Ngành nông nghiệp và khảo cổ học miền Bắc Việt Nam
lượt xem 27
download
Trong nội dung tài liệu này, sự tương quan giữa ngành nông nghiệp và các nền văn hóa khảo cổ cùng các giai đoạn tiến hóa của cư dân sống ở Bắc Việt Nam trong thời sơ cổ (đá mới và kim khí) sẽ được đề cập đến. Tiếp theo văn hóa Ngườm (30.000 23.000 năm cách ngày nay) và văn hóa Sơn Vi (18.000 11.000 năm cách ngày nay) còn hoàn toàn hoang dã, các nền văn hóa nối tiếp khác được phát hiện một cách tổng quát như: Văn hóa Hòa Bình; Văn hóa Bắc Sơn; Văn Hóa Hạ Long; Văn Hóa Phùng Nguyên... và để hiểu hơn về mối tương quan giữa nông nghiệp và khảo cổ Việt Nam mời các bạn cùng tham khảo tài liệu.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Ngành nông nghiệp và khảo cổ học miền Bắc Việt Nam
- Ngành nông nghiệp và khảo cổ học miền bắc việt nam Mở đầu Sau khi di dời từ Sài Gòn ra Hà Nội năm 1901, Trường Viễn Đông Bác Cổ đã giúp phát triển hoạt động khảo cổ ở Việt Nam, đặc biệt Miền Bắc trong giai đoạn ban đầu. Năm 1906, cuộc khai quật đầu tiên được thực hiện ở hang Thẩm Khoách, phố Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn (Viện Khảo Cổ Học, 1998). Một số công trình khảo cổ có tầm quốc tế phát xuất từ Trường Bác Cổ này. Nền văn hóa Hòa Bình là một thí dụ. Nền văn hóa có tên Hòa Bình (Hoabinhian) có đặc tính nổi bật là các di vật đá cuội và đá mài, được tìm thấy không những ở tỉnh Hòa Bình lần đầu tiên, mà còn ở nhiều nước Đông Nam Á sau này. Trong hơn một thế kỷ vừa qua, ngành khảo cổ đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm do tình hình chính trị và chiến tranh trong nước, nhưng đã vượt qua nhiều thử thách của con người và thời cuộc để đạt được một số thành quả đánh giá cao. Mặc dù còn cần đến nhiều cuộc khai quật và nghiên cứu sâu rộng hơn, ngành khảo cổ học Miền Bắc đã có cái nhìn tổng quan, khái niệm khá rõ rệt về các thời kỳ tiến hóa và đời sống của con người trên đất nước này cách nay ít nhứt khoảng 30.000 năm. Trong Chương này, sự tương quan giữa ngành nông nghiệp và các nền văn hóa khảo cổ cùng các giai đoạn tiến hóa của cư dân sống ở Miền Bắc Việt Nam trong thời sơ cổ (đá mới và kim khí) sẽ được đề cập đến. Tiếp theo văn hóa Ngườm (30.000-23.000 năm cách ngày nay) và văn hóa Sơn Vi (18.000-11.000 năm cách ngày nay) còn hoàn toàn hoang dã, các nền văn hóa nối tiếp khác được phát hiện một cách tổng quát, theo thứ tự như sau: • Văn hóa Hòa Bình (11.000 - 8.000 năm cách ngày nay) • Văn hóa Bắc Sơn (7.000 - 6.000 năm cách ngày nay) • Văn Hóa Hạ Long (ven biển Miền Bắc: 5.000 - 4.000 năm cách ngày nay) • Văn Hóa Phùng Nguyên (4.000 - 3.500 năm cách ngày nay) • Văn Hóa Đồng Đậu (3.500 - 3.000 năm cách ngày nay) • Văn hóa Gò Mun (3.100-2.800 năm cách ngày nay) • Văn hóa Đông Sơn (2.800 - 1.800 năm cách ngày nay) Ngành Nông Nghiệp Trong Thời Đại Đá Mới (Viện Khảo Cổ Học, 1998) Sau thời kỳ Cánh Tân hay đá cũ chấm dứt với kỹ nghệ Ngườm và văn hóa Sơn Vi ra đời, thời kỳ Toàn Tân nối tiếp cho đến nay, trong đó thời đại đá mới xuất hiện trong 2 nền văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn ở miền trung du, đồi núi và văn hóa Đa Bút, Quỳnh Văn và Hạ Long ở vùng ven biển. Trong thời đại đá mới, cuộc sống cộng đồng của cư dân tiến hóa từ bầy người thành băng người và sau đó hợp thành các bộ lạc vào cuối thời đại. Nền
- 2.1. Nền văn hóa Hòa Bình (11.000-8.000 năm cách ngày nay) Nhà khảo cổ học Pháp M. Colani trải qua nhiều năm nghiên cứu và có công lớn trong việc xác nhận sự tồn tại của nền văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam. Nội dung của nền văn hóa này được Bà trình bày đầy đủ nhứt trong Hội Nghị Tiền Sử Viễn Đông lần thứ nhứt tại Hà Nội năm 1932 (Colani, 1926 và 1932). Nền văn hóa này trải rộng ở vùng Đông Nam Á, từ miền Nam Trung Quốc đến Indonesia. Đặc tính nổi bật của văn hóa Hòa Bình là đồ đá cuội và đá mài. Vào thời kỳ này, nơi cư ngụ của con người là hang động và hái lượm săn bắt là các sinh hoạt hàng ngày để sinh tồn. Trong nhiều cuộc khai quật, các nhà khảo cổ tìm thấy tầng văn hóa đất sét vôi dày đặc (0,5-2,0 m) các vỏ sò ốc thuộc loài nhuyễn thể của miền trung du, hay các vùng suối đá vôi thấp, nước cạn. Ngoài ra, còn tìm thấy di tích xương răng động vật có vú sống ở miền nhiệt đới, than tro, di vật đá và bào tử phấn hoa. Di tích động vật của nền văn hóa Hòa Bình gồm có các loài nhuyễn thể như ốc núi, ốc suối, loài trai. Các nhà nghiên cứu cho rằng các loại ốc này là thức ăn chính trong hoạt động hái lượm của cư dân văn hóa Hòa Bình. Xương động vật có xương sống còn rất ít, gồm các loài hoang dã chưa thuần thục như vượn, khỉ, nhím, chuột, hươu, hoẵng, nai, bò rừng, trâu rừng, lửng, vòi hương, hổ và rất ít voi cổ, tê giác và lợn rừng (Vũ Thế Long, 1984). Kết quả phân tích bào tử phấn hoa của nền văn hóa Hòa Bình cho thấy có tới 22 loài bào tử và trên 40 loài phấn hoa khác nhau, trong đó chưa gặp các loại thảo mộc được con người thuần dưỡng (Trần Đạt, 1987). Tuy nhiên, lớp trên của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn đã có các rìu mài lưỡi có thể dùng phát hoang để trồng trọt. Điều này cho biết thức ăn thực vật hoang dã chiếm vị trí đáng kể trong hoạt động hái lượm. Trong các nghiên cứu phân tích phấn hoa, người ta tìm thấy với số lượng cao của các giống cây họ Đậu (Leguminoceae) ở các di tích hang Bưng, Hòa Bình; họ rau Muối (Chenopediaceae) ở hang Con Moong và xóm Trại, Hoà Bình và họ Cà Phê (Rubiaceae) ở hang Con Moong. Ngoài ra, các di tích của nền văn hóa Hòa Bình còn có các loài hạt quả như hạt gắm (Gnetum montanum), hạt cọ (Livistona cochinchinensis), hạt côm (Elaeocarpus sylvestris), hạt me (Phyllanthus emblica L.), hạt trà (Thea sp.), trám tre (Canarium tonkinensis) và trám (Canarium sp.). Tại các di chỉ Hạ Sơn (Thái Nguyên) trong tổng số 38 hạt, dương xỉ có tới 9 hạt, phấn hoa thực vật hạt kín là 20 hạt, chủ yếu là: Lithoiagus, Quercus, Magnolia, Corylus, Betula, Graminae, Araceae (Nguyễn Địch Dỹ và Đinh Văn Thuận, 1981). Ở hang Ma (Spirit cave), miền biên giới Thái Lan và Miến Điện, nhà khảo cổ học Chester Gorman (1969) đã tìm thấy được 28 loại bào tử phấn hoa của các loài cây ăn trái khác nhau và phỏng đoán nền nông nghiệp đã bắt đầu xuất hiện trong văn hóa Hòa Bình của nước này khoảng 6.000 - 8.000 năm. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu vết vỏ trấu trên những mảnh gốm ở Non Nok Tka thuộc vùng Korat với niên đại
- Theo nghiên cứu tìm thấy ở Trung Đông, nhà khảo cổ Phillip Edwards của trường Đại Học Trobe, Úc báo cáo con người phải trải qua giai đoạn độ 1.000 năm trồng các cây hoang dại trước khi họ bắt đầu nhân giống, trồng trọt một cách hệ thống và con người Trung Đông đã bắt đầu định cư vào niên đại 9.600 - 9.300 năm cách ngày nay (1950 sau CN) (Nguyễn Sinh, BBC News, 2006). 2.2. Nền văn hóa Bắc Sơn (7.000-6.000 năm cách ngày nay) Cuộc khai quật đầu tiên ở Miền Bắc được thực hiện tại hang Thẩm Khoách, phố Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn vào năm 1906. Sau nhiều năm nghiên cứu, nền văn hóa Bắc Sơn được xác định nối tiếp văn hóa Hòa Bình và gắn liền với tên tuổi của nhà nghiên cứu địa chất người Pháp H. Mansury. Nền văn hóa này nằm vị trí chủ yếu ở những núi đá vôi Bắc Sơn với độ cao trung bình 400-500 m, gồm một số huyện ở Lạng Sơn và Thái Nguyên (Mansury,1909 và1920). Cư dân Bắc Sơn vẫn còn sống ở hang động. Cần chú ý độ cao hiện nay không thể là độ cao của 8.000-6.000 năm trước, vì chịu ảnh hưởng của hiện tượng bào mòn trong vùng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều. Cũng vậy, các thung lũng của nền văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn có thể có độ sâu nhiều hơn hình dạng được mô tả trong các báo cáo khảo cổ hiện nay. Cho đến thập niên 1990s, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 54 hang động thuộc nền văn hóa Bắc Sơn, trong đó có 43 địa điểm do các nhà khảo cổ Pháp khai quật nghiên cứu. Các hang động Bắc Sơn thường có diện tích cư trú dưới 50 m2, nhỏ hơn hang động Hòa Bình (Nguyễn Khắc Sử, 1986). Tầng văn hóa Bắc Sơn dày trung bình 1,0 - 1,5 m, gồm có sét vôi, vỏ nhuyễn thể, xương động vật, than tro, các loại vết tích bếp, mộ táng, các công cụ đá, xương và đồ gốm. Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam còn lưu giữ 1.397 di vật thuộc nền văn hóa Bắc Sơn do người Pháp khai quật tại 32 địa điểm và được xếp loại như sau (Viện Khảo Cổ Học, 1998): - Công cụ ghè đẽo: 402 tiêu bản (28,77%) - Rìu mài lưỡi: 355 tiêu bản (25,40%) - Công cụ cuội nguyên 121 tiêu bản (8,64%) - Dấu Bắc Sơn: 448 tiêu bản (31,63%) - Mảnh tước: 72 tiêu bản (5,51%).
- Ba nhóm công cụ ghè đẽo, rìu mài lưỡi (Hình 1) và dấu Bắc Sơn (thỏi cuội nhỏ, dài và hơi dẹp, chất liệu đá Schiste) chiếm tỉ lệ cao nhứt, là đặc tính nổi bật của nền văn hóa Bắc Sơn. Chúng cũng là những công cụ sản xuất đầu tiên được sử dụng cho nền nông nghiệp sơ khai được hình thành từ nền văn hóa trước- văn hóa Hòa Bình - để sản xuất thêm thực phẩm cho cư dân. Hình 1: Các rìu đá Bắc Sơn (Ảnh: N. K. Quỳnh) Quần thể động vật trong di chỉ Bắc Sơn gồm có: hươu, bò, lợn, gấu, cầy, cáo, nhím, linh trưởng (Primates), tê giác, lợn rừng, rùa, giáp xác và các loài nhuyễn thể nước ngọt. Các loài động vật nêu trên đều hoang dã, chưa được thuần dưỡng. Cũng giống như nền văn hóa Hòa Bình, các bào tử phấn hoa của Bắc Sơn gồm loài cây cỏ và cây thân gỗ, loài trám, cà phê và trà thuộc khí hậu nóng ẩm trong thời kỳ Toàn Tân (Đá mới-kim loại), khác với loài thực vật có họ Dẻ tìm được trong di chỉ trước Hòa Bình, có tuổi Cánh Tân (Đá cũ). Cho đến nền văn hóa hậu Hòa Bình và Bắc Sơn, sinh hoạt của con người tiến lên từ bầy người đến băng người gồm một nhóm độ 20-30 người của một số gia đình chiếm một vùng đất nào đó để kiếm ăn hàng ngày. Sau đó có sự gặp gỡ giữa các băng nhóm với nhau qua quan hệ hôn nhân, nên bộ lạc ra đời. Theo tài liệu dân tộc học, các bộ lạc thường sống với nghề nông, chủ yếu làm vườn; nhưng cũng có nhiều bộ lạc còn hái lượm và săn bắt hoạt động khá mạnh trên các sườn đồi, rừng núi. Các bộ lạc ít di chuyển thường xuyên hơn các bầy người và băng nhóm. Trong văn hóa Bắc Sơn, các nhà khảo cổ tìm thấy một bức họa đầu người trên vách hang Đồng Nội, một số viên đá hoặc mẫu xương có khắc những hình lá cây và động vật. Hình lá cây này có những gân song song thuộc loài Hòa thảo (theo Bà M. Colani); nhưng trong loài cây lương thực, cây lúa có lá hình dáng giống như thế (Bùi Huy Đáp, 1980). Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy bàn nghiền hạt (Hình 2), cối và chày
- Hình 2: Bàn nghiền bằng đá (5.000-7.000 năm trước) (Ảnh: N. K. Quỳnh) Hình 3: Cuốc đá có vai và cuốc đá có nấc (5.000-7.000 năm trước) (Ảnh: N. K. Quỳnh)
- Hình 4: Cuốc đá đôi vai (5.000-7.000 năm trước) (Ảnh: N. K. Quỳnh) Vào cuối nền văn hóa Bắc Sơn, những bộ lạc trồng lúa bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á như, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Tại Việt Nam, những bộ lạc trồng lúa xuất hiện từ Miền Bắc đến Miền Đông Nam Việt (Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn, 2.000). Cư dân có đời sống cố định hơn và bắt đầu tụ tập ở các đồng bằng, dọc theo các thung lũng, lưu vực sông ngòi, bờ biển. Từ thời đại đá mới tiến dần đến thời đại kim khí (5.000 năm cách ngày nay), nền nông nghiệp gồm trồng lúa, cây đậu, cây có củ, đánh cá, bắt ốc… bắt đầu khởi sắc, phát triển mạnh hơn để sản xuất đủ thực phẩm cung cấp cho dân số gia tăng ngày càng nhiều. Những di vật khảo cổ tìm thấy được ở Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Philippines…cho biết ngành trồng lúa đã xuất hiện trong nền văn hóa Bắc Sơn cách nay hơn 5.000 năm, gần trùng hợp với đời vua Thần Nông (từ 3118 năm trước CN), theo tục truyền, chỉ dạy tộc Việt làm ruộng, trồng trọt ít nhứt từ khi Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ năm 2879 trước CN (?), sau này là nước Văn Lang. 2.3. Nền văn hóa Hạ Long (ven biển Miền Bắc: 5.000-3.500 năm cách ngày nay) Văn hóa Hạ Long thuộc nền văn hóa hậu kỳ đá mới. Vùng đất phân bố gồm có các cồn cát, các eo đất trên các đảo, ven các đồi núi giáp biển và một số hang động ở tỉnh Quảng Ninh. Nền văn hóa này là nơi tiếp giao với thế giới bên ngoài và là nền văn hóa cửa biển của Việt Nam, có niên đại khoảng 5.000-3.500 năm trước đây, gần đồng thời với thời kỳ biển tiến và lùi, cho nên ảnh hưởng đến sự di chuyển của cư dân. Môi trường biển vào khoảng 5.000 năm trước đây là nước dâng cao cực đại từ +3 m đến +4 m so với mực nước biển hiện nay, sau đó rút dần còn -3 m, thấp hơn mực nước hiện nay khoảng từ 4.000 - 3.000 năm trước (Viện Khảo Cổ Học, 1998). Lúc nước dâng làm đất đai cư trú bị thu hẹp, cư dân phải di chuyển vào khu vực đồng bằng lục địa, trung du và cư trú hang động trên đồi núi đá vôi dọc theo bải biển. Theo phát hiện khảo cổ, chủ nhân của nền văn
- Mô hình phát triển giai đoạn muộn của nền văn hóa Hạ Long có các đặc tính như sau (Viện Khảo Cổ, 1998): (1) Phát triển kỹ nghệ công cụ đá hoàn toàn mới mẻ như mài, cưa, khoan, đánh bóng bôn có nấc, kỹ thuật cưa, rìu đá có vai, có nấc… Phát triển kỹ nghệ mài theo truyền thống Bắc Sơn, với bộ sưu tập cuốc đá làm nghề trồng rau, củ, quả và biết tới nghề trồng cây lấy sợi làm lưới, xe sợi đan lưới hoặc làm dây câu để bắt cá. (2) Nghề gốm tiến bộ hơn, kỹ thuật trang trí hoa văn. Gốm tương đối thô men có độ nung không cao, dễ vỡ. (3) Nghề truyền thống của họ là khai thác biển, giao lưu rộng rãi với các nước bên ngoài. Nền văn hóa Hạ Long xuất hiện gần song song với nền văn hóa Phùng Nguyên trong lục địa. Về cấu trúc xã hội, di tích của văn hóa Hạ Long cho thấy người Hạ Long đã cư trú tập trung theo hình thức ngôi “làng” sơ khai, qui tụ từ vài gia đình đến hàng chục gia đình. Hậu kỳ của nền văn hóa này bắt đầu vào thời đại kim khí. 3. Ngành Nông Nghiệp Trong Thời Đại Kim Khí (Viện Khảo Cổ Học, 1999) Tiếp theo thời đại đá mới, thời đại kim khí bắt đầu từ văn hóa Phùng Nguyên đến Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn (tất cả ở miền Bắc và bắc Trung Phần). Ngoài ra, còn có một số nền văn hóa khác xuất hiện đồng thời trong thời đại kim khí ở các vùng khác trong nước như: văn hóa Sa Huỳnh (ven biển miền nam Trung Phần), văn hóa Biển Hồ (cao nguyên Tây Nguyên), thời đại kim khí miền Đông Nam Phần và văn hóa Óc Eo. Trong thời đại kim khí, đời sống của con người đã tiến bộ nhiều. Sinh hoạt của cộng đồng có tổ chức hẳn hoi. Sau khi biển lùi, cư dân tiến xuống tập trung sống thành từng nhóm, làng ở đồng bằng, ven sông, cửa biển, ven biển và gò đồi cao. Đời sống cố định hơn với nghề nông nghiệp phát triển mạnh nhờ các công cụ sản xuất bằng đá, đồng và sắt, chủ yếu trồng trọt cây củ, đậu, ngũ cốc, đánh cá, bắt ốc sò, chăn nuôi và săn bắt. Cần lưu ý trong thời kỳ này vẫn còn một bộ phận cư dân còn sống rải rác trên các cao nguyên, đồi núi ít tiến bộ hơn và sinh hoạt hàng ngày của họ chủ yếu vẫn còn hái lượm và săn bắt. Cũng còn nhiều bộ lạc trồng lúa rẫy sống ở đó. Chúng ta thấy cháu chắc của họ như dân tộc Tày-Mường còn tiếp tục đời sống thiên nhiên hàng ngàn năm trên các núi rừng, vùng trung-thượng du Bắc Việt ngày nay. 3.1. Nền văn Hóa Phùng Nguyên (4.000-3.500 năm cách ngày nay):
- Đây là nền văn hóa rất quan trọng, làm trung gian giữa thời đại đồ đá và thời đại kim khí, mốc ngoặc của nền văn minh vượt bực của dân tộc. Qua các công trình khai quật và kết quả khảo cổ quý giá đã thu đạt được ở nền văn hóa Phùng Nguyên từ thời Pháp thuộc cho đến nay, các nhà khảo cổ học và sử học khẳng định đã có nhiều bằng chứng cụ thể không những cho sự xuất hiện nền văn hóa Đông Sơn, mà còn xác nhận thực tế “lịch sử 4.000 năm văn hiến của nước Việt Nam” và địa bàn hoạt động có thật của “đất Phong Châu một thời Hùng Vương” (Viện Khảo Cổ Học, 1999). Nền văn hóa Phùng Nguyên tập trung ở khu vực hợp lưu của các sông: sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Thao và sông Đáy, thuộc phía nam tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nội và phần phía nam của tỉnh Bắc Ninh. Nền văn hóa này xuất hiện và phát triển từ 2.000 năm đến 1.500 năm tr CN. Người Phùng Nguyên thường cư trú trên các gò đồi cao, cách mặt ruộng độ từ 0,5 đến 5-6 m. Tầng văn hóa không dày lắm từ 0,7 đến 2 m. Về nhà ở chưa được rõ ràng, nhưng các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở Văn Điển (Hà Nội) nhiều hố đất đen hình tròn, kích thước tương tự nhau, ăn sâu xuống đất, trông giống các hố chôn cột nhà. Họ cũng tìm thấy di tích xưởng chế tạo công cụ đá ở Gò Chè, chế tạo mũi khoan ở Bãi Tự và vòng trang sức ở Tràng Kênh, với trình độ kỹ thuật chuyên môn cao. Công cụ sản xuất gồm có cuốc đá hình tứ giác có lưỡi lệch về một bên, rìu đá tứ giác có lưỡi cân xứng, trong đó có nhiều rìu chế tạo bằng đá ngọc Nephrite có màu sắc đẹp. Ngoài ra, còn có nhiều đục đá chiều dài 3-4 cm, thân rộng hơn 1 cm và bề dày 0,3-0,5 cm, dao đá, liềm đá. Chiếc liềm đá có công dụng quan trọng trong công việc gặt hái ngũ cốc, cắt cỏ, sự có mặt của liềm đá cho thấy tầm quan trọng của sản xuất thực phẩm ngày xưa. Chiếc liềm đá ở Gò Bông “được làm bằng một phiến tước dài, phần chuôi liềm có bề rộng nhất 3,5 cm, đây cũng là phần dày nhất của liềm. Phần tiếp giáp với sống liềm về phía lưỡi có ngấn tròn (bị vỡ chỉ còn 1 phần cung tròn) có tác dụng để buộc dây tra cán? Đặc biệt phần lưỡi liềm tuy bị gãy, phần còn lại dài 4 cm, nhưng vẫn thấy chiều cong giống hệt liềm cắt hiện đại. Rìa lưỡi rất sắc và bóng nhẵn do sử dụng. Phần sống lưng của liềm dày 0,3-0,7 cm, được mài nhẵn. Thân liềm còn nhiều vết ghè đẽo… Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là bằng chứng gián tiếp về một nền nông nghiệp trồng lúa trong văn hóa Phùng Nguyên.” (Viện Khảo Cổ Học, 1998). Ngoài ra, nhóm công cụ sản xuất còn có cưa đá, mũi khoan đá, bàn mài (bàn mài bằng, bàn mài rãnh, bàn mài trong), hòn kê, hòn đập, bàn đập. Hơn 50 địa điểm được tìm thấy có nền văn hóa Phùng Nguyên cho thấy những làng định cư lâu dài có đời sống nông nghiệp, chủ yếu trồng trọt làm vườn, chăn nuôi, săn bắt và đánh cá. Sự phát hiện lưỡi liềm đá ở Gò Bông và nhiều chiếc rìu nhỏ; cho thấy có nền nông nghiệp trồng lúa phát triển ở ruộng nước và trên đất cao (rẫy). Ngoài ra, còn có các đồ đựng gốm có kích thước lớn để tồn trữ ngũ cốc cho thấy cư dân Phùng Nguyên có đời sống định cư lâu dài. Các nhà khảo cổ cũng tìm được các tượng động vật như tượng đầu gà ở Xóm Rền làm bằng gốm. Các ngôi mộ khai quật còn tìm thấy hàm lợn ở Lũng Hòa, xương chó ở Tràng Kênh cho biết người Phùng Nguyên đã biết chăn nuôi nhiều thú vật mà ta có ngày nay. Ngoài nông nghiệp, người Phùng Nguyên còn phát triển ngành thủ công nghiệp, như kỹ
- Trong nền văn hóa Phùng Nguyên còn xuất hiện kim loại đồng và kỹ thuật luyện kim: hợp kim đồng thau gồm có đồng và thiếc. Một mảnh vòng hay dây kim loại được tìm thấy ở Bãi Tự, Tiên Sơn (Bắc Ninh) (Phạm Văn Thích và Hà Văn Tấn, 1970), dây chì (Diệp Đình Hòa, 1978). Nền văn hóa Phùng Nguyên mở đầu cho thời đại đồng thau Việt Nam và chuẩn bị cho quá trình hình thành nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, khởi đầu của nhà nước và dân tộc Việt Nam ngày nay. 3.2. Nền văn hóa Đồng Đậu (3.500-3.000 năm cách ngày nay) Các di chỉ Đồng Đậu thuộc xã Minh Tân, huyện Yên Lạc, Tỉnh Vĩnh Phúc được phát hiện vào năm 1962. Đây là nền văn hóa nối tiếp Phùng Nguyên, có đời sống tiến bộ hơn, xuất hiện từ 1.500 đến 1.000 năm tr CN. Đặc tính của nền văn hóa Đồng Đậu là kỹ nghệ luyện kim và chế tạo đồ đồng thau, chẳng hạn mũi tên, mũi nhọn bằng đồng thau đẹp và cân đối. Ở hầu hết các di tích Đồng Đậu như Đồng Đậu, Đồng Dền, Đông Lâm, Đồi Đá đều tìm thấy khuôn đúc và nồi rót đồng. Rìu đồng cũng khá phổ biến được xếp làm 3 loại: rìu hình chữ nhựt, rìu có vai và loại rìu có lưỡi hơi lệch. Ngoài ra, còn tìm thấy giáo đồng, mũi tên, lưỡi câu đồng, dũa đồng, búa đồng, trong khi các nhà khảo cổ còn tìm thấy công cụ đồ đá chiếm vị trí đáng kể: rìu đá, đục bằng đá, giáo đá, lao đá và các di vật đá dùng trong trang điểm: vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi. Kỹ thuật luyện đúc đồng đã tiến bộ vượt bực, cung cấp các dụng cụ mới hiệu quả hơn như: mũi rìu giáo, lao, mũi tên, lưỡi câu, so với các dụng cụ bằng đá. Người Đồng Đậu còn dùng đồng thau để chế tạo khuôn đúc đồng, đồ se sợi, chạc gốm và nặn các tượng động vật như tượng bò, tượng gà, tượng rùa… Các tượng này cho biết những con thú đó là nguồn thực phẩm chính cho sự tồn tại và phát triển của cư dân Đồng Đậu. Đến nền văn hóa Đồng Đậu, các nhà khảo cổ khẳng định cư dân Đồng Đậu là cư dân nông nghiệp, làm ruộng khô, ruộng nước, trồng cây có củ, quả xung quanh nơi cư trú. Ở địa điểm Đồng Đậu, độ sâu 3,40 m, các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều than tro và nhiều hạt gạo cháy, có niên đại 3050 ± 100 năm cách ngày nay (Hình 5); điều đó cho biết lúa gạo là nguồn thức ăn chính của cư dân Đồng Đậu. Đây là lần đầu tiên tìm thấy dấu vết của cây lúa trong thời cổ đại ở Việt Nam. Về sau, các nhà khảo cổ còn tìm thấy các hạt lúa có hình dạng khác nhau ở Gò Mun có tuổi carbon độ 1.120 (±100 năm) trước CN (Sakurai, 1987). Ở di chỉ Tràng Kênh (Hải Phòng), họ còn phát hiện nhiều phấn hoa của một giống lúa nước, có niên đại 3.405 ± 50 năm (Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2000).
- Hình 5: Hạt gạo cháy vào thời kỳ văn hóa Đồng Đậu(3.000 năm trước) (Ảnh: N. K. Quỳnh) Những bào tử phấn hoa, hạt cháy, vỏ trấu được tìm thấy ở các di chỉ Đồng Đậu chứng tỏ có nhiều loài thảo mộc hiện diện, gồm có khoai lang, rau muống, họ Cam (cây trám), họ na (cây na) và họ Hòa Thảo như cây tre, cây lúa (Oryza sativa) thuộc loại lúa nếp và lúa tẻ có hạt bầu và tròn (Trần Đạt và Đinh Văn Thuận, 1984). Một nghiên cứu về hạt gạo cháy ở di chỉ Đồng Đậu đã báo cáo: “10 hạt thon dài thuộc lúa tẻ… một số hạt thuộc dạng bầu dài giống như lúa nếp nương…Ở độ sâu 1,2-1,5 m thấy chủ yếu là hạt thon ngắn cũng thuộc lúa tẻ (?). Trong các lớp này có hạt tròn dài (nếp) và tròn ngắn (di, cút). Trong lớp Đồng Đậu muộn (sâu 1,2-1,0 m) ngoài các hạt thon dài và thon ngắn (tẻ) có hai hạt bầu ngắn, và tròn dài là lúa nếp.” (Đào Thế Tuấn, 1988). Công việc phân loại lúa tẻ, lúa nếp dựa vào quan sát hình dạng dài ngắn, tròn bầu không được chính xác lắm, nhứt là các hạt gạo này bị cháy nám. Chẳng hạn, hạt gạo thon dài chưa hẳn là lúa tẻ vì có nhiều loại nếp cũng có hình dáng thon dài. Ngoài nghề nông nghiệp, họ còn hái lượm và săn bắt, đặc biệt đối với cư dân sống trên các gò đồi cao. Ngoài những xương tìm thấy của chó, lợn, gà chăn nuôi, họ còn săn bắt các loại thú hoang: trâu, bò, lợn, hươu nai, voi trên rừng và bắt tôm cua, cá, ốc, rùa… ở những đầm hồ, suối nước chung quanh khu cư trú. Trong giai đoạn này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết nhà ở của cư dân, với nhiều nền đất vàng nén chặt, trên đó có những lỗ cột, nhưng những ngôi nhà đơn giản hơn nền văn hóa Đông Sơn sau này, với mái bằng rơm hoặc lá cây, xung quanh có những tấm phên che mưa gió. Người Đồng Đậu còn biết dệt vải, đan lát, đồ dùng bằng mây, tre, những thảo mộc thiên nhiên phổ biến ở các vùng nhiệt đới. Nghề đan lát của Đồng Đậu rất tinh tế, đều đặn và đẹp. Cách đan cầu kỳ và cân đối để tạo ra các vật dụng chứa đựng ngũ cốc, phơi đồ gốm…(Viện Khảo Cổ Học, 1999). 3.3. Nền văn hóa Gò Mun (3.100-2.800 năm cách ngày nay) Di tích Gò Mun nổi tiếng được tìm thấy ở xã Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ vào năm 1961. Nền văn hóa Gò Mun ra đời sau nền văn hóa Đồng Đậu và trước nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng sau này, bắt đầu từ 1.100 đến 800 năm trước CN. Những di tích
- Địa tầng văn hóa của Gò Mun dày độ 1 m, màu đen, chứa nhiều di vật, công cụ lao động, thức ăn, nhà cửa đổ nát, nền nhà, nhà bếp, lò, mộ táng. Người ta cũng tìm thấy những hầm, hố đất đen có thể là những hầm ngũ cốc, hố rác bếp… Đặc tính nổi nhất của Gò Mun là những công cụ và dụng cụ sinh hoạt của người Gò Mun thuộc đồ gốm, đồ đồng và đồ đá với hình dạng, nghệ thuật trang trí đặc biệt có một phong cách riêng của nền văn hóa này và dễ nhận dạng. Đồ gốm Gò Mun có hình dáng bên ngoài đặc biệt là kiểu miệng gốm và cách trang trí hoa văn (khắc vạch, in, đập và đắp nổi). Về đồ đồng, kỹ thuật đúc luyện, pha trộn nguyên liệu và sáng tạo nhiều hình công cụ như rìu, giáo, lao, mũi tên, mũi nhọn, lưỡi câu, búa, dũa, liềm, tượng người, lục lạc, vòng tay, trâm cài, hoa tai, nhẫn… Cần lưu ý đến liềm đồng dùng để cắt lúa hữu hiệu và nhanh hơn các lưỡi liềm bằng đá. Nhờ hỗn hợp kim loại tốt, những đồ đồng của Gò Mun tìm thấy được ít bị rỉ sét, bền, ít bị sứt mẻ. Về đồ đá, các công cụ sản xuất và một số đồ dùng vẫn còn quan trọng trong nền văn hóa Gò Mun, như rìu hình tứ giác, rìu có vai, rìu có nấc, đục, bàn mài đủ loại, trong đó có chiếc rìu được khoan lỗ để luồn dây, chì lưới, khuôn để đúc, vòng tay, khuyên tai bằng đá. Người Gò Mun biết áp dụng kỹ thuật cưa, khoan, mài, tiện khá thành thạo. Cuộc sống của người Gò Mun tiến bộ hơn người của nền văn hóa Phùng Nguyên và Đồng Đậu, có sắc thái riêng biệt và tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của nền văn hóa Đông Sơn. Đặc tính của nền văn hóa này là cư dân sống tập trung từng khu vực, chủ yếu với nền nông nghiệp lúa nước và lúa rẫy, hiệu năng kinh tế cao hơn nhờ các công cụ sản xuất bằng đồng để phục vụ nông nghiệp. Sự tiến hóa từ nông nghiệp sơ khai phát hiện từ văn hóa Bắc Sơn với các bộ lạc trồng lúa, đã hiện ra nét rõ rệt trong nền văn hóa Phùng Nguyên và Đồng Đậu. Đến nền văn hóa Gò Mun, người ta phát hiện một hầm ngũ cốc thối nát, chứng tỏ, chủ nhân của hầm này sản xuất lúa không những đủ nuôi gia đình họ mà còn dư thừa chứa trong hầm dự trữ (Viện Khảo Cổ Học, 1999). Cư dân Gò Mun đã rành nghề nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa cùng các hoa màu khác ở ven sườn đồi, gò đất thấp chung quanh khu vực cư trú, bên bờ các dòng sông, bờ hồ, các đầm lầy hàng năm đất phù sa bồi đắp.
- Người Gò Mun trồng lúa theo phương pháp quãng canh trên một diện tích rộng lớn, giống như trồng lúa nổi ở miền Nam, nghĩa là gieo hạt lúa lúc trời bắt đầu mưa, cây lúa lớn dần theo mực nước và được thu hoạch lúc lúa chín. Họ có thể trồng 2 vụ lúa (lúa Chiêm và lúa Mùa) và nhiều loại hoa màu và cây ăn quả khác (Viện Khảo Cổ Học, 1999). Di vật chí ghi “Lúa Giao Chỉ mỗi năm trồng hai lần, về mùa hạ và đông”. Hình 6: Bút tích về ruộng lạc và hai vụ lúa ở Giao Chỉ (Ảnh: N. K. Quỳnh) Về chăn nuôi cũng khá tiến bộ để có thêm nguồn thực phẩm. Trong số di vật xương của các loài thú như lợn, gà, chó, trâu, bò, voi… có loại hoang dại và cũng có loại thuần dưỡng. Dù chưa có bằng chứng cư dân dùng trâu bò trong việc làm đất, nhưng cũng có ý kiến cho rằng họ dùng trâu bò để quần thục ruộng nước, kéo gỗ làm nhà… Các di tích của loài hoang dã gồm có voi, hỗ, gấu, trâu, bò, những loài thú nhỏ hơn như hươu, nai, lợn rừng, mèo rừng, chuột…, dưới nước có các loài cua, cá, ốc, hến, rùa, ếch nhái… Rõ ràng, người Gò Mun biết trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, vây đuổi thú để có nguồn thức ăn thường xuyên. Ngoài ra, họ còn đánh cá, với dụng cụ bắt cá như be bờ tát nước cạn hay đơm đó, úp, súc, dậm bằng dụng cụ tre nứa… Di chỉ khảo cổ còn có lưỡi câu, lao, chì lưới, cù quăng… Về đồ gốm, người Phùng Nguyên-Đồng Đậu có khiếu mỹ thuật về quy luật đối xứng hình học như đường cong, đường tròn đơn hoặc kép đều đặn trên hoa văn; trong khi người Gò Mun nâng lên một bực, thích những đường thẳng, đoạn thẳng gãy khúc, kết hơp những đường cong, chấm tròn, đắp nổi… để tạo thành kiểu mới. Người Gò Mun (Phú Thọ) còn biết đúc tượng bằng đồng: pho tượng người đàn ông ngồi xổm, khoanh tay trước ngực chứng tỏ cộng đồng cư dân Gò Mun đã ở vào thời kỳ phụ hệ. Người Gò Mun còn có suy nghĩ về tinh thần, qua mộ táng của người chết có chôn kèm theo các nhiều đồ gốm, công cụ đồng như giáo, lao, rìu, đục…, cho rằng người chết cũng sẽ dùng những công cụ như người sống (Viện Khảo Cổ Học, 1999). 3.4. Nền văn hóa Đông Sơn (2.800 - 1.800 năm cách ngày nay) (Viện Khảo Cổ Học, 1999)
- Di tích Đông Sơn được khai quật vào năm 1924 bởi ông L. Pajot. Di tích này thuộc làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, nằm ở hữu ngạn sông Mã. Nền văn hóa này bao gồm các tỉnh miền núi, đồng bằng và ven biển của Miền Bắc đến Quảng Bình, nhưng địa bàn gốc là đồng bằng và trung du của Miền Bắc (vùng sông Hồng) và vùng bắc Trung Phần (vùng sông Mã). Nền văn hóa Đông Sơn đã phát triển lâu dài cả 1.000 năm, bắt đầu từ thế kỷ VIII-VII tr CN đến thế kỷ I - II sau CN. Các di tích tìm thấy ở nhiều địa điểm, nhưng thường phân bố trên các vùng đất cao, các chân đồi, ven sông và ven suối. Tầng văn hóa trung bình dày 0,60-1,00 m. Ngoài các di chỉ cư trú riêng biệt, còn có loại di tích hỗn hợp của cả di chỉ cư trú và khu mộ táng. Các đặc tính của nền văn hóa Đông Sơn được tìm thấy ở các loại đồ đồng, đồ đá, đồ thủy tinh, đồ gốm, đồ xương và đồ tre gỗ. Đồ đồng chiếm một số lượng lớn. - Đồ đồng: Nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng nhứt là bộ đồ đồng rất phong phú về số lượng, hình dạng, trình độ kỹ thuật chế tạo và năng khiếu thẩm mỹ của người dân. Nhạc cụ của nền văn hóa này nổi bật nhứt là trống đồng và chuông. Trống đồng là loại di vật điển hình của nền văn hóa Đông Sơn, nay gọi là trống Đông Sơn. Đến nay đã phát hiện khoảng 150 trống lớn và gần 100 trống minh khí ở miền Bắc khu vực văn hóa Đông Sơn và các nơi khác ở Việt Nam như Thừa Thiên - Huế, Gia Rai - Kontum, Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, Kiên Giang. Trống Đông Sơn có địa bàn phân phối rộng không những ở Việt Nam, còn tìm thấy ở nhiều nước Đông Nam Á như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và miền nam Trung Quốc, chứng tỏ Việt Nam có giao lưu thương mại khá rộng lớn lúc bấy giờ. Ngoài ra, đồ đồng còn được tìm thấy ở vũ khí như giáo, dao găm, rìu chiến, búa chiến, mũi tên, tấm che ngực. Công cụ sản xuất gồm có nhiều loại: • Rìu: Đặc điểm chung là rìu có họng để tra cán, gồm có 2 loại rìu cân xứng và rìu không cân xứng: rìu xéo (không cân xứng), rìu hình hia gót tròn, gót vuông, rìu xoè cân, rìu có vai. • Lưỡi cày đồng (Hình 7) tiêu biểu cho ngành nông nghiệp. Có 4 loại: lưỡi cày hình tam giác (còn hiếm), lưỡi cày hình tim (nhiều nhứt), lưỡi cày hình cánh bướm hay chân vịt và lưỡi cày có vai ngang hay vai nhọn (ít).
- Hình 7: Lưỡi cày bằng đồng vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn (2.500-3.000 năm trước) (Ảnh: N. K. Quỳnh) • Cuốc đồng: Cuốc có kích thước lớn, dài 16,5 cm, rộng 11,7 cm. Kiểu cuốc hình chữ U tùy theo cách lắp cán với lưỡi hình cung hoặc hình tam giác. Kiểu cuốc có vai và phần họng tra cán ăn sâu xuống lưỡi. Kiểu cuốc có họng tra cán, lưỡi gồm có hình tam giác, hoặc lưỡi hình cung. • Xẻng: công cụ này được phát hiện còn rất ít. Họng xẻng có cấu tạo giống như họng lưỡi cày hình tim. Có xẻng không có họng mà liền với lưỡi thành một khối. • Nhóm thuổng hay mai thường được xếp vào nhóm rìu có vai cân xứng, nhưng chắc và khoẻ hơn lưỡi rìu, rất thích hợp cho đào đất hay dầm đất. • Nhóm công cụ thu hoạch: Gồm có lưỡi dao gặt hay còn gọi là nhíp, thường được dùng để gặt lúa. • Ngoài ra, nhóm công cụ sản xuất còn có nhóm dùi, đục, dũa, lưỡi câu, kim, đinh ba, đinh hai, móc, dao, dao khắc. Đa số các công cụ sản xuất này cho biết ngành nông nghiệp đã tiến bộ nhiều trong thời đại Đông Sơn. Đồ đồng còn là đồ dùng sinh hoạt (thạp, thố, bình, khai, đĩa, chậu…), đồ trang sức (vòng tai, vòng tay, trâm cài, khóa thắt lưng, tượng đồng…), vũ khí (giáo, lao, mũi tên, dao găm), nhạc cụ (trống, chuông) và tượng đồng. - Đồ sắt: Gồm có lưỡi cuốc, liềm, rìu, kiếm, giáo… Trước đây, một số tài liệu cho rằng đồ sắt du nhập từ Trung Quốc, nhưng căn cứ vào địa tầng học ở một số di tích như Vinh Quang, Chiền Vậy (Hà Tây), người ta tìm thấy di vật sắt nằm trong lớp thuần văn hóa Đông Sơn, không có ảnh hưởng của ngoại lai. Ở Gò Chiền, mẫu than để xác định niên đại nằm sâu dưới lớp đất có cuốc sắt với niên đại carbon 2.350 ± 100 năm cách ngày nay (Viện Khảo Cổ Học, 1999). Vào thời Đông Sơn muộn, đồ đồng kém kỹ thuật và phát hiện ít hơn, trong khi đồ sắt và đồ thủy tinh tăng lên.
- - Đồ đá: Rìu bôn, hòn kê, hòn ghè, chày, bàn mài, quả cân, những khuôn đúc rìu, đồ trang sức có vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi. - Đồ thủy tinh: Gồm hạt chuỗi màu xanh lục, xanh nhạt, nâu; vòng tay, vòng tai. - Đồ gốm: Gồm những đồ gốm hiện đại như: nồi, chõ, bình, chậu, bát, chạc gốm, chì lưới và dọi xe sợi Tóm lại, trong nền văn hóa Đông Sơn, nước Văn Lang được thành lập với các vị vua Hùng là những lãnh tụ giàu mạnh có khả năng kết hợp thần phục các lãnh tụ của các vùng khác. Cho đến khi vua An Dương Vương dời kinh đô từ Làng Cả xuống vùng Cổ Loa, dân Việt đã làm chủ vững chắc cả một khu vực rộng lớn, có nền nông nghiệp ổn định, chủ yếu lúa nước bên cạnh lúa nương, với nhiều giống lúa thích hợp cho từng vùng sinh thái, do phát hiện hàng loạt các địa điểm khảo cổ có vết tích hạt lúa gạo với các hình dạng dài, ngắn và trung bình khác nhau. Tục lệ “bánh chưng bánh dầy” trong dịp Tết Nguyên Đán, hình giã gạo trên các trống đồng đã xác nhận ưu thế của loại thực phẩm này trong thời Cổ Đại. Ngoài ra, cư dân Đông Sơn còn trồng những loại cây khác như cây trám, na, cau, đậu, bầu bí… để có thêm thực phẩm phụ. Lúc bấy giờ, đất nước là một xã hội ổn định, sản xuất nhiều sản phẩm dư thừa, vì vài kho lúa bị chôn sâu được tìm thấy. Sự phát triển kỹ nghệ đồng và xuất hiện đồ sắt đã giúp cư dân có được những công cụ sản xuất với hiệu quả kinh tế cao như, cuốc, cày để xới đất mau lẹ dễ dàng, lưỡi liềm bằng đồng, bằng sắt được dùng trong việc thu hoạch ngũ cốc, gồm có lúa. Nghề chăn nuôi cũng phát triển đồng bộ nên đóng góp đáng kể trong sản xuất, qua công việc cày bừa với sức kéo của trâu bò. Tuy nhiên, vẫn còn một số cư dân sống thành từng bộ lạc trên các rừng núi, chủ yếu với nghề nương rẫy, lúa rẫy và tiếp tục hái luợm và săn bắt cho đến ngày nay. Trong nền văn hóa Đông Sơn, ngành trồng lúa nước đã trở nên quan trọng trong nông nghiệp bản xứ. Như thế các ruộng lúa này có thể cố định, được đắp đê để ngăn giữ nước trồng lúa. Cư dân thời đó đã biết tưới nước. Chuyện cổ tích Sơn Tinh - Thủy Tinh vào thời Hùng Vương có thể tượng trưng cho công tác đắp đê đập để ngăn ngừa lụt lội. An Nam chí lược có ghi chép cư dân Văn Lang “tưới ruộng theo nước triều lên xuống” (Hình 6). Hoặc vết tích một đoạn đê cổ ở Cổ Loa trước thời Bắc thuộc cho người ta nghĩ rằng người dân tại một số vùng đã bắt đầu biết đắp bờ giữ nước, tháo nước để bảo vệ cây lúa và làm tăng gia sản xuất. Trong nền văn hóa Đông Sơn, nhiều sắc tộc pha trộn được phát hiện từ các di tích thu thập được ở các di chỉ khảo cổ. Tài liệu khảo cổ học ngày nay cho biết người Tày cổ là một thành phần chủ yếu của cộng đồng người Việt cổ thời Đông Sơn, với sự tham gia ít hơn của nhiều nhóm tộc khác. Người Đông Sơn có tục nhuộm răng và xăm mình. Đầu tóc cắt ngắn hoặc búi tóc, tết tóc. Trong thời Bắc thuộc (179 trước CN - 938 sau CN), sự xâm nhập văn hóa và kỹ thuật của Trung Quốc phần nào giúp cho sự mở mang trí tuệ và văn hóa sẵn có của dân Việt thêm đa dạng, và làm cho nền kinh tế của nước bành trướng hơn để phục vụ cho bốc
- Vào thời kỳ độc lập (939-1884), trình độ kỹ thuật nông nghiệp, từ canh nông đến chăn nuôi, ngư nghiệp đã tiến bộ khá cao do sự hòa hợp của nền văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán tộc. Đa số các kỹ thuật thời bấy giờ không khác bao nhiêu so với buổi đầu Pháp thuộc. Chẳng hạn, người Việt đã biết sử dụng cày cuốc bằng sắt, bừa trục, dùng trâu bò kéo, cày sâu bừa kỹ, chăm sóc bón phân, làm cỏ, đắp đê, dẫn thoát thủy, gặt hái, phơi sấy, biến chế và bảo quản. Tất cả các triều đại quân chủ đều chú trọng vào nền kinh tế lấy nông nghiệp làm trọng điểm, với mục tiêu thúc đẩy sản xuất lúa gạo, lương thực căn bản của nước không những nhằm đáp ứng tình trạng gia tăng dân số mà còn muốn đạt chỉ tiêu của ngành thu thuế. Các nhà nước từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn cho đến nhà Nguyễn đều quan tâm đặc biệt đến các công tác chính sau đây để phát triển nông nghiệp: (i) Khai khẩn đất hoang và đất mới bồi lấp, (ii) Tái trồng đất bỏ hoang do chiến loạn và định cư lưu dân, (iii) Đắp đê đập chống lũ lụt, và (iv) Phát triển công tác dẫn thủy nhập điền để tăng gia sản xuất nông phẩm. 4. Kết Luận Hơn một thế kỷ qua, thành tựu của ngành khảo cổ đã mang ánh sáng cho nhiều hiểu biết về quá trình phát triển nông nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt kể từ hậu kỳ thời đại đá mới. Mặc dù nền nông nghiệp sơ khai chưa được rọi sáng ở Việt Nam vì thiếu các di vật cần thiết, nhưng sự xuất hiện của nó trong dạng bán khai ở nhiều nước Đông Nam Á giúp chúng ta tin tưởng rằng hiện tượng này cũng đã xảy ra trên đất nước ta ít nhứt vào giai đoạn cuối thời kỳ đồ đá mới. Thật vậy, vào cuối nền văn hóa Hòa Bình và bắt đầu văn hóa Bắc Sơn, nền nông nghiệp sơ khai đã lộ nét với các công cụ đá được ghè đẽo cho thích hợp sản xuất nông nghiệp như rìu đá, cuốc đá, dao cắt, dao hái, bàn mài, hòn kê, hòn đập, bàn đập... Chủ nhân của hai nền văn hóa này sinh sống chủ yếu với nghề hái lượm và săn bắt. Họ săn thú rừng, bắt ốc, sò, hến, cá là hoạt động chính hàng ngày, trong khi trồng các loại cây củ, đậu, ngũ cốc quanh nơi cư trú để có thêm thực phẩm. Vào cuối nền văn hóa Hòa Bình, cư dân bắt đầu thuần dưỡng thảo mộc và gia súc. Sau đó, các bộ lạc trồng lúa không những xuất hiện ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước Đông Nam Á, giúp cho đời sống của cư dân bớt di chuyển để tìm thức ăn như thời đại trước. Sự xuất hiện các loại rìu đá, cuốc đá, liềm đá và sau đó kim khí và ngành luyện
- Nền nông nghiệp tiếp tục phát triển nhiều hơn nữa khi trình độ văn hóa của cư dân tiến lên mức độ cao hơn, đặc biệt trong nền văn hóa Đông Sơn. Người dân đã sống tập trung ở nhiều khu vực có tổ chức xã hội hẳn hoi trên địa bàn đồng bằng, ven đồi núi, ven sông, ven biển khắp nước và sống với nghề chăn nuôi, đánh cá và trồng trọt. Đó là những bước tiến bộ lớn, khá dài mà con người đã vận dụng óc sáng tạo để thực hiện qua hàng ngàn năm. Hy vọng rằng trong tương lai, ngành khảo cổ học sẽ mở rộng hơn địa bàn hoạt động nghiên cứu trên khắp đất nước để thu lượm thêm các di vật mới, giúp làm sáng tỏ và hoàn chỉnh bức tranh tiến hóa nông nghiệp từ thời tiền sử đến hiện đại, với nhiều thông tin chi tiết chính xác hơn và có tính cách thuyết phục hơn. Trần Văn Đạt, Ph. D TÀI LIỆU THAM KHẢO 1) Bùi Huy Đáp. 1980. Cây lúa Việt Nam. Nhà Xuất Bản Khoa Học và Kỹ Thuật, Hà Nội, 563 trang. 2) Colani, M. 1926. Découverte de paléolithique dans la province de Hoabinh. L’Anthropologie, vol XXVI, Paris. 3) Colani, M. 1932. La civilisation hoabinhienne. Premier Congrès des Préhistoriens d’Extrême-Orient, Hanoi, 1932, p. 97-99. 4) Gorman, C.F. 1969. Hoabinhian: A pebble tools complex with early plant associates in Southeast Asia. Science, vol. 163. 5) Diệp Đình Hòa, 1978. Người Việt cổ Phương Nam ở vào buổi bình minh của thời dựng nước. Khảo Cổ Học, số 1, tr. 61-69. 6) Đào Thế Tuấn. 1988. Về những hạt gạo cháy phát hiện ở Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) năm 1984. Khảo Cổ Học, số 4, tr. 44-46. 7) Mansury, H. 1909. Gisement préhistorique de la caverne de Pho Binh Gia (Tonkin). L’Anthropologie, No. 20, 1909. 8) Mansury, H. 1920. Contribution à l’étude de la Préhistorique de l’Indochine. II. Gisement préhistorique de l’environs de Lang-son et de Tuyen quang (Tonkin). MSGI. Vol. VII, fasc. 2, Hanoi.
- 9) Nguyễn Địch Dỹ và Đinh Văn Thuận. 1981. Kết quả phân tích bào tử phấn hoa ở Hạ Sơn, Phiêng Tung, Nà Khù, Thần Sa- những di tích của con người thời đại đá. Bắc Thái 1981. 10) Nguyễn Khắc Sử. 1986. Ghi chú về văn hóa Hòa Bình qua dẫn liệu thống kê. NPHM, Viện Khảo Cổ Học, 1986: 90-91. 11) Nguyễn Lân Cường. 1971. Sau khi khai quật Hang Hùm, Thẩm Khuyên, Kéo Lèng. Khảo Cổ Học, số 11-12-1971: 7-11. 12) Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn, 2.000. Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến năm 1884. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 479 tr. 13) Nguyễn Sinh (BBC News), 2006. Con người cổ đại biết trồng trọt khi nào? www.tuoitre.com.vn (Tuổi Trẻ 10/12/2006). 14) Phạm Văn Thích và Hà Văn Tấn. 1970. Phân tích chì trong di vật đồng trong thời đại đồng thau và thời đại sắt sớm. Khảo Cổ Học, số 7-8, tr.126-129. 15) Trần Đạt và Đinh Văn Thuận. 1984. Phân tích bào tử phấn hoa ở di chỉ Đồng Đậu (Vĩnh Phúc). NPHM, Viện Khảo Cổ Học, 1984: 91-93. 16) Sakurai, Y. 1987. Reclamation history at the Song Coi (Tonkin) delta of Vietnam. In Watanabe T. Edition “History of Asian Rice”, Shogakukan, Tokyo: 235-276. 17) Solheim, W.W. II. 1967. Two pottery traditions of late prehistoric times in Southeast Asia. Historical Archeological and Linguistic Studies on Southern China, Southeast Asia and the Hong Kong region. Ed. F. S. Drake. Hong Kong University Press, Hong Kong 1967, p. 15-22. 18) Trần Đạt. 1987. Nhìn lại các kết quả phân tích bào tử phấn hoa trong nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam. Khảo Cổ Học, số 4-1987: 61-68. 19) Trần Văn Đạt. 2002. Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam: Từ thời nguyên thủy đến hiện tại. NXB Nông Nghiệp, Việt Nam, 315 trang. 20) Viện Khảo Cổ Học. 1998. Khảo cổ học Việt Nam, Tập I: Thời đại đá Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 457 tr. 21) Viện Khảo Cổ Học. 1999. Khảo cổ học Việt Nam, Tập II: Thời đại kim khí Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 551 tr. 22) Vũ Thế Long. 1984. Người Hòa Bình và thế giới động vật. Khảo Cổ Học, số 1, 2- 1984.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tài liệu hướng dẫn cho tập huấn viên (TOT) sửa dụng bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức phát triển hợp tác xã nông nghiệp
173 p | 21 | 10
-
Thực trạng lao động nghề nghiệp và một số vấn đề xã hội của thanh niên nông thôn
0 p | 106 | 10
-
Bài giảng môn Công tác xã hội trong phát triển nông thôn
131 p | 37 | 7
-
Sự biến đổi của cơ cấu nghề nghiệp và phân tầng mức sống ở nông thôn đồng bằng sông Hồng - Đỗ Thiên Kính
0 p | 102 | 6
-
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động, nghề nghiệp và tác động của nó đến phân tầng mức sống ở một xã vùng đồng bằng sông Hồng - Đỗ Thiên Kính
0 p | 124 | 5
-
Tính duy lý của nông dân đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nghiệp - Ngô Thị Phương Lan
8 p | 77 | 5
-
Giáo trình Phát triển cộng đồng: Phần 2
64 p | 11 | 4
-
Giáo án học phần: Công tác xã hội trong phát triển nông thôn
83 p | 66 | 4
-
Ebook Địa chí Hương Khê: Phần 2
266 p | 7 | 4
-
Đổi mới trong chương trình đào tạo ngành Sư phạm công nghệ đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay
8 p | 19 | 3
-
Đôi điều về sự chuyển đổi của nông thôn và nông nghiệp - Tương Lai
3 p | 38 | 3
-
Tạo hứng thú nghiên cứu khoa học và phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
7 p | 39 | 3
-
Tự chủ trong học tập của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
12 p | 41 | 2
-
Cảm nhận về sự chuyển đổi cơ cấu lao động nghề nghiệp của hộ gia đình nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng qua một số công trình nghiên cứu đã được công bố - Lê Phượng
0 p | 71 | 2
-
Phúc lợi của dân tộc thiểu số ở Việt Nam từ năm 1989-2009
7 p | 18 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn