VJE<br />
<br />
Tạp chí Giáo dục, Số 424 (Kì 2 - 2/2018), tr 59-62<br />
<br />
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC CÁC MÔN LÍ LUẬN CHÍNH TRỊ<br />
VÀ KHOA HỌC XÃ HỘI NHÂN VĂN TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC<br />
TỪ HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA SINH VIÊN<br />
Hoàng Phương Thảo - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Ngày nhận bài: 10/05/2017; ngày sửa chữa: 05/06/2017; ngày duyệt đăng: 07/06/2017.<br />
Abstract: The scientific research of students is one of the most important activities in improving<br />
the quality of teaching subjects in general, political theory and social sciences and humanities in<br />
particular. The article presents the current state of scientific research of students and offers some<br />
solutions to improve the quality of this activity in teaching political theory and social sciences and<br />
humanities in universities.<br />
Keywords: Quality, political theory, social sciences and humanities, scientific research, students,<br />
university.<br />
1. Mở đầu<br />
Có nhiều phương pháp, cách thức tổ chức quá trình<br />
dạy học các môn lí luận chính trị và khoa học xã hội nhân<br />
văn (LLCT&KHXHNV), trong đó triển khai hoạt động<br />
nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên (SV) về<br />
mảng đề tài liên quan là một hướng giải pháp khả quan,<br />
có cơ sở khoa học. Thông qua NCKH, nhà giáo dục<br />
không chỉ giúp SV hệ thống lại kiến thức đã học một cách<br />
sâu sắc mà còn giúp họ có được khả năng phát hiện, giải<br />
quyết, trình bày vấn đề này dưới dạng công trình khoa<br />
học theo đúng hướng. Kết quả NCKH trong SV giúp<br />
giảng viên có thêm cơ sở để đo kiến thức của SV, đồng<br />
thời có thể nắm được phần nào tâm tư, suy nghĩ của họ<br />
về từng học phần đó để có được cơ sở điều chỉnh những<br />
nội dung, hình thức giảng dạy phù hợp với thực tiễn.<br />
Hoạt động NCKH của SV các môn<br />
LLCT&KHXHNV có thể được thực hiện bằng nhiều<br />
hình thức khác nhau như viết tiểu luận, báo cáo thực tập,<br />
làm khóa luận tốt nghiệp hay thực hiện những NCKH ở<br />
cấp khoa, trường…; được thực hiện nhằm ba mục đích,<br />
đó là: Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; Tiếp cận<br />
và vận dụng các phương pháp NCKH; Giải quyết một số<br />
vấn đề khoa học và thực tiễn. Khi tiến hành thực hiện<br />
NCKH, SV sẽ có điều kiện để tiếp cận với các đề tài ở<br />
quy mô nhỏ; cùng với sự hướng dẫn của giảng viên, SV<br />
sẽ bắt đầu định hình được cách thức, quy trình để thực<br />
hiện một công trình NCKH chất lượng, hiệu quả. Không<br />
chỉ vậy, hoạt động NCKH của SV các môn này còn góp<br />
phần phát huy tính năng động, sáng tạo; khả năng tư duy<br />
độc lập, tự học hỏi của SV. Đối với mỗi SV, những kĩ<br />
năng này không chỉ quan trọng trong quãng thời gian học<br />
tập tại giảng đường đại học mà còn theo sát họ trong suốt<br />
quãng thời gian làm việc sai này. Do đó, việc trau dồi và<br />
phát huy những kĩ năng này là yêu cầu được đặt ra hết<br />
sức cấp thiết với SV. Vấn đề đặt ra là: chúng ta nhận thức<br />
<br />
59<br />
<br />
về vai trò của hoạt động NCKH trong SV như thế nào và<br />
làm thế nào để tổ chức NCKH trong SV đạt được mục<br />
tiêu đặt ra? Bài viết này sẽ trình bày vấn đề trên, góp phần<br />
nâng cao chất lượng các môn học này trong các trường<br />
đại học hiện nay.<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Thực trạng nghiên cứu khoa học của sinh viên<br />
hiện nay<br />
Theo thống kê và nghiên cứu so sánh gần đây của Vũ<br />
Quang Việt, số giờ học bình quân bậc đại học, hệ đào tạo<br />
04 năm tại Việt Nam là 2.138 giờ, trong khi ở Mĩ chỉ<br />
1.380 giờ [1]. Điều đó cho thấy, thời gian học đại học của<br />
Việt Nam dài hơn so với Mĩ khoảng 60%. Nghịch lí xảy<br />
ra ở đây là, mặc dù thời lượng của chúng ta lớn hơn song<br />
chất lượng đào tạo ở bậc học này lại đang ở mức báo<br />
động. Kết quả khảo sát tại 60 doanh nghiệp trong lĩnh<br />
vực dịch vụ công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh về đánh<br />
giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng SV<br />
được đào tạo trong 5 năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp<br />
(đánh giá dựa trên các tiêu chí kiến thức lí thuyết, kĩ năng<br />
thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc và<br />
năng lực nghề nghiệp) cho thấy rằng, chỉ có 5% tổng số<br />
SV tham gia khảo sát được đánh giá ở mức độ tốt, 15%<br />
ở mức độ khá, 30% ở mức độ trung bình và 40% ở mức<br />
độ không đạt [2]. Như vậy, có khoảng gần một nửa SV<br />
của Việt Nam đào tạo ra không đạt yêu cầu. Số liệu cũng<br />
cho thấy 02 biểu hiện: 1) Trên thực tế, hơn 10 năm qua,<br />
giáo dục nước nhà chưa tạo được bước đột phá, thậm chí<br />
có một số mặt hạn chế hơn (ví dụ như vấn nạn “đạo văn”,<br />
“bệnh thành tích”,…); 2) Khái niệm “đại học” của chúng<br />
ta phải chăng đang “lạc lõng” với thế giới? Vậy đâu là<br />
nguyên nhân then chốt của vấn đề này?<br />
Thứ nhất, chúng ta chủ yếu đào tạo theo hướng lí<br />
thuyết mà không chú trọng cho SV NCKH và thực hành.<br />
Điều này có thể nhìn thấy rất rõ ở các khối ngành khoa<br />
<br />
VJE<br />
<br />
Tạp chí Giáo dục, Số 424 (Kì 2 - 2/2018), tr 59-62<br />
<br />
học xã hội nhân văn. Ở các trường thuộc khối ngành này,<br />
một mặt, hầu hết các trường đưa ra quy định đối với SV<br />
khi tham gia NCKH và làm khóa luận tốt nghiệp phải đạt<br />
mức điểm trung bình chung học tập từ khá trở lên. Mặt<br />
khác, trong nhiều học phần, giảng viên có quy định 100%<br />
SV phải viết bài kiểm tra dưới hình thức tiểu luận, tuy<br />
nhiên, do nguyên nhân nào đó, chất lượng của những bài<br />
nghiên cứu nhỏ này lại ít được kiểm soát chặt chẽ, nạn<br />
sao chép và đạo văn xảy ra tràn lan; NCKH và thực hành<br />
nghề nghiệp của SV trong quá trình đào tạo, vì thế, không<br />
đi vào thực chất, nhiều SV không có cơ hội được làm<br />
NCKH theo đúng nghĩa của hoạt động này.<br />
Vì chúng ta không chú trọng NCKH trong SV nên<br />
kết quả sau khi tốt nghiệp đại học, họ không chỉ gặp khó<br />
khăn khi trình bày một ý tưởng, nghiên cứu, thậm chí là<br />
một báo cáo tháng, quý cho cơ quan, đơn vị mà còn gặp<br />
không ít khó khăn trong thực hành và thể hiện kiến thức<br />
chuyên môn trong xử lí tình huống liên quan mà thực tiễn<br />
đặt ra. Có thể nhìn thấy rất rõ vấn đề này qua nhiều công<br />
trình NCKH của giảng viên đại học khối ngành khoa học<br />
xã hội. Trong thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy, chúng<br />
tôi nhận ra rằng, không ít công trình của giảng viên chưa<br />
đáp ứng được yêu cầu đang nghiên cứu; nhiều nghiên<br />
cứu chưa xác định được tính mới cũng như mục tiêu và<br />
phương pháp đã được sử dụng, giải quyết trước đó. Kết<br />
quả nghiên cứu, chủ yếu dùng vào việc hoàn thiện thủ<br />
tục “giờ chuẩn nghiên cứu” chứ khó có thể đưa vào ứng<br />
dụng trong thực tiễn. Từ thực tế đó, đòi hỏi chúng ta cần<br />
phải nhìn thẳng vào sự thật về chất lượng để nghiên cứu<br />
giải pháp khắc phục hạn chế, trong đó nguyên nhân sâu<br />
xa bắt nguồn từ chính trong quá trình đào tạo ở bậc đại<br />
học, mà để khắc phục thực trạng trên, một trong những<br />
giải pháp khả thi là đẩy mạnh NCKH và thực hành nghề<br />
nghiệp của SV một cách nghiêm túc.<br />
Thứ hai, ý thức tự học trong SV ở nước ta chưa cao.<br />
Thực tế cho thấy, nhà giáo dục muốn biết chất lượng đào<br />
tạo của nhà trường như thế nào, hoạt động tự học của SV<br />
ra sao, chỉ cần nhìn vào thư viện của trường và nhìn vào<br />
sổ mượn sách mà thủ thư nắm giữ thì sẽ đo và trả lời được<br />
câu hỏi này. Vấn đề này không phải bây giờ mới bàn mà<br />
ngay từ những năm đầu giành chính quyền cách mạng,<br />
chúng ta đã có những nhà tư tưởng lớn đặt nền móng trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đại diện lớn. Năm<br />
1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, xác định được<br />
vai trò vô cùng quan trọng của việc tự học, tự rèn để nâng<br />
cao dân trí, Người đã nêu rõ: “Lấy tự học làm cốt. Do<br />
thảo luận và chỉ đạo giúp vào” [3; tr 321] và “phải nâng<br />
cao và hướng dẫn việc tự học” [4; tr 360] .<br />
Quá trình tự học và nghiên cứu tài liệu có vai trò<br />
quyết định tới năng lực tư duy sáng tạo của mỗi người.<br />
Phong trào này phải phát triển trở thành “văn hóa đọc”<br />
<br />
60<br />
<br />
mới có thể thay đổi được tư duy của người học. Thế<br />
nhưng, theo GS. Chu Hảo, văn hóa đọc nước nhà (trong<br />
đó có các trường đại học) chưa phát triển, thậm chí là<br />
chưa có [5]. Trong khi để phát triển một trường đại học,<br />
một quốc gia, dân tộc, văn hóa đọc cần được coi trọng,<br />
đẩy mạnh vì đó là thước đo trình độ dân trí và văn minh<br />
của dân tộc, quốc gia đó. Một khảo sát về thực trạng đọc<br />
sách trên thế giới, Tổ chức Đánh giá các Chỉ số Văn hóa<br />
thế giới (NOP World Culture Score) chỉ ra rằng, số người<br />
đọc sách nhiều nhất là ở Ấn Độ với 10,7 giờ/tuần; Thái<br />
Lan 9,4 giờ/tuần; Trung Quốc 8 giờ/tuần; Nga 7,1<br />
giờ/tuần; Úc 6,3 giờ/tuần; Mĩ 5,7 giờ/tuần; Anh 5,3<br />
giờ/tuần; Nhật 4,1 giờ/tuần; Hàn Quốc 3,1 giờ/tuần [6].<br />
Nhìn vào chỉ sổ này ta thấy, tại sao ở những quốc gia này,<br />
văn hóa truyền thống được bảo tồn, khoa học và công<br />
nghệ phát triển tốt như vậy. Trong khi ở Việt Nam, số<br />
giờ trên có lẽ được tính theo tháng. Đây cũng là một vấn<br />
đề đặt ra đối với chúng ta khi thực sự muốn nâng cao chất<br />
lượng đào tạo các môn học chuyên ngành nói chung, các<br />
môn LLCT&KHXHNV nói riêng trong các trường đại<br />
học thời gian tới.<br />
Như thế, vai trò của hoạt động NCKH và hoạt động<br />
tự học trong SV đã được xác định là đặc biệt quan trọng,<br />
có ý nghĩa quyết định đến chất lượng đào tạo của một<br />
nhà trường, của một chuyên ngành, và hẹp hơn nữa là<br />
của một bộ môn khoa học. Thông qua hoạt động SV<br />
NCKH, chúng ta sẽ giúp SV hình thành năng lực tư duy<br />
độc lập, sáng tạo và chủ động trong nghiên cứu và học<br />
tập để đạt mục tiêu đặt ra. Giải quyết được vấn đề này<br />
chính là giải quyết được ẩn số của bài toán “nâng cao<br />
chất lượng giảng dạy các môn LLCT & KHXHNV”<br />
đang đặt ra hiện nay.<br />
2.2. Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lí luận<br />
chính trị và khoa học xã hội nhân văn bằng hoạt động<br />
nghiên cứu khoa học của sinh viên<br />
Nếu đặt giả thuyết: Trong quá trình đào tạo đại học,<br />
100% SV thực hiện nghiêm túc từ hai nghiên cứu trở lên<br />
trong 04 năm, khối kiến thức, kĩ năng và thái độ chuyên<br />
môn, nghề nghiệp sẽ tốt hơn 2 lần so với các SV không<br />
tham gia NCKH thì những luận cứ có được từ kết quả<br />
nghiên cứu sẽ chứng minh được giả thuyết trên là đúng,<br />
bởi khi đi vào NCKH, SV buộc phải làm việc với tài liệu,<br />
tự đọc sách, nghiên cứu; SV phải tự làm việc với các khái<br />
niệm chuyên ngành, các khái niệm liên quan đến phương<br />
pháp nghiên cứu;… Và, một khi thói quen này được hình<br />
thành trong 04 năm học tập và nghiên cứu tại trường,<br />
từng SV tham gia NCKH sẽ có một cái “chất” rất khác.<br />
Như trên đã trình bày một phần, NCKH sẽ đưa người<br />
học vào hoạt động tự học một cách chủ động. Trong tự<br />
học, sở thích đọc sách được hình thành và vô hình dung,<br />
chúng ta đã chuyển được từ quá trình đào tạo (thông qua<br />
<br />
VJE<br />
<br />
Tạp chí Giáo dục, Số 424 (Kì 2 - 2/2018), tr 59-62<br />
<br />
hoạt động NCKH) thành quá trình tự đào tạo. Xin nhấn<br />
mạnh lại, đọc sách không phải là một bản năng tự nhiên,<br />
mà là một thói quen tâm lí có được do rèn luyện. Thông<br />
thường, khi mới đọc sách, người đọc chưa có hứng thú,<br />
thậm chí cảm thấy ngại, chán nhưng chính bản thân<br />
người học tự “gò” mình vào đọc sách hoặc chính nhiệm<br />
vụ và động cơ học tập đặt ra đã giúp người đọc tự tìm<br />
đến sách và nảy sinh tình yêu đọc sách. Thời gian đầu,<br />
có khi người học chỉ đọc được khoảng 15-20 phút nhưng<br />
chỉ cần duy trì khoảng thời gian này hàng ngày trong hai<br />
tháng liên tiếp sẽ giúp người đọc bước đầu có hứng thú<br />
và thói quen tìm đọc sách. Và cứ như vậy, thói quen “có<br />
điều kiện” ấy được hình thành, và chúng ta sẽ có được<br />
tinh thần tự học, nghiên cứu một cách chủ động.<br />
Trở lại vấn đề NCKH để nâng cao chất lượng các<br />
môn LLCT&KHXHNV, chúng ta thấy, khi phải giải<br />
quyết một đề tài NCKH về lĩnh vực này, người học buộc<br />
phải giải quyết các vấn đề khái niệm từ đơn giản đến<br />
phức tạp. Các khái niệm này được hiểu trên cơ sở đọc<br />
sách và nghiên cứu các tài liệu liên quan đã công bố. Đi<br />
vào các nhóm đề tài cụ thể, để tăng cường chất lượng cho<br />
các học phần LLCT&KHXHNV, trong quá trình định<br />
hướng đề tài NCKH cho SV, giảng viên cần tập trung<br />
vào khai thác các hướng đề tài:<br />
2.2.1. Triển khai các mảng đề tài theo hướng nghiên cứu<br />
cơ bản, đi sâu giải quyết các vấn đề về lí luận, phát hiện<br />
và bổ sung những vấn đề mới cho công tác lí luận ở cơ<br />
sở, địa phương. Trong khuôn khổ NCKH của SV, chúng<br />
ta tập trung giải quyết các vấn đề về khái niệm, lí thuyết<br />
và phương pháp giải quyết vấn đề. Đây là mảng đề tài<br />
khá khó vì SV bắt đầu phải làm quen với học thuật. Ở<br />
mảng đề tài này, chúng ta tập trung vào giải quyết các<br />
vấn đề: 1) Xây dựng và giải quyết khái niệm: Công trình<br />
nghiên cứu sẽ giúp SV bắt đầu biết xây dựng một khái<br />
niệm. Thực tế cho thấy, mỗi đề tài LLCT & KHXHNV<br />
được nghiên cứu theo hướng cơ bản đều phải xác định và<br />
xây dựng một hoặc một số khái niệm. Khái niệm ấy có<br />
thể đã được nhiều nhà khoa học đi trước xây dựng nhưng<br />
với đề tài thực tiễn, SV buộc phải nghiên cứu, lựa chọn<br />
và bổ sung những thành tố mới cho phù hợp với bản chất<br />
của đề tài mình thực hiện. Đây cũng chính là đóng góp<br />
bước đầu của SV, vì người phản biện khi đọc khái niệm<br />
của công trình sẽ có được nhận ngay về đóng góp cái mới<br />
hay không về mặt lí luận; 2) Xác định mục tiêu và<br />
phương pháp nghiên cứu: Là hai vấn đề cốt lõi trong một<br />
công trình nghiên cứu mà SV phải được rèn luyện và tập<br />
xác định để có những nghiên cứu có đóng góp thực sự<br />
sau này. Hiện nay, đối với lĩnh vực LLCT&KHXHNV,<br />
không ít SV, thậm chí là cả giảng viên còn lúng túng khi<br />
xác định mục tiêu chính cần phải giải quyết cho công<br />
trình của mình. Trong khi, việc xác định mục tiêu tốt<br />
<br />
61<br />
<br />
chính là tác giả đã suy nghĩ tới đóng góp mới của công<br />
trình - vì mỗi công trình khác nhau sẽ có mục tiêu khác<br />
nhau. Trên cơ sở đó, tác giả sẽ chọn phương pháp khoa<br />
học - hướng đi cụ thể cho công trình. Về mặt lí luận, ở<br />
mỗi công trình khoa học khác nhau sẽ có hướng sử dụng<br />
phương pháp khoa học khác nhau, đặc biệt là việc xác<br />
định phương pháp tiếp cận và phương pháp nghiên cứu.<br />
Thông qua công trình nghiên cứu này, người đọc sẽ biết<br />
được ý tưởng và đóng góp mới của mỗi tác giả khi chọn<br />
phương pháp khoa học cho từng vấn đề, từng chương,<br />
mục cũng như phương án giải quyết cho cả công trình;<br />
3) Xác định những đóng góp mới của công trình: Tính<br />
“mới” cũng như những đóng góp mới của công trình<br />
thông thường được tác giả xác định ngay khi xác định<br />
mục tiêu nghiên cứu. Ở phương diện lí luận, tác giả công<br />
trình phải chỉ ra cho người đọc thấy được những thay đổi<br />
về mặt nhận thức về một vấn đề nào đó so với trước đây,<br />
đặc biệt là các công trình ở cấp độ cao như đề tài cấp Bộ<br />
hay Luận án tiến sĩ. Còn ở phương diện thực tiễn, đề tài<br />
phải giải quyết, tháo gỡ được bài toán đặt ra từ thực tiễn.<br />
Do đó, vấn đề “tính mới” trong công trình nghiên cứu của<br />
ta hiện nay, dù ở lĩnh vực nào, là phụ thuộc vào trình độ<br />
học vấn và đạo đức khoa học của tác giả.<br />
2.2.2. Triển khai các đề tài nghiên cứu mang tính ứng<br />
dụng. Ở đây, giảng viên sẽ định hướng những nghiên cứu<br />
đưa kiến thức, tinh thần của môn học vào ứng dụng trong<br />
hoạt động giảng dạy dưới dạng các cuộc thi tìm hiểu về<br />
chủ đề nào đó thuộc bộ môn. Ví dụ, chúng ta có thể triển<br />
khai cho SV một số đề tài như:<br />
- Thứ nhất: Nghiên cứu, triển khai những nội dung cơ<br />
bản về tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí<br />
Minh trong cuộc thi “SV trường đại học A với việc học<br />
tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây<br />
là đề tài mang tính ứng dụng vì toàn bộ đề tài giống như<br />
một kịch bản cho cuộc thi SV học tập và làm theo tấm<br />
gương đạo đức Hồ Chí Minh qua chủ đề chuyên sâu về<br />
tư tưởng, đạo đức cách mạng của Người. Với đề tài này,<br />
người nghiên cứu (ở đây là SV) cần giải quyết 03 mục<br />
tiêu cốt lõi: 1) Tổng hợp được những bài viết, câu chuyện<br />
của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng; 2) Xây<br />
dựng nội dung (gồm tiêu đề cuộc thi, giới hạn nội dung<br />
cuộc thi); 3) Hình thức cuộc thi, sân khấu hóa cuộc thi<br />
(tổ chức cuộc thi thành các nhóm gọi lên sân khấu trả lời<br />
câu hỏi; chuyển hóa các nội dung trên thành các tiểu<br />
phẩm kịch phản ánh tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh<br />
về đạo đức các mạng; hoặc cũng có thể bằng hình thức<br />
cho SV tự biên, tự diễn các tiết mục nghệ thuật của mình<br />
trên cơ sở sáng tạo, chuyển hóa các nội dung đã học về<br />
tư tưởng của Người về vấn đề nêu trên.<br />
Tóm lại, sau khi đề tài được nghiên cứu, kết quả<br />
nghiệm thu phải là một sản phẩm có thể đưa ngay vào<br />
<br />
VJE<br />
<br />
Tạp chí Giáo dục, Số 424 (Kì 2 - 2/2018), tr 59-62<br />
<br />
“dàn dựng” thành một chương trình, cuộc thi để thu hút<br />
SV tham gia; thông qua đó, chúng ta có thể giúp SV hiểu<br />
sâu sắc nội dung trên.<br />
+ Thứ hai: Triển khai, ứng dụng kết quả nghiên cứu,<br />
sưu tầm bộ tranh, ảnh nghệ thuật của SV về chủ đề “SV<br />
trường đại học A với trách nhiệm bảo vệ biển đảo Việt<br />
Nam” trong chương trình triển lãm nhân dịp ngày lễ lớn<br />
của đất nước ở các trường đại học.<br />
Với đề tài này, mục tiêu của nhóm tác giả phải giải<br />
quyết là: 1) Xây dựng, chọn lựa các bức tranh, ảnh phản<br />
ánh nội dung ca ngợi tình yêu biển đảo, Tổ quốc; 2) Xây<br />
dựng được kịch bản chương trình triển lãm tranh, ảnh<br />
gồm phần giới thiệu chung cho chương trình, chú thích<br />
nội dung cho từng tranh, ảnh; sắp xếp các bức tranh, ảnh<br />
đã được xác định theo ý tưởng để toát lên chủ nghĩa, tinh<br />
thần yêu nước, yêu biển đảo Tổ quốc của thế hệ trẻ; xác<br />
định được phạm vi về thời gian tổ chức, không gian (gắn<br />
với một ngày lễ, sự kiện cụ thể) và nội dung tranh, ảnh<br />
cần đưa vào triển lãm trong các chương trình; 3) Nêu lên<br />
được thông điệp, những đóng góp mới về ý tưởng, cái<br />
mới của công trình qua chương trình triển lãm tranh trong<br />
đề tài.<br />
Cần phải nói thêm rằng, cũng như ở các hướng đề tài<br />
khác, ở đề tài nghiên cứu ứng dụng, sau khi đã xác định<br />
được mục tiêu của đề tài thì các tác giả cũng phải xác<br />
định được phương pháp nghiên cứu, thực hiện. Các<br />
phương pháp này cần được chỉ định cho chương trình,<br />
nội dung cụ thể. Với đề tài trên, có thể sử dụng các<br />
phương pháp đặc thù như: phương pháp nghiên cứu tổng hợp tư liệu, phương pháp tuyên truyền, phát<br />
động,… để giải quyết vấn đề đặt ra.<br />
Thứ ba, ngoài những đề tài ở cấp độ công trình như<br />
nêu trên, cần chú trọng những đề tài nhỏ như tiểu luận<br />
chuyên đề khoa học trong môn học. Đây là cấp độ nghiên<br />
cứu có thể thu hút được toàn bộ SV tham gia bởi tính quy<br />
định cụ thể về thi, kiểm tra thông qua bài nghiên cứu<br />
trong từng môn học. Đây cũng là một cơ hội tốt để chúng<br />
ta phát động SV tham gia NCKH, truyền niềm đam mê<br />
khoa học tới các em và phát hiện những SV có tố chất<br />
NCKH để bồi dưỡng, định hướng các em đi sâu vào công<br />
tác NCKH sau này.<br />
Trên thực tế, SV khối ngành khoa học xã hội của hầu<br />
hết các trường đã được làm quen với NCKH thông qua<br />
viết tiểu luận chuyên đề trong nhiều môn học. Tuy nhiên,<br />
như trên đã trình bày một phần, thực trạng viết tiểu luận<br />
khoa học của SV hiện nay dường như để đối phó, kết quả<br />
mà người học gặt hái được về phương pháp nghiên cứu<br />
và kết quả nghiên cứu là rất ít. Vì thế, thay vì thi giữa học<br />
kì, chúng ta cần triển khai một cách nghiêm túc cho SV<br />
viết tiểu luận chuyên đề khoa học để lấy điểm kiểm tra<br />
giữa kì và điểm thi hết môn.<br />
<br />
62<br />
<br />
Như vậy, thông qua định hướng các đề tài cho SV<br />
đi vào NCKH, chúng ta sẽ giúp SV có được 04 nhóm<br />
kĩ năng cơ bản: 1) Hình thành thói quen tìm ý tưởng<br />
trong nghiên cứu; 2) Kĩ năng đặt vấn đề và xác định<br />
được mục tiêu trong nghiên cứu, học tập; 3) Phát triển<br />
tư duy lí luận, tìm “lỗ hổng” trong phát hiện vấn đề,<br />
tình huống của NCKH - ở đây là các học phần cụ thể;<br />
4) Có khả năng làm việc theo nhóm, biết được những<br />
điểm yếu, điểm mạnh của bản thân và người khác để<br />
khắc phục cho hoạt động học tập và NCKH cho chính<br />
bản thân mình.<br />
3. Kết luận<br />
NCKH sẽ là một kênh để rèn luyện SV, đồng thời tạo<br />
động cơ tốt đưa người học tìm đến hoạt động tự học, tự rèn<br />
luyện. Đối với các môn LLCT&KHXHNV nói riêng, SV<br />
theo học các chuyên ngành nói chung, cần phải đưa SV<br />
trải nghiệm tri thức bằng hoạt động NCKH. Chỉ có đọc<br />
sách để phục vụ NCKH mới giúp SV học có được học vấn<br />
sâu rộng, trở thành những người trí thức, có đóng góp thực<br />
sự cho xã hội sau khi rời ghế nhà trường. Vậy, muốn nâng<br />
cao chất lượng các môn LLCT&KHXHNV, theo tôi, cần<br />
nghiêm khắc giúp SV tích lũy kiến thức và rèn luyện kĩ<br />
năng nghề nghiệp thông qua hoạt động NCKH.<br />
<br />
Tài liệu tham khảo<br />
[1] Vũ Quang Việt (2005). So sánh chương trình giáo<br />
dục đại học Mĩ và Việt Nam. Kỉ yếu Hội thảo khoa<br />
học về tổ chức, quản lí giáo dục đại học. Đại học<br />
Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr 3.<br />
[2] Phạm Công Nhất (2014). Đổi mới giáo dục đại học<br />
theo hướng hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay.<br />
Tạp chí Cộng sản, số 653, tr 19.<br />
[3] Hồ Chí Minh toàn tập (1995). Tập 5. NXB Chính<br />
trị Quốc gia - Sự thật.<br />
[4] Hồ Chí Minh toàn tập (1995). Tập 6. NXB Chính<br />
trị Quốc gia - Sự thật.<br />
[5] Chu Hảo (2016). Người Việt Nam chưa có văn hóa<br />
đọc. Bài đăng trên trang thông tin của Thư viện<br />
Quốc gia Việt Nam, cập nhật ngày 16/11/2016.<br />
[6] Quốc Dũng (theo BBC). Người Ấn Độ đọc nhiều<br />
sách nhất thế giới. Bài đăng trên Báo Tuổi trẻ, cập<br />
nhật ngày 14/11/2016.<br />
[7] Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2013). Nghị<br />
quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới<br />
căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng<br />
yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều<br />
kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa<br />
và hội nhập quốc tế.<br />
<br />