intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nghiên cứu việc đọc tại các thư viện: Thực trạng ở Liên bang Nga

Chia sẻ: Tran Binh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

80
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đọc là một dạng lao động trí óc, rất cần thiết và hữu ích cho mỗi người và cho xã hội. Tài liệu bàn về thực trạng cần sự cần thiết cảu việc đọc sách trong xã hội hiện đại.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nghiên cứu việc đọc tại các thư viện: Thực trạng ở Liên bang Nga

  1. Nghiên cứu việc đọc tại các thư viện: Thực trạng ở Liên bang Nga
  2. Đọc là một dạng lao động trí óc, rất cần thiết và hữu ích cho mỗi người và cho xã hội. Trong xã hội hiện đại, để đáp ứng nhu cầu phát triển các hoạt động giáo dục, khoa học, văn hóa, kinh tế, v.v…, việc đọc sách báo (và các tài liệu khác) với mục đích khai thác, sử dụng thông tin, tri thức, càng ngày càng trở nên cấp thiết. "Con người ngừng tư duy khi ngừng đọc" - Lời phát biểu của Đơni Điđơrô(1) cách đây đã hơn hai thế kỷ, đến nay vẫn còn giá trị như một lời cảnh tỉnh, một lời nhắc nhở, khơi gợi nhiều điều, giúp chúng ta suy ngẫm. Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Ju.P. Melentieva (2007) thì "Phải thừa nhận rằng, đọc (dù là đọc trên giấy, hay trên màn hình) vẫn là quy trình kỹ thuật duy nhất của hoạt động trí tuệ, nhằm khai thác những tri thức mà nhân loại đã tích lũy, theo nghĩa rộng nhất của khái niệm này. Đọc là chiến lược quan trọng nhất trong cuộc sống của bất cứ người nào biết suy nghĩ. Không đọc thì không có giáo dục, không có sự hình thành thế giới quan, không có sự trưởng thành nghề nghiệp, không có sự phát triển về cảm xúc và trí tuệ. Sự đọc thâm nhập vào mọi lĩnh vực và mọi giai đoạn phát triển của cá nhân, từ lúc còn thơ ấu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, và nó quyết định phần lớn sự thành đạt trong cuộc sống. Càng ngày càng có thêm nhiều người nhận thức rằng, đọc sách là một việc phải làm suốt đời"[6]. Đọc cũng là một dạng lao động hàm chứa nhiều đặc điểm, đòi hỏi phải quan tâm nghiên cứu. Với mỗi độc giả, nghiên cứu việc đọc là để tìm ra những cách đọc tốt nhất, giúp đọc nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu, vận dụng có hiệu quả
  3. những điều đã đọc. Trong lĩnh vực thư viện, nghiên cứu việc đọc trước hết là nhằm mục đích tìm hiểu hứng thú và nhu cầu của độc giả, để trên cơ sở đó mà tiến hành đổi mới, hoàn thiện phương pháp công tác, nâng cao chất lượng phục vụ về sách cho bạn đọc, góp phần tạo dựng hình ảnh tốt của thư viện, đảm bảo và nâng cao uy tín của thư viện. Ngoài ra, nghiên cứu việc đọc được tiến hành còn nhằm vào nhiều mục đích khác. Kết quả nghiên cứu việc đọc, trong nhiều trường hợp, đã góp phần không nhỏ vào việc cung cấp những dữ liệu phong phú, những đánh giá xác đáng về trình độ văn hóa, trình độ dân trí của một cộng đồng, một khu vực, có khi cả một quốc gia, v.v… Bởi vậy, hoạt động nghiên cứu việc đọc đã và đang được nhiều nước trên thế giới, như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, v.v… quan tâm thực hiện. Kết quả sơ bộ tìm hiểu cho thấy, về mặt này, Liên bang Nga thể hiện nhiều nỗ lực, thu được những thành tựu đáng kể, đúc kết được những bài học kinh nghiệm quý báu, khả dĩ tham khảo. 1. Quá trình hình thành và phát triển các hoạt động nghiên cứu việc đọc ở Liên bang Nga (LB Nga) So với nhiều nước châu Âu thì ở LB Nga, sự hình thành các nhóm độc giả diễn ra tương đối muộn. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, hoạt động nghiên cứu việc đọc ở đây lại bắt đầu sớm hơn nhiều nước châu Âu. Vấn đề đọc sách ở Nga đã được nghiên cứu từ đầu thế kỷ XIX, nghĩa là cùng một lúc với sự hình thành nhóm độc giả chính ở nước này. Trong những năm đầu sau khi thành lập Thư viện Công cộng Hoàng gia, theo sáng kiến của A.N. Olenhin, Giám đốc Thư viện, những nghiên cứu đầu tiên ở Nga về các
  4. khía cạnh xã hội học của việc đọc đã được tiến hành, và kết quả nghiên cứu đã được nêu rõ trong "Báo cáo" của Thư viện, năm 1817. Nhà thư mục học Nga, N.A. Rubakin nhận định: "Thật kỳ lạ, tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu việc đọc bằng phương pháp thực nghiệm đã được bắt đầu trên đất nước Nga của chúng ta sớm hơn nhiều, so với nước ngoài". Đóng góp lớn nhất vào việc nghiên cứu độc giả ở Nga thế kỷ XIX là N.A. Rubakin (1862- 1946). Ông là một nhà thư mục học nổi tiếng, một nhà thư viện học, thư tịch học, xã hội học, một ký giả, một người truyền bá tri thức khoa học, nhà tổ chức và là nhà lý luận về vấn đề tự học. Lần đầu tiên N.A. Rubakin đã thực hiện việc tập trung nghiên cứu độc giả theo một chương trình riêng. Trong công trình chủ yếu của ông: "Những nghiên cứu về độc giả Nga" (1895), N.A. Rubakin đã nêu rõ đặc điểm việc đọc của những tầng lớp khác nhau trong xã hội Nga, lần đầu tiên ông đã áp dụng quan điểm xã hội học vào việc phân tích vấn đề đọc sách, đã xem xét việc đọc trong mối quan hệ ràng buộc với hoàn cảnh sống và địa vị xã hội của người đọc. Đáng chú ý là những hoạt động nghiên cứu độc giả ở Nga trong giai đoạn kể từ sau Cách mạng XHCN tháng Mười vĩ đại (1917) cho đến cuối những năm 30 của thế kỷ XX. Đó là những năm tháng có nhiều thay đổi cơ bản trong toàn bộ nếp sống của xã hội Nga, những năm tháng hình thành cơ sở của một Nhà nước mới, Nhà nước Xô Viết. Về hoạt động nghiên cứu độc giả, yêu cầu chủ yếu trong giai đoạn này là nghiên cứu tác dụng của việc đọc đối với cá nhân con người. Đọc được xem xét như là một công cụ để tác động vào thế giới nội tâm của con người. Ưu tiên tiến hành các nghiên cứu khía cạnh tâm lý học của việc đọc.
  5. Từ cuối những năm 30 đến cuối những năm 50, hoạt động nghiên cứu việc đọc ở Liên Xô nói chung, và ở Nga nói riêng, hầu như bị gián đoạn bởi nhiều nguyên nhân (Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức, tiếp theo là việc hàn gắn vết thương chiến tranh, việc khôi phục kinh tế, v.v…). Từ đầu những năm 60, hoạt động nghiên cứu việc đọc được khôi phục và tiếp tục phát triển. Vào giữa những năm 60, tại Thư viện Quốc gia Liên Xô mang tên V.I. Lênin (nay là Thư viện Quốc gia Nga) đã thành lập Ban Xã hội học Sách và Đọc sách, với nhiệm vụ chuyên nghiên cứu việc đọc. Trong giai đoạn này đã xuất hiện những công trình nghiên cứu đầu tiên của những cán bộ mà ngày nay đã là những nhà khoa học có tên tuổi, như V.Đ. Stelmakh, M.G. Khanin, M.Đ. Afanasiev, I.N. Belenskaja, M.Đ. Smorođinskaja, v.v… Đã thực hiện một loạt công trình nghiên cứu quy mô lớn, tập trung, được Nhà nước hỗ trợ, như: "Độc giả Liên Xô", sách chuyên khảo, xuất bản (xb) năm 1968; "Sách và việc đọc trong đời sống những thành phố nhỏ", sách chuyên khảo, xuất bản năm 1973; "Sách và việc đọc trong đời sống nông thôn Liên Xô", sách chuyên khảo, xuất bản năm 1978, v.v… Tiếp theo Thư viện Quốc gia Liên Xô mang tên V.I. Lênin, nhiều thư viện lớn khác cũng bắt đầu thành lập trong cơ cấu tổ chức của họ những phòng (hoặc ban) nghiên cứu việc đọc. Những khía cạnh khác nhau của việc đọc được nghiên cứu trong các công trình như: "Sách trong đời sống thanh niên công nhân" (Thư viện Thanh niên Quốc gia Nga, 1966), "Hứng thú đọc sách của thanh niên công nhân Lêningrát" (Trường đại học Văn hóa Quốc gia Lêningrat, 1967). Việc nghiên
  6. cứu vấn đề đọc sách của các chuyên gia được tiến hành trong khuôn khổ đề tài "Thư viện và Thông tin KHKT" (1965-1969, do Thư viện Công cộng Quốc gia mang tên M.E. Xantưcốp- Seđrin chủ trì). Nhiều công trình nghiên cứu tập trung vào vấn đề đọc sách của lứa tuổi thanh niên, như: "Việc đọc của người thợ xây trong các công trường đoàn thanh niên Cômxômôn” (1968-1978), "Độc giả trẻ tuổi-80" (trong công trình này, nghiên cứu việc đọc của học sinh lớp trên của các trường phổ thông trung học, trường kỹ thuật trung cấp, trường kỹ thuật chuyên nghiệp),… Đơn vị tổ chức thực hiện những công trình này là Thư viện Thanh niên Quốc gia Nga. Vào khoảng cuối những năm 80 - đầu những năm 90 của thế kỷ XX, các thư viện ở Nga phải phấn đấu để trụ vững và vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể nào vượt nổi. Sự sụp đổ của Liên Xô đã gây tổn thất và ảnh hưởng quá nặng nề cho mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thư viện. Tiếp theo là cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị kéo dài trong thời kỳ hậu Xô Viết; sự cắt giảm kinh phí hoạt động thư viện; tình trạng đắt đỏ về giá cả sách báo; nhu cầu tinh giản biên chế, v.v… Với ý thức nghề nghiệp và nỗ lực lao động sáng tạo, đội ngũ cán bộ nhân viên của các thư viện nói chung, trong đó có những người làm công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thư viện, đã trụ vững và vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục thúc đẩy phát triển mọi mặt công tác. Tuy nhiên, do những khó khăn nêu trên, nên việc nghiên cứu độc giả cũng bị thu hẹp một phần đáng kể. Công trình nghiên cứu tập trung cuối cùng là "Việc đọc trong cuộc sống của bạn", do Thư viện Quốc gia Nga ở Mátxcơva và Thư viện Công cộng Quốc gia, nay là Thư viện Quốc gia Nga ở Xanh Pêtecbua (viết tắt RNB) phối hợp tổ chức. Đồng thời RNB vẫn
  7. tiến hành việc tập hợp nỗ lực của các chuyên gia giàu kinh nghiệm để nghiên cứu. Trong chừng mực nhất định, việc này đã được thực hiện qua tuyển tập "Chúng ta đọc sách gì?" (1993), được hoàn tất trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu "Việc đọc ở Nga". Trong số những cơ quan, đơn vị tiến hành tích cực nhất việc nghiên cứu vấn đề đọc sách ở Nga trong những năm 90, có thể kể đến Viện nghiên cứu dư luận xã hội LB Nga; Viện Nghiên cứu Văn hóa học; Quỹ "Đọc" mang tên N.A. Rubakin; Thư viện Quốc gia Nga ở Mátxcơva; Thư viện Thanh niên Quốc gia Nga (RGJUB); Thư viện Thiếu nhi Quốc gia Nga (RGĐB),v.v… Kết quả nghiên cứu của các cơ quan này đã được phản ánh khá chi tiết trong các tài liệu chuyên môn nghiệp vụ và trong nhiều tờ báo, tờ tạp chí đương thời. Các tác giả đã phân tích tình hình mới trong việc sử dụng sách, so sánh hiện tại với quá khứ, nêu rõ vai trò của việc đọc như là một yếu tố biểu thị các quá trình văn hóa-xã hội sâu sắc. Xuất hiện những bài nghiên cứu phân tích sự thay đổi tính chất đọc theo quan điểm lịch sử. Các cán bộ Ban Xã hội học Sách và Đọc sách của Thư viện Quốc gia Nga đã tiếp tục nghiên cứu "Quá trình phát triển việc đọc và nhu cầu của độc giả trong các thư viện đại chúng"; Nghiên cứu sự hình thành và phổ biến các sản phẩm sách, mối tương quan giữa cung và cầu trên thị trường sách; phân tích các đặc điểm của việc đọc sách trong gia đình, trong khuôn khổ chương trình "Thư viện và việc đọc sách trong gia đình". Lần đầu tiên đã tiến hành nghiên cứu vấn đề đọc sách báo tôn giáo, nghiên cứu dư luận xã hội đối với các thư viện. Đặc biệt phải kể đến dự án nghiên cứu "Vị trí của các bộ sưu tập tư nhân trong hệ thống phục vụ về sách cho mọi người", tiến hành trong các
  8. năm 1983-1985, bởi Thư viện Quốc gia Liên Xô mang tên V.I. Lênin, phối hợp với Ban Quản lý trung ương Hiệp hội những người yêu sách và sưu tầm sách. Trong nghiên cứu này, đã xác định được mối tương quan của việc đọc trong các thư viện gia đình và thư viện các tổ chức xã hội. Việc nghiên cứu tình hình đọc sách của những độc giả nhỏ tuổi cũng được tiến hành tích cực bởi các phòng Xã hội học đọc sách và Tâm lý học đọc sách của Thư viện Thanh niên Quốc gia Nga và Thư viện Thiếu nhi Quốc gia Nga. Các phòng này đã tự xây dựng chương trình và xác định hệ phương pháp nghiên cứu việc đọc của lứa tuổi thanh niên và thiếu nhi. Trong giai đoạn này cũng đã bắt đầu tiến hành những nghiên cứu quy mô lớn tại các vùng miền, mà trước hết là tại vùng Xibiri, và đã thu được những kết quả đáng kể. Những thành tựu nêu trên đã cung cấp một bức tranh rộng lớn về tình hình đọc sách ở Nga. 2. Những đặc điểm nổi bật trong công tác nghiên cứu việc đọc ở LB Nga Kết quả phân tích các nghiên cứu việc đọc ở Nga cho thấy những đặc điểm dưới đây là đáng chú ý: - Đa phần các nghiên cứu mang tính nhà nước. Bắt đầu từ thời Liên Xô, việc nghiên cứu vấn đề đọc sách được tổ chức thực hiện bởi các cơ quan nhà nước, theo thường lệ, đó là các thư viện lớn. Suốt hơn 40 năm liên tục, đơn vị chủ chốt chịu trách nhiệm tổ chức nghiên cứu vấn đề đọc sách là Ban xã hội học của Thư viện Quốc gia Liên Xô mang tên V.I. Lênin (nay là Thư viện Quốc gia Nga). Những trung tâm nghiên cứu
  9. tương tự cũng được thành lập tại thư viện các nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Các nghiên cứu vấn đề đọc sách cũng được nhiều thư viện tỉnh, thư viện khu vực, thư viện thành phố thực hiện. Hiện tại, tình hình có thay đổi chút ít. Các nghiên cứu được hỗ trợ bởi các quỹ khác nhau (chẳng hạn như Quỹ khoa học nhân văn Nga), các hội, các hiệp hội (như Liên đoàn sách Nga, Hiệp hội đọc sách Nga, Hội thư viện Nga, v.v…). Các nghiên cứu cũng được đặt hàng bởi các nhà xuất bản lớn, và nhiều tổ chức khác. - Các nghiên cứu được đảm bảo chắc chắn về mặt phương pháp luận khoa học. Phần lớn các nghiên cứu việc đọc ở Nga được thực hiện trên cơ sở các chương trình, quan điểm, hệ phương pháp được soạn thảo chặt chẽ, nghiêm túc. Trong nghiên cứu, thường sử dụng một tổ hợp các phương pháp (thăm dò dư luận, thực nghiệm, quan sát, phân tích tư liệu, v.v…), nhờ đó, đảm bảo độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu. - Đối tượng nghiên cứu được xem xét đầy đủ, trên nhiều bình diện khác nhau. Các nhà nghiên cứu xem xét việc đọc trên nhiều mặt, theo nhiều khía cạnh khác nhau: mối tương quan giữa việc đọc trong phạm vi thư viện và đọc ngoài thư viện; vị trí của việc đọc trong cấu trúc thời gian rỗi của những nhóm độc giả khác nhau; vị trí của sách và thư viện trong các kênh thông tin nghe-nhìn; mối tương quan trong việc đọc sách in truyền thống và sách điện tử, trong việc sử dụng thư viện truyền thống và internet; phân tích đặc điểm việc đọc sách chính trị-xã hội, sách khoa học tự nhiên, sách kỹ thuật, sách văn nghệ; phân tích động cơ đọc sách, tiêu chí đánh giá kết quả đọc sách;
  10. nghiên cứu tác dụng của sách so với tác dụng của truyền thanh và truyền hình; nghiên cứu vai trò của thư viện trong việc tổ chức đọc tại nhà, v.v… Những đặc điểm nêu trên đồng thời cũng là những điểm ưu việt của nhiều công trình nghiên cứu việc đọc ở Nga, giúp đảm bảo cho kết quả nghiên cứu đạt chất lượng như mong muốn. 3. Nghiên cứu quốc tế vấn đề đọc sách - Vai trò của LB Nga Vào nửa sau thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học cho rằng cần có những nghiên cứu phối hợp trong phạm vi quốc tế về vấn đề đọc sách, để có thể phân tích so sánh thực trạng việc đọc tại các nước khác nhau. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, những nghiên cứu thuộc loại này đến nay vẫn chưa có nhiều. Năm 1954, một cuộc khảo sát quốc tế với câu hỏi: "Hiện giờ bạn có đọc sách hay không?" được tiến hành tại Mỹ, Canađa, Ôxtrâylia, Anh và Đức. Đây được coi là một bước đi mới trong nhận thức về việc đọc như là một hiện tượng có tính chất chung cho cả thế giới. Những nhà nghiên cứu tiến hành cuộc khảo sát này đã có được những điều kiện để so sánh các chỉ số đọc sách trong các nước khác nhau, để phân tích thực trạng, tìm nguyên nhân của những dị biệt, rút ra những kết luận. Trong những năm 70, Tiểu ban ĐỌC SÁCH của Hiệp hội Thư viện Quốc tế (IFLA), một tiểu ban do V.Đ. Stelmakh (Nga) có sáng kiến đề nghị thành lập, và sau đó, là người trực tiếp phụ trách (từ 1993-1997), đã tiến hành một đợt khảo sát quốc tế về việc đọc của lứa tuổi thiếu nhi, bao gồm 26 nước tham gia. Cuộc khảo sát này đã góp phần giải quyết nhận thức về việc nghiên cứu
  11. vấn đề đọc sách như là một vấn đề nghề nghiệp chung của toàn thế giới. Cũng vào những năm tháng đó, riêng ở Liên Xô cũng đã tiến hành những nghiên cứu quốc tế về việc đọc, với sự tham gia của các nước mà thời đó được gọi là nước anh em, như: Ba Lan, Hungari, CHDC Đức, v.v… Như vậy, các nhà khoa học Nga đã góp phần đáng kể vào hoạt động nghiên cứu việc đọc trong phạm vi quốc tế. Kết luận Trên đây là một vài nét chủ yếu về thực trạng công tác nghiên cứu việc đọc tại Liên bang Nga. Tác giả bài viết xin nhấn mạnh mấy điểm dưới đây, để kết luận bài tổng quan tuy đã khá dài, mà vẫn còn nhiều điều chưa nói hết: - Hoạt động nghiên cứu việc đọc ở Nga có bề dày lịch sử từ xa xưa, đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong quá trình phát triển, và đã thu được những thành tựu đáng kể. - Qua nghiên cứu, các nhà khoa học Nga đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý thuyết đọc sách, đã phân tích đặc điểm việc đọc của những nhóm độc giả khác nhau, trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, đã xem xét đặc điểm sử dụng các loại nguồn tin, bao gồm cả nguồn tin truyền thống và nguồn tin điện tử. - Hoạt động nghiên cứu việc đọc ở Nga được thực hiện bởi các thư viện, chủ yếu là các thư viện lớn. Vai trò chủ chốt thuộc về Thư viện Quốc gia Nga ở Mátxcơva, tiếp theo là RNB, Thư viện Thanh niên Quốc gia Nga và Thư viện Thiếu nhi Quốc gia Nga. Đồng thời loại hoạt động này cũng được thực hiện
  12. bởi một số đơn vị hữu quan, như Viện nghiên cứu dư luận xã hội Liên bang Nga, Quỹ "Đọc" mang tên N.A. Rubakin, Viện nghiên cứu văn hóa học, v.v… TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Fonotov G.P. Pechatnaja prođukxhija sovre- mennom mire // Biblioteka. - 2000. - No.7. - tr. 8-10. 2. Guseva E.N. Innovaxhii i sovremennoe sosto- janie bibliotekh // Bibliotekoveđenie. - 2010. - No.3. - tr. 28-31. 3. Leonchikov V.E. Informaxhionno - psikho- logicheskaja bezopasnost' lichnosti: bibliotekoveđcheskiy aspekt // Nauch. i tekhn. b-ki. - 2008. - No.12. - tr. 60-69. 4. Manilova Tat'jana. O konxhepxhii programmư razvitija bibliotechnogo đela v Rossiyskoy Feđeraxhii đo 2015 gođa // Biblioteka. - 2009. - No.2. - tr. 6-9. 5. Markova T.B. Soxhial'naja i kul'turnaja znachimost' chtenija v informaxhionnom obshestve // Bibliotekoveđenie. - 2010. - No.3. - tr. 61-65. 6. Melent'eva JU. P. Izuchenie chtenija v Rossii i mire // KNIGA : issleđ. i materialư. - M.: Nauka. Sb. 86. Ch. 2. - 2007. - tr. 112-122. 7. Nguyễn Công Phúc. Thư viện Viện Hàn lâm Khoa học Nga // Tạp chí Thông tin & Tư liệu. - 2005. -Số 1. - tr. 24-27.
  13. 8. Nguyễn Công Phúc. GPNTB Nga // Tạp chí Thông tin & Tư liệu. - 1999. - Số 3. - tr. 20-22. (1)Đơni Điđơrô (1713-1748), nhà triết học duy vật chủ nghĩa Pháp nổi tiếng thế kỷ XVIII __________________ Nguyễn Công Phúc Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 6(32) – 2011 (tr.17- 21)
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2