intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp: Trường hợp MARKS & SPENCER và IKEA

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

10
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu "Mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp: Trường hợp MARKS & SPENCER và IKEA" nhằm tổng quan về mô hình kinh tế tuần hoàn, các trường phái kinh tế tuần hoàn. Dưới áp lực cạnh tranh cũng như sự quan tâm ngày càng sâu sắc của khách hàng liên quan đến rác thải, ô nhiễm môi trường, các doanh nghiệp phải nghiêm túc đầu tư nghiên cứu vận hành doanh nghiệp của mình theo mô hình kinh tế tuần hoàn này. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp: Trường hợp MARKS & SPENCER và IKEA

  1. MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN TẠI DOANH NGHIỆP: TRƯỜNG HỢP MARKS & SPENCER VÀ IKEA Trần Thị Trang, Huỳnh Ngọc Anh*, Lương Văn Kiệt Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh * Tác giả liên hệ: hn.anh@hutech.edu.vn TÓM TẮT Nghiên cứu này nhằm tổng quan về mô hình kinh tế tuần hoàn, các trường phái kinh tế tuần hoàn. Dưới áp lực canh tranh cũng như sự quan tâm ngày càng sâu sắc của khách hàng liên quan đến rác thải, ô nhiễm môi trường…, các doanh nghiệp phải nghiêm túc đầu tư nghiên cứu vận hành doanh nghiệm của mình theo mô hình kinh tế tuần hoàn này. Tuy nhiên, khi chuyển sang kinh tế tuần hoàn, quá trình vận dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn đem đến những rào cản, thách thức cho doanh nghiệp. Bài viết này dẫn chứng hai trường hợp điển hình áp dụng thành công kinh tế tuần hoàn là MARKS & SPENCER VÀ IKEA, đã đem lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Từ khóa: Kinh tế tuần hoàn, MARKS & SPENCER, IKEA 1. Giới thiệu Nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia đã tranh luận về vai trò của kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược của doanh nghiệp, nhà sản xuất và tổ chức. Theo WRAP (2018), thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” đề cập đến việc duy trì sử dụng và tối đa hóa giá trị các nguồn lực trong khoảng thời gian dài nhất có thể và sau đó phục hồi, tái tạo các vậy liệu, sản phẩm vào cuối chu kỳ vòng đời của chúng. Trong khi kinh tế tuyến tính đề cập đến chuỗi “khai thác – sản xuất – vứt bỏ”, và được coi là không bền vững, có hại cho môi trường. Kinh tế tuần hoàn lại trái ngược, tuy nhiên, việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn vào trong doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Bài viết này tập trung thảo luận ba vấn đề: (1) Các vấn đề cốt lõi liên quan thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn”; (2) Lý do khiến các doanh nghiệp chậm thích nghi và chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn; (3) Phân tích hai doanh nghiệp đã áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở đó, rút ra một số kết luận cho nghiên cứu này. 2. Tổng quan về kinh tế tuần hoàn Theo Báo cáo Kinh tế tuần hoàn lần thứ I của tổ chức Quỹ Ellen MacArthur (2012), kinh tế tuần hoàn là một nền kinh tế công nghiệp được hoạt định tốt trong việc sử dụng chủ yếu nguồn năng lượng sạch, có thể phục hồi và tái tạo. Trong nền kinh tế này, các hóa chất và chất thải độc hại được giảm thiểu hết mức có thể hoặc thậm chí là bị loại bỏ hoàn toàn. Kinh tế tuần hoàn hướng đến mục đích thay đổi cơ chế sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, thay vì mua sản phẩm, khách hàng thuê sản phẩm đó như một dạng dịch vụ. Khi đó, nguyên vật liệu sản xuất được quản lý một cách cẩn thận để các chất dinh dưỡng sinh học có thể tái nhập vào môi trường một cách vô hại; chất dinh dưỡng kỹ thuật có thể lưu thông một cách hiệu quả mà không ảnh hưởng đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn đề xuất một mô hình gọi là “dịch vụ có chức năng đặc biệt”, trong đó nhà sản xuất hoặc nhà bán lẻ cho thuê các sản phẩm của họ thay vì bán chúng. Điều này góp phần tạo động lực phát triển các thiết kế và sản xuất hàng hóa có độ bền cao, hình thức đẹp, dễ dàng vệ sinh, tân trang. 70
  2. Hình 1. Kinh tế tuần hoàn – các hệ thống dựa trên nguyên lý của sự phục hồi và tái tạo (Nguồn: Tổ chức Quỹ Ellen MacArthur, 2018) Hình 1 trên cho thấy, nền kinh tế tuần hoàn hoạt động dựa trên các nguyên tắc nền tảng sau: Thứ nhất, bảo tồn và nâng cao vốn tự nhiên. Nguyên tắc này nhấn mạnh việc kiểm soát nguồn tài nguyên hữu hạn và cân bằng dòng chảy của các nguồn tài nguyên tái tạo, từ lúc tạo ra năng lượng đến khi lưu trữ và bảo tồn trong các kho năng lượng. Điều này khuyến khích tất cả các hệ thống nên được tiếp năng lượng từ các nguồn có thể tái tạo nhằm mục đích xây dựng các hệ thống bền vững. Khi đó, nguồn năng lượng mặt trời sẽ là nguồn năng lượng tái tạo được sử dụng chính. Thứ hai, tối ưu hóa sản lượng tài nguyên bằng cách tuần hoàn sản phẩm và vật liệu. Sản phẩm khi được thiết kế cần chú ý đến khả năng duy trì trong chu kỳ của vật liệu sinh học và kỹ thuật tạo nên sản phẩm, đồng thời chúng có thể được tháo rời và tân trang lại. Trong trường hợp là chất dinh dưỡng sinh học, chúng có thể được ủ phân theo cách vô hại đối với môi trường. Mặt khác, các chất dinh dưỡng kỹ thuật, được hiểu là vật liệu nhân tạo như polime, sẽ được thiết kế để có thể được tái sử dụng. Một đặc tính quan trọng của nguyên tắc này đó là “Đồ thừa là thức ăn”, nhấn mạnh vào tính phục hồi của nền kinh tế tuần hoàn. Nó tập trung vào các phương pháp vô hại để phân hủy các chất dinh dưỡng sinh học vào lại sinh quyển. Trong khi đó, nguyên tắc đề cao các nỗ lực nâng cao chất lượng của chất dinh dưỡng kỹ thuật. Nguyên tắc này nhằm mục đích thúc đẩy giá trị chiết xuất của nguyên liệu thô và sau đó đưa chúng trở lại sinh quyển một cách an toàn. Để có thể thực hiện được điều này, các vật liệu và sản phẩm phải được thiết kế để an toàn cho con người và môi trường. Những vật liệu, sản phẩm đó cũng cần phải đáp ứng yêu cầu về sử dụng vĩnh viễn. Thứ ba, nâng cao tính hiệu quả của hệ thống thông qua việc thiết kế các ngoại tác tiêu cực sao cho giảm thiểu tác động của chúng. Nguyên tắc này nói về cách các bộ phận của hệ thống và toàn bộ hệ thống ảnh hưởng và phụ thuộc lẫn nhau, cũng như có mối quan hệ giữa các yếu tố cơ sở hạ tầng, môi trường và bối cảnh xã hội. Một trong 71
  3. những yếu tố ngoại tác ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ thống đó là ô nhiễm môi trường, vì thế cần chú ý trong quá trình thiết kế, xử lý chất thải sao cho giảm thiểu lượng chất thải độc hại đối với môi trường. Nguyên tắc tập trung vào dòng chảy và sự kết nối trong hệ thống và tìm kiếm cơ hội để đạt được tình trạng bền vững lâu dài. Ngoài ra, trong thế giới liên tục biến đổi, để đối mặt với những cú sốc đến từ bên ngoài, hệ thống của các tổ chức nên được xây dựng với nhiều mối liên kết để trở nên bền bỉ hơn. Để làm được điều này, các hệ thống đó phải được thiết kế tập trung vào tích hợp, tính đa dạng và tính thích nghi, từ đó, không chỉ mang lại chất lượng tối đa mà còn hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của hệ sinh thái. Trong đó, trách nhiệm xã hội được nhấn mạnh trong mối quan hệ giữa tổ chức và các bên liên quan. Kinh tế tuần hoàn xuất hiện từ rất lâu và chưa xác định chính xác nguồn gốc. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo và doanh nghiệp đã nỗ lực hoàn thiện khái niệm chung về kinh tế tuần hoàn từ cuối những năm của thập niên 70, do vậy, kinh tế tuần hoàn đã được phát triển bởi nhiều trường phái tư tưởng khác nhau. Bảng 1: Các trường phái về kinh tế tuần hoàn Stt Trường phái Nội dung Nguồn 1 Thiết kế tái tạo Theo trường phái tư tưởng này, các hệ thống được thiết kế để có khả John T. Lyle năng làm mới hoặc tái tạo các nguồn tài nguyên đầu vào. (Thập niên 70) 2 Nền kinh tế hiệu Kinh tế tuần hoàn tác động lên việc tạo ra việc làm, tính cạnh tranh Walter Stahel quả của nền kinh tế, tiết kiệm tài nguyên và ngăn ngừa sự lãng phí. Ngoài và Genevieve ra, nó nhấn mạnh rằng việc cung cấp các dịch vụ thay vì bán sản phẩm Reday (1976) là vô cùng quan trọng, hình thành nên thuật ngữ “nền kinh tế dịch vụ có chức năng đặc biệt” 3 Từ nôi lại trở về Coi nguyên vật liệu của các quá trình sản xuất như là chất dinh dưỡng Michael nôi (liên tục tái và chia chúng làm hai loại chính: chất dinh dưỡng sinh học và chất Braungart và sinh) dinh dưỡng kỹ thuật. Nó nhấn mạnh tính hiệu quả của sản phẩm thông Bill qua thiết kế của nó. Thiết kế của sản phẩm điều chỉnh quá trình tự McDonough nhiên “chuyển hóa sinh học” như là một nền tảng mô hình để xây (2002) dựng dòng nguyên vật liệu “chuyển hóa kỹ thuật”. Cấu trúc này cũng tập trung vào việc sử dụng vật liệu, năng lượng và nguồn nước đầu vào. 4 Sinh thái công Đề cập về cách các nhà vận hành được liên kết với các hệ thống công Quỹ Ellen nghiệp nghiệp để tạo thành các quy trình khép kín nơi mà chất thải của một MacArthur quy trình này được sử dụng làm vật liệu cho quy trình khác. Đây là (2018) cách mà các quy trình sản xuất được thiết kế như các hệ thống có sự sống. Cấu trúc này được coi là “khoa học về tính bền vững” nên nó có tính chất đa ngành và có thể được áp dụng trong lĩnh vực dịch vụ, cân bằng tài nguyên thiên nhiên tái tạo và phúc lợi xã hội. 5 Mô phỏng sinh Con người tìm hiểu về các quá trình tự nhiên và sau đó áp dụng giải Janine Benyus học quyết các vấn đề trong đời sống con người. Trường phái coi thiên (1997) nhiên là hình mẫu, là thước đo và là người cố vấn, và được xem là “sự đổi mới truyền cảm hứng bởi thiên nhiên”. 6 Kinh tế xanh lam Được mô tả như một công trình có nguồn mở giúp củng cố các trường Gunter Pauli hợp đang nghiên cứu. Nó cũng sử dụng các nguồn tài nguyên theo cấu (2015) trúc dạng tầng giữa các hệ thống để chất thải từ hệ thống này trở thành nguồn đầu vào cho hệ thống khác. Cách tiếp cận này tập trung vào môi trường địa phương và các giải pháp liên quan đến chúng. 7 Vốn tự nhiên Nền kinh tế toàn cầu có sự phụ thuộc giữa kinh doanh và môi trường, Hawken P., giữa sản xuất và tiêu thụ vốn nhân tạo và vốn tự nhiên. Cách tiếp cận Lovins A., và này nhấn mạnh vào bốn nguyên tắc: (1) Tăng đáng kể năng suất của Lovins L. tài nguyên thiên nhiên thông qua phát triển thiết kế, sản xuất và công (1989) 72
  4. nghệ nhằm cải thiện chất lượng và độ bền của tài nguyên thiên nhiên; (2) Chuyển sang mô hình và vật liệu sản xuất lấy cảm hứng từ sinh học; (3) Chuyển sang mô hình kinh doanh “dịch vụ và dòng chảy” để có thể tối đa hóa năng suất của các nguồn lực; (4) Tái đầu tư vào vốn tự nhiên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người. Nguồn: Tổng hợp 3. Vận dụng kinh tế tuần hoàn và những rào cản khi doanh nghiệp chuyển sang kinh tế tuần hoàn Kinh tế tuần hoàn có tiềm năng lớn trong việc mang đến một xã hội phát triển bền vững. Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi vào các doanh nghiệp do nhiều nguyên nhân, rào cản và thách thức. Các rào cản về văn hóa và tổ chức ảnh hưởng đến việc thực hiện kinh tế tuần hoàn nhiều hơn những thách thức về kỹ năng và nguồn lực (Liu và Bai, 2013). Oghazi và Mostaghel (2018) đã phân loại các rào cản thành nhiều hạng mục khác nhau như “thiếu sự hỗ trợ quy định và pháp lý”, “rào cản tổ chức”, “rào cản tài chính và kinh tế”, “rào cản công nghệ”, “sự tin tưởng từ các đối tác” và “hành vi khách hàng”. Về các rào cản liên quan đến chính sách của công ty, các hệ thống quy định và luật lệ hiện tại có thể không hỗ trợ nhiều cho sự phát triển của kinh tế tuần hoàn. Mặc dù ở Thụy Điển có đưa ra mục tiêu tái sử dụng hoặc tái chế 60% rác thải sinh hoạt vào năm 2020, nhưng không có chính sách nào thúc đẩy việc tái sử dụng và các hoạt động sửa chữa (Kalmykova và cộng sự, 2016). Tương tự, các hệ thống thuế hiện nay dường như không hỗ trợ cho việc tái sử dụng và tái chế vật liệu khi mà giá nguyên liệu thô vẫn còn rẻ hơn nhiều so với giá nguyên vật liệu tái sử dụng và tái chế. Theo Ewijk (2014), việc kiểm soát một cách hiệu quả vòng đời của sản phẩm là một thách thức vì nhiều sản phẩm không được thiết kế để dễ dàng tháo rời hoặc tái chế. Đó có thể là do sự thiếu hiểu biết về việc quản lý chất thải của người thiết kế sản phẩm nên họ không quan tâm đến điều này. Trong kinh tế tuần hoàn, cần có sự tích hợp trong vòng đời sản phẩm giữa nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra bao gồm cả những phần dư thừa. Ewijk (2014) cho rằng việc này có thể được thực hiện bởi một công ty đơn lẻ hoặc một hiệp hội các tổ chức. Tuy nhiên, sự tích hợp này dường như bị cản trở bởi nhiều rào cản khác nhau. Đầu tiên, nỗ lực có được toàn bộ các vòng đời của sản phẩm có thể dẫn đến sản xuất không hiệu quả hoặc chi phí cao vì các hoạt động vận hành chồng chéo nhau và doanh nghiệp không muốn điều này xảy ra. Việc này có thể được giải thích bằng cách áp dụng Chuỗi giá trị của Porter (1979), trong đó các công ty sẽ tập trung vào các phần có hoạt động tốt nhất của họ để đạt được lợi thế cạnh tranh, ít nhất là đến khi họ có đủ nguồn lực để tích hợp. Thứ hai, nếu các nhà sản xuất quyết định tích hợp giai đoạn cuối vòng đời của sản phẩm, điều đó có thể ảnh hưởng đến tính kinh tế theo quy mô trong việc quản lý chất thải của họ, vốn là một yếu tố quan trọng đối với chiến lược “dẫn đầu chi phí”, một trong những chiến lược quyết định sự thành công (Các chiến lược chung của Porter, Mindtools.com, 2018), dẫn đến giảm lợi nhuận. Cuối cùng, việc quản lý giai đoạn cuối vòng đời của sản phẩm có thể yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đầu tư vào các tài sản mới, tạo ra những vấn đề cản trở công ty cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Các chi phí phải trả trước phát sinh từ quá trình trên là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hành vi của người tiêu dùng có thể được xem là một trong những thách thức đối với kinh tế tuần hoàn. Hầu hết người tiêu dùng không sẵn sàng trả nhiều hơn cho chi phí của việc tái sản xuất (Wassenhove và Loon, 2017). Do đó, các nhà sản xuất phải gánh chịu chi phí này, tạo ra áp lực phải giữ chi phí ở mức ngang bằng với các đối thủ cạnh tranh không áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Wassenhove và Loon, trong báo cáo của họ vào năm 2017, đã đưa ra ví dụ về một doanh nghiệp ứng dụng kinh tế tuần hoàn dưới dạng “nền kinh tế dịch vụ có chức năng đặc biệt”. Tuy nhiên, vấn đề là khách hàng hoàn trả sản phẩm trong tình trạng hư hỏng hoặc thậm chí là không trả lại. Điều này cho thấy hành vi tiêu cực của khách hàng có thể hủy hoại việc triển khai kinh tế tuần hoàn ngay cả khi các doanh nghiệp sẵn sàng áp dụng nó. Từ sự không chắc chắn về số lượng hàng sẽ được trả lại, người ta nghi ngờ liệu việc tái sản xuất có mang lại nhiều lợi ích hơn hay không. Trong khi đó, cần có thời gian và nguồn lực để kiểm tra tình trạng hàng thừa của các doanh nghiệp khác hoặc hàng trả lại xem có đủ tiêu chuẩn để sử dụng làm nguồn đầu vào hay cần sửa chữa một số điểm nhất định. Vì thế, chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả tăng lên và từ đó họ không còn hứng thú với kinh tế 73
  5. tuần hoàn nữa (Griffiths, 2018). Việc cải tiến công nghệ và các đặc tính kỹ thuật của vật liệu như độ bền của kim loại có thể là một vấn để đối với các doanh nghiệp ứng dụng kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, các sản phẩm công nghệ và đồ dung điện chỉ có thể hoạt động tốt nhất trong một khoảng thời gian nhất định. Trong khi đó, sau khi mà các sản phẩm đã được sử dụng trong khoảng thời gian tối ưu thì công nghệ đã phát triển lên một mức độ mới. Vì vậy, sản phẩm cần được thiết kế dưới dạng mô-đun. Tuy nhiên, ngay cả theo cách này, việc đồng bộ hóa từ thiết kế sản phẩm đến lắp ráp và thay thế vô cùng khó khan và tốn kém. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể không ủng hộ những sản phẩm được tái tân trang đó như đã đề cập ở phần hành vi khách hàng ở trên. Một trở ngại khác đó là làm cho các ngành công nghiệp đã liên kết với nhau trở nên vững chắc. Vì trong nhiều trường hợp, kinh tế tuần hoàn không chỉ vận hành trong một ngành nhất định (Ewijk, 2014) nên chất thải của một ngành được dùng làm đầu vào cho các ngành khác. Vì thế, sẽ có rủi ro khi phải phụ thuộc vào hoạt động của các công ty và nền công nghiệp khác. Điều này dẫn đến sự yếu ớt của các hệ thống, phải đối mặt với nguy cơ bị gián đoạn. Rủi ro này khá giống với rủi ro khi các công ty thuê ngoài hoặc lựa chọn đối tác để thành lập liên minh như được mô tả trong “Chiến lược thuê ngoài” (Quinn và Hilmer, 1994). Kết quả là, sự thất bại của một phần trong hệ thống liên kết các hệ thống có thể dẫn đến sự sụp đổ của các công ty khác. 4. MARKS & SPENCER VÀ IKEA – hai trường hợp điển hình áp dụng thành công kinh tế tuần hoàn MARKS & SPENCER Marks & Spencer là một doanh nghiệp bán lẻ đa quốc gia được thành lập vào năm 1884 và có trụ sở chính tại London, Anh, chuyên bán các mặt hàng về quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm và các đồ dùng liên quan đến nhà cửa. Trong nhiều năm gần đây, dưới áp lực về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững, Marks & Spencer đã từng bước phát triển và ứng dụng các chiến lược kinh doanh liên quan đến mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm góp phần xoa dịu các mối lo của xã hội hiện tại. Một trong những dự án về kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững nổi bật nhất của Marks & Spencer đó chính là “Kế hoạch A” (Plan A), được giới thiệu vào năm 2007 với mục tiêu làm những điều đúng đắn (doing the right thing) cho con người và các cộng đồng trên toàn cầu. Dự án này sau đó được thiết kế lại vào năm 2022, tập trung vào xây dựng lại cách mà doanh nghiệp làm ra, vận chuyển và bán sản phẩm sao cho đạt được trạng thái “net zero”, tức là giảm thiểu lượng khí thải có hại cho môi trường xuống gần mức bằng 0 nhất có thể (Marks & Spencer, 2023). Như vậy, với “kế hoạch A”, Marks & Spencer thiết lập một hệ thống gồm nhiều cách thức có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu lượng carbon thải ra môi trường, trải dài qua 4 giai đoạn khác nhau: nguồn đầu vào, sản xuất, vận chuyển và rác thải. Đối với nguồn đầu vào, Marks & Spencer tập trung vào thiết lập một chuỗi cung ứng bền vững với các bên cung cấp được chọn lọc một cách kĩ lưỡng (The Guardian, 2012). Marks & Spencer chủ trương hợp tác với các bên cung ứng có nơi làm việc đảm bảo sự công bằng và có những cố gắng và chính sách trong việc cải thiện các vấn đề môi trường. Để tránh nguy cơ rủi ro khi liên kết với các đối tác khác như nhà cung cấp, Marks & Spencer chỉ hợp tác kinh doanh với những nhà cung cấp đáp ứng được những yêu cầu nhất định của họ về kinh tế tuần hoàn. Ví dụ khi lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu cho sản xuất hàng may mặc, Marks & Spencer ưu tiên chọn các loại sợi vải có ảnh hưởng thấp nhất đối với môi trường như cotton hay chỉ nhập sợi thô được tái chế thay cho các nguồn nguyên liệu mới. Hay Marks & Spencer tham gia hợp tác với các tổ chức đang ứng dụng thành công mô hình sản xuất bền vững và kinh tế toàn cầu như tổ chức Quỹ Ellen MacArthur trong việc xây dựng quy trình sản xuất quần áo và hàng tiêu dùng dựa trên nguyên lý kinh tế tuần hoàn hay WRAP trong cắt giảm lượng chất thải trong chế biến thức ăn và các mặt hàng thời trang (Marks & Spencer, 2023). Marks & Spencer còn hỗ trợ các nhà cung cấp thực phẩm thô trong các dự án về cắt giảm lượng khí thải hay đổi mới về phương thức xử lý chất thải nông nghiệp. Để tăng mức độ tin cậy của hãng trong mắt người tiêu dùng, Marks & Spencer còn thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và yêu cầu các bên cung ứng phải minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin về nguyên liệu đầu vào. Trong quá trình sản xuất, Marks & Spencer cũng áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu chất thải vào trong hệ thống của mình. Chẳng hạn Marks & Spencer đã thực hiện nhiều phương pháp để giảm thiểu khí thải độc hại đến mức thấp nhất có thể trong quá trình sản xuất thức ăn như sử dụng nguồn nhiên liệu sạch để chế biến, 74
  6. đền bù các chi phí về chặt rừng và giết hại động vật hay xử lý các hóa chất độc hại trước khi đưa vào sản xuất quần áo (Marks & Spencer, 2023). Chất thải từ quá trình sản xuất được xử lý và tái chế dưới nhiều cách thức khác nhau, trong đó có ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Ví dụ các nguồn vải được dùng để sản xuất quần áo được chủ yếu lấy từ các sợi được tái chế từ các quần áo và nguồn vải đã qua sử dụng. Quần áo cũng sẽ được thiết kế để có độ bền cao và dễ dàng cho việc tái chế và tái tạo để chế tạo quần áo mới khi không còn được sử dụng. Marks & Spencer cũng tham gia vào The Jeans Redesign, một dự án của Tổ chức Quỹ Ellen MacArthur vào năm 2021 để được hướng dẫn về các quy trình tái chế, sản xuất an toàn, lựa chọn nguồn nguyên liệu trong quá trình sản xuất. Và để có nguồn quần áo tái chế, hãng cũng khuyến khích khách hàng trong việc mang trả lại quần áo đã qua sử dụng. Họ cũng vận động khách hàng quyên góp quần áo không dùng nữa cho Oxfam để bán lại, tái chế hay tái sử dụng (Marks & Spencer, 2023). Việc trả lại đồ cũ còn được áp dụng cho các đồ dùng bằng nhựa, thậm chí hãng còn chấp nhận các sản phẩm không phải do Marks & Spencer sản xuất và các sản phẩm nhựa khó tái chế. Các dịch vụ bán lại đồ cũ hay cho thuê cũng được Marks & Spencer sử dụng để gia tăng vòng đời sử dụng của sản phẩm và giảm lượng hàng hóa thải ra ngoài môi trường. Các chất thải thừa trong quá trình sản xuất thức ăn cũng được dùng để sản xuất nên các món ăn khác, ví dụ hãng đã sử dụng các phần bánh mì thừa để làm ra món bánh mì tỏi đông lạnh bán với mức giá rẻ hơn loại bánh mì thông thường. Marks & Spencer còn tập trung vào nâng cao hiệu quả trong quá trình vận chuyển hàng hóa qua việc thiết lập các phương thức vận chuyển để giảm được lượng carbon hết mức có thể, đầu tư vào hệ thống đèn LED và sử dụng công nghệ báo cáo lượng khí thải trong quá trình vận chuyển (Marks & Spencer, 2023). Sau tất cả nỗ lực, vào năm 2012, Marks & Spencer được ghi nhận là đã đạt mức trung hòa về carbon trong hoạt động kinh doanh bán lẻ của mình, với mức cắt giảm năng lượng lên đến 28% và lượng tái chế chất thải đạt tỷ lệ tuyệt đối là 100% (The Guardian, 2012). Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn còn giúp Marks & Spencer tăng hiệu quả sản xuất và cắt giảm chi phí một lượng đáng kể. Theo Marks & Spencer, vào năm 2023, hãng đã giảm được giá bán của 200 loại hàng hóa và tăng chất lượng của 500 sản phẩm khác nhau. Ngoài ra, nhờ đầu tư vào chuỗi cung ứng bền vững và phương tiện vận chuyển hiện đại và hiệu quả, Marks & Spencer đã tiết kiệm được hơn 100 triệu bảng Anh (Marks & Spencer, 2023). Điều này đến từ sự hiệu quả trong việc quản lý cấu trúc của doanh nghiệp bao gồm cách vận hành của các cửa hàng bán lẻ, ứng dụng công nghệ trong quản lý kho và vận chuyển và sự tinh giản trong mô hình vận hành của tổ chức. Một năm sau đó, hãng tiếp tục thực hiện giảm giá thành công cho 65 sản phẩm, với mức cắt giảm trung bình là 6% và đang dự tính sẽ giảm giá thêm 200 sản phẩm nữa vào tháng 10 năm sau (Marks & Spencer, 2024). Như vậy việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và các biện pháp cắt giảm chất thải trong quá trình sản xuất và bán sản phẩm không những giúp Marks & Spencer bảo vệ môi trường và hướng tới sự bền vững trong tương lai mà còn giúp hãng cắt giảm được chi phí sản xuất và vận chuyển, góp phần gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. IKEA IKEA là một trường hợp tiếp theo đã ứng dụng các nguyên lý của kinh tế tuần hoàn vào hoạt động kinh doanh của mình. IKEA là một tập đoàn đa quốc gia của Thụy Điển về các đồ dùng nhà cửa, nội thất và đồ trang trí, được thành lập vào năm 1943 và là doanh nghiệp bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới từ năm 2008. Với mục tiêu trở thành doanh nghiệp 100% tuần hoàn trước năm 2030, vào năm 2012, IKEA đã thực hiện chiến dịch “People & Planet Postitive”, hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững (Green Network, 2023). Như tên gọi của mình, chiến dịch này ra đời nhằm mang lại ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển toàn diện của con người trên toàn cầu, giúp cân bằng giữa sự phát triển kinh tế và tác động đối với môi trường và xã hội. Chiến dịch này gồm ba mục tiêu chính, thể hiện mong muốn của IKEA trong việc giải quyết ba vấn đề mang phạm vi toàn cầu đó là biến đổi khí hậu, tiêu dùng kém bền vững và bất bình đẳng tăng cao (IKEA, 2023). IKEA xây dựng một quy trình thiết kế sản phẩm riêng của hãng, được gọi là “democratic design”, trong đó sản phẩm được thiết kế với độ bền cao, kiểu dáng và vật liệu dễ dàng tái chế và tái tạo lại sau khi sử dụng. Nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu là kết quả của quá trình tái chế nguyên liệu và đồ dùng cũ thay vì là nguyên liệu thô mới. Các nguồn năng lượng được dùng để sản xuất cũng ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, các hóa chất độc hại cũng được xử lý trước khi đưa vào quá trình sản xuất. Các sản phẩm cũng được phân loại và chuẩn hóa thành các bộ phận, vật liệu, màu sắc khác nhau để dễ dàng trong việc sửa chữa và thay thế, qua đó góp phần nâng cao vòng đời sản phẩm và giảm lượng rác thải (Fast Company, 75
  7. 2021). IKEA cho biết các sản phẩm của mình được thiết kế để tiện cho quá trình vệ sinh và có độ bền cao để duy trì được lâu dài. Ngoài ra, không chỉ trong quá trình sản xuất mà khi bày bán sản phẩm ở cửa hàng, IKEA luôn hướng tới thông điệp về phát triển toàn diện và bền vững, các giá trị mà IKEA cam kết đem lại cho khách hàng của mình (IKEA, 2023). Thêm vào đó, IKEA còn ứng dụng các nguyên lý của kinh tế tuần hoàn để góp phần xoa dịu vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay và nâng cao hiệu quả sản xuất. Nguyên lý chính của kinh tế tuần hoàn được IKEA chủ yếu áp dụng đó là biến chất thải thành nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu lượng rác thải thấp nhất ở mức có thể. Nguyên lý này còn được IKEA miêu tả qua khẩu hiệu “tạo ra nhiều hơn từ ít hơn” (making more from less) (IKEA, 2023). Ví dụ các sản phẩm bình xịt được bày bán tại cửa hàng của IKEA được sản xuất từ các màng bọc bảo vệ được dùng để đóng gói sản phẩm, hay thảm được làm ra từ các sợi và vải thừa, các loại bình hoa được chế tạo từ nhựa và thủy tinh tái chế (Study Corgi, 2022). Và để xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững và tuần hoàn, IKEA cũng hợp tác với các bên cung ứng đáp ứng được yêu cầu về kinh tế tuần hoàn và môi trường. IKEA còn cho ra đời “e-Wheel”, một công cụ giúp đáng giá tác động của một sản phẩm và quá trình sản xuất ra nó đối với môi trường (Study Corgi, 2022). IKEA còn lựa chọn các nguồn nguyên liệu sạch và có khả năng tái tạo ở các địa phương trên thế giới như lấy nguồn tre, vỏ cây chuối, dừa… tại Ấn Độ (The Economic Times, 2018). Điều này không chỉ giúp bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng và bền vững mà còn nâng cao tính độc đáo trong sản phẩm của doanh nghiệp. Theo IKEA, từ năm 2015, 100% các nguyên liệu cotton, cá và hải sản được nhập từ các nguồn nguyên liệu tái tạo và bền vững và số lượng các loại nguyên liệu đang được kế hoạch mở rộng. Các chính sách về việc bảo vệ và phục hồi rừng và nguồn nước sạch cũng được IKEA và các bên đối tác chú trọng thực hiện. Hệ thống nhà kho và các thiết bị vận chuyển cũng vận hành dựa trên nguồn năng lượng tái tạo hoặc năng lượng sạch, được trang bị hệ thống đèn LED và cài đặt công nghệ theo dõi lượng chất thải trong quá trình hoạt động (IKEA, 2023). IKEA sử dụng các thiết bị xe điện cũng như tối ưu hóa quãng đường vận chuyển để giảm thiểu lượng carbon thải ra môi trường (Sustainability/Beat, 2024). Không chỉ quan tâm đến vấn đề môi trường, IKEA còn hướng sự tập trung của mình vào việc phát huy tính công bằng và cung cấp giá trị cho tất cả cộng đồng người trên thế giới, từ hệ thống nhân viên, đối tác đến các hộ gia đình và khách hàng trên toàn cầu. Như vậy, IKEA thực hiện các chính sách nhắm tới sự phát triển bền vững và tuần hoàn trong tất cả các giai đoạn của vòng đời sản phẩm, từ khi nhập nguồn nguyên liệu đến khi sản xuất sản phẩm, đưa sản phẩm đến khách hàng và cuối cùng là tái chế hoặc tái tạo sản phẩm cũ thành nguồn nguyên liệu mới. Bằng việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào sản xuất và bán sản phẩm, IKEA đã thành công trong việc quản lý và tái chế chất thải cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất. Vào năm 2015, IKEA mặc dù tạo ra tổng cộng 29.419 tấn chất thải nhưng 89,32% trong số đó đã được tái chế và 10,14% được sử dụng làm nguồn năng lượng đầu vào (Reconomy, 2018). Và với những nỗ lực trong việc áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn vào trong hoạt động kinh doanh của mình để giảm tác động đến môi trường và tăng khả năng tái sử dụng, IKEA đã được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) trao tặng “Giải thưởng chiến lược Accenture về kinh tế tuần hoàn” vào năm 2018 (The Economic Times, 2018). IKEA sau đó cũng tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn cho các tác hại đến môi trường từ hoạt động kinh doanh của mình bao gồm chuỗi cung ứng, hoạt động bán lẻ, và dịch vụ hậu mãi, đồng thời sẽ luôn tìm kiếm các giải pháp mới liên quan đến sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lý chất thải và khuyến khích sự tham gia của các cộng đồng. Điều này cho thấy sự cố gắng không ngừng của IKEA trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, luôn có mong muốn nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của mình. Vì thế mà từ sau khi nhận giải thưởng vào năm 2018, IKEA không dậm chân tại chỗ mà tiếp tục đạt được các thành tích ấn tượng. Vào năm 2023,73% nguồn nguyên liệu đầu vào của IKEA là nguồn nguyên liệu tái chế và có thể tái tạo được (Green Network, 2023). Các thông số khác như tỷ lệ tái chế hay tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo cũng đạt mức 75% trở lên và tăng cao hơn năm 2022 (Sustainability/Beat, 2024). Mặc dù cắt giảm lượng chất thải và tối ưu hóa quá trình sản xuất, doanh thu của IKEA vẫn được ghi nhận tăng đến 30,9% vào năm 2024, chứng tỏ sự hiệu quả của chính sách sản xuất “make more from less” của hãng. Tuy đạt được nhiều thành tựu vô cùng ấn tượng, IKEA vẫn tiếp tục đặt ra các mục tiêu cao hơn và thiết lập các dự án chiến lược để hướng tới các mục tiêu đó, đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển toàn diện và bền vững. 76
  8. 5. Kết luận Kinh tế tuần hoàn đề cập đến các hệ thống kinh tế tái tạo nhằm đạt được sự bền vững trong sản xuất và đời sống con người cũng như đối với môi trường. Các chuyên gia đã phát triển nó thành các khung khái niệm khác nhau nhưng vẫn dựa trên các nguyên tắc chung của kinh tế tuần hoàn. Tuy vẫn còn tồn tại những rào cản, thách thức ngăn cản doanh nghiệp ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào hoạt động của mình cũng như sự thiếu sót về mặt chính sách hỗ trợ, rào cản kinh tế, tài chính, kỹ thuật và hành vi của khách hàng, các công ty như Marks & Spencer và IKEA đã tìm ra con đường riêng của mình hoặc hợp tác với các tổ chức khác để vượt qua các rào cản đó và áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn vào hoạt động kinh doanh, đóng góp xây dựng sự bền vững của toàn thế giới. Tài liệu tham khảo 1. Climate Action, 2018, IKEA receives circular economy award - Climate Action, http://www.climateaction.org/news/ikea-receives-circular-economy-award 2. Cox, P, 2018, How Retail Leaders like Marks & Spencer Meet the Challenges of the Circular Economy | Reconomy, https://www.reconomy.com/blog/how-retail-leaders-like-marks-spencer-meet-challenges-circular- economy. 3. Ellen MacArthur Foundation, 2018, Circular Economy Schools of Thought, Schools of thought that inspired the circular economy (ellenmacarthurfoundation.org) 4. Ellen MacArthur Foundation, 2018, What is a Circular Economy?, What is a circular economy? | Ellen MacArthur Foundation 5. Ewijk, S, 2014, Three Challenges to the Circular Economy, https://blogs.ucl.ac.uk/sustainable- resources/2014/03/10/three-challenges-to-the-circular-economy/ 6. Fast Company, 2021, Ikea’s 8 principles for circular design show how to build a business based on reuse, https://www.fastcompany.com/90674372/ikeas-8-principles-for-circular-design-show-how-to-build-a-business- based-on-reuse 7. Green Network, 2023, How IKEA Plans to Transition to a Circular Business Model, https://greennetwork.asia/news/how-ikea-plans-to-transition-to-a-circular-business-model/ 8. Griffiths, G, 2018, Developing Strategic Options, ASB-4413 International Strategic Management, Bangor University 9. IKEA, 2023, IKEA Sustainability Strategy, https://www.ikea.com/global/en/images/IKEA_PPP_updated_2023_20231109_5dce3a2de5.pdf 10. Marks and Spencer, 2018, Waste & Circular Economy, https://corporate.marksandspencer.com/plan- a/business-wide/waste-and-circular-economy. 11. Marks & Spencer, 2022, Supporting the transition to a circular economy: M&S unveils first denim collection as part of the Ellen MacArthur Foundation’s Jeans Redesign Project, https://corporate.marksandspencer.com/media/press-releases/supporting-transition-circular-economy-ms-unveils- first-denim-collection-part. 12. Marks & Spencer, 2023, Half year results for 26 weeks ended 30 September 2023 “Reshaping M&S” strategy delivers strong results, https://corporate.marksandspencer.com/media/press-releases/half-year-results-26-weeks- ended-30-september-2023-reshaping-ms-strategy 13. Marks & Spencer, 2023, Sustainability Report 2023, https://corporate.marksandspencer.com/sites/marksandspencer/files/sustainability-report-2023.pdf 14. Marks & Spencer, 2024, M&S Food invests in price of over 200 products as part of trusted value promise for 2024, https://corporate.marksandspencer.com/media/press-releases/ms-food-invests-price-over-200-products-part- trusted-value-promise-2024 15. Mindtools.com, 2018, Porter's Generic Strategies Choosing Your Route to Success, Porter's Generic Strategies - Choosing Your Route to Success (mindtools.com) 16. Oghazi P. & Mostaghel R, 2018, Circular Business Model Challenges and Lessons Learned – An Industrial Perspective Sustainability. 77
  9. 17. Porter, M, 1979, How Competitive Forces Shape Strategy, Harvard Business Review, https://hbr.org/1979/03/how-competitive-forces-shape-strategy. 18. Reconomy, 2018, How Retail Leaders like Marks & Spencer Meet the Challenges of the Circular Economy, https://www.reconomy.com/2018/02/28/how-retail-leaders-like-marks-spencer-meet-the-challenges-of-the- circular-economy/ 19. Study Corgi, 2022, IKEA Company’s Circular Economy Model, https://studycorgi.com/ikea-companys- circular-economy-model/ 20. Sustainability/Beat, 2024, Ikea reduces climate footprint by 12.7% as resale sales soar, https://www.sustainability-beat.co.uk/2024/01/25/ikea-ingka-group-report/ 21. The Economic Times, 2018, IKEA wins circular economy award at World Economic Forum, https://retail.economictimes.indiatimes.com/news/home-and-decor/ikea-wins-circular-economy-award-at-world- economic-forum/62645777 22. The Guardian, 2012, M&S becomes 'carbon neutral', https://www.theguardian.com/environment/2012/jun/07/marks-spencer-carbon-neutral-sustainability. 23. The Guardian, 2012, M&S: doing the right thing leads to change – for the better, https://www.theguardian.com/sustainable-business/best-practice-exchange/marks-and-spencer-change-better. 24. Wassenhove, L. & Loon, P, 2017, How Companies Can Assess Their Readiness for the Circular Economy, https://knowledge.insead.edu/operations/how-companies-can-assess-their-readiness-for-the-circular-economy- 6856 25. World Economic Forum, 2018, From linear to circular—Accelerating a proven concept, Towards the circular economy: Accelerating the scale-up across global supply chains | World Economic Forum (weforum.org) 26. WRAP, 2018, WRAP and the circular economy, http://www.wrap.org.uk/about-us/about/wrap-and- circular-economy 78
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2