dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho người học. 223
  4. VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 221-224 ISSN: 2354-0753 2.3.3. Trang bị những kiến thức, kĩ năng thiết kế bài dạy học theo hướng phát triển năng lực cho người học, gắn lí luận với thực tiễn Hoạt động thiết kế bài dạy học theo hướng đổi mới cũng bao gồm các công việc như xác định mục tiêu; lựa chọn kiến thức cơ bản theo định hướng phát triển năng lực; tạo nhu cầu hứng thú nhận thức; lựa chọn hình thức tổ chức dạy học; đổi mới các phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực; đầu tư phương tiện, thiết bị dạy học; đổi mới hình thức và tăng cường củng cố, kiểm tra, đánh giá; chú trọng phần vận dụng và phần chuẩn bị cho hoạt động tiếp nối. Đặc điểm nổi bật của việc thiết kế bài dạy học theo định hướng phát triển năng lực là GV phải đặc biệt quan tâm đến việc thiết kế các hoạt động của người học, tạo điều kiện cho HS tham gia một cách tích cực nhất vào quá trình dạy học. Mặt khác, kế hoạch dạy học phải sinh động, hấp dẫn, gắn lí luận với thực tiễn. Mọi tri thức khoa học suy cho cùng đều xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, là kết quả nhận thức của con người trong quá trình hoạt động thực tiễn. Tri thức được truyền thụ cho HS càng gần với cuộc sống sinh động, càng gắn bó với sự biến đổi không ngừng của hiện thực khách quan bao nhiêu thì giá trị và vai trò của nó đối với quá trình hình thành, phát triển nhân cách của HS càng cao bấy nhiêu. Các tri thức của môn GDCD liên quan trực tiếp với những vấn đề đang diễn ra trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội… Do đó, tác động trực tiếp và thường xuyên tới nhận thức, cũng như hành động của HS, thông qua HS tác động trực tiếp tới mọi thành viên của xã hội. Vì vậy, việc giảng dạy và học tập môn GDCD gắn liền với cuộc sống sinh động của xã hội, làm cho những tri thức của bộ môn thực sự là cơ sở cho hành vi và hoạt động của HS. Trong dạy học, phải kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn tri thức của môn học với thực tiễn sinh động trong quá trình giảng dạy mới có thể khẳng định giá trị đích thực của môn GDCD, giúp cho HS hiểu rõ nghĩa của môn học để từ đó tạo ra sự say mê, niềm tin vào tri thức mà các em đã được trang bị. Điều này đòi hỏi cần chú ý một số khía cạnh sau: - GV cần làm rõ ý nghĩa thực tiễn của từng nội dung bài học, giúp HS biết liên hệ, vận dụng chúng vào trong thực tiễn cuộc sống; - Cần liên hệ với thực tiễn, lấy những ví dụ trong thực tiễn để minh họa, làm sáng tỏ những vấn đề lí luận; cần bổ sung vào nội dung bài học những tình huống, những vấn đề đã và đang nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày; - Lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học và các phương pháp dạy học tích cực theo hướng phát triển năng lực cho người học. 3. Kết luận Công cuộc đổi mới GD-ĐT đặt lên vai các nhà giáo dục trọng trách to lớn, đòi hỏi mỗi GV phải không ngừng học hỏi rèn luyện nâng cao nhận thức, trình độ, kĩ năng, phẩm chất của một nhà giáo, nhất là một GV dạy học môn GDCD. Nhận thức rõ được những yêu cầu của công cuộc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học GDCD theo định hướng phát triển năng lực cho người học từ đó vạch ra kế hoạch bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kĩ năng dạy học của mình, các GV bộ môn sẽ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục ngày càng tốt hơn, góp phần thiết thực vào công cuộc đổi mới hiện nay. Tài liệu tham khảo Ban Bí thư Trung ương Đảng (2011). Hồ Chí Minh toàn tập (tập 11). NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. Bộ GD-ĐT (2014). Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Tài liệu tập huấn. Bộ GD-ĐT (2016). Giáo dục đạo đức - công dân trong giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Kỉ yếu hội thảo quốc gia. NXB Giáo dục Việt Nam. Bộ GD-ĐT (2018). Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT). Bộ GD-ĐT (2018). Chương trình giáo dục phổ thông môn Giáo dục công dân (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT). Hồ Thanh Hải (2016). Một số biện pháp bồi dưỡng đội ngũ giáo viên môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông tại thành phố Đà Nẵng. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 10, tr 168-170. Trần Thị Mai Phương, Nguyễn Ngọc Bích (2019). Bồi dưỡng đạo đức nghề giáo trong bối cảnh hiện nay. Kỉ yếu hội thảo quốc gia “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay”. NXB Đại học Huế. Trần Thị Thu Huyền (2018). Bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo lại giáo viên Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông nhằm đáp ứng việc giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kì 2 tháng 5, tr 60-63. Vũ Đình Bảy (chủ biên), Đặng Xuân Điều, Nguyễn Thành Minh, Vũ Văn Thục (2012). Lí luận dạy học môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 224
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2