intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nghiên cứu mô hình kinh tế tuần hoàn đối với ngành dệt may Việt Nam: Hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:17

8
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Nghiên cứu mô hình kinh tế tuần hoàn đối với ngành dệt may Việt Nam: Hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh" đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị nhằm phát triển mô hình KTTH trong ngành dệt may, giúp giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu theo xu hướng kiểm soát ô nhiễm và phát triển bền vững. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nghiên cứu mô hình kinh tế tuần hoàn đối với ngành dệt may Việt Nam: Hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh

  1. NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN ĐỐI VỚI NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM: HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU CHUYỂN ĐỔI XANH TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, ThS. Nguyễn Minh Quang Trường Đại học Thương mại Email: quynh.nn@tmu.edu.vn Tóm tắt: Việt Nam là một trong mười nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu hơn 30 tỷ đô la Mỹ (USD)/năm, tạo việc làm cho khoảng ba triệu lao động. Do đó, ngành dệt may Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng đang gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường khi là ngành sử dụng và gây ô nhiễm nước ngọt cao nhất, cùng mức độ phát thải khí nhà kính cao, và sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Do đó, kinh tế tuần hoàn (KTTH) được xem là một mô hình hữu hiệu nhằm giải quyết những thách thức về mặt môi trường trong quá trình sản xuất của ngành dệt may. Điều này đạt được thông qua việc tái sử dụng chất thải trở thành nguyên liệu cho sản xuất, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Mục đích của nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường trong ngành dệt may tại Việt Nam trong thời gian qua, khái quát hóa mô hình KTTH trong ngành dệt may. Từ đó, đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị nhằm phát triển mô hình KTTH trong ngành dệt may, giúp giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu theo xu hướng kiểm soát ô nhiễm và phát triển bền vững. Từ khóa: Kinh tế tuần hoàn, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn lực, rác thải, xanh hóa. APPLYING THE CIRCULAR ECONOMY MODEL FOR VIETNAM’S TEXTILE AND GARMENT INDUSTRY: TOWARDS THE GOAL OF THE GREEN TRANSITION Abstract: Vietnam is one of the world's ten largest textile and garment exporters, with an export turnover of more than 30 billion US dollars (USD) per year, creating jobs for about three million workers. Vietnam’s textile and garment industry is contributing significantly to the country’s economic growth. However, this industry is also taking a heavy toll on the environment. It is the highest user and polluter of freshwater, with high levels of greenhouse gas emissions and heavy use of harmful chemicals. Therefore, the circular economy is considered an effective model for solving environmental challenges in the manufacturing process of the garment and textile industry. This is achieved by reusing waste to become raw materials for production, reducing resource exploitation, reducing waste disposal costs, reducing environmental pollution, and protecting ecosystems and people’s health. This study aims to highlight the current state of environmental pollution in the textile and garment industry in Vietnam in recent years and to construct a policy framework for supporting the circular economy model for the sector. From there, propose solutions and recommendations to apply the model in the textile and garment industry, 822
  2. helping to reduce greenhouse gas emissions into the environment and meet the requirements of the export markets. Keywords: Circular economy, environmental pollution, resource depletion, waste, greening transition. 1. Đặt vấn đề Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp thời trang và việc các hoạt động quảng cáo nở rộ đã tạo ra xu hướng thời trang với vòng đời ngắn và việc mua sắm quá mức cần thiết của người tiêu dùng (NTD). Đây là nguyên nhân khiến cho mức tiêu thụ quần áo trên toàn cầu đã vượt 400% so với lượng tiêu thụ của hai thập kỷ trước đó, Shirvanimoghaddam & cộng sự (2020). Từ đó kéo theo sự gia tăng mức sử dụng năng lượng trong ngành sản xuất hàng may mặc cùng với số lượng nguyên vật liệu đầu vào cũng như lượng phương tiện xử lý nguyên vật liệu trong quá trình sử dụng (giặt, là, sấy), Chae & Hinestroza (2020), Sadeghi & cộng sự (2021). Để sản xuất được một cân sợi sẽ phát thải 10 cân Các-bon Đi-ô-xít (CO2) và ngành công nghiệp dệt may phát thải khoảng 10% lượng CO2 và 5% chất thải toàn cầu. Đến năm 2050, ngành công nghiệp thời trang được dự đoán sẽ sử dụng tới 25% ngân sách carbon của thế giới, Pandey (2018). Chuỗi liên kết ngành dệt may hiện tại liên quan đến sản xuất, phân phối và sử dụng quần áo hiện đang hoạt động theo phương thức tuyến tính. Trong đó, hơn 68% lượng sợi được dùng để sản xuất quần áo hiện được chiết xuất từ các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, các sản phẩm này được sử dụng trong một thời gian rất ngắn, sau đó được đổ vào bãi chôn lấp hoặc đốt gây ô nhiễm môi trường, suy thoái nguồn tài nguyên và áp lực lên xã hội. Chính vì vậy, việc áp dụng mô hình KTTH được kỳ vọng sẽ giảm việc sử dụng nguyên liệu, tăng mức độ tái chế và tăng cường bảo vệ môi trường. Đây cũng là một xu thế đang diễn ra của ngành dệt may ở các nước đang phát triển. 2. Cơ sở lý luận về mô hình kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh trong ngành dệt may 2.1. Khái niệm về kinh tế tuần hoàn Trước đây, nền kinh tế nâu hay nền kinh tế truyền thống (Linear Economy - kinh tế tuyến tính) vận hành trên cơ sở khai thác nguyên liệu thô từ môi trường tự nhiên làm nguyên liệu đầu vào, trải qua quá trình sản xuất tạo ra hàng hóa (dịch vụ) và kết thúc chu trình cũng tạo chất thải ra môi trường tự nhiên. Hay nói cách khác đây là quá trình biến tài nguyên thành chất thải, do đó tất yếu sẽ dẫn tới sự gia tăng chất thải, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Theo Walter R. Stahel (2016), nền kinh tế tuyến tính vận hành như một dòng chảy, biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành các vật liệu và sản phẩm cơ bản rồi bán ra thông qua một loạt những bước tạo thêm giá trị gia tăng, theo xu hướng bán được càng nhiều càng tốt, dẫn tới sự hoang phí khi sử dụng các nguồn tài nguyên trong các thị trường thường đã bão hòa. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ mà trong thời gian qua, các quốc gia trên thế giới cố gắng chuyển sang mô hình kinh tế mới có thể phát huy tri thức, tính sáng tạo, ứng dụng công 823
  3. nghệ tiên tiến là động lực chủ yếu nhất của sự tăng trưởng, tạo ra của cải, việc làm trong tất cả các ngành kinh tế hướng đến sự phát triển bền vững. Đó là chuyển đổi sang mô hình KTTH dựa trên nguyên lý tài nguyên thiên nhiên là nguyên liệu thô đầu vào, trải qua quá trình sản xuất và tiêu dùng, các nguyên vật liệu thừa và chất thải được thu hồi và tái sử dụng thành đầu vào cho hệ thống kinh tế. Ý tưởng về mô hình KTTH lần đầu xuất hiện vào những năm 1960 và 1970, xuất phát từ khái niệm “cộng sinh công nghiệp” được sử dụng trong địa lý kinh tế vào những năm 1940 nhằm mô tả các yếu tố quyết định vị trí của các ngành công nghiệp nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên và tránh lãng phí. Một yếu tố quy chuẩn cho những ý tưởng này đó là đảm bảo rằng sẽ không có thứ gọi là chất thải, trừ một số chất thải mà con người chưa có đủ trí tuệ để tái sử dụng (Spilhaus, 1970). Với chu trình sản xuất được khép kín hoàn toàn, ngay cả nước thải cũng được làm sạch và tái sử dụng cùng với tất cả các chất thải rắn sẽ trở lại dưới dạng nguyên liệu để tạo ra những sản phẩm khác. Theo Pearce. D và R. Turner (1990), tái chế sẽ là một yếu tố quan trọng trong tư duy KTTH với “sáng kiến 3R” giảm thiểu (reduce), tái sử dụng (reuse), tái chế (recycle). Theo thời gian, số lượng ‘R’ đã tăng lên gấp bội. Hệ thống phân cấp chất thải của Liên minh Châu Âu (EU) trong Khung chất thải năm 2008 chỉ thị có bốn R, bổ sung thêm yếu tố phục hồi (recover). Đến năm 2017, có chín R riêng biệt góp phần vào sự lưu thông đã được xác định, Potting và cộng sự (2017). Cho đến nay khái niệm về KTTH đã có nhiều bước phát triển và hoàn thiện. Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc - UNEP và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD (2011) đều cho rằng KTTH là cách tốt nhất để phá vỡ sự ràng buộc lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Theo Tổ chức Ellen MacArthur (2013) thì ba nguyên tắc chính của một nền KTTH đó là: (i) giảm và loại bỏ thải và ô nhiễm; (ii) tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học; (iii) bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc kiểm soát, nhằm sử dụng hợp lý các tài nguyên và tái tạo các hệ thống tự nhiên; đặc biệt, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo. Quá trình phát thải khí CO2 từ nhiều hoạt động kinh tế khác nhau là một trong những vấn đề quan trọng mà các quốc gia châu Á đang đối mặt. Do đó, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách cần cân nhắc nhiều hơn trước khi đưa ra các chính sách liên quan đến ô nhiễm môi trường (Phan Thế Công và cộng sự, 2021). Mô hình KTTH hướng tới việc không có chất thải ra môi trường, giúp giải quyết được bài toán xử lý mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường. Điều này có thể đạt được thông qua việc thực hiện hai nội dung: (i) Hạn chế tối đa khai thác nguyên liệu thô từ môi trường tự nhiên và duy trì hệ sinh thái; và (ii) Bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc kiểm soát, nhằm sử dụng hợp lý các tài nguyên và tái tạo các hệ thống tự nhiên, hạn chế đưa chất thải ra môi trường, gây ô nhiễm. Do đó, KTTH không chỉ là tuần hoàn vật liệu mà còn giảm thiểu việc sử dụng các vật liệu khó tái chế hướng đến việc nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách tối thiểu hóa các ngoại ứng tiêu cực, thông qua thiết kế chất thải, thiết kế mô hình ngay từ đầu của quá trình sản xuất. 824
  4. Hình 1. Mô hình tuần hoàn kéo dài vòng đời của sản phẩm Nguồn: Shabbir H. Gheewala & Thapat Silalertruksa (2021) Tới nay, khái niệm KTTH được thừa nhận rộng rãi nhất là do tổ chức Ellen MacArthur Foundation đưa ra tại Hội nghị Kinh tế toàn cầu năm 2013. Theo đó, KTTH là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó. Hay hiểu đơn giản hơn, KTTH là nền kinh tế trong đó tài nguyên được duy trì sử dụng càng lâu càng tốt, bằng cách khai thác giá trị tối đa từ chúng trong khi sử dụng, sau đó phục hồi và tái tạo sản phẩm và vật liệu vào cuối mỗi lần sử dụng. Hình 1 cho thấy KTTH cũng là một loại hình kinh tế dựa vào trí tuệ sáng tạo và là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách hợp lý, khoa học, trong đó mỗi hoạt động kinh tế này tạo thành tiền đề cho hoạt động kinh tế khác và thành một vòng tuần hoàn kinh tế. KTTH cần được hiểu không phải là sự khép kín, cứng nhắc, đồng thời KTTH có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Trong đó, nghĩa rộng là trong phạm vi toàn quốc hay một địa phương. Với sự sáng tạo, tính toán khoa học và sự hỗ trợ đặc biệt của những thành tựu công nghệ, một số ngành sản xuất lớn được bố trí hợp lý như một vòng tuần hoàn, hỗ trợ nhau cùng phát triển và tạo ra những sản phẩm chất lượng. Còn nghĩa hẹp là cách làm KTTH, sản phẩm này là nhân tố đầu vào cho việc sản xuất ra sản phẩm khác, bao gồm cả việc tái sử dụng các chất thải làm nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất tiếp theo. Mô hình KTTH được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công từ đầu những năm 2000 trong các ngành công nghiệp như hóa chất, khai mỏ, dệt may, nông nghiệp và xử lý nước. Kết quả thu lại được là rất tích cực, bao gồm lợi nhuận gia tăng, hạn chế phát sinh chất ô nhiễm và đạt được mức phát thải các-bon thấp. Trên thế giới, mô hình KTTH trong 825
  5. ngành thời trang cũng đã và đang trở nên đa dạng, có thể kể đến như tái chế lưới đánh cá cũ để sản xuất quần áo của RemakeHUB hay dự án chiết xuất thuốc nhuộm từ vỏ cây của nhà thiết kế thời trang Nimco Adam. Các hãng thời trang hàng đầu thế giới như Gucci, Hermes cũng đang đặt ra nhiều chính sách hướng đến tuần hoàn hóa chuỗi cung ứng dệt may như không tiêu hủy sản phẩm tồn kho, thúc đẩy sản xuất nguyên liệu dệt may bền vững. 2.2. Mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh trong ngành dệt may Trong xu hướng “xanh hóa” như hiện nay, ngành dệt may cần phải hướng đến chuyển đổi xanh theo chiến lược tiếp cận với chuỗi cung ứng xanh, các nguồn tài nguyên (năng lượng, nguyên liệu, hóa chất, nước, chất thải) phải được sử dụng có hiệu quả và bền vững. Dó đó, việc hình thành cụm cộng sinh công nghiệp sẽ tạo ra mô hình dệt may tuần hoàn. Trong đó, chuyển đổi cách thức thiết kế, nâng cao khả năng tái chế, kéo dài vòng đời sản phẩm, thu gom, tái sản xuất hạn chế chất thải phát thải vi sợi nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và hướng tới sử dụng nguyên liệu tái tạo. Đây là một chiến lược phát triển bền vững đang được đề xuất để giải quyết các vấn đề cấp bách của suy thoái môi trường và khan hiếm tài nguyên. Một số tiếp cận mang tính chiến lược cần được triển khai trong các mắt xích của chuỗi cung ứng có thể đề xuất bao gồm: Thiết kế sản phẩm xanh và nhãn sinh thái cho các sản phẩm dệt và may mặc: Khâu này có thể thực hiện được trong toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ việc sử dụng các vật liệu tự nhiên và trong thiết kế có sử dụng sợi hữu cơ và thuốc nhuộm tự nhiên, vật liệu tái chế, sử dụng tối thiểu hóa chất (ví dụ: không tẩy trắng) và triệt để loại bỏ các hóa chất độc hại. Hình 2. Mô hình chuỗi sản xuất dệt may theo hướng chuyển đổi xanh Nguồn: WWF - Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam - VITAS (2018) Công nghệ thông minh: trong quá trình hình thành các cụm công nghiệp tuân thủ pháp luật về môi trường quốc tế và quốc gia, có thể ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất sợi và giám sát chất lượng (SpinMaster, WeaveMASTER, KnitMASTER, ESSENTIALRieter Digital Spinning Suite), sản xuất và quản lý hiệu suất cho quá trình 826
  6. hoàn thiện hàng dệt (ví dụ: OrgaTEX.MES), bảo trì dự đoán (UPTIME, ESSENTIALmaintain) để đảm bảo năng suất. Nhận dạng tần số vô tuyến bằng sử dụng thẻ (RFID) như Hình 3 để phân loại quần áo theo cấp độ vải: Việc thêm vào đường viền vải trong quá trình sản xuất có khả năng duy trì hoạt động trong toàn bộ quá trình sử dụng quần áo. Với sự trợ giúp của công nghệ RFID được sử dụng bởi các cảm biến hồng ngoại cho các hệ thống tự động trong ngành phân loại nhựa. Bên cạnh đó, RFID là nguồn dữ liệu lớn giúp nhà sản xuất theo dõi việc sử dụng sản phẩm và thu gom sau này sau khi sử dụng. Còn đối với khách hàng, RFID tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự kiểm tra nhanh chóng tại các cửa hàng, đồng thời có khả năng giao tiếp với máy giặt thông minh để có cài đặt chế độ giặt tối ưu phù hợp với loại sợi vải của quần áo. Tuy nhiên, nhiều khách hàng lo lắng về quyền riêng tư và sức khỏe khi tích hợp với công nghệ này. Ở Hình 3A bên trái: Sợi RFID có thể được dệt thành các đường may quần áo mà sau này có thể được sử dụng trong quá trình phân loại vải, còn Hình 3B cho thấy việc phân loại xơ và sợi có thể được thực hiện bằng các kỹ thuật dung môi vật lý và hóa học. Công nghệ dung môi: Ở cấp độ xơ và sợi, không thể sử dụng thẻ RFID để phân loại vật liệu, nhưng có thể dễ dàng sử dụng công nghệ dung môi (Hình 3B). Công nghệ dung môi có thể được chia thành hai loại như sau: (1) Hòa tan chất hòa tan và giữ lại với chất không thể hòa tan và (2) gia nhiệt ở nhiệt độ cao để hòa tan một sợi và để lại sợi kia ở dạng rắn. Cách tiếp cận trước đó dựa trên một vật liệu có thể hòa tan và những vật liệu khác thì không. Ví dụ, sợi bông/polyester trong vải có thể được phân loại bằng cách hòa tan cellulose bông trong dung môi và sau đó để lại polyester. Cellulose hòa tan có thể được sử dụng để tạo ra các loại sợi tổng hợp mới với các nguồn tái chế tự nhiên như trong trường hợp sợi Lyocell, Rayon, Cupro và Acetate. Ngoài ra, nếu chất lượng không tốt, nó có thể được sử dụng để làm bột giấy và giấy. Những cách tiếp cận này là bền vững và là xương sống của mô hình KTTH. Mặt khác, cách tiếp cận thứ hai phụ thuộc vào chênh lệch nhiệt độ nóng chảy (chênh lệch cao hơn) của các sợi được phân loại. Hình 3. Tem chú thích phân loại sợi gắn trên sản phẩm may mặc Nguồn: Xuandong Chen và cộng sự (2021) Xử lý khâu dệt: dù không thể bị loại bỏ hoàn toàn nhưng các chất thải có thể được 827
  7. giảm thiểu và làm sạch trước khi được sử dụng làm đầu vào cho quá trình khác hoặc xả ra môi trường. Sự nỗ lực từ các bên liên quan của ngành dệt may trong việc cải tiến kỹ thuật, công nghệ và thực hành quản lý là cần thiết nhằm mang lại tác động tích cực về mặt tài chính và môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành. Nhằm giảm thiểu và tối ưu hóa hóa chất được sử dụng trong quá trình dệt các nhà sản xuất cần các công đoạn như: (1) thường xuyên kiểm tra để sửa đổi các công thức pha chế để giảm các hóa chất không cần thiết; (2) ưu tiên lựa chọn hóa chất dễ phân hủy sinh học, độc tính thấp, độ bay hơi thấp và cường độ mùi thấp; (3) sử dụng nước chất lượng cao (khi cần thiết) trong các quy trình ướt để tránh/giảm việc sử dụng hóa chất thêm nhằm ngăn ngừa tác dụng phụ từ tạp chất; (4) tránh/giảm thiểu việc sử dụng dư thừa hóa chất và chất phụ trợ; (5) tối ưu hóa lịch trình trong sản xuất; và (6) tái sử dụng dịch nhuộm/giặt/giũ bất cứ khi nào có thể. Kho vận xanh: Mục tiêu của kho vận (logistics) xanh là vận chuyển và lưu trữ nguyên liệu và sản phẩm với chi phí thấp nhất có thể trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn cao nhất và giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình này. Kho vận xanh bao hàm sự đổi mới trong tất cả các bước của chuỗi cung ứng từ khi hình thành sản phẩm đến việc sử dụng sản phẩm cuối cùng. Hình 4. Vòng đóng lặp ngành dệt may theo mô hình KTTH (chuỗi giá trị không phát thải) Nguồn: Dựa theo mô hình của Dahlbo, H & Cộng sự (2017), Payne, A. (2015), Prieto- Sandoval & Cộng sự (2018) 828
  8. Nói tóm lại, chuyển đổi xanh theo mô hình KTTH trong ngành dệt may sẽ giúp ngành công nghiệp này hướng tới giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên cũng như tác động xấu từ hoạt động sản xuất tới môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng và được mô phỏng như Hình 5 dưới đây. Bởi, mục tiêu của KTTH là tái tạo và điều chỉnh nền kinh tế tuyến tính theo các cách tiếp cận bền vững. Điều này có thể được tập trung vào bốn phần chính của vòng tuần hoàn hệ thống ngành may mặc như sau: (1) vật liệu, (2) sản xuất, (3) sử dụng và (4) sau khi sử dụng. Thông qua các hình thức như: loại bỏ dần các chất gây lo ngại và giải phóng sợi nhỏ, kéo dài vòng đời sử dụng của quần áo, cải thiện khả năng tái chế và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên bằng cách chuyển đổi sang các đầu vào tái tạo (Hình 4). 2.3. Các xu hướng và chứng nhận bền vững toàn cầu trong ngành Dệt may Hiện nay, nhiều thương hiệu lớn trên toàn cầu đang áp dụng các chứng nhận bền vững cho sản phẩm và nguyên liệu của họ, đồng thời cũng yêu cầu nhà cung ứng tuân thủ chính sách của họ và đạt được chứng nhận liên quan. Các chương trình chứng nhận toàn cầu đang là một yếu tố góp phần xúc tiến tiêu chuẩn và thực hành tốt nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động sản xuất và kinh doanh. Có thể kể tên một số chứng nhận sau đây: - Global Recycled Standard (GRS): Nhận dạng và truy xuất về thành phần tái chế; Yêu cầu về môi trường giúp chống suy thoái bằng cách bảo đảm sử dụng vật liệu tái chế; Những giới hạn về hóa chất giúp đảm bảo việc không sử dụng hóa chất độc hại và gây tác động xấu môi trường và sức khỏe của người sử dụng; Trách nhiệm xã hội theo các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). The Better Cotton Initiative (BCI): là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu và là chương trình bền vững về bông (cotton) lớn nhất trên thế giới. Mục đích của BCI là giúp cho việc sản xuất bông toàn cầu trở nên tốt hơn cho những người trồng, cho môi trường và cho tương lai của ngành. Triết lý của C2C: là thiết kế lại, định hình lại hệ thống thiết kế và sản xuất sản phẩm truyền thống thành một hệ thống khép kín, trong đó mọi vật liệu đi trong chu trình sử dụng và tái sử dụng liên tục. Để đạt được chứng nhận C2C, các sản phẩm cần được đánh giá về hiệu quả môi trường và xã hội theo năm hạng mục bền vững gồm: nguyên liệu bền vững; tái sử dụng nguyên liệu; quản lý carbon và năng lượng tái tạo; quản trị nước; và công bằng xã hội. 3. Thực trạng ô nhiễm từ sản xuất và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của ngành Dệt may ở Việt Nam 3.1 Thực trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất của ngành Dệt may Việt Nam Ngành Dệt may Việt Nam đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của cả nước với tốc độ tăng trưởng cán cân thương mại trung bình từ 5% trong 2015-2017, tăng vọt lên 52% vào năm 2019 và giảm 7% vào năm 2020 (đạt 17 tỷ USD) do tác động của dịch COVID-19. Đồng thời, tạo việc làm cho khoảng ba triệu lao động. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng đang gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường: có mức sử dụng và gây ô 829
  9. nhiễm nước ngọt cao nhất, cùng mức độ phát thải khí nhà kính cao, sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Cụ thể, phải mất khoảng 2.700 lít nước để làm một chiếc áo phông cotton và 17- 20% ô nhiễm nước công nghiệp xuất phát từ việc nhuộm và xử lý dệt may. Ngoài ra, bản thân cây bông (cotton) cũng ngốn tới 19.000 lít nước để cung cấp đủ nguyên liệu cho việc sản xuất một chiếc áo phông. Bên cạnh đó, lượng khí thải và chất thải rắn cũng là vấn đề lớn của dệt may. Trong toàn quá trình sản xuất của mình, ngành dệt may tạo ra nhiều loại chất thải, bao gồm cả dạng khí, dạng lỏng, và dạng rắn. Từ những ảnh hưởng tiêu cực từ việc sản xuất hàng dệt may, một số quốc gia trên thế giới đã đặt ra các tiêu chuẩn bền vững khi nhập khẩu các loại hàng hóa này. Điều này đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải thay đổi, phải “xanh hoá” để phát triển bền vững theo mô hình KTTH. Hình 5. So sánh cường độ phát thải giữa các ngành Nguồn: WorldBank (2022) Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện tại, tổng số doanh nghiệp (DN) dệt may cả nước đạt xấp xỉ con số 7.000. Trong đó có 5.101 DN gia công hàng may mặc (chiếm tỷ lệ 85%), 780 DN sản xuất vải, nhuộm hoàn tất (chiếm tỷ lệ 13%), 119 DN sản xuất bông, xơ, sợi (chiếm 2%). Riêng lĩnh vực nhuộm, in hoa và hoàn tất có 177 DN, chỉ một số DN được chuyển đổi dây chuyền hoàn tất bằng thiết bị châu Âu có trình độ tiên tiến, còn hầu hết là dây chuyền cũ hoặc có trình độ trung bình. Trình độ công nghệ trong ngành dệt nhuộm của Việt Nam nói chung là yếu hơn so với các nước trong khu vực, và công nghệ cũng như năng suất lạc hậu từ 15-20 năm. Số DN sử dụng dây chuyền công nghệ đồng bộ cao chỉ chiếm 15-20%, công nghệ trung bình tới 70%, công nghệ thấp cũng 10 - 15%. Người ta tính rằng, lượng hóa chất các loại sử dụng trong các DN dệt nhuộm khoảng từ 500 - 2.000kg/tấn sản phẩm, bao gồm cả hóa chất dạng vô cơ và hữu cơ là axit, kiềm, dung môi và các loại muối khác nhau. Điều đáng bàn là, đa số DN trong ngành này có quy mô vừa và nhỏ nên rất thụ động trong công tác quản lý hóa chất. Nhiều công ty đa quốc gia tại Việt Nam đang bước đầu thay đổi hành vi trong sản 830
  10. xuất. Điều đó sẽ có tác động lớn với Việt Nam khi mà 80% sản lượng xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đến từ các DN này. Việt Nam rõ ràng phải điều chỉnh chính sách thương mại, nếu muốn giữ chân những DN này và thu hút những DN mới trong tương lai. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương đã hoạch định và triển khai nhiều chính sách về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm như: xác định các khu vực được phép đầu tư nhà máy dệt nhuộm, yêu cầu xử lý và quan trắc nước thải, xây dựng tiêu chuẩn xả thải mới, tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm về môi trường. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn này, nhà máy xử lý nước thải phải hiện đại, có công suất đủ lớn. Trong khi đó, nguy cơ về sự cố môi trường do dệt, nhuộm gây ra vẫn là nỗi lo thường trực với người dân và các nhà quản lý. 3.2. Thực trạng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của ngành Dệt may ở Việt Nam Ngành công nghiệp dệt may được xem là ngành gây ô nhiễm thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành dầu mỏ, chiếm khoảng 1,2 tỷ tấn phát thải khí nhà kính hàng năm. Ngành này cũng có những tác động tiêu cực tới môi trường khi tiêu thụ một lượng rất lớn tài nguyên như sợi tổng hợp, hóa chất, nước và phát sinh lượng chất thải rắn và nước thải khổng lồ. Theo VITAS (2022), hiện nay trong ngành có 70% là DN dệt may thì chiếm 6% là sợi, 17% là dệt, 4% là nhuộm và hoàn tất, còn lại 3% là các đơn vị phụ trợ. Trong số đó, 85% DN dệt may là gia công CMT (cut-make-trim, tạm dịch là cắt-may-làm sạch) và 15% là thực hiện FOB (Free On Board), tức là DN chủ động từ nguồn hàng, máy móc, chi phí, nhân công cho tới khi chuyển hàng ra ngoài cảng biển. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 diễn ra vào năm 2021 (COP 26), ngành dệt may phải đáp ứng các yêu cầu mới từ các quốc gia nhập khẩu lớn nhất là về khía cạnh môi trường (giảm tác động môi trường bằng cách tăng độ bền của sản phẩm, tái sử dụng, tái chế, kéo dài tuổi thọ sản phẩm). Điển hình là đối với thị trường châu Âu, với chiến lược “Dệt may Bền vững” áp dụng từ 2023 gồm ba tiêu chuẩn: (i) độ bền, khả năng tái sử dụng, tái chế từ sợi thành sợi và hàm lượng tái chế bắt buộc; (ii) DN phải in dữ liệu liên quan tiêu chuẩn và quá trình SX trên nhãn quần áo; (iii) cấm DN không vứt bỏ quần áo không bán được hoặc phải báo cáo số lượng thải bỏ. Điều đó cho thấy kinh doanh tuần hoàn đang là xu thế, bước đi tiếp theo của tất cả các lĩnh vực sản xuất trong đó có sản phẩm dệt may của Việt Nam. Trong thời gian qua, một số DN dệt may đã áp dụng mô hình KTTH điển hình như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex): “Xanh hóa” trong sản xuất dệt may là một trong ba trụ cột “kinh tế-an sinh-môi trường” do đó, Vinatex đã triển khai theo định hướng xanh như: Về nguồn năng lượng: để khắc phục việc tiêu thụ lượng điện lớn trong quá trình sản xuất, Vinatex đã trang bị điện mặt trời áp mái cho gần 100% các nhà máy sợi, nhà máy may mới đầu tư. Trên 30% các nhà máy cũ còn đủ điều kiện an toàn, nằm ở miền Trung và miền Nam cũng đã triển khai công nghệ này. Còn với các dự án đầu tư mới, năng lượng tái tạo đã nằm trong danh mục suất đầu tư cơ bản của một công trình. Trồng bông theo hướng organic: Trong lĩnh vực sợi, tỷ lệ các nhà máy có kéo sợi từ 831
  11. xơ PE tái chế, từ bông tự nhiên trồng theo phương pháp organic từ chỗ không có ở Việt Nam năm năm trước, nay đã có trên 10% DN sợi có khả năng cung cấp ổn định, có khách hàng dài hạn. Ngoài ra, ở lĩnh vực vải dệt kim cũng đã sản xuất vải từ sợi tái chế mặc dù chiếm tỷ trọng thấp (dưới 5% sản lượng). Tái chế: hiện nay tỷ lệ sản phẩm tái chế của Vinatex ngày càng cao. Đặc biệt, Tập đoàn đã tiến hành một bước đánh giá và xây dựng lộ trình cụ thể cho từng DN thành viên hướng tới các mục tiêu đến 2030. Đồng thời, thực hiện đánh giá các tiêu chuẩn sinh thái như bông, sản phẩm dệt theo tiêu chuẩn Oeko-Tex (tiêu chuẩn về việc kiểm nghiệm sự an toàn sản phẩm dệt lên sức khỏe của con người). Công ty Cổ phần Kết nối thời trang Faslink: Đây là một trong những nhà cung cấp nguyên liệu xanh tiên phong, đón đầu xu hướng xanh hóa ngành dệt may từ năm 2008 đến nay. Mục đích của Faslink là cung cấp nguyên liệu xanh, nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường sống, an toàn cho sức khỏe người dùng, dễ dàng chế tác trong may mặc và có thể tự phân hủy theo thời gian cho ngành thời trang Việt. DN nhận thấy rằng nếu bã cà phê thải ra môi trường sẽ tạo ra khí mê-tan, gây hiệu ứng nhà kính, khiến trái đất nóng dần lên nếu không có biện pháp tái chế. Do đó, nếu làm một chiếc áo làm từ vải sợi cà phê sẽ bằng ba tách cà phê cộng với năm chai nhựa tái chế. Vải sợi cà phê là nguyên liệu bền vững, thông qua việc thu gom bã cà phê và chai nhựa, dựa trên công nghệ polymer hóa tạo ra vòng đời mới cho chúng. Việc sản xuất vải cà phê giúp giảm thiểu một phần tác động đối với môi trường. Đây là một trong những công nghệ vải sợi mới nhất được sử dụng trong ngành dệt may. Với mục tiêu phát triển bền vững lên hàng đầu, vải thun vỏ hàu được Faslink nghiên cứu và phát triển nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời tái sử dụng, tái chế các nguyên liệu này. Năm 2018, DN đã khai thác vỏ hàu làm sợi vải và được kết hợp từ chai PET tái chế. Trong đó, bột vỏ hàu được nano hóa làm cho polyester bình thường trở nên khác biệt và đầy tính năng. Đến nay đã có ba nhãn hàng khai thác sợi vải này. Đối với vải sợi sen, Faslink nghiên cứu qui trình dệt từ những sợi tơ kéo ra trong cuống lá sen và se lại. Vải sợi sen thân thiện với môi trường do được dệt hoàn toàn từ sợi tơ sen nên không những không có chất thải gây ô nhiễm môi trường mà còn có khả năng tự phân hủy cao. Hiện nay, ba loại vải của Faslink có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững là vải làm từ sợi cà phê, sợi sen và từ vỏ hàu. Mặc dù sử dụng công nghệ khác nhau, nhưng tất cả loại sợi đều giúp tái tạo rác thải trong thiên nhiên, có tính năng bền vững. Ngoài ra, Faslink đã đầu tư vào dự án nhà máy tái sử dụng nước tại khu công nghiệp dệt nhuộm Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Với ngành dệt may, dệt nhuộm là một trong những lĩnh vực gây nhiều ô nhiễm do nước thải xả ra môi trường rất lớn. Sức tải nước thải của những con sông quá sức trong khi ngành dệt nhuộm lại sử dụng rất nhiều nước. Do đó, việc thu hồi và tái sử dụng nước thải là việc cần thiết và mang tính đột phá cao hiện nay. Nếu tái sử dụng nước thải thì sẽ giảm tỷ lệ xả thải nước, khi đó sẽ mở rộng hơn ra các khu công nghiệp cũng như các nhà máy dệt nhuộm và có giá trị gia tăng nhân rộng ra những ngành khác. Nước thải đã qua xử lý sẽ là nguồn cấp cho nhà máy tái sử dụng nước và được kiểm soát chặt chẽ bằng hệ thống quan trắc trực tuyến trước khi cấp vào mạng lưới cấp nước của khu công nghiệp. Công nghệ xử lý nước thải sẽ thu hồi từ 80-97% lượng nước thải. Các DN khi tái sử dụng nước 832
  12. sẽ được cấp chứng chỉ xanh (Green Certification) tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, khó tính như EU, Mỹ. Đây cũng là một hướng phát triển bền vững, phù hợp với xu thế của thế giới hướng tới mô hình KTTH. Như vậy, đứng trước những vấn đề đặt ra cho phát triển bền vững, ngành Dệt may Việt Nam phải thực hiện thúc đẩy mô hình KTTH trong sản xuất, nhất là khi Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng, cùng đó thị trường xuất khẩu lớn của ngành đã đặt ra lộ trình và mục tiêu cụ thể về sử dụng sản phẩm tái chế. Có thể nói, Ở góc độ doanh nghiệp "xanh hoá" là hướng đi đòi hỏi cần có sự đầu tư bài bản, nguồn lực lớn. Do đó, nhiều DN đã nâng cao nhận thức về kinh doanh tuần hoàn và tìm hiểu kỹ những thách thức và cơ hội khi đổi mới hoạt động kinh doanh sang mô hình tuần hoàn. Đặc biệt, nhiều DN đã có bước đi thích hợp tập trung vào những khâu DN có thế mạnh, ví dụ tuần hoàn nước, điện áp mái, tính toán lợi ích - chi phí, lộ trình chuyển đổi, ập hợp các tài liệu liên quan đến truy soát nguồn gốc NPL, đáp ứng yêu cầu tỷ lệ tái chế, vòng đời sản phẩm, nguyên liệu sạch, khả năng tái chế cao... Điển hình là theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex. DN cho biết sẽ tập trung phấn đấu giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng công nghệ mới; sử dụng lại 30% nước thải sau xử lý cho các công đoạn giặt, rửa, vệ sinh. Đối với ngành sợi, sẽ sử dụng ít nhất 20% xơ polyester tái chế, 15% bông organic để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy đủ điều kiện tự nhiên để phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo... Mặc dù có nhiều lợi ích và tiềm năng, song theo việc chuyển đổi sang nền KTTH không phải là một quá trình đơn giản, đặc biệt đối với ngành có chuỗi cung ứng phức tạp và rộng khắp trên thế giới như ngành dệt may. Hiện nay, nhiều DN Dệt may Việt Nam có công nghệ sản xuất lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho tái chế. Bên cạnh đó là vấn đề quản lý thu gom và tái chế tài nguyên rác - nguyên liệu đầu vào trong mô hình này. Với yêu cầu vẫn phải xử lý các chất thải không thể tái chế và nhu cầu về các công nghệ, thiết bị hỗ trợ cho hoạt động thu hồi, thu gom, phân loại, phân tách, phục hồi tài nguyên và sản xuất ra các sản phẩm tái chế vẫn là những thách thức không nhỏ 4.1. Về phía Nhà nước Trước những vấn đề đặt ra, ngành Dệt may Việt Nam buộc phải thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các thực hành kinh doanh bền vững. Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng tại COP 26, cùng đó là việc các thị trường xuất khẩu lớn của ngành đã đặt ra lộ trình và mục tiêu cụ thể về sử dụng sản phẩm tái chế. Với việc cam kết 100% các nguyên liệu sử dụng là nguyên liệu tái chế vào năm 2030, nhiều nhãn hàng cũng đã đưa ra các yêu cầu về tỷ lệ nguyên liệu bền vững trong sản phẩm. Bên cạnh đó là các yêu cầu tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường như Luật Môi trường năm 2020 hay Nghị định 08 hướng dẫn Luật Môi trường. Ngoài ra, thực tế cho thấy dệt may là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường từ thói quen sản xuất tiêu dùng theo mô hình “thời trang nhanh”. Vì vậy, một số kiến nghị đối với Nhà nước nhằm phát triển mô hình KTTH đối với ngành dệt may Việt Nam theo hướng chuyển đổi xanh như sau: 833
  13. Điều chỉnh các quy đinh luật pháp để tạo điều kiện triển khai các hoạt động tái sử dụng / tái chế / cộng sinh công nghiệp giữa các DN sản xuất đối với vấn đề nước thải và chất thải, nhất là tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp sinh thái. Trong đó, hình thành khu công nghiệp sinh thái dệt may theo mô hình KTTH, sẽ giúp thúc đẩy năng suất và hiệu quả hoạt động các DN thông qua tăng khả năng tiếp cận dịch vụ và nguồn nguyên liệu, rút ngắn thời gian trong việc thực hiện hợp đồng sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh giữa các DN. Bên cạnh đó góp phần hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường. Việc xây dựng mô hình công nghiệp dệt may xanh nên cân nhắc theo hướng: (i) hình thành các khu vệ tinh xung quanh chuỗi sản xuất dệt may để hỗ trợ, cung cấp đầu vào và đầu ra cho ngành dệt may phát triển thuận lợi, trong đó, chú trọng đến tạo điều kiện phát triển thương mại và logistic - các yếu tố cần cải thiện đáng kể để có thể cạnh tranh trong xuất khẩu mặt hàng may mặc; (ii) hình thành mạng lưới trao đổi chất thải trong và ngoài khu công nghiệp theo ba bước giữa các DN gần nhau trong khu công nghiệp, mạng lưới trong toàn khu công nghiệp và mạng lưới xử lý chất thải rắn, khí thải, tái sử dụng nước thải. Thúc đẩy dòng hạn mức tín dụng xanh trong hệ thống ngân hàng/ tổ chức tài chính với các tiêu chí và thủ tục rõ ràng để hỗ trợ DN trong việc đổi mới và xanh hóa sản xuất. Trong đó, tạo điều kiện, khuyến khích các DN Dệt may sản xuất theo hướng xanh hóa bằng các chính sách ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật và tiếp cận được nguồn tài chính ưu đãi trong tài chính xanh. Nhà nước cần có thêm các hỗ trợ thiết thực khác như đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông giúp ngành dệt may chuẩn hóa và nhân rộng mô hình chuyển đổi xanh. Tăng cường xây dựng năng lực chuyên sâu thông qua việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ/ vật liệu/ hóa chất tiên tiến, sản xuất xanh, kiến thức phát triển bền vững, công nghiệp 4.0 và phương thức chuyển đổi sang mô hình KTTH trong ngành dệt may. Đồng thời, thúc đẩy đầu tư công-tư về phát triển khoa học và công nghệ, để các DN dễ dàng ứng dụng BATs và BEPs vào sản xuất các sản phẩm dệt may. Các Bộ, Ban ngành như Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát và tham khảo các tiêu chuẩn / yêu cầu quốc tế để thiết lập và cập nhật định kỳ các tiêu chuẩn và định mức của ngành về chất thải, tiêu thụ năng lượng, sử dụng nước, sử dụng vật liệu và hóa chất. Các tiêu chuẩn này cần được thông tin cụ thể và rõ ràng, có các hướng dẫn thực hiện về thực hiện tiêu chuẩn để giảm bất cập về năng lực tuân thủ. Bên cạnh đó, thi hành việc tuân thủ pháp luật thông qua kiểm tra và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật môi trường với sự phối hợp chặt chẽ giữa cảnh sát môi trường và cơ quan quản lý môi trường cấp địa phương. Tập trung mở rộng chuỗi giá trị hàng dệt may và may mặc thông qua khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cải thiện về kho vận và dán nhãn sản xuất cho hàng may mặc. Bên cạnh đó, cần tiếp cận công nghệ xanh, xem xét việc kết hợp các chiến lược về năng lượng và các sản phẩm sạch, không chất độc hại. Quá trình xanh hóa ngành Dệt may cần thực hiện các tiến trình như: áp dụng công nghệ xanh vào các hoạt động sử dụng năng lượng, tái sử dụng nước thải, hóa chất xanh, công trình xanh và công nghệ nano xanh; áp dụng công nghệ thông tin theo hướng đổi mới; thúc đẩy việc áp dụng và đăng ký 834
  14. chứng nhận LEED (Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ) cho tất cả các cơ sở sản xuất hàng dệt may để thúc đẩy công trình xanh và nơi làm việc an toàn cũng như giảm chi phí kinh doanh; tăng cường thanh tra lao động và bảo đảm sức khỏe và an toàn nghề nghiệp; thúc đẩy phương pháp sáng tạo trong thiết kế; phân biệt các ngành công nghiệp dệt may xanh và không xanh để minh chứng lợi ích kinh tế và môi trường cho các nhà sản xuất. 4.2. Hiệp hội, ngành Dệt may Việt Nam Thúc đẩy nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý địa phương và DN về tiếp cận tài chính xanh nhằm giúp các DN nắm bắt được các cơ hội nhận được tài trợ đầu tư và đổi mới sáng tạo, trong khi các cơ quan quản lý có đủ năng lực để giám sát quá trình đầu tư và thực thi các quy định môi trường tốt hơn trong sản xuất hàng dệt may theo hướng xanh hóa. Thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ tốt nhất hiện có (BAT) và các thực hành môi trường tốt nhất (BEP) trong các DN dệt may thông qua nâng cao nhận thức, đào tạo, tham quan học tập, hỗ trợ kỹ thuật. Thực hiện các can thiệp để giảm thiểu sử dụng tài nguyên và ô nhiễm đất, nước và không khí (ví dụ: sử dụng Higg Index, ZDHC như một công cụ tiêu chuẩn để liên tục nâng cao hiệu quả hoạt động môi trường của các DN). Tích hợp dữ liệu lớn trong ngành dệt may Việt Nam và liên thông với môi trường dữ liệu của các nhà mua hàng, các nhà điều hành chuỗi cung ứng toàn cầu. Dựa trên dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất hiện có, lập kế hoạch phát triển và thúc đẩy các ngành công nghiệp nguyên phụ liệu, trong đó chú trọng tích hợp các tiêu chuẩn/yêu cầu về môi trường và xã hội ngay trong các giai đoạn thiết kế, lập kế hoạch và đầu tư. Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý ngành dệt may và chính quyền địa phương để loại bỏ rào cản và tăng cường các cơ hội đầu tư cho các dự án có định hướng phát triển bền vững được thực hiện tại các địa phương. 4.3. Doanh nghiệp Để đẩy nhanh quá trình “xanh hóa” ngành dệt may, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin về thu nhận và quản lý dữ liệu giúp quá trình nhuộm dần ít phụ thuộc vào kỹ năng của người lập đơn công nghệ, ổn định chất lượng mẻ nhuộm, cũng như tăng cường tỷ lệ RFT (đúng ngay từ đầu) ở mức 95 - 98% thay vì 70 - 80% nếu không ứng dụng; mở rộng sử dụng rô-bốt trong việc trải và cắt vải giúp giảm nhân công tới 80% và tiết kiệm vật liệu 3%; xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn, tập trung theo yêu cầu Khu Công nghiệp Xanh, có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường... để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên liệu cho ngành cũng là một trọng tâm ưu tiên của ngành trong thời gian tới. Đối với khâu bán hàng, các hãng thời trang và dệt may cần phải định hướng, nâng cao nhận thức, và thay đổi tư duy của NTD để hướng tới hành vi tiêu dùng bền vững thay vì chạy theo xu hướng thời trang nhanh. Để đạt được điều này, sản phẩm trước tiên cần phải bền và có giá trị sử dụng lâu dài. Xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống tái sử dụng nước, điện...; thay lò hơi dùng than đá trong các nhà máy nhuộm bằng các nguyên liệu sinh khối khác như trấu 835
  15. để giảm phát thải và nâng cao hiệu quả; ứng dụng phần mềm đo lường tác động môi trường trong nhà máy sản xuất ngay từ khâu phát triển mẫu để có thể đánh giá được các loại nguyên liệu, công nghệ tác động đến môi trường ra sao. Từ đó, đề ra kế hoạch sử dụng nguyên liệu và công nghệ ít ảnh hưởng đến môi trường. Cần ứng dụng nhiều hơn các công nghệ và các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong ngành dệt may như: công nghệ plasma là một trong những ứng dụng phổ biến là xử lý sợi (plasma không xâm nhập sâu vào sợi mà chỉ phản ứng với bề mặt vải nên không ảnh hưởng đến cấu trúc bên trong); công nghệ nhuộm sóng siêu âm trong chế biến ướt hàng dệt giúp tăng cường độ bền, cải thiện khả năng hấp thụ thuốc nhuộm và giảm năng lượng, thời gian xử lý và tiêu thụ nước (tiết kiệm năng lượng tới 20%, cải thiện hiệu quả sử dụng nước); công nghệ các-bon đi-ô-xít siêu tới hạn là sự lựa chọn tốt nhất để sản xuất chất lỏng siêu tới hạn vì nó không độc hại và không cháy (sử dụng các-bon đi-ô-xít như một chất nhuộm trung gian cho sợi tổng hợp đem lại nhiều lợi ích như hạn chế tối đa sử dụng nước trong quá trình nhuộm, nên còn được gọi là nhuộm khô hay nhuộm không nước). Vì thế, trong thiết kế cần lựa chọn nguyên liệu có phát thải thấp nhất, tối giản hóa và giảm thiểu nhiều nguyên liệu khác nhau. Thực hiện tuần hoàn phải ngay từ khâu đầu nguồn, tức hướng tới thiết kế sản phẩm phải đảm bảo khi sản phẩm bỏ đi có thể thu gom lại một cách dễ dàng hơn và tái chế lại. Thiết kế để sản xuất vừa đủ chứ không thừa thãi, đồng thời kéo dài vòng đời sản phẩm, có thêm dịch vụ sửa chữa, bảo hành. Cần đưa vào tái chế những nguyên liệu thừa trong quá trình sản xuất như tận dụng phần vải vụn để sản xuất các sản phẩm quần, áo. Những sản phẩm này có thể được gắn nhãn sản phẩm tuần hoàn, giúp tăng cường sự đón nhận của NTD. Xây dựng hệ thống chính sách quản trị nhân lực thống nhất giữa các đơn vị thành viên của DN nhằm chuẩn bị đủ nhân lực đáp ứng chuỗi cung ứng sợi-dệt-may, tiến tới tổ chức sản xuất theo phương thức sản xuất thiết kế gốc (ODM). Các chương trình đào tạo nhân lực quản trị từ cấp cao đến cấp cơ sở được thực hiện phù hợp theo nhóm đối tượng như đào tạo nâng cao ý thức, bảo quản sản phẩm, giữ gìn từng bản chế phẩm cho nhân lực quản trị cấp cơ sở, cán bộ kỹ thuật; tổ chức khóa học ngắn hạn hướng dẫn tổ trưởng sản xuất về cách quản lý, điều hành. Thực hiện việc cử nhân lực quản trị cấp trung và cấp cao tham gia lớp học giám đốc xí nghiệp dệt may, phân tích xu hướng thời trang và tham dự hội thảo về sản xuất tinh gọn (lean six sigma). Tăng cường các chương trình đào tạo nội bộ như đào tạo kỹ năng kinh doanh, kỹ năng quản lý. Nội dung giảng dạy lý thuyết bám sát với thực tế sản xuất, kết hợp với việc tổ chức các buổi tham quan, học hỏi thực tế tại các DN lớn cùng ngành trong hệ thống. 5. Kết luận Hiện nay, đa số DN trong chuỗi cung ứng quốc tế ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” về thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Việc chuyển đổi này không chỉ giúp cắt giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho các DN trong nước mà còn góp phần cải thiện môi trường sống và môi trường làm việc. Mô hình KTTH được xem là một mô hình hữu hiệu nhằm giải quyết những thách thức về mặt môi trường trong quá trình sản xuất của 836
  16. ngành dệt may. Điều này đạt được thông qua việc tái sử dụng chất thải trở thành nguyên liệu cho sản xuất, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Để có thể áp dụng một cách tốt nhất mô hình này, cần phải có sự phối hợp và chung tay của tất cả các bên liên quan, cùng hướng tới một mục tiêu chung nhằm chuyển đổi ngành dệt may Việt Nam theo hướng phát triển bền vững, giúp cải thiện môi trường sống và môi trường làm việc, đồng thời giúp Việt Nam tiến tới hoàn thành những cam kết gần đây tại các Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chan E (2020), “The fashion industry is using up too much water — here’s how you can reduce your H2o Footprint”, Vogue. Truy cập ngày 3/3/2023 tại website < . 2. Dahlbo, H & Cộng sự (2017) Increasing textile circulation—consequences and requirements. Sustainable Production and Consumption, 9, 44-57. 3. Ellen MacArthur Foundation (2013), “Towards the circular economy: Economic and business rationale for an accelerated transition”, Truy cập ngày 3/3/2023 tại website . 4. Ellen Macarthur Foundation (2018), Cities and the circular economy for food. Ellen Macarthur Foundation. 5. Morlet A và cộng sự (2017), A new textiles economy: redesigning fashion’s future. Ellen MacAr- thur Foundation. Website . 6. Notman N (2020), Recycling clothing the chemical way. Chemistry World. Truy cập ngày 3/3/2023 tại website . 7. Payne, A. (2015), Open- and closed-loop recycling of textile and apparel products. Muthu, S.S. In Handbook of life cycle assessment (LCA) of textiles and clothing, Woodhead Publishing: 2015; pp 103-123. 8. Pandey K (2018), “Fashion industry may use quarter of world’s carbon budget by 2050”. Truy cập ngày 3/3/2023 tại website . 9. Pearce, D. and R. Turner (1990), Economics of Natural Resources and the Environment, Harvester Wheatsheaf, Hemel Hempstead, Herts., UK. 10. Phan Thế Công và cộng sự (2021), Stock markets dynamics and environmental pollution: emerging issues and policy options in Asia. Environ Sci Pollut Res (2021). https://doi.org/10.1007/s11356-021-15116-6. 837
  17. 11. Phan Thế Công, Nguyễn Ngọc Quỳnh (2021), “Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam: hướng tới sự phát triển bền vững và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia “ Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”. 12. Phan The Cong, Nguyen Ngoc Quynh (2022), Circular Economic Model of Renewal Agriculture in Vietnam. Hội thảo KH quốc tế do Viện Lãnh đạo và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, và Hiệp hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSSE Global) đồng tổ chức. 13. Potting, J và cộng sự (2017), “Circular Economy: Measuring Innovation in the Product Chain”, January, PBL Netherlands Environmental Assessment Agency, The Hague, Truy cập ngày 3/3/2023 tại website . 14. Prieto-Sandoval & Cộng sự (2018), “Towards a consensus on the circular economy”. Journal of Cleaner Production, 179, 605-615. 15. Sadeghi. B và cộng sự (2021), “Recent studies on recycled pet fibers: production and applications: a review”. Mater Circ Econ 3:4, Website . 16. Shabbir H. Gheewala & Thapat Silalertruksa (2021), Life Cycle Thinking in a Circular Economy, Published in: An Introduction to Circular Economy. Publisher: Springer Singapore. 17. Shirvanimoghaddam K, và cộng sự (2020) Death by waste: fashion and textile circular economy case. Sci Total Environ 718:137317. Truy cập ngày 3/3/2023 tại website . 18. Spilhaus, A. (1970), ‘The Next Industrial Revolution”, Science, Vol.176, No.3926, March 27, p.1673, Truy cập ngày 3/3/2023 tại website . 19. Xuandong Chen và cộng sự (2021), “Circular Economy and sustainability of the clothing and textile industry”, Materials Circular Economy (2021), website . 20. UNEP (2011), Decoupling natural resource use and environmental impacts from economic growth. A Report of the Working Group on Decoupling to the International Resource Panel. 21. WWF-Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam -VITAS (2018), “Hướng dẫn Xanh hóa ngành dệt may ở Việt Nam”. Truy cập ngày 1/3/2023 tại Website . 22. Watson D và cộng sự (2016), “Exports of Nordic used textiles: fate, benefits and impacts”, Nordic Council of Ministers. Website . 838
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
8=>2